• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/04/2021
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Số: 08/2021/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 22 tháng 3 năm 2021

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

KHOÁ XIV, KỲ HỌP THỨ MƯỜI SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp năm 2017;

Xét Tờ trình số 567/TTr-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2021 của UBND tỉnh về đề nghị ban hành Nghị quyết quy định chính sách về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra số 107/BC-HĐND ngày 19 tháng 3 năm 2021 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

 

QUYẾT NGHỊ:

 

Điều 1. Quy định chính sách về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định một số nội dung về chính sách phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

2. Đối tượng áp dụng

Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân thực hiện công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Nguyên tắc hỗ trợ, đầu tư

3.1. Chính sách hỗ trợ, đầu tư phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025; thực hiện lồng ghép chính sách tập trung xúc tiến công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng; phải được cụ thể hóa bằng kế hoạch 5 năm và hàng năm của tỉnh.

3.2. Các đối tượng được hỗ trợ, đầu tư phải bồi hoàn số kinh phí hỗ trợ nếu không thực hiện đầy đủ các cam kết khi đăng ký thực hiện chính sách.

3.3. Mức hỗ trợ, đầu tư đảm bảo theo khung giá và định mức của cấp có thẩm quyền ban hành.

3.4. Trong cùng một nội dung hỗ trợ có nhiều chính sách khác nhau thì tổ chức, nhóm hộ, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân chỉ được lựa chọn hưởng một chính sách.

4. Hỗ trợ trồng quế

4.1. Nội dung, mức hỗ trợ: Cây giống, chuyển đổi đất, phát thực bì, đào hố, công trồng, chăm sóc, phân bón, chi phí thiết kế và chi phí khuyến lâm. Mức hỗ trợ như sau:

a) Doanh nghiệp, hợp tác xã: 24 triệu đồng/ha.

b) Tổ hợp tác, nhóm hộ: 22 triệu/ha

Năm thứ 1 hỗ trợ 13 triệu đồng/ha (cây giống; chuyển đổi đất, phát thực bì, đào hố, phân bón, công trồng và chăm sóc tối thiểu 04 triệu đồng/ha);

Năm thứ 2 hỗ trợ 05 triệu đồng/ha (hỗ trợ trồng dặm, phân bón, công chăm sóc);

Năm thứ 3 hỗ trợ công chăm sóc 2,5 triệu đồng/ha;

Năm thứ 4 hỗ trợ công chăm sóc 1,5 triệu đồng/ha.

c) Hộ gia đình, cá nhân: 20 triệu/ha

Năm thứ 1 hỗ trợ 12 triệu đồng/ha (cây giống; chuyển đổi đất, phát thực bì, đào hố, phân bón, công trồng và chăm sóc tối thiểu 03 triệu đồng/ha);

Năm thứ 2 hỗ trợ 05 triệu đồng/ha (hỗ trợ trồng dặm, phân bón, công chăm sóc)

Năm thứ 3 hỗ trợ công chăm sóc 02 triệu đồng/ha;

Năm thứ 4 hỗ trợ công chăm sóc 01 triệu đồng/ha.

d) Đối với tổ hợp tác, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân chủ trì liên kết để thực hiện trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm thì được hỗ trợ bằng mức doanh nghiệp, hợp tác xã.

đ) Hộ gia đình, cá nhân có diện tích trồng quế từ năm 2018 đến năm 2020 đáp ứng các điều kiện tại điểm b, mục 4.2, khoản 4. Mức hỗ trợ như sau:

Hỗ trợ 100% cây giống trồng dặm, trồng bổ sung (đối với diện tích có tỷ lệ cây sống hiện còn dưới 75% so với mật độ trồng ban đầu, đảm bảo yêu cầu sinh thái của cây quế, được hỗ trợ trồng dặm, trồng bổ sung, chăm sóc phục hồi thành rừng);

Hỗ trợ phân bón, công chăm sóc: Áp dụng theo điểm c, mục 4.1, khoản 4 điều này.

e) Chi phí thiết kế và khuyến lâm: Hỗ trợ chi phí cho công tác khuyến lâm 600.000 đồng/ha/4 năm (150.000 đồng/ha/năm); hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng mới 400.000 đồng/ha.

4.2. Điều kiện hỗ trợ

a) Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã: Phải có quyết định chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền; được kiểm tra, nghiệm thu theo quy định. Diện tích rừng trồng được nghiệm thu năm thứ 4 phải đảm bảo có tỷ lệ cây sống từ 75% trở lên so với mật độ thiết kế.

b) Đối với tổ hợp tác, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân: Phải có diện tích trồng tối thiểu liền vùng từ 0,3 ha trở lên; cam kết thực hiện đảm bảo quy trình kỹ thuật được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận; được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, nghiệm thu hàng năm theo quy định của pháp luật; riêng tổ hợp tác có hợp đồng hợp tác theo quy định của pháp luật, nhóm hộ (tối thiểu 05 hộ) phải có bản cam kết thành lập nhóm được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.

4.3. Hình thức hỗ trợ

a) Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; tổ hợp tác, nhóm hộ và hộ gia đình, cá nhân liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã: Nhà nước thực hiện hỗ trợ thành 2 lần, mỗi lần bằng 50% tổng kinh phí hỗ trợ: Lần 1 vào cuối năm thứ 2, lần 2 vào cuối năm thứ 4.

b) Đối với tổ hợp tác, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân: Hỗ trợ trực tiếp bằng cây giống; các nội dung khác được hỗ trợ vào cuối năm ngân sách sau khi được kiểm tra, nghiệm thu theo quy định.

c) Các nội dung thực hiện trong giai đoạn mà chưa được hỗ trợ thì tiếp tục được hỗ trợ sau năm 2025.

5. Hỗ trợ trồng rừng sản xuất

5.1. Nội dung, mức hỗ trợ: Cây giống, chuyển đổi đất, phát thực bì, đào hố, công trồng, chăm sóc, thiết kế và chi phí khuyến lâm. Mức hỗ trợ như sau:

a)  Doanh nghiệp, Hợp tác xã: 20 triệu đồng/ha.

b) Tổ hợp tác, nhóm hộ: 18 triệu/ha.

Năm thứ 1 hỗ trợ 10 triệu đồng/ha (cây giống; chuyển đổi đất, phát thực bì, đào hố, công trồng và chăm sóc tối thiểu 04 triệu đồng/ha);

Năm thứ 2 hỗ trợ 3,5 triệu đồng/ha (hỗ trợ trồng dặm, công chăm sóc);

Năm thứ 3 hỗ trợ công chăm sóc 2,5 triệu đồng/ha;

Năm thứ 4 hỗ trợ công chăm sóc 02 triệu đồng/ha.

c) Hộ gia đình, cá nhân: 16 triệu đồng/ha

Năm thứ 1 hỗ trợ 10 triệu đồng/ha (cây giống; chuyển đổi đất, phát thực bì, đào hố, công trồng và chăm sóc tối thiểu 04 triệu đồng/ha);

Năm thứ 2 hỗ trợ 03 triệu đồng/ha (hỗ trợ trồng dặm, công chăm sóc);

Năm thứ 3 hỗ trợ công chăm sóc 02 triệu đồng/ha;

Năm thứ 4 hỗ trợ công chăm sóc 01 triệu đồng/ha.

d) Đối với tổ hợp tác, nhóm hộ; hộ gia đình, cá nhân chủ trì liên kết để thực hiện trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm thì được hỗ trợ bằng mức doanh nghiệp, hợp tác xã.

đ) Chi phí thiết kế và khuyến lâm: Hỗ trợ chi phí cho công tác khuyến lâm 600.000 đồng/ha/4 năm (150.000 đồng/ha/năm); hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng mới 400.000 đồng/ha.

5.2. Điều kiện hỗ trợ, hình thức hỗ trợ: Thực hiện theo điều kiện, hình thức hỗ trợ đối với trồng quế.

6. Hỗ trợ mở đường lâm nghiệp vào khu trồng rừng sản xuất

6.1. Nội dung, mức hỗ trợ

a) Nội dung hỗ trợ: Mở mới đường lâm nghiệp phục vụ trồng, khai thác rừng sản xuất.

b) Mức hỗ trợ: 02 km/100 ha, 750 triệu đồng/km.

Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã: Tối đa không quá 5.000 triệu đồng/dự án.

Đối với hạ tầng vùng sản xuất còn lại đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch và nguồn vốn hàng năm của tỉnh theo Đề án phát triển rừng bền vững được phê duyệt.

6.2. Điều kiện hỗ trợ

Doanh nghiệp, hợp tác xã phải có dự án được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật, quy mô tối thiểu 100 ha; tiêu chuẩn đường tối thiểu cấp C; được nghiệm thu theo quy định.

6.3. Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ sau đầu tư.

7. Hỗ trợ trồng cây phân tán

7.1. Nội dung, mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% giá cây giống cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

7.2. Điều kiện hỗ trợ: Có đăng ký thực hiện trồng cây với Ủy ban nhân dân cấp xã; cơ cấu, tiêu chuẩn, đơn giá cây giống theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

7.3. Hình thức hỗ trợ: Sau đầu tư.

8. Đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng

Mức đầu tư được xác định trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật và dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức đầu tư tối đa không quá 40 triệu đồng/ha/4 năm.

9. Chi phí quản lý

Chi phí quản lý các cấp bằng 2% tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp: Cấp tỉnh 1%; cấp huyện 1%.

10. Kinh phí thực hiện: Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ phát triển rừng bền vững.

11. Điều khoản chuyển tiếp

11.1. Đối với các chương trình, dự án mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo chính sách hỗ trợ trước đây (nếu có).

11.2. Đối với các dự án do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã lập, nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực chưa được phê duyệt thì thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết này.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khóa XIV, kỳ họp thứ mười sáu thông qua ngày 22 tháng 3 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 4 năm 2021./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Giàng Páo Mỷ

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.