• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 31/07/2007
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 92/2007/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 21 tháng 6 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH 

Phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình

______________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Xác định mức bảo đảm phòng, chống lũ cho hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

2. Xác định lũ thiết kế của tuyến sông gồm lưu lượng lũ thiết kế và mực nước lũ thiết kế.

3. Xác định giải pháp công trình, phi công trình để phòng, chống lũ đối với từng địa phương thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

4. Làm cơ sở để lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết thuộc phạm vi quản lý của địa phương; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác liên quan của các Bộ, ngành, địa phương.

II. PHẠM VI QUY HOẠCH

Bao gồm các tỉnh, thành phố có đê thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình: Phú Thọ, Hà Tây, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng,Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam và các tỉnh thượng nguồn của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

III. TIÊU CHUẨN PHÒNG, CHỐNG LŨ

1. Giai đoạn 2007 - 2010: bảo đảm chống lũ có chu kỳ 250 năm (tần suất 0,4%), lưu lượng tương ứng tại Sơn Tây 42.600 m3/s.

2. Giai đoạn 2010 - 2015: bảo đảm chống lũ có chu kỳ 500 năm (tần suất 0,2%), lưu lượng tương ứng tại Sơn Tây 48.500 m3/s.

3. Tiêu chuẩn phòng lũ đối với hệ thống đê:

- Tại Hà Nội: bảo đảm chống được lũ tương ứng với mực nước sông Hồng tại trạm Long Biên là 13,4 m và thoát được lưu lượng tối thiểu là 20.000 m3/s;

- Tại Phả Lại: bảo đảm chống được lũ tương ứng với mực nước sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là 7,2 m;

- Đối với hệ thống đê điều các vùng khác: bảo đảm chống được lũ tương ứng với mực nước sông Hồng tại trạm Long Biên là 13,1 m;

Phần lưu lượng vượt quá khả năng trên sẽ được sử dụng các giải pháp khác: điều tiết hồ chứa, phân lũ, chậm lũ, cải tạo lòng sông thoát lũ,....

IV. CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG LŨ

Các giải pháp phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, bao gồm: điều tiết các hồ chứa cắt giảm lũ; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn; củng cố và nâng cấp hệ thống đê điều; cải tạo lòng dẫn tăng khả năng thoát lũ; thực hiện phân lũ, chậm lũ; tràn qua các đường tràn cứu hộ và có giải pháp bảo đảm an toàn đê trong trường hợp tràn toàn tuyến; tổ chức hộ đê và cứu hộ đê điều.

1. Điều tiết các hồ chứa cắt giảm lũ: các hồ chứa nước đã và đang xây dựng trên thượng nguồn hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ tham gia điều tiết cắt giảm lũ cho hạ du. Các chỉ tiêu kỹ thuật được sử dụng để lập quy trình điều tiết lũ đối với các hồ chứa nước:

a) Hồ Hòa Bình: cao trình mực nước dâng bình thường: 117,0 m; mực nước dâng gia cường: 122,0 m; mực nước trước lũ thấp nhất: 88,0 m; dung tích cắt, giảm lũ cho hạ du: 4,9 tỷ m3;

b) Hồ Tuyên Quang: cao trình mực nước dâng bình thường:120,0 m; mực nước dâng gia cường: 122,55 m; mực nước trước lũ thấp nhất: 90,0 m; dung tích cắt, giảm lũ cho hạ du: 1,0 tỷ m3;

c) Hồ Thác Bà: cao trình mực nước dâng bình thường: 58,0 m; mực nước dâng gia cường: 61,0 m; mực nước trước lũ thấp nhất: 56,0 m; dung tích cắt, giảm lũ cho hạ du: 0,45 tỷ m3;

d) Hồ Sơn La: cao trình mực nước dâng bình thường: 215,0 m; mực nước dâng gia cường: 217,83 m; dung tích cắt, giảm lũ cho hạ du (kết hợp với hồ Hòa Bình): 7,0 tỷ m3;

đ) Tổng dung tích cắt lũ của bậc thang sông Đà là 7 tỷ m3 và hệ thống sông Lô, Gâm là 1,5 tỷ m3. Với mức cắt giảm lũ trên, nếu xuất hiện lũ có chu kỳ lặp lại 500 năm thì có thể bảo đảm mực nước tại Hà Nội không vượt quá 13,40 m;

Trong mùa mưa lũ, các hồ chứa phải thực hiện việc cắt giảm lũ cho hạ du; đồng thời phải bảo đảm an toàn cho công trình. Việc vận hành cắt giảm lũ của các hồ chứa phải tuân thủ theo quy trình vận hành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn:

- Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn là một trong những giải pháp quan trọng, lâu dài trong công tác phòng, chống lũ cho hạ du, nhằm tăng độ che phủ, chống xói mòn, chống cạn kiệt, phòng, chống lũ quét;

Tổ chức, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình trồng rừng, mục tiêu đến năm 2010, vùng Đông Bắc trồng thêm khoảng 2,0 triệu ha, vùng Tây Bắc trồng thêm khoảng 0,7 triệu ha, nâng độ che phủ của rừng lên trên 55%.

- Từ sau năm 2010, chú trọng công tác bảo vệ rừng và khai thác một cách hợp lý, bảo đảm duy trì độ che phủ và tiếp tục trồng rừng bổ sung ở những nơi có điều kiện để tăng thêm diện tích được che phủ.

3. Củng cố và nâng cấp hệ thống đê điều:

a) Đê là giải pháp chống lũ cơ bản, lâu dài đối với đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Hệ thống đê hiện tại đã bảo đảm chiều cao chống được các trận lũ lớn đã từng xảy ra;

Cần giữ cao trình đê ở mức hiện tại, chú trọng việc đầu tư củng cố, nâng cấp và kiên cố hóa hệ thống đê để bảo đảm an toàn chống lũ, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội.

b) Các giải pháp kỹ thuật củng cố, nâng cấp, kiên cố hóa đê điều bao gồm:

- Thân đê: đắp tôn cao, áp trúc mở rộng mặt cắt và đắp cơ đê để hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn thiết kế; phát hiện và xử lý ẩn họa trong thân đê; xây dựng các đường tràn sự cố phòng lũ cực hạn trên một số tuyến đê và trong khu vực phân lũ, chậm lũ; trồng cây chống sóng, trồng cỏ chống xói mòn bảo vệ mái đê, đồng thời tạo cảnh quan môi trường;

- Nền đê: áp dụng khoa học công nghệ mới, vật liệu mới để xử lý nền đối với những đoạn nền đê có địa chất yếu nhằm bảo đảm an toàn cho đê. Lấp đầm, hồ ao ven đê để tăng cường ổn định cho đê. Đắp tầng phủ nhằm kéo dài đường viền thấm; đắp tầng phản áp tăng khả năng chống trượt ở những khu vực nền đê yếu, thường xuyên bị đùn sủi;

- Cải tạo mặt đê, đường hành lang chân đê: gia cố mặt đê chủ yếu bằng bê tông để tăng ổn định cho thân đê khi mặt đê bị nước tràn qua trong trường hợp có lũ lớn, kết hợp làm đường giao thông nông thôn, làm đường sơ tán dân trong tình huống khẩn cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đê, tổ chức hộ đê. Xây dựng đường hành lang chân đê phục vụ công tác quản lý đê, hộ đê, chống lấn chiếm thân đê và kết hợp làm đường gom ở những khu dân cư;

- Phòng, chống sạt lở bờ sông: việc xử lý sạt lở bờ sông cần kết hợp hài hoà giữa giải pháp công trình và phi công trình; đồng thời phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, vùng sạt lở đe doạ trực tiếp đến an toàn đê điều và các công trình phòng, chống lụt, bão; các khu tập trung dân cư, khu đô thị được ưu tiên xử lý trước;

Phải có kế hoạch di dời dân cư trong vùng sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở; đồng thời không quy hoạch xây dựng công trình và bố trí dân cư ở những vùng có nguy cơ sạt lở.

Đối với khu vực không có dân cư, công trình thì giải pháp bảo vệ bờ chủ yếu là trồng cỏ.

- Xây dựng, nâng cấp các cống qua đê: việc đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp các cống qua đê phải bảo đảm an toàn chống lũ, an toàn cho đê điều; phù hợp với mặt cắt thiết kế đê; đủ khả năng chịu tải khi kết hợp giao thông; những nơi có điều kiện thì thiết kế hệ thống lấy nước phù sa để cải tạo đồng ruộng; cầu công tác và dàn đóng mở phải đủ cao trình để bảo đảm hoạt động trong mùa lũ; xây dựng quy trình vận hành các cống qua đê. Thực hiện kiểm tra thường xuyên các cống qua đê, những cống bị hư hỏng nhưng chưa có điều kiện làm mới hoặc sửa chữa phải cương quyết hoành triệt để bảo đảm an toàn chống lũ.

c) Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ: tăng cường nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ mới, vật liệu mới và các thiết bị tiên tiến trong quá trình quản lý, xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa công trình đê điều.

4. Cải tạo lòng dẫn:

- Rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch lại các vùng dân cư ngoài bãi sông hiện có, tạo lòng dẫn thông thoáng, tăng khả năng thoát lũ;

- Kiểm soát chặt chẽ việc củng cố các tuyến đê bối hiện có;

- Việc xây dựng các công trình giao thông ở lòng sông và bãi sông phải tuân thủ chặt chẽ pháp luật hiện hành;

- Từng bước thực hiện nạo vét cửa sông, bãi bồi để tăng khả năng thoát lũ.

5. Sử dụng các khu phân lũ, chậm lũ: khi có lũ lớn, các hồ chứa điều tiết cắt lũ cho hạ du đã sử dụng hết dung tích phòng lũ, mà dự báo lũ còn tiếp tục lên, mực nước sông Hồng tại Hà Nội có khả năng vượt 13,4 m, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định công bố lệnh báo động khẩn cấp về lũ lụt; đồng thời thực hiện phân lũ, chậm lũ theo Quy chế phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng ban hành kèm theo Nghị định số 62/1999/NĐ-CP ngày 31 tháng 07 năm 1999 của Chính phủ.

a) Phân lũ: nội dung phân lũ là chuyển một phần lưu lượng lũ từ sông Hồng vào sông Đáy qua cửa đập Đáy; chuyển một phần lưu lượng lũ từ sông Đà vào sông Tích qua đoạn đê được chủ động phá vỡ bằng mìn tại Lương Phú.

- Khả năng phân lũ vào sông Đáy: theo tính toán với địa hình lòng dẫn sông Đáy (bình đồ đo năm 1999 - 2000), nếu xảy ra những trận lũ lớn hơn lũ tháng 8 năm 1971, khi các hồ đã sử dụng hết dung tích phòng lũ thì khả năng phân lũ tối đa vào sông Đáy như sau:

 

Thứ

Lũ có chu kỳ

QMAX

Phân lũ sông Đáy

HMAX

tự

 

Sơn Tây sau khi hồ Hòa Bình cắt lũ (m3/s)

Q max

(m3/s)

W

(109 m3)

tại Hà Nội

(m)

1

200 năm

30.600

3.200

0,94

13,25

2

300 năm

35.340

3.480

1,28

13,73

3

500 năm

37.990

3.680

1,43

14,09

4

1.000 năm

42.790

3.900

1,63

14,49

 

Tiếp tục cải tạo sông Đáy để bảo đảm thoát được 5.000 m3/s khi phân lũ vào sông Đáy.

- Khả năng phân lũ qua Lương Phú: lưu lượng phân lũ thiết kế qua Lương Phú khoảng 1.000 - 1.280 m3/s với tổng lượng lũ từ 0,9 - 1,0 tỷ m3. Hiệu quả phân lũ qua Lương Phú giảm mực nước lũ tại Hà Nội từ 0,10 - 0,15 m.

b) Chậm lũ: nội dung chậm lũ là cắt một phần tổng lượng lũ từ sông Đà và sông Hồng (khoảng 200 triệu m3) vào khu chứa Tam Thanh (Phú Thọ); cắt một phần tổng lượng lũ từ sông Lô (khoảng 180 triệu m3) vào khu chứa Lập Thạch (Vĩnh Phúc).

6. Xây dựng đường tràn cứu hộ đê: việc xây dựng các đường tràn cứu hộ đê nhằm chủ động cắt một phần đỉnh lũ vào một số vùng đã định sẵn để tránh xảy ra vỡ đê đột ngột.

7. Cứng hoá mặt đê chấp nhận tràn trong trường hợp lũ lớn bất khả kháng: cứng hoá mặt đê nhằm kết hợp làm đường giao thông nông thôn, làm đường sơ tán dân trong tình huống khẩn cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đê, tổ chức hộ đê. Trong trường hợp lũ lớn bất khả kháng thì chấp nhận tràn nhưng không để vỡ đê.

8. Tổ chức hộ đê:

a) Hộ đê phải được tiến hành thường xuyên và là biện pháp cơ bản, quan trọng, đặc biệt là trong mùa lũ, bão; phải cứu hộ kịp thời khi đê điều có sự cố hoặc có nguy cơ bị sự cố;

b) Việc huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để cứu hộ đê phải được thực hiện kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ, đúng thẩm quyền theo quy định của Luật đê điều. Trong công tác cứu hộ đê, quân đội là lực lượng chủ lực; đồng thời phối hợp với lực lượng của các Bộ, ngành, các địa phương để bảo đảm an toàn cho đê điều;

c) Vật tư, phương tiện, trang thiết bị cho công tác hộ đê phải được chuẩn bị đầy đủ theo phương án hộ đê cụ thể của từng địa phương, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, coi trọng ứng dụng vật liệu mới, khoa học công nghệ, thiết bị tiên tiến cho công tác này.

9. Các phương án chống lũ:

- Chống lũ có chu kỳ 250 năm: dùng đê ngăn lũ, kết hợp với vận hành điều tiết các hồ chứa ở thượng lưu cắt giảm lũ, phân lũ vào sông Đáy;

- Chống lũ có chu kỳ 500 năm: dùng đê ngăn lũ, kết hợp với vận hành điều tiết các hồ chứa ở thượng lưu cắt giảm lũ, phân lũ vào sông Đáy và phân lũ qua Lương Phú, sử dụng các khu chậm lũ: Tam Thanh, Lập Thạch;

- Chống lũ có chu kỳ 1.000 năm: dùng đê ngăn lũ, kết hợp với vận hành điều tiết các hồ chứa ở thượng lưu cắt giảm lũ, phân lũ vào sông Đáy và phân lũ qua Lương Phú, sử dụng các khu chậm lũ: Tam Thanh, Lập Thạch, cho nước tràn qua các đường tràn cứu hộ trên đê, chấp nhận nước tràn qua mặt đê.

V. CÁC PHỤ LỤC BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH

Ban hành kèm theo Quyết định này có các phụ lục để làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết liên quan đến các hoạt động phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, bao gồm:

Phụ lục I: Thiệt hại nếu vỡ đê tại 38 vùng được đê bảo vệ thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình năm 2005 - 2020.

Phụ lục II: Thiệt hại nếu vỡ đê vùng đồng bằng sông Hồng ứng với các trường hợp lũ có độ ngập khác nhau.

Phụ lục III: Khả năng cắt lũ cho hạ du của hệ thống hồ chứa.

Phụ lục IV: Tác động của hồ chứa đến môi trường.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo nguyên tắc sau:

a) Phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; mục tiêu quốc phòng, an ninh; chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; quy hoạch phòng, chống lũ, lụt của lưu vực sông; bảo đảm tính kế thừa, tính thống nhất và không ảnh hưởng đến các vùng lân cận;

b) Phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê theo nội dung quy hoạch này;

c) Bảo đảm thoát được lũ thiết kế và lũ lịch sử đã xảy ra của tuyến sông;

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lập quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của các tuyến sông có đê để làm cơ sở cho việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, trong đó có xây dựng ở bãi sông.

 2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt quy hoạch, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết từng tuyến sông có đê của địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình sau khi có thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật đê điều.

3. Căn cứ vào Quy hoạch phòng, chống lũ sông Hồng, sông Thái Bình, các Bộ, ngành điều chỉnh quy hoạch của Bộ, ngành mình liên quan đến các hoạt động về đê điều theo quy định của Luật đê điều.

4. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương có trách nhiệm theo dõi diễn biến mưa lũ, tính toán các phương án điều tiết, chỉ đạo vận hành các công trình hồ chứa để cắt, giảm lũ cho hạ du và nâng cao hiệu quả phát điện; kiểm tra, giám sát việc vận hành các hồ chứa trong việc cắt, giảm lũ; chỉ đạo công tác phòng, chống lũ, lụt và xử lý các tình huống có ảnh hưởng đến an toàn công trình và của hệ thống đê điều ở hạ du.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

a) Công bố và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật đê điều;

b) Chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho các công trình đê điều thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình;

c) Tổ chức chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện nội dung Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch khi cần thiết.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.