• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/12/2018
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-BỘ CÔNG AN-BỘ QUỐC PHÒNG
Số: 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 19 tháng 10 năm 2018

 

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG
 

Số: 04/2018/TTLT-

VKSNDTC-BCA-BQP

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 

      

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2018

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát

trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự

 

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thống nhất ban hành Thông tư liên tịch quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khởi tố, điều tra và truy tố.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan điều tra các cấp của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra các cấp trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (sau đây gọi tắt là Cơ quan điều tra).

2. Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp (sau đây gọi tắt là Viện kiểm sát).

3. Người tiến hành tố tụng thuộc các cơ quan quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Bảo đảm tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.

2. Được thực hiện thường xuyên, bảo đảm giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật.

3. Bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và quy định của mỗi ngành.

Điều 4. Thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

1. Nếu Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự khu vực, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu tiến hành tố tụng đối với vụ án thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi quy định tại Điều 49 và Điều 51 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định chuyển vụ án đến Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp để tiến hành điều tra. 

Trường hợp Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp trung ương tiến hành tố tụng đối với vụ án thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, thì Bộ trưởng Bộ Công an (nếu Thủ trưởng Cơ quan điều tra của Công an nhân dân), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (nếu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thuộc Bộ Quốc phòng), Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao (nếu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thuộc Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao) quyết định giao một Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tiến hành tố tụng đối với vụ án.

2. Trường hợp Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết phân công Phó Thủ trưởng khác hoặc Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định trực tiếp tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Khi Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, thì Kiểm sát viên trao đổi ngay để Điều tra viên, Cán bộ điều tra từ chối tiến hành tố tụng; trường hợp Điều tra viên, Cán bộ điều tra không nhất trí thì Kiểm sát viên có văn bản yêu cầu Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra hoặc báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra.

Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp, của Kiểm sát viên, thì Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phải ra quyết định thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra; nếu không nhất trí thì Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trả lời Viện kiểm sát bằng văn bản, nêu rõ lý do.

4. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi quy định tại Điều 49 và Điều 52 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì Viện kiểm sát phải báo cáo ngay với Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để ra quyết định phân công một Phó Viện trưởng của Viện kiểm sát đó thay thế và gửi quyết định phân công cho Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án. Trường hợp Viện kiểm sát đó không có Phó Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát báo cáo Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp rút vụ án để điều tra. 

5. Trường hợp Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định phân công Phó Viện trưởng khác hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định trực tiếp tiến hành tố tụng đối với vụ án.

6. Trường hợp nhận thấy Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi thì Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị nêu rõ lý do để Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan điều tra, nếu thấy có căn cứ thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; nếu thấy không có căn cứ thì trả lời Cơ quan điều tra bằng văn bản, nêu rõ lý do.

7. Trường hợp Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành tố tụng đối với vụ án thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra phải có văn bản thông báo gửi cho Viện kiểm sát và Viện trưởng Viện kiểm sát phải có văn bản thông báo gửi cho Cơ quan điều tra.

8. Các văn bản về việc phân công, thay đổi Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra quy định tại khoản 1, 2, 3, 7 Điều này phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và đưa vào hồ sơ vụ án.

Các văn bản về việc phân công, thay đổi Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên quy định tại khoản 4, 5, 6, 7 Điều này phải được gửi cho Cơ quan điều tra và đưa vào hồ sơ vụ án.

Điều 5. Thay đổi, hủy bỏ lệnh, quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra

1. Đối với lệnh, quyết định của Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã gửi đến Viện kiểm sát mà phát hiện có căn cứ cần thay đổi hoặc hủy bỏ thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị rút lệnh, quyết định đó để ra quyết định thay đổi hoặc đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ; trường hợp Viện kiểm sát phát hiện thì yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi hoặc có văn bản đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ; trường hợp Cơ quan điều tra không đồng ý thì Viện kiểm sát xem xét, quyết định việc thay đổi hoặc hủy bỏ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Đối với lệnh, quyết định của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã gửi đến Viện kiểm sát mà phát hiện có căn cứ cần thay đổi hoặc hủy bỏ thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị rút lệnh, quyết định đó và ra quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ; trường hợp Viện kiểm sát phát hiện thì yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ; trường hợp Cơ quan điều tra không đồng ý thì Viện kiểm sát xem xét, quyết định việc thay đổi hoặc hủy bỏ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

3. Đối với lệnh, quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn mà phát hiện có căn cứ cần thay đổi hoặc hủy bỏ, thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Viện trưởng Viện kiểm sát phối hợp xử lý như sau:

a) Trường hợp Cơ quan điều tra phát hiện thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc kiến nghị Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc thay đổi hoặc hủy bỏ; nếu Viện kiểm sát không nhất trí thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do;

b) Trường hợp Viện kiểm sát phát hiện thì Viện trưởng Viện kiểm sát trao đổi với Thủ trưởng Cơ quan điều tra trước khi xem xét, quyết định việc thay đổi hoặc hủy bỏ;

c) Sau khi hủy bỏ, nếu thấy cần ra lệnh, quyết định khác thì Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra lệnh, quyết định để Viện kiểm sát phê chuẩn. Trường hợp Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Điều 6. Trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát

1. Trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, Cơ quan điều tra phải thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát theo quy định tại Điều 162, Điều 167, Điều 236 và Điều 238 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Đối với quyết định quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 159, điểm b khoản 1 Điều 161, khoản 4 và khoản 5 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự nếu không nhất trí, Cơ quan điều tra vẫn phải thực hiện nhưng có quyền kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết; nếu là Cơ quan điều tra ở cấp trung ương thì kiến nghị với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương xem xét, giải quyết. Trường hợp nhất trí với kiến nghị của Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên hủy bỏ quyết định của Viện kiểm sát cấp dưới; nếu không nhất trí thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho Cơ quan điều tra đã kiến nghị và Viện kiểm sát cấp dưới.

Điều 7. Khởi tố vụ án; thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự

1. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải xem xét, xử lý như sau:

a) Nếu thấy quyết định khởi tố vụ án hình sự có căn cứ và hợp pháp thì ra quyết định phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra vụ án và gửi cho Cơ quan điều tra;

b) Nếu thấy chưa rõ căn cứ để khởi tố vụ án thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để làm rõ;

c) Nếu thấy quyết định khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định hủy bỏ quyết định đó; trường hợp Cơ quan điều tra không nhất trí hoặc là quyết định khởi tố vụ án hình sự của Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 6 Điều 159 và khoản 1 Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định không khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải xem xét, xử lý như sau:

a) Nếu thấy quyết định không khởi tố vụ án hình sự có căn cứ thì thông báo bằng văn bản cho Cơ quan điều tra;

b) Nếu thấy chưa đủ căn cứ thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để làm rõ;

c) Nếu thấy quyết định không khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; nếu Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 153, khoản 6 Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự và gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

3. Trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì chậm nhất 03 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; nếu Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát quyết định việc khởi tố theo quy định tại khoản 3 Điều 153 và điểm d khoản 1 Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự và gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

4. Sau khi khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của Hội đồng xét xử hoặc nhận được quyết định khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử và các tài liệu có liên quan thì Viện kiểm sát chuyển ngay quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra.

5. Trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, thì yêu cầu khởi tố của bị hại hoặc người đại diện của bị hại phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ; trường hợp bị hại hoặc người đại diện của bị hại đến trực tiếp trình bày thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải lập biên bản ghi rõ nội dung yêu cầu khởi tố để họ ký hoặc điểm chỉ vào biên bản. Biên bản do Viện kiểm sát lập phải được chuyển ngay cho Cơ quan điều tra để xem xét việc khởi tố vụ án hình sự và đưa vào hồ sơ vụ án.

Sau khi khởi tố vụ án hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của họ rút yêu cầu khởi tố, nếu đang điều tra hoặc đã có bản kết luận điều tra nhưng hồ sơ chưa chuyển cho Viện kiểm sát thì Cơ quan điều tra xem xét, quyết định việc đình chỉ điều tra; nếu đã chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát xem xét, quyết định việc đình chỉ vụ án.

Điều 8. Thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự

1. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải xem xét, xử lý như sau:

a) Nếu thấy chưa rõ căn cứ thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để làm rõ;

b) Nếu thấy quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định hủy bỏ quyết định đó; trường hợp Cơ quan điều tra không nhất trí thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Khi có căn cứ thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu; chậm nhất 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự; nếu đã yêu cầu mà Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự.

3. Không thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu qua điều tra xác định được hành vi của bị can phạm vào khoản khác của tội danh đã khởi tố.

Ví dụ: Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn A về tội trộm cắp tài sản theo khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự; quá trình điều tra xác định được hành vi trộm cắp của Nguyễn Văn A phạm vào khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự hoặc phạm vào khoản 3 Điều 173 Bộ luật Hình sự, thì không phải ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Điều 9. Khởi tố bị can, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can

1. Việc khởi tố bị can, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can được thực hiện theo quy định tại các điều 179, 180 và 433 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Sau khi khởi tố bị can, việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định tại Điều 183, Điều 442 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn, nêu rõ lý lịch bị can, căn cứ khởi tố, tổng số tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can, việc thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can để Viện kiểm sát xét phê chuẩn.

3. Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thay đổi quyết định khởi tố bị can theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 180 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, nếu quyết định khởi tố vụ án hình sự chưa khởi tố về tội đó thì trước khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can phải ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Ví dụ 1: Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn A về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra xác định hành vi của A cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì trước khi Cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với A từ tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan điều tra phải ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự từ tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ 2: Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn B về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra xác định B còn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì trước khi Cơ quan điều tra ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với B về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan điều tra phải ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

4. Không thay đổi quyết định khởi tố bị can khi quá trình điều tra làm rõ hành vi của bị can phạm vào khoản khác trong cùng tội danh, điều luật đã khởi tố đối với bị can.

5. Viện kiểm sát quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can khi đã yêu cầu bằng văn bản nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện. Trường hợp Viện kiểm sát khởi tố bị can thì việc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can do Viện kiểm sát quyết định.

6. Việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, bổ sung quyết định khởi tố bị can trong trường hợp bị can có nhiều hành vi phạm tội nhưng cùng tội danh và trường hợp bị can phạm nhiều tội, được thực hiện như sau:

a) Nếu một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội nhưng cùng một tội danh và bị phát hiện cùng một thời điểm, thì chỉ ra một quyết định khởi tố vụ án hình sự, một quyết định khởi tố bị can đối với tất cả các lần phạm tội đó. Nếu trong quá trình điều tra, truy tố phát hiện bị can còn thực hiện hành vi phạm tội có cùng tội danh mà chưa bị khởi tố thì ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi phạm tội đó;

b) Nếu tại một thời điểm mà một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau và được phát hiện cùng thời điểm, thì chỉ ra một quyết định khởi tố vụ án hình sự, một quyết định khởi tố bị can đối với tất cả các hành vi phạm tội, trong đó ghi rõ từng tội danh và điều, khoản của Bộ luật Hình sự được áp dụng;

c) Nếu một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau mà hành vi phạm tội trước là để thực hiện hành vi phạm tội sau hoặc các hành vi phạm tội có liên quan đến nhau, thì chỉ ra một quyết định khởi tố vụ án hình sự, một quyết định khởi tố bị can đối với các hành vi phạm tội, trong đó ghi rõ từng tội danh và điều, khoản của Bộ luật Hình sự được áp dụng;

d) Nếu một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội ở những thời điểm khác nhau và thuộc nhiều tội danh khác nhau nhưng bị phát hiện cùng một thời điểm, thì chỉ ra một quyết định khởi tố vụ án hình sự, một quyết định khởi tố bị can đối với các hành vi phạm tội, trong đó ghi rõ từng tội danh và điều, khoản của Bộ luật Hình sự được áp dụng;

đ) Khi phát hiện bị can phạm nhiều tội, trong đó có tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp trên thì Cơ quan điều tra cấp dưới phải trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát cùng cấp để chuyển toàn bộ vụ án cho Cơ quan điều tra cấp trên tiến hành điều tra.

7. Sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, nếu Viện kiểm sát phát hiện thấy có cá nhân, pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án chưa bị khởi tố hoặc có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố hoặc còn hành vi phạm tội khác chưa bị khởi tố, thì Viện kiểm sát xem xét, quyết định việc khởi tố bị can theo quy định tại khoản 4 Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung, yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can và tiến hành các hoạt động điều tra theo thủ tục chung. Nếu đã yêu cầu mà Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can và gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

Điều 10. Giao nhận, xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can

1. Cơ quan điều tra chủ động trao đổi với Viện kiểm sát trước khi quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can.

2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can. Trường hợp xét thấy chưa đủ căn cứ để phê chuẩn, Kiểm sát viên kịp thời trao đổi với Điều tra viên những nội dung cần bổ sung chứng cứ, tài liệu và báo cáo lãnh đạo mỗi ngành để xin ý kiến, thống nhất các nội dung cần bổ sung. Yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu của Viện kiểm sát phải được thể hiện bằng văn bản. Trường hợp không bổ sung được chứng cứ, tài liệu thì Cơ quan điều tra phải có văn bản nêu rõ lý do.

Sau khi thực hiện việc bổ sung chứng cứ, tài liệu theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải có văn bản tiếp tục đề nghị phê chuẩn hoặc rút quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can kèm theo các chứng cứ, tài liệu bổ sung theo yêu cầu của Viện kiểm sát để Viện kiểm sát xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

3. Trường hợp xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với người đang bị tạm giữ thì thời hạn xét phê chuẩn không quá thời hạn tạm giữ hoặc gia hạn tạm giữ. Chậm nhất trước khi hết thời hạn tạm giữ hoặc gia hạn tạm giữ 24 giờ, Cơ quan điều tra phải chuyển hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ xét phê chuẩn, thì thời gian bổ sung chứng cứ, tài liệu không quá thời hạn gia hạn tạm giữ; nếu không bổ sung được chứng cứ, tài liệu trong thời hạn gia hạn tạm giữ thì Cơ quan điều tra phải có văn bản nêu rõ lý do và đề nghị Viện kiểm sát xem xét, quyết định.

4. Để bổ sung chứng cứ, tài liệu xem xét, quyết định việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can nếu Kiểm sát viên và Điều tra viên cùng hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại, người làm chứng, bị hại, đương sự, thì Điều tra viên có trách nhiệm sao chụp và chuyển ngay biên bản hỏi cung, biên bản lấy lời khai đó cho Kiểm sát viên; nếu Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung, lấy lời khai thì Kiểm sát viên phải chuyển ngay biên bản hỏi cung, biên bản lấy lời khai đó cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.

5. Hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can gồm các chứng cứ, tài liệu sau:

a) Văn bản đề nghị xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can;

b) Quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự;

c) Quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can;

d) Biên bản hỏi cung bị can (nếu có), biên bản lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại (nếu có); biên bản lấy lời khai của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người làm chứng, bị hại và những người tham gia tố tụng khác (nếu có);

đ) Các chứng cứ, tài liệu khác làm căn cứ khởi tố, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can.

6. Việc thống kê, đóng dấu bút lục và bàn giao tài liệu trong hồ sơ đề nghị phê chuẩn quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Thông tư liên tịch này.

7. Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải thực hiện đúng quy định tại khoản 5 Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự và phải lập biên bản về việc giao, nhận quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát.

Điều 11. Đề ra yêu cầu điều tra và thực hiện yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên

1. Kiểm sát viên phải kịp thời trao đổi với Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công điều tra vụ án về những vấn đề cần điều tra ngay từ khi nhận được quyết định khởi tố vụ án hình sự và trong quá trình điều tra, bảo đảm để Điều tra viên, Cán bộ điều tra kịp thời thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu của vụ án.

Kiểm sát viên có thể đề ra yêu cầu điều tra bằng lời nói trong quá trình trực tiếp kiểm sát các hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét, hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đương sự, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, nhận biết giọng nói. Đối với các hoạt động điều tra khác, Kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu điều tra bằng văn bản, nêu rõ ràng, cụ thể những vấn đề cần điều tra, chứng cứ, tài liệu cần thu thập. Văn bản yêu cầu điều tra phải được đưa vào hồ sơ vụ án.

2. Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công điều tra vụ án phải thực hiện yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên; nếu thấy cần thiết, Điều tra viên, Cán bộ điều tra có thể trao đổi với Kiểm sát viên để làm rõ những nội dung của yêu cầu điều tra. Trường hợp có nội dung yêu cầu điều tra mà Điều tra viên, Cán bộ điều tra không nhất trí, thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; Kiểm sát viên báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát để thống nhất về nội dung yêu cầu điều tra. Trường hợp Cơ quan điều tra không thực hiện yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát hoặc đã tiến hành các hoạt động điều tra nhưng do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát thì Cơ quan điều tra phải nêu rõ lý do trong bản kết luận điều tra.

Điều 12. Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra

1. Trong giai đoạn điều tra, khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị tạm giữ, người bị bắt, bị hại, đương sự, người làm chứng, người chứng kiến, đối chất, thực nghiệm điều tra và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Kiểm sát viên thông báo trước cho Điều tra viên trước khi tiến hành. Điều tra viên có trách nhiệm phối hợp với Kiểm sát viên để thực hiện các hoạt động điều tra khi được yêu cầu; trường hợp Điều tra viên vắng mặt thì chậm nhất 02 giờ trước khi Kiểm sát viên tiến hành một số hoạt động điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên biết.

2. Trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại khoản 3 Điều 236, khoản 1 Điều 246 Bộ luật Tố tụng hình sự mà thấy cần phối hợp với Cơ quan điều tra thì chậm nhất 24 giờ trước khi tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát thông báo cho Cơ quan điều tra thời gian, địa điểm tiến hành một số hoạt động điều tra để phân công Điều tra viên cùng phối hợp thực hiện; trường hợp Điều tra viên vắng mặt thì chậm nhất 02 giờ trước khi Kiểm sát viên tiến hành một số hoạt động điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên biết.

3. Biên bản tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm sát viên phải được đưa vào hồ sơ vụ án.

Điều 13. Thông báo; chuyển biên bản về các hoạt động điều tra

1. Chậm nhất 24 giờ trước khi tiến hành đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên thời gian, địa điểm tiến hành. Trường hợp Kiểm sát viên không thể tham gia được, thì chậm nhất 02 giờ trước khi Điều tra viên tiến hành, Kiểm sát viên phải thông báo cho Điều tra viên biết lý do để ghi vào biên bản.

2. Ngay sau khi Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh khám xét, Điều tra viên trao đổi, thống nhất với Kiểm sát viên về thời gian và địa điểm tiến hành khám xét để Kiểm sát viên tham gia. Trường hợp bất khả kháng, Kiểm sát viên vắng mặt thì chậm nhất 02 giờ trước khi Điều tra viên tiến hành, Kiểm sát viên phải thông báo cho Điều tra viên biết lý do để ghi vào biên bản.

3. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia kiểm sát các hoạt động điều tra nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, thì sau khi kết thúc hoạt động điều tra, Điều tra viên phải chuyển biên bản, tài liệu về các hoạt động điều tra này cho Kiểm sát viên theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 14. Tính thời hạn tố tụng trong trường hợp nhập vụ án hình sự, bị can phạm vào tội nặng hơn hoặc nhẹ hơn, khởi tố, điều tra bổ sung về một tội phạm khác

1. Trường hợp nhập vụ án hình sự để điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì thời hạn điều tra của vụ án và thời hạn tạm giam bị can được tính theo tội nặng nhất đã khởi tố đối với bị can. Thời hạn điều tra được tính từ ngày khởi tố vụ án đầu tiên.

2. Trường hợp đang điều tra vụ án mà xác định hành vi của bị can phạm vào khoản có khung hình phạt nặng hơn trong cùng một điều luật và trường hợp quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can sang tội nặng hơn ở điều luật khác, thì thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam được tính theo tội nặng hơn nhưng phải trừ thời hạn đã điều tra, tạm giam trước đó.

Ví dụ 1: Ngày 01/01/2018, Cơ quan điều tra khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giam đối với Nguyễn Văn A về tội trộm cắp tài sản theo khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự (loại tội phạm nghiêm trọng). Đến ngày 30/01/2018, căn cứ kết quả điều tra xác định hành vi trộm cắp của bị can phạm vào khoản 3 Điều 173 Bộ luật Hình sự (loại tội phạm rất nghiêm trọng); do đó, từ ngày 30/01/2018, thời hạn điều tra, tạm giam đối với bị can Nguyễn Văn A được tính theo tội phạm rất nghiêm trọng và phải trừ thời gian đã điều tra, đã tạm giam bị can Nguyễn Văn A trước đó (01 tháng).

Ví dụ 2: Ngày 01/01/2018, Cơ quan điều tra khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giam đối với Nguyễn Văn B về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Ngày 30/01/2018, Cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn B sang tội giết người theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự; do đó, thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam bị can được tính theo tội giết người kể từ ngày 30/01/2018 và phải trừ thời gian đã điều tra, đã tạm giam bị can về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trước đó (01 tháng).

3. Trường hợp đang điều tra vụ án mà quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về một tội phạm khác, thì thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam được tính theo tội nặng nhất. Tổng thời hạn điều tra không vượt quá thời hạn quy định tại Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự; tổng thời hạn tạm giam theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng không vượt quá thời hạn điều tra.

4. Trường hợp thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội nặng hơn sang tội nhẹ hơn hoặc xác định được hành vi của bị can phạm vào khoản có khung hình phạt nhẹ hơn trong cùng tội danh, thì thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam được tính theo tội nhẹ hơn. Ngay sau khi thay đổi quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát để xem xét, quyết định về việc áp dụng hoặc hủy bỏ, thay thế biện pháp ngăn chặn đối với bị can phù hợp với tội nhẹ hơn.

Điều 15. Áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp

1. Khi đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan điều tra phải có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ, tài liệu chứng minh căn cứ bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, cụ thể là:

a) Nếu giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự thì trong hồ sơ phải có chứng cứ, tài liệu chứng minh rõ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Nếu giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự thì trong hồ sơ phải có biên bản ghi lời khai của người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm và các tài liệu hoặc căn cứ xác định người đó bỏ trốn nếu không bị giữ;

c) Nếu giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự thì trong hồ sơ phải có chứng cứ, tài liệu xác định có dấu vết, tài liệu, đồ vật của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm đó; tài liệu, căn cứ xác định người đó bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

2. Trường hợp Kiểm sát viên trực tiếp gặp, hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp để xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, thì Kiểm sát viên thông báo cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra để phối hợp thực hiện. Điều tra viên, Cán bộ điều tra có trách nhiệm phối hợp với Kiểm sát viên trong việc gặp, hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Biên bản ghi lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp do Kiểm sát viên lập phải được đưa vào hồ sơ vụ án.

3. Việc ra quyết định tạm giữ người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được thực hiện trong thời hạn 12 giờ kể từ khi Cơ quan điều tra giữ người hoặc nhận người bị giữ (chưa cần có quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp của Viện kiểm sát). Quyết định tạm giữ người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được ra trước hoặc cùng với lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.

4. Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Điều tra viên phải lập biên bản bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp tại cơ sở giam giữ. Người chứng kiến việc lập biên bản là cán bộ của cơ sở giam giữ.

5. Trường hợp Cơ quan điều tra đang thụ lý hồ sơ vụ án đề nghị Cơ quan điều tra khác hoặc những người quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự phối hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, thì ngay sau khi thực hiện việc giữ người, Cơ quan điều tra và những người được đề nghị phối hợp phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra đã đề nghị đến nhận người bị giữ và các tài liệu có liên quan; đồng thời phối hợp trong việc áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp về đến trụ sở Cơ quan điều tra. Tài liệu đề nghị phối hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải được đưa vào hồ sơ vụ án.

Cơ quan điều tra đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp có thể fax hoặc gửi bản ảnh lệnh đó qua phương tiện điện tử cho cơ quan, người được đề nghị phối hợp thực hiện việc giữ người nhưng sau đó phải gửi bản chính để đưa vào hồ sơ vụ án.

Điều 16. Phê chuẩn lệnh tạm giam trong trường hợp người đang bị tạm giữ bị khởi tố bị can

1. Trường hợp khởi tố bị can đối với người đang bị tạm giữ thì chậm nhất 24 giờ trước khi hết thời hạn tạm giữ hoặc gia hạn tạm giữ, Cơ quan điều tra phải chuyển hồ sơ đề nghị phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam cho Viện kiểm sát cùng cấp. Khi hồ sơ đã chuyển cho Viện kiểm sát để xét phê chuẩn, nếu có chứng cứ, tài liệu bổ sung thì Cơ quan điều tra phải chuyển ngay cho Viện kiểm sát. Việc xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can được tiến hành cùng với việc xét phê chuẩn lệnh tạm giam bị can.

Trường hợp chưa hết thời hạn tạm giữ, Cơ quan điều tra đề nghị phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, nếu chưa đủ căn cứ khởi tố, tạm giam bị can nhưng có căn cứ gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định gia hạn tạm giữ và gửi ngay cho Viện kiểm sát phê chuẩn. Trong thời hạn gia hạn tạm giữ, Cơ quan điều tra phải khẩn trương thu thập, củng cố chứng cứ, tài liệu và chuyển ngay cho Viện kiểm sát để xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam.

2. Trường hợp Viện kiểm sát không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam thì ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can, quyết định không phê chuẩn lệnh tạm giam và yêu cầu Cơ quan điều tra trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát ra quyết định trả tự do cho người bị tạm giữ.

3. Trường hợp xét thấy việc khởi tố bị can có căn cứ, nhưng không cần thiết phải tạm giam bị can thì Viện kiểm sát ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định không phê chuẩn lệnh tạm giam; nếu thấy cần thiết thì yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn khác đối với bị can.

4. Hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam quy định tại khoản 1 Điều này gồm:

a) Văn bản đề nghị xét phê chuẩn nêu rõ lý do, kèm theo hồ sơ liên quan đến việc tạm giam; lệnh tạm giam bị can;

b) Hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Thông tư liên tịch này.

Điều 17. Tính thời hạn tạm giam trong trường hợp bị can đã bị tạm giữ và cách ghi thời hạn trong lệnh tạm giam, lệnh bắt bị can để tạm giam

1. Thời hạn tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam để điều tra. Nếu việc tạm giam liên tục với việc tạm giữ thì thời hạn tạm giam được tính tiếp từ ngày hết thời hạn tạm giữ. Nếu việc tạm giam không liên tục với việc tạm giữ thì thời hạn tạm giam được tính kể từ ngày bắt bị can để tạm giam cho đến ngày kết thúc được ghi trong lệnh (đã trừ đi số ngày bị tạm giữ). Thời điểm cuối cùng của thời hạn tạm giam là 24 giờ 00 phút của ngày cuối cùng được ghi trong lệnh. Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam phải căn cứ vào thời hạn thực tế được ghi trong quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam, lệnh bắt bị can để tạm giam và tính liên tục cả ngày nghỉ (thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày tết), 01 tháng tạm giam được tính bằng 30 ngày.

2. Cách ghi thời hạn trong lệnh tạm giam, lệnh bắt bị can để tạm giam trong trường hợp trước đó bị can đã bị tạm giữ được thực hiện như sau: thời hạn tạm giam được tính theo ngày, bắt đầu kể từ ngày cuối cùng của thời hạn tạm giữ hoặc ngày bắt bị can để tạm giam và kết thúc vào ngày cuối cùng của thời hạn tạm giam (sau khi đã trừ đi số ngày tạm giữ).

Ví dụ 1: Nguyễn Văn A bị tạm giữ 03 ngày, từ 10 giờ 00 phút ngày 01/3/2018 đến 10 giờ 00 phút ngày 04/3/2018, sau đó A bị khởi tố bị can và bị ra lệnh tạm giam 02 tháng, thì thời hạn tạm giam thực tế đối với bị can là 01 tháng 27 ngày (đã trừ 03 ngày tạm giữ). Do đó, thời hạn trong lệnh tạm giam, quyết định phê chuẩn lệnh tạm giam ghi là: tạm giam trong thời hạn 01 tháng 27 ngày, kể từ ngày 04/3/2018 đến hết ngày 29/4/2018 đối với bị can Nguyễn Văn A.

Ví dụ 2: Trần Thị B bị tạm giữ 06 ngày, từ 14 giờ 00 phút ngày 05/3/2018 đến 14 giờ 00 phút ngày 11/3/2018 thì được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Đến ngày 11/4/2018 bị can B bị bắt để tạm giam thời hạn là 02 tháng, thì thời hạn tạm giam đối với bị can B là 01 tháng 24 ngày (đã trừ 06 ngày tạm giữ). Do đó, thời hạn trong lệnh bắt bị can để tạm giam, quyết định phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam ghi là: tạm giam trong thời hạn 01 tháng 24 ngày, kể từ ngày 11/4/2018 đến hết ngày 03/6/2018 đối với bị can Trần Thị B.

Điều 18. Sử dụng lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra và quyết định gia hạn thời hạn tạm giam của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố

1. Khi kết thúc điều tra đề nghị truy tố và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải thông báo cho cơ sở giam giữ nơi bị can đang bị tạm giam.

2. Ngay sau khi nhận hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên phải kiểm tra thời hạn tạm giam bị can để báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát xem xét, quyết định như sau:

a) Nếu thời hạn tạm giam để điều tra theo lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra hoặc theo quyết định gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát vẫn còn mà bằng hoặc dài hơn thời hạn quyết định việc truy tố quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự đối với tội phạm đang xem xét quyết định việc truy tố và xét thấy cần thiết phải tiếp tục tạm giam bị can trong giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát tiếp tục sử dụng lệnh tạm giam hoặc quyết định gia hạn tạm giam đó mà không phải ra lệnh tạm giam mới;

b) Nếu thời hạn tạm giam để điều tra theo lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra hoặc theo quyết định gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát vẫn còn nhưng không đủ để hoàn thành việc truy tố thì trước khi hết thời hạn tạm giam ít nhất 05 ngày, Viện kiểm sát ra lệnh tạm giam mới; thời hạn tạm giam còn lại và thời hạn tạm giam mới không vượt quá thời hạn quyết định việc truy tố quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự đối với tội phạm đang xem xét quyết định việc truy tố. Sau khi ra lệnh tạm giam mới, Viện kiểm sát giao ngay lệnh tạm giam cho bị can, cơ sở giam giữ nơi bị can đang bị tạm giam;

c) Trường hợp vụ án có bị can phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng và bị can phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng, thì chậm nhất 05 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam đối với bị can phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, Kiểm sát viên phải báo cáo để Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định truy tố đối với các bị can trong vụ án hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn khác đối với bị can phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng.

Điều 19. Sử dụng lệnh tạm giam, quyết định gia hạn tạm giam trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi còn thời hạn tạm giam và việc tạm giam bị can khi chuyển vụ án để điều tra, truy tố theo thẩm quyền

1. Trường hợp Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung mà còn thời hạn tạm giam theo lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra hoặc quyết định gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát, thì Cơ quan điều tra tiếp tục sử dụng lệnh tạm giam hoặc quyết định gia hạn tạm giam đó mà không phải ra lệnh tạm giam mới; nếu thời hạn điều tra bổ sung chưa hết mà thời hạn tạm giam theo lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra hoặc theo quyết định gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát không đủ để hoàn thành việc điều tra bổ sung thì trước khi hết thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam ít nhất 05 ngày, Cơ quan điều tra ra lệnh tạm giam và đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn; thời hạn tạm giam trong trường hợp này được tính từ ngày kế tiếp của ngày tạm giam cuối cùng ghi trong lệnh tạm giam hoặc quyết định gia hạn tạm giam trước đó và không được quá thời hạn điều tra bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 174 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Trường hợp chuyển vụ án để điều tra, truy tố theo thẩm quyền thì việc tạm giam bị can được thực hiện như sau:

a) Nếu còn thời hạn tạm giam để điều tra theo lệnh tạm giam hoặc quyết định gia hạn tạm giam trước đó của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nơi chuyển vụ án và xét thấy cần tiếp tục tạm giam bị can thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nơi nhận thụ lý vụ án tiếp tục sử dụng lệnh tạm giam hoặc quyết định gia hạn tạm giam trước đó mà không phải ra lệnh tạm giam mới; nếu thời hạn tạm giam còn lại không đủ để kết thúc điều tra và xét thấy cần tiếp tục tạm giam bị can thì trước khi hết thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam ít nhất 05 ngày, Cơ quan điều tra nơi nhận thụ lý vụ án có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp gia hạn tạm giam theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự;

b) Nếu còn thời hạn tạm giam để truy tố theo lệnh tạm giam hoặc quyết định gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát nơi chuyển vụ án và xét thấy cần tiếp tục tạm giam thì Viện kiểm sát nơi nhận thụ lý vụ án tiếp tục sử dụng lệnh tạm giam hoặc quyết định gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát nơi chuyển vụ án mà không phải ra lệnh tạm giam mới; nếu thời hạn tạm giam còn lại không đủ để hoàn thành việc truy tố và xét thấy cần tiếp tục tạm giam bị can, thì Viện kiểm sát nơi nhận thụ lý vụ án phải ra lệnh tạm giam đối với bị can.

Điều 20. Gia hạn thời hạn áp dụng, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn điều tra

1. Trong giai đoạn điều tra, trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn 10 ngày, Cơ quan điều tra phải có văn bản nêu rõ căn cứ, lý do và đề nghị Viện kiểm sát gia hạn thời hạn áp dụng, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn.

2. Khi đình chỉ điều tra vụ án hoặc đình chỉ điều tra đối với bị can, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ mọi biện pháp ngăn chặn đã được phê chuẩn, nêu rõ lý do, kèm theo các chứng cứ, tài liệu chứng minh căn cứ đình chỉ điều tra vụ án hoặc đình chỉ điều tra đối với bị can.

3. Hồ sơ đề nghị gia hạn thời hạn áp dụng, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn gồm:

a) Văn bản đề nghị của Cơ quan điều tra nêu rõ căn cứ, lý do đề nghị gia hạn thời hạn áp dụng, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn;

b) Chứng cứ, tài liệu là căn cứ để Cơ quan điều tra đề nghị gia hạn thời hạn áp dụng, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn.

Điều 21. Áp dụng biện pháp bảo lĩnh

1. Trường hợp Cơ quan điều tra quyết định cho bị can được bảo lĩnh thì ngay sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh, Cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ, tài liệu gửi Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị xét phê chuẩn.

2. Hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định về việc bảo lĩnh gồm:

a) Văn bản đề nghị xét phê chuẩn và quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh;

b) Giấy cam đoan có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh đối với trường hợp cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh cho bị can;

c) Giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người nhận bảo lĩnh cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người nhận bảo lĩnh làm việc, học tập đối với trường hợp cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can (phải có giấy cam đoan của ít nhất 02 người bảo lĩnh);

d) Giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ của bị can được bảo lĩnh theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự;

đ) Chứng cứ, tài liệu về hành vi phạm tội, nhân thân của bị can để xác định tính chất, mức độ hành vi của bị can không cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giam.

3. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hoặc có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh.

4. Khi có căn cứ xác định bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản 3 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì Cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo các tài liệu xác định vi phạm của bị can và đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ biện pháp bảo lĩnh. Cơ quan điều tra phải ra lệnh bắt bị can để tạm giam và có văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn; thời hạn tạm giam trong trường hợp này không được quá thời hạn điều tra vụ án.

5. Trường hợp Viện kiểm sát có căn cứ xác định bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện các thủ tục hủy bỏ biện pháp bảo lĩnh và áp dụng biện pháp tạm giam theo quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Trường hợp đã kết thúc điều tra chuyển sang giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát thấy cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp bảo lĩnh đối với bị can thì Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh. Thời hạn bảo lĩnh không quá thời hạn quyết định việc truy tố, tính từ ngày kế tiếp của ngày cuối cùng ghi trong quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh của Cơ quan điều tra.

Điều 22. Áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm

1. Trường hợp Cơ quan điều tra quyết định cho bị can hoặc người thân thích của bị can được đặt tiền để bảo đảm, thì ngay sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm, Cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ, tài liệu gửi Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị xét phê chuẩn.

2. Hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm gồm:

a) Văn bản đề nghị xét phê chuẩn và quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm;

b) Chứng cứ, tài liệu thể hiện tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can;

c) Tài liệu xác định bị can hoặc người thân thích của bị can đã đặt tiền để bảo đảm;

d) Giấy cam đoan của bị can về việc cam đoan thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự;

đ) Giấy cam đoan của người thân thích của bị can theo quy định tại khoản 5 Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự đối với trường hợp người thân thích của bị can đặt tiền để bảo đảm.

3. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hoặc có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm.

4. Khi có căn cứ xác định bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản 2 Điều 122 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì Cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo các tài liệu xác định vi phạm của bị can và đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ biện pháp đặt tiền để bảo đảm. Cơ quan điều tra phải ra lệnh bắt bị can để tạm giam và có văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn; thời hạn tạm giam trong trường hợp này không được quá thời hạn điều tra vụ án.

5. Trường hợp Viện kiểm sát có căn cứ xác định bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện các thủ tục hủy bỏ biện pháp đặt tiền để bảo đảm và áp dụng biện pháp tạm giam theo quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Trường hợp đã kết thúc điều tra chuyển sang giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát thấy cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm đối với bị can thì Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm. Thời hạn đặt tiền để bảo đảm không quá thời hạn quyết định việc truy tố, tính từ ngày kế tiếp của ngày cuối cùng ghi trong quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm của Cơ quan điều tra.

Điều 23. Áp dụng một số biện pháp ngăn chặn khi gia hạn thời hạn điều tra, gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố

1. Khi gia hạn thời hạn điều tra, gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố mà thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm của bị can đã hết thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra lệnh, quyết định mới. Cơ quan điều tra đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn đối với quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh và quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm trước khi thi hành. Thời hạn áp dụng các lệnh, quyết định mới của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đối với các bị can không quá thời hạn gia hạn điều tra, gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố.

2. Nếu thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh, bảo lĩnh, đặt tiền để đảm bảo của Cơ quan điều tra vẫn còn mà bằng hoặc dài hơn thời hạn quyết định việc truy tố theo quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự, mà xét thấy cần tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn đó, thì Viện kiểm sát tiếp tục sử dụng lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra.

Nếu thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh, bảo lĩnh, đặt tiền để đảm bảo của Cơ quan điều tra vẫn còn nhưng không đủ thời hạn để hoàn thành việc truy tố, mà xét thấy cần tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn đó, thì chậm nhất 05 ngày trước khi hết thời hạn được ghi trong lệnh, quyết định, Viện kiểm sát phải ra lệnh, quyết định mới.

Điều 24. Áp dụng biện pháp tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân thương mại liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại; buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án

1. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân thương mại hoặc quyết định buộc pháp nhân thương mại phải nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra phải có hồ sơ gồm các chứng cứ, tài liệu sau đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn:

a) Văn bản đề nghị xét phê chuẩn nêu rõ lý do, căn cứ;

b) Quyết định tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân thương mại hoặc quyết định buộc pháp nhân thương mại phải nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án;

c) Chứng cứ, tài liệu chứng minh căn cứ áp dụng biện pháp tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân thương mại hoặc quyết định buộc pháp nhân thương mại phải nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án.

2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hoặc có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để xét phê chuẩn quyết định tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân thương mại hoặc quyết định buộc pháp nhân thương mại phải nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án.

Điều 25. Quyết định, phê chuẩn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

1. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định tại Điều 223 và Điều 224 Bộ luật Tố tụng hình sự, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên phải có hồ sơ đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hoặc có văn bản yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên bổ sung chứng cứ, tài liệu để xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

3. Hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt gồm:

a) Văn bản đề nghị xét phê chuẩn nêu rõ lý do, căn cứ áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các thông tin, tài liệu cần thiết thu thập khi áp dụng biện pháp này;

b) Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự;

c) Các tài liệu khác là căn cứ để Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên đề nghị xét phê chuẩn.

4. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý, điều tra mà thấy cần thiết và có căn cứ áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự khu vực trao đổi với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực về căn cứ và biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể áp dụng. Đồng thời, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự khu vực có văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu; thời hạn, trình tự, thủ tục đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 26. Thực hiện biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

1. Quá trình thực hiện biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên phải thường xuyên kiểm tra việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, thông báo thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và thống nhất việc sử dụng, xử lý đối với thông tin, tài liệu thu thập được theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Trường hợp xét thấy cần gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, thì trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt 10 ngày, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên phải có văn bản nêu rõ lý do kèm theo chứng cứ, tài liệu là căn cứ đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp xem xét, quyết định việc gia hạn. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị kèm theo chứng cứ, tài liệu của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phải ra quyết định gia hạn hoặc không gia hạn hoặc có văn bản yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên bổ sung chứng cứ, tài liệu để xét gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Điều 27. Hủy bỏ, kết thúc việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

1. Khi xét thấy không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

2. Khi thấy có căn cứ để hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn ra quyết định hủy bỏ quyết định đó và gửi cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định hủy bỏ để chuyển ngay quyết định đó đến cơ quan tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt để kết thúc ngay việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Điều 28. Việc quyết định áp dụng thủ tục rút gọn

1. Trường hợp xét thấy vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự mà Cơ quan điều tra không ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, thì Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hoặc có văn bản nêu rõ lý do không áp dụng thủ tục rút gọn. Trường hợp nhận được văn bản nêu rõ lý do không áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra mà Viện kiểm sát thấy phải áp dụng thủ tục rút gọn thì Viện kiểm sát ra quyết định và chuyển cho Cơ quan điều tra để thực hiện.

2. Trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra không có căn cứ và trái pháp luật, thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định, Viện kiểm sát phải ra quyết định hủy bỏ quyết định đó.

3. Trong giai đoạn điều tra, nếu thấy không còn một trong các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc vụ án, bị can được tạm đình chỉ điều tra, thì việc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn được thực hiện như sau:

a) Trường hợp Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; nếu Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ;

b) Trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ.

4. Trong giai đoạn truy tố, nếu thấy không còn một trong các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc vụ án, bị can được tạm đình chỉ, thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

Điều 29. Chuyển vụ án để điều tra, truy tố theo thẩm quyền; nhập, tách vụ án hình sự

1. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra, Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát cùng cấp để có văn bản gửi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền, kèm theo các tài liệu xác định thẩm quyền điều tra để trao đổi về việc chuyển hồ sơ vụ án để điều tra theo thẩm quyền. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trao đổi, Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra phải trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp để có văn bản trả lời. Tùy từng trường hợp, việc chuyển vụ án được xử lý như sau:

a) Trường hợp Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra nhất trí tiếp nhận hồ sơ vụ án để điều tra thì Cơ quan điều tra đang điều tra có văn bản đề nghị chuyển vụ án gửi Viện kiểm sát cùng cấp để quyết định việc chuyển vụ án theo thẩm quyền;

b) Trường hợp Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra không nhất trí tiếp nhận hồ sơ vụ án để điều tra thì phải có văn bản nêu rõ lý do; nếu lý do không có căn cứ thì Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án có văn bản đề nghị chuyển vụ án gửi Viện kiểm sát cùng cấp để quyết định việc chuyển vụ án theo thẩm quyền, Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra phải tiếp nhận hồ sơ vụ án khi có quyết định chuyển vụ án của Viện kiểm sát; nếu lý do không nhất trí do tranh chấp về thẩm quyền điều tra, thì Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án phối hợp cùng Viện kiểm sát cùng cấp báo cáo, đề nghị Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét giải quyết về thẩm quyền điều tra theo quy định tại khoản 3 Điều 166 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Trường hợp Viện kiểm sát chuyển vụ án để truy tố theo thẩm quyền thì Cơ quan điều tra kết thúc điều tra vụ án có trách nhiệm phối hợp cùng Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án thực hiện yêu cầu, quyết định chuyển vật chứng (nếu có) và quyết định khác của Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố.

3. Trường hợp có căn cứ để nhập, tách vụ án hình sự theo quy định tại Điều 170, Điều 242 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trao đổi, thống nhất trước khi ra quyết định. Trường hợp có đủ căn cứ, điều kiện nhập, tách vụ án hình sự nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định nhập, tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra.

Điều 30. Phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Kiểm sát viên trong trường hợp ủy thác điều tra

Khi nhận được ủy thác điều tra mà xét thấy hoạt động điều tra được ủy thác phức tạp, kéo dài thì Cơ quan điều tra được ủy thác phải phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên tiến hành điều tra những việc được ủy thác; Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác phải phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiến hành hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra được ủy thác.

Điều 31. Chuẩn bị kết thúc điều tra vụ án

1. Chậm nhất 10 ngày đối với vụ án ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, 15 ngày đối với vụ án rất nghiêm trọng, 20 ngày đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng trước khi kết thúc điều tra hoặc hết thời hạn điều tra vụ án, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp để đánh giá toàn bộ chứng cứ, tài liệu và các thủ tục tố tụng của vụ án, nếu thấy có đủ căn cứ kết thúc điều tra thì thống nhất để Điều tra viên báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra kết thúc điều tra vụ án; nếu thấy cần phải tiếp tục điều tra thì báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát để gia hạn thời hạn điều tra, tạm giam bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp hoặc Điều tra viên và Kiểm sát viên không thống nhất quan điểm đánh giá chứng cứ, tội danh, thì Điều tra viên trao đổi với Kiểm sát viên báo cáo Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát để Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát tổ chức họp đánh giá kết quả điều tra vụ án, chỉ đạo giải quyết những vấn đề chưa thống nhất, khó khăn, vướng mắc, bảo đảm việc kết thúc điều tra, giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.

2. Điều tra viên, Kiểm sát viên phải lập biên bản thống nhất nội dung đánh giá chứng cứ, tài liệu và lưu hồ sơ nghiệp vụ của Cơ quan điều tra, hồ sơ kiểm sát.

Điều 32. Tạm đình chỉ điều tra

1. Khi có căn cứ tạm đình chỉ điều tra, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp rà soát chứng cứ, tài liệu bảo đảm việc tạm đình chỉ điều tra có căn cứ, đúng quy định tại Điều 229, Điều 443 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trước khi ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can, Cơ quan điều tra phải xử lý các vấn đề liên quan (nếu có) theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phải mở sổ theo dõi và quản lý các vụ án, bị can tạm đình chỉ điều tra. Điều tra viên và Kiểm sát viên thường xuyên rà soát để thống nhất các vụ án, bị can tạm đình chỉ điều tra. Khi thấy lý do tạm đình chỉ điều tra không còn thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra bị can. Đối với trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc do thay đổi quy định của pháp luật mà hành vi phạm tội không bị coi là tội phạm nữa, thì Cơ quan điều tra trao đổi với Viện kiểm sát trước khi ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 33. Đình chỉ điều tra

1. Khi có căn cứ đình chỉ điều tra, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp rà soát chứng cứ, tài liệu bảo đảm việc đình chỉ điều tra có căn cứ, đúng quy định tại Điều 230, Điều 443 Bộ luật Tố tụng hình sự; nếu thấy đủ căn cứ thì Điều tra viên báo cáo Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can; nếu thấy không đủ căn cứ thì Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra.

2. Khi ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can, Cơ quan điều tra phải hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), xử lý vật chứng, những vấn đề khác có liên quan và thực hiện việc thông báo, gửi cho Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; đối với biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế do Viện kiểm sát phê chuẩn, Cơ quan điều tra phải có văn bản thông báo để Viện kiểm sát quyết định việc hủy bỏ.

Điều 34. Chuyển, giao nhận biên bản, tài liệu trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự

1. Việc chuyển biên bản, tài liệu về hoạt động điều tra mà Viện kiểm sát không trực tiếp kiểm sát giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự được chuyển giao trực tiếp hoặc được gửi bảo đảm qua dịch vụ bưu chính; trường hợp do trở ngại khách quan, Điều tra viên không thể chuyển giao biên bản, tài liệu cho Viện kiểm sát thì có thể chuyển giao bằng hình thức fax.

2. Trường hợp chuyển giao trực tiếp thì ngày chuyển là ngày lập biên bản giao nhận.

Trường hợp gửi bảo đảm qua dịch vụ bưu chính thì ngày chuyển là ngày theo dấu bưu điện nơi gửi; bì thư gửi biên bản, tài liệu được đưa vào hồ sơ vụ án. Người trực tiếp nhận biên bản, tài liệu của Viện kiểm sát phải kiểm tra niêm phong; nếu niêm phong không còn nguyên vẹn thì phải lập biên bản ngay xác nhận tình trạng, có xác nhận của nhân viên bưu chính và báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát, đồng thời thông báo ngay cho Cơ quan điều tra để phối hợp giải quyết. Trường hợp niêm phong còn nguyên vẹn nhưng biên bản, tài liệu thiếu so với bản thống kê biên bản, tài liệu thì phải báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát để lập biên bản ngay và thông báo cho Cơ quan điều tra biết để phối hợp giải quyết.

Trường hợp chuyển giao bằng hình thức fax, ngay sau khi không còn trở ngại khách quan, Điều tra viên phải chuyển biên bản, tài liệu gốc cho Viện kiểm sát. Kiểm sát viên phải kiểm tra, đối chiếu, nếu thấy biên bản, tài liệu tiếp nhận đúng với biên bản, tài liệu nhận được qua bản fax thì xác nhận ngày Cơ quan điều tra đã chuyển biên bản, tài liệu là ngày Viện kiểm sát nhận biên bản, tài liệu bằng bản fax.

3. Việc giao nhận biên bản, tài liệu phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 35. Thống kê, đóng dấu và đánh số bút lục hồ sơ vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố

1. Việc thống kê và đóng dấu bút lục vào biên bản, tài liệu trong hồ sơ vụ án trong giai đoạn điều tra được thực hiện như sau:

a) Trước khi chuyển cho Viện kiểm sát biên bản, tài liệu về hoạt động điều tra mà Viện kiểm sát không trực tiếp kiểm sát, biên bản, tài liệu điều tra để Viện kiểm sát kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án hoặc hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra thì Điều tra viên phải thống kê đầy đủ tên biên bản, tài liệu, ghi số thứ tự trong bản thống kê biên bản, tài liệu và đóng dấu bút lục của Cơ quan điều tra (nhưng chưa đánh số bút lục) vào góc trên bên phải của từng trang biên bản, tài liệu;

b) Kiểm sát viên đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát (không phải đánh số bút lục) vào góc dưới bên phải của từng trang biên bản, tài liệu quy định tại điểm a khoản này và biên bản, tài liệu do Kiểm sát viên thu thập trong quá trình điều tra trước khi chuyển cho Cơ quan điều tra.

2. Việc thống kê, đánh số và đóng dấu bút lục biên bản, tài liệu trong hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra và trong giai đoạn truy tố được thực hiện như sau:

a) Khi kết thúc điều tra, các biên bản, tài liệu trong quá trình khởi tố, điều tra do Điều tra viên, Kiểm sát viên thu thập đều phải đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng trình tự tố tụng. Điều tra viên đóng dấu bút lục của Cơ quan điều tra ở góc trên bên phải của từng trang biên bản, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đánh số bút lục một lần và lập bảng thống kê đầy đủ các biên bản, tài liệu theo thứ tự từ 01 cho đến hết. Quá trình đóng dấu và đánh số bút lục, nếu có sự nhầm lẫn hoặc tẩy xóa bút lục thì Điều tra viên phải tổng hợp, ký xác nhận vào bảng thống kê biên bản, tài liệu và có báo cáo giải trình về lý do việc nhầm lẫn, tẩy xóa bút lục; báo cáo giải trình của Điều tra viên được đưa vào hồ sơ vụ án;

b) Trong giai đoạn truy tố, biên bản, tài liệu do Kiểm sát viên thu thập phải được đưa vào hồ sơ vụ án, đóng dấu bút lục ở góc trên bên phải của từng trang biên bản, tài liệu và đánh số thứ tự tiếp theo số bút lục trong hồ sơ vụ án do Điều tra viên chuyển đến; không được thay đổi thứ tự bút lục trong hồ sơ vụ án. Quá trình đóng dấu và đánh số bút lục, nếu có sự nhầm lẫn hoặc tẩy xóa bút lục thì Kiểm sát viên phải tổng hợp, ký xác nhận vào bảng thống kê biên bản, tài liệu và có báo cáo giải trình về lý do việc nhầm lẫn, tẩy xóa bút lục; báo cáo giải trình của Kiểm sát viên được đưa vào hồ sơ vụ án.

Điều 36. Giao nhận hồ sơ vụ án kết thúc điều tra và vật chứng

1. Điều tra viên, Cán bộ điều tra trực tiếp giao hồ sơ, vật chứng (nếu có) cho Viện kiểm sát cùng cấp. Việc giao nhận hồ sơ được thực hiện theo quy định tại Điều 238 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Thủ tục giao nhận vật chứng giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát được thực hiện như sau:

a) Vật chứng đi kèm hồ sơ vụ án là vật chứng được đánh số bút lục đưa vào hồ sơ vụ án và được chuyển giao cùng hồ sơ vụ án;

b) Đối với vật chứng không đi kèm hồ sơ vụ án thì khi ra quyết định truy tố, Viện kiểm sát ra quyết định chuyển vật chứng đến cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp nơi Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định chuyển vật chứng của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện các thủ tục bàn giao vật chứng cho cơ quan thi hành án dân sự theo quyết định chuyển vật chứng của Viện kiểm sát; sau khi giao nhận vật chứng, Cơ quan điều tra chuyển biên bản giao nhận cùng các tài liệu có liên quan đến việc giao nhận vật chứng cho Viện kiểm sát để đưa vào hồ sơ vụ án.

Điều 37. Áp dụng một số quy định của Thông tư liên tịch trong quan hệ phối hợp giữa cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát

1. Trường hợp cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự thì được thực hiện như quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư liên tịch này.

2. Sau khi ra quyết định khởi tố vụ án hoặc quyết định không khởi tố vụ án, áp dụng biện pháp ngăn chặn theo thẩm quyền, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân phải gửi ngay các quyết định đó cho Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố để giải quyết như quy định tại Điều 7, Điều 15 Thông tư liên tịch này. Trường hợp hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân thì Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và yêu cầu cơ quan đó chuyển toàn bộ tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra.

3. Hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát xét phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp của người có thẩm quyền quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự và việc xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân được thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 15 Thông tư liên tịch này.

4. Việc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân đóng dấu bút lục, đánh số bút lục hồ sơ vụ án và chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án cho Viện kiểm sát hoặc cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền được thực hiện theo quy định tại các điều 34, 35 và 36 Thông tư liên tịch này.

Điều 38. Hiệu lực thi hành

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2018, thay thế Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

Điều 39. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch này, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề cần phải hướng dẫn hoặc bổ sung, thì kịp thời phản ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao để tổng hợp, phối hợp với Bộ Công an và Bộ Quốc phòng xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG

BỘ QUỐC PHÒNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

Thượng tướng Lê Chiêm

KT. BỘ TRƯỞNG

BỘ CÔNG AN

THỨ TRƯỞNG

 

 

Thượng tướng Lê Quý Vương

KT. VIỆN TRƯỞNG

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

TỐI CAO

PHÓ VIỆN TRƯỞNG

 

Bùi Mạnh Cường

 

 

 

KT. VIỆN TRƯỞNG Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Phó Viện trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng - Thượng tướng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Quốc phòng
Thứ trưởng - Thượng tướng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Bùi Mạnh Cường

Lê Quý Vương

Thượng tướng Lê Chiêm

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.