• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/05/1999
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH-BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
Số: 17/1999/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BTCCBCP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 21 tháng 7 năm 1999

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/1999/NĐ-CP ngày 15/4/1999 của Chính phủ về chế độ đối với quân nhân, cán bộ đi chiến trường B, C, K trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng và quân nhân, cán bộ được đảng cử ở lại miền nam hoạt động sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954

Thi hành nghị định số 23/1999/NĐ-CP ngày15/4/1999 của chính phủ về chế độ đối với quân nhân, cán bộ đi chiến trường b, c, k trong thời kỳ chống mỹ cứu nước không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng và quân nhân, cán bộ được đảng cử ở lại miền nam sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, sau khi có ý kiến tham gia của bộ quốc phòng tại công văn số 1546/QP ngày 03 tháng 6 năm 1999, Bộ Công an tại công văn số 645/BCA (x13) ngày 05 tháng 6 nam 1999, Bộ Tư pháp tại công văn số 1055TP/PLHS-HC ngày 08 tháng 6 năm 1999, ban tổ chức trung ương tại công văn số 495 CV/TCTW ngày 31 tháng 5 năm1999; liên tịch Bộ Lao động- thương binh và xã hội - Bộ Tài chính- Ban Tổ chức- cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG

1. Đối tượng áp dụng:

a. Quân nhân, cán bộ của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách Nhà nước khi đi chiến trường miền Nam (B), chiến trường Lào (C), chiến trường Campuchia (K) trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước không có thân nhân (bố đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp) phải trực tiếp nuôi dưỡng ở miền Bắc bao gồm:

- Sỹ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng;

- Sỹ quan, hạ sỹ quan hưởng lương, công nhân viên thuộc lực lượng Công an nhân dân;

- Cán bộ, công nhân, viên chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội;

- Cán bộ, công nhân viên chức thuộc các doanh nghiệp nhà nước

b. Cán bộ, sỹ quan đi xây dựng đường dây 559 trên địa bàn chiến trường B, C, K trước khi ban hành Nghị định 25/CP ngày 05/7/1960 của Hội đồng Chính phủ quy định chế độ tiền lương khu vực hành chính, sự nghiệp; Nghị định 24/CP ngày 01/7/1960 của Hội đồng Chính phủ quy định chế độ tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh.

c. Quân nhân, cán bộ thoát ly được Đảng cử lại miền nam hoạt động cách mạng sau Hiệp định Giơnevơ 1954 (thời điểm cử ở lại từ tháng 7 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955 theo quy định tại Chỉ thị số 87CT/TW ngày 31/8/1954 của Ban bí thư), gồm:

- Những người được các tổ chức Đảng, Chính quyền từ cấp huyện trở lên cử ở lại;

- Những người được đơn vị Quân đội nhân dân từ cấp tiểu đoàn hoặc cấp huyện đội (đối với lực lượng vũ trang ở địa phương) trở lên cử ở lại;

- Những người được đơn vị, cơ quan Công an nhân dân từ cấp tiểu đoàn hoặc cấp huyện trở lên cử ở lại;

- Quân nhân, cán bộ đã thoát ly thuộc diện đi tập kết sau Hiệp định Giơnevơ 1954 nhưng do điều kiện khách quan không đi được, ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động theo sự quản lý, phân công của tổ chức Đảng, từ cấp huyện trở lên.

d. Quân nhân, cán bộ được Đảng cử đi làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, Campuchia sau Hiệp định Giơnevơ 1954 (thời điểm cử đi từ tháng 7 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955).

Các đối tượng nêu trên nếu đã từ trần hoặc hy sinh thì cũng thuộc đối tượng áp dụng.

2. Đối tượng không được áp dụng.

Các đối tượng quy định tại điểm 1 nêu trên, nếu đào ngũ hoặc theo địch thì không thuộc đối tượng áp dụng.

II. CHẾ ĐỘ ĐƯỢC HƯỞNG

1. Cách tính thời gian hưởng chế độ:

a. Nguyên tắc tính:

- Việc tính thời gian chiến đấu, công tác, tại chiến trường để hưởng chế độ được tính trong khoảng thời gian từ tháng 7/1954 đến 30/4/1975;

- Đối tượng có thời gian chiến đấu, công tác, tại các chiến trường B, C, K thì được tính cộng dồn thời gian công tác, chiến đấu ở từng chiến trường để hưởng chế độ;

- Đối tượng có thời gian chiến đấu, công tác, không liên tục tại chiến trường thì khi tính thời gian để hưởng chế độ phải loại trừ thời gian gián đoạn này.

b. Công thức tính:

Thời gian được tính để hưởng chế độ xác định theo công thức sau:

Tổng số năm được tính để hưởng chế độ

 

=

Tổng số tháng được tính để hưởng chế độ

12

Khi tính thời gian theo công thức trên nếu có tháng lẻ thì từ 6 tháng trở lên được tính là 1 năm, dưới 6 tháng tính là nửa năm.

c. Cách tính

- Đối với quân nhân, cán bộ chiến đấu, công tác liên tục ở chiến trường cho đến 30/4/1975 thì thời gian được tính từ khi đi chiến trường cho đến 30/4/1975:

Ví dụ 1: Ông A là sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đi chiến đấu ở chiến trường B liên tục từ tháng 1/1960 đến tháng 4/1975, thì thời gian ở chiến trường được tính để hưởng chế độ một lần là 15 năm 4 tháng (184 tháng: 12), tính là 15,5 năm.

Ví dụ 2: Ông E là cán bộ công tác tại chiến trường B từ tháng 5/1968 đến tháng 10/1971 chuyển sang chiến trường C, đến tháng 8/1974 chuyển sang chiến trường K và công tác tại đó đến tháng 10/1976 thì thời gian ở chiến trường được tính bằng tổng thời gian ở từng chiến trường cho đến 30/4/1975 là 7 năm (3 năm 6 tháng ở chiến trường B + 2 năm 10 tháng ở chiến trường C + 8 tháng ở chiến trường K).

- Đối với quân nhân, cán bộ chiến đấu, công tác liên tục ở chiến trường nhưng ra miền Bắc trước 30/4/1975 thì thời gian được tính từ khi đi chiến trường cho đến ngày ra đến miền Bắc.

Ví dụ: Ông C là quân nhân chuyên nghiệp đi chiến đấu liên tục ở chiến trường B, từ tháng 11/1963 đến tháng 5/1970 sau đó rời chiến trường và đến tháng 10/1970 ra đến miền Bắc thì thời gian ở chiến trường được tính đến tháng 10/1970 là 7 năm (84 tháng: 12).

- Đối với quân nhân, cán bộ đi xây dựng đường dây 559 trên địa bàn chiến trường B, C, K trước khi có chế độ tiền lương năm 1960 thì thời gian ở chiến trường được tính kể từ khi đi xây dựng đường dây 559. Cách tính thời gian tương tự các đối tượng nói trên.

Ví dụ: Ông F là sĩ quan tham gia xây dựng đường dây 559 trên địa bàn chiến trường B từ tháng 5/1959 đến tháng 7/1960, thì thời gian ở chiến trường tính để hưởng chế độ là 1 năm 3 tháng, tính là 1,5 năm.

- Đối với những người đã thoát ly được Đảng cử ở lại miền Nam hoạt động, cử đi làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, Campuchia sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 thì cách tính thời gian tương tự các đối tượng nói trên.

Ví dụ: Ông E là cán bộ được Đảng phân công ở lại miền Nam hoạt động từ tháng 8/1954 đến khi giải phóng miền Nam thì thời gian ở chiến trường được tính để hưởng chế độ một lần từ tháng 8/1954 đến tháng 4/1975 là 20 năm 9 tháng (249 tháng : 12), tính là 21 năm.

- Trường hợp hy sinh, từ trần trong chiến trường B, C, K trước 30/4/1975 thì thời gian được tính kể từ khi đi chiến trường đến ngày hy sinh, từ trần.

d. Trường hợp gián đoạn nhưng được tính thời gian để hưởng chế độ:

Khi tính thời gian theo tiết c nêu trên, nếu đối tượng có thời gian ra miền Bắc công tác, học tập, điều trị, điều dưỡng sau đó lại trở vào chiến trường, trong thời gian ở miền Bắc bản thân vẫn hưởng sinh hoạt phí, không được xếp lương và hưởng lương như cán bộ, quân nhân ở miền Bắc, thì khoảng thời gian ở miền Bắc này được tính để hưởng chế độ một lần;

Ví dụ: Ông C là cán bộ được Đảng phân công ở lại miền Nam hoạt động từ tháng 7/1954 đến tháng 6/1965 ra Bắc công tác, tháng 5/1969 trở lại chiến trường chiến đấu cho đến 30/4/1975. Thời gian ở miền Bắc bản thân hưởng sinh hoạt phí thì thời gian tính để hưởng chế độ một lần của Ông C gồm cả thời gian ở miền Bắc là 20 năm 10 tháng (250 tháng : 12), tính là 21 năm.

e. Các trường hợp gián đoạn sau đây không được tính vào thời gian để hưởng chế độ:

- Ra miền Bắc công tác, học tập, điều trị, điều dưỡng sau đó lại trở lại chiến trường, trong thời gian ở miền Bắc được xếp lương và hưởng lương như cán bộ, quân nhân ở miền Bắc, thì khoảng thời gian ở miền Bắc không được tính để hưởng chế độ một lần;

Ví dụ: Ông E là cán bộ được Đảng phân công ở lại miền Nam hoạt động từ tháng 7/1954 đến tháng 6/1965 ra Bắc công tác, tháng 5/1969 trở lại chiến trường chiến đấu cho đến 30/4/1975. Thời gian ở miền Bắc ông E được hưởng lương thì thời gian ở miền Bắc (4 năm) của ông E không được tính để hưởng chế độ một lần.

- Ra miền Bắc công tác, học tập, điều trị, điều dưỡng, trong thời gian ở miền Bắc đối tượng được xếp lương và hưởng lương như cán bộ, quân nhân ở miền Bắc và lập gia đình, sau đó lại vào chiến trường, nếu thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng ở miền Bắc được hưởng trợ cấp thì thời gian trở lại chiến trường không được tính để hưởng chế độ một lần.

Ví dụ: Ông H là cán bộ được Đảng phân công ở lại miền Nam hoạt động từ tháng 7/1954 đến tháng 6/1965 ra Bắc công tác, tháng 5/1969 trở lại chiến trường chiến đấu cho đến 30/4/1975. Khi ở miền Bắc ông H được xếp lương, hưởng lương và đã lấy vợ, khi vào chiến trường thân nhân trực tiếp phải nuôi dưỡng ở miền Bắc được hưởng chế độ trợ cấp thì thời gian ở miền Bắc (4 năm) của ông H không tính để hưởng chế độ một lần.

- Được Đảng phân công ở lại miền Nam hoạt động nhưng có thời gian mất liên lạc không hoạt động, thì thời gian mất liên lạc không được tính để hưởng chế độ.

2. Mức hưởng chế độ một lần:

Theo cách tính thời gian nói trên, chế độ một lần được tính như sau:

a. Đối với những người có thời gian chiến đấu, công tác tại chiến trường từ 2 năm trở xuống, mức hưởng chế độ một lần là 1.000.000 đồng (một triệu đồng).

b. Đối với những người có thời gian chiến đấu, công tác tại chiến trường trên 2 năm, mức hưởng chế độ một lần được tính theo công thức sau:

Mức hưởng chế độ một lần

 

=

Số năm được tính để hưởng chế độ một lần

 

x 500.000 đ

III. THỦ TỤC HỒ SƠ ĐỂ HƯỞNG CHẾ ĐỘ:

1. Trách nhiệm của đối tượng và cơ quan quản lý hồ sơ, lý lịch:

a. Đối tượng được hưởng làm bản khai theo mẫu số 1a của Thông tư này. Bản kê khai phải có sự chứng nhận của cơ quan nơi người đó công tác nếu còn đang làm việc hoặc chứng nhận của chính quyền (xã, phường) nơi cư trú đối với đối tượng còn lại. Sau đó đối tượng nộp bản khai cá nhân cho các cơ quan tiếp nhận theo quy định sau:

- Đối với cán bộ, sỹ quan thuộc lực lượng vũ trang:

+ Nếu đang làm việc thì nộp cho đơn vị đang công tác;

+ Nếu đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, nghỉ bệnh binh, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, xuất ngũ, chuyển ngành thì nộp cho cơ quan quân sự cấp huyện, nếu là quân nhân; nộp cho Công an cấp huyện, nếu là Công an nhân dân.

- Đối với cán bộ dân, chính, đảng (đang làm việc hoặc đã nghỉ) thì nộp cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

b. Đối với cơ quan quản lý hồ sơ, lý lịch có trách nhiệm trích sao và xác nhận theo quy định dưới đây về thời gian chiến đấu, công tác ở chiến trường B, C, K của đối tượng ở một trong các hồ sơ, lý lịch: cán bộ, Đảng viên, quân nhân hoặc hưu trí, mất sức. Cụ thể:

- Đối với đối tượng đang làm việc trong lực lượng vũ trang, cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng đang làm việc căn cứ hồ sơ, lý lịch quản lý có trách nhiệm trích sao và xác nhận cho đối tượng (theo mẫu 2);

- Đối với đối tượng đang làm việc ở ngoài khu vực Nhà nước, đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, bệnh binh, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, xuất ngũ thì Uỷ ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo cơ quan quản lý hồ sơ cấp huyện trích sao và xác nhận cho đối tượng. Trường hợp cơ quan cấp huyện không quản lý hồ sơ, lý lịch hoặc hồ sơ, lý lịch bị thất lạc thì Uỷ ban nhân dân cấp huyện đề nghị cơ quan quản lý hồ sơ cấp tỉnh trích sao và xác nhận cho đối tượng.

Riêng đối với người đã từ trần hoặc hy sinh thì đại diện thân nhân có trách nhiệm làm các thủ tục, hồ sơ như ở điểm b trên và tờ khai theo mẫu số 1b.

2. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt và chi trả chế độ 1 lần.

a. Đối với đơn vị lực lượng vũ trang:

- Cơ quan quân sự, công an cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận, tập hợp tờ khai, trích sao hồ sơ, lý lịch về thời gian chiến đấu, công tác cho đối tượng (nếu quản lý hồ sơ, lý lịch) và gửi về cơ quan quân sự, công an cấp tỉnh.

- Cơ quan quân sự, công an cấp tỉnh căn cứ hồ sơ lưu trữ có trách nhiệm xét duyệt đối tượng được hưởng chế độ trong phạm vi quản lý. Đồng thời tập hợp lập danh sách theo mẫu số 3 kèm theo tờ khai cá nhân, bản trích sao lý lịch gửi lên Cục chính sách, Bộ Quốc phòng, nếu là Quân đội và Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công an, nếu là Công an.

- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm duyệt đối tượng được hưởng chế độ trong phạm vi quản lý, đồng thời tập hợp, kiểm tra, xác nhận theo mẫu số 3 và lập dự toán gửi Bộ Tài chính để xét cấp kinh phí. Căn cứ vào đề nghị của Bộ Quốc hòng và Bộ Công an, Bộ Tài chính sẽ cấp bằng hạn mức kinh phí hoặc lệnh chi tiền cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực hiện chi trả theo đối tượng và quyết toán theo quy định hiện hành.

b. Đối với cơ quan dân, chính, đảng:

- Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận tờ khai cá nhân, chỉ đạo cơ quan quản lý hồ sơ, lý lịch cấp huyện trích sao lý lịch cho đối tượng và tập hợp danh sách gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ xét duyệt đối tượng được hưởng chế độ trong phạm vi quản lý, tập hợp, xác nhận theo mẫu số 3 và lập dự toán gửi Bộ Tài chính để xét cấp kinh phí. Căn cứ đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính cấp kinh phí uỷ quyền qua Sở Tài chính - Vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để Sở Tài chính - Vật giá cấp cho đơn vị thực hiện chi trả cho đối tượng và quyết toán theo quy định hiện hành.

- Đối với đối tượng thuộc diện Trung ương quản lý, căn cứ hồ sơ lưu trữ, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương xét duyệt đối tượng được hưởng đồng thời tập hợp, xác nhận theo mẫu số 3, lập dự toán và có công văn gửi về Bộ Tài chính để xét cấp kinh phí. Căn cứ vào danh sách xét duyệt của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Tài chính cấp bằng hạn mức kinh phí hoặc lệnh chi tiền cho các Bộ, Ban, ngành để chi trả cho đối tượng và quyết toán theo quy định hiện hành.

c. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương tiến hành tổ chức giám sát việc chi trả theo đúng đối tượng, mức hưởng và quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.

Bộ Tài chính chỉ cấp kinh phí đợt tiếp theo cho những đơn vị đã có báo cáo quyết toán kinh phí được cấp cuả một đợt trước đó.

d. Đối với những người hy sinh hoặc từ trần thì chế độ được cấp cho đại diện thân nhân chủ yếu (có uỷ quyền của các thân nhân khác) của đối tượng gồm: bố đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ở các Bộ, Ban, ngành, Đảng, đoàn thể ở Trung ương, tỉnh, thành phố có nhiều đối tượng hưởng chế độ một lần nếu xét thấy cần thiết thì thành lập Ban chỉ đạo gồm Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc lãnh đạo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh làm Trưởng ban và các thành viên là lãnh đạo cơ quan cấp uỷ Đảng, chính quyền, Tổ chức cán bộ, Lao động - Thương binh và xã hội, Tài chính, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện tốt chế độ này.

Khi thực hiện nếu phát sinh, khiếu nại thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Bộ, Ban, ngành đoàn thể ở Trung ương nơi đối tượng đang công tác và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm xem xét, giải quyết kịp thời.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/1999.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về liên Bộ để giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bộ trưởng (Trưởng ban) Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Thị Hằng

Nguyễn Sinh Hùng

Đỗ Quang Trung

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.