• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 07/03/2002
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 99/1998/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 14 tháng 7 năm 1998

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 30/1998-NĐ-CP
ngày 13 tháng 5 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

 

Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được Quốc hội khoá IX thông qua ngày 10 tháng 5 năm 1997;

Căn cứ Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 1998 qui định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

 

A. PHẠM VI ÁP DỤNG THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP 

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

Theo qui định tại Điều 1, Điều 3 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Điều 1 của Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 1998 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ (gọi chung là cơ sở kinh doanh) dưới đây có thu nhập chịu thuế đều phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp:

1. Các tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ:

Doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kinh doanh và doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích;

Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần;

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Công ty nước ngoài và tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam không theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và các đơn vị hành chính, sự nghiệp có tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;

Hợp tác xã, tổ hợp tác;

Doanh nghiệp tư nhân;

Các tổ chức khác có sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

2. Cá nhân trong nước sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ:

Cá nhân và nhóm cá nhân kinh doanh.

Hộ cá thể.

Cá nhân hành nghề độc lập: Bác sỹ, luật sư, kế toán, kiểm toán, hoạ sỹ, kiến trúc sư, nhạc sỹ và những người hành nghề độc lập khác.

Cá nhân cho thuê tài sản như: Nhà, đất, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị và các loại tài sản khác.

Hộ gia đình, cá nhân nông dân trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, có đầy đủ hai điều kiện: Giá trị sản phẩm hàng hoá trên 90 triệu đồng/năm và thu nhập trên 36 triệu đồng/năm thì phần thu nhập vượt trên 36 triệu đồng/năm phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ví dụ: Một hộ gia đình, cá nhân nông dân có giá trị sản phẩm hàng hoá 150 triệu đồng/năm và có thu nhập là 60 triệu đồng/năm. Hộ gia đình, cá nhân nông dân này phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền thuế là:

(60 triệu đồng - 36 triệu đồng) x 32% = 7,68 triệu đồng

3. Công ty nước ngoài hoạt động kinh doanh thông qua cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Công ty nước ngoài được cọi là có thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua cơ sở thường trú tại Việt Nam trong các trường hợp sau:

a. Công ty đó có tại Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng (trừ văn phòng đại diện thương mại không được phép kinh doanh theo pháp luật Việt Nam), nhà máy, xưởng sản xuất, kho giao nhận hàng hoá, phương tiện vận tải, hầm mỏ, mỏ dầu hoặc khí đốt, địa điểm thăm dò hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên hay các thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc thăm dò tài nguyên thiên nhiên.

b. Công ty đó có tại Việt Nam: địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt hoặc lắp ráp; các hoạt động giám sát xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp.

c. Công ty đó thực hiện việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ tư vấn) ở Việt Nam thông qua nhân viên của công ty hay một đối tượng khác được công ty uỷ nhiệm thực hiện dịch vụ cho một dự án hay nhiều dự án.

d. Công ty đó có tại Việt Nam đại lý môi giới, đại lý hưởng hoa hồng hoặc bất kỳ một đại lý nào khác.

đ. Công ty đó uỷ nhiệm cho một đối tượng tại Việt Nam có thẩm quyền ký kết các hợp đồng đứng tên công ty hoặc không có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên Công ty nhưng có quyền thường xuyên đại diện cho công ty giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

Trong trường hợp Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết có qui định khác về cơ sở thường trú thì thực hiện theo qui định của Hiệp định đó.

4. Cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam như: cho thuê tài sản, cho vay vốn, chuyển giao công nghệ, góp vốn cổ phần, mua cổ phiếu, trái phiếu...

 

II. ĐỐI TƯỢNG KHÔNG THUỘC DIỆN NỘP THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP BAO GỒM:

1. Hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức kinh tế tập thể khác có thu nhập tự hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản.

2. Hộ gia đình, cá nhân nông dân sản xuất nông nghiệp có giá trị sản lượng hàng hoá đến 90 triệu đồng/năm và thu nhập đến 36 triệu đồng/năm.

 

B. CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ THUẾ SUẤT

Căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp qui định tại Điều 6 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là thu nhập chịu thuế và thuế suất.

I. Thu nhập chịu thuế: (tính theo năm dương lịch hoặc năm tài chính) bao gồm thu nhập chịu thuế của hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, kể cả thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở nước ngoài và thu nhập chịu thuế khác.

Theo qui định tại Điều 7 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế

=

Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế

-

Chi phí hợp lý trong kỳ tính thuế

+

Thu nhập chịu thuế khác trong kỳ tính thuế

II. DOANH THU ĐỂ TÍNH THU NHẬP CHỊU THUẾ

Căn cứ vào Điều 3 Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 1998 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền cung ứng dịch vụ (không có thuế giá trị gia tăng) bao gồm cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

Ví dụ: Trên hoá đơn bán hàng của doanh nghiệp A thể hiện:

Giá bán: 100.000 đồng.

Thuế giá trị gia tăng (10%): 10.000 đồng

Giá thanh toán: 110.000 đồng.

Doanh thu doanh nghiệp A được hưởng để tính thu nhập chịu thuế là 100.000 đồng. Còn 10.000 đồng là thuế của Nhà nước.

Nếu cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là giá bên mua thực thanh toán có cả thuế giá trị gia tăng.

Ví dụ: Doanh nghiệp B thuộc đối tượng tính thuế trực tiếp trên giá trị gia tăng. Doanh nghiệp B chỉ được sử dụng hoá đơn thông thường. Trên hoá đơn thông thường phản ánh giá thanh toán là 110.000 đồng thì đây cũng là doanh thu để tính thu nhập chịu thuế.

Một số trường hợp cụ thể, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

1. Đối với hàng hoá bán theo phương thức trả góp là doanh thu của hàng hoá bán tính theo giá bán trả một lần, không bao gồm lãi trả chậm.

2. Đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để trao đổi, biếu, tặng, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế theo giá bán của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương trên thị trường tại thời điểm trao đổi, biếu tặng.

3. Đối với sản phẩm tự dùng, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là chi phí để sản xuất ra sản phẩm đó.

4. Đối với gia công hàng hoá, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là tiền thu về gia công bao gồm cả tiền công, nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác phục vụ cho việc gia công hàng hoá.

5. Đối với hoạt động cho thuê tài sản, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là số tiền thu từng kỳ theo hợp đồng thuê. Trường hợp bên thuê trả trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ số tiền thu được.

6. Đối với hoạt động tín dụng là lãi tiền cho vay phải thu trong kỳ tính thuế.

7. Đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là số tiền phải thu về phí bảo hiểm gốc, phí đại lý giám định, phí nhận tái bảo hiểm, thu hoa hồng tái bảo hiểm và các khoản thu khác.

Trong trường hợp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải qui đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá mua, bán thực tế bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu ngoại tệ.

 

III. CÁC KHOẢN CHI PHÍ HỢP LÝ ĐƯỢC TRỪ ĐỂ TÍNH THU NHẬP CHỊU THUẾ

Căn cứ vào Điều 9 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Điều 4 của Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 1998 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì các khoản chi phí hợp lý liên quan đến thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Khấu hao tài sản cố định sử dụng cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định ban hành kèm theo Quyết định số 1062 TC/QĐ/CSTC ngày 14/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trường hợp Bên Việt Nam tham gia góp vốn pháp định hoặc góp vốn hợp doanh với Bên nước ngoài bằng giá trị quyền sử dụng đất thì việc trích khấu hao phải bảo đảm tính đủ giá trị quyền sử dụng đất và tính từ thời điểm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc hợp doanh bắt đầu đi vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho đến khi kết thúc dự án.

2. Chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá sử dụng vào sản xuất, kinh doanh dịch vụ liên quan đến doanh thu và thu nhập chịu thuế trong kỳ, được tính theo định mức tiêu hao vật tư hợp lý và giá thực tế xuất kho.

Mức tiêu hao vật tư hợp lý:

Giám đốc doanh nghiệp phải xây dựng và duyệt định mức tiêu hao vật tư căn cứ vào định mức tiêu hao vật tư do cấp có thẩm quyền ban hành và tình hình cụ thể của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị thì Tổng giám đốc xây dựng định mức tiêu hao vật tư để trình Hội đồng quản trị phê duyệt.

Kết thúc năm doanh nghiệp phải thực hiện việc quyết toán vật tư bảo đảm không được vượt định mức tiêu hao vật tư đã được duyệt và thông báo cho cơ quan thuế biết.

Giá vật tư thực tế xuất kho, bao gồm:

Giá đối với vật tư mua ngoài gồm: giá ghi trên hoá đơn của người bán hàng (không có thuế giá trị gia tăng) cộng chi phí thu mua như: chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản, phí bảo hiểm, phí hao hụt, tiền thuê kho bãi, phí chọn lọc, tái chế. Nếu là hàng nhập khẩu được cộng thêm thuế nhập khẩu và các khoản phụ thu (nếu có).

Đối với vật tư mua vào dùng để sản xuất sản phẩm mà sản phẩm này không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc chịu thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp thì giá vật tư thực tế xuất kho bao gồm cả thuế giá trị gia tăng.

Giá đối với vật tư tự chế gồm: Giá vật tư thực tế xuất kho cộng với chi phí thực tế phát sinh trong quá trình tự chế.

Giá vật tư thuê ngoài gia công, chế biến gồm: Giá vật tư thực tế xuất kho đem giao gia công cộng với chi phí gia công, chi phí vận chuyển, bốc dỡ từ kho của doanh nghiệp đến nơi gia công và từ nơi gia công về kho của doanh nghiệp.

Giá các loại vật tư và các chi phí gia công chế biến, vận chuyển, bốc xếp, bảo quản, thu mua nói trên phải có hoá đơn, chứng từ theo qui định của Bộ Tài chính. Trường hợp vật tư, hàng hoá là sản phẩm nông sản, lâm sản, thuỷ sản mua trực tiếp của người sản xuất, doanh nghiệp phải lập bản kê ghi rõ họ, tên, địa chỉ người bán, số lượng hàng hoá, đơn giá, thành tiền; giám đốc doanh nghiệp duyệt chi và chịu trách nhiệm trước pháp luât.

3. Chi phí tiền lương, tiền công, tiền ăn giữa ca, các khoản mang tính chất tiền lương, tiền công.

Chi phí tiền lương của doanh nghiệp bao gồm các khoản tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương trả cho người lao động tham gia vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chi phí tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương, tiền công trả cho người lao động đối với từng loại hình doanh nghiệp được xác định như sau:

a. Đối với doanh nghiệp Nhà nước: Về nguyên tắc tiền lương phải theo số thực chi nhưng không vượt quá đơn giá tiền lương do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền duyệt và khối lượng công việc đã hoàn thành.

Về đơn giá tiền lương: được xây dựng căn cứ vào định mức lao động do cơ quan có thẩm quyền ban hành và chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Về tiền lương thực chi phải bảo đảm nguyên tắc tốc độ tăng tiền lương phải thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động.

b. Đối với các doanh nghiệp khác: Tiền lương, tiền công và các khoản mang tính chất tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động được xác định theo một trong số các phương pháp sau:

Nếu doanh nghiệp đã xây dựng được đơn giá tiền lương trên cơ sở định mức lao động và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền duyệt thì tiền lương được tính vào chi phí hợp lý theo số thực chi nhưng không vượt quá đơn giá tiền lương và khối lượng công việc đã hoàn thành như đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Nếu doanh nghiệp đã thực hiện chế độ hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể thì tiền lương, tiền công và các khoản mang tính chất tiền lương, tiền công được xác định theo hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể.

Ngoài các trường hợp nêu trên, tiền lương, tiền công trả cho người lao động được căn cứ vào mức thu nhập bình quân của từng ngành nghề tại địa phương do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.

Cục thuế bàn với cơ quan lao động tỉnh, thành phố căn cứ vào chế độ tiền lương áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước, tình hình giá cả tại địa phương để xác định mức bình quân tiền lương, tiền công và phụ cấp tiền lương, tiền công cho từng ngành nghề tại địa phương trình UBND tỉnh, thành phố quyết định để áp dụng tính thuế trong từng thời kỳ.

Không được tính vào chi phí tiền lương, tiền công các khoản chi phí sau:

Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ cá thể sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Tiền lương, tiền công của các sáng lập viên các Công ty mà họ không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

c. Chi phí tiền ăn giữa ca cho người lao động: do Giám đốc doanh nghiệp quyết định phù hợp với hiệu quả sản xuất kinh doanh nhưng mức chi cho mỗi người không vượt quá mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định đối với công chức nhà nước.

4. Chi phí nghiên cứu khoa học, công nghệ trừ phần kinh phí do Nhà nước hoặc cơ quan quản lý cấp trên hỗ trợ; chi sáng kiến cải tiến; chi bảo vệ môi trường; chi phí cho giáo dục, đào tạo, y tế trong nội bộ doanh nghiệp theo số thực chi nhưng không vượt quá 1,3 lần so với các khoản chi có định mức của Nhà nước. Đối với chi hỗ trợ giáo dục cho bên ngoài như: đóng góp vào quỹ khuyến học, giúp đỡ trường học sinh tàn tật, học sinh không nơi nương tựa... tuỳ theo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng phải có chứng từ hợp pháp.

5. Chi phí dịch vụ mua ngoài:

Điện, nước, điện thoại, giấy, bút, mực, tiền thuê kiểm toán, tiền mua bảo hiểm tài sản phải có chứng từ, hoá đơn theo qui định của Bộ Tài chính.

Đối với khoản chi phí thuê sửa chữa lớn tài sản cố định nhằm khôi phục năng lực của tài sản được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong năm. Nếu chi sửa chữa phát sinh một lần quá lớn thì được phân bổ cho năm sau. Đối với những tài sản cố định đặc thù, việc sửa chữa có tính chu kỳ thì doanh nghiệp được trích trước chi phí sửa chữa lớn vào chi phí sản xuất, kinh doanh trên cơ sở dự toán chi sửa chữa lớn của doanh nghiệp. Nếu khoản trích trước thấp hơn số thực chi sửa chữa thì doanh nghiệp được hạch toán thêm số chênh lệch vào chi phí; nếu cao hơn thì hạch toán giảm chi phí trong năm.

Các khoản chi về mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại... không thuộc tài sản cố định được tính theo phương pháp phân bổ dần vào chi phí kinh doanh.

Tiền thuê tài sản cố định được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo số tiền thực trả căn cứ vào hợp đồng thuê. Trường hợp trả tiền thuê tài sản cố định một lần cho nhiều năm thì tiền thuê được phân bổ dần vào chi phí sản xuất kinh doanh theo năm sử dụng tài sản cố định.

Đối với nhà thầu, chi phí dịch vụ mua ngoài bao gồm cả chi phí trả cho nhà thầu phụ (nếu có).

Chi phí dịch vụ thuê ngoài khác.

Đối với các cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì chi phí dịch vụ mua ngoài không có thuế giá trị gia tăng.

6. Các khoản chi cho lao động nữ theo qui định của pháp luât; chi bảo hộ lao động, chi bảo vệ cơ sở kinh doanh, trích nộp quĩ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn theo chế độ qui định.

Mức trích nộp hình thành quỹ quản lý của Tổng công ty do Hội đồng quản trị Tổng công ty phê duyệt, thông báo, sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính có thẩm quyền.

7. Chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của ngân hàng, của các tổ chức tín dụng theo lãi suất thực tế. Chi trả lãi tiền vay của các đối tượng khác theo lãi suất thực tế, nhưng tối đa không quá tỷ lệ lãi suất trần cùng loại và thời gian vay do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam qui định cho các tổ chức tín dụng.

Các khoản chi phí trả lãi tiền vay để góp vốn pháp định, vốn điều lệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều không được tính vào chi phí hợp lý, để xác định thu nhập chịu thuế.

8. Trích các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng công nợ khó đòi, dự phòng giảm giá chứng khoán tại doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

9. Trợ cấp thôi việc cho người lao động theo chế độ hiện hành.

10. Chi về tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ bao gồm: chi phí bảo quản, chi bao gói, vận chuyển, bốc xếp, thuê kho bãi, bảo hành sản phẩm, hàng hoá.

11. Chi phí quảng cao, tiếp thị, khuyến mại, tiếp tân, khách tiết, chi phí giao dịch, đối ngoại, chi phí hội nghị và các loại chi phí khác phải có chứng từ theo qui định của Bộ Tài chính, gắn với kết quả kinh doanh, không vượt mức khống chế qui định dưới đây:

Các ngành sản xuất, xây dựng vận tải mới thành lập đi vào sản xuất trong 2 năm đầu không quá 7% trên tổng số chi phí đã liệt kê trên, sau đó không quá 5% trên tổng chi phí đã liệt kê trên.

Đối với hoạt động kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ trong 2 năm đầu mới thành lập không quá 7% trên tổng chi phí đã liệt kê trên (trừ giá mua vào của hàng hoá bán ra), sau đó không quá 5% trên tổng chi phí đã liệt kê trên (trừ giá mua vào của hàng hoá bán ra).

Đối với một số ngành ít bị cạnh tranh như: Điện, khí đốt, khai thác và lọc dầu, kinh doanh xăng dầu, Bưu chính viễn thông, hàng không... trong hai năm đầu mới thành lập không quá 5% trên tổng số chi phí đã liệt kê trên (đối với hoạt động thương nghiệp trừ giá mua vào của hàng hoá bán ra), sau đó là 3% trên tổng số chi phí đã liệt kê trên (đối với hoạt động thương nghiệp trừ giá mua vào của hàng hoá bán ra)

Một số trường hợp đặc biệt, khoản chi phí này cần phải có mức khống chế cao hơn so với mức khống chế nêu trên thì phải có sự thoả thuận của Bộ trưởng Bộ Tài chính bằng văn bản nhưng không vượt quá 7% trên tổng chi phí.

12. Các khoản thuế, phí, tiền thuê đất phải nộp có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp) bao gồm:

Thuế xuất khẩu.

Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thuế giá trị gia tăng (đối với cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng).

Thuế môn bài.

Thuế tài nguyên.

Thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Thuế nhà, đất.

Lệ phí đường, phí qua cầu, qua phà, lệ phí sân bay, lệ phí chứng thư...

Tiền thuê đất...

13. Chi phí quản lý kinh doanh do công ty nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú ở Việt Nam theo tỷ lệ giữa doanh thu thu được ở Việt Nam và tổng doanh thu chung của công ty nước ngoài. Công thức phân bổ như sau:

 

Chi phí quản lý kinh doanh do công ty nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam trong thời kỳ tính thuế

 

 

=

Tổng doanh thu của cơ sở thường trú tại Việt Nam trong thời kỳ tính thuế

Tổng doanh thu của công ty nước ngoài trong kỳ tính thuế

 

 

x

Tổng số chi phí quản lý kinh doanh của công ty mẹ nước ngoài

 

14. Một số trường hợp chi phí hợp lý được xác định để tính thu nhập chịu thuế như sau:

a. Trường hợp bên thuê tài sản trả tiền thuê trước cho nhiều năm thì chi phí tạm thời được tính tương ứng với tiền thuê thu được để tính thu nhập chịu thuế như sau:

Khấu hao tài sản cố định tính tương ứng với số năm thu được tiền thuê. Nếu số năm trả tiền thuê bằng hoặc vượt quá thời hạn sử dụng tài sản cố định thì chi phí khấu hao tài sản cố định bằng nguyên giá của tài sản cố định.

Các khoản chi phí khác liên quan đến hoạt động cho thuê được tính theo chi phí hợp lý của năm cho thuê đầu tiên với tổng số năm cho thuê.

Ngoài ra, còn được tính dự phòng thêm 5% tổng các khoản chi phí nêu trên cho các khoản chi phí phát sinh những năm sau mà chưa dự kiến trước được.

Hàng năm cơ sở kinh doanh phải quyết toán các khoản chi phí phát sinh thực tế hợp lý. Nếu khoản tạm tính nêu trên (tính theo năm) lớn hơn chi phí thực tế hợp lý thì phần chênh lệch lớn hơn được đưa vào thu nhập để chịu thuế. Ngược lại, thấp hơn thì phần chênh lệch nhỏ hơn được trừ vào thu nhập chịu thuế của hoạt động khác hoặc được tính vào chi phí hợp lý của năm sau để tính thuế thu nhập doanh nghiệp của năm sau.

Trường hợp cơ sở kinh doanh cho thuê được hưởng ưu đãi miễn thuế, giảm thuế thu nhập trong thời gian đầu hoạt động thì số thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn thuế, giảm thuế tính theo công thức sau:

 

Số thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn thuế, giảm thuế

=

Số thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh thu cho thuê thu tiền trước

Số năm thu tiền trước

x

Thời gian miễn thuế

 

Hai năm giảm thuế được tính bằng một năm miễn thuế.

Ví dụ: Công ty A đầu tư cơ sở hạ tầng cho thuê, có số thuế thu nhập phải nộp của doanh thu thu tiền trước 30 năm là: 1200 triệu đồng. Công ty A được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 3 năm tiếp theo. Như vậy, Công ty A được miễn thuế 3,5 năm (3 năm giảm 50% số thuế phải nộp bằng 1,5 năm miễn). Số thuế Công ty A được miễn, giảm như sau:

x 3,5 năm = 140 triệu đồng

b. Đối với một số hoạt động kinh doanh đặc thù như: kinh doanh bảo hiểm, xổ số... Bộ Tài chính có hướng dẫn riêng về chi phí hợp lý tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

15. Doanh nghiệp không được tính vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế các khoản chi phí sau đây:

a. Các khoản trích trước vào chi phí mà thực tế không chi tiết hết như: chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định; phí bảo hành sản phẩm hàng hoá, công trình xây dựng... trừ trường hợp có văn bản thoả thuận của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

b. Các khoản chi không có chứng từ hoặc chứng từ không hợp pháp (trừ trường hợp quy định về bản kê tại điểm 2 phần này).

c. Các khoản tiền phạt vi phạm luật giao thông, phạt vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, phạt vay nợ quá hạn, phạt vi phạm chế độ kế toán thống kê, phạt vi phạm hành chính về thuế và các khoản phạt khác. Đối với khoản phạt vi phạm hợp đồng kinh tế sau khi bù trừ giữa số thu phạt và số bị phạt, nếu còn dư được đưa vào thu nhập chịu thuế. Ngược lại phải hạch toán vào thu nhập sau thuế.

d. Các khoản chi không liên quan đến doanh thu và thu nhập chịu thuế như: chi về đầu tư xây dựng cơ bản; chi ủng hộ các đoàn thể, tổ chức xã hội và ủng hộ địa phương (trừ trường hợp đã có quy định của Chính phủ cho tính vào chi phí kinh doanh); chi từ thiện và các khoản chi khác không liên quan đến doanh thu, thu nhập chịu thuế.

đ. Các khoản chi do nguồn kinh phí khác đài thọ:

Chi sự nghiệp.

Chi ốm đau, thai sản.

Chi trợ cấp khó khăn thường xuyên, khó khăn đột xuất.

Các khoản chi khác do nguồn kinh phí khác đài thọ.

e. Chi phí không hợp lý khác.

 

IV. CÁC KHOẢN THU NHẬP CHỊU THUẾ KHÁC, BAO GỒM:

1. Chênh lệch về mua, bán chứng khoán.

2. Thu nhập từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản:

a. Thu nhập về cho thuê tài sản.

b. Thu nhập cho sử dụng hoặc quyền sử dụng sở hữu trí tuệ.

c. Thu nhập khác về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.

3. Thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, thanh lý tài sản:

Đối với thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, thanh lý tài sản đưa vào chịu thuế là thu nhập ròng còn lại sau khi đã trừ giá trị (hay giá trị còn lại) của tài sản và các khoản chi phí liên quan đến chuyển nhượng, thanh lý.

4. Toàn bộ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, lãi bán hàng trả chậm. Vì các khoản trả lãi tiền vay đã được hạch toán vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế.

5. Chênh lệch do bán ngoại tệ.

6. Kết dư cuối năm các khoản trích trước không chi hết; kết dư cuối năm các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng công nợ khó đòi, dự phòng giảm giá chứng khoán tại doanh nghiệp.

7. Thu các khoản thu khó đòi đã bù đắp bằng khoản dự phòng nay đòi được.

8. Thu về tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế sau khi đã trừ tiền bị phạt vi phạm hợp đồng.

9. Thu các khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ.

10. Các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của những năm trước bị bỏ sót mới phát hiện ra.

11. Các khoản thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở nước ngoài chưa trừ bất kỳ một khoản thuế thu nhập nào đã nộp ở nước ngoài cho khoản thu nhập đó.

Trường hợp nhận được các khoản thu nhập đã nộp thuế thu nhập ở nước ngoài thì cơ sở kinh doanh phải xác định số thu nhập trước khi nộp thuế thu nhập ở nước ngoài để tính thuế thu nhập theo Luật Thuế thu nhập tại Việt Nam. Khi xác định số thuế thu nhập phải nộp cả năm sẽ được trừ số thuế thu nhập đã nộp ở nước ngoài nhưng số thuế được trừ không vượt quá số thuế thu nhập tính theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cho khoản thu nhập nhận được đó.

Ví dụ 1: Doanh nghiệp A nhận được khoản thu nhập 800 triệu đồng từ nước ngoài. Khoản thu nhập này là thu nhập còn lại sau khi đã nộp thuế thu nhập theo luật nước ngoài: 200 triệu đồng.

Phần thu nhập doanh nghiệp A nhận được từ nước ngoài được tính thuế theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam như sau:

[(800 triệu đồng + 200 triệu đồng) x 32%] = 320 triệu đồng.

Vì doanh nghiệp A đã nộp thuế thu nhập ở nước ngoài 200 triệu đồng nên chỉ phải nộp:

320 triệu đồng - 200 triệu đồng = 120 triệu đồng.

Ví dụ 2: Cũng doanh nghiệp A nêu trên nhận được khoản thu nhập 800 triệu đồng từ nước ngoài. Khoản thu nhập này là thu nhập còn lại sau khi đã nộp thuế thu nhập theo luật nước ngoài là 540 triệu đồng.

Khoản thu nhập của doanh nghiệp A nhận được ở nước ngoài được tính thuế theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam như sau:

(800 triệu đồng + 540 triệu đồng) x 32% = 428,8 triệu đồng.

Doanh nghiệp A chỉ được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài tương đương với số thuế tính theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 428,8 triệu đồng. Nói một cách khác là doanh nghiệp A không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho khoản thu nhập nhận được ở nước ngoài nêu trên.

12. Các khoản thu nhập liên quan đến việc tiêu thụ hàng hoá, cung cấp dịch vụ không tính trong doanh thu như: thưởng giải phóng tàu nhanh, tiền thưởng phục vụ trong ngành ăn uống, khách sạn sau khi đã trừ các khoản chi phí để tạo ra khoản thu nhập đó.

13. Các khoản thu nhập khác như: thu nhập về tiêu thụ phế liệu, phế phẩm sau khi đã trừ chi phí thu hồi và tiêu thụ; quà biếu, quà tặng bằng hiện vật, bằng tiền của các tổ chức, cá nhân tặng cho doanh nghiệp....

14. Cơ sở kinh doanh nhận được thu nhập do cơ sở kinh doanh trong nước nhận góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế chia cho (sau khi đã nộp thuế) thì không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng phải gộp vào phần thu nhập sau thuế để xác định thuế thu nhập bổ sung (nếu có).

Đối với cơ sở kinh doanh sử dụng vốn Nhà nước, được Nhà nước cho phép mang vốn, tài sản của Nhà nước đi góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thu nhập nhận được do góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế phải nộp tiền thu sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước, phần thu nhập còn lại được gộp vào thu nhập sau thuế để xác định thuế thu nhập bổ sung (nếu có).

 

V. THUẾ SUẤT THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

1. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với cơ sở kinh doanh trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam không theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là 32%.

Một số trường hợp được áp dụng như sau:

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dưới đây được áp dụng thuế suất 25% trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1999.

Doanh nghiệp khai thác mỏ, khoáng sản, lâm sản và thuỷ sản;

Doanh nghiệp luyện kim;

Doanh nghiệp sản cuất cơ khí;

Doanh nghiệp sản xuất hoá chất cơ bản, phân bón, thuốc trừ sâu; doanh nghiệp chế biến cao su mủ tươi thành mủ khô;

Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (trừ sản xuất xi măng); - Doanh nghiệp xây dựng (trừ khảo sát, thiết kế, tư vấn; giám sát);

Doanh nghiệp vận tải (trừ vận tải hàng không, vận tải tắc xi).

b. Các cơ sở kinh doanh có thu nhập cao do lợi thế khách quan mang lại như: địa điểm kinh doanh thuận lợi; ngành nghề kinh doanh ít bị cạnh tranh... thì ngoài việc nộp thuế thu nhập theo thuế suất 32%, phần thu nhập còn lại nếu cao hơn 12% giá trị vốn chủ sở hữu hiện có tại thời điểm quyết toán năm thì phần nhập cao hơn đó phải nộp thuế thu nhập bổ sung với thuế suất là 25%.

Ví dụ:

Phần thu nhập còn lại sau khi nộp thuế thu nhập là: 5.200 triệu đồng.

Vốn chủ sở hữu hiện có đến thời điểm quyết toán năm của doanh nghiệp: 34.600 triệu đồng.

Số thuế thu nhập bổ sung phải nộp là:

[5.200 - (34.600 x 12%)] x 25% = 262 triệu đồng.

Tạm thời không thu thuế thu nhập bổ sung đối với các cơ sở kinh doanh sau:

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh được áp dụng thuế suất 25% trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 01/01/1999.

Các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn khuyến khích đầu tư được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi.

Cơ sở sản xuất nếu xuất khẩu trên 50% sản phẩm sản xuất ra hoặc có doanh thu xuất khẩu chiếm trên 50% tổng doanh thu.

c. Đối với các dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

Nếu thuộc các lĩnh vực, ngành nghề được ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 25%.

Nếu dự án đầu tư thuộc lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư, đồng thời đầu tư vào huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi và hải đảo, vùng có khó khăn khác theo quy định của Chính phủ được hưởng mức thuế suất 20%.

Nếu dự án thuộc lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư, đồng thời đầu tư vào huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số ở miền núi cao theo qui định của Chính phủ được hưởng mức thuế suất 15%.

Các dự án đầu tư được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi theo qui định tại điểm này phải đảm bảo đủ các điều kiện như sau:

Có giấy phép đăng ký kinh doanh và hoạt động đúng đăng ký kinh doanh.

Có giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp ghi rõ điều kiện ưu đãi.

Thi hành nghiêm chỉnh chế độ kế toán, hoá đơn chứng từ, đăng ký nộp thuế, kê khai nộp thuế.

Khi các điều kiện ưu đãi không còn do thay đổi nhiệm vụ kinh doanh, chuyển địa điểm kinh doanh, cơ sở kinh doanh không được hưởng mức thuế suất ưu đãi cho cả năm đó nếu điều kiện ưu đãi chấm dứt trong thời gian 6 tháng đầu năm. Trường hợp điều kiện ưu đãi chấm dứt trong thời điểm 6 tháng cuối năm thì bắt đầu từ năm sau, cơ sở kinh doanh không được hưởng thuế suất ưu đãi.

Cơ sở kinh doanh không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kế toán, hoá đơn chứng từ, kê khai hoặc kê khai không đúng các căn cứ tính thuế thì không được hưởng mức thuế suất ưu đãi mà phải nộp thuế hàng tháng theo chế độ khoán doanh thu và tỷ lệ thu nhập chịu thuế. Ngoài ra còn bị phạt vi phạm hành chính về thuế.

2. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh là 25%.

Một số trường hợp được áp dụng thuế suất như sau:

a. áp dụng mức thuế suất 20% trong thời hạn 10 năm, kể từ năm hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với dự án đầu tư có một trong các tiêu chuẩn sau:

Xuất khẩu ít nhất 50% sản phẩm;

Sử dụng từ 500 lao động trở lên;

Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, hải sản;

Sử dụng công nghệ tiên tiến, đầu tư nghiên cứu phát triển.

Sử dụng nguyên liệu, vật tư sẵn có tại Việt Nam; chế biến, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên tại Việt Nam; sản xuất sản phẩm có giá trị nội địa hoá từ 40% trở lên.

b. áp dụng mức thuế suất 15% trong thời hạn 12 năm, kể từ năm hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các dự án đầu tư có một trong các tiêu chuẩn sau:

Xuất khẩu ít nhất 80% sản phẩm.

Đầu tư vào lĩnh vực luyện kim, hoá chất cơ bản, cơ khí chế tạo, hoá dầu, phân bón, sản xuất linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, xe máy. - Xây dựng kinh doanh công trình kết cầu hạ tầng (cầu, đường, cấp thoát nước, điện, bến cảng).

Trồng cây công nghiệp lâu năm.

Đầu tư vào vùng khó khăn khác do Chính phủ quy định (kể cả dự án khách sạn).

Chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam sau khi kết thúc thời hạn hoạt động (kể cả dự án khách sạn).

Các dự án có hai tiêu chuẩn tại điểm a nêu trên.

c. Áp dụng mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm, kể từ năm sản xuất, kinh doanh đối với các dự án:

Xây dựng kết cấu hạ tầng tại vùng khó khăn.

Đầu tư vào miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Trồng rừng.

Các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư khác.

d. Đối với các dự án đầu tư theo hợp đồng BOT, BTO, BT; dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất thì mức thuế suất ưu đãi 20%, 15%, 10% được áp dụng trong thời gian thực hiện dự án.

đ. Các thuế suất nêu tại điểm a, b, c, d khoản này không áp dụng đối với các dự án khách sạn (trừ trường hợp đầu tư vào vùng khó khăn, miền núi, hải đảo; chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam); các dự án tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, cung cấp dịch vụ, thương mại.

e. Thu nhập mà nhà đầu tư nước ngoài thu được do đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (kể cả số thuế thu nhập được hoàn lại và số thu nhập thu được do chuyển nhượng vốn) nếu chuyển ra nước ngoài (hoặc được giữ lại ngoài Việt Nam), để ở Việt Nam nhưng dùng thanh toán công nợ cho Công ty mẹ, chi tiêu cho văn phòng đại diện cho Công ty mẹ tại Việt Nam... đều phải chịu thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài.

Thuế suất thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài áp dụng như sau:

Mức 5%, áp dụng đối với Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn pháp định hoặc vốn hợp doanh từ 10 triệu USD trở lên và áp dụng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước;

Mức 7%, áp dụng đối với Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn pháp định hoặc vốn hợp doanh từ 5 triệu USD đến dưới 10 triệu USD.

Mức 10%, áp dụng đối với Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn pháp định hoặc vốn hợp doanh dưới 5 triệu USD.

h. Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và mức thuế suất thuế chuyển thu nhập ở nước ngoài được ghi vào giấy phép đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp, sau khi có sự thoả thuận của Bộ Tài chính bằng văn bản.

Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được thành lập và hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trước khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực thi hành, được áp dụng theo mức thuế suất ghi trong giấy phép đầu tư cấp trước khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực thi hành.

3. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tiến hành tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí là 50%. Khai thác tài nguyên quí hiếm khác mức thuế suất có thể từ 32% đến 50% thu nhập chịu thuế do Bộ Tài chính quyết định cụ thể đối với các dự án đầu tư của tổ chức, cá nhân trong nước; do cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng phải được sự đồng ý của Bộ Tài chính bằng văn bản.

 

C. ĐĂNG KÝ, KÊ KHAI, NỘP THUẾ, QUYẾT TOÁN THUẾ

I. ĐĂNG KÝ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

1. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm đăng ký thuế thu nhập doanh nghiệp cùng với việc đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng.

2. Các Tổng công ty, các công ty khi đăng ký thuế phải khai rõ cả các đơn vị trực thuộc hạch toán kinh doanh độc lập và các đơn vị trực thuộc hạch toán báo sổ.

Các đơn vị trực thuộc Tổng công ty, công ty hạch toán độc lập hay báo sổ đều phải đăng ký thuế với cơ quan thuế nơi địa phương đơn vị đóng.

3. Các đơn vị hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty, công ty có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế riêng. Các đơn vị hạch toán báo sổ phụ thuộc công ty, tổng công ty chỉ đăng ký thuế tại địa phương, còn không có nghĩa vụ kê khai thuế, nộp thuế tại địa phương. Tổng công ty, công ty có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế phần kinh doanh của mình và của các đơn vị hạch toán phụ thuộc báo sổ.

 

II. KÊ KHAI THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

1. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm kê khai và nộp tờ khai thuế tạm nộp cả năm theo mẫu quy định tại Thông tư này cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý chậm nhất vào ngày 25 tháng 1 hàng năm.

Căn cứ để kê khai là kết quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của năm trước và khả năng kinh doanh của năm tiếp theo.

2. Sau khi nhận được tờ khai, cơ quan thuế kiểm tra, xác định số thuế tạm nộp cả năm và chia ra từng quý để thông báo cho cơ sở kinh doanh tạm nộp thuế.

3. Nếu trong tờ khai, cơ sở kinh doanh không kê khai hoặc kê khai không rõ các căn cứ để xác định số thuế tạm nộp cả năm thì cơ quan thuế có quyền yêu cầu cơ sở kinh doanh giải trình các căn cứ để xác định số thuế tạm nộp cả năm. Trường hợp cơ sở kinh doanh không giải trình hoặc không chứng minh được các căn cứ đã ghi trong tờ khai theo yêu cầu của cơ quan thuế thì cơ quan thuế có quyền ấn định số thuế tạm nộp cả năm.

4. Việc điều chỉnh số thuế thu nhập tạm nộp hàng quý và cả năm chỉ trong trường hợp có sự thay đổi lớn về thu nhập chịu thuế qua thực tế sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm. Cơ sở kinh doanh phải làm đầy đủ hồ sơ đề nghị xin điều chỉnh số thuế tạm nộp cả năm và hàng quý như sau:

Công văn đề nghị điều chỉnh số thuế tạm nộp cả năm trong đó: nêu rõ lý do xin điều chỉnh; số thuế đã tạm nộp trong 6 tháng đầu năm và số thuế sẽ tạm nộp trong 6 tháng cuối năm theo số điều chỉnh.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm bao gồm: bảng cân đối kế toán; kết quả hoạt động kinh doanh; lưu chuyển tiền tệ và bản thuyết minh báo cáo tài chính.

Sau khi xem xét đề nghị của cơ sơ sản xuất, kinh doanh, cơ quan thuế trực tiếp quản lý có thông báo cho cơ sở sản xuất kinh doanh số thuế tạm nộp cả năm (điều chỉnh) và số thuế còn phải nộp trong hai quý cuối năm.

5. Đối với cơ sở kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ, đúng chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ, việc kê khai tính thuế căn cứ vào tỷ lệ thu nhập chịu thuế trên doanh thu và thuế suất như sau:

a. Cơ sở kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ, đúng chế độ kế toán nhưng đã thực hiện bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ có hoá đơn, chứng từ phải kê khai doanh thu và tính thuế hàng tháng theo công thức sau:

Doanh thu x Tỷ lệ (%) thu nhập chịu thuế x Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tờ khai thuế phải nộp cho cơ quan thuế trước ngày 5 của tháng tiếp theo.

b. Hộ kinh doanh chưa thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ mua, bán hàng hoá, dịch vụ thì cơ quan thuế căn cứ vào tình hình kinh doanh của từng hộ ấn định mức doanh thu để tính thu nhập chịu thuế và tính thuế theo công thức:

Doanh thu x Tỷ lệ (%) thu nhập chịu thuế x Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

Việc ấn định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế phải bảo đảm đúng quy trình, công khai, dân chủ.

Tổng cục Thuế hướng dẫn các Cục Thuế xác định tỷ lệ (%) thu nhập chịu thuế trên doanh thu làm căn cứ tính thuế thu nhập phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh và hài hoà giữa các địa phương trong cả nước.

6. Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, nhưng có thu nhập tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có trách nhiệm kê khai và khấu trừ thuế theo công thức:

Số tiền chi trả x Tỷ lệ (%) thu nhập chịu thuế x Thuế suất.

 

III. NỘP THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh tạm nộp thuế hàng quý đầy đủ, đúng hạn theo thông báo thuế của cơ quan thuế.

Thời hạn nộp thuế được ghi trong thông báo nộp thuế chậm nhất không quá ngày cuối quý.

2. Cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ, đúng chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ, tính thuế theo phương pháp tỷ lệ thu nhập chịu thuế trên doanh thu, thời hạn phải nộp thuế như sau:

a. Cơ sở kinh doanh thực hiện việc bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ có hoá đơn, chứng từ, kê khai thuế hàng tháng, nộp thuế đầy đủ theo thông báo hàng tháng của cơ quan thuế. Thời hạn nộp thuế hàng tháng được ghi trong thông báo chậm nhất không quá ngày 25 của tháng tiếp theo.

b. Hộ kinh doanh chưa thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ mua bán hàng hoá, dịch vụ, tính thuế căn cứ vào mức doanh thu ấn định, thời hạn nộp thuế theo thông báo cùng với thuế giá trị gia tăng.

3. Tổ chức, cá nhân ở Việt Nam trả thu nhập cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, có trách nhiệm trừ tiền thuế nộp vào Ngân sách cùng thời điểm với việc chuyển trả tiền cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam không khấu trừ tiền thuế thì phải chịu trách nhiệm nộp thay số tiền thuế cho phía nước ngoài và tiền phạt vi phạm hành chính về thuế theo chế độ hiện hành.

4. Cơ sở kinh doanh buôn chuyến phải kê khai và nộp thuế theo từng chuyến hàng với cơ quan thuế nơi mua hàng trước khi vận chuyển hàng đi cùng với việc kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng.

 

IV. QUYẾT TOÁN THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP.

1. Cơ sở kinh doanh phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế (trừ trường hợp nộp thuế hàng tháng theo tỷ lệ thu nhập chịu thuế tính trên doanh thu và thuế suất). Quyết toán thuế phải thể hiện đầy đủ các chỉ tiêu: Doanh thu tính thuế; chi phí hợp lý; thu nhập chịu thuế; số thuế thu nhập phải nộp; số thuế thu nhập đã tạm nộp trong năm; số thuế thu nhập đã nộp ở nước ngoài cho các khoản thu nhập nhận được từ nước ngoài; số thuế thu nhập nộp thiếu hoặc nộp thừa... theo mẫu quy định kèm theo Thông tư này.

Năm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được tính theo năm dương lịch bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 cùng năm. Trường hợp cơ sở kinh doanh được phép áp dụng năm tính thuế khác với năm tài chính nêu trên thì được quyết toán theo năm tài chính đó.

Đối với cơ sở kinh doanh bị sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản thì vẫn phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế đến thời điểm có quyết định sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản của cơ quan có thẩm quyền.

2. Cơ sở kinh doanh căn cứ vào báo cáo tài chính năm đã được công khai để lên báo cáo quyết toán thuế một cách chính xác trung thực. Nếu cơ quan thuế kiểm tra phát hiện các số liệu trong báo cáo quyết toán thuế không đúng làm giảm số thuế phải nộp thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế, còn bị phạt tiền về khai man thuế, trốn thuế.

Trường hợp báo cáo quyết toán thuế của cơ sở kinh doanh bị sáp nhập, hợp nhất, chia tách, không đúng thì cơ sở kinh doanh mới thụ hưởng số tài sản của cơ sở kinh doanh bị sáp nhập, hợp nhất, chia tách chịu trách nhiệm nộp đủ thuế còn thiếu và tiền phạt vào Ngân sách Nhà nước.

3. Cơ sở kinh doanh phải nộp báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Đối với trường hợp sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản thời gian nộp báo cáo quyết toán thuế là sau 45 ngày, kể từ ngày có quyết định sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản của cơ quan có thẩm quyền.

4. Cơ sở kinh doanh phải nộp số thuế còn thiếu theo báo cáo quyết toán thuế trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quy định phải nộp báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế. Nếu sau 10 ngày không nộp thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế thiếu, còn phải nộp phạt chậm nộp.

5. Việc kiểm tra báo cáo quyết toán thuế do Thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc thủ trưởng cơ quan thuế cấp trên quyết toán.

Trong quá trình kiểm tra quyết toán thuế, nếu phát hiện giá mua, giá bán, chi phí kinh doanh của cơ sở kinh doanh không đúng, cơ quan thuế có quyền xác định lại theo giá cả tại thời điểm mua, bán hàng hoá, bảo đảm thu đúng, thu đủ số thuế thu nhập doanh nghiệp.

Kết thúc kiểm tra, cơ quan thuế phải lập biên bản và kiến nghị biện pháp xử lý. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm thực hiện theo biên bản kiểm tra của cơ quan thuế.

 

V. THỦ TỤC KÊ KHAI, NỘP THUẾ, HOÀN THUẾ CHUYỂN
THU NHẬP RA NƯỚC NGOÀI

1. Thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài được kê khai và nộp theo từng lần chuyển thu nhập ra nước ngoài. Đối với trường hợp doanh nghiệp giữ lại thu nhập ở nước ngoài; thanh toán công nợ cho Công ty mẹ và chi tiêu cho văn phòng đại diện của Công ty mẹ ở Việt Nam thì kê khai và nộp thuế hàng tháng.

2. Trước khi chuyển thu nhập ra nước ngoài hoặc chậm nhất vào ngày 5 tháng sau (đối với trường hợp kê khai và nộp thuế hàng tháng), Nhà đầu tư nước ngoài phải lập tờ khai thuế gửi cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp, đồng thời nộp số thuế theo kê khai vào Kho bạc Nhà nước. Chỉ khi có chứng từ nộp thuế (do Kho bạc giao) Nhà đầu tư nước ngoài mới được làm thủ tục chuyển thu nhập ra nước ngoài.

3. Trường hợp đã nộp thuế nhưng không chuyển thu nhập ra nước ngoài hoặc nộp thừa, Ngân sách Nhà nước sẽ hoàn trả lại số thuế đã nộp. Hồ sơ hoàn trả thuế được gửi về Bộ Tài chính bao gồm:

Công văn đề nghị hoàn lại số thuế nộp thừa trong đó nêu rõ lý do nộp thừa; tên, địa chỉ; số tài khoản của Nhà đầu tư đề nghị hoàn trả thuế.

Bản kê số thuế đã nộp kèm theo các chứng từ đã nộp tiền vào Kho bạc (bản sao) và xác nhận của Kho bạc về số thuế đã nộp (có ghi rõ đã nộp vào Chương, loại, khoản, hạng theo Mục lục Ngân sách).

Xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp về số thuế nộp thừa và kiến nghị xử lý.

4. Hàng năm, chậm nhất là 90 ngày, kể từ khi kết thúc năm tài chính, các nhà đầu tư nước ngoài phải báo cáo cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp về việc sử dụng thu nhập được chia và nộp thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài của năm tài chính đã qua.

 

D. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN THUẾ

1. Cơ quan thuế có nhiệm vụ hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện chế độ đăng ký, kê khai, nộp thuế theo đúng quy định.

Việc đăng ký thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện cùng với việc đăng ký thuế giá trị gia tăng.

Những cơ sở kinh doanh không thực hiện đúng các quy định về đăng ký, kê khai, nộp thuế thì cơ quan thuế có quyền nhắc nhở bằng văn bản; Nếu đã nhắc nhở mà cơ sở vẫn không thực hiện đúng thì có quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

2. Thông báo nộp thuế cho cơ sở kinh doanh đúng thời gian quy định. Thông báo nộp thuế phải gửi tới đối tượng nộp thuế trước ngày phải nộp thuế (được ghi trong thông báo) tối thiểu là 3 ngày.

Nếu quá thời hạn nộp thuế ghi trên thông báo mà cơ sở kinh doanh chưa nộp thì tiếp tục ra thông báo lần 2. Thông báo lần 2 bao gồm cả số tiền thuế chưa nộp và số tiền phạt chậm nộp được quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu cơ sở kinh doanh không chấp hành nộp tiền thuế, tiền phạt theo thông báo lần thứ hai thì cơ quan thuế có quyền áp dụng các biện pháp xử lý quy định tại khoản 4 Điều 24 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu đã thực hiện các biện pháp xử lý trên mà cơ sở kinh doanh vẫn không nộp đủ số tiền thuế, tiền phạt thì cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang các cơ quan pháp luật để xử lý theo pháp luật.

3. Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế của cơ sở kinh doanh bảo đảm thực hiện đúng pháp luật.

4. Xử lý vi phạm hành chính về thuế và giải quyết khiếu nại về thuế.

5. Yêu cầu cơ sở kinh doanh cung cấp sổ kế toán, hoá đơn, chứng từ và hồ sơ tài liệu khác có liên quan đến việc tính thuế, nộp thuế; yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng và tổ chức, cá nhân có liên quan khác cung cấp tài liệu có liên quan đến việc tính thuế và nộp thuế.

6. Lữu giữ và sử dụng số liệu, tài liệu mà cơ sở kinh doanh và đối tượng khác cung cấp theo chế độ quy định.

7. Cơ quan thuế có quyền ấn định thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở kinh doanh trong các trường hợp sau:

a. Cơ sở kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ.

b. Không kê khai hoặc kê khai không đúng căn cứ để tính thuế hoặc không chứng minh được các căn cứ đã ghi trong tờ khai theo yêu cầu của cơ quan thuế.

c. Từ chối việc xuất trình sổ kế toán, hoá đơn, chúng từ và các tài liệu cần thiết liên quan tới việc tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

d. Kinh doanh không có đăng ký kinh doanh mà bị phát hiện.

Cơ quan thuế căn cứ vào tài liệu điều tra về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở kinh doanh ấn định doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế hoặc ấn định thu nhập chịu thuế căn cứ vào thu nhập chịu thuế của cơ sở kinh doanh có cùng ngành nghề và quy mô kinh doanh tương đương với cơ sở kinh doanh bị ấn định thu nhập chịu thuế.

Ngoài biện pháp ấn định nêu trên, cơ quan thuế có thể sử dụng biện pháp xác định thu nhập chịu thuế của cơ sở thường trú của Công ty nước ngoài trên cơ sở doanh thu như sau:

 

Thu nhập chịu thuế trong kỳ của cơ sở thường trú tại Việt Nam

 

=

Tổng doanh thu trong kỳ của cơ sở thường trú tại Việt Nam

Tổng doanh thu trong kỳ của công ty nước ngoài

 

x

Tổng thu nhập trong kỳ của công ty nước ngoài

 

Để thực hiện được biện pháp ấn định thu nhập chịu thuế đối với cơ sở thường trú, công ty nước ngoài có trách nhiệm xuất trình cho cơ quan thuế sổ sách, báo cáo kế toán của công ty đã được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận để làm căn cứ phân bổ thu nhập chịu thuế cho cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Trường hợp cơ sở kinh doanh không đồng ý với mức ấn định thu nhập chịu thuế thì có quyền khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên trực tiếp. Trong khi chờ giải quyết, cơ sở kinh doanh vẫn phải nộp thuế theo mức thuế ấn định.

 

Đ. MIỄN THUẾ, GIẢM THUẾ, HOÀN THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

I. NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC MIỄN THUẾ, GIẢM THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

1. Miễn thuế, giảm thuế đối với cơ sở sản xuất trong nước mới thành lập.

a. Cơ sở sản xuất trong nước mới thành lập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời gian 2 năm tiếp theo. Trường hợp thành lập ở huyện thuộc vùng miền núi, hải đảo và vùng có khó khăn khác thời gian giảm thuế được kéo dài thêm 2 năm.

b. Cơ sở sản xuất mới thành lập thuộc lĩnh vực, ngành nghề được ưu đãi đầu tư được miễn thuế thu nhập hai năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời hạn 3 năm tiếp theo.

c. Cơ sở sản xuất mới thành lập thuộc lĩnh vực, ngành nghề được ưu đãi đầu tư ở những huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số ở miền núi cao được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 4 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời hạn 9 năm tiếp theo.

d. Cơ sở sản xuất mới thành lập thuộc lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư ở những huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 4 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời hạn 7 năm tiếp theo.

e. Cơ sở sản xuất mới thành lập thuộc lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư ở những vùng khó khăn khác được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 3 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời hạn 5 năm tiếp theo.

2. Miễn thuế, giảm thuế cho cơ sở kinh doanh, dịch vụ mới thành lập thuộc ngành nghề, lĩnh vực được ưu đãi đầu tư.

a. Cơ sở kinh doanh, dịch vụ mới thành lập thuộc ngành nghề được ưu đãi đầu tư được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời gian 2 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

b. Cơ sở kinh doanh, dịch vụ mới thành lập thuộc ngành nghề được ưu đãi đầu tư ở những huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số ở miền núi cao được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 2 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời hạn 5 năm tiếp theo.

c. Cơ sở kinh doanh, dịch vụ mới thành lập thuộc ngành nghề được ưu đãi đầu tư ở những huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 2 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời hạn 4 năm tiếp theo.

d. Cơ sở kinh doanh, dịch vụ mới thành lập thuộc ngành nghề được ưu đãi đầu tư ở những vùng khó khăn khác được miễn thuế thu nhập trong 1 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời hạn 3 năm tiếp theo.

Cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ mới thành lập được miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn tại điểm 1, điểm 2 mục I này là những cơ sở mới được thành lập và được cấp giấy phép kinh doanh kể từ ngày Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực thi hành. Những cơ sở đã thành lập trước đây nay chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, đổi tên, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp hoặc đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất, bổ sung mặt hàng, ngành nghề vào giấy phép kinh doanh không thuộc đối tượng được xét miễn thuế, giảm thuế như cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới thành lập. 3. Cơ sở sản xuất trong nước đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập tăng thêm của năm đầu và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tăng thêm do đầu tư mới mang lại của hai năm tiếp theo.

Số thu nhập tăng thêm do đầu tư mới mang lại được xác định bằng chênh lệch giữa thu nhập chịu thuế của năm công trình đầu tư hoàn thành so với thu nhập chịu thuế của năm trước khi đầu tư.

Ví dụ:

Năm 1998 thu nhập chịu thuế của Công ty A là 500 triệu đồng.

Đầu năm 1999 Công ty A hoàn thành công trình mở rộng quy mô sản xuất đưa vào sử dụng. Năm 1999, 2000, 2001, mỗi năm có tổng thu nhập chịu thuế là 800 triệu đồng.

Công ty A được miễn thuế, giảm thuế như sau:

Năm 1999 Công ty A được miễn phần thu nhập chịu thuế là:

800 triệu đồng - 500 triệu đồng = 300 triệu đồng

Năm 2000 và 2001, mỗi năm Công ty A được giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

50% x (800 triệu đồng - 500 triệu đồng) x 32% = 48 triệu đồng

4. Cơ sở kinh doanh trong nước di chuyển đến miền núi, hải đảo và vùng có khó khăn khác được miễn thuế thu nhập 3 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

5. Miễn thuế thu nhập cho phần thu nhập của các cơ sở kinh doanh trong nước như sau:

a. Phần thu nhập từ việc thực hiện các hợp đồng nghiên cứu khoa học.

b. Phần thu nhập từ việc thực hiện các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp.

c. Phần thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật. Đối với cơ sở kinh doanh được xác định là dành riêng cho lao động là người tàn tật phải có đủ các điều kiện sau:

Được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận là cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật (bao gồm cả thương binh, bệnh binh).

Thực hiện nghiêm chỉnh việc mở sổ sách kế toán, sử dụng chứng từ mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo quy định của chế độ hiện hành.

Có giấy phép kinh doanh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

Có từ 10 lao động trở lên, trong đó có 51% lao động là người tàn tật có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền. Số lao động còn lại chủ yếu là thân nhân của người tàn tật, người góp vốn cổ phần và người có trình độ quản lý, chuyên môn, khoa học - kỹ thuật.

Có quy chế hoặc điều lệ hoạt động phù hợp với đối tượng lao động là người tàn tật.

d. Phần thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người tàn tật, người dân tộc thiểu số, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội.

Các hoạt động dạy nghề được xác định là dành riêng cho người tàn tật, người dân tộc thiểu số, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội phải có đủ các điều kiện sau:

Cơ sở dạy nghề của các doanh nghiệp, của các trung tâm dịch vụ việc làm, của các tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 17 Nghị định số 72/CP ngày 31/10/1995; Điều 10 và Điều 13 của Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995; Điều 10 của Nghị định số 90/CP ngày 15/12/1995 của Chính phủ.

Hoạt động đúng ngành nghề ghi trong giấy phép hành nghề hoặc ngành nghề đã đăng ký hoạt động với cơ quan lao động - thương binh và xã hội có thẩm quyền.

Đăng ký nộp thuế đúng theo quy định của pháp luật.

Thực hiện nghiêm chỉnh việc mở sổ sách kế toán, sử dụng chứng từ, hoá đơn theo quy định của chế độ hiện hành.

6. Hộ cá thể sản xuất kinh doanh, dịch vụ được xét miễn thuế, giảm thuế trong các trường hợp sau:

Hộ cá thể sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vừa và nhỏ chưa thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ mua, bán hàng hoá, dịch vụ, tính thuế và nộp thuế trên mức doanh thu ấn định, nếu nghỉ kinh doanh liên tục từ 15 ngày trở lên trong tháng được xét giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp; nếu nghỉ cả tháng thì được xét miễn thuế của tháng đó.

Hộ cá thể sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thu nhập bình quân tháng trong năm dưới mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định đối với công chức Nhà nước được miễn thuế cả năm.

7. Miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh như sau:

Các dự án được áp dụng mức thuế suất 20% trong thời hạn 10 năm kể từ khi hoạt động sản xuất kinh doanh, được miễn thuế 1 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 2 năm tiếp theo.

b. Các dự án được áp dụng mức thuế suất 15% trong thời hạn 12 năm kể từ khi hoạt động sản xuất kinh doanh, được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 2 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 3 năm tiếp theo.

c. Các dự án được áp dụng mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm, kể từ khi hoạt động sản xuất, kinh doanh, được miễn thuế thu nhập trong 4 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 4 năm tiếp theo.

d. Các dự án trồng rừng và các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng tại miền núi, hải đảo và các dự án khác đặc biệt khuyến khích đầu tư được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 8 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

Việc miễn thuế, giảm thuế tại các điểm a, b, c, d nêu trên không áp dụng đối với các dự án khách sạn (trừ trường hợp đầu tư vào miền núi, hải đảo và vùng có khó khăn khác hoặc chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam sau khi kết thúc thời gian hoạt động), các dự án đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, cung cấp dịch vụ, thương mại.

8. Miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các trường hợp sau:

a. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được giảm 20% số thuế thu nhập phải nộp, trừ trường hợp được hưởng thuế suất thuế thu nhập là 10%.

b. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp phần giá trị bằng sáng chế, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật của các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn pháp định.

c. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng phần vốn góp cho các doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

d. Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng phần vốn góp cho các doanh nghiệp Việt Nam khác như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã...

9. Cơ sở kinh doanh trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức thuế tương ứng với số tiền thực chi cho lao động nữ dưới đây:

a. Chi thêm cho công tác đào tạo lại nghề cho chị em nữ công nhân viên, nếu nghề cũ không còn phù hợp để chuyển đổi sang nghề khác theo quy hoạch phát triển của doanh nghiệp.

Khoản chi thêm này bao gồm: học phí đi học (nếu có) + chênh lệch tiền lương ngạch bậc (đảm bảo 100% lương cho người đi học).

b. Chi phí tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho cô giáo dạy ở nhà trẻ, mẫu giáo do doanh nghiệp tổ chức và quản lý. Số cô giáo này được xác định theo định mức do hệ thống giáo dục đào tạo quy định.

c. Chi phí do tổ chức thêm 1 lần khám sức khoẻ trong năm (ngoài số lần khám đã được quy định) chủ yếu là khám bệnh nghề nghiệp, mãn tính hoặc phụ khoa mà nữ công nhân viên mắc phải.

d. Chi bồi dưỡng thêm 1 lần cho người lao động nữ sau khi sinh con lần thứ nhất hoặc lần thứ hai. Mức chi không quá 300.000 đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp ở thành phố, thị trấn, thị xã và không quá 500.000 đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp ở vùng sâu, xa, hải đảo để giúp đỡ người mẹ khắc phục một phần khó khăn do sinh đẻ.

đ. Trong thời gian cho con bú, nếu vì lý do khách quan nào đó mà không về cho con bú, ở lại làm việc cho doanh nghiệp, thì thời gian này được trả theo chế độ phụ cấp làm thêm giờ theo chế độ hiện hành.

Các khoản chi cho lao động nữ nêu trên được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với điều kiện phải có chứng từ thực chi và có chữ ký của người nhận tiền.

Doanh nghiệp sản xuất, xây dựng, vận tải được coi là sử dụng nhiều lao động nữ khi có một trong các điều kiện sau:

a. Doanh nghiệp sử dụng thường xuyên từ 10 đến 100 lao động nữ và có số lao động nữ chiếm từ 50% trở lên so với tổng số lao động có mặt thường xuyên của doanh nghiệp.

b. Doanh nghiệp sử dụng thường xuyên trên 100 lao động nữ và có số lao động nữ từ 30% trở lên so với tổng số lao động có mặt thường xuyên của doanh nghiệp.

Các đơn vị sự nghiệp, cơ quan văn phòng thuộc các Tổng công ty Nhà nước có đủ điều kiện nêu trên nhưng không trực tiếp làm công việc kinh doanh thì không được giảm thuế theo điểm này.

10. Hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài dùng thu nhập được chia để tái đầu tư.

a. Điều kiện được hoàn thuế:

Tái đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư.

Vốn tái đầu tư được sử dụng 3 năm trở lên.

Đã góp đủ vốn pháp định ghi trong giấy phép.

b. Tỷ lệ hoàn thuế thu nhập do tái đầu tư như sau:

100% số thuế đã nộp đối với trường hợp tái đầu tư vào các dự án được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm.

75% số thuế đã nộp đối với trường hợp tái đầu tư vào các dự án được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 15% trong thời hạn 12 năm.

50% số thuế đã nộp đối với trường hợp tái đầu tư vào các dự án được hưởng mức thuế suất 20% trong thời hạn 10 năm.

c. Số thuế thu nhập được hoàn trả cho phần thu nhập tái đầu tư được xác định như sau:

Th

=

L

x S x T

100% - S

 

Trong đó:

Th: Là số thuế được hoàn trả

L: Số thu nhập được chia sau khi đã nộp thuế thu nhập đem tái đầu tư.

S: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ghi trong giấy phép đầu tư.

T: Tỷ lệ hoàn thuế thu nhập.

11. Cơ sở kinh doanh trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau khi quyết toán với cơ quan thuế mà bị lỗ thì được chuyển lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm.

 

II. THỦ TỤC XÉT MIỄN THUẾ, GIẢM THUẾ

Cơ sở kinh doanh thuộc diện được miễn thuế, giảm thuế phải gửi hồ sơ cho cơ quan thuế có thẩm quyền theo từng trường hợp như sau:

1. Đối với trường hợp được miễn thuế, giảm thuế theo điểm 1, 2, 4 Mục I Phần Đ, cơ sở kinh doanh chỉ cần làm công văn đề nghị miễn thuế, giảm thuế (trong đó nêu rõ lý do miễn thuế, giảm thuế) gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế. Sau khi kiểm tra các điều kiện được miễn thuế, giảm thuế cơ quan trực tiếp quản lý thu thuế thông báo cho cơ sở kinh doanh biết có đủ điều kiện được miễn thuế, giảm thuế hàng năm.

2. Đối với trường hợp được xét miễn thuế, giảm thuế theo điểm 3 Mục I phần Đ, hồ sơ gồm có:

Công văn đề nghị của cơ sở kinh doanh gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế, trong đó nêu rõ lý do miễn thuế, giảm thuế, kèm theo là những hồ sơ:

Đối với doanh nghiệp Nhà nước là luận chứng đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quyết toán công trình và nguồn vốn xây dựng, mua sắm.

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần là luận chứng đầu tư được Hội đồng quản trị phê duyệt; quyết toán công trình và nguồn vốn xây dựng, mua sắm.

Đối với doanh nghiệp tư nhân là hợp đồng và bản quyết toán hợp đồng xây dựng, lắp đặt máy móc, thiết bị; Trường hợp tự xây dựng phải xuất trình hoá đơn mua vật tư, máy móc thiết bị và thực tế máy móc thiết bị đã được lắp đặt sử dụng.

Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở kinh doanh trước năm đầu tư và năm sau đầu tư xin miễn thuế, giảm thuế.

3. Đối với trường hợp xét miễn thuế theo điểm 5a, mục I Phần Đ, hồ sơ gồm có:

Công văn đề nghị của cơ sở kinh doanh gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế nêu rõ lý do miễn thuế.

Quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền. Nếu là tổ chức tập thể, cá nhân phải có chứng nhận đăng ký hoạt động nghiên cứu khoa học của cơ quan quản lý khoa học tỉnh, thành phố.

Giấy phép kinh doanh.

Hợp đồng nghiên cứu khoa học có xác nhận của cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học đúng thẩm quyền.

Biên bản nghiệm thu hợp đồng.

Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở kinh doanh trong đó phản ánh chi tiết kết quả nghiên cứu khoa học.

4. Đối với trường hợp xét miễn thuế theo điểm 5b, mục I Phần Đ, hồ sơ gồm có:

Công văn đề nghị của cơ sở kinh doanh gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế nêu rõ lý do miễn thuế.

Các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp và biên bản thanh lý hợp đồng.

Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở kinh doanh trong đó có số liệu chi tiết về kết quả thực hiện các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp. 5. Đối với trường hợp xét miễn thuế cơ sở kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật (điểm 5c, mục I Phần Đ), hồ sơ gồm:

Công văn đề nghị của cơ sở kinh doanh gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế nêu rõ lý do miễn thuế.

Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận là cơ sở kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật.

Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở kinh doanh.

6. Đối với trường hợp xét miễn thuế theo điểm 5d, mục I Phần Đ, hồ sơ gồm:

Công văn đề nghị của cơ sở kinh doanh gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế nêu rõ lý do miễn thuế.

Giấy phép đăng ký hoạt động dạy nghề do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cấp.

Giấy xác nhận của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xác nhận cơ sở dạy nghề danh riêng cho người tàn tật, người dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội.

Danh sách các học viên là người tàn tật, người dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội.

Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở dạy nghề.

7. Đối với trường hợp miễn thuế, giảm thuế theo điểm 6, mục I Phần Đ, hồ sơ chỉ có đơn đề nghị của hộ cá thể sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nêu rõ nguyên nhân, lý do miễn thuế, có xác nhận của chính quyền phường, xã. Cơ quan thuế trực tiếp quản lý sau khi thông qua hội đồng tư vấn thuế cùng cấp có thông báo miễn thuế, giảm thuế cho hộ cá thể sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

8. Các trường hợp miễn thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh, cho các nhà đầu tư nước ngoài theo điểm 7, điểm 8 mục I Phần Đ được ghi trong giấy phép đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp sau khi được sự thống nhất của Bộ Tài chính.

9. Đối với trường hợp xét giảm thuế theo điểm 9, mục I Phần Đ, hồ sơ gồm:

Công văn đề nghị của cơ sở kinh doanh nêu rõ lý do giảm thuế.

Bản liệt kê danh sách lao động có mặt thường xuyên của cở sở kinh doanh trong đó có lao động nữ. Bản liệt kê danh sách lao động phải có xác nhận của cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền.

Bản liệt kê các khoản chi phí tăng thêm cho lao động nữ có sự xác nhận, kiểm tra của cơ quan thuế trực tiếp quản lý.

Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở kinh doanh.

10. Hồ sơ hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài dùng thu nhập được chia để tái đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo điểm 10 mục I Phần Đ gồm:

Công văn hoặc đơn xin hoàn thuế thu nhập do tái đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài hoặc người được uỷ quyền. Nội dung đơn phải ghi rõ tên, địa chỉ, số tài khoản của nhà đầu tư hoặc người được uỷ quyền.

Bản cam kết về sử dụng thu nhập để tái đầu tư từ 3 năm trở lên của nhà đầu tư.

Giấy phép đầu tư (bản sao công chứng) hoặc giấy phép điều chỉnh do cơ quan cấp giấy phép đầu tư cấp, trong đó quy định rõ cho phép chủ đầu tư dùng lợi nhuận được chia để tái đầu tư và chủ đầu tư đáp ứng đủ điều kiện được hoàn thuế do tái đầu tư.

Văn bản xác nhận đã góp đủ vốn pháp định của Hội đồng quản trị đối với doanh nghiệp liên doanh hoặc xác nhận của cơ quan kiểm toán đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc bên nước ngoài hợp doanh (bản chính hoặc bản sao công chứng).

Tờ khai về thu nhập tái đầu tư theo mẫu đính kèm Thông tư này.

Các chứng từ đã nộp thuế của doanh nghiệp (bản sao) có xác nhận của Kho bạc Nhà nước về số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp.

Khi nhận được đủ hồ sơ, cơ quan thuế trực tiếp quản lý tiến hành kiểm tra, xác định số thuế đã nộp và tính số thuế được hoàn cho chủ đầu tư, gửi hồ sơ về Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách Nhà nước) để xem xét ra quyết định thoái trả thuế cho nhà đầu tư.

Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Tài chính thông báo quyết định của mình cho nhà đầu tư.

Trường hợp nhà đầu tư đã được hoàn thuế nhưng thực tế không tái đầu tư thì ngoài việc phải nộp trả tiền thuế đã được hoàn còn phải trả lãi tính theo lãi suất tiền gửi ngân hàng và bị xử lý theo pháp luật Việt Nam.

 

III. TRÌNH TỰ VÀ THẨM QUYỀN XÉT MIỄN THUẾ, GIẢM THUẾ

1. Việc xét miễn thuế, giảm thuế được tiến hành hàng năm sau khi cơ sở kinh doanh đã có báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Để giảm bớt khó khăn cho các cơ sở kinh doanh, trong năm được xét miễn thuế, giảm thuế, cơ quan thuế có thể cho tạm miễn thuế, tạm giảm thuế.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế, cơ quan thuế có thẩm quyền giải quyết phải quyết định tạm miễn thuế, giảm thuế hoặc quyết định chính thức miễn thuế, giảm thuế cho cơ sở kinh doanh hoặc thông báo cho cơ sở kinh doanh biết lý do chưa giải quyết, không giải quyết.

3. Thẩm quyền quyết định miền thuế, giảm thuế:

a. Chi cục trưởng Chi cục thuế quyết định miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho hộ cá thể sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc Chi cục quản lý thuế có mức thu nhập bình quân tháng trong năm dưới mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định đối với công chức Nhà nước và trường hợp nghỉ kinh doanh hàng tháng.

b. Cục trưởng Cục thuế quyết định miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc địa phương trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục thuế nêu trên.

Các quyết định miễn thuế, giảm thuế của Chi cục trưởng Chi cục Thuế, Cục trưởng Cục thuế ngoài việc gửi cho cơ sở kinh doanh phải gửi báo cáo Tổng cục Thuế. Mỗi năm, các Cục thuế phải tổng hợp số thuế đã miễn, giảm trên địa bàn (tỉnh, huyện) báo cáo Tổng cục thuế.

 

E. XỬ LÝ VI PHẠM 

I. XỬ LÝ VI PHẠM VỀ THUẾ

Đối tượng nộp thuế vi phạm Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp bị xử lý như sau:

1. Không thực hiện đúng những quy định về chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế thì tuỳ theo tính chất, mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền.

2. Nộp chậm tiền thuế hoặc tiền phạt ghi trong thông báo thuế, lệnh thu thuế hoặc quyết định xử phạt, thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế hoặc tiền phạt theo Luật định, mỗi ngày nộp chậm còn phải nộp phạt bằng 0,1% (một phần nghìn) số tiền chậm nộp.

3. Khai man thuế, trốn thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị phạt tiền từ 1 đến 5 lần số tiền thuế gian lận; trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà còn vi phạm hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

4. Không nộp thuế nộp phạt theo thông báo hoặc quyết định xử lý về thuế thì bị xử lý như sau:

a. Trích tiền gửi của đối tượng nộp thuế tại Ngân hàng, Kho bạc, tổ chức tín dụng để nộp thuế, nộp phạt;

Ngân hàng, Kho bạc, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng nộp thuế để nộp thuế, nộp phạt vào Ngân sách Nhà nước theo quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền trước khi thu nợ.

b. Giữ hàng hoá, tang vật để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt.

c. Kê biên tài sản theo quy định của pháp luật để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt còn thiếu.

Thủ tục, trình tự xử lý tại các điểm a, b, c theo qui định của pháp luật hiện hành.

 

II. THẨM QUYỀN XỬ LÝ VI PHẠM VỀ THUẾ

Cơ quan thuế các cấp khi phát hiện các cơ sở kinh doanh vi phạm về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp phải kiểm tra xác định rõ hành vi vi phạm, lập hồ sơ theo quy định. Căn cứ vào các quy định và mức độ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, cơ quan thuế trong phạm vi thẩm quyền xử phạt vi phạm của từng cấp mà ra quyết định xử phạt hoặc kiến nghị lên cơ quan thuế cấp trên hoặc cơ quan pháp luật xử lý theo thẩm quyền quy định, cụ thể như sau:

1. Thủ trưởng cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế được quyền xử lý đối với các vi phạm của đối tượng nộp thuế quy định tại điểm 1, điểm 2 và xử phạt vi phạm hành chính về thuế quy định tại điểm 3 Mục I Phần E của Thông tư này.

2. Cục trưởng, Chi cục trưởng cơ quan trực tiếp quản lý thu thuế được áp dụng các biện pháp xử lý quy định tại điểm 4 Mục I Phần E của Thông tư này và chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm 3 Mục I phần E của Thông tư này.

 

F. KHIẾU NẠI VÀ THỜI HIỆU

1. Quyền và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế trong việc khiếu nại về thuế:

Theo quy định Điều 28 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đối tượng nộp thuế có quyền khiếu nại về việc cán bộ thuế, cơ quan thuế thi hành không đúng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đơn khiếu nại phải gửi cơ quan thuế phát hành thông báo thuế, lệnh thu hoặc quyết định xử lý. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được lệnh thu hoặc quyết định xử lý. Trong khi chờ giải quyết, đối tượng nộp thuế vẫn phải nộp đủ và đúng thời hạn số tiền thuế, tiền phạt đã thông báo. Nếu đối tượng nộp thuế không đồng ý với quyết định của cơ quan thuế giải quyết khiếu nại, hoặc quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày gửi đơn chưa nhận được ý kiến giải quyết thì đối tượng nộp thuế có quyền khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên hoặc khởi kiện ra toà án theo quy định của pháp luật.

Đối tượng nộp thuế phải thực hiện đúng các thủ tục, trình tự khiếu nại hay khởi kiện theo các quy định pháp luật hiện hành.

2. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thuế trong việc giải quyết khiếu nại về thuế:

Theo quy định tại Điều 29 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ quan thuế các cấp khi nhận được đơn khiếu nại về thuế của đối tượng nộp thuế phải xem xét giải quyết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn. Đối với vụ việc phức tạp, phải điều tra xác minh mất nhiều thời gian, thì cần thông báo cho người khiếu nại biết, nhưng thời gian giải quyết chậm nhất cũng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đơn; nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải chuyển hồ sơ hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Cơ quan thuế kiểm tra phát hiện và kết luận có sự khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẫn về thuế, xử lý phạt thì cơ quan thuế có trách nhiệm truy thu hoặc hoàn trả số tiền thuế, tiền phạt tính không đúng trong thời hạn năm năm về trước, kể từ ngày kiểm tra phát hiện có sự khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẫn về thuế. Trường hợp cơ sở kinh doanh không đăng ký kê khai, nộp thuế thì thời hạn truy thu tiền thuế, tiền phạt từ khi cơ sở kinh doanh bắt đầu hoạt động.

 

G. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1999.

2. Việc giải quyết những tồn tại về thuế, quyết toán thuế, miễn giảm thuế và xử lý các vi phạm về thuế lợi tức trước ngày 01 tháng 01 năm 1999 được thực hiện theo những quy định tương ứng của Luật thuế lợi tức. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế lợi tức và các văn bản quy định về thuế lợi tức trong các văn bản pháp luật khác. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc, các cơ sở kinh doanh, các ngành, các địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn bổ sung./.

 

Mẫu số 1a CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Tổng cục thuế Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

TỜ KHAI THUẾ
THU NHẬP DOANH NGHIỆP

(Năm....)

Tên cơ sở kinh doanh:....................... Mã số thuế....................

Địa chỉ:....................................................................................

Đơn vị tính:

 

Chỉ tiêu:

Thực hiện năm trước

Dự kiến năm nay

 

Thực hiện 9 tháng

Ước quý IV

Ước cả năm

 

1. Tổng doanh thu

 

 

 

 

2. Các khoản giảm trừ

 

 

 

 

+ Chiết khấu bán hàng

 

 

 

 

+ Giảm giá bán hàng

 

 

 

 

+ Giá trị hàng hoá bán bị trả lại

 

 

 

 

3. Doanh thu thuần (1-2)

 

 

 

 

4. Chi phí SX, KD hợp lý.

 

 

 

 

Trong đó:

 

 

 

 

- Khấu hao TSCĐ

 

 

 

 

- Chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liện.

 

 

 

 

- Chi phí tiền lương, tiền công, ăn ca

 

 

 

 

- Các khoản chi phí khác...

 

 

 

 

5. Thu nhập chịu thuế từ hoạt động SX, KD (3-4)

 

 

 

 

6. Thu nhập khác:

 

 

 

 

+ Chênh lệch mua, bán chứng khoán

 

 

 

 

+ Thu nhập từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản

 

 

 

 

+ Thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản

 

 

 

 

+ Lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, lãi bán hàng trả chậm

 

 

 

 

+ Chênh lệch do bán ngoại tệ

 

 

 

 

+ Kết dư các khoản trích trước chi không hết, các khoản dự phòng

 

 

 

 

+ Thu các khoản thu khó đòi nay đòi được

 

 

 

 

+ Thu về tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế

 

 

 

 

+ Thu các khoản nợ phải trả không còn chủ

 

 

 

 

+ Các khoản thu nhập bỏ sót từ những năm trước

 

 

 

 

+ Các khoản thu nhập nhận được từ nước ngoài

 

 

 

 

+ Các khoản thu nhập không tính vào doanh thu

 

 

 

 

+ Các khoản thu nhập khác

 

 

 

 

7. Lỗ năm trước chuyển sang

 

 

 

 

8. Tổng thu nhập chịu thuế (5+6+7)

 

 

 

 

9. Thuế suất cơ bản

 

 

 

 

10. Thuế thu nhập (8 x 9)

 

 

 

 

11. Thu nhập chịu thuế thu nhập bổ sung

 

 

 

 

Trong đó:

 

 

 

 

Thu nhập từ góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế

 

 

 

 

12. Thuế suất thuế bổ sung

 

 

 

 

13. Thuế bổ sung (11 x 12)

 

 

 

 

14. Tổng số thuế (10 + 13)

 

 

 

 

 

Phần thuyết minh của cơ sở kinh doanh về các chỉ tiêu nêu trên. Nguyên nhân tăng, giảm so với năm trước.

Người lập biểu Kế toán trưởng Ngày...tháng...năm 199

(Ký và ghi rõ họ tên) (Ký và ghi rõ họ tên) Giám đốc

(Ký; ghi rõ họ tên; đóng dấu)

Nơi gửi tờ khai:

Cơ quan thuế:

Địa chỉ:

Cơ quan thuế nhận tờ khai:

Ngày nhận:

Người nhận (ký và ghi rõ họ tên)

Mẫu số 1b CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Tổng cục thuế Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

TỜ KHAI THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

Tháng... năm...
(Dùng cho cơ sở kinh doanh kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp tháng)

Tên cơ sở kinh doanh:............. Mã số thuế......

Địa chỉ:.............................................................

Đơn vị tính

STT

Chỉ tiêu

Số tiền

1 Doanh thu tính thuế

 

 

2 Tỷ lệ thu nhập chịu thuế tính trên doanh thu (%)

 

 

3 Thu nhập chịu thuế

 

 

4 Thuế suất thuế TNDN (%)

 

 

5 Số thuế TNDN phải nộp

 

 

Số tiền thuế phải nộp: (ghi bằng chữ......................................................

..............................................................................

Các số liệu trên đây bảo đảm chính xác, trung thực. Nếu cơ quan thuế kiểm tra phát hiện không đúng thực tế, cơ sở sẽ chịu xử phạt vi phạm theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp..... ngày..... tháng... năm....

Người khai

(ký và ghi rõ họ tên)

Nơi gửi tờ khai:

Cơ quan thuế:

Địa chỉ:

Cơ quan thuế nhận tờ khai:

Ngày nhận:

Người nhận (ký và ghi rõ họ tên)

 

Mẫu 2a CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Tổng cục thuế Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

QUYẾT TOÁN THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

Năm 199...

Tên cơ sở kinh doanh:............... Mã số thuế.....

Địa chỉ:............................................

Tel, Fax..............

Năm quyết toán từ ngày... tháng... năm... đến ngày... tháng... năm...

Đơn vị tính

 

Chỉ tiêu

Tổng số tiền

Ghi chú

1. Tổng doanh thu tính thu nhập chịu thuế

 

 

2. Chi phí SX, KD hợp lý

 

 

3. Thu nhập từ hoạt động SX, KD (1 - 2)

 

 

4. Thu nhập khác

 

 

5. Lỗ năm trước chuyển sang

 

 

6. Tổng thu nhập chịu thuế (3 + 4 - 5)

 

 

7. Thuế suất

 

 

8. Thuế thu nhập (6x7)

 

 

9. Thu nhập tính thuế bổ sung

 

 

10. Thuế suất bổ sung

 

 

11. Thuế thu nhập bổ sung

 

 

12. Tổng thuế thu nhập phải nộp (8 + 11)

 

 

13. Thanh toán thuế

 

 

- Năm trước chuyển sang

 

 

[nộp thiếu (+), nộp thừa (-)]

 

 

- Phải nộp năm nay

 

 

- Đã tạm nộp trong năm

 

 

- Trừ thuế đã nộp ở nước ngoài

 

 

- Số còn phải nộp

 

 

 

 

Các số liệu trên đây bảo đảm chính xác, trung thực. Nếu cơ quan thuế kiểm tra phát hiện không đúng thực tế, cơ sở sẽ chịu xử phạt vi phạm theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

...., ngày....tháng...năm 199...

Người lập biểu Kế toán trưởng Giám đốc

(Ký và ghi rõ họ tên) (Ký và ghi rõ họ tên) (Ký và ghi rõ họ tên đóng dấu)

 

Mẫu 2b CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Tổng cục thuế Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

TỜ KÊ KHAI CHI TIẾT DOANH THU, CHI PHÍ,
THU NHẬP NĂM 199...

(Kèm theo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm.....
của cơ sở kinh doanh

Đơn vị tính:

 

Chỉ tiêu

Tổng số tiền

Ghi chú

1. Doanh thu

 

 

a. Doanh thu bán hàng

 

 

b. Doanh thu bán thành phẩm

 

 

c. Doanh thu cung cấp dịch vụ

 

 

2. Các khoản giảm trừ

 

 

a. Chiết khấu bán hàng

 

 

- Chiết khấu hàng hoá

 

 

- Chiết khấu thành phẩm

 

 

- Chiết khấu dịch vụ

 

 

b. Giảm giá bán hàng

 

 

c. Hàng bán bị trả lại

 

 

3. Chi phí sản xuất kinh doanh hợp lý

 

 

- Khấu hao TSCĐ

 

 

- NVL

 

 

- Tiền lương

 

 

- Chi phí khác

 

 

Trong đó:

 

 

+ Lãi tiền vay

 

 

+ Trích các khoản dự phòng

 

 

+ Chi phí quảng cáo

 

 

+ Chi phí khác

 

 

4. Tổng thu nhập từ SX, KD (1-2-3)

 

 

5. Thu nhập khác

 

 

- Chênh lệch mua bán chứng khoán

 

 

- Thu nhập từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản

 

 

- Thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản

 

 

- Lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, lãi bán hàng trả chậm

 

 

- Chênh lệch do bán ngoại tệ

 

 

- Kết dư các khoản trích trước chi không hết, các khoản dự phòng

 

 

- Thu về tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế

 

 

- Thu các khoản thu khó đòi nay đòi được

 

 

- Thu các khoản nợ phải trả không còn chủ

 

 

- Các khoản thu nhập bỏ sót từ những năm trước

 

 

- Các khoản thu nhập nhận được từ nước ngoài

 

 

- Các khoản thu nhập không tính vào doanh thu

 

 

- Các khoản thu nhập khác

 

 

6. Lỗ năm trước chuyển sang

 

 

7. Tổng thu nhập chịu thuế (4+5-6)

 

 

8. Thu nhập chịu thuế thu nhập bổ sung

 

 

Trong đó: Thu nhập từ góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế

 

 

 

Các số liệu trên đây bảo đảm chính xác, trung thực. Nếu cơ quan thuế kiểm tra phát hiện không đúng thực tế, cơ sở sẽ chịu xử phạt vi phạm theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

..., ngày... tháng... năm 199...

Người lập biểu Kế toán trưởng Giám đốc

(Ký và ghi rõ họ tên) (Ký và ghi rõ họ tên) (Ký và ghi rõ họ tên

đóng dấu)

Mẫu số 3 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Tổng cục thuế Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

THÔNG BÁO NỘP THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
QUÝ.... THÁNG... NĂM.....

(Thông báo lần:.......)

Cơ quan thuế:..................... Số:...............................

Tên cơ sở kinh doanh:.................. Mã số thuế......

Địa chỉ:................................................................

Cấp:....... chương........ loại...... khoản....................

Đơn vị: đồng

 

STT

Chỉ tiêu

Thuế thu nhập doanh nghiệp

1

Số thuế kỳ trước chuyển qua

 

 

+ Nộp thiếu:

 

 

+ Nộp thừa

 

2

Số thuế tạm nộp kỳ này

 

3

Tổng số thuế phải nộp kỳ này

 

4

Số tiền phạt chậm nộp

 

5

Tổng số tiền thuế, tiền phạt phải nộp

 

 

Yêu cầu cơ sở nộp số tiền theo thông báo này vào Kho bạc Nhà nước.... tài khoản số.........

Hạn nộp trước ngày....... tháng...... năm............., ngày..... tháng....năm....

Thủ trưởng cơ quan thuế

(Ký và ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Ghi chú: Mẫu thông báo này áp dụng cho đối tượng nộp thuế.

 

Mẫu số 4 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Tổng cục thuế Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

TỜ KHAI LỢI TỨC ĐẦU TƯ

Tên tổ chức, cá nhân nước ngoài:

Địa chỉ tại Việt Nam:

Hoạt động theo Giấy phép đầu tư số...... ngày.......

Tài khoản tiền gửi số......... tại Ngân hàng......

1. Số lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư tại Việt Nam

Cơ sở kinh doanh A:

Năm:

Năm:

Cơ sở kinh doanh B

Năm:

Năm:

Hiện gửi tại tài khoản số...... tại Ngân hàng........

2. Số lợi nhuận đã sử dụng:

Chuyển ra hoặc giữ lại ở nước ngoài:.........

Góp vốn pháp định:...........................

Các mục đích khác (nêu rõ từng mụ...............................................

3. Số lợi nhuận tái đầu tư:....................

4. Thời gian tái đầu tư: từ năm...... đến năm....

5. Văn bản chấp thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư số.... ngày....

6. Số lợi nhuận được chia tái đầu tư vào dự án.......... được cấp Giấy phép số....... ngày.......

7. Mức thuế suất thuế lợi tức của dự án nhận lợi nhuận tái đầu tư.....

8. Số thuế lợi tức đề nghị hoàn trả.........

Chúng tôi cam đoan những lợi khai trên là chính xác với thực tế....., ngày.... tháng... năm....

Người khai

(Ký và ghi rõ họ tên)

Xác nhận của cơ quan thuế:

Số lợi nhuận có thể đem tái đầu tư./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Văn Trọng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.