• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 13/06/2016
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 158/2011/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lạng Sơn, ngày 16 tháng 11 năm 2011

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25/8/2011 của Chính phủ

về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

__________________________

 

Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25/8/2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản;

Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định tại Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25/8/2011 của Chính phủ như sau:

Điều 1. Cách tính phí

1. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ nộp phí được tính như sau:

Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trong kỳ (đồng)

=

Số lượng từng loại khoáng sản khai thác trong kỳ
(tấn hoặc m3)

x

Mức phí phải nộp của từng loại khoáng sản tương ứng
(đồng/tấn hoặc đồng m3)

2. Số lượng khoáng sản khai thác trong kỳ để xác định số phí bảo vệ môi trường phải nộp là:

a) Đối với khoáng sản không kim loại:

Số lượng khoáng sản không kim loại khai thác trong kỳ để xác định số phí bảo vệ môi trường phải nộp là số lượng khoáng sản nguyên khai khai thác thực tế trong kỳ nộp phí, không phân biệt mục đích khai thác (để bán ngay, đem trao đổi, tiêu dùng nội bộ, dự trữ đưa vào sản xuất tiếp theo …) và công nghệ khai thác (thủ công, cơ giới) hoặc vùng, miền, điều kiện khai thác (vùng núi, trung du, đồng bằng, điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp …). Trường hợp khoáng sản khai thác phải qua sàng, tuyển, phân loại, làm giàu trước khi bán ra, căn cứ điều kiện thực tế khai thác và công nghệ chế biến khoáng sản trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục thuế địa phương để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản không kim loại cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

b) Đối với khoáng sản kim loại:

Số lượng khoáng sản kim loại khai thác trong kỳ để xác định số phí bảo vệ môi trường phải nộp là số lượng quặng khoáng sản kim loại nguyên khai khai thác thực tế trong kỳ nộp phí, không phân biệt mục đích khai thác (để bán ngay, đem trao đổi, tiêu dùng nội bộ, dự trữ đưa vào sản xuất tiếp theo …) và công nghệ khai thác (thủ công, cơ giới) hoặc vùng, miền, điều kiện khai thác (vùng núi, trung du, đồng bằng, điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp …). Trường hợp quặng khoáng sản kim loại khai thác phải qua sàng, tuyển, phân loại, làm giàu trước khi bán ra, căn cứ điều kiện thực tế khai thác và công nghệ chế biến khoáng sản trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục thuế địa phương để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tỷ lệ quy đổi từ số lượng quặng khoáng sản kim loại thành phẩm ra số lượng quặng khoáng sản kim loại nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản kim loại cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

3. Trường hợp, trong quá trình khai thác mà thu được thêm loại khoáng sản khác thì phải nộp phí bảo vệ môi trường theo mức thu của loại khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác.

4. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác Granite làm đá ốp lát, làm mỹ nghệ thì áp dụng mức thu phí quy định tại điểm 1, Mục II khoản 2 Điều 4 Nghị định số 74/2011/NĐ-CP. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác Granite cho mục đích khác thì áp dụng mức thu phí quy định tại điểm 15, Mục II khoản 2 Điều 4 Nghị định số 74/2011/NĐ-CP.

Doanh nghiệp khai thác Granit tự kê khai, nộp phí theo đúng quy định nêu trên. Cơ quan Thuế địa phương phối hợp với cơ quan Tài nguyên và Môi trường địa phương kiểm tra việc thực hiện kê khai, nộp phí theo đúng quy định.

5. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác đá làm mỹ nghệ theo cả khối lớn thì áp dụng mức thu phí quy định tại điểm 2, Mục II khoản 2 Điều 4 Nghị định số 74/2011/NĐ-CP.

6. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó; trường hợp đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự thì không phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản đó.

7. Đồng tiền nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là đồng Việt Nam.

Điều 2. Khai và nộp phí

1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp cùng nơi kê khai nộp thuế tài nguyên. Trường hợp trong tháng không phát sinh phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, người nộp phí vẫn phải kê khai và nộp tờ khai nộp phí với cơ quan Thuế. Trường hợp tổ chức thu mua gom khoáng sản phải đăng ký nộp thay người khai thác thì tổ chức đó có trách nhiệm nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan thuế quản lý cơ sở thu mua khoáng sản. Thời hạn kê khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan thuế chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo. Người nộp phí phải kê khai đầy đủ, đúng mẫu tờ khai và chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai.

2. Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là loại khai theo tháng và quyết toán năm. Khai quyết toán phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản bao gồm khai quyết toán năm và khai quyết toán đến thời điểm chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản, chấm dứt hoạt động thu mua gom khoáng sản, chấm dứt hoạt động kinh doanh, chấm dứt hợp đồng chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp hoặc tổ chức lại doanh nghiệp.

3. Hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo tháng là tờ khai theo mẫu 01/BVMT ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính. Hồ sơ khai quyết toán phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo tháng là tờ khai mẫu 02/BVMT ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính.

4. Đối với người nộp phí thuộc diện bị ấn định số phí phải nộp theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.

5. Địa điểm kê khai và nộp lệ phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô, khí thiên nhiên và khí than là Cục thuế địa phương nơi người nộp phí đặt văn phòng điều hành chính.

6. Ngoài các quy định trên, việc khai phí, nộp phí, quyết toán phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế.

Điều 3. Khai thác khoáng sản tận thu

1. Cá nhân, tổ chức khai thác khoáng sản tận thu phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu. Mức thu phí đối với khai thác khoáng sản tận thu theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 74/2011/NĐ-CP.

2. Những trường hợp sau đây được áp dụng mức thu phí đối với khai thác khoáng sản tận thu:

a) Hoạt động khai thác khoáng sản còn lại ở bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ;

b) Hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích khai thác khoáng sản, nhưng có chức năng, nhiệm vụ hoặc có đăng ký kinh doanh, trong quá trình hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ hoặc theo chuyên ngành đã đăng ký mà thu được khoáng sản (ví dụ thu được cát trong quá trình nạo vét lòng sông, thu được đá trong quá trình xây dựng các công trình thủy điện hoặc xây dựng các trường bắn);

Các trường hợp khác không thuộc quy định tại điểm a) và b) khoản 2 Điều này thì không được áp dụng theo mức phí đối với khai thác khoáng sản tận thu.

3. Cách tính phí đối với khai thác khoáng sản tận thu được thực hiện theo quy định tại Điều 1 Thông tư này.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thuế

Cơ quan Thuế có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện đăng ký, kê khai, nộp phí theo quy định.

2. Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp phí, quyết toán tiền phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, trường hợp đối tượng nộp phí chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ chế độ chứng từ, hóa đơn, sổ kế toán thì cơ quan Thuế phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương, căn cứ vào tình hình khai thác khoáng sản của từng đối tượng nộp phí để ấn định số lượng khoáng sản khai thác và xác định số phí phải nộp theo quy định.

3. Xử lý vi phạm hành chính về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

4. Lưu giữ và sử dụng số liệu, tài liệu mà cơ sở khai thác khoáng sản và đối tượng khác cung cấp theo quy định.

5. Phối hợp với cơ quan quản lý Tài nguyên và Môi trường ở địa phương tổ chức quản lý thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định số 74/2011/NĐ-CP và quy định của Luật quản lý thuế.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 và thay thế Thông tư số 67/2008/TT-BTC ngày 21 tháng 7 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điểm của Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2008, Thông tư số 238/2009/TT-BTC ngày 21 tháng 12 năm 2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 82/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2008.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Thị Mai

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.