• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/02/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 10/02/2020
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Số: 38/2014/TT-BKHCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Long An, ngày 16 tháng 12 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định về đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ

 


Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;    

Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định về đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định tiêu chí, phương pháp và quy trình đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ công lập, bao gồm: tổ chức nghiên cứu khoa học; tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (sau đây gọi tắt là tổ chức khoa học và công nghệ).

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.  Tiêu chí đánh giá: Là tiêu chí được thiết lập để đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu đã đề ra trong định hướng và kế hoạch của tổ chức khoa học và công nghệ thông qua việc so sánh điểm mạnh và điểm yếu.

2.  Trọng số của một tiêu chí đánh giá: Là hệ số thể hiện mức độ quan trọng của tiêu chí (nhóm tiêu chí) này so với các tiêu chí (nhóm tiêu chí) khác.

 

3.  Tổ chức đánh giá: Là tổ chức được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc đề nghị thực hiện việc đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ.

4.  Tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI: Là các tạp chí được liệt kê trong các danh bạ của Viện Thông tin Khoa học Hoa Kỳ (Institute of Scientific Information - ISI).

5.  Kỷ yếu hội nghị quốc tế thuộc danh mục ISI: Là các kỷ yếu hội nghị được liệt kê trong các danh bạ của Viện Thông tin Khoa học Hoa Kỳ (Institute of Scientific Information - ISI).

Điều 3. Báo cáo kết quả đánh giá

1.  Báo cáo kết quả đánh giá được công bố công khai, lưu trữ, khai thác, sử dụng phục vụ công tác quản lý khoa học và công nghệ theo quy định.

2.  Báo cáo kết quả đánh giá là căn cứ theo dõi việc điều chỉnh hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ và là nguồn thông tin phục vụ cho các lần đánh giá tiếp theo.

3.  Báo cáo kết quả đánh giá là nguồn thông tin phục vụ cho việc: Quy hoạch hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ; hoạch định chính sách quản lý, phát triển khoa học và công nghệ; hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình tuyển chọn, xét giao trực tiếp tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cho vay, tài trợ, bảo lãnh vốn vay của các quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Điều 4. Hình thức và tần suất đánh giá

1. Tự đánh giá: Các tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện việc tự đánh giá hằng năm. Báo cáo kết quả tự đánh giá theo Mẫu số 1 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này được lưu tại tổ chức khoa học và công nghệ để phục vụ việc quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.

2. Đánh giá từ bên ngoài: Các tổ chức khoa học và công nghệ được đánh giá từ bên ngoài định kỳ 5 năm một lần bởi cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ hoặc thông qua tổ chức đánh giá độc lậpthực hiện. Trong một số trường hợp đặc biệt, việc đánh giá từ bên ngoài sẽ được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Điều 5. Kinh phí thực hiện đánh giá

1.  Kinh phí đánh giá được lấy từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2.  Việc thanh, quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của hiện hành.

 

Chương II

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 6. Tiêu chí đánh giá

Việc đánh giá phải dựa trên các tiêu chí (nhóm tiêu chí) được quy định từ Điều 7 đến Điều 16 và được hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Nhóm tiêu chí 1 - Đánh giá định hướng phát triển và kế hoạch hoạt động

1.  Mức độ phù hợp của định hướng phát triển và kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ với vị trí, chức năng và nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tổ chức.

2.  Mức độ khả thi của kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ.

3.  Mức độ phổ biến kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ tới mọi cán bộ của tổ chức.

Điều 8. Nhóm tiêu chí 2 - Đánh giá nguồn nhân lực

1.   Mức độ phù hợp về cơ cấu trình độ và độ tuổi của nguồn nhân lực.

2.   Mức độ phù hợp về việc phân bổ nguồn nhân lực theo cơ cấu tổ chức.

3.   Mức độ năng lực của cán bộ đáp ứng định hướng và kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ đã đặt ra.

4.   Mức độ hợp lý trong việc phối hợp công việc giữa các bộ phận (quản lý, nghiên cứu, hành chính, kỹ thuật).

5.   Mức độ hợp lý của các chính sách của tổ chức trong việc khuyến khích phát triển, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao và năng lực chuyên môn tốt công tác lâu dài tại tổ chức.

Điều 9. Nhóm tiêu chí 3 - Đánh giá nguồn kinh phí

1.  Mức độ đa dạng các nguồn kinh phí của tổ chức (từ ngân sách nhà nước, tài trợ  trong nước và quốc tế).

2.  Mức độ tăng trưởng các nguồn kinh phí (từ ngân sách nhà nước, tài trợ trong nước và quốc tế).

3.  Mức độ phát triển nguồn kinh phí từ việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ.

4.  Mức độ hợp lý trong việc phân bổ, sử dụng các nguồn kinh phí.

Điều 10. Nhóm tiêu chí 4 - Đánh giá trang thiết bị và cơ sở vật chất

1.  Mức độ đáp ứng (về số lượng và chất lượng) của trang thiết bị và các phương tiện nghiên cứu.

2.  Mức độ phối hợp với các tổ chức nghiên cứu và phát triển trong và ngoài nước trong việc chia sẻ sử dụng các trang thiết bị và phương tiện nghiên cứu.

3.  Mức độ hợp lý trong việc sử dụng trang thiết bị và phương tiện nghiên cứu.

4.  Mức độ đáp ứng các điều kiện đảm bảo hoạt động: không gian phòng thí nghiệm, phòng làm việc, thiết bị văn phòng, an ninh, an toàn, vệ sinh và các điều kiện khác.

Điều 11. Nhóm tiêu chí 5 - Đánh giá nguồn lực thông tin

1.  Mức độ đáp ứng về chất lượng của hệ thống cung cấp thông tin, tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu của tổ chức.

2.  Mức độ hỗ trợ của tổ chức để cán bộ nghiên cứu tiếp cận các nguồn thông tin, tài liệu tham khảo bên ngoài.

3.  Mức độ nỗ lực trong việc giới thiệu, quảng bá kết quả nghiên cứu của tổ chức đến người sử dụng trong nước và quốc tế.

Điều 12. Nhóm tiêu chí 6 - Đánh giá kết quả khoa học (công bố)

1.  Số lượng và chất lượng bài báo khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI.

2.  Số lượng và chất lượng bài báo khoa học công bố trên các tạp chí trong nước.

3.  Số lượng và chất lượng báo cáo khoa học đăng trong kỷ yếu hội nghị quốc tế thuộc danh mục ISI.

4.  Số lượng và chất lượng báo cáo khoa học đăng trong kỷ yếu hội nghị trong nước.

5.  Số lượng sách và chương sách mà tổ chức đã xuất bản hoặc phối hợp để xuất bản.

Điều 13. Nhóm tiêu chí 7 - Đánh giá kết quả về công nghệ

1.  Số lượng và chất lượng các kết quả về công nghệ (sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng mới và các kết quả khác thuộc về công nghệ).

2.  Số lượng các công nghệ được thương mại hóa, chuyển giao hoặc được ứng dụng vào thực tiễn.

Điều 14. Nhóm tiêu chí 8 - Đánh giá kết quả đào tạo và tập huấn

1.  Kết quả đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ tại tổ chức.

2.  Kết quả tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn cho các tổ chức khác.

Điều 15. Nhóm tiêu chí 9 - Đánh giá việc sử dụng kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội

1.Mức độ đưa được kết quả nghiên cứu của tổ chức vào ứng dụng để góp phần giải quyết nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội cụ thể của địa phương, quốc gia và quốc tế.

2. Mức độ cung cấp được các dịch vụ khoa học và công nghệ cho các cá nhân, tổ chức khác.

Điều 16. Nhóm tiêu chí 10 - Đánh giá năng lực phát triển hợp tác

1.  Mức độ xây dựng và duy trì được quan hệ hợp tác với các tổ chức trong nước.

2.  Mức độ xây dựng và duy trì được quan hệ hợp tác với các tổ chức nước ngoài.

3.  Mức độ thu hút được các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trình độ cao từ các tổ chức khác trong và ngoài nước đến hợp tác và làm việc tại tổ chức.

Chương III

PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

Điều 17. Phương pháp đánh giá

Việc đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ được thực hiện trên cơ sở kết hợp hai phương pháp: Đánh giá định tính và đánh giá định lượng quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Thông tư này.

Điều 18. Đánh giá định tính

1. Đánh giá định tính là phương pháp tiếp cận nhằm mô tả và phân tích đặc điểm của đối tượng, phân tích những điểm mạnh, điểm yếu và đề xuất những kiến nghị để cải thiện hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ.

2. Chuyên gia đánh giá đưa ra những nhận định đánh giá định tính theo từng tiêu chí đánh giá để hỗ trợ đánh giá định lượng.

Điều 19. Đánh giá định lượng

1.  Đánh giá định lượng là phương pháp chấm điểm đánh giá trên cơ sở xác định trọng số, mức đánh giá và tổng hợp điểm đánh giá theo mỗi tiêu chí, nhóm tiêu chí đánh giá.

2.  Việc xác định trọng số phù hợp cho mỗi nhóm tiêu chí và cho từng tiêu chí đánh giá trong mỗi nhóm phải căn cứ vào đặc trưng hoạt động chủ yếu của tổ chức khoa học và công nghệ được đánh giá. Các đặc trưng đó bao gồm: loại hình nghiên cứu (nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ) và chuyên môn thuộc các lĩnh vực nghiên cứu (khoa học tự nhiên; khoa học xã hội và nhân văn; khoa học kỹ thuật - công nghệ; khoa học y - dược; khoa học nông nghiệp) và các đặc trưng cụ thể khác.

3.  Tổng trọng số của tất cả các nhóm tiêu chí đánh giá là 100%.Trọng số của từng nhóm tiêu chí (Tn) được xác định sao cho tổng trọng số của các nhóm tiêu chí không vượt quá quy định sau:

a)  Trọng số của nhóm tiêu chí 1 về định hướng và kế hoạch hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ quy định tại Điều 7 Thông tư này là 10%;

b)  Tổng trọng số của các nhóm tiêu chí từ nhóm tiêu chí 2 đến nhóm tiêu chí 5 về nguồn lực hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ quy định tại các điều từ Điều 8 đến Điều 11 Thông tư này là 30%;

c)   Tổng trọng số của các nhóm tiêu chí từ nhóm tiêu chí 6 đến nhóm tiêu chí 10 về kết quả hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ quy định tại Điều 12 đến Điều 16 là 60%.

4.  Chấm điểm đánh giá:

a)  Chuyên gia đánh giá xác định mức độ đạt được tại từng tiêu chí đánh giá (Mi) theo 5 mức đánh giá: Kém, Trung bình, Khá, Tốt và Xuất sắc với điểm số tương ứng lần lượt là 1, 2, 3, 4 và 5. Mô tả cụ thể về từng mức đánh giá tương ứng với mỗi tiêu chí đánh giá tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b)  Điểm đánh giá (Đi) được xác định bằng cách nhân mức đánh giá (Mi) với trọng số tương ứng của tiêu chí đó (Ti):

Đi = Mix Ti

5.  Tổng số điểm đánh giá được tính như sau:

a)  Điểm đánh giá cho mỗi nhóm tiêu chí (Đn) là tổng điểm đánh giá của các tiêu chí trong nhóm (Đi):

Đn =

Trong đó j là số lượng các tiêu chí trong mỗi nhóm tiêu chí.

b)  Điểm đánh giá cuối cùng cho tổ chức (Đt) là tổng điểm của tất cả 10 nhóm tiêu chí đánh giá (Đn):

Đt =

6.  Xếp loại tổ chức dựa trên điểm đánh giá cuối cùng:

a)  Đt đạt được trong khoảng từ 1 đến 1,5: Xếp loại Kém;

b)  Đt đạt được trong khoảng từ trên 1,5 đến 2,5: Xếp loại Trung bình;

c)   Đt đạt được trong khoảng từ trên 2,5 đến 3,5: Xếp loại Khá;

d)  Đt đạt được trong khoảng từ trên 3,5 đến 4,5: Xếp loại Tốt;

đ) Đt đạt được trong khoảng từ trên 4,5 đến 5: Xếp loại Xuất sắc.

7.  Trường hợp chuyên gia đánh giá trong Tổ chuyên gia xác định mức đánh giá đối với một tiêu chí chênh nhau quá 01 mức đánh giá thì Tổ chuyên gia phải đánh giá lại tiêu chí hoặc nhóm tiêu chí đó.

 

 

Chương IV

QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ

Điều 20. Quy trình tự đánh giá

Các tổ chức khoa học và công nghệthực hiện việc tự đánh giá theo các bước sau:

1.  Xây dựng, phê duyệt kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện đánh giá

2.  Thành lập Tổ chuyên gia đánh giá

Người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ thành lập Tổ chuyên gia đánh giá gồm từ 5 đến 7 chuyên gia, trong đó có ít nhất 40% chuyên gia không phải là người làm việc thường xuyên tại tổ chức khoa học và công nghệ được đánh giá. Chuyên gia đánh giá là những người có trình độ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của tổ chức khoa học và công nghệ được đánh giá và có kinh nghiệm và hiểu biết sâu, rộng về hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ được đánh giá.

3.  Xác định trọng số đánh giá

Người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ và Tổ chuyên gia đánh giá thống nhất, quyết định trọng số cho mỗi tiêu chí, nhóm tiêu chí và điền vào Phiếu đánh giá, Phiếu tổng hợp điểm đánh giá theo các Mẫu số 1, Mẫu số 2 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

4.  Thu thập thông tin, dữ liệu và lập Hồ sơ đánh giá gửi cho các chuyên gia trong Tổ chuyên gia đánh giá trước khi họp đánh giá ít nhất 5 ngày. Hồ sơ đánh giá bao gồm:

a)  Phiếu thông tin về hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b)  Phiếu đánh giá và Phiếu tổng hợp điểm đánh giá đã được điền trọng số đánh giá phù hợp theo quy định tại Khoản 3 Điều này.

5. Thực hiện và báo cáo kết quả đánh giá:

a) Tổ chuyên gia đánh giá thực hiện việc đánh giá theo tiêu chí và phương pháp quy định tại Chương II và Chương III của Thông tư này.

b) Tổ trưởng Tổ chuyên gia đánh giá chịu trách nhiệm lập Báo cáo kết quả đánh giá theo Mẫu số 3 Phụ lục III kèm theo Thông tư này để người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ xem xét, phê duyệt.

Điều 21. Quy trình đánh giá từ bên ngoài

Việc đánh giá từ bên ngoài đối với tổ chức khoa học và công nghệ được thực hiện theo các bước sau:

1.  Tổ chức đánh giá xây dựng kế hoạch đánh giá và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2.  Sau khi kế hoạch đánh giá được phê duyệt, tổ chức đánh giá thông báo cho tổ chức khoa học và công nghệ được đánh giá ít nhất 60 ngày trước thời điểm đánh giá về các thủ tục và thời điểm tiến hành đánh giá.

3.  Tổ chức khoa học và công nghệ chuẩn bị Hồ sơ đánh giá và gửi cho Tổ chức đánh giá trước thời điểm đánh giá ít nhất 15 ngày. Hồ sơ đánh giá gồm:

a)  Phiếu thông tin về hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ và các tài liệu đi kèm theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b)  Các báo cáo tự đánh giá được quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 20 Thông tư này của tổ chức khoa học và công nghệ trong kỳ đánh giá.

4.  Thành lập Tổ chuyên gia đánh giá

Căn cứ vào Hồ sơ đánh giá, tổ chức đánh giá lựa chọn chuyên gia đánh giá phù hợp và thành lập Tổ chuyên gia đánh giá.

 5.Xác định trọng số đánh giá

Cơ quan giao nhiệm vụ hoặc đề nghị thực hiện việc đánh giá, tổ chức đánh giá và Tổ chuyên gia đánh giá thống nhất, quyết định trọng số cho mỗi tiêu chí, nhóm tiêu chí và điền vào Phiếu đánh giá, Phiếu tổng hợp điểm đánh giá theo các Mẫu số 1, Mẫu số 2 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Thực hiện đánh giá

Tổ chuyên gia đánh giá thực hiện việc đánh giá theo tiêu chí và phương pháp quy định tại Chương II và Chương III của Thông tư này. Việc đánh giá được thực hiện như sau:

a)  Đánh giá dựa trên hồ sơ do tổ chức khoa học và công nghệ cung cấp;

b)  Đánh giá tại hiện trường: Căn cứ vào kết quả đánh giá dựa trên hồ sơ, các chuyên gia đánh giá thảo luận với lãnh đạo, các cán bộ chủ chốt của tổ chức khoa học và công nghệ về các nội dung được đánh giá và thăm quan cơ sở vật chất để hoàn thiện các kết luận.

7. Lập báo cáo kết quả đánh giá

Báo cáo kết quả đánh giá phải được thống nhất bởi Tổ chuyên gia đánh giá, tổ chức đánh giá và tổ chức khoa học và công nghệ được đánh giá. Việc lập báo cáo kết quả đánh giá được thực hiện như sau:

a) Sau khi kết thúc công tác đánh giá tại hiện trường, các chuyên gia đánh giá thảo luận, chấm điểm đánh giá và tổng hợp điểm đánh giá vào Phiếu đánh giá và Phiếu tổng hợp điểm đánh giá đã được điền trọng số đánh giá phù hợp theo quy định tại Khoản 4 Điều này;

b)Tổ chuyên gia đánh giá thống nhất dự thảo báo cáo kết quả đánh giá theo Mẫu số 3 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này và gửi người đứng đầu Tổ chức đánh giá;

c) Tổ chức đánh giá gửi Dự thảo báo cáo kết quả đánh giá cho tổ chức khoa học và công nghệ được đánh giá để cho ý kiến về kết quả đánh giá;

d) Trên cơ sở ý kiến của tổ chức khoa học và công nghệ, Tổ chuyên gia đánh giá hoàn thiện báo cáo kết quả đánh giá và gửi người đứng đầu Tổ chức đánh giá;

đ) Tổ chức đánh giá gửi báo cáo kết quả đánh giá cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

8. Phê duyệt báo cáo kết quả đánh giá

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả đánh giá, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét và phê duyệt báo cáo kết quả đánh giá.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2015.

Điều 23.Trách nhiệm thi hành

1.  Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

2.  Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

3.  Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Khoa học và Công nghệ để được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Văn Tùng

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.