• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 23/07/2018
HĐND TỈNH LẠNG SƠN
Số: 10/2018/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lạng Sơn, ngày 20 tháng 7 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

Ban hành quy định phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công

thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Lạng Sơn

_________

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ TÁM

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ khoản 1, Điều 138 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

Căn cứ Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;

Xét Tờ trình số 46/TTr-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc dự thảo Nghị quyết Ban hành quy định phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Lạng Sơn; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

 

QUYẾT NGHỊ:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Lạng Sơn.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 05/2010/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn về phân cấp việc mua sắm, cho thuê, thanh lý, tiêu hủy, thu hồi, điều chuyển và bán tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Nghị quyết số 164/2014/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 20/7/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn khóa XVI, kỳ họp thứ tám thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 23 tháng 7 năm 2018./.

Nơi nhận:

- Ủy ban thường vụ Quốc hội;

- Chính phủ;                 

- Bộ Tài chính;

- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;

- Thường trực Tỉnh ủy;

- Thường trực HĐND tỉnh;

- Đại biểu Quốc hội tỉnh;

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;

- Ủy ban MTTQVN tỉnh;

- Các đại biểu HĐND tỉnh;

- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;

- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố;

- CPVP, các phòng VP HĐND tỉnh;

- CPVP, các phòng VP UBND tỉnh;

- Công báo tỉnh, Báo Lạng Sơn ;

- Lưu: VT, HS Kỳ họp.

CHỦ TỊCH

 

 

(đã ký)

 

 

 

 

 Hoàng Văn Nghiệm

 

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN                                                                                CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

            TỈNH LẠNG SƠN                                                                                                 Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                  ______                                                                                                                ____________________

 

QUY ĐỊNH

Phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Lạng Sơn

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 20/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn)

___________

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

 1. Quy định này quy định phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị); phân cấp thẩm quyền xử lý tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước; phân cấp thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân và thẩm quyền quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Lạng Sơn.

2. Quy định này không áp dụng đối với cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công đối với cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan nhà nước.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Tổ chức chính trị - xã hội.

4. Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (Chỉ áp dụng đối với tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp).

5. Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

6. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi; Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; Doanh nghiệp, tổ chức thủy lợi cơ sở, cá nhân được giao quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

7. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Chương II

THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH MUA SẮM, THUÊ, XỬ LÝ TÀI SẢN CÔNG TẠI CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ

 

Điều 3. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị

1. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án đầu tư: Thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.

2. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trong các trường hợp không thuộc phạm vi quy định tại Khoản 1, Điều này:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mua sắm:

- Xe ô tô các loại sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;

- Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp;

- Quyết định mua sắm tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản hoặc một lần (một gói) mua sắm có tổng giá trị từ 2.000 triệu đồng trở lên cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong dự toán chi ngân sách hàng năm;

- Tài sản theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền quyết định mua sắm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Đối với tài sản công có giá trị từ 5.000 triệu đồng/01 đơn vị tài sản trở lên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mua sắm sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

b) Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh quyết định mua sắm tài sản (trừ tài sản thuộc thẩm quyền quyết định mua sắm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) như sau:

- Quyết định mua sắm tài sản của đơn vị mình có giá trị dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản hoặc một lần (một gói) mua sắm có tổng giá trị dưới 2.000 triệu đồng;

- Quyết định mua sắm tài sản của các đơn vị dự toán trực thuộc có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản hoặc một lần (một gói) mua sắm có tổng giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 2.000 triệu đồng;

- Thủ trưởng các đơn vị dự toán trực thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh quyết định mua sắm tài sản của đơn vị mình có giá trị dưới 200 triệu đồng/01 đơn vị tài sản hoặc một lần (một gói) mua sắm có tổng giá trị dưới 500 triệu đồng.

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định mua sắm tài sản (trừ tài sản quy định tại Điểm a Khoản này) có giá trị từ 200 triệu đồng/1 đơn vị tài sản đến dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản hoặc một lần (một gói) mua sắm có tổng giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 2.000 triệu đồng cho các đơn vị cấp huyện và cấp xã trực thuộc.

d) Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện (bao gồm cả các đơn vị dự toán như các trường học…) và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định mua sắm tài sản khác (trừ tài sản quy định tại Điểm a Khoản này) có giá trị dưới 200 triệu đồng/01 đơn vị tài sản hoặc một lần (một gói) mua sắm có giá trị dưới 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí được giao trong dự toán của đơn vị mình.

đ) Đối với những tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung thì thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh về danh mục tài sản mua sắm tập trung và giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị thực hiện mua sắm tập trung.  

Điều 4. Thẩm quyền quyết định thuê tài sản công phục vụ hoạt động cơ quan, tổ chức, đơn vị

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh:

Quyết định thuê trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản khác có giá trị thuê tài sản tính cho cả thời hạn thuê từ 500 triệu đồng trở lên cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong dự toán chi ngân sách hàng năm.

2. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh và cấp tương đương:

a) Quyết định thuê trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản khác của đơn vị mình có giá trị thuê tính cho cả thời hạn thuê dưới 500 triệu đồng.

b) Quyết định thuê trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản khác của đơn vị trực thuộc (nếu có) có giá trị thuê tính cho cả thời hạn thuê từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

c) Thủ trưởng các đơn vị dự toán trực thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh quyết định thuê trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản khác có giá trị thuê tài sản tính cho cả thời hạn thuê dưới 200 triệu đồng.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định:

Thuê trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các đơn vị thuộc cấp huyện, cấp xã trong dự toán chi ngân sách hàng năm có giá trị thuê tính cho cả thời hạn thuê dưới 500 triệu đồng.

Thuê tài sản khác của các đơn vị thuộc cấp huyện, cấp xã trong dự toán chi ngân sách hàng năm có giá trị thuê tính cho cả thời hạn thuê từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng

4. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện (bao gồm cả các đơn vị dự toán như các trường học…) và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, quyết định thuê tài sản khác có giá trị thuê tính cho cả thời hạn thuê dưới 200 triệu đồng trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Điều 5. Thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản công

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh:

Quyết định thu hồi tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, thuộc phạm vi quản lý của địa phương bao gồm:

a) Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

b) Xe ô tô các loại.

c) Tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản.

2. Giám đốc Sở Tài chính:

Quyết định thu hồi tài sản công đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp tỉnh quản lý (trừ tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này).

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:

Quyết định thu hồi tài sản công đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện, cấp xã (trừ tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này).

Điều 6. Thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản công

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chuyển tài sản công:

a) Giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh.

b) Từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh quản lý sang cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện; từ huyện, thành phố sang huyện khác và ngược lại.

c) Điều chuyển trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ô tô các loại; tài sản khác có nguyên giá ghi trên sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh quyết định điều chuyển tài sản giữa các đơn vị thuộc phạm vi quản lý (trừ tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này).

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định điều chuyển tài sản công (trừ tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này):

a) Giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện.

b) Từ cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện quản lý sang cấp xã quản lý và ngược lại.

c) Giữa các xã, phường, thị trấn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.

Điều 7. Thẩm quyền quyết định bán tài sản công

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bán tài sản bao gồm:

a) Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

b) Xe ô tô các loại.

c) Tài sản khác có nguyên giá ghi trên sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản.

2. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh:

Quyết định bán tài sản công của đơn vị mình và các đơn vị thuộc phạm vi quản lý có nguyên giá ghi trên sổ sách kế toán dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản (trừ tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này).

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:

Quyết định bán tài sản công có nguyên giá ghi trên sổ sách kế toán dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện, cấp xã (trừ tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này).

Điều 8. Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thanh lý:

a) Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

b) Xe ô tô các loại.

2. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh quyết định thanh lý tài sản công (trừ tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này):

a) Quyết định thanh lý tài sản công tại đơn vị mình đối với tài sản là: Nhà làm việc, công trình sự nghiệp và tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tài sản khác.

b) Quyết định thanh lý tài sản công của đơn vị trực thuộc (nếu có) đối với tài sản là: Nhà làm việc, công trình sự nghiệp và tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

c) Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh quyết định thanh lý tài sản công tại đơn vị mình (trừ tài sản quy định tại Điểm b, Khoản này).

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:

Quyết định thanh lý tài sản công (trừ tài sản quy định tại Khoản 1 Điều này) tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc huyện quản lý bao gồm: Nhà làm việc, công trình sự nghiệp và tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị cấp huyện (bao gồm cả các đơn vị dự toán cấp II như Trường học…) và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thanh lý tài sản công tại đơn vị mình (không thuộc phạm vi quy định tại Khoản 1, Khoản 4 Điều này).

Điều 9. Thẩm quyền quyết định tiêu huỷ tài sản công

Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định đầu tư mua sắm thì cơ quan đó ra quyết định tiêu hủy tài sản công.

Điều 10. Thẩm quyền quyết định xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại

Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định đầu tư mua sắm thì cơ quan đó ra quyết định xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại.

Điều 11. Thẩm quyền quyết định thuê đơn vị quản lý vận hành tài sản công

Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công hoặc cơ quan, đơn vị được giao khu hành chính tập trung quyết định thuê đơn vị quản lý, vận hành tài sản công trong dự toán chi ngân sách nhà nước được giao.

Điều 12. Thẩm quyền phê duyệt phương án điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy, xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, hủy hoại đối với tài sản thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước do tỉnh quản lý

Thực hiện theo quy định về phân cấp xử lý tài sản công tại các Điều 6,7,8,9,10 của Quy định này.

 

Chương III

THẨM QUYỀN XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU TOÀN DÂN VỀ TÀI SẢN VÀ PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU TOÀN DÂN

 

Điều 13. Thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với:

1. Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm; bất động sản vô chủ; bất động sản không có người thừa kế; tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử - văn hóa; tài sản của các vụ việc xử lý quy định tại Khoản này bao gồm cả bất động sản hoặc di tích lịch sử - văn hóa và động sản.

2. Tài sản do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương (trừ các tài sản theo quy định thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản thuộc thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018).

3. Tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.

4. Tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giải thể hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giải thể theo ủy quyền.

5. Tài sản chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án đối tác công tư đối với trường hợp cơ quan ký hợp đồng dự án thuộc địa phương quản lý.

Điều 14. Thẩm quyền xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

1. Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính:

a. Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý đối với:

- Tài sản là xe ô tô và các tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản;

- Điều chuyển tài sản từ tỉnh về các huyện, thành phố và ngược lại hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, giữa các huyện, thành phố.

b) Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh quyết định phê duyệt phương án xử lý đối với:

Các tài sản còn lại do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc cấp tỉnh ra quyết định tịch thu; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh xử lý (Trừ tài sản quy định tại Điểm a Khoản này).

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản thuộc thẩm quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tịch thu; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý (Trừ tài sản quy định tại Điểm a Khoản này).

d) Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố quyết định phương án xử lý tài sản do người có thẩm quyền thuộc cấp huyện quyết định tịch thu (trừ tài sản quy định tại Điểm c Khoản này).

đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định phương án xử lý đối với tài sản thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định tịch thu.

2. Tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án tịch thu (trừ tài sản thuộc thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tại Điểm a, Điểm b, Khoản 2, Điều 19 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ) như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án xử lý tài sản là nhà, đất; xe ô tô có tỷ lệ chất lượng còn lại từ 50% trở lên và tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/tài sản (trừ tài sản là vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, cổ vật, bảo vật quốc gia).

b) Giám đốc Sở Tài chính phê duyệt phương án xử lý đối với các tài sản do cơ quan Thi hành án cấp tỉnh và cơ quan Thi hành án cấp Quân khu chuyển giao (Trừ tài sản quy định tại Điểm a Khoản này và tài sản là vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, cổ vật, bảo vật quốc gia).

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án xử lý tài sản là xe ô tô có tỷ lệ, chất lượng còn lại dưới 50% do cơ quan Thi hành án cấp huyện chuyển giao và tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng/tài sản đến dưới 500 triệu đồng/tài sản.

d) Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện phê duyệt phương án xử lý tài sản không thuộc phạm vi quy định tại Điểm a, Điểm c Khoản này do cơ quan Thi hành án cấp huyện chuyển giao (trừ tài sản là vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, cổ vật, bảo vật quốc gia).

3. Thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản là bất động sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, di sản không có người nhận thừa kế, hàng hóa tồn đọng (trừ tài sản thuộc thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tại Điểm a, b, c, Khoản 3, Điều 19 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ) như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án xử lý đối tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm; bất động sản vô chủ; bất động sản không có người thừa kế; tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử - văn hóa; tài sản của các vụ việc xử lý quy định tại Khoản này bao gồm cả bất động sản hoặc di tích lịch sử - văn hóa và động sản, trừ tài sản là di tích lịch sử - văn hóa, cổ vật, bảo vật quốc gia, tài sản là hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

Điều chuyển tài sản từ tỉnh về các huyện, thành phố và ngược lại hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, giữa các huyện, thành phố.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, di sản không người thừa kế không thuộc phạm vi quy định tại Điểm a Khoản này.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án xử lý đối với các loại tài sản còn lại:

a) Tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giải thể hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giải thể theo ủy quyền.

b) Tài sản do tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trừ các tài sản theo quy định thuộc thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an.

c) Tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.

d) Tài sản chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án đối tác công tư đối với trường hợp cơ quan ký hợp đồng dự án thuộc địa phương quản lý.

 

Chương IV

PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG THỦY LỢI

 

Điều 15. Thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đối với các công trình:

a) Đối với đập dâng, kênh mương tự chảy: Có diện tích phục vụ tưới từ 10 ha đất canh tác trở lên.

b) Đối với hồ chứa: Có chiều cao đập đất từ 8 m trở lên và diện tích phục vụ tưới từ 10 ha đất canh tác trở lên.

c) Đối với trạm bơm điện: Có diện tích phục vụ tưới từ 5 ha đất canh tác trở lên.

d) Đối với trạm bơm thuỷ luân: Có diện tích phục vụ tưới từ 10 ha đất canh tác trở lên.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đối với các công trình:

a) Các đập dâng, kênh mương tự chảy: Có diện tích phục vụ tưới nhỏ hơn 10 ha.

b) Các hồ chứa: Có chiều cao đập đất thấp hơn 8m và diện tích phục vụ tưới nhỏ hơn 10 ha.

c) Các công trình cấp nước sinh hoạt ở nông thôn, kể cả hệ thống tự chảy và có động lực.

d) Các trạm bơm điện: Có diện tích phục vụ tưới nhỏ hơn 5 ha; Các trạm bơm thuỷ luân có diện tích tưới nhỏ hơn 10 ha.

Điều 16. Thẩm quyền quyết định thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xử lý đối với các công trình:

a) Đối với đập dâng, kênh mương tự chảy: Có diện tích phục vụ tưới từ 10 ha đất canh tác trở lên.

b) Đối với hồ chứa: Có chiều cao đập đất từ 8 m trở lên và diện tích phục vụ tưới từ 10 ha đất canh tác trở lên.

c) Đối với trạm bơm điện: Có diện tích phục vụ tưới từ 5 ha đất canh tác trở lên.

d) Đối với trạm bơm thuỷ luân: Có diện tích phục vụ tưới từ 10 ha đất canh tác trở lên.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định xử lý đối với các công trình:

a) Các đập dâng, kênh mương tự chảy: Có diện tích phục vụ tưới nhỏ hơn 10 ha.

b) Các hồ chứa: Có chiều cao đập đất thấp hơn 8m và diện tích phục vụ tưới nhỏ hơn 10 ha.

c) Các công trình cấp nước sinh hoạt ở nông thôn, kể cả hệ thống tự chảy và có động lực.

d) Các trạm bơm điện: Có diện tích phục vụ tưới nhỏ hơn 5 ha; Các trạm bơm thuỷ luân có diện tích tưới nhỏ hơn 10 ha.

3. Đối với các tài sản là công trình đầu mối về thủy lợi, Ủy ban nhân dân cấp huyện xin ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi quyết định.

4. Trường hợp bán tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi gắn liền với đất, mặt nước thẩm quyền quyết định thuộc Chủ tịch UBND tỉnh./.

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hoàng Văn Nghiệm

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.