• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 06/09/2004
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 143/2004/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 10 tháng 8 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2004 – 2008

___________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 2004;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2004 - 2008 (ban hành kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quy chế quản lý thực hiện Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều 3. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư hướng dẫn về sử dụng kinh phí của Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2004 - 2008.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

CHƯƠNG TRÌNH

Trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2004 – 2008

(Ban hành kèm theo Quyết định số 143 /2004/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ)

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhưng hiện tại, năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế, việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, nhu cầu đào tạo của doanh nhân và các nhà quản lý của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng tăng, việc trợ giúp của Nhà nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực quản lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa là hết sức cần thiết.

Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa là một bộ phận trong tổng thể các chính sách, Chương trình trợ giúp của Nhà nước cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

I. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu Chương trình:

- Mục tiêu tổng thể: thúc đẩy và tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khả năng cạnh tranh, đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát triển cả về số lượng và chất lượng hệ thống các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ và phát triển kinh doanh, đặc biệt là dịch vụ tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực quản lý để trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng và phát triển bền vững.

- Mục tiêu cụ thể: Cung cấp những kiến thức cần thiết cho chủ doanh nhân, cán bộ quản lý các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những người có ý định thành lập doanh nghiệp; khắc phục những thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng và thông tin; từng bước nâng cao năng lực quản lý, phát triển kỹ thuật, công nghệ và nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; trợ giúp nhà quản lý các doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến thức và kỹ năng xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường trong và ngoài nước đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Đối tượng Chương trình:

Đối tượng của Chương trình là chủ và cán bộ quản lý của các doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Điều 4 Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, Chương trình sẽ dành sự quan tâm thích đáng đến các cá nhân, tổ chức có nguyện vọng khởi sự thành lập doanh nghiệp; các doanh nhân nữ; các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh.

Đối tượng tham gia Chương trình phải có nhu cầu, nguyện vọng được đào tạo và chấp hành quy chế đào tạo.

3. Phạm vi Chương trình:

a) Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nhân:

Đào tạo về quản trị doanh nghiệp cho chủ và cán bộ quản lý, bao gồm: đào tạo về quản lý kinh doanh tổng hợp, lập kế hoạch kinh doanh, quản trị marketing, quản trị kế toán - tài chính, quản trị nhân sự, quản lý kỹ thuật - công nghệ; tư vấn về marketing; đào tạo khởi sự thành lập doanh nghiệp.

b) Đối với các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh:

Đào tạo và nâng cao chất lượng cho các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo các chuyên đề đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện Chương trình.

4. Thời gian thực hiện Chương trình: 05 năm.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa:

a) Đào tạo khởi sự thành lập doanh nghiệp: cung cấp những thông tin cần thiết về luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước, những quy định về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; những kiến thức và kỹ năng lập chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh. Phần này gồm các khoá đào tạo ngắn hạn 05 ngày.

b) Đào tạo quản trị doanh nghiệp bao gồm các khoá đào tạo ngắn hạn 7 ngày với nội dung sau:

- Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc lập kế hoạch và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua các khoá đào tạo về quản lý kinh doanh tổng hợp.

- Tăng cường năng lực quản lý nhân sự cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các khoá đào tạo về quản trị nhân sự.

- Tăng cường năng lực tiếp thị cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các khoá đào tạo về quản trị marketing,

- Trợ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc lập kế hoạch tiếp thị, kỹ năng tiếp thị, kỹ năng để tham gia hội chợ, triển lãm thông qua các khoá đào tạo nghiệp vụ về kế hoạch, kỹ năng tiếp thị, tổng hợp.

- Tăng cường năng lực quản lý tài chính, kế toán cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các khoá đào tạo về quản trị tài chính - kế toán.

- Tăng cường năng lực quản lý kỹ thuật công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn chất lượng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các khoá đào tạo về quản lý kỹ thuật - công nghệ.

2. Bồi dưỡng nâng cao chất lượng cho các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh:

Nhằm tăng cường kỹ năng của các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh tổng hợp để có đủ năng lực tham gia các hoạt động đào tạo khác nhau của Chương trình, nội dung bồi dưỡng kiến thức gồm:

- Đào tạo tư vấn tổng hợp và kỹ năng marketing cho các chuyên gia tư vấn, giảng viên và tạo cơ hội cho đối tượng này thực hành các tiêu chuẩn hành nghề chuyên nghiệp.

- Sau khi tham dự đào tạo về tư vấn tổng hợp, các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh sẽ được đào tạo chuyên sâu về khởi sự thành lập doanh nghiệp, quản lý kinh doanh tổng hợp, quản trị marketing, quản trị tài chính - kế toán, lập kế hoạch kinh doanh, quản lý kỹ thuật - công nghệ, quản trị nguồn nhân lực.

Phần đào tạo này bao gồm các khoá bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn khoảng 14 ngày.

3. Kế hoạch thực hiện Chương trình:

Dự kiến trong 05 năm, Chương trình được thực hiện như sau:

- Xây dựng một số tài liệu giáo trình cơ bản.

- Mở 18 lớp đào tạo giảng viên cho 540 lượt người.

- Mở 3.589 khoá đào tạo các loại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các cá nhân, tổ chức có nguyện vọng khởi sự doanh nghiệp với khoảng 107.670 lượt người.

III. TIẾN ĐỘ VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Tiến độ thực hiện Chương trình:

a) Giai đoạn 2004 - 2005:

- Điều tra, khảo sát nhu cầu cụ thể về đào tạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lên kế hoạch để thực hiện Chương trình.

- Lựa chọn và hợp tác với các cơ sở, tổ chức đang thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, không phân biệt thành phần kinh tế, mô hình tổ chức, kể cả trong nước và nước ngoài để triển khai thực hiện tốt Chương trình, đáp ứng đúng yêu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các ngành, vùng.

- Tổ chức hội thảo, trao đổi với các tổ chức trong và ngoài nước đã có kinh nghiệm trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các chủ, nhà quản lý các doanh nghiệp nhỏ và vừa để rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

- Xây dựng giáo trình và một số tài liệu cơ bản cần thiết.

- Hoàn thiện cơ chế quản lý thực hiện Chương trình thông qua việc tổ chức thực hiện một số khoá đào tạo thí điểm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sơ kết, đánh giá qua 02 năm thực hiện Chương trình: mặt được, mặt chưa được, nhu cầu của đối tượng đào tạo; bổ sung, đề xuất các giải pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh Chương trình đạt hiệu quả thiết thực.

b) Giai đoạn từ 2006 - 2008:

- Dự kiến chương trình:

+ Tổ chức khoảng 10 khoá đào tạo giảng viên;

+ Tổ chức 1.900 khoá đào tạo quản trị doanh nghiệp;

+ Tổ chức 1.400 khoá đào tạo khởi sự doanh nghiệp;

+ Tổ chức 274 khoá đào tạo kỹ năng xúc tiến mở rộng thị trường.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương, các Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức thực hiện Chương trình đề ra.

2. Kinh phí thực hiện Chương trình:

a) Chương trình được thực hiện trên nguyên tắc xã hội hoá công tác đào tạo và bồi dưỡng kiến thức: các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nhân đóng góp một phần kinh phí; ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) hỗ trợ một phần kinh phí; cần ưu tiên đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa bàn có điệu kiện đặc biệt khó khăn.

b) Kinh phí Chương trình:

- Tổng kinh phí dự tính cho toàn bộ Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa từ năm 2004 - 2008 là 119,4 tỷ đồng.

- Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch hoạt động của Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán kinh phí để bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

- Trước mắt, giải quyết kinh phí cho năm 2004 của Chương trình là 01 tỷ đồng để xây dựng Chương trình, khảo sát, biên soạn, in ấn tài liệu, thực hiện một số khoá đào tạo thí điểm và được trừ vào tổng kinh phí đã duyệt nêu trên.

- Nguồn kinh phí lấy từ ngân sách nhà nước dành cho giáo dục và đào tạo được quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, cần huy động các nguồn tài trợ khác của các tổ chức quốc tế, nước ngoài.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng quản lý nhà nước quy định tại Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình này.

2. Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính và bảo đảm kinh phí thực hiện Chương trình theo kế hoạch, tiến độ, đúng quy định hiện hành; tham gia quản lý, trợ giúp Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện Chương trình, huy động các cơ sở đào tạo, giảng viên có uy tín, chất lượng tham gia thực hiện Chương trình.

4. Các Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước tổ chức thực hiện Chương trình trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.

5. Các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình, thường xuyên đóng góp ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước về việc thực hiện Chương trình để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.