QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Về việc ban hành Quy chế công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 166/2004/NĐ-CP ngày 16/9/2004 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Xét đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Quyết định này thay thế Quyết định số 1366/GD-ĐT ngày 26/4/1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1996 - 2000.
Điều 3. Các ông (Bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
Công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/10/2005
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra và công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.
2. Quy chế này áp dụng cho tất cả các trường tiểu học thuộc các loại hình nhà trường.
Điều 2. Các mức độ công nhận
Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia được chia làm 2 mức độ: mức độ 1 và mức độ 2.
1. Mức độ 1 quy định các tiêu chuẩn cần thiết của trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tổ chức các hoạt động giáo dục có chất lượng toàn diện.
2. Mức độ 2 quy định các tiêu chuẩn cần thiết của trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tổ chức các hoạt động giáo dục có chất lượng toàn diện mức độ cao hơn, tạo tiền đề nhằm tiếp cận với trình độ phát triển của trường tiểu học ở các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Điều 3. Nguyên tắc
1. Trường tiểu học được đề nghị cấp trên xét để kiểm tra công nhận đạt chuẩn phải có cơ sở vật chất độc lập, có đủ các khối lớp của toàn cấp học và đạt danh hiệu trường tiểu học tiên tiến của năm học trước.
2. Trường tiểu học nếu đạt các tiêu chuẩn được quy định tại Chương II của Quy chế này đều có quyền đề nghị cấp có thẩm quyền kiểm tra, xét duyệt, công nhận đạt chuẩn quốc gia ở mức độ tương ứng. Những trường qua kiểm tra chưa đạt chuẩn cần tiếp tục phấn đấu để đạt chuẩn và chỉ được đề nghị kiểm tra lại vào năm học sau.
3. Các tiêu chuẩn của trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia là những quy định bắt buộc và có giá trị như nhau để kiểm tra, xét duyệt và công nhận. Tiêu chuẩn trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia là căn cứ để chính quyền địa phương các cấp xây dựng kế hoạch đầu tư cho giáo dục tiểu học.
Điều 4. Thời hạn công nhận
Thời hạn công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia là 5 năm kể từ ngày ký quyết định công nhận. Trong thời hạn 5 năm, nếu trường đã đạt chuẩn quốc gia mắc những sai phạm về tiêu chuẩn thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm mà được xem xét để tiếp tục công nhận hoặc không công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Sau 5 năm kể từ ngày ký quyết định công nhận, các trường phải tự đánh giá làm hồ sơ trình các cấp theo thẩm quyền quy định để được kiểm tra và công nhận lại.
Chương II
TIÊU CHUẨN TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA
Mục 1
TIÊU CHUẨN TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA MỨC ĐỘ 1
Điều 5. Tổ chức và quản lý
1. Công tác quản lý
a) Nhà trường xây dựng kế hoạch hoạt động năm học, học kỳ, tháng và tuần; có phương hướng phát triển từng thời kỳ; có biện pháp tổ chức thực hiện kế hoạch đúng tiến độ.
b) Hiệu trưởng, các Phó hiệu trưởng, các tổ trưởng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý công tác của giáo viên, nhân viên và công tác hành chính theo quy định trong Điều lệ trường tiểu học và Pháp lệnh Cán bộ, công chức.
c) Quản lý và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất để phục vụ cho hoạt động dạy học và cho các hoạt động giáo dục khác.
d) Lưu trữ đầy đủ và khoa học các hồ sơ, sổ sách phục vụ công tác quản lý của nhà trường.
e) Thực hiện công tác quản lý tài chính theo đúng quy định.
g) Không có giáo viên, cán bộ, nhân viên nào bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên.
2. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng
a) Hiệu trưởng
- Có trình độ đào tạo từ trung học sư phạm trở lên.
- Có ít nhất 5 năm dạy học (không kể thời gian tập sự).
- Đã được tập huấn về chính trị, nghiệp vụ quản lý trường học.
- Có phẩm chất đạo đức tốt; có lập trường, tư tưởng vững vàng.
- Có năng lực chuyên môn.
- Có năng lực quản lý trường học.
- Có sức khỏe
- Thực hiện tốt các nhiệm vụ của hiệu trưởng trường tiểu học.
b) Phó hiệu trưởng
- Có trình độ đào tạo từ trung học sư phạm trở lên.
- Có ít nhất 3 năm dạy học (không kể thời gian tập sự).
- Đã được tập huấn về chính trị, nghiệp vụ quản lý trường học.
- Có phẩm chất đạo đức tốt; có lập trường, tư tưởng vững vàng.
- Có năng lực chuyên môn
- Có năng lực quản lý trường học.
- Có sức khỏe
- Thực hiện tốt các nhiệm vụ của phó hiệu trưởng trường tiểu học.
3. Các tổ chức, đoàn thể và hội đồng trong nhà trường
a) Các tổ chức, đoàn thể và hội đồng trong nhà trường được tổ chức và hoạt động có hiệu quả
b) Thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường.
4. Chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương và của Phòng Giáo dục - Đào tạo
a) Nhà trường thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan đến giáo dục tiểu học, chấp hành sự quản lý hành chính của chính quyền địa phương, đồng thời chủ động tham mưu cho cấp bộ Đảng và chính quyền địa phương về kế hoạch và các biện pháp cụ thể lãnh đạo hoạt động của nhà trường theo mục tiêu và kế hoạch giáo dục tiểu học.
b) Nhà trường chấp hành sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn, nghiệp vụ của Phòng Giáo dục và Đào tạo, báo cáo kịp thời tình hình giáo dục tiểu học ở địa phương cho Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Điều 6. Đội ngũ giáo viên
1. Số lượng và trình độ đào tạo
a) Đảm bảo đủ số lượng và loại hình giáo viên theo quy định hiện hành.
b) Đảm bảo dạy đủ các môn học bắt buộc ở tiểu học.
c) Có ít nhất 90% số giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó có ít nhất 20% số giáo viên trên chuẩn về trình độ đào tạo.
d) Giáo viên Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ và Tin học chưa qua đào tạo sư phạm tiểu học phải được tập huấn và được cấp chứng chỉ sư phạm tiểu học.
2. Phẩm chất, đạo đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
a) Tất cả giáo viên có phẩm chất, đạo đức tốt, có trách nhiệm với học sinh.
b) Có ít nhất 20% số giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện (quận, thị xã) trở lên.
c) Có ít nhất 50% số giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp trường.
d) Không có giáo viên yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ.
3. Hoạt động chuyên môn
a) Các tổ chuyên môn tổ chức hoạt động theo quy định.
b) Nhà trường tổ chức định kỳ các hoạt động: trao đổi chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề, tham quan học tập kinh nghiệm ở các trường bạn và có báo cáo đánh giá cụ thể đối với mỗi hoạt động này.
4. Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng
a) Có quy hoạch xây dựng đội ngũ, có kế hoạch bồi dưỡng để tất cả giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo.
b) Thực hiện nghiêm túc chương trình bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng trong hè theo sự chỉ đạo của Bộ.
c) Từng giáo viên có kế hoạch và thực hiện tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Điều 7. Cơ sở vật chất - thiết bị trường học
1. Khuôn viên, sân chơi, bãi tập
a) Diện tích khuôn viên nhà trường đảm bảo theo quy định về vệ sinh trường học của Bộ Y tế ban hành theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế: không dưới 6m2/1 học sinh đối với vùng thành phố, thị xã; không dưới 10m2/1 học sinh đối với các vùng còn lại.
Riêng đối với những trường ở các thành phố, thị xã và thị trấn đã được xây dựng từ năm 1997 trở về trước, do điều kiện khó khăn đặc thù, có thể vận dụng để tính diện tích khuôn viên nhà trường là diện tích mặt bằng sử dụng và phải đảm bảo theo quy định nói trên; phải có nhà tập đa năng đảm bảo yêu cầu cho học sinh luyện tập thường xuyên và có hiệu quả; phải tổ chức ít nhất 1 buổi/tháng cho học sinh học tập thực tế ở ngoài lớp học.
b) Diện tích sân chơi, sân tập thể dục thể thao (hoặc nhà đa năng) được bố trí, xây dựng theo quy định; sân trường có trồng cây bóng mát và có thảm cỏ.
2. Phòng học
a) Trường có tối đa không quá 30 lớp, mỗi lớp có tối đa không quá 35 học sinh.
b) Có đủ phòng học cho mỗi lớp học.
Diện tích phòng học bình quân không dưới 1m2/1 học sinh.
3. Thư viện
Có thư viện đạt chuẩn theo quy định tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông ban hành theo Quyết định số 01/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 02/01/2003 và Quyết định số 01/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 29/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Các Phòng chức năng
Có các phòng chức năng: phòng Hiệu trưởng, phòng Phó hiệu trưởng, phòng Giáo viên, phòng Hoạt động Đội, phòng Giáo dục nghệ thuật, phòng Y tế học đường, phòng Thiết bị giáo dục, phòng Thường trực.
5. Phương tiện, thiết bị giáo dục
a) Trong phòng học có đủ bàn ghế cho giáo viên và học sinh, có trang bị hệ thống quạt. Bàn, ghế, bảng, bục giảng, hệ thống chiếu sáng, trang trí phòng học đúng quy cách.
b) Được trang bị đầy đủ các loại thiết bị giáo dục theo danh mục tối thiểu do Bộ quy định.
6. Điều kiện vệ sinh
a) Đảm bảo các yêu cầu xanh, sạch, đẹp yên tĩnh, thoáng mát, thuận tiện cho học sinh đi học.
b) Đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh: trường có nguồn nước sạch, có khu vệ sinh riêng cho cán bộ giáo viên và học sinh, riêng cho nam và nữ, có khu để xe, có hệ thống cống rãnh thoát nước, có tường hoặc hàng rào cây xanh bao quanh trường, không có hàng quán, nhà ở trong khu vực trường, môi trường xung quanh khu vực trường sạch, đẹp.
Điều 8. Thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục
1. Đại hội Giáo dục cấp cơ sở, Hội đồng Giáo dục cấp cơ sở, Ban Đại diện Cha mẹ học sinh
a) Nhà trường phối hợp với cộng đồng tổ chức Đại hội Giáo dục cấp cơ sở theo định kỳ với nội dung thiết thực.
b) Nhà trường đóng vai trò nòng cốt trong Hội đồng Giáo dục cấp cơ sở, chủ động đề xuất những biện pháp cụ thể nhằm thực hiện chủ trương và kế hoạch do Đại hội Giáo dục đề ra.
c) Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động đều, có hiệu quả trong việc kết hợp với nhà trường để giáo dục học sinh.
2. Các hoạt động của gia đình và cộng đồng nhằm xây dựng môi trường giáo dục Nhà trường - Gia đình - Xã hội lành mạnh
a) Có các hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức để tăng thêm sự hiểu biết trong cộng đồng về mục tiêu giáo dục tiểu học, về nội dung, phương pháp và cách đánh giá học sinh tiểu học, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia thực hiện mục tiêu và kế hoạch giáo dục tiểu học.
b) Nhà trường phối hợp với các bậc cha mẹ theo cơ chế phân công - hợp tác, cùng gia đình giáo dục con em và tạo điều kiện thuận lợi cho con em học tập; đảm bảo mối liên hệ thường xuyên giữa nhà trường, giáo viên và gia đình thông qua việc sử dụng hợp lý các hình thức trao đổi thông tin như họp giáo viên - gia đình, ghi sổ liên lạc,...
c) Tổ chức các hoạt động giáo dục cụ thể như giáo dục đạo đức, lối sống, pháp luật, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao.
3. Sự tham gia của gia đình và cộng đồng trong việc tăng cơ sở vật chất cho nhà trường
Huy động được sự đóng góp về công sức và tiền của của các tổ chức, cá nhân và gia đình để xây dựng cơ sở vật chất; tăng thêm phương tiện, thiết bị dạy và học khen thưởng giáo viên dạy giỏi, học sinh học giỏi và hỗ trợ học sinh nghèo.
Điều 9. Hoạt động và chất lượng giáo dục
1. Thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục
a) Dạy đủ các môn học, dạy đúng chương trình, kế hoạch theo quy định.
b) Có ít nhất 20% tổng số học sinh học 2 buổi/ngày. Có kế hoạch từng năm để tăng số lượng học sinh học 2 buổi/ngày.
c) Tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh.
d) Thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng học sinh yếu.
2. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh
a) Có biện pháp thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền.
b) Sử dụng thường xuyên có hiệu quả các phòng chức năng, thư viện, các thiết bị giáo dục.
c) Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá xếp loại học sinh theo quy định.
3. Thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ (PCGDTH-CMC)
a) Tham gia thực hiện nhiệm vụ PCGDTH - CMC ở địa phương; có kế hoạch PCGDTH đúng độ tuổi; không để xảy ra hiện tượng tái mù chữ.
b) Tổ chức tốt "Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường", huy động được ít nhất 97% số trẻ em trong độ tuổi đi học.
c) Duy trì sĩ số, tỷ lệ học sinh bỏ học dưới 1%.
4. Chất lượng và hiệu quả giáo dục tính theo từng khối lớp
a) Tỷ lệ học sinh lên lớp, hoàn thành chương trình tiểu học đạt ít nhất 95%.
b) Tỷ lệ học sinh được nhận xét thực hiện đầy đủ bốn nhiệm vụ của học sinh tiểu học (hoặc được xếp loại hạnh kiểm Tốt và Khá tốt) đạt ít nhất 95%.
c) Tỷ lệ học sinh đạt danh hiệu Học sinh Giỏi đạt ít nhất 10%, Học sinh Tiên tiến đạt ít nhất 40%.
d) Tỷ lệ học sinh xếp loại học lực môn loại Yếu (đối với những môn đánh giá bằng điểm số) và loại Chưa hoàn thành (đối với những môn đánh giá bằng nhận xét) không quá 5%.
e) Hiệu quả đào tạo (tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm học) đạt ít nhất 90%.
Mục 2
TIÊU CHUẨN TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA MỨC ĐỘ 2
Điều 10. Tổ chức và quản lý
Ngoài các quy định tại Điều 5 của Quy chế này, điều chỉnh và bổ sung một số tiêu chí sau:
1. Thực hiện quản lý, hiệu lực quản lý
a) Nhà trường có kế hoạch hoạt động chuyên môn chi tiết cho từng năm học, học kỳ, tháng, tuần.
b) Thực hiện công bằng, dân chủ, công khai trong quá trình quản lý.
c) Sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà trường.
d) Thực hiện công tác quản lý một cách sáng tạo, phát huy được khả năng của giáo viên, nhân viên trong việc xây dựng và phát triển nhà trường
e) Tổ chức cho đội ngũ giáo viên được học tập bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, nghiệp vụ chuyên môn ít nhất 50 tiết/1 năm học.
2. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng
a) Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng có trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm tiểu học trở lên.
b) Đã được tập huấn nâng cao về chính trị, nghiệp vụ quản lý trường học.
Điều 11. Đội ngũ giáo viên
Ngoài các quy định tại Điều 6 của Quy chế này, điều chỉnh và bổ sung một số tiêu chí sau:
1. Số lượng và trình độ đào tạo
Có 100% số giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó có ít nhất 30% giáo viên trên chuẩn về trình độ đào tạo; có giáo viên chuyên dạy môn Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ và Tin học; có giáo viên tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh chuyên trách.
2. Phẩm chất, đạo đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
a) Giáo viên có sáng tạo, sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp trong dạy học và giáo dục học sinh. Mỗi giáo viên có ít nhất 1 báo cáo cải tiến đổi mới phương pháp giảng dạy trong 1 năm học.
b) Giáo viên có kế hoạch giảng dạy riêng cho học sinh giỏi, học sinh yếu của lớp.
c) Có ít nhất 30% số giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện (quận, thị xã) trở lên.
d) Giáo viên có sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
e) Giáo viên hết lòng thương yêu học sinh và tận tụy với nghề.
g) Giáo viên tham gia đầy đủ các hoạt động chuyên môn, chuyên đề và hoạt động xã hội do nhà trường tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.
h) Giáo viên phải có kế hoạch phấn đấu sau khi được đánh giá theo Chuẩn nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn. Kế hoạch này phải được lưu trong hồ sơ cá nhân.
Điều 12. Cơ sở vật chất - thiết bị trường học
Ngoài các quy định tại Điều 7 của Quy chế này, điều chỉnh và bổ sung một số tiêu chí sau:
1. Bàn ghế học sinh
Bàn học sinh là loại bàn có 2 chỗ ngồi, mỗi chỗ ngồi rộng không dưới 0,5m. Ghế học phải rời với bàn và có thành tựa. Kích thước (chiều cao, bề rộng, chiều sâu) của bàn và ghế phải tương ứng với nhau đồng thời phải phù hợp với tầm vóc của học sinh. Các kích thước bàn ghế học sinh đảm bảo theo những quy định về vệ sinh trường học của Bộ Y tế được ban hành theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Bảng học
Kích thước, mầu sắc, cách treo bảng đảm bảo theo những quy định về vệ sinh trường học của Bộ Y tế. Bảng học là loại bảng chống lóa.
3. Phòng chức năng
a) Có các phòng riêng biệt để dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật và Tin học.
b) Các phòng chức năng và thư viện phải có nhật ký hoạt động hàng ngày.
c) Có phòng để dạy riêng cho học sinh có khó khăn đặc biệt.
4. Phương tiện, thiết bị giáo dục
a) Phòng học có trang bị tủ đựng hồ sơ, đồ dùng dạy học cho giáo viên và học sinh.
b) Nhà trường có trang bị một số loại máy văn phòng hiện đại (như máy tính, máy photocopy...) để phục vụ cho công tác giảng dạy.
c) Đồ dùng và thiết bị dạy học phải được tăng cường, bổ sung hàng năm và có hiệu quả sử dụng cao.
d) Nhà trường có phòng lưu trữ hồ sơ tài liệu chung.
Điều 13. Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục
Ngoài các quy định tại Điều 8 của Quy chế này, điều chỉnh và bổ sung một số tiêu chí sau:
1. Công khai các nguồn thu của nhà trường.
2. Có sổ theo dõi và ký biên bản hàng năm giữa nhà trường và UBND xã (phường) về tỷ lệ huy động học sinh đi học đầu năm học (đặc biệt đối với trẻ khuyết tật).
Điều 14. Hoạt động giáo dục và chất lượng giáo dục
Ngoài các quy định tại Điều 9 của Quy chế này, điều chỉnh và bổ sung một số tiêu chí sau:
1. Thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục
a) Có kế hoạch giáo dục cụ thể để bồi dưỡng học sinh có năng khiếu và nâng cao trình độ cho học sinh kém và kế hoạch giáo dục hòa nhập (nếu có học sinh khuyết tật trên địa bàn).
b) Có ít nhất 50% tổng số học sinh học 2 buổi/ngày. Có kế hoạch từng năm để thực hiện mục tiêu tổ chức học 2 buổi/ngày cho hầu hết học sinh.
c) Dành thời gian cho học sinh được học tập và thực hiện các hoạt động ngoại khóa ở ngoài trời.
d) Có chủ đề giáo dục mỗi năm học phù hợp với đặc điểm riêng của nhà trường.
2. Thực hiện mục tiêu PCGDTH đúng độ tuổi
a) Xã (phường, thị trấn) nơi trường đóng đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi
b) Có kế hoạch và biện pháp cụ thể để huy động hết trẻ trong độ tuổi tới trường và hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm duy trì sĩ số, giảm tỷ lệ học sinh lưu ban.
3. Chất lượng và hiệu quả giáo dục tính theo từng khối lớp
a) Tỷ lệ học sinh lên lớp, hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 98%.
b) Tỷ lệ học sinh được nhận xét thực hiện đầy đủ bốn nhiệm vụ của học sinh tiểu học (hoặc được xếp loại hạnh kiểm Tốt và Khá tốt) đạt ít nhất 99%.
c) Tỷ lệ học sinh đạt danh hiệu Học sinh Giỏi đạt ít nhất 25%, Học sinh Tiên tiến đạt ít nhất 40%.
d) Tỷ lệ học sinh xếp loại học lực môn loại Yếu (đối với những môn đánh giá bằng điểm số) và loại Chưa hoàn thành (đối với những môn đánh giá bằng nhận xét) không quá 1%.
e) Hiệu quả đào tạo (tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm học) đạt ít nhất 95%.
g) Lưu trữ các đề bài kiểm tra trong 2 năm học gần nhất. Lưu trữ đầy đủ các bài kiểm tra học kỳ của học sinh. Đối với học sinh khuyết tật cần lưu trữ đầy đủ các bài kiểm tra thường xuyên.
h) Học sinh để sách giáo khoa tại lớp, chỉ mang về nhà các bài tập theo yêu cầu của giáo viên đối với từng đối tượng học sinh cụ thể.
4. Đổi mới phương pháp giảng dạy
a) Không có tình trạng bắt buộc học sinh khoanh tay lên bàn nghe giáo viên giảng bài.
b) Không có tình trạng giáo viên làm tổn thương học sinh trước lớp.
c) Không có hiện tượng giáo viên nhận xét khuyết điểm của học sinh trước phụ huynh học sinh.
d) Khảo sát chất lượng học sinh đầu năm học theo sự chỉ đạo của Bộ. Kết quả khảo sát chất lượng học sinh của nhà trường phù hợp với kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra.
Chương III
KIỂM TRA, XÉT DUYỆT, CÔNG NHẬN TRƯỜNG TIỂU HỌC
ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA
Điều 15. Trình tự kiểm tra, xét duyệt, công nhận
Trình tự kiểm tra, xét duyệt, công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và mức độ 2 được quy định giống nhau và gồm các bước cụ thể như sau:
1. Nhà trường và Hội đồng Giáo dục xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) tiến hành kiểm tra, đánh giá theo các tiêu chuẩn của mức độ 1 hoặc mức độ 2 được quy định tại Chương II của Quy chế này. Xét thấy trường đã đạt chuẩn, Chủ tịch UBND cấp xã làm văn bản đề nghị UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) tổ chức thẩm định kết quả kiểm tra, đánh giá.
2. Đoàn kiểm tra cấp huyện (gồm đại diện các cơ quan chức năng có liên quan do Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ định) tiến hành thẩm định kết quả kiểm tra, đánh giá của cấp xã, báo cáo kết quả thẩm định cho Chủ tịch UBND cấp huyện. Xét thấy trường đã đạt chuẩn, Chủ tịch UBND cấp huyện làm văn bản đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) tổ chức thẩm định kết quả kiểm tra, đánh giá.
3. Đoàn kiểm tra cấp tỉnh (gồm đại diện các cơ quan chức năng có liên quan do Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ định) tiến hành thẩm định kết quả kiểm tra, đánh giá của cấp xã và cấp huyện, báo cáo kết quả thẩm định cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Xét thấy trường đã đạt chuẩn ở mức độ nào, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định công nhận và cấp Bằng công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia ở mức độ đó.
4. Mẫu Bằng công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và mức độ 2 theo quy định (Phụ lục 1).
Điều 16. Nội dung kiểm tra, đánh giá
1. Nghe báo cáo chung của trường theo các tiêu chuẩn trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 hoặc mức độ 2.
2. Kiểm tra theo các tiêu chuẩn thông qua các công việc:
a) Kiểm tra các hồ sơ, sổ sách: sổ đăng bộ, sổ phổ cập giáo dục tiểu học, sổ theo dõi đánh giá xếp loại học sinh, học bạ, sổ liên lạc giữa gia đình và nhà trường, danh sách học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, kế hoạch năm học của hiệu trưởng, kế hoạch giảng dạy của giáo viên, sổ tài sản nhà trường... và các văn bản, sổ sách khác có liên quan đến các nội dung tiêu chuẩn mà đoàn kiểm tra yêu cầu xem.
b) Kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện của nhà trường.
c) Thu thập ý kiến của các cá nhân và tổ chức trong và ngoài trường về nhà trường, hoạt động của nhà trường và những vấn đề khác có liên quan, nếu thấy cần thiết.
d) Dự giờ, khảo sát chất lượng giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh .
e) Có biên bản đối chiếu khảo sát chất lượng học sinh bằng hình thức trắc nghiệm của nhà trường với kết quả khảo sát kiểm tra của đoàn kiểm tra.
3. Lập biên bản kiểm tra, đánh giá nhà trường về từng tiêu chuẩn và kết luận tổng hợp các tiêu chuẩn..
Điều 17. Hồ sơ kiểm tra để công nhận
Hồ sơ đề nghị công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia nộp về UBND tỉnh gồm:
1. Báo cáo của nhà trường theo từng nội dung đã được quy định về xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.
2. Văn bản đề nghị công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia của Chủ tịch UBND huyện.
3. Biên bản kiểm tra Mức chất lượng tối thiểu (phụ lục 2).
4. Biên bản kiểm tra Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia (Phụ lục 3).
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP QUẢN LÝ
Điều 18. Trách nhiệm của nhà trường
Ban Giám hiệu nhà trường có trách nhiệm tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, lập kế hoạch phấn đấu xây dựng và phát triển nhà trường để đạt các tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia; duy trì, giữ vững và phát huy các kết quả đã đạt sau khi được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Điều 19. Trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục
1. Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương có trách nhiệm:
a) Tham mưu với UBND các cấp trong việc lập kế hoạch xây dựng, đầu tư cho các trường tiểu học trên địa bàn để đạt chuẩn quốc gia.
b) Đôn đốc, giám sát và kiểm tra các trường tiểu học trong việc phấn đấu đạt chuẩn, duy trì các tiêu chuẩn đã đạt được;
c) Tham mưu với UBND các cấp về việc đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi Quyết định và Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với những trường đã được công nhận đạt chuẩn nhưng không giữ vững và phát huy kết quả đạt được;
d) Hàng năm tiến hành tổng kết, đánh giá phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia ở địa phương;
e) Định kỳ 6 tháng/lần các Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo kết quả xây dựng và công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục Tiểu học).
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:
a) Tổng kết, đánh giá việc xây dựng và công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia trên phạm vi toàn quốc;
b) Giám sát, kiểm tra các địa phương trong việc đánh giá và công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia;
c) Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi Quyết định và Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với những trường đã được công nhận đạt chuẩn nhưng không giữ vững được kết quả đã đạt được./.