• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/10/2010
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-BỘ CÔNG AN-TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Số: 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2010

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung

 __________________________________

Để thi hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (sau đây viết tắt là BLTTHS) về trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:

Điều 1. Chứng cứ quan trọng đối với vụ án

1. “Chứng cứ quan trọng đối với vụ án” quy định tại khoản 1 Điều 168 và điểm a khoản 1 Điều 179 BLTTHS là chứng cứ quy định tại Điều 64 của BLTTHS dùng để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 63 của BLTTHS và nếu thiếu chứng cứ này thì không thể giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.

2. Thiếu chứng cứ sau đây là trường hợp thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án:

a) Chứng cứ để chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra hay không” là chứng cứ để xác định hành vi xảy ra đó có đủ yếu tố của cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự hay thuộc các trường hợp không phải là hành vi phạm tội (phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ, quan hệ dân sự, kinh tế, vi phạm hành chính...);

b) Chứng cứ để chứng minh “thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định nếu có hành vi phạm tội xảy ra thì xảy ra vào thời gian nào, ở đâu; phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm như thế nào;

c) Chứng cứ để chứng minh “Ai là người thực hiện hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định một con người cụ thể đã thực hiện hành vi phạm tội đó;

d) Chứng cứ để chứng minh “có lỗi hay không có lỗi” là chứng cứ xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có lỗi hay không có lỗi; nếu có lỗi thì thuộc trường hợp lỗi cố ý (lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp) hoặc lỗi vô ý (lỗi vô ý do quá tự tin hay lỗi vô ý do cẩu thả) theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Bộ luật hình sự;

đ) Chứng cứ để chứng minh “có năng lực trách nhiệm hình sự hay không” là chứng cứ xác định khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay chưa; có mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình hay không và nếu có thì mắc bệnh đó vào thời gian nào, trong giai đoạn tố tụng nào;

e) Chứng cứ để chứng minh “mục đích, động cơ phạm tội” là chứng cứ xác định người thực hiện hành vi phạm tội với mục đích, động cơ gì và trong trường hợp mục đích, động cơ phạm tội là yếu tố tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc là yếu tố (tình tiết) của cấu thành tội phạm hoặc là yếu tố (tình tiết) định khung hình phạt;

g) Chứng cứ để chứng minh tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo là chứng cứ xác định bị can, bị cáo có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 46 của Bộ luật hình sự; có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 48 của Bộ luật hình sự hoặc là chứng cứ xác định tình tiết định khung hình phạt;

h) Chứng cứ để chứng minh những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo là chứng cứ xác định lý lịch tư pháp của bị can, bị cáo;

i) Chứng cứ để chứng minh “tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra” là chứng cứ để đánh giá tính chất, hậu quả (vật chất và phi vật chất) của hành vi phạm tội trong việc xác định tội phạm và quyết định hình phạt;

k) Chứng cứ khác để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 63 của BLTTHS mà thiếu chứng cứ đó thì không có đủ căn cứ để giải quyết vụ án, như: Chứng cứ để xác định chính xác tuổi của bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc xác định chính xác tuổi của người bị hại là trẻ em; chứng cứ để chứng minh vị trí, vai trò của từng bị can, bị cáo trong trường hợp đồng phạm hoặc phạm tội có tổ chức...

3. Điều kiện để trả hồ sơ điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án:

a) Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án được hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 Điều này nếu Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được;

b) Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử), Hội đồng xét xử (tại phiên tòa) ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án được hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà xét thấy không thể bổ sung tại phiên tòa được;

c) Không trả hồ sơ nếu là chứng cứ quan trọng nhưng nếu thiếu cũng truy tố, xét xử được hoặc không thể thu thập được. Ví dụ 1: Có 3 người làm chứng nhưng chỉ xác định được 2 người. Ví dụ 2: Hiện trường đã bị thay đổi không thể xem xét lại được hay vật chứng đã mất không thể tìm được.

Điều 2. Căn cứ để khởi tố bị can về một tội phạm khác hoặc có người đồng phạm khác

1.”Có căn cứ để khởi tố bị can về một tội phạm khác hoặc có người đồng phạm khác” quy định tại khoản 2 Điều 168 của BLTTHS khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Khởi tố và điều tra về một hay nhiều tội nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của bị can đã thực hiện cấu thành một hay nhiều tội khác;

b) Ngoài tội phạm đã khởi tố và điều tra, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có căn cứ để khởi tố bị can về một hoặc nhiều tội khác;

c) Ngoài bị can đã bị khởi tố và điều tra, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có người đồng phạm khác hoặc có người phạm tội khác có liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can.

2. Viện kiểm sát không trả hồ sơ để điều tra bổ sung nếu có căn cứ để tách vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 117 của BLTTHS.

Điều 3. Căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác

1. “Có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 179 của BLTTHS khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Viện kiểm sát truy tố về một hay nhiều tội, nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của bị can (bị cáo) đã thực hiện cấu thành một hay nhiều tội khác;

b) Ngoài tội phạm đã bị truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có căn cứ để khởi tố bị can (bị cáo) về một hay nhiều tội khác;

c) Ngoài bị can (bị cáo) đã bị truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có người đồng phạm khác hoặc có người phạm tội khác liên quan đến vụ án, nhưng chưa được khởi tố bị can.

2. Tòa án không trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp thuộc điểm a khoản 1 Điều này, nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy có thể xét xử bị can (bị cáo) về một hay nhiều tội tương ứng bằng hay nhẹ hơn hoặc có thể xét xử bị can (bị cáo) ít tội hơn số tội mà Viện kiểm sát truy tố;

b) Đã có quyết định tách vụ án hoặc chưa có quyết định tách vụ án của Cơ quan điều tra nhưng có căn cứ để tách vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 117 của BLTTHS.

Điều 4. Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

1. “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” quy định tại khoản 3 Điều 168 và điểm c khoản 1 Điều 179 của BLTTHS là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.

2. Những trường hợp sau đây được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự:

a) Lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra và cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà theo quy định của BLTTHS phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, nhưng đã không có phê chuẩn của Viện kiểm sát hoặc việc ký lệnh, quyết định tố tụng không đúng thẩm quyền;

b) Không yêu cầu cử người bào chữa cho bị can, bị cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 57 của BLTTHS;

c) Xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ;

d) Khởi tố vụ án hình sự nhưng không có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của BLTTHS;

đ) Nhập vụ án hoặc tách vụ án không có căn cứ và trái với quy định tại Điều 117 của BLTTHS;

e) Không giao các lệnh, quyết định tố tụng cho bị can, bị cáo theo đúng quy định của pháp luật xâm phạm đến quyền bào chữa của bị can, bị cáo;

g) Chưa điều tra, lập lý lịch của bị can; chưa xác định được những đặc điểm quan trọng về nhân thân của người có hành vi phạm tội (tuổi, tiền án, tiền sự của bị can, bị cáo);

h) Không có người phiên dịch cho người tham gia tố tụng trong trường hợp họ không sử dụng được tiếng Việt hoặc họ là người câm, điếc theo quy định tại Điều 61 của BLTTHS;

i) Không từ chối tiến hành tố tụng hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng trong các trường hợp quy định tại Điều 42, Điều 60 và Điều 61 của BLTTHS;

k) Việc điều tra, thu thập chứng cứ quan trọng đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của BLTTHS nên không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự;

l) Chứng cứ, tài liệu quan trọng đối với vụ án đã được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án hoặc bị sửa chữa, thêm bớt làm sai lệch hồ sơ vụ án;

m) Việc điều tra, truy tố không đúng thẩm quyền, trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền phân công điều tra vụ án cụ thể;

n) Có căn cứ để xác định có việc mớm cung, bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự làm cho lời khai của bị can không đúng sự thật;

o) Khiếu nại, tố cáo của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của họ;

p) Những trường hợp khác được xác định theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này nhưng phải ghi rõ trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

3. Viện kiểm sát, Tòa án không trả hồ sơ để điều tra bổ sung mặc dù “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” theo hướng dẫn tại khoản 1 và được cụ thể hóa tại khoản 2 Điều này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có vi phạm thủ tục tố tụng, nhưng không xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng;

b) Bị can (bị cáo) là người chưa thành niên trong giai đoạn điều tra nhưng đến khi truy tố, xét xử bị can (bị cáo) đã đủ 18 tuổi.

Điều 5. Trả hồ sơ và thời hạn điều tra bổ sung

1. Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong thời hạn quyết định truy tố quy định tại khoản 1 Điều 166 của BLTTHS. Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 2 Điều 176 của BLTTHS. Hội đồng xét xử ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 199 của BLTTHS.

2. Để không trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, Viện kiểm sát, Tòa án phải nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án để phát hiện các trường hợp phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung và phải kịp thời ra quyết định, không được để hết thời hạn quyết định truy tố hoặc hết thời hạn chuẩn bị xét xử mới ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

3. Thời hạn điều tra bổ sung được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 121 của BLTTHS; cụ thể là thời hạn do Viện kiểm sát trả hồ sơ không quá hai tháng; do Tòa án trả hồ sơ không quá một tháng tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung đến khi Cơ quan điều tra có bản kết luận điều tra bổ sung.

Điều 6. Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung

1. Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải ra quyết định bằng văn bản và do người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ký.

2. Trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải ghi số, ngày, tháng, năm và lần trả hồ sơ (thứ nhất hoặc thứ hai). Trong phần nội dung phải ghi cụ thể “những chứng cứ quan trọng đối với vụ án” cần phải điều tra bổ sung, “tội phạm khác hoặc người đồng phạm khác” phải khởi tố, truy tố hoặc “những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” cần được khắc phục và nêu rõ căn cứ pháp luật quy định tại một trong các khoản 1, 2 và 3 Điều 168 hoặc một trong các điểm a, b và c khoản 1 Điều 179 của BLTTHS.

3. Trong trường hợp tiếp tục phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thì trong Quyết định phải nêu rõ những vấn đề yêu cầu điều tra bổ sung lần trước chưa được điều tra bổ sung hoặc đã điều tra bổ sung nhưng chưa đạt yêu cầu hoặc từ kết quả điều tra bổ sung làm phát sinh vấn đề mới cần điều tra.

Điều 7. Thực hiện quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung

1. Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các yêu cầu nêu trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Viện kiểm sát theo quy định tại Điều 114 của BLTTHS; nếu thấy quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Viện kiểm sát không có căn cứ theo hướng dẫn tại các điều 1, 2 và 4 của Thông tư này thì sau khi nhận hồ sơ vụ án Cơ quan điều tra phải có văn bản nêu rõ lý do, quan điểm đối với việc giải quyết vụ án và chuyển lại hồ sơ cho Viện kiểm sát.

2. Sau khi nhận được hồ sơ vụ án và quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án, nếu thấy quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án có căn cứ mà không thể tự mình bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra; nếu thấy quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án không có căn cứ theo hướng dẫn tại các điều 1, 3 và 4 Thông tư này thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án để đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 179 của BLTTHS.

3. Sau khi kết thúc điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra phải có bản kết luận điều tra bổ sung, trong đó kết luận rõ đối với từng vấn đề điều tra bổ sung và quan điểm giải quyết vụ án. Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ theo thẩm quyền quy định tại Điều 164 và Điều 169 của BLTTHS.

4. Nếu kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi quyết định truy tố thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án; nếu kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi quyết định truy tố thì Viện kiểm sát ban hành cáo trạng mới thay thế cáo trạng cũ và chuyển hồ sơ đến Tòa án để xét xử.

Điều 8. Phối hợp giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra trong giai đoạn điều tra

1. Nhằm hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra phải phối hợp chặt chẽ ngay từ khi tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra vụ án. Điều tra viên phải chủ động gửi đầy đủ, kịp thời các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được cho Kiểm sát viên thụ lý vụ án và thực hiện đầy đủ các yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát. Kiểm sát viên phải thường xuyên theo dõi, nắm chắc tiến độ điều tra vụ án, nghiên cứu kỹ các tài liệu, chứng cứ do Điều tra viên đã thu thập, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, chủ động phối hợp với Điều tra viên để điều tra làm rõ những vấn đề cần chứng minh ngay trong giai đoạn điều tra vụ án; đồng thời kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, bảo đảm việc điều tra vụ án khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.

2. Trước khi kết thúc điều tra vụ án ít nhất mười ngày, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp để đánh giá các chứng cứ, tài liệu đã thu thập, bảo đảm đầy đủ, hợp pháp; nếu phát hiện còn thiếu chứng cứ, vi phạm thủ tục tố tụng hoặc còn bỏ lọt tội phạm, người phạm tội khác thì phải bổ sung, khắc phục ngay trong giai đoạn điều tra. Đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp trước khi kết thúc điều tra vụ án, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phải tiến hành sơ kết, đánh giá toàn diện kết quả điều tra vụ án, chỉ đạo điều tra giải quyết những vấn đề còn mâu thuẫn, tồn tại và quyết định việc kết thúc điều tra, hướng xử lý vụ án theo đúng theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong giai đoạn truy tố

1. Sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Kiểm sát viên phải nghiên cứu thật kỹ hồ sơ, kiểm tra việc tuân thủ các thủ tục tố tụng, tính đầy đủ của các tài liệu, chứng cứ trong vụ án. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên phải trực tiếp hỏi cung tổng hợp đối với từng bị can trong vụ án. Nếu thấy còn thiếu chứng cứ, tài liệu hoặc có vi phạm thủ tục tố tụng mà tự mình có thể bổ sung được thì Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên để bổ sung, khắc phục kịp thời; trường hợp không thể bổ sung được thì Kiểm sát viên phải báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát hoặc Thủ trưởng đơn vị để xem xét, quyết định.

2. Trong thời hạn truy tố, nếu thấy vụ án có những vấn đề phức tạp về chứng cứ, tội danh, Kiểm sát viên báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát hoặc Thủ trưởng đơn vị để trao đổi với Cơ quan điều tra, Tòa án về hướng giải quyết vụ án.

3. Nếu thấy việc điều tra bổ sung phức tạp, Viện kiểm sát chủ động tổ chức họp liên ngành để làm rõ những vấn đề cần phải điều tra bổ sung nhằm bảo đảm việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung đúng trọng tâm, triệt để và kịp thời.

4. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp không thống nhất được với nhau về việc điều tra bổ sung, thì cơ quan tố tụng đang thụ lý hồ sơ vụ án phải thay mặt lãnh đạo liên ngành báo cáo lãnh đạo liên ngành cấp trên xem xét cho ý kiến về việc giải quyết vụ án.

Điều 10. Phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án trong giai đoạn xét xử

1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, sau khi nghiên cứu hồ sơ thấy còn thiếu những chứng cứ quan trọng, có vi phạm thủ tục tố tụng, bị can phạm vào tội khác hoặc có đồng phạm khác, thì Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa trao đổi với Kiểm sát viên để có biện pháp khắc phục kịp thời hoặc có thể bổ sung được tại phiên tòa mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nếu Kiểm sát viên và Thẩm phán chưa thống nhất ý kiến, thì báo cáo lãnh đạo liên ngành xem xét cho ý kiến về việc giải quyết vụ án.

2. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên chủ động phối hợp với Hội đồng xét xử làm rõ những chứng cứ liên quan đến việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Trong trường hợp phát sinh những vấn đề mới hoặc phức tạp mà không bổ sung được, thì Hội đồng xét xử ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

3. Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và giao cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm nếu phát hiện có căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát cấp dưới trao đổi với Tòa án cùng cấp để làm rõ những vấn đề điều tra bổ sung trước khi Viện kiểm sát cấp dưới báo cáo với Viện kiểm sát cấp trên xem xét, quyết định.

Điều 11. Quản lý việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung

1. Các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm quản lý việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung ở cấp mình. Viện kiểm sát có trách nhiệm quản lý về số vụ, số lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung của các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp. Viện kiểm sát cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, đánh giá tình hình trả hồ sơ để điều tra bổ sung của cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện thuộc địa phương quản lý.

2. Định kỳ (hàng tháng, hàng quý, sáu tháng, một năm) từng cơ quan tiến hành tố tụng phải tự đánh giá, xác định số vụ trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong đó, phải phân tích lý do trả hồ sơ để điều tra bổ sung về chứng cứ, về tố tụng hoặc liên quan đến việc khởi tố vụ án, bị can (thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố); số vụ trả có căn cứ, số vụ trả không có căn cứ; nguyên nhân và trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và những người tiến hành tố tụng trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

3. Cách tính tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Viện kiểm sát, Tòa án như sau:

a) Tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Viện kiểm sát bằng số vụ án hình sự do Viện kiểm sát đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung có căn cứ trên tổng số vụ Cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát đề nghị truy tố (bao gồm cả số vụ kết thúc điều tra cũ chưa giải quyết và số vụ mới);

Ví dụ: Năm 2009 Viện kiểm sát tỉnh H đã có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung 9 vụ được Cơ quan điều tra chấp nhận trong tổng số 150 vụ (cũ 10 vụ, mới 140 vụ) mà Cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra chuyển hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát truy tố, thì tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung của Viện kiểm sát đối với Cơ quan điều tra là 6% (9 vụ: 150 vụ x 100%).

b) Tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án bằng số vụ án hình sự do Tòa án đã quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ trên tổng số vụ Viện kiểm sát đã truy tố và chuyển hồ sơ đến Tòa án để xét xử (bao gồm cả số vụ truy tố cũ chưa giải quyết và số vụ truy tố mới);

Ví dụ: Năm 2009 Tòa án đã có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung 5 vụ được Viện kiểm sát chấp nhận trong tổng số 100 vụ (cũ 10 vụ mới 90 vụ) mà Viện kiểm sát nhân dân đã truy tố và chuyển hồ sơ đến Tòa án để xét xử, thì tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án đối với Viện kiểm sát là 5% (5 vụ: 100 vụ x 100%).

c) Trường hợp cùng một vụ án nhưng Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, thì tính là 01 vụ và phân tích là trả nhiều lần;

d) Trường hợp vụ án do Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, sau đó Viện kiểm sát lại trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án, thì tính là 01 vụ và phân tích là trả 01 lần (vụ án được tính do Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung).

Điều 12. Xác định trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung

1. Trách nhiệm thuộc Cơ quan điều tra, Điều tra viên trong những trường hợp sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, kịp thời yêu cầu điều tra hoặc quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Viện kiểm sát dẫn đến vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với những vấn đề mà Viện kiểm sát đã yêu cầu điều tra;

b) Không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật trong quá trình điều tra vụ án theo yêu cầu của Kiểm sát viên làm cho Kiểm sát viên không nắm được nội dung vụ án để kịp thời đề ra yêu cầu điều tra dẫn đến Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với vụ án.

2. Trách nhiệm thuộc Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong những trường hợp sau đây:

a) Không đề ra yêu cầu điều tra hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với những vấn đề có thể phát hiện được dẫn đến sau đó vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

b) Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung không có căn cứ pháp luật và Cơ quan điều tra có văn bản giữ nguyên kết luận điều tra, sau đó Viện kiểm sát quyết định truy tố như đề nghị của Cơ quan điều tra.

3. Trách nhiệm thuộc Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử trong trường hợp quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung không có căn cứ pháp luật và Viện kiểm sát có văn bản giữ nguyên quyết định truy tố, sau đó Tòa án xét xử vụ án như đề nghị của Viện kiểm sát.

4. Khi có trường hợp được hướng dẫn tại khoản 1, 2 và 3 Điều này, Lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm cụ thể của từng người tiến hành tố tụng ở mỗi cấp có liên quan đến việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và có biện pháp khắc phục.

Điều 13. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những hướng dẫn trước đây của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao trái với những hướng dẫn tại Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần hướng dẫn thì từng ngành ở địa phương phản ánh cho cơ quan cấp trên là Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để thống nhất có giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời./.

KT. VIỆN TRƯỞNG Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Phó Viện trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng - Thượng tướng

KT. CHÁNH ÁN Toà án nhân dân tối cao
Phó Chánh án thường trực

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Hoàng Nghĩa Mai

Lê Thế Tiệm

Đặng Quang Phương

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.