• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 08/01/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 29/09/1999
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 423/1997/QĐ-NHNN5
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 23 tháng 12 năm 1997

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định tạm thời về việc tổ chức thực hiện kiểm toán đối với các ngân hàng thương mại cổ phần

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

- Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

- Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước; Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính ngày 24-5-1990;

- Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02-03-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

- Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ các Định chế tài chính Ngân hàng Nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về việc tổ chức thực hiện kiểm toán đối với các Ngân hàng Thương mại cổ phần.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng Vụ các Định chế tài chính, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Các Thủ trưởng đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (giám đốc) Ngân hàng Thương mại cổ phần có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN KIỂM TOÁN
ĐỐI VỚI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 423/1997/QĐ-NHNN5,
ngày 23-12-1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Quy định này được áp dụng đối với các Ngân hàng Thương mại cổ phần, trước mắt là những Ngân hàng Thương mại cổ phần có mức vốn điều lệ từ 50 tỷ VNĐ trở lên.

Điều 2. Phạm vi kiểm toán.

- Bảng tổng kế tài sản;

- Bảng lỗ lãi;

- Báo cáo thu chi tiền tệ;

- Báo cáo các khoản cho vay, bảo lãnh và mở thu tín dụng nhập hàng trả chậm.

Điều 3. Tổ chức kiểm toán được tiến hành kiểm toán.

3.1. Tổ chức kiểm toán tiến hành kiểm toán đối với các Ngân hàng Thương mại cổ phần nêu tại Điều 1 quy định này phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

3.2. Điều kiện để Tổ chức kiểm toán được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận:

3.2.1. Tổ chức kiểm toán được thành lập và hoạt động theo đúng các quy định của Pháp luật hiện hành, nếu là Tổ chức kiểm toán nước ngoài phải được phép hoạt động tại Việt Nam và được phép kiểm toán các doanh nghiệp Việt Nam.

3.2.2. Kiểm toán viên tham gia kiểm toán Ngân hàng phải có chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp hoặc thừa nhận (nếu là chứng chỉ do tổ chức nước ngoài cấp); có bằng đại học trong các lĩnh vực: tài chính, kế toán, Ngân hàng; có ít nhất 5 năm làm công tác tài chính, kế toán, ngân hàng và đã làm Kiểm toán viên từ 2 năm trở lên.

3.2.3. Tổ chức kiểm toán phải có kinh nghiệm và uy tín trong kiểm toán các Ngân hàng.

Điều 4. Hồ sơ, trình tự, thủ tục xét chấp thuận Tổ chức kiểm toán.

4.1. Việc chọn Tổ chức kiểm toán thực hiện kiểm toán phải thông qua Đại hội cổ đông. Riêng việc lựa chọn Tổ chức kiểm toán thực hiện kiểm toán năm 1997 do Hội đồng quản trị lựa chọn sau khi đã thống nhất với Ban kiểm soát.

Chỉ sau khi có văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại cổ phần mới được chính thức mời Tổ chức kiểm toán để kiểm toán. Tổ chức kiểm toán năm trước có thể được lựa chọn thực hiện kiểm toán năm sau, nhưng tối đa không quá 04 năm liên tục.

4.2. Hồ sơ Ngân hàng Thương mại cổ phần đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận Tổ chức kiểm toán, gồm:

- Tờ trình của Hội đồng quản trị xin chấp thuận Tổ chức kiểm toán, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của Tổ chức kiểm toán:

- Biên bản Đại hội cổ đông;

- Các bản sao có công chứng liên quan đến Tổ chức kiểm toán: Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký kinh doanh, danh sách Kiểm toán viên đã đăng ký tại Bộ Tài chính, Giấy phép của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với Tổ chức kiểm toán nước ngoài).

- Chứng chỉ Kiểm toán viên (bản sao), bản tóm tắt quá trình công tác của Kiểm toán viên sẽ thực hiện kiểm toán Ngân hàng Thương mại cổ phần.

- Các tài liệu hồ sơ minh chứng Tổ chức kiểm toán đảm bảo các điều kiện nêu tại Điều 3.

4.3. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, tiếp nhận hồ sơ xin chấp thuận Tổ chức kiểm toán của Ngân hàng Thương mại cổ phần đặt trụ sở chính tại địa bàn. Chậm nhất là 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố phải xem xét có tờ trình và gửi toàn bộ hồ sơ nêu tại điểm 4.2. trên lên Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ các Định chế tài chính).

4.4. Trong thời gian không quá 15 ngày, Ngân hàng Nhà nước Trung ương sẽ xem xét có văn bản trả lời chấp thuận hay không chấp thuận cho đơn vị. Trường hợp không chấp thuận Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo lý do cho đơn vị biết.

Điều 5. Báo cáo kiểm toán.

5.1. Trước ngày 31 tháng 03 năm sau, các Ngân hàng Thương mại cổ phần phải gửi báo cáo kiểm toán năm kèm các tài liệu đã được kiểm toán nêu tại Điều 2 quy định này lên Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nơi đơn vị đặt trụ sở chính.

5.2. Trong thời gian tối đa là 15 ngày kể từ khi nhận được báo cáo kiểm toán năm nêu tại điểm 5.1. Quy định này của các Ngân hàng Thương mại cổ phần trên địa bàn, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước phải xem xét và sao gửi các báo cáo kiểm toán, tài liệu đã kiểm toán và ý kiến đánh giá của Chi nhánh về tình hình tổ chức và hoạt động của Ngân hàng đó về Vụ các Định chế tài chính, Ngân hàng Nhà nước Trung ương.

Điều 6. Điều khoản thi hành.

Việc sửa đổi, bổ sung Quy định này thuộc thẩm quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Trong khi thực hiện nếu có vướng mắc gì, các đơn vị phản ánh bằng văn bản về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ các Định chế tài chính) để nghiên cứu hướng dẫn giải quyết.

 

Thống đốc

(Đã ký)

 

Đỗ Quế Lượng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.