• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2017
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 50/2016/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 30 tháng 12 năm 2016

THÔNG TƯ

Quy định thủ tục cấp Giấy phép vận tải biển nội địa cho tàu biển nước ngoài

_____________

 

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về thủ tục cấp Giấy phép vận tải biển nội địa cho tàu biển nước ngoài.

                                                                                                

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về thủ tục cấp Giấy phép vận tải biển nội địa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến tàu biển nước ngoài vận tải biển nội địa.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Tàu biển nước ngoài là tàu biển đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài.

2. Vận tải biển nội địa là việc vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý bằng tàu biển mà địa điểm nhận và địa điểm trả hàng hóa, hành khách, hành lý thuộc vùng biển Việt Nam.

Điều 4. Thẩm quyền cấp Giấy phép vận tải biển nội địa

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép vận tải biển nội địa trong các trường hợp sau đây:

a) Vận chuyển hàng hoá siêu trường, siêu trọng hoặc các loại hàng hoá khác bằng tàu biển chuyên dùng; giải tỏa hàng hóa, hành khách và hành lý bị ách tắc tại cảng khi tàu biển Việt Nam không đủ khả năng vận chuyển;

b) Để phòng chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh hoặc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.

2. Giám đốc Cảng vụ Hàng hải cấp Giấy phép vận tải biển nội địa cho tàu biển nước ngoài vận chuyển hành khách, hành lý từ tàu khách du lịch vào đất liền và ngược lại bằng phương tiện trung chuyển của tàu khách đó.

Điều 5. Thời hạn của Giấy phép vận tải biển nội địa

1. Thời hạn của Giấy phép vận tải biển nội địa là 01 (một) năm được áp dụng đối với các trường hợp như sau:

a) Tàu biển phục vụ 01 (một) cơ sở sản xuất hàng hoá;

b) Loại tàu biển mà đội tàu biển Việt Nam chưa có.

2. Thời hạn của Giấy phép vận tải biển nội địa là 06 (sáu) tháng được áp dụng đối với các loại tàu biển khác không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trong trường hợp doanh nghiệp đề xuất thời hạn cho tàu biển nước ngoài vận tải biển nội địa, thời hạn của Giấy phép vận tải biển nội địa được cấp theo đề nghị của doanh nghiệp nhưng không quá 01 (một) năm đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, không quá 06 (sáu) tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Thời hạn của Giấy phép vận tải biển nội địa theo chuyến được áp dụng đối với tàu biển vận chuyển hành khách, hành lý từ tàu khách du lịch vào đất liền và ngược lại.

Chương II

THỦ TỤC CẤP, THU HỒI GIẤY PHÉP VẬN TẢI BIỂN NỘI ĐỊA CHO TÀU BIỂN NƯỚC NGOÀI

Mục 1

VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA SIÊU TRƯỜNG, SIÊU TRỌNG HOẶC CÁC LOẠI HÀNG HÓA KHÁC BẰNG TÀU BIỂN CHUYÊN DÙNG; GIẢI TỎA HÀNG HÓA, HÀNH KHÁCH VÀ HÀNH LÝ BỊ ÁCH TẮC TẠI CẢNG

Điều 6. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận tải biển nội địa

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận tải biển nội địa bao gồm:

1. Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. 01 (một) bản sao Giấy chứng nhận Đăng ký tàu biển.

3. 01 (một) bộ hồ sơ đăng kiểm tàu biển bao gồm các Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu biển (bản sao) theo quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-BGTVT ngày 16/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về danh mục Giấy chứng nhận và tài liệu của tàu biển, tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động Việt Nam.

4. 01 (một) bản sao có công chứng Hợp đồng đại lý hoặc 01 (một) bản sao có chứng thực giấy chỉ định đại lý đại diện cho chủ tàu nước ngoài (trong trường hợp tổ chức đề nghị là đại lý đại diện cho chủ tàu nước ngoài) hoặc 01 (một) bản sao có công chứng Hợp đồng thuê tàu giữa chủ tàu nước ngoài với pháp nhân Việt Nam.

Điều 7. Trình tự tiếp nhận, xử lý hồ sơ và cấp Giấy phép vận tải biển nội địa

1. Chủ tàu hoặc đại lý đại diện cho chủ tàu nước ngoài hoặc pháp nhân Việt Nam thuê tàu từ chủ tàu nước ngoài nộp 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Thông tư này trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam.

2. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ nhận trực tiếp, cán bộ nhận hồ sơ phải kiểm tra và thông báo rõ cho người nộp những nội dung cần bổ sung, sửa đổi (nếu có). Trường hợp hồ sơ nhận qua hệ thống bưu chính còn thiếu, trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam thông báo rõ nội dung cần bổ sung, sửa đổi.

3. Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép vận tải biển nội địa đồng thời đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam để lấy ý kiến rộng rãi, lập báo cáo thẩm định trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định.

4. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ thẩm định của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải xem xét, cấp Giấy phép vận tải biển nội địa theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không cấp Giấy phép vận tải biển nội địa, Bộ Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Bộ Giao thông vận tải trả kết quả qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến chủ tàu hoặc đại lý đại diện cho chủ tàu; đồng thời sao gửi đến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Cục Hàng hải Việt Nam để phối hợp quản lý, theo dõi.

Mục 2

PHÒNG CHỐNG KHẮC PHỤC THIÊN TAI, DỊCH BỆNH HOẶC CỨU TRỢ NHÂN ĐẠO KHẨN CẤP

Điều 8. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận tải biển nội địa

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận tải biển nội địa bao gồm:

1. Công văn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị cho tàu nước ngoài vào vận tải nội địa.

2. 01 (một) bản sao Giấy chứng nhận Đăng ký tàu biển.

3. 01 (một) bộ hồ sơ đăng kiểm tàu biển bao gồm các Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu biển (bản sao) theo quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-BGTVT ngày 16/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về danh mục Giấy chứng nhận và tài liệu của tàu biển, tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động Việt Nam.

Điều 9. Trình tự tiếp nhận, xử lý hồ sơ và cấp Giấy phép vận tải biển nội địa

1. Chủ tàu hoặc đại lý đại diện cho chủ tàu nước ngoài nộp một (01) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Thông tư này trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam.

2. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ nhận trực tiếp, cán bộ nhận hồ sơ phải kiểm tra và thông báo rõ cho người nộp những nội dung cần bổ sung, sửa đổi (nếu có). Trường hợp hồ sơ nhận qua hệ thống bưu chính còn thiếu, trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam thông báo rõ nội dung cần bổ sung, sửa đổi.

3. Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định hồ sơ, lập báo cáo thẩm định trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định.

4. Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ thẩm định của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải xem xét, cấp Giấy phép vận tải biển nội địa theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không cấp Giấy phép vận tải biển nội địa, Bộ Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Bộ Giao thông vận tải trả kết quả qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến chủ tàu hoặc đại lý đại diện cho chủ tàu; đồng thời sao gửi đến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Cục Hàng hải Việt Nam để phối hợp quản lý, theo dõi.

Mục 3

VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNH LÝ TỪ TÀU KHÁCH DU LỊCH VÀO ĐẤT LIỀN

Điều 10. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận tải biển nội địa

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận tải biển nội địa bao gồm:

1. Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. 01 (một) bản sao Giấy chứng nhận Đăng ký tàu biển.

3. 01 (một) bộ hồ sơ đăng kiểm tàu biển bao gồm các Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu biển (bản sao) theo quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-BGTVT ngày 16/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về danh mục Giấy chứng nhận và tài liệu của tàu biển, tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động Việt Nam.

4. 01 (một) bản sao có công chứng Hợp đồng đại lý hoặc 01 (một) bản sao có chứng thực giấy chỉ định đại lý đại diện cho chủ tàu nước ngoài (trong trường hợp tổ chức đề nghị là đại lý đại diện cho chủ tàu nước ngoài).

5. Phương án chi tiết việc thực hiện vận chuyển hành khách và hành lý từ tàu khách du lịch vào đất liền và ngược lại.

Điều 11. Trình tự tiếp nhận, xử lý hồ sơ và cấp Giấy phép vận tải biển nội địa

1. Chủ tàu hoặc đại lý đại diện cho chủ tàu nước ngoài nộp 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 10 Thông tư này trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến Cảng vụ Hàng hải tại khu vực mà tàu khách du lịch neo đậu.

2. Cảng vụ Hàng hải tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ nhận trực tiếp, cán bộ nhận hồ sơ phải kiểm tra và thông báo rõ cho người nộp những nội dung cần bổ sung, sửa đổi (nếu có). Trường hợp hồ sơ nhận qua hệ thống bưu chính còn thiếu, trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cảng vụ Hàng hải thông báo rõ nội dung cần bổ sung, sửa đổi.

3. Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Cảng vụ Hàng hải thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép vận tải biển nội địa theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không cấp Giấy phép vận tải biển nội địa phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Cảng vụ Hàng hải trả kết quả trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc  hình thức phù hợp khác đến chủ tàu hoặc đại lý đại diện cho chủ tàu; đồng thời sao gửi đến Cục Hàng hải Việt Nam để báo cáo.

Mục 4

THU HỒI GIẤY PHÉP VẬN TẢI BIỂN NỘI ĐỊA

Điều 12. Trường hợp thu hồi Giấy phép vận tải biển nội địa

Giấy phép vận tải biển nội địa bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

1. Tàu biển không còn khả năng đáp ứng đủ điều kiện vận chuyển hàng hoá, hành khách và hành lý theo quy định của pháp luật.

2. Vận chuyển hàng hoá, hành khách và hành lý không đúng với nội dung ghi trong Giấy phép vận tải biển nội địa.

3. Giả mạo, tẩy xoá hoặc cố ý làm sai lệch các thông tin liên quan về tàu biển, tuyến vận tải, hàng hoá, hành khách và hành lý.

Điều 13. Cơ quan thu hồi Giấy phép vận tải biển nội địa

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thu hồi Giấy phép vận tải biển nội địa quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.

2. Giám đốc Cảng vụ Hàng hải khu vực thu hồi Giấy phép vận tải biển nội địa quy định tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan

1. Trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có tàu biển nước ngoài tham gia vận tải biển nội địa:

a) Thực hiện vận tải biển nội địa đúng theo nội dung trong Giấy phép vận tải biển nội địa;

b) Giấy phép vận tải biển nội địa được mang trên tàu biển để xuất trình cho Cảng vụ Hàng hải, các cơ quan có liên quan tại cảng khi làm thủ tục cho tàu đến hoặc rời cảng;

c) Không được tẩy xóa, làm sai lệch các thông tin trong Giấy phép vận tải biển nội địa;

d) Không sử dụng Giấy phép vận tải biển nội địa giả;

đ) Không thực hiện các hành vi gian dối khác để cấp mới Giấy phép vận tải biển nội địa.

2. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam:

a) Thực hiện việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo đúng trình tự quy định tại Thông tư này và chịu trách nhiệm về nội dung liên quan trong quá trình thẩm định hồ sơ;

b) Thực hiện kiểm tra, thanh tra, thẩm định cấp Giấy phép vận tải biển nội địa theo quy định;

c) Chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, giám sát để phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm đối với tàu biển nước ngoài vận tải nội địa;

d) Hàng tháng thống kê và đăng tải lên trang thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam về danh sách tàu nước ngoài tham gia vận tải nội địa;

đ) Đầu mối tiếp nhận mọi thông tin phản ánh về tàu nước ngoài vận tải nội địa. Giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý đối với các trường hợp vi phạm các quy định của Thông tư này, pháp luật Việt Nam;

e) Tổng hợp các thông tin, số liệu thống kê liên quan đến hàng hóa, hành khách, hành lý bằng tàu biển; kết quả thực hiện việc cấp phép cho tàu biển nước ngoài vận tải nội địa; báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 25 tháng 12 hàng năm.  

3. Trách nhiệm của Cảng vụ Hàng hải:

a) Cấp Giấy phép vận tải biển nội địa cho tàu biển nước ngoài vận chuyển hành khách, hành lý từ tàu khách du lịch vào đất liền và ngược lại bằng phương tiện trung chuyển của tàu khách đó;

b) Thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, giám sát để phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm liên quan đến hoạt động vận tải biển nội địa của tàu biển nước ngoài.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7  năm 2017 và thay thế Thông tư số 04/2012/TT-BGTVT ngày 29/2/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thủ tục cấp phép cho tàu biển nước ngoài vận tải nội địa.

2. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo quy định của các văn bản đó.

Điều 16. Tổ chức thực hiện

1. Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ tr­ưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trương Quang Nghĩa

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.