• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 26/12/2007
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 187/2007/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 3 tháng 12 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”

_________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ý kiến của Ủy ban nhân dân 11 tỉnh trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận) và ý kiến của các Bộ, ngành liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án sông Đồng Nai) với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với 12 tỉnh, thành phố trên lưu vực; là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, thường xuyên, đòi hỏi phải tập trung các nguồn lực đầu tư với những quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân địa phương trên lưu vực, có sự hỗ trợ của ngân sách trung ương.

2. Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai phải được giải quyết tổng thể, thống nhất trên toàn lưu vực với sự kết hợp hài hòa theo địa giới hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên lưu vực; đi đôi với việc gìn giữ chất lượng, trữ lượng nguồn nước và bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững toàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

3. Lấy phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và ngăn chặn suy thoái môi trường là chính; kết hợp xử lý, khắc phục từng bước các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên toàn lưu vực, đặc biệt là những nguồn nước được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

4. Ưu tiên thực hiện Đề án sông Đồng Nai trong sự lồng ghép, gắn kết với các dự án, chương trình khác liên quan của các Bộ, ngành và từng địa phương trên lưu vực.

5. Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường quản lý nhà nước và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, triển khai giải pháp truyền thống thích hợp để xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái; phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế để bảo vệ tốt môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

6. Các cơ sở sản xuất trên lưu vực xây dựng mới buộc phải áp dụng công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường. Đối với chất thải của các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất trên lưu vực phải được xử lý, bảo đảm đạt tiêu chuẩn môi trường mới được xả, thải ra ra môi trường.

II. ĐỊNH HƯỚNG CHUNG VÀ MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Định hướng chung:

a) Triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai theo Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; từng bước xử lý ô nhiễm môi trường, cải thiện và nâng cao chất lượng nước của dòng sông; thực hiện cân bằng nguồn nước nhằm phục vụ an toàn cho việc cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu nông nghiệp, các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững khác và gìn giữ cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của lưu vực sông;

b) Xây dựng mô hình quản lý môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, bảo đảm công bằng cho mọi đối tượng, mọi tiểu vùng trong lưu vực; gắn quyền lợi của người khai thác, sử dụng tài nguyên trên lưu vực với nghĩa vụ bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững dòng sông.

c) Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống cơ chế, chính sách, các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến và khả thi nhằm ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm; phục hồi, tái tạo, bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường và phát triển tài nguyên lưu vực sông.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2010:

a) Thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai để chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng nhằm thực hiện thống nhất các nội dung của Đề án sông Đồng Nai;

b) Tiếp tục triển khai xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, cụ thể như sau:

- 100% các cơ sở sản xuất xây dựng mới phải áp dụng công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường;

- Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất và sử dụng hóa chất bảo đảm độ an toàn cao, đặc biệt là các hóa chất nguy hại; hạn chế tối đa việc sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường; sử dụng rộng rãi các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp;

c) Cải thiện có hiệu quả chất lượng môi trường và chất lượng nước của hệ thống sông Đồng Nai. Phấn đấu 80% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; 40% các khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thu gom 90% chất thải rắn sinh hoạt; 90% chất thải rắn công nghiệp, 70% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện, đồng thời xây dựng và triển khai, thực hiện các dự án mới về xử lý nước thải tại khu đô thị và khu dân cư thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

d) Xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống quan trắc và cơ sở dữ liệu tài nguyên - môi trường nhằm chia sẻ thông tin kịp thời giữa các tỉnh, thành phố trên lưu vực;

đ) Hạn chế và khắc phục tình trạng khai thác cát bừa bãi trong hệ thống sông Đồng Nai; triển khai các hoạt động nhằm chống xói lở bờ sông;

e) Bảo vệ môi trường nước hệ thống sông Đồng Nai đạt tiêu chuẩn loại A nhằm bảo đảm mục đích phục vụ việc cấp nước sinh hoạt;

g) Xử lý và cải tạo các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước của sông Sài Gòn và các nhánh sông của hệ thống sông Đồng Nai;

h) Xây dựng và thực hiện quy hoạch môi trường trên toàn hệ thống làm căn cứ để triển khai đồng bộ và thống nhất kế hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai;

i) Bảo vệ tốt diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và bảo tồn đa dạng sinh học trên toàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

3. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2011 - 2015:

a) Hoàn thành xử lý triệt để trên 90% các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Ngăn chặn và kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo đảm chất lượng nước sông đạt nước sạch tự nhiên;

b) Ít nhất 60% khu đô thị và 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường;

c) Thu gom trên 90% chất thải rắn sinh hoạt và xử lý 100% chất thải nguy hại;

d) Xây dựng mô hình xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và tự nhiên của các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

đ) Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

4. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2016 - 2020:

a) Hoàn thành xử lý triệt để trên 95% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ngăn chặn có hiệu quả mức độ gia tăng ô nhiễm tại địa bàn các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

b) Tăng cường nguồn nước, cân bằng nước trên toàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

c) Ít nhất 70% khu đô thị và 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường;

d) Thu gom trên 95% chất thải rắn sinh hoạt và xử lý 100% chất thải nguy hại;

đ) Hoàn chỉnh mô hình xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

e) Nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn lưu vực đạt ít nhất 50% tổng diện tích rừng tự nhiên, khôi phục cơ bản rừng đầu nguồn đã bị suy thoái;

g) Đạt được sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ của người dân với chính quyền trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

III. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Các nhiệm vụ chủ yếu:

a) Điều tra, phân tích và đánh giá đầy đủ hiện trạng các nguồn gây ô nhiễm môi trường để có đủ cơ sở tiến hành các biện pháp ngăn chặn, xử lý, khắc phục và kiểm soát ô nhiễm môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

b) Tổng kết và đánh giá các đề tài, dự án đã và đang thực hiện; điều tra bổ sung thực trạng ô nhiễm các thành phần môi trường do sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và hoạt động sinh hoạt của dân cư đô thị gây ra;

c) Theo dõi, giám sát và kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trước và sau khi đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư. Xây dựng sách ''đen'', sách ''xanh'' đối với các cơ sở sản xuất trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

d) Thực hiện thường xuyên công tác quan trắc chất lượng nước hệ thống sông Đồng Nai;

đ) Xử lý triệt để ô nhiễm, hhắc phục và cải tạo môi trường những khu vực, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nặng, những điểm nóng về môi trường:

- Hoàn thành việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong lưu vực theo tiến độ tại Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”;

- Xử lý những đoạn sông có tầm quan trọng cho mục đích cấp nước sinh hoạt (sông Đồng Nai tại khu vực Hóa An,...), những nhánh sông bị ô nhiễm nặng như: sông Thị Vải, sông Sài Gòn, kênh, rạch ở nội thành, nội thị...; tiến hành nạo vét khơi dòng, kè bờ những đoạn sông quan trọng, xung yếu;

- Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, đồng thời tích cực cải thiện chất lượng môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, phục vụ có hiệu quả cho việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên toàn lưu vực;

- Khôi phục và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn đã bị suy thoái; tăng cường bồi phụ nguồn nước, xây dựng các công trình giữ nước chống cạn kiệt, cân bằng nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai, bảo đảm số lượng và chất lượng nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong lưu vực;

- Bảo vệ tốt cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đặc trưng cho vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

e) Xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện 16 dự án thành phần trọng tâm có tính liên ngành, liên vùng thuộc Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cụ thể sau đây:

- Thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai để chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng nhằm thực hiện thống nhất các nội dung của Đề án sông Đồng Nai;

- Xây dựng Quy chế bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai;

- Xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng nước chung cho các tỉnh, thành phố trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

- Phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và kiểm soát ô nhiễm bảo vệ môi trường nước sông Đồng Nai;

- Bảo vệ môi trường nước sông Sài Gòn phục vụ an toàn cho mục đích cấp nước sinh hoạt và bảo vệ cảnh quan đô thị;

- Xây dựng các biện pháp bảo vệ chất lượng nước đoạn sông Đồng Nai phục vụ an toàn cho mục đích cấp nước sinh hoạt;

- Xây dựng và triển khai vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, khu dân cư trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

- Thống kê và phân loại các nguồn thải trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

- Khắc phục tình trạng khai thác cát và chống xói lở bờ sông thuộc hệ thống sông Đồng Nai;

- Bảo vệ và phát triển rừng, tăng độ che phủ rừng trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

- Nghiên cứu và đề xuất các biện pháp khả thi nhằm bảo tồn rừng ngập mặn và đa dạng sinh học tại vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai;

- Quy hoạch môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

- Đánh giá tác động môi trường chiến lược đối với các quy hoạch tổng thể thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

- Nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

- Tăng cường, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường đối với lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Tổng kinh phí để triển khai, thực hiện 16 dự án thành phần trọng tâm trên đây ước tính vào khoảng 1.938 tỷ đồng, được huy động từ các nguồn: ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, vốn đầu tư của doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn lưu vực và sự hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và ngoài nước.

2. Các giải pháp chủ yếu:

a) Tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên toàn lưu vực:

- Sớm thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai với tiêu chí gọn, nhẹ, hiệu lực và hiệu quả để chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng nhằm thực hiện thống nhất các nội dung của Đề án sông Đồng Nai;

- Đẩy mạnh việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường lưu vực sông, đồng thời triển khai, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên - môi trường và phát triển bền vững liên quan đến lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

- Sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống mạng lưới quan trắc, giám sát, dự báo diễn biến môi trường tự nhiên lưu vực sông và xây dựng ngân hàng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

- Tăng cường công tác xây dựng, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;

- Đẩy mạnh việc áp dụng các công cụ kinh tế trong khai thác hợp lý, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên - môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Khuyến khích việc hình thành và phát triển thị trường dịch vụ tư vấn công tác bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên trên lưu vực sông.

b) Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng dân cư vào việc bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai:

- Đẩy mạnh và khuyến khích công tác xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường, phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm và khắc phục suy thoái môi trường lưu vực sông;

- Tăng cường hoạt động truyền thông để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường lưu vực; tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi để tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

c) Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương), doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đồng thời có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích để huy động, thu hút đầu tư có hiệu quả cho công tác bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, trong đó:

- Các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao hoạt động trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai phải tự bỏ vốn để thực hiện các công trình xử lý chất thải trước khi xả, thải vào môi trường hoặc xử lý ô nhiễm do cơ sở mình gây ra theo đúng quy định của pháp luật. Nhà nước sẽ xem xét để hỗ trợ một phần kinh phí đối với từng dự án cụ thể;

- Ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương) sẽ đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường thuộc khu vực công ích;

- Các dự án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường thuộc Đề án sông Đồng Nai được ưu tiên vay vốn ưu đãi và sử dụng vốn hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam được thành lập tại Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ.

d) Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế song phương, đa phương với các nước, tổ chức và cá nhân nước ngoài để tranh thủ sự giúp đỡ về kinh nghiệm, trí tuệ, tài chính, công nghệ và thu hút đầu tư để bảo vệ có hiệu quả môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (bao gồm: thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận) chỉ đạo, đôn đốc và tổ chức thực hiện Đề án này, định kỳ hàng năm tổng hợp và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, bao gồm đại diện lãnh đạo của Ủy ban nhân dân 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên lưu vực, đại diện lãnh đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của các Bộ, ngành liên quan để điều phối liên ngành, liên vùng nhằm thực hiện thống nhất và có hiệu quả các nội dung của “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”;

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thống nhất với Bộ Tài chính cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác nhau hàng năm và 5 năm để thực hiện các các nhiệm vụ, dự án của Đề án sông Đồng Nai bảo đảm đạt hiệu quả và đúng tiến độ;

c) Các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan khác theo chức năng và phạm vi quản lý nhà nước của mình xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án sông Đồng Nai và tham gia thực hiện Đề án này theo sự phân công.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân 12 tỉnh, thành phố trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có trách nhiệm:

- Phối hợp liên vùng, liên ngành chặt chẽ để chỉ đạo thực hiện thống nhất và có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung của Đề án sông Đồng Nai;

- Chủ động phát huy nội lực, huy động ở mức cao nhất các nguồn lực trong tỉnh, thành phố để phối hợp tham gia Đề án sông Đồng Nai;

- Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, chính quyền các cấp trực thuộc triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh và liên tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 12 tỉnh, thành phố trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Hoàng Trung Hải

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.