• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/09/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 05/03/2020
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 35/2013/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Long An, ngày 22 tháng 7 năm 2013

 

THÔNG TƯ

Quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến

___________________

 

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Pháp lệnh Giống vật nuôi số 16/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24 tháng 3 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y số 18/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Chăn nuôi,

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức và cá nhân trong nước, tổ chức và cá nhân nước ngoài có hoạt động nuôi chim yến ở Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nuôi chim yến: là hoạt động dẫn dụ và khai thác tổ của chim yến (tổ yến).

2. Cơ sở nuôi chim yến: là cơ sở thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân có nuôi chim yến, bao gồm toàn bộ công trình xây dựng để phục vụ hoạt động nuôi chim yến mang tính chất thương mại bao gồm nhà nuôi chim yến, nhà kho và cơ sở chế biến.

3. Nhà nuôi chim yến: là công trình xây dựng được cải tạo hoặc xây mới  nhằm mục đích làm nơi dẫn dụ để chim yến trú ngụ và làm tổ.

4. Dẫn dụ chim yến: là việc sử dụng thiết bị âm thanh để hấp dẫn chim yến trú ngụ và làm tổ.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ NUÔI CHIM YẾN

Điều 3. Cơ sở nuôi chim yến

1. Chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là Phòng chuyên môn cấp huyện), nơi có cơ sở nuôi chim yến theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2.  Thời điểm khai báo

a) Tổ chức, cá nhân khai báo lần đầu khi cơ sở mới bắt đầu nuôi chim yến;

b) Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân đã nuôi chim yến trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực phải khai báo chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 năm 2013;

c) Khi có sự thay đổi về quy mô của cơ sở nuôi chim yến (diện tích nhà nuôi, số lượng chim yến), tổ chức, cá nhân nuôi chim yến phải khai báo chậm nhất vào ngày 30 tháng 10 hàng năm.

3. Vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến

Tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở để nuôi chim yến kể từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực phải phù hợp với quy hoạch hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Điều 4. Sử dụng âm thanh dẫn dụ chim yến

Cường độ âm thanh không vượt quá 70 dBA (Đề xi ben A) trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ và không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Điều 5. Vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh

1. Cơ sở nuôi chim yến phải có trang phục bảo hộ như quần áo, giày, ủng, khẩu trang. Người làm việc và khách thăm quan phải mặc trang phục bảo hộ của cơ sở và rửa tay bằng xà phòng trước khi vào và sau khi ra khỏi cơ sở nuôi chim yến.

2. Nhà nuôi chim yến phải làm vệ sinh thường xuyên và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng định kỳ ít nhất 1 lần/tuần. Không sử dụng chất khử trùng ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến. Trong trường hợp chống dịch, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

3. Dụng cụ phục vụ việc khai thác tổ yến phải được làm vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi sử dụng.

4. Chất thải từ việc nuôi chim yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các biện pháp ủ, đốt, chôn lấp hoặc phương pháp khác nhằm đảm bảo an toàn trước khi đưa ra môi trường.

5. Thực hiện quy định về giám sát tình trạng sức khỏe và xử lý dịnh bệnh

a) Cơ sở nuôi chim yến phải thường xuyên giám sát tình trạng sức khỏe của đàn chim yến. Nếu có hiện tượng chim chết bất thường, phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y để xử lý kịp thời;

b) Cơ sở nuôi chim yến phải được kiểm tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan thú y có thẩm quyền;

c) Trong trường hợp có dịch bệnh: Cơ sở nuôi chim yến phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thú y có thẩm quyền. Trong thời gian có dịch, tất cả tổ yến được khai thác từ những địa phương đã công bố dịch phải được xử lý theo hướng dẫn của cơ quan thú y có thẩm quyền trước khi tiêu thụ.

Điều 6. Khai thác và sơ chế tổ yến

1. Người lao động khi thu hoạch, chế biến và bảo quản tổ yến phải có dụng cụ và thiết bị bảo hộ đảm bảo an toàn lao động và an toàn dịch bệnh.

2. Vị trí khu vực sơ chế, bảo quản tổ yến phải cao ráo, sạch sẽ, cách biệt nhà nuôi yến, cách xa những nơi có nguy cơ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. 

3. Nước dùng trong các công đoạn sơ chế tổ yến phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến, sức khỏe người tiêu dùng.

4. Phải có trang thiết bị sử dụng trong quá trình sơ chế và bảo quản tổ yến bảo đảm vệ sinh an toàn sản phẩm.

5. Có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả động vật khác xâm nhập vào khu vực sơ chế và bảo quản tổ yến.

6. Quy trình sơ chế, bảo quản tổ yến phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo quy định pháp luật hiện hành.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Điều 7. Trách nhiệm của chủ cơ sở nuôi chim yến

1. Phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc lấy mẫu định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

2. Chịu trách nhiệm chi trả phí, lệ phí xét nghiệm dịch bệnh trên đàn chim chim yến theo quy định hiện hành.

3. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nuôi và khai thác tổ yến phải tuân thủ các quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6 và khoản 1, khoản 2 Điều 7 của Thông tư này.

4. Những cơ sở vi phạm phải bị xử lý theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan

1. Trách nhiệm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Thông tư này;

b) Phối hợp với ngành thông tin truyền thông tại địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Thông tư này đến tổ chức, cá nhân nuôi chim yến và người dân trong vùng nuôi chim yến;

c) Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến khai báo nuôi chim yến cho Phòng chuyên môn cấp huyện; kiểm tra việc thực hiện quản lý, phối hợp công tác, chế độ báo cáo của Phòng chuyên môn cấp huyện; Tập hợp số liệu thống kê về hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, báo cáo Cục Chăn nuôi trước ngày 30 tháng 11 hàng năm;

d) Chỉ đạo và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư này. Trình tự kiểm tra, đánh giá phân loại được thực hiện theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản;

đ) Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có điều kiện tự nhiên phù hợp với đặc điểm và tập tính tự nhiên của chim yến thì tổ chức nghiên cứu, đánh giá hiện trạng để xây dựng quy hoạch vùng nuôi chim yến tập trung trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

2. Trách nhiệm Cục Chăn nuôi

a) Tổ chức kiểm tra đôn đốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư này;

b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện Thông tư này, kịp thời phát hiện các tồn tại, bất cập trong quá trình quản lý để đề xuất kịp thời với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh các biện pháp xử lý;

c) Tổ chức rà soát, bổ sung, sửa đổi và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình kỹ thuật nuôi chim yến, quy trình sơ chế, bảo quản sản phẩm, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về nuôi chim yến bảo đảm an toàn sinh học.

3. Trách nhiệm Cục Thú y

a) Chỉ đạo Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở nuôi chim yến, hướng dẫn thực hiện các  biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho chim yến;

b) Cơ quan thú y trực thuộc lấy mẫu định kỳ một năm hai lần để kiểm soát dịch bệnh, lấy mẫu đột xuất khi có hiện tượng chim yến chết bất thường hoặc cơ sở nuôi chim yến nằm trong vùng đang có dịch cúm gia cầm.

Chương IV

HIỆU LỰC THI HÀNH

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày  06  tháng 9 năm 2013.

2. Đối với các cơ sở nuôi chim yến trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực mà không đảm bảo điều kiện quy định tại Thông tư này thì phải có biện pháp khắc phục chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 năm 2014.

3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Cục trưởng Cục Thú y, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

4. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Văn Tám

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.