• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 27/07/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 20/01/2021
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Số: 131/2015/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 17 tháng 7 năm 2015

NGHỊ QUYẾT

Về việc bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lai Châu

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 11

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân;

Căn cứ Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);

Căn cứ Quyết định số 608/QĐ-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 16/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013 - 2020”;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 163/2012/TTLT-BTC-BYT ngày 08 tháng 10 năm 2012 quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015;

Sau khi xem xét Tờ trình số 923/TTr-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2015 của UBND tỉnh về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo đảm  nguồn lực tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015 -2020” trên địa bàn tỉnh  Lai Châu; Báo cáo thẩm tra số 171/BC-HĐND ngày 06 tháng 7 năm 2015 của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

 

Điều 1. Thông qua nghị quyết về việc bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh Lai Châu như sau:

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Bảo đảm ngân sách nhà nước cho các nhu cầu hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tăng dần qua các năm đến năm 2020;

- Tăng dần tỷ lệ chi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách nhà nước (bao gồm cả nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước ở Trung ương thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia) bảo đảm nhu cầu kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương;

- Bảo đảm trên 50% các doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí đủ để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp;

- Bảo đảm trên 80% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế được chi trả theo quy định vào năm 2020;

- Bảo đảm huy động nguồn viện trợ quốc tế và tăng cường thu từ một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí huy động được theo các quy định hiện hành.

2. Các giải pháp chủ yếu

2.1. Nhóm giải pháp về huy động kinh phí

- Tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước ở Trung ương thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia để cung cấp các dịch vụ thiết yếu và thuốc ARV miễn phí cho bệnh nhân, bảo đảm tính bền vững của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh.

- Tăng cường đầu tư các nguồn ngân sách của tỉnh cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Xác định mục tiêu, nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS là một trong những mục tiêu ưu tiên thực hiện trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tiến tới đưa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thành các hoạt động thường xuyên, liên tục trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

- Tăng cường tìm kiếm, huy động các nguồn tài trợ quốc tế cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

- Huy động sự tham gia đóng góp kinh phí của doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

- Tăng sự chi trả các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn đóng góp của người sử dụng dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Triển khai thu phí tư vấn, khám bệnh; thu phí xét nghiệm sàng lọc HIV; thu phí xét nghiệm khẳng định HIV theo quy định.

- Đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS khi tham gia bảo hiểm y tế. Đẩy mạnh sự tham gia của bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ khám bệnh, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS; cung cấp thuốc ARV và thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS; chi trả chi phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; thanh toán chi phí khám bệnh. Tăng cường vận động và hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế.

- Đẩy mạnh hoạt động bán, tiếp thị xã hội bao cao su, bơm kim tiêm.

- Tăng cường công tác kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và có cơ chế sử dụng nguồn thu từ hoạt động liên quan.

2.2. Nhóm giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí

- Phân bổ nguồn lực hợp lý cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả theo quy định của Nhà nước. Thực hành tiết kiệm chi tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

- Kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực các cơ quan đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến; tăng cường điều phối tập trung và hiệu quả nguồn kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh.

- Xác định các ưu tiên phòng, chống HIV/AIDS theo địa bàn, lĩnh vực, hoạt động, đối tượng để phân bổ kinh phí hợp lý.

- Mở rộng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV được tiếp cận sớm với các dịch vụ này, đặc biệt là người nhiễm HIV có thể tiếp cận sớm các dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.

- Tăng cường công tác quản lý thuốc, sinh phẩm, vật tư của chương trình phòng chống HIV/AIDS.

- Huy động các tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn kinh phí huy động (từ các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, người dân và các nhà tài trợ khác).

3. Kinh phí thực hiện

3.1. Tổng nhu cầu kinh phí: 40.949 triệu đồng.

- Ngân sách Nhà nước:  14.985 triệu đồng. Trong đó:

+ Ngân sách Trung ương: 6.000 triệu đồng.

+ Ngân sách của địa phương: 8.985 triệu đồng.

- Các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác:  25.964 triệu đồng, trong đó:

+ Viện trợ Quốc tế: 13.084 triệu đồng

+ Bảo hiểm y tế: 10.143 triệu đồng

+ Doanh nghiệp tự đảm bảo: 1.561 triệu đồng

+ Người dân tự chi trả: 1.176 triệu đồng

3.2. Tổng kinh phí chi cho các hoạt động: 40.949 triệu đồng, cụ thể:

- Truyền thông: 4.704 triệu đồng;

- Can thiệp giảm tác hại:  4.278 triệu đồng;

- Điều trị HIV/AIDS:  24.314 triệu đồng;

- Giám sát HIV/AIDS: 4.716 triệu đồng;

- Dự phòng lây truyền mẹ con: 2.067 triệu đồng;

- Nâng cao năng lực:  870 triệu đồng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết theo đúng quy định của pháp luật.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 17 tháng 7 năm 2015./.

 

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh

(Đã ký)

 

Giàng Páo Mỷ

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.