QUYẾT ĐỊNH
Ban hành quy định tạm thời về quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán
quỹ bảo trì đường bộ tỉnh Lai Châu năm 2015
_________________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ Pháp lệnh phí, lệ phí ngày 28/08/2001;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước năm 2002;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 quy định về quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 về Quỹ Bảo trì đường bộ; Số 56/2014/NĐ-CP ngày 30/5/2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27/12/2012 của Liên Bộ: Tài chính - Giao thông Vận tải hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán Quỹ Bảo trì đường bộ; Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ theo đầu phương tiện.
Theo đề nghị của liên ngành: Tài chính - Giao thông Vận tải tại Tờ trình liên ngành số 134/TTrLN: TC-GTVT ngày 10/10/2014;
Trong thời gian chờ HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về phân cấp quản lý thu chi ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn tài chính của Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh Lai Châu năm 2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Giao thông Vận tải; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định này thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Khắc Chử
|
QUY ĐỊNH
Về quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán quỹ
bảo trì đường bộ tỉnh Lai Châu.
(Ban hành kèm theo Quyết định số:31 /2014 /QĐ-UBND ngày 05 tháng 11
năm 2014 của UBND tỉnh Lai Châu)
_____________
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng, phạm vi áp dụng
1. Phạm vi áp dụng: Quy định này quy định việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh Lai Châu (sau đây viết tắt là Quỹ).
2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh Lai Châu.
Điều 2. Cơ chế tài chính của Quỹ
1. Cơ chế tài chính của Quỹ thực hiện như cơ chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập do Ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định). Nguồn kinh phí chi cho hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ và Văn phòng Quỹ được bố trí từ nguồn kinh phí hàng năm của Quỹ.
2. Quỹ thực hiện chế độ quản lý tài chính theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ, Thông tư liên tịch số 230/2012/TTLT - BTC - BGTVT ngày 27/12/2012 của Liên Bộ: Tài chính - Giao thông Vận tải về việc hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ; nội dung Quy định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Điều 3. Mở tài khoản
1. Quỹ mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh để phản ánh, tiếp nhận các nguồn thu của Quỹ.
2. Văn phòng Quỹ mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Lai Châu để quản lý kinh phí phục vụ hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ và Văn phòng Quỹ.
3. Các cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng Quỹ mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để tiếp nhận kinh phí Quỹ chuyển về và thực hiện chi theo kế hoạch được giao.
Điều 4. Thời gian lập, giao kế hoạch thu, chi Quỹ
1. Thời gian lập, giao kế hoạch thu, chi Quỹ được thực hiện cùng thời gian xây dựng dự toán ngân sách của tỉnh hàng năm.
2. Văn phòng Quỹ tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ quy định về thời gian, biểu mẫu xây dựng dự toán thu, chi Quỹ để các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng Quỹ thực hiện, đảm bảo thời gian và gửi dự toán về Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải theo quy định hiện hành.
Điều 5. Công khai tài chính
Quỹ phải công khai tình hình quản lý, sử dụng nguồn tài chính quỹ và báo cáo tình hình thực hiện công khai tài chính theo quy định tại Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế công khai tài chính đối với các cấp Ngân sách Nhà nước, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ có nguồn từ Ngân sách Nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của Nhân dân.
Chương II
NGUỒN KINH PHÍ CỦA QUỸ, LẬP VÀ GIAO KẾ HOẠCH THU, CHI QUỸ TỔ CHỨC CÔNG TÁC THU, NỘP PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ
Điều 6. Nguồn kinh phí của Quỹ
Nguồn kinh phí của Quỹ bao gồm:
1. Nguồn thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện (sau đây gọi tắt là nguồn thu phí sử dụng đường bộ) thu từ xe ô tô do Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương phân chia cho Quỹ địa phương.
2. Các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
3. Ngân sách Địa phương cấp bổ sung cho Quỹ.
Điều 7. Lập kế hoạch và giao kế hoạch thu quỹ bảo trì đường bộ:
1. Văn phòng Quỹ rà soát tổng hợp, lập kế hoạch thu của Quỹ, trình Hội đồng quản lý Quỹ. Kế hoạch thu của Quỹ phản ánh đầy đủ các nguồn kinh phí của Quỹ quy định tại Điều 6 của bản Quy định này, kèm thuyết minh chi tiết cơ sở tính toán. Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt kế hoạch thu, gửi Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính.
2. Sở Giao thông Vận tải xem xét, tổng hợp kế hoạch thu của Quỹ, kèm theo thuyết minh chi tiết cơ sở tính toán vào phương án xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm, gửi Sở Tài chính.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thẩm định trình UBND tỉnh quyết định kế hoạch thu của Quỹ.
Điều 8. Tổ chức công tác thu, nộp phí sử dụng đường bộ đối với nguồn thu từ xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (sau đây gọi chung là xe mô tô):
1. UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) là cơ quan thu phí đối với xe mô tô của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân (chủ phương tiện) trên địa bàn cấp xã.
2. Khi thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, UBND cấp xã phải lập và cấp biên lai thu phí cho đối tượng nộp phí. Cục thuế tỉnh có trách nhiệm cung cấp và hướng dẫn UBND cấp huyện và cấp xã trên địa bàn quản lý, sử dụng biên lai thu phí theo quy định.
3. UBND cấp xã có trách nhiệm nộp (hàng tuần) số tiền phí sử dụng đường bộ thu được trên địa bàn vào tài khoản của ngân sách huyện mở tại Kho bạc nhà nước đồng cấp (sau khi trừ số được trích để lại trang trải chi phí tổ chức thu theo quy định) để thực hiện đầu tư đường giao thông nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
4. Việc lập và giao kế hoạch thu được thực hiện như sau:
- Hàng năm căn cứ vào Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện do Bộ Tài chính ban hành và quy định tại Quyết định này; UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã) lập kế hoạch thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách. Trong đó xác định phần trích để lại cho đơn vị tổ chức thu và toàn bộ số còn lại để thực hiện đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch tổng hợp, trình UBND huyện, thành phố (sau đây gọi là UBND cấp huyện) phê duyệt.
- Căn cứ Quyết định giao kế hoạch của UBND huyện, thành phố, Phòng Tài chính - Kế hoạch thông báo chi tiết chỉ tiêu thu phí sử dụng đường bộ cho UBND cấp xã.
- Căn cứ Thông báo chỉ tiêu kế hoạch thu phí sử dụng đường bộ của phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND cấp xã chỉ đạo tổ dân phố (hoặc thôn, bản) hướng dẫn chủ phương tiện trên địa bàn kê khai phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô (theo Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Quy định này) và thực hiện thu phí theo đúng quy định về mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh.
Chương III
NỘI DUNG CHI CỦA QUỸ, LẬP, GIAO, THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CHI QUỸ
Điều 9. Nội dung chi của Quỹ
Quỹ bảo đảm kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương. Bao gồm các nội dung chi sau:
1. Chi bảo dưỡng thường xuyên đường bộ.
2. Chi sửa chữa định kỳ (gồm: sửa chữa lớn, sửa chữa vừa) đường bộ.
3. Chi sửa chữa đột xuất (khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão hoặc các nguyên nhân bất thường khác để đảm bảo giao thông và an toàn giao thông).
4. Chi quản lý công trình đường bộ do các tổ chức cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích quản lý bảo trì đường bộ thực hiện.
5. Chi hoạt động các trạm kiểm tra tải trọng xe, gồm: Chi hoạt động thường xuyên, chi không thường xuyên (mua sắm, sửa chữa thiết bị; sửa chữa, nâng cấp nhà trạm).
6. Chi hoạt động của Văn phòng Quỹ; bao gồm: Chi hoạt động thường xuyên (Chi theo định mức), chi không thường xuyên (mua sắm, sửa chữa tài sản...) và các khoản chi khác đảm bảo hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ, Văn phòng Quỹ.
7. Chi khác liên quan đến công tác quản lý, bảo trì công trình đường bộ do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định.
Điều 10. Lập kế hoạch chi
1. Hàng năm, căn cứ tình trạng công trình đường bộ; căn cứ các quy định về định mức kinh tế kỹ thuật; đơn giá, định mức chi được cấp có thẩm quyền quy định; chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thành phố lập kế hoạch chi quản lý, bảo trì đường bộ đối với các tuyến đường theo phân cấp quản lý, gửi Văn phòng Quỹ để xem xét tổng hợp trình Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt, gửi Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính.
2. Sở Giao thông Vận tải xem xét, tổng hợp chung kế hoạch chi của Quỹ, phần kinh phí đề xuất ngân sách tỉnh bổ sung cho Quỹ; kèm theo thuyết minh chi tiết cơ sở tính toán, định hướng, nguyên tắc phân bổ và xác định thứ tự ưu tiên cho từng nhóm nhiệm vụ chi vào phương án xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm, gửi Sở Tài chính.
Sở Tài chính xem xét kế hoạch thu, chi tài chính của Quỹ để cân đối xác định phần chi bổ sung từ ngân sách tỉnh cho Quỹ, tổng hợp trong phương án phân bổ chi ngân sách tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, sở Tài chính giao kế hoạch chi bổ sung từ ngân sách tỉnh cho Quỹ.
3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt quyết định kế hoạch chi Quỹ (chi tiết rõ nguồn kinh phí bổ sung từ NSĐP và nguồn thu từ phí đường bộ); trong đó chi tiết theo đơn vị sử dụng và nhiệm vụ chi.
4. Kế hoạch chi của Quỹ bao gồm các nội dung chi quy định tại Điều 9 bản Quy định này. Riêng công tác bảo trì đối với các tuyến đường do UBND cấp huyện quản lý được thực hiện trên cơ sở nguồn kinh phí sự nghiệp giao thông được giao trong dự toán ngân sách của địa phương hàng năm; nguồn kinh phí phân bổ từ Quỹ bảo trì đường bộ địa phương.
Điều 11. Giao kế hoạch chi
1. Căn cứ Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch chi hàng năm của Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ thông báo kế hoạch chi cho Văn phòng Quỹ và kế hoạch chi quản lý, bảo trì đường bộ cho các đơn vị sử dụng.
Đối với UBND cấp huyện chủ động giao phương án phân bổ nguồn thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô sau khi trừ phần trích để lại cho đơn vị tổ chức thu để thực hiện đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và báo cáo kết quả về Văn phòng quỹ.
2. Khi xây dựng phương án phân bổ kinh phí gửi Hội đồng quản lý Quỹ, Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thành phố lập phương án phân bổ theo nội dung quy định tại Điều 9 bản Quy định này, chi tiết theo từng công trình giao thông được phân cấp quản lý, khối lượng và kinh phí thực hiện gửi phương án phân bổ kế hoạch cho Hội đồng quản lý Quỹ thẩm định, phê duyệt. Việc phân bổ kế hoạch chi từng năm đối với công trình có thời gian thi công trên 01 năm phải đảm bảo theo khối lượng, thời gian thi công được phê duyệt trong quyết định đầu tư; không phân bổ kế hoạch chi để trả nợ đối với khối lượng đã thực hiện năm trước nhưng ngoài danh mục kế hoạch được giao năm trước (trừ khối lượng sửa chữa đột xuất, cầu yếu, điểm đen, các vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông và các nguyên nhân khách quan khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa có kinh phí bố trí).
3. Sau khi thẩm định phương án phân bổ kinh phí của các cơ quan, đơn vị, Hội đồng quản lý Quỹ quyết định giao kế hoạch chi quản lý, bảo trì đường bộ cho sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thành phố theo phân cấp quản lý; giao kế hoạch chi hoạt động cho Văn phòng Quỹ (Mẫu biểu giao kế hoạch chi cho các cơ quan, đơn vị theo Phụ lục số 02 kèm theo).
4. Trong vòng 05 ngày là việc kể từ khi Hội đồng quản lý Quỹ ban hành quyết định giao kế hoạch chi, Văn phòng Quỹ gửi Quyết định cho sở Tài chính, sở Giao thông vận tải, Kho bạc nhà nước tỉnh, Kho bạc nhà nước huyện, thành phố để phối hợp theo dõi, quản lý.
Điều 12. Thực hiện kế hoạch chi
1. Căn cứ kế hoạch chi bảo trì, quản lý đường bộ địa phương được giao:
a) Sở Giao thông vận tải thực hiện đấu thầu, đặt hàng bảo trì, quản lý công trình đường bộ theo quy định hiện hành.
b) UBND huyện, thành phố giao kế hoạch chi bảo trì, quản lý đường bộ cho cơ quan chuyên môn do huyện quản lý, UBND cấp xã theo phân cấp quản lý để các cơ quan, đơn vị này thực hiện đấu thầu, đặt hàng bảo trì, quản lý công trình đường bộ theo quy định hiện hành.
2. Đối với nhiệm vụ chi có tính chất đầu tư (sửa chữa định kỳ công trình đường bộ), các đơn vị được giao nhiệm vụ chi thực hiện theo quy định về quản lý vốn đầu tư của Nhà nước hiện hành.
3. Văn phòng quỹ thực hiện kế hoạch chi hoạt động của Văn phòng Quỹ và Hội đồng quản lý Quỹ theo kế hoạch được giao và các quy định hiện hành.
Chương IV
TẠM ỨNG, THANH TOÁN KINH PHÍ, QUYẾT TOÁN THU CHI QUỸ
Điều 13. Tạm ứng, thanh toán kinh phí bổ sung từ ngân sách tỉnh cho Quỹ
Hàng quý, căn cứ tiến độ thu phí sử dụng đường bộ, dự toán kinh phí bổ sung từ ngân sách tỉnh cho Quỹ trong năm, nhu cầu chi thực hiện công tác bảo trì, quản lý công trình đường bộ. Văn phòng Quỹ thực hiện rút dự toán tại Kho bạc nhà nước tỉnh, mức rút dự toán hàng quí về nguyên tắc không vượt quá 1/4 (một phần tư) kế hoạch hỗ trợ hàng năm. Trong trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ thi công hoặc sửa chữa đột xuất Hội đồng quản lý Quỹ có văn bản đề nghị Sở Tài chính, trên cơ sở đó Sở Tài chính xem xét và và có văn bản gửi Kho bạc nhà nước tỉnh chấp thuận.
Điều 14. Phương thức chuyển kinh phí từ Quỹ cho các cơ quan, đơn vị
Hàng quý, căn cứ số thực thu Quỹ (từ các nguồn: bổ sung từ ngân sách địa phương, thu phí sử dụng đường bộ, các nguồn thu khác), kế hoạch chi của Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ ra quyết định phân khai nguồn kinh phí của Quỹ cho cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng kinh phí Quỹ, gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch; Văn phòng Quỹ lập chứng từ chuyển tiền từ tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh vào tài khoản của các cơ quan, đơn vị mở tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.(Mẫu Quyết định chuyển kinh phí từ Quỹ cho các đơn vị theo Phụ lục số 03 kèm theo).
Điều 15. Tạm ứng, thanh toán của Kho bạc Nhà nước
1. Căn cứ kế hoạch chi quản lý, bảo trì đường bộ được giao, đơn vị quản lý, sử dụng kinh phí Quỹ đề nghị Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch tạm ứng cho các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích về quản lý, bảo trì đường bộ theo quy định hiện hành.
2. Căn cứ để Kho bạc nhà nước thực hiện thanh toán:
- Có trong danh mục, kế hoạch chi được cấp thẩm quyền giao;
- Căn cứ số dư trong tài khoản của cơ quan, đơn vị tại Kho bạc nhà nước nơi giao dịch;
- Quyết định phê duyệt dự án đầu tư (đối với nhiệm vụ có tính chất đầu tư); kết quả đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch chỉ định thầu của cấp có thẩm quyền;
- Hợp đồng thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện quản lý, bảo trì công trình đường bộ;
- Biên bản nghiệm thu sản phẩm và biên bản thanh toán kinh phí sản phẩm quản lý, bảo trì công trình đường bộ hoàn thành;
- Duyệt chi của Thủ trưởng đơn vị được giao quản lý kinh phí của Quỹ, cùng hồ sơ chứng từ theo quy định hiện hành.
3. Kiểm soát chi của Kho bạc nhà nước: Kho bạc nhà nước nơi giao dịch kiểm tra các căn cứ nêu tại khoản 2 Điều này, thực hiện kiểm soát các khoản chi từ Quỹ trước khi tạm ứng, thanh toán theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị được giao quản lý kinh phí theo quy định hiện hành, cụ thể:
- Đối với nhiệm vụ chi có tính chất thường xuyên việc tạm ứng và thanh toán thực hiện theo quy định tại Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
- Đối với các khoản chi có tính chất đầu tư việc tạm ứng, thanh toán thực hiện theo quy định tại Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Điều 16. Quyết toán thu, chi Quỹ.
1. Quyết toán thu: UBND cấp xã lập báo cáo quyết toán thu phí sử dụng đường bộ gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch để tổng hợp, trình UBND huyện, thành phố phê duyệt báo cáo quyết toán, gửi Văn phòng Quỹ.
2. Quyết toán chi:
a) Các cơ quan cấp huyện, UBND cấp xã được giao quản lý, sử dụng kinh phí của Quỹ lập báo cáo quyết toán sử dụng kinh phí theo biểu mẫu và yêu cầu của quyết toán chi ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành, gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch để tổng hợp trình UBND huyện, thành phố phê duyệt báo cáo quyết toán, gửi Văn phòng Quỹ.
b) Các cơ quan cấp tỉnh được giao quản lý, sử dụng kinh phí của Quỹ lập báo cáo quyết toán sử dụng kinh phí theo mẫu biểu và yêu cầu của quyết toán chi ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành gửi Văn phòng Quỹ.
c) Báo cáo quyết toán chi Quỹ của các cơ quan, đơn vị phải kèm theo báo cáo danh mục công trình đã được giao kế hoạch trong năm đề nghị quyết toán, chi tiết theo nội dung chi quy định tại Điều 10 của Quy định này.
3. Văn phòng Quỹ tổng hợp báo cáo quyết toán thu, chi Quỹ (trong đó tách riêng kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh cấp bổ sung cho Quỹ và từ các nguồn thu khác của Quỹ) trình Thường trực Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt, gửi Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính.
4. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm thẩm định quyết toán năm của Quỹ và tổng hợp vào quyết toán của sở, gửi Sở Tài chính.
Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định quyết toán năm của sở Giao thông vận tải và tổng hợp phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh đã cấp bổ sung cho Quỹ vào báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định.
5. Nội dung, quy trình xét duyệt, thẩm định, thông báo quyết toán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp (hiện nay là Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 02/01/2007 của Bộ Tài chính)
Điều 17. Quyết toán các dự án đầu tư sử dụng kinh phí của Quỹ
Đối với nhiệm vụ chi có tính chất đầu tư thực hiện theo quy trình quản lý vốn đầu tư. Ngoài việc thực hiện quyết toán hàng năm theo quy định; khi công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, còn phải thực hiện quyết toán công trình hoàn thành theo quy định hiện hành.
Điều 18. Xử lý số dư Quỹ
Cuối năm, nguồn kinh phí của Quỹ còn dư được chuyển sang năm sau, để chi cho công tác quản lý, bảo trì công trình đường bộ.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19. Trách nhiệm của các cơ quan đơn vị
1. Các cơ quan đơn vị liên quan đến hoạt động của Quỹ căn cứ nội dung của Quy định này để tổ chức thực hiện.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có nội dung cần hướng dẫn chi tiết, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn kịp thời.
3. Hàng năm, trước ngày 31/01, Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thành phố tổng hợp số thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện xe mô tô năm trước gửi Quỹ bảo trì Trung ương.
Điều 20. Thanh tra, kiểm tra.
1. Quỹ chịu sự kiểm tra, kiểm toán, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2. Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải, Hội đồng quản lý Quỹ phối hợp kiểm tra định kỳ, đột xuất các đơn vị được giao quản lý và sử dụng nguồn tài chính Quỹ.
Điều 21. Xử lý vi phạm và giải quyết vướng mắc
1. Tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình quản lý và sử dụng nguồn tài chính Quỹ có trách nhiệm chấp hành Quy định này, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra vi phạm do không thực hiện đúng quy định.
2. Các nội dung khác liên quan đến quá trình quản lý và sử dụng nguồn tài chính của Quỹ không có trong quy định này thì thực hiện theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ; Thông tư liên tịch số 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27/12/2012 của liên Bộ Tài chính - Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị gửi văn bản kịp thời về Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.