• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 24/02/1996
CHÍNH PHỦ
Số: 10/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 24 tháng 2 năm 1996

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Ban hành Quy chế quản lý dự trữ Quốc gia

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Để thực hiện đổi mới và tăng cường công tác quản lý dự trữ Quốc gia;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Dự trữ Quốc gia,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này "Quy chế quản lý dự trữ Quốc gia".

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Nghị định số 142/HĐBT ngày 08 tháng 09 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quy chế dự trữ Quốc gia và các Quy định tại các văn bản khác trước đây trái với Nghị định này.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Dự trữ Quốc gia chịu trách nhiệm thi hành Quy chế kèm theo Nghị định này./.

 

QUY CHẾ QUẢN LÝ DỰ TRỮ QUỐC GIA

(Ban hành kèm theo Nghị định số 10/CP ngày 24 tháng 2 năm 1996 của Chính phủ)

 

CHƯƠNG I

QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quỹ dự trữ Quốc gia là một phần của cải vật chất của Nhà nước được tích luỹ thành lực lượng dự phòng chiến lược để sử dụng vào mục đích: phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai; phục vụ an ninh, quốc phòng và thực hiện các nhiệm vụ khác của Chính phủ.

Điều 2. Quỹ dự trữ Quốc gia phải được quản lý chặt chẽ và chỉ đạo tập trung thống nhất của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tuyệt đối bí mật, luôn luôn sẵn sàng đáp ứng cao nhất mọi yêu cầu trong mọi tình huống.

Điều 3. Hệ thống quản lý dự trữ Quốc gia gồm: Cục Dự trữ Quốc gia và các Cơ quan, đơn vị quản lý hàng dự trữ Quốc gia chuyên dùng, đặc chủng thuộc các Bộ, ngành.

Điều 4. Hàng hoá, vật tư đưa vào quỹ dự trữ Quốc gia (gọi tắt là hàng dự trữ) là những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, đời sống và an ninh, quốc phòng.

Điều 5. Việc phân công quản lý hàng dự trữ Quốc gia như sau:

Những mặt hàng chuyên dùng, đặc chủng giao cho các Bộ, ngành trực tiếp quản lý.

Những mặt hàng khác giao cho Cục Dự trữ Quốc gia trực tiếp quản lý. Danh mục mặt hàng và phân công quản lý các mặt hàng dự trữ do Chính phủ quy định trong phụ biểu kèm theo Qui chế này.

Điều 6. Các cơ quan dự trữ Quốc gia có trách nhiệm từng bước hoàn thiện, hiện đại và bố trí theo quy hoạch, đặt tại các vùng chiến lược kinh tế quốc phòng của đất nước hệ thống kho dự trữ Quốc gia, vừa đảm bảo an toàn, bí mật, vừa thuận tiện cho việc nhập, xuất hàng.

 

CHƯƠNG II

KẾ HOẠCH DỰ TRỮ QUỐC GIA

Điều 7. Hoạt động dự trữ Quốc gia được xây dựng, thực hiện theo kế hoạch hàng năm, dài hạn và các Quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 8. Căn cứ để xây dựng kế hoạch dự trữ Quốc gia:

Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của Nhà nước.

Yêu cầu tăng cường tiềm lực dự trữ và khả năng ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.

Quy trình công nghệ, thời hạn lưu kho hàng dự trữ và các định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan.

Điều 9. Nội dung cơ bản của kế hoạch dự trữ Quốc gia:

Kế hoạch tăng dự trữ Quốc gia.

Kế hoạch luân phiên đổi hàng dự trữ Quốc gia.

Phát triển và hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật.

Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức.

Cân đối nguồn Tài chính cho hoạt động dự trữ Quốc gia.

Điều 10. Các Cơ quan dự trữ có trách nhiệm lập kế hoạch dự trữ theo hướng dẫn, quy định chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Quốc gia, gửi Cục Dự trữ Quốc gia để Cục tổng hợp nhu cầu và thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 11. Căn cứ vào kế hoạch hàng năm được Chính phủ giao và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng Cơ quan dự trữ (Cục Dự trữ Quốc gia, các Bộ, ngành được phân công quản lý hàng dự trữ) giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc và tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Điều 12. Cục Dự trữ Quốc gia chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan tiến hành kiểm tra việc thực hiện kế hoạch dự trữ, tổng hợp báo cáo thủ Tướng Chính phủ và kiến nghị những giải pháp cho việc thực hiện kế hoạch này.

 

CHƯƠNG III

NHẬP, XUẤT VÀ BẢO QUẢN HÀNG DỰ TRỮ QUỐC GIA

Điều 13. Các trường hợp nhập hàng dự trữ Quốc gia:

Tăng quĩ dự trữ theo kế hoạch và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Luân phiên đổi mới hàng theo kế hoạch.

Điều động nội bộ trong các đơn vị quản lý.

Nhập khác.

Điều 14. Các trường hợp nhập hàng dự trữ Quốc gia:

Xuất bán theo kế hoạch và xuất theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Luân phiên đổi mới theo kế hoạch

Điều động nội bộ trong các đơn vị quản lý.

Xuất khác.

Điều 15. Nhập, xuất hàng dự trữ phải đúng chủng loại, khối lượng, quy cách, phẩm chất theo qui định.

Điều 16. Hàng dự trữ bị hư hỏng, giảm phẩm chất do thiên tai, hoả hoạn, cần phải được xử lý ngay thì Thủ trưởng Cơ quan dự trữ chỉ đạo làm đủ thủ tục pháp lý đồng thời được phép xử lý ngay để hạn chế thiệt hại, sau đó phải làm rõ nguyên nhân, quy trách nhiệm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Cơ quan liên quan.

Điều 17. Hàng dự trữ dôi thừa trong quá trình bảo quản, Cơ quan dự trữ phải làm thủ tục ghi tăng quỹ dự trữ Quốc gia.

Đối với hàng hao hụt trong định mức, Thủ trưởng Cơ quan dự trữ làm thủ tục ghi giảm quỹ dự trữ Quốc gia và báo cáo quyết toán với Bộ Tài chính.

Đối với hàng hao hụt ngoài định mức, hư hỏng, thiếu hụt do nguyên nhân khách quan, hoặc chủ quan, Thủ trưởng Cơ quan dự trữ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ; trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Pháp luật.

Điều 18. Các cơ quan dự trữ Quốc gia có trách nhiệm báo cáo tồn kho định kỳ lực lượng dự trữ Quốc gia lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Quốc gia.

Điều 19. Hàng dự trữ phải được bảo quản đúng quy trình, quy phạm, để đúng kho, đúng địa điểm quy định và phải có đủ hồ sơ ghi rõ số lượng, chất lượng, giá trị và các diễn biến trong quá trình nhập, xuất, bảo quản.

Thủ trưởng Cơ quan dự trữ phải chỉ đạo, tổ chức kiểm tra thường xuyên việc bảo quản hàng dự trữ, phát hiện, ngăn ngừa những vi phạm quy trình, quy phạm bảo quản.

 

CHƯƠNG IV

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH DỰ TRỮ QUỐC GIA

Điều 20. Nguồn Tài chính cho hoạt động dự trữ Quốc gia do ngân sách Nhà nước cấp gồm: Vốn hàng hoá dự trữ, vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí hoạt động thường xuyên.

Thủ trưởng Cơ quan dự trữ chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý, sử dụng nguồn tài chính dự trữ Quốc gia đúng mục đích, đúng chế độ, có hiệu quả.

Điều 21. Quản lý vốn, hàng hoá dự trữ Quốc gia:

Vốn để mua hàng hoá dự trữ gồm phần ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính cấp bổ sung theo kế hoạch hàng năm được Thủ tướng Chính phê duyệt và khoản vốn thu nợ hoặc bán hàng dự trữ được giữ lại trong tài khoản của Cơ quan dự trữ tại Kho bạc Nhà nước. Cơ quan dự trữ được chủ động sử dụng nguồn vốn này để mua hàng dự trữ theo kế hoạch trong năm, số còn lại nộp ngân sách Nhà nước.

Các trường hợp nhập, xuất dự trữ không phải thanh toán tiền theo quyết định của Chính phủ hay chế độ tài chính quy định, các khoản chênh lệch giá theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, thì các Cơ quan dự trữ được hạch toán tăng, hoặc giảm nguồn vốn dự trữ tương ứng, báo cáo quyết toán với Bộ Tài chính.

Điều 22. Quản lý vốn xây dựng cơ bản:

Nguồn vốn xây dựng cơ bản để mua sắm các thiết bị, đầu tư xây dựng mới các công trình kho chứa hàng dự trữ, các công trình phụ trợ và các cơ sở vật chất khác do ngân sách Nhà nước cấp. Thủ trưởng Cơ quan dự trữ phải chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị trực thuộc và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc quản lý và sử dụng vốn theo đúng Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng và các quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 23. Kinh phí cho hoạt động của Cơ quan dự trữ được ngân sách Nhà nước cấp theo định mức, theo kế hoạch và chế độ tài chính hiện hành gồm: kinh phí cho hoạt động của bộ máy quản lý, kinh phí phục vụ cho bảo quản, bảo vệ hàng dự trữ, nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức...

Thủ trưởng Cơ quan dự trữ phải chỉ đạo kiểm tra việc sử dụng kinh phí trong các đơn vị trực thuộc theo đúng mục đích, định mức, thực hành tiết kiệm.

Điều 24. Giá nhập, xuất hàng dự trữ: giá nhập và giá mua cộng với phí nhập, giá xuất là giá bán trừ đi phí xuất.

Khi mua, bán hàng dự trữ phải thực hiện theo mức giá và phí do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước quy định.

Thực hiện mua, bán các lô hàng lớn theo phương thức đấu thầu.

Điều 25. Phí nhập, xuất hàng dự trữ gồm các khoản chi phí hợp lý, cần thiết cho quá trình nhập, xuất do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước quy định.

Trường hợp xuất hàng dự trữ không thu tiền hoặc nhập, xuất cho vay theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị nhận hàng dự trữ phải thanh toán phí nhập, xuất cho cơ quan dự trữ. Trường hợp Cơ quan dự trữ nhận hàng đột xuất theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ thì ngân sách Nhà nước cấp bổ sung phí nhận hàng cho Cơ quan dự trữ.

Điều 26. Căn cứ các định mức kinh tế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước duyệt, các Cơ quan dự trữ thực hiện cơ chế khoán phí nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ theo nguyên tắc: nếu phấn đấu tiết kiệm phí thì được thưởng, làm thiệt hại thì phải bồi thường theo chế độ tài chính và pháp luật của Nhà nước.

Điều 27. Hạch toán, quyết toán:

Căn cứ theo pháp lệnh kế toán và thống kê, Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước, Chế độ kế toán thống nhất của Nhà nước, cục Dự trữ Quốc gia quy định chế độ hạch toán, kế toán trong hệ thống Cơ quan dự trữ sau khi thoả thuận với Bộ Tài chính.

Các Cơ quan dự trữ phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo thống kê, kế toán, quyết toán với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và với cấp trên.

 

CHƯƠNG V

BẢO VỆ, KIỂM TRA, THANH TRA DỰ TRỮ QUỐC GIA

Điều 28. Các Cơ quan dự trữ phải thực hiện nghiêm ngặt Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và các quy định bảo vệ bí mật trong ngành dự trữ Quốc gia.

Bộ Nội vụ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho Cơ quan dự trữ bảo vệ an toàn hàng hoá và cơ quan, đơn vị dự trữ Quốc gia.

Điều 29. Cục Dự trữ Quốc gia tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các Cơ quan dự trữ về việc thực hiện kế hoạch dự trữ và chấp hành các quy định của Chính phủ có liên quan đến hoạt động dự trữ Quốc gia; kiểm tra việc thực hiện các quy phạm, quy trình, định mức bảo quản hàng dự trữ.

Các Cơ quan dự trữ phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch, chính sách, pháp luật theo đúng Pháp lệnh thanh tra.

Khi cơ quan Thanh tra, bảo vệ chuyên ngành, hoặc địa phương cần thanh tra, điều tra trong các Cơ quan, đơn vị dự trữ, phải thống nhất về kế hoạch, chương trình, nội dung, phạm vi, thời gian... với Thủ trưởng Cơ quan dự trữ.

 

CHƯƠNG VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 30. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng quản lý ngành, lãnh thổ của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho các Cơ quan dự trữ Quốc gia hoàn thành tốt nhiệm vụ nhập, xuất, bảo vệ, bảo quản, vận chuyển hàng dự trữ và bảo đảm bí mật, an toàn cho hoạt động dự trữ Quốc gia; thực hiện và chỉ đạo các cơ quan trực thuộc chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của Chính phủ liên quan đến hoạt động dự trữ Quốc gia.

Điều 31. Cục trưởng Cục Dự trữ Quốc gia chủ trì, phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Cơ quan liên quan theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thi hành Quy chế này./.

 

DANH MỤC HÀNG DỰ TRỮ QUỐC GIA VÀ PHÂN CÔNG CƠ QUAN QUẢN LÝ

(Ban hành kèm theo Quy chế quản lý hàng dự trữ Quốc gia)

Số TT

Mặt hàng

Cơ quan quản lý

Ghi chú

1

2

3

4

I

Lương thực, thực phẩm.

Cục Dự trữ Quốc gia

 

1

Thóc, gạo.

 

 

2

Muối ăn.

 

 

II

Kim khí

Cục Dự trữ Quốc gia

 

1

Kim loại đen

 

 

2

Kim loại màu

 

 

III

Xe máy, thiết bị.

Cục Dự trữ Quốc gia

 

1

Ô tô.

 

 

2

Máy thi công.

 

 

3

Máy phát điện

 

 

4

Động cơ thuỷ.

 

 

5

Săm lốp, bình điện khô.

 

 

IV

Xăng dầu

Bộ Thương mại

 

1

Xăn ôtô.

 

 

2

Điêzen

 

 

3

Nhiên liệu dùng cho máy bay

 

 

V

Vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

1

Thuốc, hoá chất để sản xuất thuốc phòng, chữa bệnh cho cây trồng và gia súc.

 

 

2

Thóc giống và một số hạt giống cây trồng.

 

 

3

Vật tư phòng lũ lụt, cứu hộ đê (đá, rọ thép đựng đá...).

 

 

VI

 

 

 

1

Thuốc, nguyên liệu làm thuốc phòng, chữa bệnh cho người.

 

 

2

Thiết bị y tế: máy soi chụp di động, máy hô hấp nhân tạo, bộ phẫu thuật dã chiến...

 

 

VII

Thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp

Bộ Công nghiệp

 

VIIII

Vật tư, thiết bị chuyên dung cho Quốc phòng

Bộ Quốc phòng

 

1

Nhiên liệu đặc chủng dùng trong Quốc phòng.

 

 

2

Các loại dầu nhờn, mỡ máy chuyên dùng trong Quốc phòng.

 

 

3

Kim khí và các loại vật tư đồng bộ để sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, đạn dược.

 

 

4

Xe, máy trang thiết bị và phụ tùng đặc chủng dùng trong Quốc phòng.

 

 

5

Săm lốp đặc chủng (máy bay, pháo...).

 

 

6

Bình điện đặc chủng.

 

 

7

Thuốc nổ và vật liệu nổ quân dụng.

 

 

IX

Vật tư, thiết bị chuyên dùng trong ngành an ninh

Bộ Nội vụ

 

X

Vật tư, thiết bị chuyên dùng cho phát thanh.

Đài Tiếng nói Việt Nam

 

XI

Vật tư, thiết bị chuyên dùng cho truyền hình

Đài Truyền hình Việt Nam

 

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.