• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/12/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 01/06/2010
CHÍNH PHỦ
Số: 191/2004/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lạng Sơn, ngày 18 tháng 11 năm 2004

 

 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

Về quản lý hoạt động thuỷ sản của tàu cá

nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam
_________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản,

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động thuỷ sản; trách nhiệm của chủ tàu cá nước ngoài hoạt động thuỷ sản trong vùng biển của Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động thuỷ sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam; kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính và khiếu nại, tố cáo liên quan hoạt động thuỷ sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các chủ tàu cá nước ngoài hoạt động thuỷ sản trong vùng biển của Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chủ tàu cá là chủ sở hữu hoặc người thuê tàu, người quản lý tàu hoặc thuyền trưởng tàu cá.

2. Vùng biển của Việt Nam là các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại Luật Biên giới Quốc gia ngày 26 tháng 6 năm 2003 và theo Điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.

3. Tàu cá nước ngoài là tàu cá đăng ký tại nước ngoài.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động thuỷ sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam

1. Hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam trên cơ sở hợp tác quốc tế, bảo đảm sự bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, pháp luật của mỗi bên và pháp luật quốc tế.

2. Hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam phải phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành thủy sản trong phạm vi cả nước và của từng địa phương; bảo đảm an toàn cho tàu cá và người làm việc trên tàu cá.

3. Tàu cá nước ngoài chỉ được hoạt động thủy sản trong vùng biển của Việt Nam khi có Giấy phép hoạt động thủy sản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

4. Tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển của Việt Nam phải tuân thủ quy định của Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.

CHƯƠNG II
ĐIỀU KIỆN THỦ TỤC, THẨM QUYỀN CẤP, GIA HẠN, THU HỒI GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG THUỶ SẢN CHO TÀU CÁ NƯỚC NGOÀI

Điều 5. Giấy phép hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài

1. Giấy phép hoạt động thủy sản (sau đây gọi tắt là Giấy phép) cấp cho từng tàu cá. Một chủ tàu cá có thể xin cấp Giấy phép cho nhiều tàu cá. Nội dung Giấy phép theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Thời hạn của Giấy phép được cấp không quá 12 tháng đối với hoạt động khai thác thủy sản, không quá 24 tháng đối với các hoạt động thủy sản khác.

3. Giấy phép được gia hạn nhiều lần, thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 12 tháng.

Điều 6. Điều kiện cấp Giấy phép

Tàu cá nước ngoài được xét cấp Giấy phép hoạt động thuỷ sản khi chủ tàu cá có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có một trong các giấy tờ, văn bản sau đây:

a) Giấy phép đầu tư do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp;

b) Dự án hợp tác về điều tra, thăm dò nguồn lợi thủy sản, khai thác thuỷ sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản phê duyệt;

c) Dự án hợp tác về huấn luyện kỹ thuật, chuyển giao công nghệ thuỷ sản và thuê tàu cá nước ngoài được Bộ trưởng Bộ Thủy sản phê duyệt;

d) Dự án hợp tác về kinh doanh, thu mua thủy sản, vận chuyển thủy sản được Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng ý về nguyên tắc.

2. Giấy chứng nhận đăng ký và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá.

3. Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện.

4. Thuyền trưởng, máy trưởng của tàu cá phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Thủ tục cấp Giấy phép, gia hạn Giấy phép

1. Hồ sơ xin cấp Giấy phép bao gồm:

a) Đơn xin cấp Giấy phép cho tàu cá theo mẫu do Bộ Thủy sản quy định;

b) Các giấy tờ, văn bản liên quan quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 6 của Nghị định này;

c) Danh sách, ảnh của từng thuyền viên và những người làm việc trên tàu cá (ghi rõ họ tên, quốc tịch, chức danh).

2. Hồ sơ xin gia hạn Giấy phép bao gồm:

a) Đơn xin gia hạn Giấy phép theo mẫu do Bộ Thủy sản quy định;

b) Báo cáo tình hình hoạt động của tàu cá trong thời gian được cấp Giấy phép;

c) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (bản sao có công chứng);

d) Giấy phép đã được cấp (bản sao có công chứng).

3. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép được quy định tại Điều 8 của Nghị định này xét cấp hoặc gia hạn Giấy phép trong thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không cấp Giấy phép hoặc không gia hạn Giấy phép thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

4. Chủ tàu cá xin cấp Giấy phép, gia hạn Giấy phép phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 8. Cơ quan cấp Giấy phép, gia hạn Giấy phép

Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Bộ Thủy sản là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép, gia hạn Giấy phép cho tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển của Việt Nam.

Điều 9. Các trường hợp Giấy phép mất hiệu lực

1. Tàu cá chấm dứt hoạt động trong vùng biển của Việt Nam trước thời hạn ghi trong Giấy phép.

2. Giấy phép đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác bị đình chỉ hoặc bị hủy bỏ.

3. Giấy phép bị tạm đình chỉ, đình chỉ.

4. Giấy phép hết thời hạn;

5. Tàu cá bị phá huỷ, chìm đắm, mất tích.

Điều 10. Các trường hợp thu hồi Giấy phép

1. Giấy phép bị tẩy xoá, sửa chữa.

2. Tàu cá bị xử phạt vi phạm hành chính 3 lần trong thời hạn của Giấy phép.

3. Sử dụng Giấy phép không đúng với tàu cá được cấp Giấy phép.

CHƯƠNG III
QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ TÀU CÁ NƯỚC NGOÀI

Điều 11. Quyền của chủ tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển của Việt Nam

1. Được hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam theo nội dung ghi trong Giấy phép.

2. Được cơ quan chuyên môn của Nhà nước Việt Nam thông báo kịp thời về tình hình diễn biến thời tiết; được cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động thuỷ sản và hướng dẫn về các quy định của pháp luật Việt Nam khi có yêu cầu.

3. Được Nhà nước Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình hoạt động thủy sản.

4. Có các quyền khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 12. Trách nhiệm của chủ tàu cá nước ngoài trong quá trình hoạt động của tàu

Chủ tàu cá nước ngoài phải tuân theo các quy định sau đây khi tàu tiến hành hoạt động thủy sản trong vùng biển của Việt Nam:

1. Bẩy (07) ngày trước khi đưa tàu cá vào vùng biển của Việt Nam, phải thông báo cho Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thuộc Bộ Thủy sản của Việt Nam biết. Khi đến Việt Nam phải làm thủ tục nhập cảnh theo quy định của pháp luật.

2. Phải thường xuyên mang theo trên tàu cá các giấy tờ (bản chính) sau đây:

a) Giấy phép hoạt động thủy sản;

b) Giấy chứng nhận về đăng ký tàu cá;

c) Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật tàu cá;

d) Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện;

đ) Sổ danh bạ thuyền viên và hộ chiếu của từng người làm việc trên phương tiện.

3. Hoạt động theo đúng nội dung ghi trong giấy phép đã được cấp; thực hiện việc ghi nhật ký hoạt động và báo cáo hoạt động theo quy định của Bộ Thủy sản Việt Nam.

4. Chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

5. Tiếp nhận và bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt cho giám sát viên Việt Nam theo tiêu chuẩn sĩ quan trên tàu cá.

6. Chịu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng kiểm soát trong vùng biển của Việt Nam nêu tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định này.

7. Khi gặp sự cố, tai nạn hoặc gặp nguy hiểm cần sự cứu giúp, chủ tàu cá phải phát tín hiệu cấp cứu theo quy định và phải thông báo ngay cho cơ quan hữu quan của Việt Nam nơi gần nhất khi có điều kiện, nêu rõ những yêu cầu cụ thể cần được giúp đỡ.

Điều 13. Trách nhiệm của chủ tàu cá nước ngoài khi tàu kết thúc hoạt động

1. Khi tàu cá nước ngoài kết thúc hoạt động và rời khỏi vùng biển của Việt Nam, chủ tàu cá phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo Giấy phép đầu tư đã được cấp, Dự án đã được phê duyệt, hợp đồng đã được ký kết (trừ hợp đồng có thoả thuận riêng) và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.

2. Trong trường hợp tàu cá nước ngoài ngừng hoạt động khi Giấy phép vẫn còn hiệu lực thì chủ tàu cá phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan cấp Giấy phép biết trước ít nhất bẩy (07) ngày, trước ngày dự kiến ngừng hoạt động.

CHƯƠNG IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THUỶ SẢN CỦA TÀU CÁ NƯỚC NGOÀI TRONG VÙNG BIỂN CỦA VIỆT NAM

Điều 14. Trách nhiệm của Bộ Thủy sản

Bộ Thuỷ sản giúp Chính phủ quản lý thống nhất hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam, có trách nhiệm:

1. Quản lý hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam theo quy định của Nghị định này và quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam.

2. Quy định về việc cấp, gia hạn Giấy phép, việc cử giám sát viên Việt Nam lên tàu cá nước ngoài để thực hiện việc giám sát (quy định trường hợp, thời gian được cử giám sát viên; nội dung giám sát).

3. Thông báo và gửi bản sao Giấy phép đã cấp hoặc đã gia hạn cho tàu cá nước ngoài tới Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Hải quan và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan để phối hợp quản lý hoạt động của tàu cá nước ngoài.

4. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Trách nhiệm của các Bộ, ngành

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Thủy sản và Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong việc thẩm định cấp Giấy phép đầu tư cho các dự án đầu tư có nội dung đưa tàu cá nước ngoài vào hoạt động thuỷ sản trong vùng biển của Việt Nam.

2. Các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Hải quan và các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Bộ Thủy sản thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thuỷ sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam;

b) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thủy sản khi thẩm định cấp Giấy phép đầu tư cho các dự án đầu tư có nội dung đưa tàu cá nước ngoài vào hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

2. Phê duyệt về chủ trương các dự án hợp tác về kinh doanh thu mua thủy sản, vận chuyển thủy sản, trên cơ sở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành thủy sản và của địa phương.

3. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG V
KIỂM TRA, KIỂM SOÁT, XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH;
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 17. Kiểm tra, kiểm soát hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam

1. Lực lượng kiểm tra, kiểm soát hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam gồm: Thanh tra thủy sản, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Giao thông đường thủy nội địa, Hải quan và các lực lượng Thanh tra chuyên ngành khác.

Các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thuỷ sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam đối với hoạt động có liên quan đến lĩnh vực, ngành mình quản lý theo quy định của pháp luật Việt Nam; xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền được quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; đồng thời có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

2. Trong khi làm nhiệm vụ, các lực lượng được quy định tại khoản 1 Điều này phải mang trang phục, huy hiệu, phù hiệu, thẻ thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Tàu, thuyền làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát trên biển phải treo Quốc kỳ Việt Nam, cờ hiệu, biển hiệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Xử lý hành vi vi phạm hành chính đối với tàu cá nước ngoài đã được cấp Giấy phép

Chủ tàu cá nước ngoài có Giấy phép, khi tiến hành hoạt động thuỷ sản trong vùng biển của Việt Nam mà có các hành vi vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực thuỷ sản thì bị xử phạt theo Nghị định của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.

Khi phát hiện một trong các trường hợp thu hồi Giấy phép nêu tại Điều 10 của Nghị định này, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải tạm giữ ngay Giấy phép và thông báo kịp thời cho Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thuộc Bộ Thủy sản biết để thu hồi.

Điều 19. Thủ tục xử lý vi phạm hành chính và thi hành quyết định xử phạt; áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính

1. Thủ tục xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

2. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định từ Điều 43 đến Điều 49 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

3. Việc quản lý đối với người nước ngoài vi phạm quy định của Nghị định này trong thời gian chờ trục xuất thực hiện theo quy định tại Điều 51 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

4. Trong trường hợp tàu cá nước ngoài bị bắt giữ:

a) Các lực lượng bắt giữ hoặc tiếp nhận điều tra phải: báo cáo ngay cho Bộ Ngoại giao và Bộ Thuỷ sản để phối hợp xử lý; nêu kiến nghị trong trường hợp cần xử phạt trục xuất người nước ngoài vi phạm hành chính;

b) Chủ tàu cá phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc bảo quản tàu cá, chi phí ăn, ở, chi phí hồi hương và các chi phí khác cho những người vi phạm trong thời gian bị tạm giữ hoặc quản lý ở Việt Nam.

Điều 20. Xử lý vi phạm của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính

Việc xử lý vi phạm của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với các quy định của Nghị định này thực hiện theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Điều 21. Khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này và theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Thẩm quyền, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Hiệu lực của Nghị định

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 49/1998/NĐ-CP ngày 13/7/1998 của Chính phủ về quản lý hoạt động nghề cá của người và phương tiện nước ngoài trong các vùng biển của Việt Nam.

Điều 23. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định

1. Bộ trưởng Bộ Thủy sản có trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.