• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 28/01/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 27/04/2005
BỘ CÔNG NGHIỆP-BỘ NỘI VỤ
Số: 01/1998/TTLT/CN-NV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 13 tháng 1 năm 1998

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn về quản lý kinh doanh cung ứng vật liệu nổ công nghiệp

 

Căn cứ Nghị định 02/CP ngày 5/1/1995 của Chính phủ quy định về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh thương mại và hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thương mại có điều kiện ở thị trường trong nước;

Căn cứ Nghị định 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

Căn cứ Nghị định 17/CP ngày 23/12/1992 của Chính phủ về quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt;

Căn cứ Nghị định 27/CP ngày 20/4/1995 của Chính phủ về quản lý sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Liên Bộ Công nghiệp - Nội vụ hướng dẫn về quản lý, kinh doanh cung ứng vật liệu nổ công nghiệp như sau:

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Vật liệu nổ dùng trong công nghiệp và các mục đích dân dụng khác (gọi tắt là VLNCN) bao gồm: Thuốc nổ và phụ kiện nổ phải là thành phẩm.

Thuốc nổ là loại hoá chất đặc biệt hoặc hỗn hợp các hoá chất đặc biệt mà khi có tác động lý học, hoá học hoặc nhiệt năng đủ liều lượng sẽ gây ra phản ứng hoá học biến hoá chất hoặc hỗn hợp hoá chất đặc biệt đó thành năng lượng nổ và phá huỷ môi trường xung quanh.

Phụ kiện nổ gồm có dây cháy chậm, dây nổ, kíp nổ, mồi nổ và các phụ kiện khác.

2. Thuốc nổ tự chế tạo hoặc lấy từ bom, đạn, mìn chưa qua chế biến và kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm, chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng, không coi là VLNCN.

Các hoá chất, bán thành phẩm để chế biến thành thuốc nổ, bản thân không tự gây ra cháy nổ trong quá trình sản xuất, vận chuyển và bảo quản riêng rẽ, chưa coi là VLNCN.

3. Kinh doanh cung ứng VLNCN bao gồm các hoạt động mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, giao nhận, vận chuyển, lưu giữ và bảo quản VLNCN.

4. Việc kiểm tra, thử và huỷ VLNCN mất phẩm chất thực hiện theo quy phạm an toàn về bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ, các quy định và tiêu chuẩn hiện hành có liên quan.

5. Phạm vi đối tượng: Tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, kể cả các doanh nghiệp, tổ chức của lực lượng vữ trang làm kinh tế, các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài tại Việt nam có hoạt động mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, giao nhận vận chuyển, lưu giữ bảo quản, sản xuất, kinh doanh VLNCN trên lãnh thổ Việt nam (kể cả khu vực chủ quyền của Việt nam) phải thực hiện các quy định về quản lý VLNCN và Thông tư liên tịch này.

6. Các doanh nghiệp chuyên sản xuất, sử dụng VLNCN phải chấp hành theo Nghị định 27/CP ngày 20/4/1995 của Chính phủ, Thông tư số 11 TT/CNCL ngày 13/3/1996 của Bộ Công nghiệp, Nghị định nói trên và Thông tư liên tịch này.

 

II. ĐIỀU KIỆN ĐỂ KINH DOANH CUNG ỨNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

A. Điều kiện về chủ thể kinh doanh.

Chủ thể hoạt động kinh doanh cung ứng VLNCN là những doanh nghiệp Nhà nước có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 02/CP ngày 5/1/1995 do Bộ công nghiệp, Bộ quốc phòng đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cung ứng VLNCN, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh nghề đặc biệt được quy định tại Nghị định 17/CP ngày 23/12/1992 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn này.

B. Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật.

1. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cung ứng VLNCN phải có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết tương ứng với nhiệm vụ, quy mô kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của quy phạm an toàn bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ, các quy định và tiêu chuẩn hiện hành liên quan như: kho tàng bảo quản, phương diện vận tải, thiết bị chuyên dùng, phương tiện bảo vệ, phương tiện phòng chống cháy nổ, phòng chống sét và dòng điện lạc hợp chuẩn.

2. Trong quá trình lựa chọn địa điểm các kho VLNCN phải tuân theo các Pháp lệnh, Nghị định, Quy phạm, Tiêu chuẩn có liên quan đến VLNCN của nhà nước và được các cơ quan có thẩm quyền duyệt.

Việc xây dựng các công trình sản xuất VLNCN (dự án loại A) và các công trình khác có liên quan đến VLNCN phải tuân theo Nghị định 42/CP ngày 16/7/1996 của Chỉnh phủ về việc ban hành điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng, Nghị định 92/CP ngày 23/8/1997 của Chính phủ về việc bổ xung một số điều của điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng; các quy định, quy phạm và tiêu chuẩn hiện hành có liên quan.

3. Điểm xếp dỡ cố định VLNCN ngoài việc phải đáp ứng yêu cầu về an toàn và phòng chống cháy, nổ phải được Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương cho phép. Trường hợp điểm xếp dỡ là bến cảng không thuộc địa phương quản lý còn phải được cơ quan quản lý về giao thông vận tải có thẩm quyền cho phép; nếu địa điểm bốc xếp nằm trong công trường xây dựng, hiện trường khai thác mỏ... thì được coi là là khu vực nổ mìn và phải được sự thoả thuận với Công an, Thanh tra nhà nước về an toàn của địa phương nơi tiến hành nổ mìn (theo Thông tư số 11/CNCL ngày 13/3/1996 của Bộ công nghiệp).

4. Phương tiện vận tải và thiết bị bốc xếp chuyên dùng quy định tại Điều 31 chương IV trong quy chế ban hành kèm theo Nghị định 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ bao gồm: Các loại xe ôtô vận tải, ôtô để vận chuyển và pha trộn thuốc nổ (xe sản xuất lưu động), đầu kéo và xà lan, tầu biển, cần cẩu, cẩu trục... các thiết bị này phải được trang bị các phương tiện phòng chống cháy nổ chuyên dùng.

Các phương tiện vận tải phải được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành và được cơ quan PCCC cấp giấy phép vận chuyển VLNCN.

Cấm vận chuyển VLNCN bằng ôtô tự đổ, rơ moóc do ôtô kéo, ôtô vận chuyển hành khách; ôtô chạy bằng điện, khí và than.

5. Các hộ được phép sử dụng VLNCN, các doanh nghiệp được phép kinh doanh cung ứng VLNCN có thể tự vận chuyển hoặc thuê phương tiện vận chuyển VLNCN bằng đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không của doanh nghiệp khác. Các phương tiện vận chuyển này phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật và an toàn của quy phạm an toàn về bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ và các quy định khác có liên quan.

- Các phương tiện vận tải tham gia vận chuyển VLNCN kể từ thời điểm cơ quan cảnh sát PCCC kiểm tra lập biên bản và xác nhận đủ điều kiện để vận chuyển VLNCN, chủ phương tiện phải có trách nhiệm duy trì đầy đủ các điều kiện an toàn trong suốt quá trình vận chuyển và trong thời hạn ghi trong biên bản (nếu có). Bất cứ thay đổi nào của phương tiện vận chuyển VLNCN ảnh hưởng đến an toàn vận chuyển VLNCN chủ phương tiện và chủ hàng đều phải có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho cơ quan cảnh sát PCCC cấp giấy phép vận chuyển VLNCN biết. Chủ hàng và chủ phương tiện phải chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc bảo đảm điều kiện an toàn của các phương tiện vận chuyển VLNCN.

C. Điều kiện của người kinh doanh, cung ứng VLNCN

1. Lãnh đạo và trưởng phó phòng, ban, cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp có liên quan trực tiếp đến công tác tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển, thử nghiệm, kinh doanh cung ứng VLNCN phải là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, có đủ sức khoẻ, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhất định và có đủ tiêu chuẩn làm nghề kinh doanh đặc biệt theo Nghị định 17/CP ngày 23/12/1992 của Chính phủ và Thông tư số 03/TT-BNV ngày 27/3/1993 của Bộ Nội vụ hướng dẫn Nghị định này.

2. Phải học tập, kiểm tra kiến thức về quản lý kinh doanh cung ứng VLNCN, quy phạm an toàn về bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ, được Bộ Công nghiệp cấp giấy chứng nhận đủ trình độ kinh doanh cung ứng VLNCN.

a) Đối với lãnh đạo Doanh nghiệp:

Giám đốc ít nhất phải có một bằng tốt nghiệp đại học trong các ngành nghề sau: Khai thác mỏ, hoá chất, vũ khí đạn, công nghệ hoá thuốc phóng, thuốc nổ, kỹ sư kinh tế và có đủ tiêu chuẩn viên chức theo quy định của Nhà nước.

Phó giám đốc kỹ thuật nhất thiết phải tốt nghiệp đại học một trong các ngành nghề sau: Khai thác mỏ, hoá chất, vũ khí đạn, công nghệ hoá thuốc phóng, thuốc nổ.

b) đối với cán bộ trưởng, phó phòng, ban của doanh nghiệp: Phải có bằng tốt nghiệp đại học, có đủ tiêu chuẩn viên chức Nhà nước.

Riêng trưởng phòng kỹ thuật, Thanh tra kỹ thuật an toàn, nhất thiết phải là kỹ sư thuộc một trong các ngành nghề sau: Khai thác mỏ, hoá chất, vũ khí đạn, công nghệ hoá thuốc phóng, thuốc nổ.

c) Đối với cán bộ lãnh đạo xí nghiệp, chi nhánh, đại lý, văn phòng đại diện trực thuộc doanh nghiệp: Phải có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trung cấp và có thâm niên công tác từ 5 năm trở lên trong ngành cung ứng VLNCN.

Riêng phó giám đốc kỹ thuật, trưởng phòng kỹ thuật, thanh tra kỹ thuật an toàn, nhất thiết phải là kỹ sư thuộc một trong các ngành nghề sau: Khai thác mỏ, hoá chất, vũ khí đạn, công nghệ hoá thuốc phóng, thuốc nổ.

3. Đối với công nhân viên của doanh nghiệp, xí nghiệp, chi nhánh, đại lý, văn phòng đại diện trực thuộc doanh nghiệp có quan hệ trực tiếp với VLNCN, bao gồm:

Thủ kho và các nhân viên quản lý kho.

Bảo vệ, nhân viên bảo quản trong kho.

Trưởng tàu, công nhân viên điều khiển phương tiện (ôtô, đầu máy, tàu biển, xà lan, cần cẩu...)

Công nhân bốc xếp vận chuyển, nhân viên áp tải.

Công nhân viên thử nghiệm.

Nhân viên cung ứng.

Những công nhân viên trên đây, ngoài việc có bằng cấp về chuyên môn của từng ngành nghề, khi làm công tác liên quan đến VLNCN phải có thêm các giấy tờ sau:

Chứng chỉ đã được học tập và kiểm tra kiến thức về quy phạm kỹ thuật an toàn bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định hiện hành.

Chứng chỉ đã qua lớp huấn luyện và kiểm tra kiến thức PCCC và phòng nổ do cơ quan PCCC thuộc công an Tỉnh, Thành phố hoặc Cục cảnh sát PCCC cấp.

4. Đối với các cán bộ lãnh đạo, quản lý, công nhân viên công tác trong doanh nghiệp kinh doanh cung ứng VLNCN thuộc Bộ Quốc phòng do Bộ Quốc phòng kiểm tra cấp giấy chứng nhận theo a, b, c của điểm 2 nêu trên và gửi bản sao giấy chứng nhận, danh sách trích ngang cho Bộ Nội vụ, Bộ Công nghiệp để phối hợp quản lý.

 

III. QUẢN LÝ VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH

1. Doanh nghiệp kinh doanh cung ứng VLNCN được phép thành lập các xí nghiệp, chi nhánh, đại lý, văn phòng đại diện trong phạm vi cả nước để cung ứng VLNCN trực tiếp đến các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của các chi nhánh, đại lý này và phải sao gửi Bộ Công nghiệp, Bộ Nội vụ văn bản quyết định thành lập để theo dõi quản lý.

2. Các doanh nghiệp, tổ chức chỉ được bán LVNCN cho các doanh nghiệp, tổ chức được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng VLCNC theo Thông tư số 11/TT/CNCL ngày 13/3/1996 của Bộ Công nghiệp, hướng dẫn thực hiện Nghị định 27/CP ngày 20/4/1995 của Chính phủ.

Các doanh nghiệp tổ chức có sử dụng VLNCN trước khi tham gia đấu thầu phải có giấy phép sử dụng VLNCN do Bộ Công nghiệp cấp và giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự do Bộ Nội vụ cấp.

3. Các đơn vị được phép sử dụng VLNCN chỉ được phép mua ở các đơn vị được phép kinh doanh cung ứng VLNCN. Nếu sử dụng không hết hoặc không sử dụng thì chỉ được bán lại cho đơn vị đã bán cho mình, không được bán lại cho bất cứ đối tượng nào khác. Việc mua, bán phải ký kết và thanh lý hợp đồng kinh tế theo đúng quy định của pháp luật. Sau đó đơn vị kinh doanh cung ứng gửi bản sao hợp đồng và thanh lý hợp đồng cho Bộ Công nghiệp, Bộ Nội vụ để kiểm tra, giám sát.

Những trường hợp đặc biệt phải được Bộ Công nghiệp và Bộ Nội vụ xem xét cho phép.

4. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cung ứng VLNCN phải gửi kế hoạch sản xuất kinh doanh cung ứng, xuất khẩu, nhập khẩu, kế hoạch dự trữ quốc gia (đơn vị được phân công) VLNCN về Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ để tổng hợp và cân đối kế hoạch cung ứng VLNCN cho nền kinh tế quốc dân, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, phải gửi về trước ngày 20/8 hàng năm. Sau thời gian đó nếu thay đổi, điều chỉnh kế hoạch doanh nghiệp phải gửi văn bản bổ sung điều chỉnh kế hoạch về Bộ công nghiệp và các Bộ hữu quan. Hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cung ứng VLNCN gửi báo cáo thống kê tình hình sản xuất kinh doanh cung ứng, xuất khẩu, nhập khẩu, tồn kho VLNCN về Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tổng cục thống kê, Bộ Nội vụ, để theo dõi, quản lý.

5. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cung ứng VLNCN phải đảm bảo sản xuất, cung ứng đầy đủ, ổn định về số lượng, đúng chủng loại, chất lượng theo hợp đồng kinh tế đã ký kết. Các doanh nghiệp đã hợp đồng mua VLNCN phải đảm bảo mua hết số lượng đã đặt hàng, trường hợp có thay đổi so với hợp đồng phải có sự thoả thuận của các bên ký hợp đồng. Trong thời hạn 15 ngày sau khi ký hợp đồng hoặc điều chỉnh hợp đồng, các doanh nghiệp kinh doanh cung ứng VLNCN gửi bản sao hợp đồng (kể cả xuất khẩu, nhập khẩu) về Bộ Công nghiệp và Bộ Nội vụ để theo dõi, giám sát.

6. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cung ứng VLNCN phải đăng ký với ban Vật giá Chính phủ về giá bán VLNCN thành phẩm ở địa điểm xuất hành trong từng thời gian.

7. Các doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh cung ứng VLNCN phải thực hiện đăng ký, kê khai nộp thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước theo các luật thuế và chế độ hiện hành. Việc mua bán VLNCN giữa các doanh nghiệp phải có hoá đơn riêng dùng cho VLNCN theo mẫu do Tổng cục thuế ban hành.

8. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cung ứng VLNCN phải có đủ hệ thống sổ sách ghi chép, lưu chứng từ ban đầu, thẻ kho, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, hoá đơn kinh doanh, thống kê đầy đủ mọi hoạt động mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tồn kho, tiêu huỷ VLNCN và phải được bảo quản, lưu trữ theo chế độ quy định. Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo thống kê, kiểm toán, quyết toán theo Pháp lệnh về kế toán thống kê và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp và các loại sổ sách, biểu mẫu báo cáo về quản lý an ninh trật tự trong các cơ sở kinh doanh nghề đặc biệt do Bộ Nội vụ đã hưỡng dẫn.

 

IV- XUẤT NHẬP KHẨU VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

1. Trên cơ sở đảm bảo cung ứng đủ VLNCN cho nền kinh tế quốc dân, hàng năm Bộ Công nghiệp phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Nội vụ và các Bộ hữu quan xem xét đề nghị của các doanh nghiệp kinh doanh cung ứng VLNCN, Tổng hợp và cân đối trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức xuất khẩu, nhập khẩu VLNCN. Bộ Thương mại ra văn bản cho phép các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu VLNCN được nhập khẩu, xuất khẩu VLNCN trên cơ sở hạn mức được Nhà nước cho phép nhập khẩu, xuất khẩu.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra văn bản cho phép xuất khẩu, nhập khẩu VLNCN Bộ Thương mại gửi bản sao văn bản đó cho Bộ Công nghiệp, Bộ Nội vụ để theo dõi, giám sát.

Các doanh nghiệp được phép kinh doanh cung ứng VLNCN muốn xuất khẩu, nhập khẩu phải có tờ trình xin phép xuất khẩu, nhập khẩu VLNCN và có giải trình nêu rõ yêu cầu của khách hàng, hợp đồng kinh tế với các nhà máy sản xuất và đơn vị sử dụng. Các giửi trình và hợp đồng phải gửi về Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/8 hàng năm cùng kế hoạch năm sau. Các doanh nghiệp không nộp đầy đủ các giấy tờ coi như không có nhu cầu xuất khẩu, nhập khẩu.

Việc xuất khẩu, nhập khẩu VLNCN phải chấp hành các quy định hiện hành có liên quan của nhà nước về xuất nhập khẩu.

2. Một số nguyên tắc về nhập khẩu VLNCN và nguyên liệu sản xuất VLNCN:

a) VLNCN sản xuất trong nước hoặc gia công chế biến tại Việt Nam đã ổn định về chất lượng, số lượng, chủng loại, an toàn và giá cả không cao hơn danh mục VLNCN được phép sản xuất và sử dụng trong công nghiệp hàng năm; được người sử dụng chấp nhận mua bằng hợp đồng kinh tế thì không được phép nhập khẩu.

b) VLNCN hoặc nguyên liệu để sản xuất VLNCN thành phẩm được phép nhập khẩu là:

Nguyên liệu hoặc thuốc nổ đơn chất để gia công chế biến các loại VLNCN ở trong nước (TNT, Nitơrát amôn tinh khiết dạng hạt xốp, tinh thể và dạng bột chuyên dùng để sản xuất thuốc nổ, các hoá chất để sản xuât phụ kiện nổ...)

VLNCN, hoá chất chưa sản xuất hoặc chế biến được tại Việt Nam nhưng rất cần cho nhu cầu sản xuất xây dựng (thuốc nổ năng lượng cao, có sức công phá mạnh, thuốc nổ địa chấn dùng cho thăm dò và khai thác dầu khí...).

VLNCN tuy được sản xuất chế biến tại Việt Nam nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chủng loại, chất lượng và giá cả với các đơn vị sử dụng VLNCN trong nước.

3. Các doanh nghiệp được phép xuất khẩu, nhập khẩu VLNCN là các doanh nghiệp có đủ điều kiện được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu theo Nghị định 33/CP ngày 19/4/1994 của Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và các quy định của Bộ Thương mại, được Bộ Công nghiệp cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cung ứng VLNCN và Bộ Nội vụ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nghề đặc biệt.

Các trường hợp đặc biệt được Chính phủ Cho phép bằng văn bản và phải chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý VLNCN.

4. Doanh nghiệp được phép xuất khẩu, nhập khẩu VLNCN phải báo cáo kết quả việc thực hiện về số lượng, chủng loại VLNCN xuất nhập khẩu định kỳ hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm theo mẫu quy định và gửi về Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại và Bộ Nội vụ để theo dõi, giám sát.

 

V- THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN
KINH DOANH CUNG ỨNG VLNCN VÀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH NGHỀ ĐẶC BIỆT

1. Trước khi lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cung ứng VLNCN, doanh nghiệp phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nghề đặc biệt theo quy định tại Nghị định số 17/CP ngày 23/12/1992 của Chính phủ và Thông tư số 03/TT ngày 27/3/1993 của Bộ Nội vụ về quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt. 2. Doanh nghiệp, phải lập hồ sơ gửi Bộ Công nghiệp xem xét để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

a) Hồ sơ bao gồm:

Về phía doanh nghiệp

Đơn xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do giám đốc ký tên đóng dấu.

Bản sao (có công chứng) quyết định thành lập doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ kèm danh sách các xí nghiệp, chi nhánh, đại lý, văn phòng đại diện trực thuộc.

Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền thông qua.

Bản sao (có công chứng) quyết định giao vốn của cấp chủ quản, giấy chứng nhận vốn của doanh nghiệp.

Danh sách các phương tiện vận tải chuyên dùng.

Hồ sơ lý lịch của cơ sở thử nghiệm vật liệu nổ (nếu có), giấy chứng nhận của cơ quan tiêu chuẩn - chất lượng - đo lường Nhà nước cấp cho phép hoạt động.

Danh sách toàn bộ cán bộ, lãnh đạo quản lý, công nhân viên có liên quan trực tiếp đến công tác vận chuyển, bảo quản, kinh doanh cung ứng VLNCN của doanh nghiệp.

Bản sao (có công chứng) giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để làm nghề kinh doanh đặc biệt do Bộ Nội vụ cấp.

Giám đốc, phó giám đốc; trưởng phó phòng, ban, thanh tra kỹ thuật an toàn của doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc:

Bản khai lý lịch của cá nhân của chủ doanh nghiệp.

Bản sao bằng cấp tốt nghiệp.

Bản sao giấy chứng nhận kinh doanh cung ứng VLNCN của cá nhân do Bộ Công nghiệp cấp; nếu doạn nghiệp thuốc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế do Bộ Quốc phòng cấp.

b) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Công nghiệp có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện thì cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cung ứng VLNCN, doanh nghiệp phải làm thủ tục xin cấp giấy đăng ký kinh doanh hoặc cấp lại đăng ký kinh doanh.

Trường hợp không đủ điều kiện, Bộ Công nghiệp phải trả lời bằng văn bản.

2. Bộ Công nghiệp phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ kiểm tra hồ sơ và các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh cung ứng VLNCN thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế; nếu đủ điều kiện Bộ Công nghiệp cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

3. Doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phải nộp một khoản lệ phí theo quy định hiện hành của Nhà nước.

 

VI. KIỂM TRA VÀ SỬ LÝ VI PHẠM

1. Căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình, cơ quan Công an, Công nghiệp và Thương Mại kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định tại thông tư này đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh cung ứng VLNCN. Vụ Kế hoạch và Đầu tư Bộ Công nghiệp, Tổng cục CSND (C13) Bộ Nội vụ là cơ quan đầu mối giúp hai Bộ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý VLNCN.

2. Nội dung kiểm tra:

Điều kiện cơ sở vật chất, kĩ thuật.

Điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ của người kinh doanh.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh, hợp đồng kinh tế, hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu, thủ tục hải quan về XNK.

Giá cả mua bán, sổ sách kế toán, hoá đơn chứng từ.

Quy cách, mẫu mã, bao gói VLNCN và trọng lượng sản phẩm.

Thực hiện chế độ báo cáo đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Điều kiện về an ninh trật tự.

3. Xử lý vi phạm:

Mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm quy định về quản lý VLNCN tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, giấy đăng ký kinh doanh và kiểm tra các hoạt động đối với các tổ chức được phép kinh doanh; nếu có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại về vật chất phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cung ứng VLNCN phải chấn chỉnh mọi hoạt động theo đúng những quy định của Thông tư liên tịch này mới được phép sản xuất, kinh doanh cung ứng VLNCN. Các doanh nghiệp không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Thông tư liên tịch này phải tạm đình chỉ hoạt động.

2. Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình, phối hợp cùng Bộ Công nghiệp và Bộ Nội vụ tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này.

3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Thông tư liên Bộ Nội vụ - Mỏ Than số 03 TTLB/NV-MT ngày 11/6/1981. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các ngành, địa phương, đơn vị phản ánh về liên Bộ Công nghiệp - Nội vụ để nghiên cứu giải quyết, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công nghiệp
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nội vụ
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Hoàng Trung Hải

Lê Thế Tiệm

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.