• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/04/2012
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 24/2012/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 17 tháng 2 năm 2012

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 77/2008/TT-BTC ngày 15 tháng 09 năm 2008

hướng dẫn thi hành một số biện pháp xử lý nợ đọng thuế

______________________

 

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.

Thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về đơn giản hoá 258 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, Ngành và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về đơn giản hoá thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính ;

Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 77/2008/TT-BTC ngày 15/9/2008 hướng dẫn thi hành một số biện pháp xử lý nợ đọng thuế như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung điểm 1b, điểm 1c Mục II như sau:

“b) Hồ sơ đề nghị miễn truy thu thuế và miễn các khoản phạt chậm nộp do doanh nghiệp lập và nộp cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan 01 bộ, bao gồm:

b.1) Công văn của doanh nghiệp đề nghị miễn truy thu thuế, miễn phạt trong đó giải trình rõ lý do đề nghị miễn truy thu, số tiền thuế truy thu;

b.2) Tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu bị truy thu thuế;

b.3) Thông báo thuế lần đầu của cơ quan hải quan;

b.4) Biên lai nộp thuế theo thông báo thuế lần đầu của cơ quan hải quan;

b.5) Quyết định hoặc thông báo truy thu thuế của cơ quan hải quan;

b.6) Biên lai nộp thuế truy thu theo quyết định hoặc thông báo truy thu thuế (đối với trường hợp đã nộp thuế truy thu nhưng chưa nộp phạt chậm nộp);

b.7) Quyết định phạt chậm nộp thuế truy thu;

b.8) Hợp đồng thương mại;

b.9) Hóa đơn thương mại, vận đơn;

b.10) Giấy chứng nhận giám định của cơ quan giám định (nếu có).

Các giấy tờ nêu trên nộp 01 bản, trừ công văn đề nghị miễn truy thu thuế, miễn phạt chậm nộp của doanh nghiệp là bản chính, còn lại là bản sao có đóng dấu sao y bản chính và chữ ký của đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp.

c) Trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý miễn truy thu thuế và miễn phạt chậm nộp:

Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị miễn truy thu và miễn phạt đến Cục Hải quan địa phương nơi làm thủ tục hải quan đối với lô hàng bị truy thu thuế để kiểm tra, xác nhận tính xác thực của bộ hồ sơ.

Trên cơ sở hồ sơ do doanh nghiệp lập, Cục Hải quan địa phương kiểm tra đối chiếu với quy định nêu tại điểm 1a Mục này và xử lý như sau:

c.1. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ: trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hải quan địa phương  phải có văn bản thông báo cho doanh nghiệp các nội dung sửa đổi, bổ sung, hoàn trả lại hồ sơ và yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung theo quy định.

c.2. Trường hợp hồ sơ đầy đủ thì xử lý như sau:

c.2.1. Trường hợp đủ điều kiện xét miễn truy thu thuế, miễn phạt thì trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hải quan địa phương tiếp nhận hồ sơ giải quyết phải có công văn báo cáo, đề xuất ý kiến xử lý kèm toàn bộ hồ sơ xin miễn truy thu của doanh nghiệp gửi Tổng cục Hải quan, nội dung công văn phải nêu rõ:

- Nguyên nhân chủ quan, khách quan (như nêu trên), tình tiết, nội dung sự việc dẫn đến việc đã tính (hoặc thông báo) sai số thuế phải nộp, do đó phải truy thu thuế;

- Số tiền thuế đã thông báo lần đầu;

- Số tiền thuế phải truy thu;

- Số tiền thuế truy thu và tiền phạt đề nghị miễn.

c.2.2. Trường hợp không đủ điều kiện để xét miễn truy thu thuế, miễn phạt theo quy định thì trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày Cục Hải quan địa phương tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản trả lời và yêu cầu người nộp thuế nộp đủ tiền thuế truy thu và tiền phạt chậm nộp theo đúng quy định.

Trên cơ sở hồ sơ và báo cáo do Cục Hải quan tỉnh, thành phố gửi, Tổng cục Hải quan kiểm tra, trình Bộ Tài chính quyết định miễn truy thu, miễn phạt cho doanh nghiệp.”.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung điểm 2b, điểm 2c Mục II như sau:

“b) Hồ sơ đề nghị xoá nợ thuế và các khoản phạt do doanh nghiệp lập và nộp cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan 01 bộ, bao gồm:

b.1. Công văn đề nghị xoá nợ thuế và các khoản phạt của doanh nghiệp trong đó giải trình rõ lý do đề nghị xoá nợ, nêu rõ nguyên nhân tính sai số thuế phải nộp, số tiền thuế (tiền phạt) đã thông báo, số tiền thuế phải nộp nếu tính đúng, số tiền thuế và tiền phạt đề nghị xoá nợ;

b.2. Tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu đề nghị xoá nợ thuế;

b.3. Thông báo thuế của cơ quan hải quan;

b.4. Quyết định truy thu thuế của cơ quan quản lý thuế (nếu có);

b.5. Quyết định phạt chậm nộp thuế (nếu có);

b.6. Hợp đồng thương mại;

b.7. Hóa đơn thương mại;

b.8. Giấy chứng nhận giám định của cơ quan giám định (nếu có);

b.9. Bản mô tả đặc điểm, tính chất, cấu tạo của hàng hóa do nhà sản xuất cung cấp (nếu có).

Các giấy tờ nêu trên nộp 01 bản, trừ công văn đề nghị xoá nợ thuế, xoá phạt chậm nộp của doanh nghiệp là bản chính, còn lại là bản photocopy có dấu sao y bản chính.

c) Trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý xoá nợ thuế và nợ phạt:

Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị xoá nợ thuế và các khoản phạt nói trên đến Cục Hải quan địa phương nơi làm thủ tục hải quan đối với lô hàng đang nợ thuế để kiểm tra, xác nhận tính xác thực của bộ hồ sơ.

Trên cơ sở hồ sơ do doanh nghiệp lập, Cục Hải quan địa phương kiểm tra đối chiếu với quy định tại điểm 2a Mục này và xử lý như sau:

c.1. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ: trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Hải quan địa phương phải có văn bản thông báo cho doanh nghiệp các nội dung cần sửa đổi, bổ sung theo quy định.

c.2. Trường hợp hồ sơ đầy đủ thì xử lý như sau:

c.2.1. Trường hợp đủ điều kiện xoá nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp thì trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định Cục Hải quan địa phương gửi toàn bộ hồ sơ và có công văn gửi Tổng cục Hải quan đề xuất xử lý xoá nợ thuế, nợ phạt cho doanh nghiệp. Nội dung công văn phải nêu rõ:

- Nguyên nhân dẫn đến việc đã tính sai số thuế phải nộp và lý do tính lại thuế;

- Số tiền thuế (tiền phạt) đã thông báo;

- Số tiền thuế phải nộp sau khi tính lại;

- Số tiền thuế và tiền phạt đề nghị xoá nợ;

- Xác nhận doanh nghiệp thuộc đối tượng được xử lý xoá nợ theo hướng dẫn tại điểm 2a Mục này và cam kết chịu trách nhiệm về đề xuất xử lý xoá nợ thuế, nợ phạt.

c.2.1. Trường hợp không đủ điều kiện để xoá nợ thuế và nợ phạt theo quy định thì trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày Cục Hải quan địa phương tiếp nhận hồ sơ  phải có văn bản trả lời và yêu cầu người nộp thuế nộp đủ tiền thuế truy thu và tiền phạt chậm nộp theo đúng quy định.

Trên cơ sở hồ sơ và báo cáo do Cục Hải quan tỉnh, thành phố gửi, Tổng cục Hải quan kiểm tra, trình Bộ Tài chính ra quyết định xoá nợ cho doanh nghiệp.”.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2012, thay thế các hướng dẫn trước đây trái với Thông tư này. Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.