• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 19/03/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 13/11/2014
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Số: 03/2002/CT-CT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 19 tháng 3 năm 2002

CHỈ THỊ CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÀO CAI

Về việc tăng cường công tác bảo đảm chất lượng

vệ sinh an toàn thực phẩm

_______________________

 
 

Trong những năm qua công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã được đẩy mạnh trên toàn tỉnh, và đã đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở tỉnh ta hiện nay đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn: Mặc dù các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc không xảy ra trên địa bàn, nhưng các vụ ngộ độc do ăn phải thức ăn có sẵn chất độc như: Nấm, quả rừng, thịt cóc... gây tỷ lệ tử vong cao vẫn xuất hiện; Việc sản xuất thực phẩm có sử dụng phụ gia, phẩm mầu độc vẫn gia tăng. Các mặt hàng thực phẩm đóng gói sẵn quá hạn sử dụng, nguồn gốc không rõ ràng, không nhãn mác vẫn được bày bán ở các chợ vùng cao, vùng sâu. Thực hiện Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg ngày 15 tháng 04 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm; Để khắc phục tình trạng trên và từng bước nâng cao việc quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ thị:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo và triển khai thực hiện "Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm". Thời gian từ 15/4 đến 15/5 hàng năm. Trong tháng VSATTP năm 2002 cần thực hiện tốt các nội dung trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành và kế hoạch tổ chức tháng hành động vì chất lượng, VSATTP.

Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tới từng tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, thị xã kiểm tra định kỳ, đột xuất về điều kiện đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Xử lý nghiêm khắc các vi phạm pháp luật về bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Sở Y tế là đầu mối phối hợp với các sở ban ngành, tổ chức chính trị, xã hội trong việc chỉ đạo, triển khai, duy trì các kết quả hoạt động của các công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (Đặc biệt trong tháng hành động vì chất lượng VSATTP). Có trách nhiệm hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức kiểm tra, tuyên truyền giáo dục về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức thanh tra VSATTP theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế và qui định của Pháp lệnh. Chủ trì tổng kết, đánh giá báo cáo kết quả công tác này với UBND tỉnh. Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã phối hợp với cơ quan quản lý chất lượng của các ngành có liên quan triển khai việc kiểm tra và thanh tra chuyên ngành về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

3. Các cơ quan thông tin đại chúng dành thời lượng thông tin thích đáng trên các phương tiện thông tin đại chúng cho việc phổ biến giáo dục pháp luật và kiến thức liên quan đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đưa tin người tốt việc tốt và kết quả thực hiện chương trình VSATTP ở địa phương.

4. Sở Nông nghiệp và PTNN: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Nghiêm cấm sử dụng các loại thuốc kháng sinh và các loại hóa chất có tên trong danh mục cấm sử dụng của Bộ Nông nghiệp và PTNN, Bộ Thủy sản để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động, thực vật, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

5. Sở Thương mại - Du lịch: Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với ngành y tế kiểm tra, xử lý việc bán, lưu thông các thực phẩm giả, thực phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về bao bì, nhãn mác thực phẩm.

6. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng công an các cấp thường xuyên phối hợp với ngành y tế và các ngành chức năng khác trong việc kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán kinh doanh thực phẩm, không đủ điều kiện cơ sở vệ sinh an toàn thực phẩm. Phối hợp với các ngành liên quan điều tra xử lý các vụ làm thực phẩm giả gây hậu quả nghiêm trọng.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Sở Y tế tổ chức việc giáo dục tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học. Chỉ đạo đôn đốc việc thực hiện đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể của các trường chuyên nghiệp, nội trú, bán trú.

8. Sở Tài chính - Vật giá: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế đảm bảo kinh phí cho hoạt động đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt kinh phí hỗ trợ cho việc nâng cấp trang thiết bị kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo việc thu phí và lệ phí kiểm tra, giám định kỹ thuật về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo quyết định số 23/2000/QĐ-BTC ngày 21/02/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

9. Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể quần chúng có trách nhiệm phối kết hợp với ngành y tế tuyên truyền kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân, đặc biệt là chị em phụ nữ là những người nội trợ chính trong gia đình. Phát huy tinh thần bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện và báo cáo kết quả về UBND tỉnh, Sở Y tế theo đúng qui định./.

 


 

 

 

K/T. CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÀO CAI

PHÓ CHỦ TỊCH

 

 (Đã ký)

 

Trần Nguyên

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Nguyên

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.