• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 16/04/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 05/04/2002
THỦ TƯỚNG
Số: 196-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 1 tháng 4 năm 1997

QUYẾT ĐỊNH

Về việc sử dụng các dữ liệu thông tin trên vật mang tin để làm chứng từ kế toán và thanh toán của Ngân hàng và Tổ chức tín dụng

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Kế toán và Thống kê ngày 10 tháng 5 năm 1988;
Để phù hợp với yêu cầu hiện đại hoá công nghệ Ngân hàng và Tổ chức tín dụng;
Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép sử dụng các dữ liệu thông tin trên vật mang tin như băng từ, đĩa từ các loại thẻ thanh toán (sau đây gọi chung là chứng từ điện tử) để làm chứng từ kế toán và thanh toán của các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng.

Điều 2. Các chứng từ điện tử phải có đầy đủ các yếu tố đảm bảo tính Pháp lý như chứng từ kế toán bằng giấy, riêng yếu tố dấu và chữ ký được mã hoá bằng ký hiệu mật, và phải có yếu tố bảo mật, bảo đảm an toàn trong quá trình xử lý, truyền tin, lưu trữ.

Điều 3. Các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng sử dụng chứng từ điện tử có trách nhiệm:

- Thực hiện lập, xử lý, sử dụng chứng từ điện tử để hạch toán kế toán và thanh toán theo đúng quy định của pháp luật.

- Bảo mật và bảo toàn các dữ liệu thông tin về chứng từ trên vật mang tin trong quá trình sử dụng và lưu trữ.

- Phải trang bị phương tiện kỹ thuật (bao gồm cả hệ thống dự phòng) để khai thác, xử lý, sử dụng chứng từ điện tử; quản lý, kiểm tra chặt chẽ nhằm ngăn ngừa và chống các hình thức lợi dụng: khai thác, xâm nhập, sao chép, đánh cắp hoặc sử dụng chứng từ điện tử vào các việc trái với quy định về bảo mật, cung cấp thông tin số liệu Ngân hàng.

Điều 4. Các Ngân hàng, Tổ chức tín dụng khi được thanh tra, kiểm tra phải có trách nhiệm cung cấp chứng từ điện tử và hướng dẫn việc sử dụng các thiết bị có liên quan cho yêu cầu thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.

Điều 5. Các chứng từ điện tử đã sử dụng để hạch toán kế toán và thanh toán phải được in ra giấy dưới dạng bảng kê chứng từ, báo biểu kế toán để bảo quản, lưu trữ. Trên từng bảng kê chứng từ, báo biểu kế toán sau khi in ra phải được kế toán trưởng, Tổng Giám đốc, Giám đốc Ngân hàng, Tổ chức tín dụng (hoặc người được uỷ quyền) kiểm soát, ký xác nhận và đóng dấu.

Chứng từ điện tử được lưu trữ theo thời hạn bảo quản chứng từ tài liệu kế toán do Nhà nước quy định.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 7. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm ban hành quy chế lập, xử lý, sử dụng, bảo quản lưu trữ chứng từ điện tử và tổ chức thực hiện Quyết định này.

Điều 8. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.