• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/12/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 22/02/2004
BỘ CÔNG AN
Số: 07/1998/TT-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 3 tháng 12 năm 1998

 

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành một số quy định của Quy chế về cơ sở giáo dục ban hành kèm theo Nghị định số 32/CP ngày 14/4/1997 của Chính phủ

____________________________

Để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đưa người vào cơ sở giáo dục, Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số vấn đề cơ bản của Quy chế về Cơ sở giáo dục ban hành kèm theo Nghị định số 32/CP Ngày 14 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ như sau:

1. Về đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục (sau đây viết tắt là CSGD).

Điều 2 Quy chế về CSGD quy định "Đối tượng đưa vào CSGD bao gồm những người có hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm tài sản của Nhà nước, tài sản của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tài sản của các tổ chức nước ngoài, tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài và vi phạm trật tự, an toàn xã hội có tính chất thường xuyên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã được chính quyền và nhân dân địa phương giáo dục nhiều lần mà vẫn không chịu sửa chữa.

Không đưa vào CSGD người chưa đủ 18 tuổi, nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi".

Để đảm bảo đưa đúng đối tượng vào CSGD, trong quá trình thực hiện phải chú ý những điều kiện sau đây:

a) Hành vi vi phạm pháp luật đó phải "chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự". Do vậy trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng cần phải nắm vững các quy định của pháp luật hình sự và pháp luật hành chính để phân biệt rõ hành vi phạm tội và hành vi vi phạm hành chính. Phải căn cứ vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, nhân thân của người vi phạm và yêu cầu thực tiễn của tình hình chính trị, xã hội ở địa phương để xem xét áp dụng hình thức xử lý cho phù hợp và đúng pháp luật. Tuyệt đối không được đưa vào CSGD những người có hành vi vi phạm pháp luật đã đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và không thuộc đối tượng đưa vào CSGD.

b) Hành vi vi phạm pháp luật đó phải "có tính chất thường xuyên" và "đã được chính quyền và nhân dân địa phương giáo dục nhiều lần mà vẫn không chịu sửa chữa".

- Vi phạm "có tính chất thường xuyên" là những trường hợp có ít nhất từ hai lần vi phạm trở lên trong thời hạn một năm.

- "Đã được chính quyền và nhân dân địa phương giáo dục nhiều lần mà vẫn không chịu sửa chữa" như:

+ Đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 19/CP ngày 6 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ hoặc đã bị UBND, cơ quan Công an phát hiện, lập biên bản xử lý, giáo dục bằng các hình thức cảnh cáo, kiểm điểm trước nhân dân hoặc các đoàn thể, tổ chức quần chúng ít nhất từ hai lần trở lên trong một năm.

+ Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng lại có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 2 Quy chế về CSGD.

Cần lưu ý là thời hạn để tính số lần vi phạm và đã được giáo dục nhiều lần phải thực hiện trên cơ sở quy định tại Điều 10 Pháp Lệnh xử lý vi phạm hành chính.

c) Về độ tuổi đưa vào CSGD được quy định tại Điều 2 Quy chế là: "không đưa vào CSGD người chưa đủ 18 tuổi, nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi". Khi xác định tuổi của đối tượng để đưa vào CSGD cần chú ý những điểm sau đây:

- Căn cứ pháp lý để xác định độ tuổi của đối tượng là giấy khai sinh, nếu không có giấy khai sinh thì phải căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu hoặc giấy chứng minh nhân dân. Nếu không có sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng minh nhân dân thì căn cứ vào lý lịch và tài liệu khác có xác nhận của UBND cấp xã.

- Thời điểm để tính độ tuổi là ngày ký quyết định đưa vào CSGD. Do vậy nếu một người nào đó có hành vi vi phạm pháp luật, thuộc đối tượng phải lập hồ sơ đưa vào CSGD, nhưng đến ngày ký quyết định đưa họ vào CSGD nếu họ đã trên 55 tuổi đối với nữ hoặc trên 60 đối với năm thì cũng không được ra quyết định đưa họ vào CSGD mà trong trường hợp này sẽ đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Về thủ tục đưa người vào CSGD "Đối với người đang bị tạm giữ hoặc tạm giam trong các vụ án hình sự mà qua điều tra thấy chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD thì Thủ tướng Cơ quan điều tra báo cáo Chủ tịch UBND cùng cấp lập hồ sơ đề nghị đưa vào CSGD" (khoản 2 Điều 6 Quy chế về CSGD). Để thực hiện đúng quy định trên, cần chú ý những điểm sau đây:

- Thứ nhất , người đó phải thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD theo đúng quy định tại Điều 2 Quy chế về CSGD, do vậy phải có đầy đủ hồ sơ, chứng cứ để chứng tỏ rằng người đó có hành vi vi phạm pháp luật có tính chất thường xuyên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã được chính quyền và nhân dân địa phương giáo dục nhiều lần mà vẫn không chịu sửa chữa như đã hướng dẫn tại điểm b khoản 1 trên đây.

- Thứ hai, trong quá trình điều tra vụ án nếu xét thấy hành vi đó rõ ràng là chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng đối tượng thuộc diện đưa vào CSGD thì trong thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải chủ động xem xét, kịp thời tập hợp đủ tài liệu, chứng cứ để báo cáo Chủ tịch UBND cùng cấp lập hồ sơ đề nghị hoặc xét duyệt đưa đối tượng vào CSGD. Không được để đến khi hết hạn tạm giam mới lập hồ sơ đưa vào CSGD, đồng thời phải thông báo cho UBND cấp xã nơi người đó cư trú biết để phối hợp giải quyết.

+ Nếu đối tượng thuộc Công an cấp tỉnh điều tra thì chuyển hồ sơ lên UBND cấp tỉnh để Hội đồng Tư vấn xét duyệt trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định.

+ Nếu đối tượng thuộc Công an cấp huyện điều tra thì chuyển hồ sơ sang UBND cấp huyện để trình UBND cấp tỉnh.

- Thứ ba, về hồ sơ đề nghị đưa người vào Cơ sở giáo dục phải thực hiện theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 6 Quy chế về Cơ sở giáo dục, bao gồm: Bản tóm tắt lý lịch, tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó, các biện pháp giáo dục đã được áp dụng, nhận xét của cơ quan Công an, ý kiến của các tổ chức xã hội hữu quan ở cơ sở.

3. Về hồ sơ đưa người vào CSGD.

Theo Điều 10 Quy chế về CSGD, khi đưa người vào CSGD phải có hồ sơ kèm theo bao gồm:

- Quyết định đưa người vào CSGD;

- Bản tóm tắt hành vi vi phạm pháp luật của người bị đề nghị đưa vào CSGD;

- Bản tóm tắt lý lịch của người bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD;

- Danh chỉ bản của người bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD;

- Những tài liệu khác có liên quan đến nhân thân của người bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD cần thiết cho việc giáo dục người đó (nếu có).

Về Bản tóm tắt hành vi vi phạm pháp luật của người bị đề nghị đưa vào CSGD, cần phải ghi cụ thể, đầy đủ quá trình, diễn biến, tính chất, mức độ... của hành vi vi phạm để làm cơ sở cho việc áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục thích hợp với đối tượng khi vào CSGD; không được ghi quá tóm tắt, quá sơ lược, sẽ gây khó khăn cho việc giáo dục, cải tạo đối tượng trong CSGD.

Những tài liệu khác có liên quan đến nhân thân người bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD cần thiết cho việc giáo dục người đó (nếu có) là những tài liệu chứng tỏ nhân thân có quá khứ tốt, có thành tích đột xuất (giấy khen, giấy chứng nhận huân, huy chương...) hoặc trái lại, chẳng hạn như đối tượng chống lại việc chấp hành quyết định đưa vào CSGD hoặc bỏ trốn (trong những trường hợp này biên bản về hành vi chống lại, biên bản cưỡng chế thi hành v.v. là những "tài liệu khác có liên quan" như đã nêu).

Khi tiếp nhận người bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD phải thực hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 10 Quy chế về CSGD.

4. Việc tổ chức đưa người vào CSGD.

Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đưa vào CSGD, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức đưa người đó vào CSGD. Trường hợp cần phải có thời gian để tiến hành các thủ tục cần thiết như lăn tay, chụp ảnh, lập danh chỉ bản, chờ đưa vào CSGD thì Giám đốc Công an cấp tỉnh ra quyết định lưu giữ người đã có quyết định đưa vào CSGD tại nơi lưu giữ hành chính của Công an cấp tỉnh. Thời gian lưu giữ không quá 15 ngày và được tính vào thời han chấp hành quyết định tại CSGD. Quyết định này được gửi kèm theo hồ sơ đưa vào CSGD để làm cơ sở tính thời hạn chấp hành quyết định tại CSGD cho người đó.

Chế độ ăn, ở của người bị lưu giữ trong thời gian lưu giữ được hưởng như chế độ ăn, ở của trại viên trong CSGD. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm cấp tiền ăn cho các đối tượng này. Để giải quyết những khó khăn tạm thời đối với những địa phương chưa có nơi lưu giữ hành chính, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải dành một số phòng trong trại tạm giam làm nơi lưu giữ những người có quyết định đưa vào CSGD. Trước cửa buồng phải có biển "buồng lưu giữ hành chính" để phân biệt với tạm giữ, tạm giam theo thủ tục tố tụng hình sự. Không được lưu giữ nam, nữ trong cùng một phòng.

Công an cấp tỉnh phải lập ngay kế hoạch, đề xuất với UBND cấp tỉnh cấp kinh phí, địa điểm để xây dựng nơi tạm giữ và lưu giữ hành chính.

5. Việc hoãn chấp hành quyết định đưa vào CSGD.

Theo quy định Tại Điều 71 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì người bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD có thể được hoãn thi hành quyết định khi có một trong các lý do sau đây:

a) Đang ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo có giấy chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên.

- "Đang ốm nặng" là người đang ở trong tình trạng bị bệnh nặng đến mức không còn khả năng lao động và sinh hoạt bình thường hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và theo chỉ định của Bác sỹ phải điều trị trong một thời gian dài mới có thể bình phục trở lại.

- "Người mắc bệnh hiểm nghèo" là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV/AIDS và những bệnh khác theo quy định của ngành y tế coi là bệnh hiểm nghèo.

b) Phụ nữ đang có thai có giấy chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên học phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

c) Gia đình đang gặp khó khăn đặc biệt, có đơn đề nghị và được UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận. Đó là các trường hợp là người lao động duy nhất để đảm bảo cuộc sống gia đình; gia đình bị thiên tai; hoả hoạn lớn hoặc có thân nhân bị ốm nặng; mắc bệnh hiểm nghèo mà ngoài người đó ra không còn ai khác để khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn hoặc chăm sóc người bệnh.

Về thời hạn hoãn: Đối với các trường hợp ốm nặng, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc hoàn cảnh gia đình đang gặp khó khăn đặc biệt thì có thể quyết định cho họ được hoãn đến khi khỏi ốm, bệnh hiểm nghèo đã qua hoặc hoàn cảnh gia đình đã hết khó khăn đặc biệt. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, nếu thấy điều kiện để được hoãn không còn thì phải kịp thời đưa vào CSGD để chấp hành quyết định. Riêng trường hợp phụ nữ có thai hoặc đang phải nuôi con nhỏ thì căn cứ vào từng trường hợp cụ thể (theo giấy xác nhận của bệnh viện hoặc giấy khai sinh) để ấn định một thời hạn hoãn cụ thể cho phù hợp.

Khi điều kiện hoãn không còn thì quyết định đưa vào CSGD được tiếp tục thi hành, người bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD phải tự giác đến cơ quan Công an để được đưa đi chấp hành quyết định. Trường hợp không tự giác đến thì sẽ bị cưỡng chế thi hành, nếu bỏ trốn thì Giám đốc Công an cấp tỉnh ra lệnh truy bắt theo quy định tại Điều 12 Quy chế về CSGD.

6. Việc miễn chấp hành quyết định đưa vào CSGD.

Khoản 2 Điều 71 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định: "Nếu trong thời gian hoãn, người đó có những tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công, thì có thể được miễn chấp hành quyết định". Để thực hiện đúng các quy định này, cần chú ý một số điểm sau đây:

- "Có những tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật" phải được biểu hiện bằng những hành động cụ thể như: thành thật hối lỗi, tích cực lao động, học tập, tích cực tham gia các phong trào chung của địa phương, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được UBND từ cấp xã trở lên xác nhận và đề nghị.

- Chỉ được coi là người đã "lập công" khi có những hành động cụ thể như: tố cáo những hành vi phạm tội có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, dũng cảm cứu được tính mạng người khác, cứu được tài sản có giá trị lớn của nhà nước, của tập thể hoặc của công dân; có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc và được nhận giấy khen của UBND hoặc Cơ quan Công an từ cấp huyện trở lên; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị lớn trong lao động, sản xuất, được cơ quan chức năng từ cấp tỉnh trở lên công nhận.

Chỉ được xét miễn chấp hành quyết định đưa vào CSGD cho đối tượng khi thời gian đã được hoãn đối với họ ít nhất phải bằng một nửa thời hạn mà họ phải chấp hành tại CSGD. Trừ trường hợp "lập công" thì có thể được xét miễn sớm hơn.

7. Thủ tục hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào CSGD.

Trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD thuộc diện được xét hoãn, miễn chấp hành quyết định thì Chủ tịch UBND cấp xã hoặc Thủ trưởng Cơ quan Công an cấp huyện đã lập hồ sơ đề nghị đưa vào CSGD đối với những người được quy định tại khoản 1,2 Điều 6 Quy chế về CSGD phải làm văn bản đề nghị báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện. Theo quy định tại khoản 4 Điều 9 của Quy chế về CSGD trong thời hạn 5 ngày, Chủ tịch UBND cấp huyện phải xem xét đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải xem xét quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định. Riêng trường hợp đối tượng do Cơ quan Công an cấp tỉnh phát hiện, lập hồ sơ báo cáo đề nghị đưa vào CSGD, nếu thuộc diện được xét hoãn hoặc miễn thì Cơ quan Công an cấp tỉnh báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét quyết định.

8. Về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD, Điều 11 Quy chế đưa vào CSGD quy định: "Người bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD, nếu không tự giác chấp hành hoặc trốn tránh, chống đối thì Cơ quan Công an áp dụng biện pháp ngăn chặn và cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật để buộc người đó phải thi hành". Do vậy đối với những trường hợp nêu trên, nếu đã thuyết phục mà không có kết quả thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, Cơ quan Công an cấp tỉnh cưỡng chế áp giải đưa họ vào CSGD hoặc nơi lưu giữ hành chính (trường họp thật cần thiết thì có thể khoá tay trong khi dẫn giải để buộc họ phải chấp hành quyết định). Nếu người bị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD trốn trước khi thi hành quyết định thì Giám đốc Công an cấp tỉnh ra lệnh truy bắt theo quy định tại Điều 12 Quy chế về CSGD.

Trường hợp người có lệnh truy bắt hành chính có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian bỏ trốn và bị Toà án tuyên phạt tù giam thì cơ quan đã ra lệnh truy bắt hành chính ra quyết định đình chỉ lệnh truy bắt và báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Công an (nếu người trốn là trại viên) ra quyết định đình chỉ thi hành quyết định đưa vào CSGD để họ chấp hành án phạt tù.

9. Phân công trách nhiệm trong việc xem xét, lập hồ sơ đề nghị xét duyệt và tổ chức đưa người vào CSGD.

Phó Giám đốc Công an phụ trách cảnh sát làm thường trực Hội đồng tư vấn. Lực lượng Cảnh sát hình sự chủ trì phối hợp với cảnh sát điều tra và các đơn vị khác có liên quan giúp lãnh đạo Công an các cấp trong việc xem xét, lập hồ sơ đưa người vào CSGD, chuẩn bị cuộc họp Hội đồng Tư vấn, sao gửi văn bản đề nghị đưa vào CSGD của UBND cấp huyện và bản tóm tắt hành vi vi phạm của đối tượng cho các thành viên Hội đồng Tư vấn và Viện kiểm sát chậm nhất 7 ngày trước khi họp, xem xét đề xuất việc hoãn, miễn chấp hành quyết định, chủ trì việc tổ chức đưa người vào CSGD và truy bắt đối tượng có lệnh truy bắt hành chính.

10. Tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào CSGD.

+ Về điều kiện và thời gian được xét cho tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào CSGD cho trại viên thực hiện theo quy định tại Điều 27 Quy chế về CSGD và hướng dẫn tại mục 5 Thông tư này.

+ Về thủ tục xem xét quyết định cho tạm đình chỉ: Giám đốc CSGD xem xét từng trường hợp cụ thể và lập hồ sơ đề nghị gửi về Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng. Hồ sơ gồm có:

- Bệnh án hoặc bản sao bệnh án của bệnh viện từ cấp huyện trở lên;

- Đơn xin bảo lãnh của gia đình có xác nhận của UBND cấp xã (đối với trường hợp xin về gia đình chữa bệnh).

- Giấy chứng nhận có thai của bệnh viện từ cấp huyện trở lên (đối với trường hợp phụ nữ có thai);

- Giấy chứng sinh (có kèm theo xác nhận của UBND cấp xã) hoặc giấy khai sinh của con đối với trường hợp phụ nữ đang phải nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi;

- Văn bản đề nghị tạm đình chỉ của Giám đốc CSGD (theo mẫu thống nhất).

Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Cục trưởng Cục quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng phải xem xét nếu thấy đủ tiêu chuẩn, điều kiện để có thể được xét cho tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào CSGD thì làm công văn (kèm theo hồ sơ của CSGD) báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

Trường hợp trại viên được tạm đình chỉ để điều trị tại bệnh viện thì gia đình trại viên có trách nhiệm phối hợp với CSGD để quản lý, chăm sóc. Kinh phí khám, chữa bệnh trong trường hợp này do Nhà nước cấp và CSGD trực tiếp thanh toán viện phí với bệnh viện. Trường hợp gia đình bảo lãnh trại viên về nhà điều trị thì gia đình phải chịu trách nhiệm quản lý và tự túc toàn bộ kinh phí đi lại, khám, chữa bệnh.

Trường hợp người được tạm đình chỉ chết thì gia đình phải báo ngay cho UBND sở tại và CSGD biết; Giám đốc CSGD làm báo cáo gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và thông báo về việc này cho UBND tỉnh trước đây đã ra quyết định đưa người đó vào CSGD.

Khi hết thời hạn tạm đình chỉ người được tạm đình chỉ phải đến CSGD để tiếp tục chấp hành quyết định, nếu không tự giác thì Giám đốc CSGD áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc họ thi hành.

Trường hợp trại viên bỏ trốn thì Giám đốc CSGD ra lệnh truy bắt hành chính và tổ chức lực lượng bắt đưa trở lại CSGD.

11. Giảm thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào CSGD.

a) Trại viên đã chấp hành được một nửa thời hạn nêu trong quyết định, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được xét giảm thời hạn chấp hành từ 1 đến 6 tháng. Mỗi người chỉ được giảm 1 lần. Trường hợp trại viên đã được giảm thời hạn nhưng sau đó lại lập công thì có thể được xét giảm lần thứ 2. Nhưng trong mọi trường hợp tổng số thời gian được giảm không được vượt quá một phần ba thời hạn ghi trong quyết định đưa vào CSGD.

b) Các CSGD thành lập Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành quyết định gồm có:

- Giám đốc CSGD làm Chủ tịch Hội đồng;

- Phó giám đốc phụ trách công tác giáo dục làm Phó chủ tịch Hội đồng;

- Đội trưởng Đội quản lý, giáo dục làm uỷ viên thư ký;

- Cán bộ hồ sơ và cán bộ quản lý, giáo dục trại viên là uỷ viên.

Căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện và kết quả học tập, rèn luyện của trại viên, 3 tháng một lần (trừ trường hợp đột xuất) Hội đồng xét giảm của CSGD họp xem xét từng trường hợp và đề nghị giảm thời hạn chấp hành quyết định cho những người đủ điều kiện. Khi Hội đồng họp, cán bộ quản lý giáo dục phải trình bày cụ thể và đề xuất mức giảm cho từng đối tượng thuộc đội mình phụ trách. Sau đó Hội đồng xem xét, quyết định và làm hồ sơ đề nghị giảm thời hạn cho trại viên gửi về Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng.

Hồ sơ đề nghị giảm thời hạn gồm:

- Biên bản họp xét đề nghị giảm thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào CSGD;

- Hồ sơ đề nghị giảm của từng trại viên;

- Danh sách trại viên được đề nghị xét giảm.

Các văn bản này phải lập thành 3 bản (theo mẫu thống nhất), 1 bản lưu tại CSGD, 2 bản gửi Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng.

c) Cục Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng thành lập Hội đồng xét duyệt gồm:

- Cục trưởng hoặc Phó cục trưởng được uỷ quyền làm Chủ tịch Hội đồng;

- Trưởng phòng theo dõi công tác CSGD và trường giáo dưỡng làm uỷ viên thường trực;

- Phó trưởng phòng phụ trách công tác CSGD làm uỷ viên;

- Cán bộ theo dõi công tác xét giảm làm uỷ viên.

- Đại diện lãnh đạo CSGD trực tiếp báo cáo từng trường hợp trước Hội đồng.

Hội đồng căn cứ vào hồ sơ đề nghị của CSGD và đối chiếu với các điều kiện, tiêu chuẩn quy định để xét duyệt đề nghị mức giảm cho từng trường hợp.

Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của CSGD, Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng phải xem xét và làm đề nghị (kèm theo danh sách đã được duyệt và hồ sơ đề nghị của CSGD) gửi Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

Ngay sau khi nhận được quyết định giảm thời hạn, Giám đốc CSGD phải sao hoặc trích sao quyết định đó gửi cho UBND cấp tỉnh nơi ra quyết định đưa họ vào CSGD và UBND cấp xã nơi người đó cư trú, đồng thời tổ chức công bố cho trại viên biết. Quyết định giảm thời hạn phải lưu vào hồ sơ trại viên để theo dõi.

12. Về trích xuất trại viên.

Theo quy định tại Điều 20 của Quy chế về CSGD việc trích xuất trại viên để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử phải có lệnh trích xuất của cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy khi có các yêu cầu như đã nêu, Thủ trưởng cơ quan đó phải làm công văn đề nghị Cục trưởng Cục quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng ra lệnh trích xuất trại viên. Trong công văn đề nghị và lệnh trích xuất trại viên phải ghi rõ lý do, thời hạn trích xuất.

Trường hợp trại viên được trích xuất bị ra lệnh tạm giam thì thời gian tạm giam được tính vào thời hạn chấp hành tại CSGD, trường hợp bị kết án tù giam thì Thủ trưởng cơ quan đã đề nghị trích xuất phải thông báo bằng văn bản (kèm theo quyết định thi hành án phạt tù của Toà án) cho Giám đốc CSGD để trình Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào CSGD đối với người đó để họ chấp hành án phạt tù.

Trường hợp trại viên bị trích xuất không bị Toà án tuyên phạt tù giam thì cơ quan đã đề nghị trích xuất phải tổ chức đưa họ trở lại CSGD để tiếp tục chấp hành quyết định đưa vào CSGD.

13. Việc giải quyết trường hợp trại viên chết.

Thực hiện theo Điều 28 Quy chế về CSGD: Sau khi làm xong các thủ tục quy định thì Giám đốc CSGD phải cấp giấy báo tử và thông báo cho UBND cấp tỉnh nơi đã quyết định đưa người đó vào CSGD, UBND cấp xã nơi trước đây họ cư trú và thân nhân người chết biết. Giám đốc CSGD có thể xem xét, quyết định việc cho thân nhân người chết đưa tử thi về mai táng tại nơi họ cư trú với điều kiện họ phải có đơn đề nghị, được chính quyền địa phương cấp xã xác nhận và phải đảm bảo tốt yêu cầu về an ninh, trật tự cũng như vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.

14. Về việc đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào CSGD đối với trại viên vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại Điều 35 Quy chế về CSGD thì những trại viên vi phạm quy chế, nội quy chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng đã được giáo dục và bị kỷ luật nhiều lần, đến khi hết thời hạn giáo dục tại cơ sở vẫn không chịu sửa chữa, thuộc đối tượng cần phải tiếp tục áp dụng biện pháp đưa vào CSGD thì Giám đốc CSGD lập hồ sơ báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi CSGD đóng xem xét quyết định đưa người đó vào CSGD theo thủ tục chung được quy định tại Điều 7 và Điều 8 Quy chế về CSGD.

Để đảm bảo thực hiện đúng các quy định trên, trước khi lập hồ sơ báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Giám đốc CSGD cần chú ý những điểm sau đây:

Trước hết, trại viên đó phải có hành vi vi phạm nội quy, quy chế về CSGD và đã bị áp dụng các hình thức kỷ luật từ 3 lần trở lên, nếu vi phạm nghiêm trọng và bị áp dụng hình thức kỷ luật bị cách ly tại buồng kỷ luật thì từ 2 lần trở lên. Nhưng sau những lần bị kỷ luật đó vẫn không chịu sửa chữa, vẫn tiếp tục có hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 2 Quy chế về CSGD thì mới tiến hành lập hồ sơ đề nghị đưa vào CSGD. Chậm nhất là 1 tháng trước khi người đó hết hạn chấp hành quyết định, Giám đốc CSGD phải tổ chức họp Hội đồng xét và lập hồ sơ để gửi báo cáo lên Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng (thành phần Hội đồng như Hội đồng xét giảm thời hạn).

Hồ sơ đề nghị gồm:

- Biên bản họp xét đề nghị quyết định đưa vào CSGD;

- Báo cáo và đề nghị quyết định đưa vào CSGD;

- Các biên bản về việc trại viên vi phạm Quy chế, Nội quy và các quyết định kỷ luật trại viên và các tài liệu liên quan đến vi phạm của họ;

- Danh sách trại viên bị đề nghị quyết định đưa vào CSGD (nếu có từ 2 người trở lên).

Các văn bản này phải làm theo mẫu thống nhất.

Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của CSGD, Cục trưởng Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng phải xem xét nếu thấy đủ điều kiện để có thể tiếp tục áp dụng biện pháp đưa vào CSGD thì phải có văn bản trả lời để CSGD báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi CSGD đóng xem xét ra quyết định.

Khi có quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh về việc tiếp tục đưa người vào CSGD thì Giám đốc CSGD phải tổ chức thông báo cho trại viện đó biết để chấp hành, đồng thời gửi 1 bản cho UBND cấp tỉnh trước đây đã ra quyết định đưa người đó vào CSGD, UBND cấp xã nơi cư trú của người đó biết và Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng để theo dõi.

Những trại viên vi phạm kỷ luật đã có hồ sơ đề nghị tiếp tục đưa vào CSGD nhưng đến ngày hết thời hạn chấp hành vẫn không có quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đưa họ vào CSGD thì Giám đốc CSGD phải cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời hạn giáo dục và cho họ ra khỏi CSGD, đồng thời phải có bản nhận xét riêng kiến nghị các biện pháp quản lý giáo dục tiếp theo gửi UBND các cấp theo quy định tại Điều 22 Quy chế về CSGD.

15. Về khen thưởng kỷ luật trại viên.

Việc khen thưởng, kỷ luật trại viên thực hiện theo quy định tại Điều 34, 35 Quy chế về CSGD. Quyết định khen thưởng, kỷ luật phải bằng văn bản và lưu vào hồ sơ của trại viên để theo dõi.

Những trại viên vi phạm Quy chế, Nội quy CSGD mà bị cách ly tại buồng kỷ luật thì có thể áp dụng thêm hình thức hạn chế hoặc không cho gặp thân nhân và nhận tiền, quà trong thời gian 2 tháng.

Trong thời gian kỷ luật nếu trại viên có tiến bộ, Giám đốc CSGD có thể quyết định giảm thời hạn cách ly tại buồng kỷ luật. Trại viên bị cách ly tại buồng kỷ luật (trừ trại viên nữ) có thể bị cùm chân trong những trường hợp nếu xét thấy không cùm thì họ có thể gây nguy hại cho chính bản thân, cho người khác hoặc có hành vi chống phá, trốn khỏi CSGD.

16. Tổ chức thực hiện.

- Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ dạo các ngành và UBND cấp dưới thực hiện các quy định của pháp luật về biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.

- Các đồng chí Tổng cục trưởng, Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo chức năng nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện có gì vướng mắc cần báo cáo kịp thời về Bộ (qua Vụ Pháp chế) để có hướng dẫn kịp thời.

Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với Tổng cục Cảnh sát, Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Thông tư này./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Minh Hương

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.