QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc công trình trên địa bàn tỉnh Lai Châu
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 22/6/2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị;
Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng Quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù;
Căn cứ Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn về nội dung thiết kế đô thị;
Căn cứ Thông tư số 10/2016/TT-BXD ngày 15/3/2016 của Bộ Xây dựng Quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn về cấp phép xây dựng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc công trình trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 8 năm 2017 và thay thế Quyết định số 14/2007/QĐ-UBND ngày 07/6/2007 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định một số điểm cụ thể về quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
( Đã ký )
Đỗ Ngọc An
|
ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
QUY ĐỊNH
Quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc công trình trên địa bàn tỉnh Lai Châu
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26 /2017/QĐ-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2017
của UBND tỉnh Lai Châu)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này nhằm cụ thể hóa một số nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng; tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng; quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc công trình trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
2. Các nội dung khác không nêu tại quy định này thì thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009; Luật Xây dựng ngày 18/6/2014 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng; các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. KẾ HOẠCH, VỐN CHO CÔNG TÁC QUY HOẠCH XÂY DỰNG
Điều 3. Kế hoạch lập quy hoạch xây dựng
1. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xây dựng kế hoạch lập quy hoạch xây dựng hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, thời gian vào đầu Quý III năm trước.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào kế hoạch và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thành phố, quy hoạch của các ngành để xây dựng kế hoạch lập quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng trên địa bàn mình quản lý (kèm theo khái toán vốn quy hoạch xây dựng từng danh mục), gửi Sở Xây dựng tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; thời gian vào giữa Quý III năm trước.
3. Sở Xây dựng căn cứ vào kế hoạch và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu của Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp kế hoạch lập quy hoạch xây dựng (kèm theo khái toán vốn quy hoạch xây dựng từng danh mục) trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Thời gian tổng hợp và trình duyệt kế hoạch quy hoạch xây dựng hàng năm vào cuối Quý III năm trước.
Điều 4. Lập, thẩm định dự toán đồ án quy hoạch xây dựng
1. Đơn vị tổ chức lập quy hoạch xây dựng căn cứ vào định mức chi phí lập quy hoạch xây dựng theo quy định hiện hành để lập dự toán chi phí quy hoạch xây dựng trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phê duyệt.
2. Sở Xây dựng thẩm định dự toán chi phí lập quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Cơ quan chuyên môn cấp huyện thẩm định dự toán chi phí lập quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Điều 5. Vốn cho công tác lập quy hoạch xây dựng
Trên cơ sở danh mục và nhiệm vụ, dự toán lập quy hoạch xây dựng được duyệt:
1. Sở Xây dựng lập kế hoạch kinh phí ngân sách hàng năm đối với công tác lập quy hoạch xây dựng do Sở Xây dựng tổ chức lập.
2. Sở Tài chính có trách nhiệm cân đối nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hàng năm cho công tác lập quy hoạch xây dựng do Sở Xây dựng thực hiện.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã theo thẩm quyền có trách nhiệm lập và cân đối kế hoạch kinh phí hàng năm đối với quy hoạch xây dựng do mình tổ chức lập.
4. Việc tạm ứng, thanh, quyết toán theo hướng dẫn tại Thông tư số 24/2008/TT-BTC ngày 14/3/2008 của Bộ Tài chính Hướng dẫn, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế thực hiện các nhiệm vụ, dự án quy hoạch.
5. Đơn vị tổ chức lập quy hoạch xây dựng căn cứ kế hoạch bố trí vốn lập quy hoạch xây dựng thực hiện các bước lựa chọn đơn vị tư vấn đáp ứng yêu cầu thực hiện lập quy hoạch xây dựng trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mục 2. THẨM QUYỀN LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG
Điều 6. Trách nhiệm tổ chức lập và điều chỉnh quy hoạch xây dựng
1. Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Xây dựng tổ chức lập và điều chỉnh các loại đồ án quy hoạch xây dựng sau đây:
a) Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện; vùng chức năng đặc thù cấp tỉnh.
b) Quy hoạch chung thành phố, thị trấn, quy hoạch phân khu (trường hợp được Ủy ban nhân dân tỉnh giao cụ thể); quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại IV, V; quy hoạch chi tiết các khu vực trong đô thị có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của hai huyện, thành phố trở lên, khu vực trong đô thị mới và khu vực có ý nghĩa quan trọng; quy hoạch chi tiết khu vực phát triển nhà ở xã hội, khu đất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê khi chưa giao Chủ đầu tư và các quy hoạch khác theo nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
c) Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng đặc thù cấp tỉnh; quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng đặc thù; quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đặc thù đối với khu vực có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của hai huyện, thành phố trở lên.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập và điều chỉnh đồ án quy hoạch chung thành phố, thị trấn, quy hoạch chung thị tứ; quy hoạch chi tiết, quy hoạch cải tạo, chỉnh trang đô thị thuộc thành phố, thị trấn trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý; khu đất ở giãn dân, tái định cư, đấu giá quyền sử dụng đất và các khu chức năng thuộc dự án đầu tư xây dựng do mình làm Chủ đầu tư; các khu làng nghề, khu chăn nuôi tập trung; Nghĩa trang nhân dân và nghĩa trang liệt sỹ cấp huyện; quy hoạch chi tiết khu chức năng đặc thù, trừ quy hoạch quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lập và điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng xã; quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã; quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn không thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh; các khu chức năng và khu đất ở giãn dân, tái định cư, đấu giá quyền sử dụng đất; nghĩa trang, nghĩa địa do mình làm Chủ đầu tư, trừ quy hoạch quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
4. Chủ đầu tư đầu tư dự án, đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu nhà ở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sản xuất kinh doanh, phát triển du lịch, làng nghề, nghĩa trang có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực được giao quản lý hoặc đầu tư.
5. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng do một Chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) thì không cần phải thực hiện các bước lập quy hoạch chi tiết xây dựng. Trước khi lập dự án đầu tư xây dựng, Chủ đầu tư phải làm thủ tục thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng và kiến trúc công trình. Nội dung và trình tự thực hiện được hướng dẫn tại Điều 17 Quy định này.
6. Đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu Trung tâm hành chính tỉnh, Trung tâm hành chính cấp huyện; các khu chức năng đặc thù quy mô cấp vùng phải tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch, nhiệm vụ thiết kế phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 7. Cơ quan thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng
1. Sở Xây dựng thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh được quy định tại Khoản 1, Điều 8, Quy định này, trừ nhiệm vụ quy hoạch chi tiết các khu vực thuộc dự án đầu tư xây dựng được cấp giấy phép quy hoạch.
2. Cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng cấp huyện thẩm định và trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện được quy định tại Khoản 2, Điều 8, Quy định này. Trước khi trình duyệt phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Sở Xây dựng, trừ nhiệm vụ quy hoạch chi tiết các khu vực thuộc dự án đầu tư xây dựng được cấp giấy phép quy hoạch.
a) Hồ sơ thỏa thuận nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng bao gồm:
- Văn bản đề nghị thỏa thuận nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng.
- Nhiệm vụ quy hoạch kèm theo dự toán, thuyết minh, đồ án quy hoạch xây dựng (kèm theo 01 đĩa CD chứa file bản vẽ, thuyết minh).
- Biên bản tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng.
b) Thời gian xem xét và có văn bản thỏa thuận: Không quá 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Điều 8. Thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng
1. Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng sau:
a) Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh Lai Châu.
b) Quy hoạch chung thành phố, thị trấn; quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại IV, V; quy hoạch phân khu; quy hoạch chi tiết các khu vực trong đô thị có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của hai huyện, thành phố trở lên, khu vực trong đô thị mới và khu vực có ý nghĩa quan trọng; quy hoạch chi tiết khu vực phát triển nhà ở xã hội, khu đất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê khi chưa giao Chủ đầu tư; khu đất ở giãn dân, tái định cư, đấu giá quyền sử dụng đất có quy mô sử dụng đất trên 10 ha và các quy hoạch khác do Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Xây dựng tổ chức lập.
Riêng đối với đồ án quy hoạch chung đô thị loại II, III, IV; đô thị mới trước khi phê duyệt phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.
c) Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng đặc thù cấp tỉnh (trừ quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế và khu công nghệ cao); quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng đặc thù; quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đặc thù.
d) Đồ án quy hoạch chi tiết các dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy phép quy hoạch hoặc ủy quyền cấp Giấy phép quy hoạch.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 6, Quy định này (trừ quy hoạch quy định tại Khoản 1 và nhiệm vụ quy hoạch quy định tại Khoản 3 Điều này); đồ án quy hoạch chi tiết các dự án do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy phép quy hoạch. Trước khi phê duyệt phải có báo cáo thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch của cơ quan chuyên môn cấp huyện và ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Sở Xây dựng.
3. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu vực đã được cấp giấy phép quy hoạch.
Điều 9. Điều chỉnh quy hoạch xây dựng
Cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng đồng thời là cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng. Trường hợp điều chỉnh cục bộ không ảnh hưởng đến tính chất đồ án thì cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xem xét, quyết định việc điều chỉnh cục bộ bằng văn bản trên cơ sở ý kiến đề xuất của cơ quan thẩm định quy hoạch cùng cấp.
Mục 3. QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG
Điều 10. Công bố công khai và lưu trữ hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức công bố công khai quy hoạch xây dựng theo quy định như sau:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức công bố công khai quy hoạch xây dựng vùng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (trừ quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh), các quy hoạch chung xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức công bố công khai quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, quy hoạch chung các khu chức năng đặc thù, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh và phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
c) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức công bố quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn, các đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và thuộc địa giới hành chính do mình quản lý.
d) Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ đầu tư về chuyên môn nghiệp vụ trong việc công bố đồ án quy hoạch xây dựng.
2. Kinh phí công bố quy hoạch xây dựng được xác định cụ thể trong nhiệm vụ dự toán lập đồ án quy hoạch xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt và thanh quyết toán cho đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức công bố quy hoạch.
3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng, Chủ đầu tư phải hoàn thành việc nộp hồ sơ lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định như sau:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh lưu 01 bộ hồ sơ gồm: Thuyết minh, bản vẽ;
b) Sở Xây dựng lưu 03 bộ hồ sơ (01 bộ mầu và 02 bộ đen trắng) mỗi bộ gồm: Thuyết minh, bản vẽ, 01 đĩa CD (chứa nội dung bản vẽ, thuyết minh, quy định quản lý quy hoạch); quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng.
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan đến phạm vi đồ án quy hoạch xây dựng lưu 01 bộ hồ sơ gồm: Thuyết minh, bản vẽ; quy định quản lý quy hoạch; quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng.
d) Ủy ban nhân dân cấp xã có liên đến phạm vi đồ án quy hoạch xây dựng lưu 01 bộ hồ sơ gồm: Thuyết minh, bản vẽ; quy định quản lý quy hoạch; quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng.
đ) Các đồ án quy hoạch xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt thì Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi 01 bộ hồ sơ cho Sở Xây dựng để quản lý gồm: Thuyết minh, bản vẽ, quyết định phê duyệt (kèm theo đĩa CD chứa thuyết minh và bản vẽ được duyệt).
e) Đối với đồ án quy hoạch xây dựng khu công nghiệp thì Ban Quản lý các Khu công nghiệp lưu 01 bộ hồ sơ gồm: Thuyết minh, bản vẽ, quyết định phê duyệt.
Điều 11. Cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng
1. Trách nhiệm cắm mốc giới và quản lý mốc giới ngoài thực địa:
a) Sở Xây dựng tổ chức cắm mốc giới các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh và bàn giao mốc giới tại thực địa cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý theo địa giới hành chính.
b) Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng tổ chức cắm và quản lý mốc giới các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù trong địa giới hành chính do mình quản lý (trừ trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều này).
c) Ủy ban nhân dân thành phố Lai Châu tổ chức cắm mốc giới các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù trong địa giới hành chính do mình quản lý (trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này) và bàn giao mốc giới tại thực địa cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý theo địa giới hành chính.
d) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức cắm mốc giới các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết thị trấn thuộc huyện; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu chức năng đặc thù trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý (trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này) và bàn giao mốc giới tại thực địa cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý theo địa giới hành chính.
đ) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cắm và quản lý mốc giới đồ án quy hoạch chung xây dựng xã do mình quản lý và có trách nhiệm tiếp quản và bảo vệ mốc giới tại thực địa do Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp huyện bàn giao.
e) Chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm tổ chức cắm mốc giới thuộc phạm vi dự án.
2. Nội dung, trình tự thủ tục thực hiện theo quy định tại Thông tư 10/2016/TT-BXD ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Bộ Xây dựng quy định về cắm mốc giới quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 12. Cung cấp thông tin về quy hoạch
1. Cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng các cấp có trách nhiệm cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt cho các tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu.
2. Việc cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng được thực hiện dưới các hình thức sau:
a) Công khai hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng.
b) Giải thích quy hoạch xây dựng.
c) Cung cấp thông tin bằng văn bản.
3. Các thông tin được cung cấp phải căn cứ vào đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt và Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đã được ban hành.
4. Nội dung cung cấp thông tin gồm: Địa điểm xây dựng, ranh giới của lô đất, diện tích, chức năng sử dụng đất, chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, cốt xây dựng, chiều cao tối đa, chiều cao tối thiểu xây dựng công trình; các thông tin về kiến trúc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường và các quy định khác.
5. Thời gian cung cấp thông tin bằng văn bản chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng.
6. Cơ quan cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng chịu trách nhiệm về tính chính xác của các tài liệu, số liệu do mình cung cấp.
Điều 13. Giới thiệu địa điểm xây dựng
1. Thẩm quyền giới thiệu địa điểm:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh giới thiệu địa điểm đối với các dự án trong phạm vi đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Lai Châu; các dự án có diện tích sử dụng đất từ 5000m2 trở lên ngoài đô thị, dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, dự án nằm trên địa giới hành chính của hai huyện, thành phố trở lên.
b) Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng giới thiệu địa điểm đối với các dự án thuộc phạm vi ranh giới được giao quản lý.
c) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố giới thiệu địa điểm đối với các dự án còn lại, thuộc phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Xây dựng.
Vị trí, khu vực Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố giới thiệu địa điểm phải phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch sử dụng đất được duyệt. Trường hợp không phù hợp với quy hoạch, phải thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch hoặc trình cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch trước khi thực hiện việc giới thiệu địa điểm.
2. Cơ quan tham mưu giới thiệu địa điểm:
a) Sở Xây dựng chịu trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giới thiệu địa điểm đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Phòng, ban có chức năng quản lý quy hoạch trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng chịu trách nhiệm tham mưu xem xét giới thiệu địa điểm đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng.
c) Cơ quan quản lý quy hoạch cấp huyện chịu trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xem xét giới thiệu địa điểm đối với các dự án thuộc thẩm quyền của UBND huyện, thành phố.
3. Trình tự, thủ tục giới thiệu địa điểm:
Căn cứ chủ trương đầu tư hoặc danh mục dự án đầu tư nằm trong chương trình, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc đề xuất dự án của người quyết định đầu tư hoặc Chủ đầu tư, Chủ đầu tư hoặc người có thẩm quyền quyết định đầu tư có văn bản (kèm theo đề xuất dự án và các văn bản pháp lý có liên quan đến dự án) đề nghị cơ quan có thẩm quyền giới thiệu địa điểm xây dựng, cung cấp thông tin quy hoạch như sau:
a) Đối với khu vực có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500: Cơ quan tham mưu giới thiệu địa điểm căn cứ bản đồ quy hoạch chi tiết trích lục sơ đồ phạm vi ranh giới địa điểm, cấp thông tin quy hoạch, báo cáo cơ quan có thẩm quyền chấp thuận phạm vi giới thiệu địa điểm xây dựng.
b) Đối với khu vực chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500: Cơ quan tham mưu giới thiệu địa điểm tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện (trường hợp thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh giới thiệu địa điểm), Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan đến phạm vi địa điểm xây dựng, tổng hợp báo cáo (kèm theo trích lục vị trí) đề xuất cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương địa điểm xây dựng.
c) Sau khi được chấp thuận chủ trương địa điểm xây dựng: Chủ đầu tư tổ chức khảo sát địa hình, lập bản vẽ xác định mốc giới, phạm vi giới thiệu địa điểm, ký xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện (trường hợp thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh giới thiệu địa điểm), Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan (kèm theo 01 đĩa CD chứa file nội dung bản vẽ Autocad) gửi cơ quan tham mưu giới thiệu địa điểm khống chế cao độ san nền, chỉ giới xây dựng, cấp thông tin quy hoạch, thẩm định báo cáo cơ quan có thẩm quyền chấp thuận phạm vi giới thiệu địa điểm xây dựng.
Cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã khi được lấy ý kiến về địa điểm xây dựng có trách nhiệm trả lời cơ quan chủ trì tổ chức lấy ý kiến; đồng thời, chịu trách nhiệm về sự phù hợp về vị trí địa điểm xây dựng với quy hoạch ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.
Điều 14. Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị
1. Ủy ban nhân dân thành phố Lai Châu, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng tổ chức lập Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị thuộc địa giới hành chính quản lý, trình Sở Xây dựng thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức lập, phê duyệt Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị cho các thị trấn thuộc địa giới hành chính quản lý; sau khi có ý kiến của Sở Xây dựng và cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện thẩm định.
3. Đối với những khu vực đã có quy hoạch, thiết kế đô thị thì lập quy chế quản lý trên cơ sở đồ án quy hoạch đô thị, bản quy định quản lý đồ án quy hoạch, đồ án thiết kế đô thị được duyệt.
4. Đối với những khu vực chưa có quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị thì nội dung quy chế áp dụng theo các quy định có liên quan từ Điều 6 đến Điều 21 tại Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị và phải phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn, định hướng phát triển chung đô thị.
Mục 4. QUẢN LÝ KIẾN TRÚC CÔNG TRÌNH
Điều 15. Thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng
1. Các công trình công cộng có quy mô lớn, công trình có yêu cầu kiến trúc đặc thù, có ý nghĩa và vị trí quan trọng trong đô thị thì phải thực hiện việc thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc theo quy định hiện hành trước khi lập dự án đầu tư xây dựng, bao gồm:
a) Công trình cơ quan hành chính, công trình công cộng cấp tỉnh, khu vực.
b) Công trình Trụ sở làm việc HĐND-UBND cấp huyện, trung tâm phát thanh, truyền hình.
c) Công trình kiến trúc đặc thù như Tượng đài, cổng chào, tranh tượng có tính biểu đạt cao đặt tại vị trí khu trung tâm các đô thị trong tỉnh.
d) Công trình giao thông đô thị từ cấp II trở lên có yêu cầu thẩm mỹ cao như cầu vượt, cầu qua sông suối.
đ) Công trình là biểu tượng về truyền thống, văn hóa và lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Lai Châu.
2. Trình tự và hình thức thi tuyển, tuyển chọn phương án thực hiện theo Thông tư số 13/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết về thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng.
Điều 16. Công trình kiến trúc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
1. Trước khi triển khai lập dự án đầu tư xây dựng, xin cấp giấy phép xây dựng công trình, Chủ đầu tư phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng xem xét, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận phương án kiến trúc công trình. Các trường hợp công trình kiến trúc phải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh gồm:
a) Công trình kiến trúc có quy mô chiều cao từ 7 tầng trở lên trong phạm vi toàn tỉnh Lai Châu.
b) Công trình kiến trúc thuộc dự án tại mặt đường 58m, mặt đường nối hợp khối, ven mặt nước thuộc Hồ thượng lưu, Hồ hạ lưu (Thành phố Lai Châu).
2. Hồ sơ chấp thuận phương án kiến trúc công trình bao gồm:
a) Đơn đề nghị chấp thuận phương án kiến trúc công trình.
b) Phương án thiết kế kiến trúc sơ bộ gồm: Mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt chính và các hình ảnh minh họa của công trình thể hiện màu sắc, vật liệu; kèm theo bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng công trình.
3) Thời gian xem xét có văn bản chấp thuận phương án kiến trúc công trình không quá 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Điều 17. Thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng và kiến trúc công trình
1. Trước khi tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật trình cấp thẩm quyền phê duyệt, Chủ đầu tư dự án phải thực hiện bước thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng và kiến trúc công trình. Các trường hợp phải thỏa thuận bao gồm:
a) Dự án đầu tư xây dựng có sử dụng đất không phân biệt nguồn vốn có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 5 ha hoặc nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư;
b) Nhà ở riêng lẻ tại các vị trí nút giao đường Quốc lộ; nhà ở kết hợp mục đích khác có quy mô từ 05 tầng trở lên; công trình khách sạn, nhà nghỉ, trung tâm thương mại, trụ sở làm việc và công trình sử dụng hỗn hợp;
c) Các khu đất ở giãn dân, tái định cư, đấu giá quyền sử dụng đất nằm xen kẹp trong các khu dân cư hiện hữu có quy mô nhỏ hơn hoặc bằng 1000m2 mà không phải lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thì không cần thực hiện đầy đủ các bước trình duyệt đồ án quy hoạch chi tiết. Sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận phạm vi địa điểm, Chủ đầu tư lập bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng và phương án chia ô đất trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
d) Đối với các dự án đầu tư của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức thuộc thẩm quyền cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật về đất đai; trước khi chấp thuận dự án và cho thuê đất phải lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Xây dựng, các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và các cơ quan có liên quan đến dự án đầu tư xây dựng.
2. Sở Xây dựng căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, đồ án quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý kiến trúc đô thị để có văn bản thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng và kiến trúc công trình.
3. Hồ sơ thỏa thuận bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp văn bản thỏa thuận.
b) Phương án quy hoạch tổng mặt bằng công trình, tỷ lệ 1/500 đến 1/200.
c) Thuyết minh và bản vẽ nhiệm vụ thiết kế công trình (trừ nhà ở riêng lẻ); các phương án thiết kế kiến trúc sơ bộ gồm: Mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt chính và các hình ảnh minh họa của công trình thể hiện màu sắc, vật liệu.
4. Thời gian xem xét và có văn bản thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng và kiến trúc công trình không quá 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Mục 5. CẤP GIẤY PHÉP QUY HOẠCH
Điều 18. Các trường hợp cấp Giấy phép quy hoạch
1. Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
2. Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 hoặc đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt theo Luật Xây dựng năm 2003, nhưng chưa đủ các căn cứ để lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (là các dự án mà trong đồ án quy hoạch phân khu chưa xác định cụ thể ranh giới, quy mô, các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị và các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật liên quan).
3. Dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thiết kế đô thị, trừ nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân.
4. Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung hoặc riêng lẻ trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt, nhưng cần điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị đối với một lô đất.
5. Các dự án quy định tại Điều 32 Nghị định 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ.
Điều 19. Trình tự, nội dung cấp Giấy phép quy hoạch
Thực hiện theo Điều 37, Điều 39 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 và Điều 33, Điều 35 Nghị định 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ.
Điều 20. Thẩm quyền cấp Giấy phép quy hoạch
1. Đối với các dự án nằm trong phạm vi đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Lai Châu:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy phép quy hoạch cho các dự án có quy mô trên 50 ha được quy định Điều 18 của quy định này;
b) Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Sở Xây dựng cấp Giấy phép quy hoạch cho các dự án có quy mô nhỏ hơn hoặc bằng 50 ha được quy định Điều 18 của quy định này.
2. Đối với các dự án nằm ngoài phạm vi đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Lai Châu:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Sở Xây dựng cấp Giấy phép quy hoạch cho các dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng; dự án đầu tư có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên;
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy phép quy hoạch cho các dự án do Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
Điều 21. Thẩm quyền thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép quy hoạch
1. Sở Xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cho các dự án đầu tư tại Điểm a Khoản 1 Điều 20 trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép quy hoạch đối với các dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền theo quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 20 tại quy định này.
2. Cơ quan chuyên môn cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và trình Ủy ban nhân dân huyện cấp Giấy phép quy hoạch đối với các dự án đầu tư được quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 20 sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Xây dựng về Giấy phép quy hoạch.
Điều 22. Thời hạn và lệ phí của Giấy phép quy hoạch
1. Thời hạn của Giấy phép quy hoạch đối với dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tối đa không quá 24 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép quy hoạch đến khi phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết.
2. Thời hạn của Giấy phép quy hoạch đối với dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép quy hoạch đến khi phê duyệt dự án đầu tư.
3. Lệ phí cấp Giấy phép quy hoạch thực hiện theo quy định của Bộ Tài Chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp Giấy phép quy hoạch.
Điều 23. Quy định quản lý, lưu trữ Giấy phép quy hoạch
1. Giấy phép quy hoạch được cấp cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu và lưu trữ tại các cơ quan sau: Cơ quan cấp Giấy phép quy hoạch, cơ quan thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép quy hoạch.
2. Cơ quan cấp Giấy phép quy hoạch gửi một bản sao Giấy phép quy hoạch đến: Sở Xây dựng (đối với trường hợp không thuộc thẩm quyền thẩm định của Sở Xây dựng) và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có khu đất được cấp Giấy phép quy hoạch.
3. Trong quá trình lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng, lập dự án đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư; các Chủ đầu tư phải tuân thủ theo Giấy phép quy hoạch được cấp. Nếu tổ chức, cá nhân nào vi phạm sẽ bị thu hồi Giấy phép quy hoạch và xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 24. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị
1. Sở Xây dựng.
a) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng tổ chức thanh tra, kiểm tra trật tự xây dựng, kiểm tra sự phù hợp công trình xây dựng đúng theo nội dung quy hoạch được duyệt.
b) Xử lý vi phạm hành chính, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền được pháp luật quy định.
c) Tổ chức tập huấn triển khai nội dung quy định này, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng cho các đối tượng trực tiếp quản lý của cấp huyện, cấp xã;
d) Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các thủ tục hành chính của các dự án đầu tư xây dựng liên quan đến quy định quản lý quy hoạch thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh; đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng hoặc kỷ luật các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh.
đ) Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Xây dựng định kỳ và đột xuất về tình hình quy hoạch xây dựng trên, địa bàn tỉnh.
2. Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng.
a) Tổ chức thanh tra, kiểm tra trật tự xây dựng, sự phù hợp công trình xây dựng đúng theo nội dung quy hoạch được duyệt tại Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng.
b) Tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý vi phạm hành chính, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng tại Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng.
c) Báo cáo Sở Xây dựng định kỳ và đột xuất về tình hình quản lý quy hoạch xây dựng tại khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng để Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.
3. Các sở, ngành liên quan.
Các sở, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp, tham gia ý kiến giới thiệu điểm lập dự án đầu tư xây dựng, thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng.
4. Ủy ban nhân dân cấp huyện.
a) Hướng dẫn Chủ đầu tư về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng và các nội dung liên quan đến công tác quản lý quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền.
b) Tổ chức kiểm tra trật tự xây dựng, kiểm tra sự phù hợp công trình xây dựng đúng theo nội dung quy hoạch xây dựng được duyệt. Có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng và tham gia ý kiến về giới thiệu địa điểm, cấp giấy phép quy hoạch, thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền;
c) Xử lý vi phạm hành chính, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật. Trường hợp vượt thẩm quyền xử lý vi phạm phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện.
d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo và phân công trách nhiệm cho các phòng, ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng thuộc địa bàn quản lý.
đ) Tổng hợp gửi Sở Xây dựng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ và đột xuất về tình hình quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn mình quản lý.
5. Ủy ban nhân dân cấp xã.
a) Tuyên truyền, phổ biến quy định này và các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng cho Nhân dân trên địa bàn quản lý biết để thực hiện và giám sát.
b) Tiếp nhận, quản lý và bảo vệ mốc giới ngoài thực địa theo quy định.
c) Trực tiếp kiểm tra trật tự xây dựng và sự phù hợp công trình xây dựng đối với quy hoạch xây dựng được duyệt thuộc địa bàn mình quản lý. Xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền
d) Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện định kỳ và đột xuất về tình hình quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn mình quản lý. Trường hợp vượt thẩm quyền xử lý vi phạm phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện.
6. Trách nhiệm của Chủ đầu tư: Thực hiện theo đúng quyền và nghĩa vụ của Chủ đầu tư; tổ chức triển khai dự án đầu tư xây dựng tuân thủ quy hoạch xây dựng được duyệt và các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 25. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có thành tích trong việc thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch xây dựng thì được khen thưởng theo quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng.
2. Trường hợp có hành vi vi phạm quy định này tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 26. Điều khoản thi hành
1. Các dự án đầu tư xây dựng, các hoạt động xây dựng đang thực hiện dở dang trước ngày quy định có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện theo quy định đang áp dụng; các công việc tiếp theo phải thực hiện theo quy định này.
2. Khi các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.