• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 24/02/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 15/09/2011
CHÍNH PHỦ
Số: 09/2005/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 27 tháng 1 năm 2005

NGHỊ ĐỊNH

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa

_____________________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa là những hành vi của tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa một cách cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm:

a) Vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa;

b) Vi phạm quy định về phương tiện thủy nội địa;

c) Vi phạm quy định về thuyền viên, người lái phương tiện;

d) Vi phạm quy định về quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện;

đ) Vi phạm quy định về hoạt động của cảng, bến thủy nội địa và vận tải đường thủy nội địa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa đều bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa trên lãnh thổ Việt Nam cũng bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này; trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì thực hiện theo điều ước quốc tế đó.

2. Tàu biển, tàu cá khi hoạt động trên đường thủy nội địa có hành vi vi phạm quy định tại Điều 20, Điều 21, Điều 22 hoặc tàu cá có hành vi vi phạm quy định tại Điều 23 của Nghị định này thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các điều đó; các hành vi vi phạm hành chính khác thì áp dụng hình thức, mức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, thủy sản.

3. Việc xử phạt người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt

1. Mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa phải thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này và phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do hành vi vi phạm gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa khi có hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này.

4. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa phải do người có thẩm quyền quy định tại Nghị định này thực hiện.

5. Một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa chỉ bị xử phạt một lần.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm; nếu hình thức xử phạt là phạt tiền thì được cộng lại thành mức phạt chung và người có thẩm quyền xử phạt chỉ ra một quyết định xử phạt.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

6. Khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân của người vi phạm, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

7. Không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự cố bất ngờ, bất khả kháng hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Điều 4. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp áp dụng hình thức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.

2. Trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

3. Trong trường hợp xử phạt một người có nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi vi phạm hành chính đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt, thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;

b) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt, thì người đó phải chuyển vụ vi phạm hành chính đến cấp có thẩm quyền xử phạt;

c) Nếu các hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra hành vi vi phạm.

Điều 5. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp quản lý hành chính đối với thuyền viên, người lái phương tiện

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa được quy định tại Nghị định này, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức tiền phạt đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể không có tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức tối đa của khung tiền phạt. Nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt giảm xuống thấp hơn mức trung bình, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tăng lên cao hơn mức trung bình nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện, chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép khác;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

3. Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm hành chính gây ra;

c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện;

d) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại.

4. Thuyền viên, người lái phương tiện có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa có thể bị đánh dấu vi phạm trên bằng, chứng chỉ chuyên môn.

Việc đánh dấu vi phạm trên bằng, chứng chỉ chuyên môn là biện pháp quản lý hành chính, giáo dục, phòng ngừa vi phạm hành chính đối với thuyền viên, người lái phương tiện trong việc chấp hành quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.

Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan quy định cụ thể việc đánh dấu vi phạm trên bằng, chứng chỉ chuyên môn.

Điều 6. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa là một năm kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện. Nếu quá thời hạn nêu trên thì không xử phạt nhưng vẫn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định này.

2. Trong thời hạn một năm, tổ chức, cá nhân lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

3. Đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính thì bị xử phạt vi phạm hành chính; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người đã ra quyết định phải gửi quyết định cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án và hồ sơ vụ vi phạm.

Chương II

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT

Mục 1

 VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỘC KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 7. Vi phạm quy định về bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đổ rác hoặc rơm rạ xuống đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa;

b) Buộc súc vật vào báo hiệu đường thủy nội địa, mốc thủy chí, mốc đo đạc hoặc mốc giới hạn phạm vi hành lang bảo vệ luồng.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Trồng cây, để đồ vật, dựng lều quán hoặc có hành vi khác trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng làm che khuất báo hiệu đường thủy nội địa hoặc làm hạn chế tầm nhìn của người điều khiển phương tiện;

b) Buộc phương tiện vào báo hiệu đường thủy nội địa, mốc thủy chí, mốc đo đạc hoặc mốc giới hạn phạm vi hành lang bảo vệ luồng;

3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi để đồ vật hoặc dựng lều quán trái phép trong phạm vi luồng.

4. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi để bùn, đất, cát, sỏi hoặc các chất phế thải khác rơi, trôi xuống luồng hoặc trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng.

5. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Làm sạt lở kè, đập giao thông;

b) Tháo dỡ trái phép cấu kiện hoặc lấy đất, đá của công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa;

c) Dịch chuyển báo hiệu hoặc có hành vi khác làm mất tác dụng của báo hiệu;

d) Không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa khi tổ chức diễn tập, thi đấu thể thao, vui chơi giải trí trên đường thủy nội địa;

đ) Đổ bùn, đất, đá, cát, sỏi hoặc các chất phế thải khác trái phép xuống luồng hoặc trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng.

6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trên đường thủy nội địa không đúng giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Tổ chức họp chợ trái phép trên đường thủy nội địa.

7. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Để phương tiện đâm, va vào công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa làm ảnh hưởng đến an toàn của công trình;

b) Dựng nhà (kể cả nhà nổi), xây dựng công trình trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng hoặc phạm vi bảo vệ công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa;

c) Khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng hoặc phạm vi bảo vệ công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

8. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Dựng nhà (kể cả nhà nổi), xây dựng công trình trái phép trên luồng;

b) Khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trái phép trong phạm vi luồng.

9. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tạo vật chướng ngại trên luồng gây cản trở giao thông;

b) Sử dụng chất nổ làm ảnh hưởng đến an toàn của công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

10. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản từ ba tháng đến sáu tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 6 Điều này;

b) Buộc tháo dỡ nhà, lều quán, công trình, thanh thải vật chướng ngại, di chuyển cây, đồ vật, phương tiện, súc vật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3, điểm b khoản 7 và điểm a khoản 8 Điều này;

c) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, các điểm a, b, c, đ khoản 5, điểm a, điểm c khoản 7 và điểm b khoản 8 Điều này.

Điều 8. Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công công trình

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện, thiết bị thi công trên đường thủy nội địa mà không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ phương án bảo đảm an toàn giao thông được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa chấp thuận khi thi công công trình;

b) Để phương tiện, thiết bị thi công gây cản trở giao thông;

c) Không bàn giao hồ sơ công trình liên quan đến phạm vi bảo vệ luồng cho đơn vị quản lý đường thủy nội địa khi thi công xong công trình.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không có phương án bảo đảm an toàn giao thông được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa chấp thuận khi thi công công trình.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi khi thi công nạo vét đường thủy nội địa mà đổ bùn, đất, đá, cát, sỏi trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng không đúng nơi quy định của cơ quan có thẩm quyền.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi khi thi công nạo vét đường thủy nội địa mà đổ bùn, đất, đá, cát, sỏi trong phạm vi luồng không đúng nơi quy định của cơ quan có thẩm quyền.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dọn sạch nơi đổ bùn, đất, đá, cát, sỏi đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều này.

Điều 9. Vi phạm quy định về quản lý đường thủy nội địa

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thông báo hoặc thông báo không kịp thời khi luồng, phạm vi hành lang bảo vệ luồng thay đổi;

b) Không lập hồ sơ theo dõi vật chướng ngại trên đường thủy nội địa có ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Phát hiện không kịp thời vật chướng ngại trên luồng;

b) Phát hiện không kịp thời công trình giao thông đường thủy nội địa bị hư hại;

c) Không có biện pháp xử lý hoặc xử lý không kịp thời khi phát hiện công trình giao thông đường thủy nội địa bị hư hại.

Điều 10. Vi phạm quy định về thanh thải vật chướng ngại

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn trục vớt phương tiện bị chìm, đắm hoặc thanh thải vật chướng ngại khác theo quy định của đơn vị quản lý đường thủy nội địa.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trục vớt không hết phương tiện bị chìm, đắm hoặc thanh thải không hết vật chướng ngại khác.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không trục vớt phương tiện bị chìm, đắm hoặc không thanh thải vật chướng ngại khác.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc trục vớt phương tiện, thanh thải vật chướng ngại đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

Điều 11. Vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa khi khai thác, nuôi trồng thủy sản

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đánh bắt thủy sản lưu động mà gây cản trở giao thông;

b) Đặt ngư cụ, để phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện hoặc không đúng theo hướng dẫn của đơn vị quản lý đường thủy nội địa.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không dỡ bỏ ngư cụ, không di chuyển phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản sau khi chấm dứt việc khai thác, nuôi trồng thủy sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không di chuyển, thu hẹp ngư cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản theo thông báo của đơn vị quản lý đường thủy nội địa.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi đặt cố định ngư cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản trên luồng.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ, thu hẹp, di chuyển ngư cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Điều 12. Vi phạm quy định về báo hiệu đường thủy nội địa

1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không đặt hoặc đặt không đúng báo hiệu giới hạn vùng nước bến thủy nội địa, báo hiệu đăng đáy cá theo quy định.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không đặt hoặc đặt không đúng báo hiệu bến phà, bến khách ngang sông.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không duy trì báo hiệu trên tuyến đường thủy nội địa theo quy định.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không đặt báo hiệu hoặc đặt không đúng quy định báo hiệu giới hạn vùng nước cảng thủy nội địa, báo hiệu vị trí vật chướng ngại, công trình xây dựng trên đường thủy nội địa, công trình qua luồng trên không, công trình qua luồng dưới mặt đất.

Mục 2

VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA

Điều 13. Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, đăng ký, đăng kiểm phương tiện

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Số đăng ký của phương tiện bị mờ hoặc bị che khuất;

b) Kẻ, gắn số đăng ký của phương tiện không đúng quy định;

c) Đưa phương tiện thô sơ trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người vào hoạt động mà không bảo đảm an toàn theo quy định.

2. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến dưới 5 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực hoặc có sức chở dưới 5 người vào hoạt động mà có một trong các vi phạm sau đây:

a) Không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện;

b) Không đăng ký lại phương tiện theo quy định;

c) Không khai báo để xóa tên phương tiện hoặc không nộp lại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo quy định;

d) Không kẻ, gắn số đăng ký của phương tiện theo quy định;

đ) Kẻ, gắn số đăng ký giả;

e) Không sơn hoặc sơn không đúng quy định vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện;

g) Không kẻ hoặc kẻ không đúng số lượng người được phép chở trên phương tiện theo quy định;

h) Không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự hoặc giấy tờ khác theo quy định cho từng loại phương tiện;

i) Không bảo đảm an toàn theo quy định.

3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người vào hoạt động mà có một trong các vi phạm sau đây:

a) Không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện;

b) Không đăng ký lại phương tiện theo quy định;

c) Không khai báo để xóa tên phương tiện hoặc không nộp lại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo quy định;

d) Không kẻ, gắn số đăng ký của phương tiện theo quy định;

đ) Kẻ, gắn số đăng ký giả;

e) Không sơn hoặc sơn không đúng quy định vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện;

g) Không kẻ hoặc kẻ không đúng số lượng người được phép chở trên phương tiện theo quy định;

h) Không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự hoặc giấy tờ khác theo quy định cho từng loại phương tiện;

i) Sử dụng giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện đã hết hiệu lực.

4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực, phương tiện có sức chở trên 12 người vào hoạt động mà có một trong các vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này hoặc không có danh bạ thuyền viên theo quy định.

5. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người vào hoạt động mà có một trong các vi phạm sau đây:

a) Không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện;

b) Sử dụng giấy chứng nhận đăng ký phương tiện hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giả;

c) Tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện không đúng tiêu chuẩn theo quy định;

d) Giả mạo hồ sơ để được đăng ký, đăng kiểm phương tiện;

đ) Mượn, thuê, cho mượn, cho thuê trang thiết bị của phương tiện để đăng kiểm.

6. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực, phương tiện có sức chở trên 12 người vào hoạt động mà có một trong các vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2, điểm đ khoản 3, điểm b và điểm d khoản 5 Điều này.

Điều 14. Vi phạm quy định về trang thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với hành vi đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực vào hoạt động mà không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ dụng cụ an toàn theo quy định.

2. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi đưa phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực, phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có sức chở đến 12 người vào hoạt động mà có một trong các vi phạm sau đây:

a) Không trang bị hoặc trang bị không đủ số lượng, không đúng chủng loại một trong các trang thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, neo đậu, liên kết phương tiện theo quy định;

b) Không bảo đảm chất lượng hoặc không bố trí đúng vị trí một trong các trang thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, neo đậu, liên kết phương tiện theo quy định.

3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn đến 150 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực đến 150 mã lực, đoàn lai trọng tải toàn phần đến 400 tấn, phương tiện sức chở từ trên 12 người đến 50 người vào hoạt động mà có một trong các vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 150 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 150 mã lực, đoàn lai trọng tải toàn phần trên 400 tấn, phương tiện có sức chở trên 50 người vào hoạt động mà có một trong các vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng loại phương tiện quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này từ một tháng đến ba tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 15. Vi phạm quy định về công dụng, vùng hoạt động của phương tiện

1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đưa phương tiện vào khai thác không đúng công dụng hoặc không đúng vùng hoạt động của phương tiện theo quy định, cụ thể như sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực;

b) Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực, phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có sức chở đến 12 người;

c) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn đến 150 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực đến 150 mã lực, đoàn lai trọng tải toàn phần đến 400 tấn, phương tiện có sức chở từ trên 12 người đến 50 người;

d) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 150 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 150 mã lực, đoàn lai trọng tải toàn phần trên 400 tấn, phương tiện có sức chở trên 50 người.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng loại phương tiện quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều này từ một tháng đến ba tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 16. Vi phạm quy định về thiết kế, đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Hành nghề thiết kế, đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện khi không đủ điều kiện theo quy định;

b) Đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện không đúng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật hoặc không đúng với hồ sơ thiết kế đã được cơ quan đăng kiểm phê duyệt.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thuộc diện đăng kiểm mà không có hồ sơ thiết kế được cơ quan đăng kiểm phê duyệt;

b) Tự ý thay đổi tính năng, kết cấu, công dụng của phương tiện.

Mục 3

VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ THUYỀN VIÊN, NGƯỜI LÁI PHƯƠNG TIỆN

Điều 17. Vi phạm quy định về bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện

1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi làm việc trên phương tiện mà không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc có bằng, chứng chỉ chuyên môn nhưng không đúng quy định, cụ thể như sau:

a) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người lái phương tiện, thuyền viên theo quy định phải có chứng chỉ lái phương tiện, chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ;

b) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với thuyền viên theo quy định phải có chứng chỉ chuyên môn đặc biệt;

c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với thuyền viên theo quy định phải có bằng thuyền trưởng hạng ba, bằng máy trưởng hạng ba;

d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với thuyền viên theo quy định phải có bằng thuyền trưởng hạng nhì, bằng máy trưởng hạng nhì;

đ) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với thuyền viên theo quy định phải có bằng thuyền trưởng hạng nhất, bằng máy trưởng hạng nhất.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Giao việc điều khiển phương tiện cho người không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc có nhưng không phù hợp với loại phương tiện theo quy định;

b) Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn bằng, chứng chỉ chuyên môn;

c) Tẩy xóa, sửa chữa bằng, chứng chỉ chuyên môn;

d) Điều khiển phương tiện trong thời gian bị tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn.

3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai báo gian dối để được cấp, đổi hoặc cấp lại bằng, chứng chỉ chuyên môn như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với chứng chỉ chuyên môn;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với bằng thuyền trưởng, máy trưởng.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn giả.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện từ ba tháng đến sáu tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều này;

b) Tịch thu bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này.

Điều 18. Vi phạm quy định đối với thuyền viên, người lái phương tiện

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi khi đang làm việc trên phương tiện mà có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc 40 miligam/100 mililít khí thở hoặc sử dụng các chất kích thích khác mà pháp luật cấm.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không bố trí đủ thuyền viên theo quy định hoặc sử dụng người làm việc trên phương tiện không có tên trong danh bạ thuyền viên;

b) Bố trí thuyền viên làm việc trong tình trạng thuyền viên có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc 40 miligam/100 mililít khí thở hoặc sử dụng các chất kích thích khác mà pháp luật cấm;

c) Không bố trí thuyền viên trông coi phương tiện khi phương tiện neo đậu, hoặc không bố trí người cảnh giới trong trường hợp phương tiện hành trình mà tầm nhìn bị hạn chế;

d) Sử dụng người không đủ sức khỏe, không đủ tuổi hoặc quá tuổi làm thuyền viên theo quy định.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thuyền trưởng hoặc thuyền phó không có mặt trên phương tiện trong ca làm việc khi phương tiện đang hành trình;

b) Thuyền trưởng không trực tiếp điều khiển phương tiện khi qua cầu, âu tàu, ra, vào cảng, bến thủy nội địa và trong các trường hợp theo quy định thuyền trưởng phải trực tiếp điều khiển phương tiện.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng từ một tháng đến ba tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 19. Vi phạm quy định về cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện không đủ điều kiện theo quy định;

b) Không thực hiện đúng, đầy đủ quy chế tuyển sinh; nội dung, chương trình đào tạo; quy chế thi, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp từ ba tháng đến sáu tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 20. Vi phạm quy định về trách nhiệm khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với hành vi không báo kịp thời cho cơ quan công an hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương nơi gần nhất khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

2. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian triệu tập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không bảo vệ hoặc làm thay đổi dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn;

b) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng liên quan đến tai nạn;

c) Trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện cứu nạn;

d) Gây mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn;

đ) Lợi dụng tai nạn xảy ra để xâm phạm tài sản, phương tiện bị nạn.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi gây tai nạn mà bỏ trốn.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng, người lái phương tiện từ một tháng đến ba tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 3 Điều này.

b) Tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện từ ba tháng đến sáu tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 21. Vi phạm quy định về kiểm tra, kiểm soát

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi cản trở việc kiểm tra, kiểm soát.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không dừng phương tiện khi nhận được tín hiệu kiểm tra, kiểm soát;

b) Không xuất trình hoặc xuất trình không đầy đủ giấy tờ của phương tiện, của thuyền viên hoặc người lái phương tiện khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;

c) Không chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền về kiểm tra, kiểm soát trang thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện;

d) Có hành vi hối lộ người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử phạt vi phạm hành chính.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện từ một tháng đến ba tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Tịch thu sung công quỹ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.

Mục 4

VI PHẠM QUY TẮC GIAO THÔNG VÀ TÍN HIỆU CỦA PHƯƠNG TIỆN

Điều 22. Vi phạm quy tắc giao thông

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực, phương tiện không có động cơ sức chở đến 12 người có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bám buộc vào phương tiện chở người, phương tiện chở hàng hóa nguy hiểm khi đang hành trình;

b) Để phương tiện chở người, phương tiện chở hàng hóa nguy hiểm bám buộc vào phương tiện của mình khi đang hành trình;

c) Không tuân theo chỉ dẫn của báo hiệu đường thủy nội địa;

d) Không giảm tốc độ của phương tiện theo quy định;

đ) Không chấp hành các quy định khi đi qua cầu, cống, âu tàu hoặc chỉ dẫn của người điều tiết giao thông;

e) Không phát tín hiệu của phương tiện theo quy định khi hành trình trong điều kiện tầm nhìn bị hạn chế hoặc nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp;

g) Neo đậu phương tiện ở những nơi cấm neo đậu hoặc không thực hiện đúng các quy định về neo đậu phương tiện.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực, phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có động cơ sức chở đến 12 người, bè loại F có một trong các vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn đến 150 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực đến 150 mã lực, đoàn lai có trọng tải toàn phần đến 400 tấn, phương tiện sức chở trên 12 người đến 50 người, phương tiện có động cơ tốc độ trên 30 km/giờ có sức chở đến 12 người, bè loại E có một trong các vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 150 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 150 mã lực, đoàn lai trọng tải toàn phần trên 400 tấn, phương tiện sức chở trên 50 người, phương tiện có động cơ tốc độ trên 30 km/giờ có sức chở trên 12 người có một trong các vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không phát tín hiệu của phương tiện theo quy định khi tránh nhau hoặc vượt nhau;

b) Vượt phương tiện khác khi chưa được phương tiện đó phát tín hiệu cho vượt;

c) Lạm dụng quyền được nhường đường, quyền ưu tiên gây nguy hiểm hoặc trở ngại cho các phương tiện khác;

d) Không tránh và nhường đường cho phương tiện khác theo quy định.

6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển phương tiện lạng lách, ngoằn ngoèo;

b) Điều khiển phương tiện chạy tạo sóng lớn gây tổn hại đến công trình giao thông;

c) Điều khiển phương tiện chạy với tốc độ lớn gây mất an toàn cho phương tiện khác.

7. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đua phương tiện trái phép.

8. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức đua phương tiện trái phép.

9. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện từ một tháng đến ba tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này; tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện không thời hạn đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 7 Điều này;

b) Tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều này.

Điều 23. Vi phạm quy định về tín hiệu của phương tiện

Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không bố trí hoặc bố trí không đúng tín hiệu của phương tiện theo quy định, cụ thể như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực.

2. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực, phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có động cơ sức chở đến 12 người, bè loại F.

3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn đến 150 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực đến 150 mã lực, phương tiện sức chở trên 12 người đến 50 người, phương tiện có động cơ tốc độ trên 30 km/giờ có sức chở đến 12 người, bè loại E.

4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 150 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 150 mã lực, đoàn lai, phương tiện sức chở trên 50 người, phương tiện có động cơ tốc độ trên 30 km/giờ sức chở trên 12 người.

Mục 5

VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CẢNG, BẾN THỦY NỘI ĐỊA VÀ VẬN TẢI ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 24. Vi phạm quy định về khai thác cảng, bến thủy nội địa

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Khai thác bến thủy nội địa quá phạm vi vùng nước hoặc khai thác quá thời hạn cho phép;

b) Không bố trí, bố trí không đầy đủ hoặc không đủ điều kiện an toàn của một trong các thiết bị đệm chống va, cầu cho người lên xuống, cột bích hoặc phao cho phương tiện buộc dây, đèn chiếu sáng ban đêm theo quy định;

c) Không có nội quy cảng, bến đối với cảng, bến quy định phải có nội quy.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mở bến thủy nội địa khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền;

b) Khai thác cảng thủy nội địa quá phạm vi vùng nước hoặc khai thác quá thời hạn cho phép;

c) Bố trí người điều khiển thiết bị xếp, dỡ không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định;

d) Sử dụng thiết bị xếp, dỡ hàng hóa không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật;

đ) Tiếp nhận phương tiện có mớn nước hoặc kích thước lớn hơn so với quy định trong giấy phép của cơ quan có thẩm quyền;

e) Xếp, dỡ hàng hóa hoặc đón, trả hành khách khi phương tiện chưa được phép vào cảng, bến.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mở cảng thủy nội địa khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền;

b) Để hành khách xuống phương tiện quá sức chở của phương tiện hoặc xếp hàng hóa xuống phương tiện quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện;

c) Không trang bị đầy đủ thiết bị phòng, chống cháy, nổ theo quy định.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc đưa lên khỏi phương tiện số hành khách vượt quá sức chở, số hàng hóa chở quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

Điều 25. Vi phạm quy định về hoạt động của phương tiện trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 mã lực, phương tiện có sức chở đến 12 người có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không để cho người của phương tiện khác đi qua phương tiện của mình;

b) Vi phạm nội quy cảng, bến thủy nội địa hoặc gây mất trật tự tại cảng, bến thủy nội địa;

c) Điều khiển phương tiện ra, vào cảng, bến mà không có giấy phép ra, vào cảng, bến thủy nội địa theo quy định;

d) Không thực hiện sự điều động của người có thẩm quyền huy động phương tiện để cứu người, phương tiện bị nạn;

đ) Tự ý di chuyển phương tiện hoặc neo đậu phương tiện không đúng nơi quy định trong phạm vi vùng nước cảng, bến thủy nội địa.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn đến 150 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực đến 150 mã lực, phương tiện sức chở từ trên 12 người đến 50 người có một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 150 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 150 mã lực, đoàn lai, phương tiện sức chở trên 50 người có một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đưa phương tiện vào xếp, dỡ hàng hóa, đón trả hành khách tại cảng, bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động.

Điều 26. Vi phạm quy định về vận chuyển người, hành khách

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với hành vi vận tải người, hành khách bằng phương tiện không có động cơ sức chở đến 12 người có một trong các vi phạm sau đây:

a) Không bố trí chỗ ngồi cho người, hành khách; để người, hành khách đứng trên phương tiện hoặc có hành vi khác làm mất an toàn của phương tiện;

b) Xếp người, hành khách, hàng hóa, hành lý, xe đạp, mô tô, xe máy, phương tiện khác làm nghiêng lệch phương tiện hoặc che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện;

c) Chở động vật nhỏ mà không nhốt trong lồng, cũi hoặc chở động vật lớn cùng với người, hành khách trên phương tiện;

d) Chở chất dễ cháy, dễ nổ, độc hại, hôi thối hoặc súc vật bị dịch bệnh cùng với người, hành khách.

2. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi vận tải người, hành khách bằng phương tiện có động cơ sức chở đến 12 người có một trong các vi phạm sau đây:

a) Đón, trả hành khách không đúng nơi quy định;

b) Không bố trí chỗ ngồi cho người, hành khách; để người, hành khách đứng trên phương tiện hoặc có hành vi khác làm mất an toàn của phương tiện;

c) Không có nội quy an toàn hoặc không phổ biến nội quy an toàn cho người, hành khách trên phương tiện;

d) Để người, hành khách đứng, ngồi trên mui hoặc hai bên mạn của phương tiện;

đ) Không có danh sách hành khách, trừ vận tải hành khách ngang sông;

e) Xếp hàng hóa, hành lý trên lối đi của hành khách;

g) Chở động vật nhỏ mà không nhốt trong lồng, cũi hoặc chở động vật lớn cùng với người, hành khách trên phương tiện;

h) Chở chất dễ cháy, dễ nổ, độc hại, hôi thối hoặc súc vật bị dịch bệnh cùng với người, hành khách.

3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vận tải người, hành khách bằng phương tiện chở khách có sức chở từ trên 12 người đến 50 người, phương tiện chở khách có tốc độ trên 30 km/giờ sức chở đến 12 người có một trong các vi phạm sau đây:

a) Không chạy đúng tuyến đăng ký, trừ vận tải hành khách theo hợp đồng;

b) Đón, trả hành khách không đúng nơi quy định;

c) Không có nội quy an toàn hoặc không phổ biến nội quy an toàn cho người, hành khách trên phương tiện;

d) Để người, hành khách đứng, ngồi trên mui, hai bên mạn của phương tiện;

đ) Không có danh sách hành khách, trừ vận tải hành khách ngang sông;

e) Chở động vật nhỏ mà không nhốt trong lồng, cũi hoặc chở động vật lớn chung với người, hành khách;

g) Xếp hàng hóa, hành lý không đúng quy định;

h) Chở chất dễ cháy, dễ nổ, độc hại, hôi thối hoặc súc vật bị dịch bệnh cùng với người, hành khách;

i) Chuyển nhượng hành khách sang phương tiện khác khi chưa được sự đồng ý của hành khách.

4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi vận tải người, hành khách bằng phương tiện chở khách có sức chở từ trên 50 người đến 100 người, phương tiện chở khách có tốc độ trên 30 km/giờ sức chở từ trên 12 người đến 50 người có một trong các vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vận tải người, hành khách bằng phương tiện chở khách có sức chở trên 100 người, phương tiện chở khách có tốc độ trên 30 km/giờ sức chở trên 50 người có một trong các vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

6. Phạt tiền từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng trên mỗi người, hành khách chở vượt quá sức chở của phương tiện.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc đưa lên khỏi phương tiện số người, hành khách vượt quá sức chở của phương tiện theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này.

Điều 27. Vi phạm quy định đối với hành khách

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện hoặc sự hướng dẫn của thuyền trưởng, người lái phương tiện.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Mang hành lý thuộc loại hàng hóa mà pháp luật cấm vận tải chung với hành khách;

b) Gây mất trật tự, an toàn trên phương tiện.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu hàng hóa đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 28. Vi phạm quy định về xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng đối với hành vi vận tải hàng hóa bằng phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực có một trong các vi phạm sau đây:

a) Xếp, dỡ hàng hóa làm nghiêng lệch phương tiện;

b) Xếp hàng hóa che khuất tầm nhìn của người lái phương tiện hoặc thuyền viên trực tiếp điều khiển phương tiện hoặc cản trở hoạt động của hệ thống lái, neo và các trang thiết bị an toàn khác;

c) Xếp hàng hóa vượt quá kích thước theo chiều ngang, chiều dọc của phương tiện.

2. Phạt tiền từ 30.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi vận tải hàng hóa bằng phương tiện không có động cơ có trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực có một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vận tải hàng hóa bằng phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn đến 150 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy trên 15 mã lực đến 150 mã lực, đoàn lai trọng tải toàn phần đến 400 tấn có một trong các vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi vận tải hàng hóa bằng phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 150 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 150 mã lực, đoàn lai trọng tải toàn phần trên 400 tấn có một trong các vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn từ một tháng đến ba tháng đối với thuyền trưởng loại phương tiện quy định tại khoản 3, khoản 4 có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 29. Vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện đến 1/5 chiều cao mạn khô của phương tiện, kể cả một trong các phương tiện của đoàn lai.

2. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện từ trên 1/5 đến 1/2 chiều cao mạn khô của phương tiện, kể cả một trong các phương tiện của đoàn lai, cụ thể như sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với phương tiện có trọng tải toàn phần đến 15 tấn;

b) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với phương tiện có trọng tải toàn phần từ trên 15 tấn đến 150 tấn;

c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với phương tiện có trọng tải toàn phần từ trên 150 tấn đến 500 tấn hoặc đoàn lai có trọng tải toàn phần đến 400 tấn;

d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với phương tiện có trọng tải toàn phần từ trên 500 tấn hoặc đoàn lai có trọng tải toàn phần từ trên 400 tấn đến 1000 tấn;

đ) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với đoàn lai có trọng tải toàn phần trên 1.000 tấn.

3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn trên 1/2 chiều cao mạn khô của phương tiện, kể cả một trong các phương tiện của đoàn lai, cụ thể như sau:

a) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với phương tiện có trọng tải toàn phần đến 15 tấn;

b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với phương tiện có trọng tải toàn phần từ trên 15 tấn đến 150 tấn;

c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với phương tiện có trọng tải toàn phần từ trên 150 tấn đến 500 tấn hoặc đoàn lai có trọng tải toàn phần đến 400 tấn;

d) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với phương tiện có trọng tải toàn phần từ trên 500 tấn hoặc đoàn lai có trọng tải toàn phần từ trên 400 tấn đến 1.000 tấn;

đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với đoàn lai có trọng tải toàn phần trên 1.000 tấn.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng, người lái phương tiện từ một tháng đến ba tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Buộc phải hạ tải đến đúng vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 30. Vi phạm quy định về vận tải hàng hóa nguy hiểm

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vận tải hàng hóa nguy hiểm có một trong các vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện đầy đủ các quy định về vận tải hàng hóa nguy hiểm;

b) Không chấp hành quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ, độc hại ghi trong giấy phép.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vận tải hàng hóa nguy hiểm có một trong các vi phạm sau đây:

a) Không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền;

b) Không trang bị phương tiện, dụng cụ phòng, chống cháy, nổ, độc hại hoặc không có phương án ứng cứu sự cố tràn dầu khi vận tải xăng dầu;

c) Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm không có biểu trưng hàng hóa nguy hiểm, báo hiệu nguy hiểm;

d) Không thực hiện đúng quy trình làm sạch phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm;

đ) Làm sạch phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm không đúng nơi quy định.

3. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng, người lái phương tiện từ một tháng đến ba tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Buộc dọn sạch hàng hóa nguy hiểm đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.

Điều 31. Vi phạm quy định về vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng mà không có phương án bảo đảm an toàn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 32. Vi phạm quy định về hoa tiêu

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Hoa tiêu dẫn tàu khi không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định;

b) Hoa tiêu dẫn tàu vào vị trí neo đậu không đúng vị trí chỉ định của Cảng vụ đường thủy nội địa;

c) Hoa tiêu không thông báo những thay đổi của luồng cho Cảng vụ đường thủy nội địa;

d) Hoa tiêu tự ý rời phương tiện khi chưa được phép của thuyền trưởng.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không sử dụng hoa tiêu theo quy định;

b) Không thông báo hoặc thông báo không chính xác về tính năng và đặc điểm của tàu cho hoa tiêu;

c) Không bảo đảm điều kiện làm việc cho hoa tiêu trong thời gian hoa tiêu ở trên tàu.

Chương III

THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 33. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này trong phạm vi quản lý của địa phương mình theo thẩm quyền như sau:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm hành chính gây ra; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm hành chính gây ra; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng.

Điều 34. Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân

Lực lượng Công an nhân dân có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 xảy ra tại cơ sở đóng mới, hoán cải phương tiện, các hành vi vi phạm quy định tại Điều 19 và các hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cảng vụ đường thủy nội địa tại những cảng, bến có Cảng vụ đường thủy nội địa quản lý theo thẩm quyền như sau:

1. Chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000 đồng.

2. Đội trưởng, Trạm trưởng của người quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

3. Trưởng công an cấp xã được áp dụng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định này.

4. Trưởng công an cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm hành chính gây ra; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng.

5. Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự thuộc Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên hoạt động có tính chất độc lập có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm hành chính gây ra; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng.

6. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm hành chính gây ra; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng.

7. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường thủy, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm hành chính gây ra; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng.

Điều 35. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông đường thủy nội địa

Thanh tra giao thông đường thủy nội địa có quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về quản lý, bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa; tiêu chuẩn kỹ thuật khai thác công trình giao thông đường thủy nội địa; an toàn thi công công trình trên đường thủy nội địa; vận tải đường thủy nội địa; cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện; đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện tại cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện; phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện tại cảng, bến thủy nội địa hoặc nơi neo đậu phương tiện theo quy định tại Nghị định này, theo thẩm quyền xử phạt như sau:

1. Thanh tra viên giao thông đường thủy nội địa đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm hành chính gây ra; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng.

2. Chánh Thanh tra chuyên ngành cấp Sở có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm hành chính gây ra; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng.

3. Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm hành chính gây ra; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng.

Điều 36. Thẩm quyền xử phạt của Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa

Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cảng vụ đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa thuộc trách nhiệm quản lý của mình, theo thẩm quyền như sau:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm hành chính gây ra; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng.

Điều 37. Trình tự, thủ tục xử phạt

1. Trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa phải tuân theo các quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Người có thẩm quyền hoặc cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của người có thẩm quyền xử phạt đang thi hành công vụ thuộc lĩnh vực của mình phát hiện hành vi vi phạm về giao thông đường thủy nội địa phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm và tiến hành xử phạt tại chỗ theo thẩm quyền hoặc lập biên bản vi phạm hành chính chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

1. Trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Nghị định này có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 46 và khoản 3 Điều 57 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể việc áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện.

Điều 39. Chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo quy định tại Nghị định này phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa bị áp dụng hình thức phạt tiền thì phải nộp tiền phạt trực tiếp cho người ra quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật hoặc nộp tiền phạt tại nơi thu tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt.

3. Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành.

Điều 40. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính mà không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành bằng các biện pháp sau đây:

a) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng;

b) Kê biên phần tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

c) Các biện pháp cưỡng chế khác để thực hiện tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

2. Tổ chức, cá nhân nhận được quyết định cưỡng chế phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định cưỡng chế và phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

3. Việc cưỡng chế bằng các biện pháp quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này phải được thông báo bằng văn bản trước khi thi hành cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện việc cưỡng chế để phối hợp thực hiện.

4. Các cơ quan chức năng của Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp theo sự phân công của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân.

5. Lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp hoặc quyết định cưỡng chế của các cơ quan nhà nước khác khi được các cơ quan đó yêu cầu.

Chương IV

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 41. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về xử phạt vi phạm hành chính

1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại về quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Công dân có quyền tố cáo vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa của tổ chức, cá nhân và những vi phạm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Việc khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn được thực hiện theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Điều 42. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 33, 34, 35 và 36 của Nghị định này mà sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt vượt quá thẩm quyền thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa mà có hành vi ngăn cản, chống đối người thi hành công vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối, hối lộ để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát hoặc xử phạt vi phạm hành chính của người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 43. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; thay thế Chương VII của Nghị định số 40/CP ngày 05 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 77/1998/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ.

Điều 44. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc thu tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Điều 45. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.