• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 05/03/2016
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 01/2016/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 19 tháng 1 năm 2016

QUYẾT ĐỊNH

Về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai

___________________

 

n cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

a) Quyết định này quy định về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai;

b) Thiên tai quy định tại quyết định này được thực hiện theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai;

c) Thiệt hại do thiên tai gây ra thuộc trách nhiệm của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định tại Điều 30 Luật Phòng, chống thiên tai;

d) Thiệt hại do thiên tai gây ra đối với các Bộ, ngành không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định này; các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiệt hại do thiên tai theo quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy trình hỗ trợ kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.

Điều 2. Căn cứ hỗ trợ

1. Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

2. Báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về thiệt hại do thiên tai gây ra thuộc trách nhiệm khắc phục hậu quả thiên tai của địa phương; nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ của các địa phương; huy động nguồn lực ở địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai (Dự phòng ngân sách địa phương; Quỹ phòng, chống thiên tai; nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật); đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai.

3. Dự phòng ngân sách địa phương bố trí dự toán, dự phòng ngân sách địa phương đã sử dụng, dự phòng ngân sách địa phương còn lại đến thời điểm bị thiên tai.

4. Dự phòng ngân sách trung ương còn lại đến thời điểm xét hỗ trợ các địa phương bị thiên tai.

Điều 3. Quy trình hỗ trợ

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các Bộ, ngành liên quan theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai.

b) Báo cáo về dự phòng ngân sách địa phương, dự phòng đã sử dụng và dự phòng còn lại đến thời điểm bị thiên tai gửi Bộ Tài chính.

2. Bộ Tài chính tổng hợp tình hình dự phòng của các địa phương; phân loại nhóm các địa phương về khả năng ngân sách; dự phòng ngân sách trung ương.

3. Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổng hợp thiệt hại, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ của các địa phương đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

4. Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trên cơ sở văn bản đề xuất của Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai và ý kiến của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan.

5. Trường hợp khẩn cấp, Bộ Tài chính thực hiện tạm ứng ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 4. Nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ kinh phí

1. Về hỗ trợ dân sinh, khôi phục cơ sở hạ tầng:

a) Chỉ xem xét hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương đối với những địa phương có mức thiệt hại lớn vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương.

b) Căn cứ tình hình thiệt hại, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục của địa phương; Quỹ phòng, chống thiên tai và nguồn tài chính hợp pháp khác; dự phòng ngân sách địa phương, dự phòng ngân sách trung ương còn lại; việc hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương được phân theo các nhóm sau:

- Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách;

- Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương có điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%;

- Các địa phương còn lại, ngân sách địa phương tự đảm bảo kinh phí.

- Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Về hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai:

Thực hiện theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 và Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai; và các văn bản khác có liên quan. Trường hợp các văn bản trên được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

Điều 5. Về hỗ trợ thiệt hại do nắng nóng, hạn hán

Thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Trường hợp nắng nóng, hạn hán, xảy ra gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, ngân sách địa phương sau khi bố trí lại ngân sách, dự phòng, quỹ dự trữ tài chính vẫn không đủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của các địa phương, đề xuất phương án hỗ trợ gửi Bộ Tài chính. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và ngân sách trung ương Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp, thống kê, đánh giá thiệt hại, kiểm tra kết quả đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Tổng hợp và đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra trong phạm vi cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố số liệu thiệt hại do thiên tai gây ra.

2. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổng hợp tình hình thiệt hại, trong đó xác định thiệt hại do thiên tai gây ra thuộc trách nhiệm khắc phục hậu quả thiên tai của địa phương; nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ của các địa phương, nguồn lực địa phương đã sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai và đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương để hỗ trợ các địa phương.

3. Bộ Tài chính:

a) Theo dõi, tổng hợp tình hình sử dụng dự phòng của các địa phương; dự phòng ngân sách trung ương; thực hiện bổ sung kinh phí kịp thời cho các địa phương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

b) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra tình hình phân bổ, sử dụng kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai của các địa phương; cuối năm, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức kiểm tra kết quả thống kê, đánh giá thiệt hại trong phạm vi quản lý và đề xuất phương án khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Tổng hợp, báo cáo đánh giá tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các Bộ, ngành liên quan; báo cáo sử dụng dự phòng ngân sách địa phương theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quyết định này;

b) Chủ động sử dụng ngân sách địa phương, dự phòng ngân sách địa phương, Quỹ phòng chống thiên tai và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để khắc phục hậu quả ngay sau khi thiên tai xảy ra để ổn định đời sống của nhân dân, khôi phục sản xuất.

c) Chậm nhất 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo bổ sung kinh phí từ Bộ Tài chính; báo cáo bằng văn bản gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tiếp nhận, phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; trong đó có kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

d) Thực hiện phân bổ, quản lý và sử dụng kinh phí được hỗ trợ đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, hiệu quả. Trường hợp kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ sử dụng không hết, không đúng đối tượng và nội dung theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện thu hồi về ngân sách trung ương.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 3 năm 2016.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./

 

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.