• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/03/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 15/03/2010
BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN
Số: 30/2006/TT-BVHTT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 21 tháng 2 năm 2006

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản

_______________

Ngày 26 tháng 8 năm 2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2005/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản”. Để thực hiện thống nhất trong cả nước, Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghịđịnh nêu trên như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Về quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm

Trên cơ sở “Quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm toàn quốc đến năm 2010” đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin phê duyệt theo Quyết định số 40/2002/QĐ-BVHTT ngày 31 tháng 12 năm 2002, các bộ, ban, ngành, địa phương tiến hành xây dựng quy hoạch của bộ, ban, ngành, địa phương mình và gửi về Bộ Văn hóa-Thông tin trước ngày 30 tháng 6 năm 2006.

Căn cứ vào thực tiễn hoạt động xuất bản và quy định của pháp luật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin điều chỉnh lại quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm toàn quốc đến năm 2010.

Quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm toàn quốc là căn cứ để thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sự nghiệp xuất bản và cho phép thành lập các nhà xuất bản, các cơ sở in xuất bản phẩm và cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm.

2. Về cấp lại giấy phép hoạt động đối với nhà xuất bản, cơ sở in xuất bản phẩm, cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm

Việc cấp lại giấy phép trong hoạt động xuất bản quy định tại Điều 21 Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 111/2005/NĐ-CP) được thực hiện như sau:

a) Đối với nhà xuất bản

Nhà xuất bản đang hoạt động có hồ sơ gửi Bộ Văn hóa - Thông tin xin cấp lại giấy phép. Hồ sơ xin cấp lại giấy phép thực hiện như quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Xuất bản.

Việc cấp lại giấy phép cho nhà xuất bản đang hoạt động căn cứ vào các điều kiện quy định tại Điều 12 Luật Xuất bản.

b) Đối với cơ sở in xuất bản phẩm

Cơ sở in xuất bản phẩm của cơ quan, tổ chức ở trung ương đang hoạt động có hồ sơ gửi Cục Xuất bản bộ Văn hóa - Thông tin xin cấp lại giấy phép; cơ sở in xuất bản phẩm của cơ quan, tổ chức thuộc địa phương đang hoạt động có hồ sơ gửi Sở Văn hóa - Thông tin xin cấp lại giấy phép. Hồ sơ xin cấp lại giấy phép thực hiện như quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Xuất bản.

c) Đối với cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm.

Cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm đang hoạt động có hồ sơ gủi Cục Xuất bản Bộ Văn hóa - Thông tin xin cấp lại giấy phép. Hồ sơ xin cấp lại giấy phép. Hồ sơ xin cấp lại giấy phép thực hiện như quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Xuất bản.

d) Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 15 ngày đối với nhà xuất bản, 10 ngày đối với cơ sở in xuất bản phẩm và cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải cấp lại giấy phép. Trường hợp không cấp lại giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.

đ) Việc cấp lại giấy phép hoạt động đối với nhà xuất bản, cơ sở in xuất bản phẩm, cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm được thực hiện từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2006.

e) Nhà xuất bản, cơ sở in xuất bản phẩm, cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm được cấp giấy phép thành lập và hoạt động sau ngày 1 tháng 7 năm 2005 không phải xin cấp lại giấy phép.

Trong thời gian làm thủ tục xin cấp lại giấy phép theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhà xuất bản, cơ sở in xuất bản phẩm, cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm có giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Xuất bản năm 1993 vẫn được tiếp tục hoạt động.

Nhà xuất bản, cơ sở in xuất bản phẩm, cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm không được cấp lại giấy phép phải ngừng hoạt động.

II. LĨNH VỰC XUẤT BẢN

1. Về tờ rời, tờ gấp và lịch các loại

a) Việc xuất bản tài liệu không kinh doanh là tờ rời, tờ gấp (bao gồm cả catalô) quy định tại khoản 2 điều 2 Nghị định số 111/2005/NĐ-CP có nội dung, giới thiệu, hướng dẫn sử dụng hàng hóa, sản phẩm; giới thiệu về doanh nghiệp và dịch vụ thì không phải xin giấy phép xuất bản.

b) Lịch các loại dưới dạng xuất bản phẩm của nhà xuất bản bao gồm: lịch tờ, lịch blốc, lịch túi, lịch sổ, lịch để bàn.

2. Về quảng cáo trên các loại lịch

Việc quảng cáo trên các loại lịch phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Hình ảnh quảng cáo phải phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; không quảng cáo những hàng hóa, dịch vụ mà pháp luật cấm quảng cáo.

b) Đối với lịch bloc: diện tích được quảng cáo không quá 20% diện tích từng tờ lịch; những tờ lịch in ngày quốc lễ và những ngày kỷ niệm lớn theo quy định của Ban Lịch nhà nước không được quảng cáo.

3. Về thủ tục lưu chiểu xuất bản phẩm

a) Đối với xuất bản phẩm của nhà xuất bản phải đóng dấu “lưu chiểu”, ghi thời gian nộp; lãnh đạo hoặc người được ủy quyền của nhà xuất bản ký tên tại trang tên sách đối với sách và tài liệu dưới dạng sách; tại trang in số quyết định xuất bản đối với xuất bản phẩm là tờ rời; tại vỏ bao lịch blốc và trên băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình.

b) Đối với tài liệu không kinh doanh thuộc loại phải cấp giấy phép xuất bản, lãnh đạo hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức được phép xuất bản, ghi thời gian nộp tại trang in số giấy phép xuất bản.

c) Khi nộp lưu chiểu xuất bản phẩm, nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được phép xuất bản phải ghi đầy đủ thông tin vào 02 tờ khai lưu chiểu theo mẫu do Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành.

III. LĨNH VỰC IN

1. Về việc nhận chế bản phim và gia công sau in đối với xuất bản phẩm

Trường hợp cơ sở in chỉ nhận chế bản phim và gia công sau in đối với xuất bản phẩm thì phải yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đặt hàng xuất trình giấy phép xuất bản hoặc quyết định xuất bản của giám đốc nhà xuất bản và nộp 01 bản sao các giấy này để lưu tại cơ sở in.

2. Về việc in tờ rời, tờ gấp

Cơ sở in khi in tài liệu không kinh doanh là tờ rời, tờ gấp (bao gồm cả catalô) quy định tại điểm a mục 1 phần II của Thông tư này thì không phải có giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm.

3. Về điều kiện thiết bị để cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm

Cơ sở in phải có đủ các loại thiết bị in và gia công sau in sau đây mới được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm:

- Máy in;

- Máy dao (máy xén);

- Máy gấp;

- Máy đóng sách hoặc máy bắt - khâu thép liên hợp (hoặc vào bìa)

4. Về nội dung xuất bản phẩm in gia công cho nước ngoài

Không được in gia công cho nước ngoài các loại xuất bản phẩm sau đây:

a) Xuất bản phẩm có nội dung vi phạm các quy định tại Điều 10 Luật Xuất bản;

b) Xuất bản phẩm vi phạm quyền tác giả;

c) Xuất bản phẩm đã bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy tại Việt Nam;

d) Xuất bản phẩm có nội dung không phù hợp với quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

IV. VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ DANH MỤC XUẤT BẢN PHẨM NHẬP KHẨU

Khi đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh, cơ sở nhập khẩu phải gửi 03 bản danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu đến Cũc Xuất bản

Cục Xuất bản xác nhận việc đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu theo mẫu do Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành, đóng dấu vào 03 bản danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu và gửi trả lại cơ sở nhập khẩu 02 bản.

V. HIỆU LỰC THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 38/TT-XB ngày 7 tháng 5 năm 1994 của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện Nghị định số 79/CP ngày 6 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Xuất bản./.

 

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Quang Nghị

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.