• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 11/01/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 21/09/2008
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 35/2005/TTLT/BLĐTBXH-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Long An, ngày 16 tháng 12 năm 2005

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2005

của Thủ tướng chính phủ về chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức

một số ngành, nghề trong các công ty nhà nước

 

Căn cứ Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đặc thù đối với công nhân, nhân viên, viên chức (gọi tắt là người lao động) một số ngành, nghề trong các công ty Nhà nước, liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

 

I. CHẾ ĐỘ ĂN ĐỊNH LƯỢNG

1. Đối tượng áp dụng chế độ ăn định lượng quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Mức ăn định lượng gồm 5 mức: 32.000 đồng/ngày; 37.000 đồng/ngày; 45.000 đồng/ngày; 80.000 đồng/ngày và 110.000 đồng/ngày.

Các mức ăn này áp dụng cho các đối tượng quy định tại Phụ lục số 01 nêu trên.

3. Cách tính: Mức ăn định lượng tính theo số ngày làm việc thực tế được quy định như sau:

a) Đối với người lao động làm việc theo thời gian

- Làm việc theo tháng, thì số ngày làm việc thực tế được hưởng mức ăn không vượt quá số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng do công ty lựa chọn nhưng tối đa không vượt quá 26 ngày/tháng;

- Làm việc theo tuần, thì số ngày làm việc thực tế được hưởng mức ăn không vượt quá số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tuần do công ty lựa chọn nhưng tối đa không quá 6 ngày/tuần;

- Làm việc theo ngày, nếu làm từ 4 giờ trở lên được hưởng mức ăn cả ngày, dưới 4 giờ được hưởng 1/2 mức ăn.

b) Đối với người lao động làm việc theo sản phẩm, khoán khối lượng công việc, thì ngày làm việc được hưởng mức ăn tính theo ngày định mức và mức độ hoàn thành công việc được giao. Trường hợp hoàn thành vượt định mức, thì ngày làm việc được hưởng mức ăn tối đa bằng số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng do công ty lựa chọn nhưng không vượt quá 26 ngày/tháng, nếu thời gian làm việc tính theo tháng hoặc bằng số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tuần do công ty lựa chọn nhưng không quá 6 ngày/tuần, nếu thời gian làm việc tính theo tuần.

II. CHẾ ĐỘ THƯỞNG AN TOÀN

1. Đối tượng áp dụng chế độ thưởng an toàn được quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Mức thưởng an toàn gồm 2 mức: 20% và 15% lương cấp bậc, chức vụ.

Mức thưởng an toàn được áp dụng cho các đối tượng quy định tại Phụ lục số 02 nêu trên.

3. Nguyên tắc thưởng

a) Tập thể, cá nhân thực hiện đúng các quy định bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh theo tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành thì được hưởng tiền thưởng.

b) Tập thể, cá nhân để xảy ra sự cố mất an toàn thì căn cứ các mức độ gây thiệt hại, phạm vi ảnh hưởng và trách nhiệm cụ thể không được thưởng cả tháng, cả quý hoặc cả năm kể từ ngày để xảy ra sự cố.

c) Công ty, đơn vị phải xây dựng quy chế thưởng an toàn phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh để thưởng cho tập thể, cá nhân.

4. Quỹ tiền thưởng

a) Quỹ tiền thưởng an toàn được tính theo công thức sau:

Vtt = Lđh x Hcb x Lttct x Mtt x 12 tháng

Trong đó:

- Vtt: Quỹ tiền thưởng an toàn tính theo năm;

- Lđh: Lao động được hưởng tiền thưởng;

- Hcb: Hệ số lương cấp bậc, chức vụ, lương chuyên môn, nghiệp vụ bình quân;

- Lttct: Mức lương tối thiểu của công ty (là mức lương tối thiểu để tính đơn giá tiền lương đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định).

- Mtt: Mức tiền thưởng an toàn được hưởng (15%, 20%).

b) Quỹ tiền thưởng được sử dụng trên cơ sở các quy định tại điểm 1, 2 và 3 nêu trên. Trường hợp do không bảo đảm an toàn nhưng đã chi vượt quỹ tiền thưởng quy định thì thực hiện giảm trừ tương ứng vào năm kế tiếp.

III. PHỤ CẤP THỢ LẶN

1. Đối tượng áp dụng: Thợ lặn xếp lương theo bảng lương B.7 trong thời gian lặn phục vụ các công trình dầu khí, giao thông, thủy lợi...

2. Mức phụ cấp: Khi lặn sâu hơn 3m thì mỗi giờ lặn thực tế được hưởng phụ cấp tính theo hệ số so với mức lương tối thiểu chung như sau:

- Từ 03m đến 10m, áp dụng mức 0,1;

- Trên 10m đến 20m, áp dụng mức 0,25;

- Trên 20m đến 30m, áp dụng mức 0,4;

- Trên 30m đến 40m, áp dụng mức 0,55;

- Trên 40m đến 50m, áp dụng mức 0,7;

- Trên 50m, cứ lặn sâu thêm 10m thì phụ cấp tăng 0,1 nhưng mức tối đa không quá 1 lần mức lương tối thiểu chung.

Khi thực hiện các cuộc lặn phức tạp, khó khăn, nguy hiểm như: lặn ở nơi có dòng chảy xiết; có cấp sóng lớn; trong vùng có nổ mìn; có động vật nguy hiểm; hàn, cắt dưới nước với khoảng cách chật hẹp và tầm nhìn ngắn thì được tăng thêm 30% mức tương ứng quy định nêu trên.

3. Cách tính: phụ cấp thợ lặn được tính theo số giờ lặn thực tế. Mức lương tối thiểu chung từ 01/01/2005 đến 30/09/2005 là 290.000 đồng/tháng; từ 01/10/2005 trở đi là 350.000 đống/tháng. Trường hợp Nhà nước thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung thì mức phụ cấp được tính trên mức lương tối thiểu chung mới theo quy định.

IV. PHỤ CẤP ĐI BIỂN

1. Đối tượng áp dụng bao gồm: người lao động thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam trong những ngày thực tế làm việc trên các giàn khoan, các tầu dịch vụ, tầu vận tải dầu khí, các công trình dầu khí trên biển.

2. Mức phụ cấp: 110.000 đồng/ngày (tương đương 7 USD/ngày).

3. Cách tính: phụ cấp đi biển được tính theo số ngày thực tế làm việc trên biển.

V. CHẾ ĐỘ THIẾU NƯỚC NGỌT

1. Đối tượng áp dụng: người lao động ở và làm việc tại vùng thiếu nước ngọt theo quy định.

2. Điều kiện được hưởng

- Làm việc và ở tại những vùng thiếu nước ngọt do điều kiện thiên nhiên mà không thể khắc phục được từ 01 tháng trở lên.

- Làm việc trên các phương tiện đi biển không thể dự trữ nước ngọt được.

3. Cách tính: Chi phí nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt của người lao động được tính theo 5 tiêu chí sau:

- Số người thực tế đang làm việc và ở trên các phương tiện hoặc tại vùng thiếu nước ngọt;

- Tiêu chuẩn nước sinh hoạt theo định mức bình quân 6 m3/người/tháng;

- Số ngày thiếu nước ngọt trong năm;

- Giá m3 nước ngọt (gồm cả chi phí vận chuyển từ nơi mua đến nơi ở và làm việc của người lao động);

- Tiền nước sinh hoạt đã tính trong tiền lương của người lao động (3.000 đồng/m3 x 6 m3/người/tháng).

Căn cứ vào các tiêu chí trên để xác định phần chênh lệch giữa chi phí thực tế mua và vận chuyển nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn trừ đi tiền nước sinh hoạt đã tính trong tiền lương.

Ví dụ: Một công ty có 200 người lao động ở và làm việc tại vùng thiếu nước ngọt 4 tháng/năm. Chi phí mua và vận chuyển 1 mét khối nước (m3) nước ngọt từ nơi mua đến nơi ở và làm việc của công nhân, nhân viên, viên chức là 9.000 đồng/m3 thì chi phí nước ngọt được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh trong một năm là:

(9.000 đồng/m3 - 3.000 đồng/m3) x 200 người x 6 m3/người/tháng x 4 tháng = 28.800.000 đồng .
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của công ty, đơn vị

a) Đối với công ty, đơn vị có người lao động được áp dụng chế độ ăn định lượng quy định tại mục I nêu trên, thì công ty, đơn vị phải tổ chức bữa ăn tại chỗ cho người lao động. Trên cơ sở mức ăn quy định, công ty, đơn vị, trích từ giá thành hoặc chi phí kinh doanh 70% còn 30% do người lao động đóng góp. Công ty, đơn vị không được trả tiền hoặc giảm bớt mức ăn bằng cách không thu 30% đóng góp của người lao động.

Trường hợp do tổ chức sản xuất, tính chất công việc, người lao động làm việc phân tán nhỏ lẻ mà công ty không thể tổ chức bữa ăn tại chỗ thì cấp tiền bằng 70% mức định lượng được hưởng. Công ty phải phối hợp với ban chấp hành công đoàn cùng cấp lập danh sách đối tượng làm công việc phải phân tán nhỏ lẻ được cấp tiền trình Hội đồng quản trị, hoặc Giám đốc công ty quyết định và công bố công khai trong công ty.

Người lao động hưởng chế độ ăn định lượng thì không hưởng chế độ ăn ca, chế độ bồi dưỡng nặng nhọc, độc hại bằng hiện vật. Khi chuyển làm công việc khác không thuộc đối tượng ăn định lượng thì thôi hưởng chế độ ăn định lượng.

b) Đối với công ty có người lao động được áp dụng chế độ thưởng an toàn quy định tại mục II nêu trên, thì hàng năm công ty phải xác định quỹ thưởng an toàn đồng thời phối hợp với Ban chấp hành công đoàn công ty xây dựng quy chế thưởng an toàn trình Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc ban hành. Trong quy chế cần căn cứ vào tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm an toàn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành để xác định rõ tiêu chí thưởng đối với tập thể, cá nhân và các trường hợp mất an toàn không được thưởng. Quy chế thưởng an toàn phải công bố công khai trong công ty và phổ biến đến từng người lao động.

c) Đối với công ty có người lao động được áp dụng phụ cấp thợ lặn, phụ cấp đi biển, thì công ty phải lập kế hoạch và chi trả cho người lao động phụ cấp thợ lặn, phụ cấp đi biển theo quy định tại mục III, IV nêu trên.

d) Công ty có trách nhiệm cung cấp nước sinh hoạt cho người lao động làm việc ở vùng thiếu nước ngọt theo quy định tại mục V nêu trên. Trường hợp do tổ chức sản xuất, tính chất công việc người lao động làm việc phân tán nhỏ lẻ hoặc ở những vùng xa xôi hẻo lánh, không thể cung cấp nước sinh hoạt thường xuyên được thì công ty cấp tiền mua nước ngọt (phần chênh lệch giữa giá mua, vận chuyển thực tế trừ đi phần tiền nước sinh hoạt đã tính trong tiền lương) cho người lao động.

2. Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

- Hướng dẫn các công ty thuộc quyền quản lý thực hiện các chế độ theo đúng quy định của Nhà nước.

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định vùng thiếu nước ngọt trên cơ sở đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động trong các công ty thuộc quyền quản lý.

3. Hạch toán: 70% mức ăn định lượng, tiền thưởng an toàn, phụ cấp thợ lặn, phụ cấp đi biển, chi phí mua nước ngọt quy định tại mục I, II, III, IV và V được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh nhưng không tính trong đơn giá tiền lương và quỹ lương theo đơn giá của công ty.

VII. HIỆU LỰC THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Bãi bỏ Thông tư số 06/LB-TT ngày 28 tháng 02 năm 1997 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính hướng dẫn chế độ bồi dưỡng đối với công nhân, viên chức một số ngành nghề đặc biệt trong các doanh nghiệp; Thông tư số 20/1999/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 09 năm 1999 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Quyết định số 121/1999/QĐ-TTg ngày 08 tháng 05 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về tiền lương và thu nhập của Tổng công ty Điện lực Việt Nam; Thông tư số 04/1999/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 09 tháng 01 năm 1999 của Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn mức khoán chi phí ăn định lượng bằng ngoại tệ đối với công nhân, viên chức làm việc trên tầu vận tải biển đi nước ngoài.

2. Các quy định tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2005.

Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, đề nghị các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các công ty phản ánh về liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính xem xét, giải quyết./.

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Sinh Hùng

Nguyễn Thị Hằng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.