• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2019
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 19/2018/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 15 tháng 11 năm 2018

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN

 

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hưng dn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về quy trình, hướng dẫn thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; trình tự, thủ tục lập, thẩm định dự án thành lập, nội dung quyết định thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh; hướng dẫn quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tiêu chí và ban hành Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản; Danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn; đánh dấu ngư cụ đang sử dụng tại ngư trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản trong nội địa, đảo, quần đảo và vùng biển Việt Nam.

 

Chương II

ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ NGUỒN LỢI THỦY SẢN VÀ MÔI TRƯỜNG SỐNG CỦA LOÀI THỦY SẢN

 

Điều 3. Quy trình điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản

Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản được thực hiện theo quy trình sau đây:

1. Thiết kế điều tra.

2. Chuẩn bị điều tra.

3. Thực hiện điều tra.

4. Phân tích kết quả điều tra.

5. Xử lý số liệu điều tra.

6. Báo cáo kết quả điều tra.

7. Lưu trữ kết quả điều tra.

Điều 4. Hướng dẫn thực hiện điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản

1. Nội dung điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản bao gồm:

a) Thành phần loài, thành phần sản lượng, mật độ, độ phong phú, phân bố, trữ lượng của các loài thủy sản, sản lượng cho phép khai thác nguồn lợi thủy sản;

b) Đặc điểm sinh học của loài thủy sản;

c) Yếu tố môi trường, thủy văn, hải dương học, thủy sinh vật khác có liên quan đến nguồn lợi thủy sản;

d) Nội dung khác theo yêu cầu quản lý, sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững.

2. Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản thực hiện như sau:

a) Thiết kế điều tra: thu thập tài liệu, dữ liệu liên quan đến đối tượng, khu vực điều tra; xây dựng kế hoạch, phương án điều tra;

b) Chuẩn bị điều tra: bố trí nhân sự, thiết bị, phương tiện; xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện phương án điều tra;

c) Thực hiện điều tra: kiểm tra tình trạng hoạt động của các dụng cụ, thiết bị sử dụng điều tra; tiến hành thu mẫu các đối tượng điều tra theo phương pháp phù hợp; phân tích, xác định mẫu thành phần loài, sản lượng và sinh học loài thủy sản; xử lý mẫu tại hiện trường theo phương pháp phù hợp với từng loại đối tượng; thu thập, ghi chép thông tin tại thực địa;

d) Phân tích kết quả điều tra: phân tích, xử lý mẫu tiêu bản; các chỉ tiêu sinh học, mẫu trầm tích đáy, các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa; sinh vật phù du, động vật đáy; trứng cá, cá con, ấu trùng tôm, tôm con;

đ) Xử lý số liệu điều tra: sử dụng các công cụ, phần mềm thống kê, phần mềm chuyên ngành khác để phân tích và chỉnh lý số liệu;

e) Báo cáo kết quả điều tra: xây dựng các báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng hợp đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản;

g) Lưu trữ kết quả điều tra;

h) Nhiệm vụ khác theo yêu cầu.

Điều 5. Hướng dẫn thực hiện điều tra nghề cá thương phẩm

1. Nội dung điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm bao gồm:

a) Thống kê tàu cá;

b) Thông tin về hoạt động khai thác của các đội tàu cá, sản lượng khai thác, giá bán của sản phẩm khai thác;

c) Thu, phân tích mẫu sinh học nghề cá gồm một số nội dung chủ yếu sau; thu, phân tích mẫu thành phần loài trong nhóm hoặc loài thủy sản trong sản lượng khai thác; thu mẫu, đo kích thước, phân tích đặc điểm sinh học của loài thủy sản trong mẫu phân tích thành phần loài.

2. Điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm thực hiện như sau:

a) Thiết kế điều tra: địa điểm điều tra, thu mẫu phải bảo đảm đại diện cho khu vực có lưu lượng lớn tàu cá bốc dỡ thủy sản và đa dạng về nghề khai thác; đối tượng điều tra phải bảo đảm thống kê được toàn bộ nghề hoặc cơ cấu nghề của đội tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản, sản lượng khai thác thủy sản, bảo đảm thu được số liệu sinh học của các nhóm thủy sản trong sản lượng khai thác.

b) Chuẩn bị điều tra: bố trí nhân sự, thiết bị, phương án thực hiện;

c) Thực hiện điều tra: thống kê số lượng tàu cá; thu thập thông tin về hoạt động khai thác thủy sản của tàu cá, sản lượng khai thác, giá bán sản phẩm khai thác; thu, phân tích mẫu sinh học nghề cá;

d) Phân tích kết quả điều tra: mẫu thành phần loài của các nhóm sản phẩm, mẫu sinh học;

đ) Xử lý số liệu điều tra: sử dụng các công cụ, phần mềm thống kê, phần mềm chuyên ngành khác để phân tích và chỉnh lý số liệu;

e) Báo cáo kết quả điều tra bao gồm một số nội dung chủ yếu như sau: hiện trạng hoạt động khai thác thủy sản, hiện trạng sinh học nghề cá và giải pháp quản lý nghề cá.

g) Lưu trữ kết quả điều tra;

h) Nhiệm vụ khác theo yêu cầu.

Điều 6. Hướng dẫn thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản theo chuyên đề

1. Nội dung điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản theo chuyên đề bao gồm ít nhất một trong các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.

2. Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản theo chuyên đề được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư này.

Điều 7. Kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản

Kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản bao gồm:

1. Bộ dữ liệu điều tra về nguồn lợi thủy sản và nghề cá thương phẩm;

2. Báo cáo chuyên đề cho từng nội dung, đối tượng cụ thể; báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản bao gồm một số nội dung chủ yếu như sau: hiện trạng nguồn lợi thủy sản, hiện trạng nghề khai thác thủy sản, đặc điểm sinh học các loài thủy sản, hiện trạng các yếu tố môi trường, thủy văn, hải dương học, trứng cá, cá con, ấu trùng tôm, tôm con, các nội dung khác (nếu có).

3. Bản đồ, sơ đồ liên quan đến nguồn lợi thủy sản, nghề cá thương phẩm.

4. Các mẫu vật đã thu thập, xử lý và phân tích.

5. Các tài liệu khác nếu có.

 

Chương III

THÀNH LẬP KHU BẢO TỒN BIỂN CẤP TỈNH; QUẢN LÝ KHU BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN

 

Điều 8. Trình tự lập dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh

Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh lập dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh theo trình tự sau đây:

1. Tổ chức điều tra, đánh giá đa dạng sinh học và lập dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh.

2. Lấy ý kiến của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã liên quan; ý kiến của cộng đồng dân cư sống hợp pháp trong và xung quanh khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn biển thông qua hình thức biểu quyết hoặc phiếu lấy ý kiến đối với dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh.

3. Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh.

Điều 9. Trình tự, thủ tục thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh

1. Hồ sơ thẩm định dự án:

a) Tờ trình đề nghị thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh;

b) Dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh theo mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Bảng tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã liên quan; ý kiến của cộng đồng dân cư sống hợp pháp trong và xung quanh khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn biển;

d) Tài liệu liên quan khác (nếu có).

2. Trình tự thẩm định dự án:

a) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành và chủ trì thẩm định theo nội dung quy định tại khoản 3 Điều này. Hội đồng thẩm định liên ngành gồm ít nhất 07 thành viên do lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch; các thành viên là lãnh đạo các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan;

c) Sau khi có văn bản thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh của Hội đồng thẩm định liên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn biển để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến chính thức bằng văn bản trước khi quyết định thành lập.

Hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm có: dự án thành lập khu bảo tồn biển; bảng tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã liên quan; ý kiến của cộng đồng dân cư sống hợp pháp trong và xung quanh khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn biển; văn bản thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn biển Hội đồng thẩm định liên ngành;

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến đồng thuận bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh; trường hợp không đồng thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

đ) Sau khi nhận được ý kiến đồng thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập khu bảo tồn biển.

3. Thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Sự cần thiết thành lập khu bảo tồn biển;

b) Căn cứ lập dự án thành lập khu bảo tồn biển;

c) Mục tiêu, đối tượng bảo tồn;

d) Đáp ứng các tiêu chí xác lập khu bảo tồn biển theo quy định tại Điều 15 Luật Thủy sản;

đ) Vị trí địa lý, ranh giới và diện tích khu bảo tồn biển; ranh giới, diện tích các phân khu chức năng và vùng đệm của khu bảo tồn biển;

e) Phương án bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; bảo vệ, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử;

g) Phương án chuyển đổi sinh kế cho các hộ gia đình, cá nhân có hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản liên quan đến khu bảo tồn biển;

h) Giải pháp và tổ chức thực hiện các chương trình quản lý.

Điều 10. Quyết định thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh.

2. Nội dung Quyết định thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh theo mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 11. Quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản

1. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản được giao cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc chính quyền cấp huyện, cấp xã hoặc tổ chức cộng đồng để quản lý.

2. Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quản lý như sau:

a) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc chính quyền cấp huyện, cấp xã được giao quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải xây dựng và ban hành quy chế quản lý, kế hoạch quản lý phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi khu vực;

b) Tổ chức cộng đồng tự nguyện đề xuất được giao quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực hiện theo quy định của pháp luật về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

3. Hoạt động được thực hiện trong khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản bao gồm:

a) Điều tra, nghiên cứu khoa học về loài thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản;

b) Khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, du lịch giải trí gắn với hoạt động thủy sản theo quy định của pháp luật;

c) Tuần tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật;

d) Hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Giao tổ chức quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Quy định khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản tại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

c) Giao đơn vị chức năng thực hiện tuần tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật tại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức được giao quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

5. Quy định chế độ báo cáo về công tác quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản như sau:

a) Tổ chức được giao quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản định kỳ trước ngày 10 tháng 11 hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định kỳ trước ngày 20 tháng 11 hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy sản).

 

Chương IV

ĐÁNH DẤU NGƯ CỤ; DANH MỤC NGHỀ, NGƯ CỤ CẤM SỬ DỤNG KHAI THÁC THỦY SẢN; DANH MỤC KHU VỰC CẤM KHAI THÁC THỦY SẢN CÓ THỜI HẠN

 

Điều 12. Đánh dấu ngư cụ khai thác thủy sản tại ngư trường

1. Nghề câu vàng, lưới rê khi vàng lưới, vàng câu trải dài trên biển với chiều dài trên 200m; nghề lưới kéo phải đánh dấu ngư cụ hoạt động trên biển theo quy định của Quy tắc phòng ngừa tàu thuyền đâm va trên biển.

2. Nghề khai thác thủy sản sử dụng chà trên biển phải có dấu hiệu chỉ rõ khu vực đang có hoạt động khai thác thủy sản.

Điều 13. Nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản

1. Tiêu chí xác định nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản

Nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản được xác định bởi một trong các tiêu chí sau đây:

a) Nghề, ngư cụ gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh đã được đánh giá tác động;

b) Nghề, ngư cụ thuộc danh mục cấm theo quy định của tổ chức quản lý nghề cá khu vực mà Việt Nam là thành viên hoặc không phải là thành viên nhưng có hợp tác.

2. Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 14. Khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn

1. Tiêu chí xác định khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn.

Khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn được xác định bởi một trong các tiêu chí sau đây:

a) Khu vực tập trung sinh sản của loài thủy sản, khu vực có mật độ phân bố trứng của các loài thủy sản cao hơn so với vùng lân cận;

b) Khu vực tập trung sinh sống của thủy sản chưa thành thục sinh sản, khu vực có mật độ phân bố cá con, tôm con và ấu trùng các loài thủy sản cao so với vùng lân cận;

c) Khu vực di cư sinh sản của loài thủy sản;

d) Khu vực cấm khai thác thủy sản của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực mà Việt Nam là thành viên hoặc không phải là thành viên nhưng có hợp tác.

2. Danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

 

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 15. Trách nhiệm của Tổng cục Thủy sản

1. Chủ trì tham mưu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền, tổ chức thực hiện Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; tổ chức quản lý, định kỳ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông báo cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kết quả điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản.

2. Rà soát, tổng hợp, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản, Danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn.

Điều 16. Trách nhiệm của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Thiết lập hệ thống cộng tác viên thực hiện điều tra nghề cá thương phẩm; tổng hợp, quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm, nguồn lợi thủy sản và môi trường sông của loài thủy sản trên địa bàn tỉnh;

b) Lập dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh theo quy định tại Điều 8 Thông tư này;

c) Rà soát, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định bổ sung nghề, ngư cụ, khu vực cấm khai thác thủy sản chưa có tên trong Danh mục quy định tại khoản 2 Điều 13 và khoản 2 Điều 14 Thông tư này.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản có trách nhiệm quản lý, sử dụng, lưu trữ, bảo mật thông tin, chia sẻ dữ liệu, kết quả điều tra theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định của pháp luật khác có liên quan.

 

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 17. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

2. Thông tư này thay thế, bãi bỏ nội dung các văn bản sau:

a) Bãi bỏ Chỉ thị số 08/2005/CT-BTS ngày 25 tháng 8 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc triển khai hoạt động thu mẫu thống kê các số liệu nghề cá cơ bản;

b) Bãi bỏ Chỉ thị số 02/2007/CT-BTS ngày 15 tháng 6 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc tăng cường quản lý nghề cá nội địa;

c) Bãi bỏ Quyết định số 105/2007/QĐ-BNN ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản Việt Nam;

d) Bãi bỏ Quyết định số 82/2008/QĐ-BNN ngày 17 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công bố Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển; Thông tư 01/2011/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về việc sửa đổi, bổ sung Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 82/2008/QĐ-BNN;

đ) Thay thế Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

e) Thay thế Thông tư số 62/2008/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

g) Bãi bỏ Thông tư số 53/2009/TT-BNN ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý loài thủy sinh vật ngoại lai tại Việt Nam;

h) Thay thế Thông tư số 89/2011/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trong năm;

i) Thay thế Thông tư số 29/2013/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định thành lập và quản lý khu bảo tồn biển cấp tỉnh;

k) Thay thế Thông tư số 44/2013/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bãi bỏ Điều 6 và sửa đổi Điều 15 Thông tư số 29/2013/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định thành lập và quản lý khu bảo tồn biển cấp tỉnh.

Điều 18. Trách nhiệm thi hành

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết./.

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ NN&PTNT;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ NN&PTNT;
- Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Công báo Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, TCTS (200 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phùng Đức Tiến

 

 

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.