• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 27/01/2024
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 24/2024/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 12 tháng 12 năm 2024

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp

 

 
  1/01/clip_image001.png" width="138" />

 

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP">105/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp  ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP">156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP">156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Lâm nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc nghiệm thu kết quả một số hoạt động đầu tư, hỗ trợ đầu tư công trình lâm sinh, gồm: trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, chăm sóc rừng trồng, nuôi dưỡng rừng trồng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, nuôi dưỡng rừng tự nhiên, làm giàu rừng tự nhiên, cải tạo rừng tự nhiên; nghiệm thu bảo vệ rừng; nghiệm thu trồng cây phân tán.”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến nghiệm thu kết quả một số hoạt động đầu tư, hỗ trợ đầu tư công trình lâm sinh, nghiệm thu bảo vệ rừng, nghiệm thu trồng cây phân tán quy định tại Điều 1 Thông tư này có sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước.

2. Khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư áp dụng quy định tại Thông tư này khi sử dụng kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước.”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nghiệm thu hoạt động đầu tư công trình lâm sinh là việc đánh giá kết quả thực hiện công trình về tiến độ, khối lượng, chất lượng so với thiết kế, dự toán được phê duyệt và hợp đồng đã ký kết, gồm: nghiệm thu hạng mục; nghiệm thu năm; nghiệm thu kết thúc đầu tư công trình lâm sinh.

2. Nghiệm thu bảo vệ rừng là việc đánh giá kết quả thực hiện về khối lượng, chất lượng theo hồ sơ bảo vệ rừng, gồm: khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng.

3. Nghiệm thu trồng cây phân tán là việc đánh giá kết quả thực hiện trồng cây phân tán về địa điểm trồng, số lượng cây trồng, chăm sóc bảo vệ, tỷ lệ cây sống.”.

4. Sửa đổi, bổ sung Chương III như sau:

“Chương III

QUY ĐỊNH VỀ NGHIỆM THU

 Điều 10. Quy định chung

1. Nghiệm thu kết quả hoạt động đầu tư công trình lâm sinh

a) Nghiệm thu hạng mục

Thời điểm nghiệm thu: được thực hiện ngay sau khi hoàn thành mỗi hạng mục lâm sinh theo đề nghị nghiệm thu của bên thi công.

Thành phần nghiệm thu, gồm đại diện các bên: chủ đầu tư hoặc đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước (sau đây gọi là chủ đầu tư) hoặc giám sát và  bên thi công.

Hồ sơ nghiệm thu: thiết kế, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 3 Điều 31; khoản 3, khoản 4 Điều 32 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp (sau đây gọi là Nghị định số 58/2024/NĐ-CP); báo cáo kết quả thực hiện của đơn vị thi công theo Mẫu số 01 Phụ lục IA ban hành kèm theo Thông tư này; tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Kết quả nghiệm thu hạng mục được lập thành biên bản nghiệm thu và biểu tổng hợp nghiệm thu hạng mục theo Mẫu số 02, 03 Phụ lục IA ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Nghiệm thu năm

Thời điểm nghiệm thu: đối với các công trình trồng rừng, chăm sóc rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, làm giàu rừng tự nhiên, cải tạo rừng tự nhiên được thực hiện trước ngày 31 tháng 12 hằng năm; đối với các công trình nuôi dưỡng rừng trồng, nuôi dưỡng rừng tự nhiên được thực hiện sau khi hoàn thành tất cả các hạng mục công trình.

Thành phần nghiệm thu, gồm các đại diện các bên: chủ đầu tư, giám sát, thi công, Ủy ban nhân dân cấp xã.

Hồ sơ nghiệm thu, gồm: thiết kế, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 3 Điều 31; khoản 3, khoản 4 Điều 32 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP; các loại hợp đồng: thuê khoán chuyên môn, thi công, mua sắm vật tư, máy móc, thiết bị; báo cáo kết quả thực hiện của đơn vị thi công theo Mẫu số 01 Phụ lục IA ban hành kèm theo Thông tư này; tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Kết quả nghiệm thu năm được lập thành biên bản nghiệm thu theo các Mẫu số 04, 05, 06 và 07 Phụ lục IA ban hành kèm theo Thông tư này.

 c) Nghiệm thu kết thúc đầu tư công trình lâm sinh

Thời điểm nghiệm thu: được thực hiện không quá 03 tháng kể từ khi kết thúc thời gian đầu tư.

Thành phần nghiệm thu, gồm đại diện các bên: chủ đầu tư; thi công; giám sát; chủ quản lý, sử dụng công trình (trong trường hợp chủ đầu tư không phải là chủ quản lý, sử dụng công trình); Ủy ban nhân dân cấp xã; kiểm lâm làm việc tại địa bàn.

Hồ sơ nghiệm thu, gồm: hồ sơ quy định tại điểm b khoản này; hồ sơ thuyết minh dự án đầu tư (nếu là dự án đầu tư).

Kết quả nghiệm thu kết thúc đầu tư công trình lâm sinh được lập thành biên bản nghiệm thu theo các Mẫu số 04, 05, 06 và 07  Phụ lục IA ban hành kèm theo Thông tư này.

d) Đối với các nội dung nghiệm thu không đạt tiêu chí được quy định tại Phụ lục IIA, chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu lại, nghiệm thu bổ sung. Thành phần và hồ sơ nghiệm thu thực hiện theo quy định tại khoản này; thời gian nghiệm thu lại, nghiệm thu bổ sung do chủ đầu tư và bên thi công tự quyết định.

2. Nghiệm thu kết quả hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ

a) Thời điểm nghiệm thu

Hỗ trợ đầu tư: thực hiện nghiệm thu trồng rừng và chăm sóc rừng trước ngày 31 tháng 12 hằng năm.

Hỗ trợ sau đầu tư: sau khi trồng rừng tối thiểu 10 tháng.

b) Thành phần nghiệm thu, gồm đại diện các bên: chủ đầu tư, bên nhận hỗ trợ, kiểm lâm làm việc tại địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp xã.

c) Hồ sơ nghiệm thu

Thuyết minh Dự án hỗ trợ đầu tư hoặc dự án hỗ trợ sau đầu tư trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP, không bao gồm hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ từ nguồn trồng rừng thay thế.

Hồ sơ thiết kế, dự toán theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP.

Các loại hợp đồng: mua bán vật tư, cây giống phân bón.

d) Kết quả nghiệm thu: được lập thành biên bản nghiệm thu theo Mẫu số 06, 07  Phụ lục IA ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Nghiệm thu kết quả bảo vệ rừng

a) Khoán bảo vệ rừng

Đối tượng: theo quy định tại Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước (sau đây gọi là Nghị định số 168/2016/NĐ-CP); theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP.

Thời điểm nghiệm thu: được thực hiện trong tháng 12 hằng năm.

Thành phần nghiệm thu, gồm đại diện bên khoán và bên nhận khoán.

Hồ sơ nghiệm thu: hồ sơ và hợp đồng khoán bảo vệ rừng theo quy định tại Nghị định số 168/2016/NĐ-CP; biên bản kiểm tra và sổ nhật ký theo dõi theo Mẫu số 08, 09 Phụ lục IA ban hành kèm theo Thông tư này.

Kết quả nghiệm thu: được lập theo Mẫu số 06 Phụ lục kèm theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP.

b) Hỗ trợ bảo vệ rừng

Đối tượng: hỗ trợ bảo vệ rừng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5, điểm d khoản 1 Điều 9, điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP.

Thành phần nghiệm thu, gồm đại diện các bên: chủ đầu tư; cộng đồng dân cư hoặc cá nhân hoặc hộ gia đình; kiểm lâm làm việc tại địa bàn; Ủy ban nhân dân cấp xã.

Hồ sơ nghiệm thu: hồ sơ thiết kế, dự toán bảo vệ rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 32 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP; biên bản kiểm tra và sổ nhật ký theo dõi theo Mẫu số 08, 09 Phụ lục IA ban hành kèm theo Thông tư này.

Kết quả nghiệm thu: được lập thành biên bản nghiệm thu theo Mẫu số 10  Phụ lục IA ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Nghiệm thu trồng cây phân tán

a) Thời điểm nghiệm thu: được thực hiện sau khi hoàn thành trồng cây ít nhất là 01 tháng.

b) Thành phần nghiệm thu, gồm đại diện các bên: chủ đầu tư, bên nhận cây giống, kiểm lâm làm việc tại địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp xã.

c) Hồ sơ nghiệm thu

Hợp đồng mua bán và danh sách giao nhận cây giống, vật tư.

Báo cáo kết quả thực hiện của đơn vị thi công theo Mẫu số 01 Phụ lục IA ban hành kèm theo Thông tư này.

d) Kết quả nghiệm thu: được lập thành biên bản nghiệm thu theo Mẫu số 11  Phụ lục IA ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 11. Nghiệm thu trồng rừng, hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ

1. Thời điểm, thành phần, hồ sơ, kết quả nghiệm thu

a) Đối với đầu tư trồng rừng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

b) Đối với hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

2. Hạng mục nghiệm thu đối với đầu tư trồng rừng, gồm: xử lý thực bì; làm đất; lấp hố, bón phân (nếu có); trồng rừng; chăm sóc rừng; các hạng mục khác như đường băng cản lửa theo hồ sơ thiết kế, dự toán được phê duyệt.

3. Các chỉ tiêu nghiệm thu: thực hiện theo quy định tại Mục I Phụ lục IIA ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Phương pháp nghiệm thu về diện tích: kiểm tra thực địa để xác định vị trí ranh giới, đối chiếu với bản đồ thiết kế hoặc xác định diện tích bằng phương pháp đo đạc trực tiếp hoặc sử dụng phương pháp khác theo quy định.

5. Phương pháp nghiệm thu về chất lượng

a) Đối với rừng trồng tập trung thuần loài: lập ô tiêu chuẩn ngẫu nhiên có diện tích tối thiểu là 100 m2 trên tuyến đại diện hoặc lập ô tiêu chuẩn theo hệ thống của lô trồng rừng, số lượng ô tiêu chuẩn tối thiểu được quy định như sau:

Diện tích lô dưới 01 ha: 03 ô tiêu chuẩn;

Diện tích lô từ 01 đến dưới 3 ha: 10 ô tiêu chuẩn;

Diện tích lô từ 03 đến dưới 05 ha: 15 ô tiêu chuẩn;

Diện tích lô từ 5 ha trở lên: 20 ô tiêu chuẩn.

b) Đối với rừng trồng tập trung hỗn giao: lập ô tiêu chuẩn ngẫu nhiên có diện tích tối thiểu 500 m2 trên tuyến đại diện hoặc lập ô tiêu chuẩn theo hệ thống của lô trồng rừng, số lượng ô tiêu chuẩn tối thiểu được quy định như sau:

Diện tích lô dưới 03 ha: 03 ô tiêu chuẩn;

Diện tích lô từ 03 đến dưới 05 ha: 05 ô tiêu chuẩn;

Diện tích lô từ 05 ha trở lên: 10 ô tiêu chuẩn.

c) Đối với rừng trồng hỗn giao theo băng: dùng phương pháp rút mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra tối thiểu 10% số băng trồng rừng trong lô; đếm số lượng cây trên toàn bộ băng trồng. Trường hợp số băng trong lô nhỏ hơn 10 phải kiểm tra ít nhất 01 băng trồng.

d) Đối với rừng trồng hỗn giao theo đám: dùng phương pháp rút mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra tối thiểu 10% số đám trồng rừng trong lô. Trường hợp đám trồng có diện tích dưới 1.000 m2 tiến hành đếm số lượng cây trên toàn bộ đám trồng. Trường hợp diện tích đám trồng lớn hơn 1.000 m2 lập ô tiêu chuẩn theo quy định tại điểm b khoản này. Trường hợp nhỏ hơn 10 đám trồng trong lô phải kiểm tra ít nhất 01 đám trồng.

Điều 12. Nghiệm thu chăm sóc rừng trồng

1. Thời điểm, thành phần, hồ sơ, kết quả nghiệm thu

a) Đối với đầu tư trồng rừng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

b) Đối với hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ thực hiện theo quy định  tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

2. Hạng mục nghiệm thu, gồm:

Đối với rừng trồng trên đất đồi núi: phát chăm sóc; xới vun gốc, bón phân; trồng dặm.

Đối với trồng rừng ngập mặn: cắm lại cọc giữ cây, dựng cây nghiêng đổ; vớt rác bám; xử lý sinh vật gây hại cây; trồng dặm.

3. Chỉ tiêu nghiệm thu: theo quy định tại Mục II Phụ lục IIA ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Phương pháp nghiệm thu: thực hiện theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 11 Thông tư này.

Điều 13. Nghiệm thu nuôi dưỡng rừng trồng

1. Thời điểm, thành phần, hồ sơ, kết quả nghiệm thu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

2. Hạng mục nghiệm thu: luỗng phát, tỉa thưa, bón phân.

3. Chỉ tiêu nghiệm thu: thực hiện theo quy định tại Mục III Phụ lục IIA ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Phương pháp nghiệm thu

a) Về diện tích: thực hiện theo quy định tại  khoản 4 Điều 11 Thông tư này.

b) Về chất lượng: thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 14 Thông tư này.

 Điều 14. Nghiệm thu khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên

1. Thời điểm, thành phần, hồ sơ, kết quả nghiệm thu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

2. Hạng mục nghiệm thu đối với diện tích tác động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên:

Luỗng phát, tỉa chồi, vệ sinh rừng đối với khoanh nuôi xúc tiến tái sinh trên đất đồi núi;

Tỉa cây cong queo, sâu bệnh đối với khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên trên diện tích tre nứa;

 Dọn cỏ rác, các đối tượng khác chèn ép cây tái sinh mục đích đối với khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên trên đất ngập mặn.

3. Chỉ tiêu nghiệm thu: thực hiện theo quy định tại Mục IV Phụ lục IIA ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Phương pháp nghiệm thu

a) Về diện tích: thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư này.

b) Về chất lượng: theo thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, lập ô tiêu chuẩn để đánh giá các chỉ tiêu nghiệm thu.

Ô tiêu chuẩn có diện tích tối thiểu 1.000 m2 trên tuyến đại diện hoặc ô tiêu chuẩn hệ thống của lô rừng, số lượng ô tiêu chuẩn tối thiểu được quy định như sau:

Diện tích lô dưới 03 ha: 01 ô tiêu chuẩn;

Diện tích lô từ 03 đến dưới 05 ha: 3 ô tiêu chuẩn;

Diện tích lô từ 05 ha trở lên: 05 ô tiêu chuẩn.

Điều 15. Nghiệm thu khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung

1. Thời điểm, thành phần, hồ sơ, kết quả nghiệm thu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

2. Hạng mục nghiệm thu: cuốc hố, trồng, bón phân; chăm sóc cây trồng bổ sung; các hạng mục khác theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư này.

3. Chỉ tiêu nghiệm thu: thực hiện theo quy định tại Mục V Phụ lục IIA ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Phương pháp nghiệm thu:

a) Về diện tích: thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư này.

b) Về chất lượng:

 Đối với trồng bổ sung theo băng thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 11 Thông tư này;

Đối với trồng bổ sung theo đám thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 11 Thông tư này;

Đối với diện tích không trồng rừng bổ sung thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 14 Thông tư này.   

Điều 16. Nghiệm thu nuôi dưỡng rừng tự nhiên

1. Thời điểm, thành phần, hồ sơ, kết quả nghiệm thu thực hiện theo quy định tại  khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

2. Hạng mục nghiệm thu: phát dọn dây leo cây bụi, cỏ dại xâm lấn, tỉa thưa, tỉa cành, vệ sinh rừng.

3. Chỉ tiêu nghiệm thu: thực hiện theo quy định tại Mục VI Phụ lục IIA ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Phương pháp nghiệm thu

a) Về diện tích: thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư này.

b) Về chất lượng: thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 14 Thông tư  này.

 Điều 17. Nghiệm thu làm giàu rừng tự nhiên

1. Thời điểm, thành phần, hồ sơ, kết quả nghiệm thu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

2. Hạng mục nghiệm thu: tạo băng chặt, băng chừa đối với làm giàu rừng theo băng; luỗng phát thực bì đối với làm giàu rừng theo đám; cuốc hố; lấp hố, bón lót, trồng cây; chăm sóc cây trồng làm giàu rừng.

3. Chỉ tiêu nghiệm thu: thực hiện theo quy định tại Mục VII Phụ lục IIA ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Phương pháp nghiệm thu

a) Về diện tích: thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư này.

b) Về chất lượng: thực hiện theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 5 Điều 11 Thông tư này.

Điều 18. Nghiệm thu cải tạo rừng tự nhiên

1. Thời điểm, thành phần, hồ sơ, kết quả nghiệm thu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

2. Hạng mục nghiệm thu: khai thác tận thu; trồng rừng theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này.

3. Chỉ tiêu nghiệm thu: theo quy định tại Mục VIII Phụ lục IIA ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Phương pháp nghiệm thu: thực hiện theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 11 Thông tư này.

Điều 19. Nghiệm thu bảo vệ rừng

1. Thời điểm, thành phần, hồ sơ, kết quả nghiệm thu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư này.

2. Chỉ tiêu nghiệm thu: theo quy định tại Mục IX Phụ lục IIA ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Phương pháp nghiệm thu

a) Về diện tích: kiểm tra thực địa, kết hợp sử dụng phương pháp đo đạc để xác định vị trí ranh giới, đối chiếu bản đồ với diện tích bảo vệ rừng theo hồ sơ hoặc theo hợp đồng.

b) Về chất lượng: quan sát, đánh giá hiện trạng rừng theo chỉ tiêu trong hợp đồng khoán về trạng thái rừng, tình trạng, mức độ rừng bị phá, bị cháy kết hợp đánh giá hồ sơ biên bản kiểm tra, sổ nhật ký theo dõi.

 Điều 20. Nghiệm thu trồng cây phân tán

1. Thời điểm, thành phần, hồ sơ, kết quả nghiệm thu thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư này.

2. Chỉ tiêu nghiệm thu: thực hiện theo quy định tại Mục X Phụ lục IIA ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Phương pháp nghiệm thu: kiểm tra ngẫu nhiên tối thiểu 10% số cây trồng để xác định loài cây trồng, tiêu chuẩn cây trồng, tỷ lệ cây sống.”.

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 21 như sau:

“Điều 21. Trách nhiệm của Cục Lâm nghiệp

1. Tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Thông tư này trên phạm vi cả nước.

2. Tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xử lý vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện Thông tư này.”.

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 23 như sau:

 “Điều 23. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này trên địa bàn tỉnh, thành phố.

2. Tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện nghiệm thu kết quả một số hoạt động đầu tư, hỗ trợ đầu tư công trình lâm sinh; nghiệm thu bảo vệ rừng; nghiệm thu trồng cây phân tán theo thẩm quyền.

3. Tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện Thông tư này trên địa bàn tỉnh.”.

7. Bãi bỏ Điều 22, Điều 25.

8. Bổ sung Phụ lục IA ban hành kèm theo Thông tư này.

9. Thay thế Phụ lục II Chỉ tiêu nghiệm thu ban hành kèm theo Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT bằng Phụ lục IIA ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, điểm b khoản 3, điểm b khoản 4, điểm a khoản 5 Điều 2 Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế:

“a) Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự bố trí được quỹ đất để trồng rừng thay thế: thực hiện trồng rừng trên đất quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; trồng rừng trên đất quy hoạch cho rừng sản xuất giao cho chủ rừng là doanh nghiệp Nhà nước, chủ rừng được quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 8 Luật Lâm nghiệp; hỗ trợ trồng rừng sản xuất loài cây gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi) trên đất quy hoạch cho rừng sản xuất giao hộ gia đình, cá nhân;

b) Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tiếp nhận kinh phí trồng rừng thay thế từ địa phương khác không còn quỹ đất để trồng rừng thay thế thực hiện trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất trên đất quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 2 như sau:

"b) Thiết kế, dự toán trồng rừng thay thế được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đơn giá xây dựng dự toán trồng rừng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức trồng rừng thay thế quy định. Việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán và xử lý rủi ro trong giai đoạn đầu tư trồng rừng thay thế thực hiện theo quy định tại Chương IV Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp. Trồng rừng thay thế được nghiệm thu theo quy định về hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;"

c) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 2 như sau:

"b) Nguồn kinh phí trồng rừng thay thế được quản lý, sử dụng, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước theo quy định hiện hành;

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thực hiện kiểm soát chi tiền trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật hiện hành; việc thực hiện thanh toán tiền trồng rừng thay thế qua Kho bạc Nhà nước trên cơ sở chứng từ chuyển tiền và hồ sơ thanh toán của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng".

d) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 2 như sau:

"5. Tiêu chí lựa chọn đơn vị, địa phương tiếp nhận kinh phí trồng rừng thay thế từ tỉnh, thành phố không còn quỹ đất để trồng rừng thay thế:

a) Có diện tích đất quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, được xác định trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hiện trạng rừng tại thời điểm đề xuất; có văn bản của thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đăng ký tiếp nhận kinh phí trồng rừng thay thế theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trường hợp có nhiều đơn vị, địa phương đăng ký tiếp nhận kinh phí trồng rừng thay thế thì ưu tiên địa phương có nhiều diện tích đất chưa có rừng quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất nhưng không cân đối được ngân sách để trồng rừng.".

2. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 8 Điều 3 Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT như sau:

"c) Trường hợp chủ dự án không thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định tại điểm b khoản này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế theo khoản 7 Điều 4 Thông tư này bằng nguồn tiền do chủ dự án đã nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh; trường hợp số tiền chủ dự án đã nộp thấp hơn đơn giá trồng rừng thay thế của tỉnh tại thời điểm tổ chức trồng rừng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi chủ dự án thông báo về số tiền chênh lệch đơn giá trồng rừng thay thế. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chủ dự án phải nộp bổ sung số tiền chênh lệch vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh;".

3. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 7 Điều 4 Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT) như sau:

"a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao các đơn vị là chủ đầu tư để trồng rừng thay thế: chủ rừng được quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 8 Luật Lâm nghiệp; chủ rừng là doanh nghiệp nhà nước; cơ quan, tổ chức nhà nước khác".

4. Thay thế Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT bằng Mẫu số 01 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 3. Sửa đổi tên Điều 11 của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 13/2023/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

“Điều 11. Phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là tổ chức trực thuộc các Bộ, ngành”.

Điều 4. Sửa đổi Điều 15 Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về các biện pháp lâm sinh đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Thông tư 17/2022/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 10 năm 2022, Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp

1. Sửa đổi Điều 15 Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về các biện pháp lâm sinh đã được sửa đổi bổ sung  tại Thông tư 17/2022/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 10 năm 2022

 “Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước

1. Cục Lâm nghiệp:

a) Tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này trên phạm vi cả nước;

b) Xây dựng, ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho các loài cây trồng lâm nghiệp chính, cây trồng phân tán;

c) Thực hiện việc kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư này tại các địa phương.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này trên địa bàn tỉnh;

b) Kiểm tra, hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong quá trình thực hiện biện pháp lâm sinh theo quy định tại Thông tư này;

c) Xây dựng, ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho loài cây đặc thù trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền;

d) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành loài cây sinh trưởng nhanh, cây sinh trưởng chậm; cây mục đích, cây phi mục đích đối với rừng phòng hộ và rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh.”.

2. Bãi bỏ Điều 4 Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 01 năm 2025.

2. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Quốc Trị

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.