• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 24/01/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 22/11/2020
BỘ QUỐC PHÒNG
Số: 66/QĐ-QP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 24 tháng 1 năm 1997

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành những quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

các điều 13, 16, 22, 23 của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên

__________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 09 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh lực lượng dự bị động viên ngày 27 tháng 8 năm 1996;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này những quy định về:

- Chế độ sinh hoạt đơn vị dự bị động viên;

- Chế độ báo cáo;

- Chế độ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên;

- Trách nhiệm phối hợp giữa địa phương, đơn vị trực thuộc Bộ với đơn vị thường trực.

- Chuẩn bị những điều kiện cần thiết để huy động lực lượng dự bị động viên;

- Địa điểm giao nhận lực lượng dự bị động viên;

- Thời hạn hoàn thành việc huy động lực lượng dự bị động viên.

Điều 2. Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục kỹ thuật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng đơn vị quân đội thi hành Quyết định này.

  

BỘ TRƯỞNG

 

(Đã ký)

 

Đoàn Khuê

 

NHỮNG QUY ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ SINH HOẠT, CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, CHẾ ĐỘ KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG DBĐV; VỀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP GIỮA ĐỊA PHƯƠNG, ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ VỚI ĐƠN VỊ THƯỜNG TRỰC; VỀ CHUẨN BỊ NHỮNG ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT ĐỂ HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG DBĐV; VỀ ĐỊA ĐIỂM GIAO NHẬN LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN VÀ VỀ THỜI GIAN HOÀN THÀNH VIỆC HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN


(Ban hành kèm theo Quyết định số 66/QĐ-QP ngày 24 tháng 1 năm 1997của Bộ Quốc phòng)

Mục 1

CHẾ ĐỘ SINH HOẠT CÁC ĐƠN VỊ DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

Điều 1. Sinh hoạt đơn vị dự bị động viên là một hình thức quản lý, một biện pháp nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật của quân nhân dự bị, đơn vị dự bị động viên giúp cho địa phương và đơn vị được tiếp nhận thường xuyên nắm chắc số lượng, chất lượng đơn vị.

Điều 2. Căn cứ vào sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) tổ chức sinh hoạt các đơn vị dự bị động viên do cấp mình quản lý.

Các đơn vị thường trực có trách nhiệm cử cán bộ tham gia sinh hoạt với đơn vị dự bị động viên thuộc diện được tiếp nhận.

Điều 3. Ban chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm triệu tập quân nhân trong đơn vị dự bị động viên đến sinh hoạt và theo dõi, hướng dẫn việc sinh hoạt của các đơn vị. Chỉ huy đơn vị dự bị động viên có trách nhiệm điều hành đơn vị sinh hoạt và lập biên bản báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp xã (qua BCHQS xã) để theo dõi và tổng hợp báo cáo kết quả lên cấp trên.

Điều 4. Đơn vị dự bị động viên do cấp xã trực tiếp quản lý tổ chức sinh hoạt ít nhất mỗi năm một lần; thời điểm sinh hoạt do Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định; nội dung sinh hoạt do cơ quan quân sự cấp huyện chỉ đạo. Những đơn vị dự bị động viên được gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu thì trong năm đó không tổ chức sinh hoạt.

Điều 5. Mỗi năm ít nhất một lần, Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức sinh hoạt những quân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên từ cấp đại đội và tương đương trở lên.

Mục 2

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 6. Để các cơ quan có thẩm quyền quản lý chặt chẽ công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên, các địa phương, các đơn vị, các Bộ, Tổng cục được giao nhiệm vụ xây dựng các đơn vị dự bị động viên phải thực hiện đúng những quy định về chế độ báo cáo.

Điều 7. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là cấp Bộ), Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng hàng năm báo cáo với Bộ Quốc phòng những nội dung sau:

1. Báo cáo 6 tháng đầu năm về kết quả huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị dự bị động viên; báo cáo này được gửi đến Bộ Quốc phòng trước ngày 31 tháng 7.

2. Báo cáo năm về kết quả huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị dự bị động viên; báo cáo này được gửi đến Bộ Quốc phòng trước ngày 15/1 của năm sau.

3. Báo cáo kết quả tổ chức, xây dựng các đơn vị dự bị động viên theo chỉ tiêu nhiệm vụ được giao; báo cáo này được gửi đến Bộ Quốc phòng trước ngày 31 tháng 7 hàng năm.

Các loại báo cáo của cấp tỉnh đồng gửi Bộ Tư lệnh quân khu.

Điều 8.- Mỗi quý một lần các đơn vị trực thuộc cấp Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, các trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn và tương đương báo cáo với cấp trên trực tiếp về kết quả tổ chức, xây dựng các đơn vị dự bị động viên theo chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.

Điều 9.- Cơ quan quân sự tỉnh, huyện có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện chế độ báo cáo quy định tại Điều 7, 8 trên đây.

Điều 10.-

1. Mỗi quý một lần, quân nhân dự bị là chỉ huy đơn vị động viên cấp dưới có trách nhiệm phản ánh tình hình của đơn vị mình với người chỉ huy cấp trên trực tiếp.

2. Ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này thì:

a. Mỗi quý một lần, chỉ huy từ tiểu đội đến đại đội độc lập còn có trách nhiệm phản ánh tình hình đơn vị với Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền quản lý đơn vị;

b. Mỗi quý một lần, chỉ huy từ tiểu đội đến tiểu đoàn độc lập còn có trách nhiệm phản ánh tình hình đơn vị với Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyền quản lý đơn vị.

Điều 11.- Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật xây dựng các biểu mẫu báo cáo trình Bộ ban hành và hướng dẫn các cấp thực hiện.

Mục 3

CHẾ ĐỘ KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

Điều 12.- Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên là một trong những biện pháp giúp cho lãnh đạo và chỉ huy các cấp nắm được thực trạng việc tổ chức xây dựng và chuẩn bị huy động các đơn vị dự bị động viên để có những chủ trương, biện pháp phù hợp nhằm thúc đẩy việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở các cấp.

Điều 13.- Thủ trưởng hoặc cơ quan chức năng cấp trên thực hiện việc kiểm tra đối với cấp dưới vào những thời gian nhất định hoặc vào bất kỳ thời gian nào.

Điều 14.- Căn cứ vào nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên của từng địa phương, đơn vị và căn cứ vào ý định, mục đích của mình, lãnh đạo và chỉ huy từng cấp quyết định kiểm tra việc thực hiện xây dựng lực lượng dự bị động viên của cấp dưới.

Điều 15.-

1. Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng kiểm tra công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương, các đơn vị có nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm tra việc thực hiện xây dựng lực lượng dự bị động viên đối với đơn vị trực thuộc và kiểm tra việc thực hiện những nội dung trong xây dựng lực lượng dự bị động viên có liên quan đến lĩnh vực do Bộ quản lý.

3. Người chỉ huy các cấp trong quân đội kiểm tra công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên đối với các đơn vị thuộc quyền; Riêng Tư lệnh quân khu còn kiểm tra đối với các địa phương thuộc địa bàn quân khu.

4. Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự cấp tỉnh, cấp huyện giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp kiểm tra công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên đối với các địa phương (trừ những đơn vị cơ sở có nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên do cấp Bộ giao).

5. Các cơ quan có chức năng giúp lãnh đạo, chỉ huy ở các cấp kiểm tra những nội dung thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và kiểm tra những nội dung khác được uỷ quyền trong xây dựng lực lượng dự bị động viên đối với những đối tượng thuộc thẩm quyền kiểm tra của lãnh đạo, chỉ huy cấp mình.

Mục 4

TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP GIỮA ĐỊA PHƯƠNG, VÀ GIỮA ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ VỚI ĐƠN VỊ THƯỜNG TRỰC

Điều 16.-

1. Những công việc do địa phương chủ trì, đơn vị thường trực có trách nhiệm phối hợp thực hiện gồm:

a. Tổ chức giao chỉ tiêu xây dựng lực lượng dự bị động viên;

b. Tổ chức sắp xếp quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật vào đơn vị dự bị động viên;

c. Tổ chức sinh hoạt đơn vị dự bị động viên, sinh hoạt sĩ quan dự bị;

d. Tổ chức phúc tra, kiểm tra số lượng, chất lượng quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật;

e. Tổ chức kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiếu đấu của đơn vị dự bị động viên tại cơ sở;

f. Việc phong, thăng quân hàm cho sĩ quan dự bị của đơn vị dự bị động viên do địa phương xây dựng.

2. Những công việc do đơn vị thường trực chủ trì, địa phương có trách nhiệm phối hợp thực hiện gồm:

a. Tổ chức huấn luyện quân nhân dự bị, huấn luyện đơn vị dự bị động viên hàng năm.

b. Tổ chức thâm nhập quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật.

Điều 17.-

1. Những công việc do đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, đơn vị thường trực phối hợp thực hiện gồm:

a. Tổ chức giao nhiệm vụ xây dựng đơn vị dự bị động viên cho các đơn vị cơ sở.

b. Tổ chức sắp xếp quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật vào đơn vị dự bị động viên.

c. Tổ chức phúc tra, kiểm tra số lượng, chất lượng quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật.

d. Tổ chức kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị dự bị động viên tại cơ sở.

2. Những công việc do đơn vị thường trực chủ trì, đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp thực hiện gồm:

a. Tổ chức huấn luyện đơn vị dự bị động viên.

b. Tổ chức thâm nhập quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật.

c. Việc phong, thăng quân hàm cho sĩ quan dự bị của đơn vị Dự bị động viên do đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng.

Điều 18. Bên chủ trì những công việc quy định tại Điều 16, Điều 17 mục này có trách nhiệm thông báo kế hoạch thực hiện cho bên phối hợp biết, bên phối hợp có trách nhiệm tham gia ý kiến, xây dựng kế hoạch với bên chủ trì. Khi đã thống nhất với nhau về kế hoạch, hai bên tổ chức hiệp đồng thực hiện.

Mục 5

CHUẨN BỊ NHỮNG ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT ĐỂ HUY ĐỘNG LLDBĐV

Điều 19. Để huy động lực lượng dự bị động viên được nhanh chóng, bí mật và an toàn, các Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, các đơn vị thường trực của quân đội phải thực hiện tốt việc chuẩn bị các mặt sau đây:

1. Chỉ huy;

2. Tập trung tiếp nhận quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật;

3. Thông báo huy động lực lượng dự bị động viên;

4. Bảo vệ trong quá trình tập trung, vận chuyển, giao nhận lực lượng dự bị động viên.

Nội dung cụ thể các mặt chuẩn bị trên đây do Bộ Tổng tham mưu hướng dẫn.

Mục 6

ĐỊA ĐIỂM GIAO NHẬN LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

Điều 20. Địa điểm giao nhận lực lượng dự bị động viên do đơn vị được tiếp nhận xác định tại khu vực tập trung của đơn vị.

Trường hợp đơn vị được tiếp nhận cách địa phương giao từ năm trăm ki-lô-mét trở lên thì địa điểm giao nhận do địa phương xác định.

Mục 7

THỜI HẠN HOÀN THÀNH VIỆC HUY ĐỘNG ĐƠN VỊ

DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN

Điều 21. Thời hạn hoàn thành việc huy động đơn vị dự bị động viên được tính từ khi địa phương nhận được lệnh huy động đơn vị dự bị động viên đó đến khi đơn vị tiếp nhận và ổn định tổ chức biên chế xong.

Thời hạn hoàn thành cụ thể sẽ được quy định trong kế hoạch huy động lực lượng dự bị động viên.

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.