• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 22/09/1992
  • Ngày hết hiệu lực: 06/08/1996
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 341-HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Long An, ngày 22 tháng 9 năm 1992

 

 

 

 

 

 

NGHỊ ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;

Căn cứ Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 11 tháng 7 năm 1989;

Căn cứ pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính ngày 30 tháng 11 năm 1989;

Để thực hiện thống nhất việc xử phạt đối với tổ chức hoặc cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế.

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Các quy định trước đây trái với quy định trong nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành nghị định này.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này./.

QUY ĐỊNH

VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC Y TẾ

(Ban hành kèm theo Nghị định số 341-HĐBT ngày 22-9-1992

của Hội đồng Bộ trưởng)

CHƯƠNG I

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC Y TẾ,

HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT

MỤC A

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH

VỀ VỆ SINH, HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT:

Điều 1. Vi phạm các quy định về vệ sinh lương thực, thực phẩm, các loại nước uống, rượu và thuốc hút.

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt đến 500.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau:

a) Người làm những công việc có liên quan trực tiếp đến thực phẩm, các loại nước uống và rượu trong khi đang mắc bệnh truyền nhiễm hoặc không chấp hành những quy định về vệ sinh.

b) Không che đậy, bao gói các loại thức ăn chín, các loại thực phẩm ăn ngay được và các loại đồ uống.

2. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng, nếu có tình tiết nặng thì phạt đến 2.000.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau:

a) Sản xuất, chế biến, buôn bán và các thành phẩm lương thực, thực phẩm, các loại nước uống, rượu và thuốc hút không có giấy chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh; sử dụng dụng cụ, nguyên liệu và nước trong sản xuất, chế biến không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh.

b) Sử dụng đường hoá học hoặc phẩm màu, các phụ gia khác cấm dùng trong chế biến thành phẩm lương thực, thực phẩm, các loại nước uống, rượu và thuốc hút.

c) Vận chuyển, bán thịt các loại gia súc, gia cầm bị bệnh truyền nhiễm có thể gây hại đến sức khoẻ con người.

d) Chuyên chở hoặc bảo quản thành phẩm lương thực, thực phẩm, các loại nước uống, rượu và thuốc hút không đúng các quy định về vệ sinh.

e) Sản xuất các loại bao bì, dụng cụ để ăn, uống từ các nguyên liệu, phụ gia mới, không có giấy chứng nhận kiểm nghiệm của cơ quan y tế có thẩm quyền.

g) Bán ra thị trường các loại nông sản có dư lượng hoá chất trừ sâu, phân bón hoá học vượt quá giới hạn cho phép.

h) Không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh hoàn cảnh đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, buôn bán thành phẩm lương thực, thành phẩm các loại nước uống, rượu và thuốc hút.

3. Tiêu huỷ các vật phẩm do vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, e, g, khoản 2 của Điều này.

Điều 2. Vi phạm các quy định vệ sinh về nước:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng nếu có tình tiết nặng thì phạt đến 500.000 đồng đối với hành vi làm nhiễm bẩn nguồn nước dùng để ăn, uống của nhân dân.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt đến 2.000.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau:

a) Các nhà máy, xí nghiệp cung cấp nước dùng cho sinh hoạt của nhân dân không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh.

b) Các cơ quan, tổ chức, các cơ sở sản xuất kinh doanh để chất thải gây ô nhiễm nguồn nước dùng cho sinh hoạt của nhân dân.

3. Đình chỉ các hành vi vi phạm và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Điều 3. Vi phạm các quy định về vệ sinh trong lao động:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt đến 1.000.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau:

a) Không tổ chức khám sức khoẻ trước khi tuyển dụng và không tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động.

b) Không bảo đảm các quy định vệ sinh lao động về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và tiếng ồn gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người lao động.

c) Không lập hồ sơ vệ sinh xí nghiệp và đăng kiểm môi trường hàng năm.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt đến 2.000.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau:

a) Không có biện pháp và thiết bị xử lý để hơi khí độc, khói bụi và các yếu tố độc hại khác vượt tiêu chuẩn cho phép gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của nhân dân và môi trường xung quanh.

b) Sử dụng các chất phóng xạ hay X. quang không bố trí ở nơi riêng biệt, không xử lý chất thải theo quy định.

3. Đình chỉ các hoạt động gây ô nhiễm trong trường hợp vi phạm các khoản a, b, điểm 2 của Điều này và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục.

Điều 4. Vi phạm các quy định về vệ sinh trong xây dựng:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt đến 2.000.000 đồng đối với việc xây dựng, cải tạo hoặc đưa vào sử dụng các công trình không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.

2. Tạm đình chỉ sử dụng và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục nếu vi phạm điểm 1 của Điều này.

Điều 5. Vi phạm các quy định khác về vệ sinh:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt đến 1.000.000 đồng, đối với các cơ quan, bệnh viện, trường học, nhà trẻ vi phạm các quy định vệ sinh hoàn cảnh, quy định phòng và chống dịch bệnh.

2. Phạt từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt đến 2.000.000 đồng đối với các vi phạm sau:

a) Đối tượng kiểm dịch không thực hiện các quy định về kiểm định y tế.

b) Sản xuất, buôn bán các loại mỹ phẩm, xà phòng kem đánh răng, phấn rôm và đồ dùng cá nhân không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người tiêu dùng.

c) Sản xuất, buôn bán các loại đồ dùng cho học tập, đồ chơi trẻ em gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ học sinh và trẻ em.

MỤC B

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ KHÁM BỆNH,

CHỮA BỆNH, HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT.

Điều 6. Vi phạm quy định về sử dụng giấy phép hành nghề:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt đến 500.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau:

a) Khám bệnh, chữa bệnh, kê đơn thuốc mà không có giấy phép hành nghề do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.

b) Hành nghề quá phạm vi được quy định trong giấy phép.

c) Cho người khác sử dụng bằng bác sĩ, giấy chứng nhận chuyên môn hoặc giấy phép hành nghề.

d) Cơ sở hành nghề không đúng địa chỉ ghi trong giấy phép.

2. Trường hợp vi phạm các khoản b, c, điểm 1 của Điều này mà có tình tiết tăng nặng thì có thể tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Điều 7. Vi phạm các quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt đến 500.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau:

a) Không thực hiện đúng các quy định về chuyên môn, kỹ thuật y tế.

b) Sử dụng các phương pháp khám, chữa bệnh, các phương tiện, dược phẩm không được phép của Bộ y tế hoặc quá khả năng chuyên môn.

c) Vừa kê đơn, vừa bán thuốc ngoài cơ số cấp cứu (trừ khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền dân tộc).

d) Kê đơn thuốc không đúng bệnh.

e) Không thực hiện đúng quy chế vô khuẩn và sát khuẩn trong châm cứu, tiêm chích, phẫu thuật và các thủ thuật ngoại khoa khác.

2. Trường hợp vi phạm các khoản a, b, điểm 1 của Điều này mà có tình tiết tăng nặng thì tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề.

Điều 8. Vi phạm các quy định khác về khám bệnh, chữa bệnh:

Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng, nếu tái phạm thì có thể phạt đến 2.000.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau:

1. Quảng cáo không đúng với khả năng chữa bệnh, khám bệnh, xét nghiệm, thăm dò chức năng.

2. Không chấp hành lệnh huy động của cơ quan y tế khi có thiên tai dịch bệnh xảy ra.

3. Không kịp thời báo cáo và phối hợp với các cơ sở y tế của Nhà nước khi phát hiện các bệnh truyền nhiễm phải kiểm dịch, bệnh lạ, nhiễm độc hàng loạt để nhanh chóng giải quyết hậu quả.

4. Không tham gia các hoạt động y tế về hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ ban đầu và tuyên truyền hướng dẫn nhân dân bảo vệ sức khoẻ, phòng bệnh và chữa bệnh khi có yêu cầu của cơ quan y tế địa phương.

5. Không chấp hành chế độ báo cáo định kỳ với cơ quan y tế trực tiếp quản lý về hoạt động chuyên môn kỹ thuật của cơ sở.

6. Khi phát hiện bệnh nhân mắc các bệnh lây theo đường sinh dục (lậu, giang mai), bệnh SIDA, bệnh nghiện ma tuý mà không báo cáo với cơ quan y tế địa phương.

MỤC C

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH

CÁC QUY ĐỊNH VỀ DƯỢC, HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT.

Điều 9. Vi phạm các quy định về điều kiện hành nghề dược:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì phạt 500.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau:

a) Hành nghề không có giấy chứng nhận hành nghề được của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp;

b) cho người khác sử dụng giấy chứng nhận hành nghề dược, bằng chuyên khoa hoặc chứng chỉ;

c) Người bán thuốc không đảm bảo đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế;

d) Trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc hành nghề không đúng theo quy định.

2. Trường hợp vi phạm các khoản b, d, điểm 1 của Điều này mà có tình tiết tăng nặng thì có thể tước quyền sử dụng giấy chứng nhận hành nghề được.

Điều 10. Vi phạm quy định về đăng ký và sản xuất thuốc:

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt đến 2.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận hành nghề được đối với một trong các vi phạm sau:

a) Sản xuất thuốc không có giấy phép;

b) Sản xuất thuốc không đúng quy trình hoặc không có hồ sơ theo dõi;

c) Sản xuất thuốc bằng nguyên liệu chưa được kiểm nghiệm;

d) Sản xuất thuốc không đúng công thức đã được duyệt;

e) Sản xuất thuốc không có số đăng ký của cơ quan y tế có thẩm quyền;

g) Sản xuất thuốc dùng cho súc vật có hình thức giống với thuốc dùng cho người, nhãn thuốc không có in chữ "Dùng cho súc vật" hoặc dùng các nguyên liệu sản xuất thuốc dùng cho súc vật để sản xuất thuốc dùng cho người.

2. Tịch thu hoặc buộc tiêu huỷ thuốc quy định ở khoản c, d, e, g, điểm 1 của Điều này.

Điều 11. Vi phạm các quy định về bảo quản thuốc và nguyên liệu làm thuốc:

Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt đến 1.000.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau:

1. Không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để bảo đảm an toàn, chất lượng của thuốc và nguyên liệu làm thuốc.

2. Không có hồ sơ kỹ thuật và sổ sách ghi chép xuất nhập thuốc và nguyên liệu làm thuốc đúng quy định.

Điều 12. Vi phạm các quy định về lưu thông, xuất nhập khẩu thuốc hoặc nguyên liệu làm thuốc:

1. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt đến 1.000.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau:

a) Buôn bán nguyên liệu sản xuất thuốc tân dược, hoá chất xét nghiệm, thuốc gây nghiện không có giấy phép;

b) Buôn bán thuốc không rõ nguồn gốc sản xuất.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt đến 2.000.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau:

a) Xuất, nhập khẩu thuốc hoặc nguyên liệu làm thuốc ngoài danh mục Bộ Y tế cho phép;

b) Nhập khẩu, buôn bán thuốc hoặc nguyên liệu làm thuốc không còn nguyên bao bì xuất xứ;

c) Xuất nhập khẩu thuốc hoặc nguyên liệu làm thuốc đã rút khỏi thị trường theo công bố của nước sản xuất;

d) Buôn bán thuốc kém phẩm chất (không đạt tiêu chuẩn chất lượng), thuốc quá hạn dùng;

e) Buôn bán thuốc ngoài danh mục đã được Bộ Y tế cho phép hoặc các loại thuốc không có số đăng ký, số kiểm soát;

g) Bán các loại thuốc chỉ được bán theo đơn của bác sĩ mà không có đơn hoặc không theo đơn;

h) Bán nhầm thuốc.

3. Trường hợp vi phạm các khoản c, d, e, g, điểm 2 của Điều này mà có tình tiết tăng nặng thì tước quyền sử dụng giấy chứng nhận hành nghề được.

Tịch thu thuốc hoặc nguyên liệu làm thuốc nếu vi phạm điểm a, e khoản 2 của Điều này.

Buộc tiêu huỷ các loại thuốc kém phẩm chất, thuốc quá hạn dùng, thuốc đã được rút khỏi thị trường theo công bố của nước sản xuất.

Điều 13. Vi phạm các quy định về thuốc độc, thuốc gây nghiện, thuốc gây ức chế hoặc hưng phấn tinh thần, thuốc phóng xạ:

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng nếu có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt đến 2.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận hành nghề dược đối với một trong các vi phạm: sản xuất, pha chế, bảo quản, kê đơn và sử dụng thuốc độc, thuốc gây nghiện, thuốc gây ức chế hoặc hưng phấn tâm thần, thuốc phóng xạ không đúng quy định của Bộ Y tế.

Điều 14. Vi phạm các quy định về thông tin, quảng cáo thuốc và nhãn thuốc:

1. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng thì có thể phạt tới 2.000.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau:

a) Thông tin, quảng cáo không đúng với tính năng, tác dụng của thuốc;

b) Lưu hành nhãn thuốc không được cơ quan y tế có thẩm quyền duyệt hoặc in nhãn thuốc không đúng mẫu đã được duyệt;

c) Mạo nhãn của một thứ thuốc khác đang lưu hành trên thị trường đã được đăng ký.

2. Trường hợp vi phạm các khoản a, b, điểm 1 của Điều này mà có tình tiết tăng nặng thì tước quyền sử dụng giấy chứng nhận hành nghề được.

3. Tịch thu nhãn thuốc, thuốc mạo nhãn quy định ở điểm b, c, khoản 1 của Điều này.

Điều 15. Hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả:

Khi phát hiện hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thanh tra viên y tế phải lập biên bản, tạm thu giữ tang vật và giấy chứng nhận hành nghề dược, giấy phép thành lập doanh nghiệp, công ty hoặc giấy phép kinh doanh, sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật sang cơ quan chức năng để truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG II

THẨM QUYỀN, THỦ TỤC, NGUYÊN TẮC

VÀ BIỆN PHÁP XỬ PHẠT

Điều 16. Thẩm quyền quyết định xử phạt:

1. Thanh tra viên về vệ sinh, khám bệnh, chữa bệnh và dược trong khi thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 100.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp, tạm thu giấy phép doanh nghiệp, công ty, giấy phép kinh doanh và áp dụng các biện pháp hành chính khác quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trừ biện pháp buộc bồi thường thiệt hại.

2. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện và cấp tương đương, Chánh thanh tra Sở Y tế được quyền phạt tiền đến 2.000.000 dồng và áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp hành chính khác quy định tại Nghị định này.

3. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh và cấp tương đương, Chánh thanh tra Bộ Y tế được quyền áp dụng tất cả các hình thức phạt và biện pháp hành chính quy định tại Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

4. Chánh thanh tra Sở Y tế xem xét lại quyết định xử phạt của cấp huyện khi tổ chức và cá nhân bị xử phạt có khiếu nại.

5. Chánh thanh tra Bộ Y tế xem xét lại quyết định xử phạt của cấp tỉnh khi tổ chức và cá nhân bị xử phạt có khiếu nại.

Điều 17. Cảnh cáo:

1. Cảnh cáo được áp dụng đối với những người có vi phạm hành chính nhỏ, vi phạm lần đầu do sơ xuất, hoặc vi phạm do nhiều tác động của các nguyên nhân khách quan, có các tình tiết giảm nhẹ khác quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

2. Việc quyết định xử phạt cảnh cáo được thực hiện bằng văn bản, khi xét thấy cần thiết, cơ quan có thẩm quyền xử phạt thông báo quyết định xử phạt đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan, tổ chức nơi người vi phạm cư trú hoặc công tác.

Điều 18. Thủ tục, biện pháp phạt tiền:

1. Khi phát hiện vi phạm hành chính, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt phải nói rõ cho người vi phạm biết, điều khoản, tên văn bản pháp luật mà họ đã vi phạm, mức độ trách nhiệm, hình thức xử phạt áp dụng đối với hành vi của họ.

2. Khi quyết định xử phạt đến 20.000 đồng, người có thẩm quyền xử phạt phải ghi rõ lý do và trao biên lai cho người bị phạt.

3. Nếu áp dụng mức phạt trên 20.000 đồng, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản theo quy định tại Điều 21 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày lập biên bản, cơ quan người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt, cơ quan hoặc người có thẩm quyền xử phạt phải gửi quyết định xử phạt đến tổ chức, người bị xử phạt theo quy định tại Điều 28 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Bộ Y tế quy định thống nhất mẫu biên bản, mẫu quyết định xử phạt phù hợp với từng lĩnh vực y tế.

Bộ Tài chính quy định thống nhất mẫu biên lai và phát hành, quản lý biên lai thu tiền phạt.

4. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt trực tiếp thu tiền phạt, sau đó nộp lại cho cơ quan tài chính.

5. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực mà tổ chức và người bị xử phạt không tự giác chấp hành thì cơ quan đã ra quyết định xử phạt có quyền cưỡng chế theo quy định tại Điều 32 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Các cơ quan, tổ chức hoặc đại diện hợp pháp của người bị xử phạt có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp cưỡng chế của cơ quan đã ra quyết định xử phạt.

Điều 19. Tước quyền sử dụng giấy phép và thu hồi giấy phép.

1. Giấy phép thành lập doanh nghiệp, công ty, giấy phép kinh doanh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân hoặc tổ chức để tiến hành hoạt động kinh doanh đều có thể bị tước quyền sử dụng nếu các vi phạm hành chính có liên quan trực tiếp đến quy định về sử dụng giấy phép đó.

a) Đối với các vi phạm xét thấy vẫn có thể cho tiếp tục hành nghề được thì tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn;

b) Đối với các vi phạm nghiêm trọng, xét thấy không thể cho tiếp tục hành nghề được thì tước quyền sử dụng giấy phép không thời hạn.

2. Thanh tra viên về vệ sinh, khám bệnh, chữa bệnh và dược có quyền kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép phải thu hồi trong các trường hợp sau:

Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền.

Giấy phép có nội dung trái với quy định pháp luật.

Điều 20. Thủ tục áp dụng những biện pháp hành chính khác:

1. Cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 17 Nghị định này, khi quyết định áp dụng các biện pháp hành chính khác phải căn cứ vào quy định của pháp luật và mức độ thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

2. Việc áp dụng các biện pháp hành chính khác chỉ được tiến hành khi có quyết định bằng văn bản. Quyết định này phải gửi cho cá nhân hoặc tổ chức có hành vi vi phạm hành chính cùng với quyết định xử phạt.

3. Cá nhân hoặc tổ chức bị xử phạt bằng các biện pháp hành chính khác phải thi hành các hình thức phạt đó trong thời hạn 5 ngày.

4. Trường hợp vật phẩm có thể gây hại cho sức khoẻ con người bị buộc tiêu huỷ là các loại thực phẩm cần phải tiêu huỷ ngay, khi thi hành phải lập biên bản có chữ ký của người bị phạt, người ra quyết định xử phạt và người làm chứng. Trường hợp vật phẩm có thể gây hại cho sức khoẻ con người bị buộc tiêu huỷ nhưng chưa cần tiêu huỷ ngay thì phải niêm phong tang vật và thành lập hội đồng xử lý để huỷ bỏ.

5. Cá nhân hoặc tổ chức bị xử phạt bằng các biện pháp hành chính khác sẽ bị cưỡng chế thi hành nếu không tự nguyện thi hành trong thời hạn quy định. Chi phí về việc tổ chức cưỡng chế do cá nhân hoặc tổ chức bị cưỡng chế thi hành các biện pháp hành chính khác chịu trách nhiệm.

Điều 21. Nguyên tắc áp dụng các hình thức xử phạt:

1. Ngoài hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền thì có thể kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng những biện pháp hành chính khác.

2. Hình thức xử phạt bổ sung và việc áp dụng các biện pháp hành chính khác không thể áp dụng độc lập mà chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.

3. Cùng một hành vi vi phạm có thể áp dụng nhiều biện pháp hành chính khác.

Điều 22. Việc khen thưởng đối với người có thành tích trong việc phát hiện các vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và người thi hành công vụ có thành tích phải theo đúng quy định tại Điều 39 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

CHƯƠNG III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Nghị định này áp dụng cho cả các đối tượng là tổ chức người nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư của người nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 24. Chỉ những tổ chức và người có thẩm quyền quy định trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định này mới được xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Tổ chức và cá nhân có thẩm quyền xử phạt mà vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Điều 25. Tổ chức và công dân có quyền khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Mọi công dân tố cáo các hành vi lạm quyền hoặc trái luật khác của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đến cơ quan cấp trên trực tiếp của tổ chức và người quyết định xử phạt hoặc Viện Kiểm sát nhân dân. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhận được khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm xem xét giải quyết và trả lời trong thời hạn 15 ngày; nếu là trường hợp phức tạp thì việc giải quyết và trả lời trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, tố cáo./.

 

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.