• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/07/2012
BỘ Y TẾ
Số: 09/2012/TT-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 24 tháng 5 năm 2012

THÔNG TƯ

Hướng dẫn giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và giám sát

các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

________________________

 

Căn cứ Điều 24, 25 và 34 của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ - CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hướng dẫn giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục như sau:

Mục 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các biện pháp giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, bao gồm: giám sát phát hiện HIV/AIDS, giám sát phát hiện các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, giám sát trọng điểm HIV, giám sát trọng điểm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giám sát phát hiện HIV/AIDS là việc thu thập thông tin liên quan đến đối tượng được xét nghiệm HIV có kết quả dương tính, người bệnh AIDS và người nhiễm HIV tử vong để cung cấp thông tin cho lập kế hoạch, dự phòng, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV.

2. Giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi là việc thu thập thông tin liên tục, có hệ thống các câu hỏi hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong các nhóm đối tượng được lựa chọn của giám sát trọng điểm HIV.

3. Các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục là các nhiễm trùng do vi khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng, đơn bào hoặc các tác nhân khác lây truyền do quan hệ tình dục.

4. Giám sát phát hiện các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục là việc thu thập thông tin liên quan đến đối tượng được chẩn đoán mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

5. Giám sát trọng điểm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục là việc thu thập thông tin liên tục và có hệ thống thông qua xét nghiệm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục trong các nhóm đối tượng được lựa chọn, tại các vị trí được lựa chọn.

6. Giám sát nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục theo căn nguyên là thu thập thông tin định kỳ và hệ thống dựa vào xét nghiệm tìm tác nhân các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

7. Giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục theo hội chứng là thu thập thông tin định kỳ và hệ thống dựa vào triệu chứng và các dấu hiệu qua khám lâm sàng để quy theo hội chứng đối với các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

8. Thành thị là các đơn vị hành chính có tên gọi là phường, thị trấn.

9. Nông thôn là các đơn vị hành chính có tên gọi là xã.

Điều 3. Nguyên tắc chung trong thực hiện giám sát

1. Các trường hợp xét nghiệm HIV, chẩn đoán người bệnh AIDS và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục đều phải được báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Thông tư này.

2. Một trường hợp giám sát chỉ được phân loại và báo cáo theo một nhóm đối tượng giám sát. Trường hợp đối tượng có nhiều hành vi nguy cơ phải thống kê toàn bộ hành vi nguy cơ của đối tượng và phân loại đối tượng theo nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao nhất.

3. Giữ bí mật thông tin về tên, địa chỉ, hình ảnh và kết quả xét nghiệm của người được xét nghiệm HIV, người bệnh AIDS.

Mục 2

GIÁM SÁT PHÁT HIỆN HIV

Điều 4. Đối tượng giám sát phát hiện HIV

1. Người được xét nghiệm HIV.

2. Người bệnh AIDS.

3. Người nhiễm HIV tử vong.

Điều 5. Nội dung giám sát phát hiện HIV

1. Thu thập thông tin của người được xét nghiệm HIV theo các nội dung sau:

a) Họ và tên hoặc mã số của người được xét nghiệm HIV; năm sinh; giới tính; dân tộc; nghề nghiệp; nơi cư trú (nếu có);

b) Các nhóm đối tượng:

- Nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao: người nghiện chích ma tuý; phụ nữ bán dâm; người mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục; nam có quan hệ tình dục đồng giới;

- Nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV thấp: phụ nữ mang thai; người hiến máu; thanh niên tham gia khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự (sau đây được gọi là thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự);

- Nhóm bệnh nhân lao;

- Nhóm đối tượng khác.

c) Nguy cơ lây nhiễm HIV: lây truyền qua đường máu, lây truyền qua đường tình dục, lây truyền HIV từ mẹ sang con;

d) Ngày khẳng định kết quả xét nghiệm HIV dương tính;

đ) Nơi lấy mẫu máu;

e) Phòng xét nghiệm HIV đã xét nghiệm khẳng định mẫu máu HIV dương tính;

g) Kết quả xác minh hiện trạng cư trú của người nhiễm HIV tại địa phương (sau khi thực hiện quy trình phản hồi danh sách người nhiễm HIV): hiện đang sinh sống tại địa phương hoặc đã chuyển đi nơi khác hoặc mất dấu hoặc địa chỉ đã thu thập được không có tại địa phương;

h) Tiền sử điều trị thuốc kháng HIV: ngày bắt đầu điều trị, phác đồ điều trị, số lượng tế bào CD4, nơi điều trị.

2. Thu thập thông tin của người bệnh AIDS theo các nội dung sau:

Ngoài việc thu thập các thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều này, phải thu thập thêm các thông tin sau:

a) Ngày chẩn đoán AIDS;

b) Đơn vị chẩn đoán;

c) Các hội chứng lâm sàng theo quy định tại Quyết định số 3003/QĐ-BYT ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS" (sau đây gọi tắt là Quyết định số 3003/QĐ-BYT);

3. Thu thập các thông tin của các trường hợp nhiễm HIV tử vong:

Ngoài việc thu thập các thông tin theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, phải thu thập thêm các thông tin sau:

a) Ngày tử vong;

b) Nguyên nhân tử vong: tử vong do bệnh AIDS hoặc do mắc bệnh khác hoặc do sốc vì sử dụng ma túy quá liều hoặc tự tử hoặc tai nạn hoặc do các nguyên nhân khác.

Điều 6. Thống kê các thông tin trong giám sát phát hiện HIV

1. Giá trị của số liệu trong kỳ báo cáo:

a) Giá trị của số liệu báo cáo hằng tháng được tính từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng đó;

b) Giá trị của số liệu báo cáo hằng quý được quy định như sau:

- Số liệu của Quý I được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 3 hằng năm;

- Số liệu của Quý II được tính từ ngày 01 tháng 4 đến hết ngày 30 tháng 6 hằng năm;

- Số liệu của Quý III được tính từ ngày 01 tháng 7 đến hết ngày 30 tháng 9 hằng năm;

- Số liệu của Quý IV được tính từ ngày 01 tháng 10 đến hết ngày 31 tháng 12 hằng năm.

2. Thống kê các thông tin của người được xét nghiệm HIV trên địa bàn theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Thu thập thông tin, quản lý thông tin người có kết quả xét nghiệm HIV dương tính được phát hiện trên địa bàn, người bệnh AIDS, người nhiễm HIV tử vong thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Quy trình thực hiện giám sát phát hiện HIV

1. Tư vấn trước xét nghiệm, lấy mẫu máu làm xét nghiệm, tư vấn sau xét nghiệm cho các đối tượng đến xét nghiệm HIV tại cơ sở theo quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.

2. Thu thập và xử lý số liệu về các trường hợp đến xét nghiệm HIV tại cơ sở.

3. Quản lý danh sách người nhiễm HIV, người bệnh AIDS, người nhiễm HIV tử vong.

4. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Mục 5 Thông tư này.

Mục 3

GIÁM SÁT PHÁT HIỆN CÁC NHIỄM TRÙNG LÂY TRUYỀN QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC

Điều 8. Nguyên tắc giám sát phát hiện các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

Ngoài việc tuân thủ nguyên tắc chung được quy định tại Điều 3 Thông tư này, việc giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục thực hiện theo nguyên tắc: một trường hợp nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục chỉ được báo cáo hoặc theo căn nguyên hoặc theo hội chứng. Trường hợp đã xác định được căn nguyên phải thực hiện báo cáo theo căn nguyên, không được báo cáo theo hội chứng.

Điều 9. Đối tượng giám sát phát hiện các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

Những người bệnh đã được chẩn đoán mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

Điều 10. Nội dung giám sát phát hiện các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

1. Thông tin cá nhân: tuổi, giới tính, nghề nghiệp.

2. Các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục:

a) Theo căn nguyên: giang mai, lậu, nhiễm Chlamydia, viêm âm đạo do trùng roi, bệnh hạ cam, bệnh u hạt bẹn, viêm âm đạo do vi khuẩn, herpes sinh dục, sùi mào gà sinh dục, viêm âm hộ, âm đạo do Candida và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác;

b) Theo hội chứng: tiết dịch niệu đạo ở nam, tiết dịch âm đạo, hội chứng loét sinh dục, hội chứng đau bụng dưới ở nữ, các hội chứng nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác.

3. Tình trạng nhiễm HIV của các trường hợp bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

Điều 11. Thu thập và thống kê các thông tin của đối tượng giám sát phát hiện các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

1. Thu thập và thống kê các thông tin của đối tượng giám sát trên địa bàn theo căn nguyên: Thực hiện theo quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Thu thập và thống kê các thông tin của đối tượng giám sát trên địa bàn theo hội chứng: Thực hiện theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Thu thập và thống kê các thông tin của đối tượng giám sát trên địa bàn theo kết quả xét nghiệm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục: Thực hiện theo quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 12. Quy trình thực hiện giám sát phát hiện các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

1. Thu thập thông tin cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này, tìm hiểu bệnh sử, khám, tư vấn cho tất cả đối tượng đến khám tại các cơ sở có khám và điều trị các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

2. Chẩn đoán các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục: lấy mẫu làm xét nghiệm và kết luận chẩn đoán bệnh dựa trên kết quả xét nghiệm. Trường hợp không có điều kiện làm xét nghiệm thì căn cứ vào các hội chứng của người bệnh để chẩn đoán theo hội chứng.

3. Thu thập và thống kê số liệu về các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục theo hội chứng hoặc theo căn nguyên và tình trạng nhiễm HIV theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 10 Thông tư này.

4. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Mục 5 Thông tư này.

Mục 4

GIÁM SÁT TRỌNG ĐIỂM HIV, GIÁM SÁT TRỌNG ĐIỂM CÁC NHIỄM TRÙNG LÂY TRUYỀN

 QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC VÀ GIÁM SÁT TRỌNG ĐIỂM HIV LỒNG GHÉP HÀNH VI

Điều 13. Nguyên tắc thực hiện giám sát trọng điểm

1. Bảo đảm thực hiện đúng quy định tại Điều 25 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (sau đây gọi tắt là Luật phòng, chống HIV/AIDS).

2. Việc lấy mẫu trong giám sát trọng điểm phải thực hiện độc lập với các giám sát và nghiên cứu khác.

3. Không được sử dụng số liệu của giám sát phát hiện HIV/AIDS, số liệu của các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện và kết quả của các nghiên cứu khác để báo cáo số liệu giám sát trọng điểm.

4. Việc chọn đối tượng trong giám sát trọng điểm HIV không được căn cứ vào tình trạng nhiễm HIV hiện tại của đối tượng.

5. Bảo đảm duy trì địa bàn giám sát trọng điểm qua các năm.

6. Không được lấy mẫu giám sát trọng điểm trong các trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội, trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

7. Việc lấy mẫu máu, dịch cơ thể và nước tiểu phải được thực hiện nơi kín đáo, riêng tư.

8. Không được lấy mẫu xét nghiệm HIV và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục lặp lại trên cùng một đối tượng trong cùng một năm giám sát trọng điểm.

9. Không được sử dụng kết quả xét nghiệm giám sát trọng điểm để chẩn đoán xác định nhiễm HIV.

10. Các xét nghiệm HIV và xét nghiệm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phải được thực hiện bằng phương pháp xét nghiệm HIV giấu tên.

11. Phải giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ của chương trình phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng tham gia giám sát trọng điểm.

Điều 14. Đối tượng giám sát trọng điểm HIV và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

1. Đối tượng giám sát trọng điểm HIV:

Tùy theo tình hình thực tế của từng tỉnh để lựa chọn các nhóm đối tượng giám sát trọng điểm sau:

a) Nam nghiện chích ma túy;

b) Phụ nữ bán dâm;

c) Nam mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục;

d) Phụ nữ mang thai;

đ) Nam thanh niên khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự;

e) Nam có quan hệ tình dục đồng giới;

g) Nhóm khác: Căn cứ vào nguy cơ lây truyền HIV của từng tỉnh để lựa chọn nhóm đối tượng có vai trò làm gia tăng lây truyền HIV tại địa phương, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm này phải ước lượng trên 1% và phải bảo đảm thực hiện giám sát liên tục qua các năm.

2. Đối tượng giám sát trọng điểm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục:

a) Giang mai: giám sát trọng điểm đối với các đối tượng quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này;

b) Lậu: giám sát trọng điểm ở các đối tượng quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều này;

c) Chlamydia: giám sát trọng điểm ở các đối tượng quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều này;

d) Trùng roi âm đạo: giám sát trọng điểm ở các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Điều 15. Thời gian thực hiện giám sát trọng điểm HIV và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

1. Thời gian thực hiện giám sát trọng điểm: bắt đầu từ ngày 01 tháng 6 và kết thúc vào ngày 30 tháng 9 hằng năm.

2. Riêng nhóm nam thanh niên khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự, tiến hành giám sát trọng điểm theo lịch khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự của địa phương nhưng không được chậm hơn ngày 31 tháng 12 hằng năm.

Điều 16. Phương pháp lựa chọn địa điểm giám sát trọng điểm HIV và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

1. Nhóm nam nghiện chích ma túy: theo kết quả lập bản đồ, chọn tối đa 5 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) có số người nghiện chích ma túy trong cộng đồng nhiều nhất. Hằng năm, các huyện đã được lựa chọn sẽ tiến hành hoạt động lập bản đồ để làm cơ sở phân bổ và chọn mẫu cho từng xã, phường, thị trấn.

2. Nhóm phụ nữ bán dâm: theo kết quả lập bản đồ, chọn tối đa 5 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) có số phụ nữ bán dâm trong cộng đồng nhiều nhất. Trên cơ sở các huyện được lựa chọn, tiến hành lập bản đồ xác định các tụ điểm và số lượng phụ nữ bán dâm hoạt động tại các tụ điểm đó trước khi thực hiện giám sát trọng điểm hằng năm.

3. Nhóm nam mắc nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục: chọn tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thực hiện việc khám, điều trị cho người mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục trên địa bàn tỉnh.

4. Nhóm phụ nữ mang thai:

a) Chọn bệnh viện đa khoa hoặc bệnh viện phụ sản hoặc trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản của tỉnh để thực hiện việc giám sát trọng điểm đối với phụ nữ mang thai cư trú ở thành thị;

b) Chọn tối đa 5 bệnh viện huyện nơi có số dân nhiều nhất để thực hiện việc giám sát trọng điểm đối với phụ nữ mang thai cư trú ở nông thôn.

5. Nhóm nam thanh niên khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự:

a) Chọn tối đa 5 quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để thực hiện việc giám sát trọng điểm đối với thanh niên khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự đang cư trú ở thành thị;

b) Chọn tối đa 5 huyện để thực hiện việc giám sát trọng điểm đối với thanh niên khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự đang cư trú ở khu vực nông thôn.

6. Nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới: chọn tối đa 5 huyện ước tính có số nam có quan hệ tình dục đồng giới nhiều nhất. Trên cơ sở các huyện được lựa chọn, tiến hành lập bản đồ xác định các tụ điểm và số lượng nam có quan hệ tình dục đồng giới tại các điểm đó trước khi thực hiện giám sát trọng điểm hằng năm.

7. Nhóm đối tượng khác: Chọn các địa điểm nơi các đối tượng giám sát hiện đang cư trú.

Điều 17. Tiêu chuẩn lựa chọn các nhóm đối tượng trong giám sát trọng điểm HIV và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

1. Tiêu chuẩn chung: chọn các đối tượng đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự.

2. Các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng nhóm giám sát trọng điểm:

a) Nhóm nam nghiện chích ma túy: có ít nhất một lần tiêm chích ma túy trong 1 tháng trước thời điểm thu thập mẫu;

b) Nhóm phụ nữ bán dâm: đã từng bán dâm qua quan hệ tình dục bằng đường âm đạo hoặc hậu môn ít nhất một lần trong 1 tháng trước thời điểm thu thập mẫu tại địa bàn tỉnh;

c) Nhóm nam mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục:

- Đã được chẩn đoán mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục theo căn nguyên hoặc theo hội chứng;

- Hiện đang cư trú tại tỉnh.

d) Nhóm phụ nữ mang thai:

- Đang mang thai (không phân biệt phụ nữ đến nạo phá thai hoặc khám thai hoặc đến đẻ);

- Hiện đang cư trú tại tỉnh.

đ) Nhóm nam thanh niên khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự: nam thanh niên tham gia khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự tại địa phương;

e) Nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới: nam giới có quan hệ tình dục qua đường hậu môn với nam giới khác trong vòng 12 tháng qua;

g) Nhóm đối tượng khác:

- Có hành vi làm tăng nguy cơ lây truyền HIV trên địa bàn tỉnh;

- Hiện đang cư trú tại tỉnh.

Điều 18. Cỡ mẫu, phương pháp chọn mẫu và bệnh phẩm trong giám sát trọng điểm HIV và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

1. Nhóm nam nghiện chích ma túy:

a) Cỡ mẫu: 150-300 mẫu;

b) Phương pháp chọn mẫu:

- Trên cơ sở các huyện được lựa chọn tiến hành phân bổ cỡ mẫu quy định cho các huyện theo tỷ lệ thuận số người nghiện chích ma túy ước lượng tại mỗi huyện;

- Tại mỗi huyện được lựa chọn, liệt kê các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) có người nghiện chích ma túy và ước lượng số người nghiện chích ma túy tại mỗi xã;

- Tính số xã cần thực hiện giám sát trọng điểm bằng cách chia số cỡ mẫu phân bổ cho trung bình số người nghiện chích ma túy tại mỗi xã;

- Chọn ngẫu nhiên các xã thực hiện giám sát trọng điểm;

- Tại xã đầu tiên được lựa chọn, dựa vào nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng hoặc thông qua những người nghiện chích ma túy để vận động tất cả những người nghiện chích ma túy đang cư trú tại địa bàn xã tham gia vào giám sát trọng điểm;

- Tiếp tục thực hiện lần lượt tại các xã còn lại trong danh sách cho đến khi đủ cỡ mẫu được phân bổ cho huyện đó.

c) Bệnh phẩm cần thu thập: mẫu máu.

2. Nhóm phụ nữ bán dâm:

a) Cỡ mẫu: 150-300 mẫu;

b) Phương pháp chọn mẫu:

- Trên cơ sở các huyện được lựa chọn tiến hành phân bổ cỡ mẫu quy định cho các huyện theo tỷ lệ thuận số phụ nữ bán dâm ước lượng tại mỗi huyện;

- Tại mỗi huyện được lựa chọn, liệt kê các tụ điểm có phụ nữ bán dâm và ước lượng số phụ nữ bán dâm tại mỗi tụ điểm;

- Tính số tụ điểm cần thực hiện giám sát trọng điểm bằng cách chia số cỡ mẫu phân bổ cho trung bình số phụ nữ bán dâm tại mỗi tụ điểm;

- Chọn ngẫu nhiên số tụ điểm cần thực hiện giám sát trọng điểm;

- Tại tụ điểm đầu tiên được lựa chọn, dựa vào nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng hoặc thông qua người đứng đầu hoặc người quản lý các tụ điểm để vận động tất cả phụ nữ bán dâm tại tụ điểm tham gia vào giám sát trọng điểm;

- Tiếp tục thực hiện lần lượt tại các tụ điểm còn lại cho đến khi đủ cỡ mẫu được phân bổ cho huyện đó.

c) Bệnh phẩm cần thu thập: máu, dịch tiết cổ tử cung và dịch tiết âm đạo. Đối với các tỉnh không thực hiện giám sát trọng điểm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục thì không phải lấy dịch tiết cổ tử cung và dịch tiết âm đạo của đối tượng giám sát.

3. Nhóm nam mắc nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục:

a) Cỡ mẫu: 150-300 mẫu;

b) Phương pháp chọn mẫu: lấy mẫu liên tiếp của tất cả nam giới mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục tại các địa điểm giám sát đã được lựa chọn từ thời điểm bắt đầu thực hiện giám sát trọng điểm đến khi đủ cỡ mẫu theo quy định hoặc đến

khi kết thúc thời gian thực hiện giám sát trọng điểm;

c) Bệnh phẩm cần thu thập: máu, dịch tiết niệu đạo. Đối với các tỉnh không thực hiện giám sát trọng điểm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục thì không phải lấy dịch tiết niệu đạo của đối tượng giám sát.

4. Nhóm phụ nữ mang thai:

a) Cỡ mẫu:

- Phụ nữ mang thai cư trú ở thành thị: 400 mẫu;

- Phụ nữ mang thai cư trú ở nông thôn: 400 mẫu.

b) Phương pháp chọn mẫu:

- Phụ nữ mang thai thành thị: lấy mẫu liên tiếp của tất cả phụ nữ mang thai đang cư trú tại thành thị đến khám thai tại cơ cở y tế được lựa chọn theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 16 Thông tư này từ thời điểm bắt đầu thực hiện giám sát trọng điểm đến khi đủ cỡ mẫu theo quy định hoặc đến khi kết thúc thời gian thực hiện giám sát trọng điểm;

- Phụ nữ mang thai nông thôn: lấy mẫu liên tiếp của tất cả phụ nữ mang thai đang cư trú tại nông thôn đến khám thai tại cơ cở y tế được lựa chọn theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 16 Thông tư này từ thời điểm bắt đầu thực hiện giám sát trọng điểm đến khi đủ cỡ mẫu theo quy định hoặc đến khi kết thúc thời gian thực hiện giám sát trọng điểm.

c) Bệnh phẩm cần thu thập: mẫu máu.

5. Nhóm nam thanh niên khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự:

a) Cỡ mẫu:

- Nam thanh niên tham gia khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự đang cư trú ở thành thị: 400 mẫu;

- Nam thanh niên tham gia khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự đang cư trú ở nông thôn: 400 mẫu.

b) Phương pháp chọn mẫu:

- Thanh niên tham gia khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự cư trú ở thành thị: trên cơ sở các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được lựa chọn theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 16 Thông tư này, chọn các phường, thị trấn có thực hiện khám sơ tuyển thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự, ước lượng trung bình số thanh niên tham gia khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự mỗi phường, thị trấn. Xác định số phường, thị trấn cần thực hiện giám sát trọng điểm thanh niên tham gia khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự bằng cách chia cỡ mẫu quy định cho số trung bình thanh niên tham gia khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự của mỗi phường, thị trấn. Chọn ngẫu nhiên các phường, thị trấn cho đến khi đủ số phường cần chọn giám sát trọng điểm. Tại mỗi phường, thị trấn được chọn, chọn tất cả thanh niên khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự tại phường, thị trấn đến khi đủ cỡ mẫu theo quy định;

- Thanh niên tham gia khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự cư trú ở nông thôn: trên cơ sở các huyện được lựa chọn theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 16 Thông tư này, chọn các xã có thực hiện khám sơ tuyển thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự, ước lượng trung bình số thanh niên tham gia khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự mỗi xã.

Xác định số xã cần thực hiện giám sát trọng điểm thanh niên khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự bằng cách chia cỡ mẫu quy định cho ước lượng trung bình số thanh niên khám sơ tuyển tham gia nghĩa vụ quân sự của mỗi xã. Chọn ngẫu nhiên các xã cho đến khi đủ số xã cần chọn giám sát trọng điểm. Tại mỗi xã được chọn, chọn tất cả thanh niên khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự tại xã đến khi đủ cỡ mẫu theo quy định.

c) Bệnh phẩm cần thu thập: mẫu máu.

6. Nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới:

a) Cỡ mẫu: 150-300 mẫu;

b) Phương pháp chọn mẫu:

- Trên cơ sở các huyện được lựa chọn tiến hành phân bổ cỡ mẫu quy định cho các huyện theo tỷ lệ thuận số nam có quan hệ tình dục đồng giới ước lượng tại mỗi huyện;

- Tại mỗi huyện được lựa chọn, liệt kê các tụ điểm có nam có quan hệ tình dục đồng giới và ước lượng số nam có quan hệ tình dục đồng giới tại mỗi tụ điểm;

- Tính số tụ điểm cần thực hiện giám sát trọng điểm bằng cách chia số cỡ mẫu phân bổ cho trung bình số nam có quan hệ tình dục đồng giới tại mỗi tụ điểm;

- Chọn ngẫu nhiên số tụ điểm cần thực hiện giám sát trọng điểm;

- Tại tụ điểm đầu tiên được lựa chọn, dựa vào các nhân viên tiếp cận cộng đồng tiến hành mời tất cả nam có quan hệ tình dục đồng giới có mặt tại tụ điểm tham gia vào giám sát trọng điểm;

- Tiếp tục thực hiện lần lượt tại các tụ điểm còn lại cho đến khi đủ cỡ mẫu được phân bổ cho huyện đó.

c) Bệnh phẩm cần thu thập: mẫu máu.

7. Nhóm khác:

a) Cỡ mẫu: 400 mẫu;

b) Phương pháp chọn mẫu: căn cứ vào các phương pháp chọn mẫu được quy định tại điểm b của các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này để lựa chọn phương pháp chọn mẫu phù hợp với thực tế tại địa phương;

c) Bệnh phẩm cần thu thập: mẫu máu.

Điều 19. Quy trình thực hiện giám sát đối với các tỉnh thực hiện cả giám sát trọng điểm HIV và giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

1. Lập kế hoạch tổ chức thực hiện giám sát trọng điểm HIV và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hằng năm.

2. Tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch giám sát trọng điểm; tập huấn cho các nhân viên y tế, nhân viên tiếp cận cộng đồng và các đối tượng khác có tham gia vào quá trình thực hiện giám sát trọng điểm.

3. Tổ chức triển khai giám sát trọng điểm tại các địa điểm đã được lựa chọn:

a) Thỏa thuận với các đối tượng đồng ý tham gia giám sát trọng điểm;

b) Lấy mẫu và vận chuyển bệnh phẩm. Việc phân tách mẫu để làm xét nghiệm được tiến hành như sau:

- Mẫu máu: do đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh lấy và vận chuyển toàn bộ số mẫu thu được về cơ sở của mình. Sau đó, tiến hành phân tách mỗi mẫu huyết thanh thu được thành 2 phần huyết thanh bằng nhau: 01 phần dùng để xét nghiệm HIV tại đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh; 01 phần để tiến hành xét nghiệm phát hiện giang mai tại đơn vị đầu mối về da liễu tỉnh;

- Mẫu bệnh phẩm dịch tiết cổ tử cung, âm đạo và niệu đạo: do đơn vị đầu mối về da liễu tỉnh lấy và vận chuyển toàn bộ số mẫu thu được về đơn vị đầu mối về da liễu tỉnh để tiến hành xét nghiệm phát hiện lậu và Chlamydia.

4. Thực hiện xét nghiệm:

a) Xét nghiệm HIV thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

b) Xét nghiệm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục thực hiện theo quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này. Riêng việc xét nghiệm phát hiện trùng roi phải được tiến hành ngay sau khi lấy mẫu dịch tiết âm đạo bằng phương pháp soi tươi tại địa điểm giám sát.

5. Thống kê số liệu sau khi thực hiện xét nghiệm:

a) Đơn vị đầu mối về da liễu tỉnh lập danh sách kết quả xét nghiệm theo các mẫu quy định tại Phụ lục 8, 9, 10, 11, 12 và 13 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi cho đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh;

b) Đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh lập danh sách kết quả xét nghiệm theo các mẫu quy định tại Phụ lục 7, 9, 10, 11, 12, 13, 14 và 15 ban hành kèm theo Thông tư này và tổng hợp kết quả xét nghiệm giám sát trọng điểm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục do đơn vị đầu mối về da liễu tỉnh gửi đến.

6. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Mục 5 Thông tư này.

Điều 20. Quy trình thực hiện giám sát trọng điểm đối với các tỉnh chỉ thực hiện giám trọng điểm HIV

1. Lập kế hoạch tổ chức thực hiện giám sát trọng điểm HIV hằng năm.

2. Tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch giám sát trọng điểm; tập huấn cho các nhân viên y tế, nhân viên tiếp cận cộng đồng và các đối tượng khác có tham gia vào quá trình thực hiện giám sát trọng điểm.

3. Tổ chức triển khai giám sát trọng điểm tại các địa điểm đã được lựa chọn:

a) Thỏa thuận với các đối tượng đồng ý tham gia giám sát trọng điểm;

b) Lấy mẫu, vận chuyển bệnh phẩm và thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

4. Thống kê số liệu các đối tượng giám sát trọng điểm HIV theo các mẫu quy định tại Phụ lục 7, 9, 10, 11, 12, 13, 14 và 15 ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Mục 5 Thông tư này.

Điều 21. Giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi

1. Đối tượng của giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi là đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư này. Tùy theo thực tế của từng tỉnh và hướng dẫn của Bộ Y tế để lựa chọn nhóm đối tượng cho giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi hằng năm.

2. Người được lựa chọn vào giám sát trọng điểm HIV theo đúng hướng dẫn đã được quy định tại Điều 14, 15, 16, 17 và 18 Thông tư này sẽ được đề nghị trả lời các câu hỏi trong phiếu điều tra hành vi.

3. Đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, tổng hợp, phân tích, viết báo cáo kết quả giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi theo hướng dẫn của Bộ Y tế và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Mục 5 Thông tư này.

Mục 5

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 22. Quy định về nguyên tắc báo cáo và chế độ bảo mật thông tin trong báo cáo giám sát

1. Đối với các trường hợp xét nghiệm HIV, chẩn đoán AIDS và chẩn đoán các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục thì các cơ sở trực tiếp thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm chịu trách nhiệm báo cáo danh sách này. Đối với các tỉnh triển khai giám sát trọng điểm HIV, giám sát trọng điểm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả và báo cáo.

2. Trong quá trình vận chuyển, danh sách người nhiễm HIV phải được cho vào phong bì dán kín có niêm phong và ghi rõ tên, địa chỉ người nhận.

3. Chỉ những người được giao trách nhiệm quản lý danh sách người nhiễm HIV của các cơ quan sau đây mới được quyền tra cứu thông tin liên quan đến danh tính người nhiễm HIV thuộc cơ sở dữ liệu giám sát dịch tễ học HIV/AIDS:

a) Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế;

b) Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và các Viện khu vực;

c) Đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh;

d) Trung tâm Y tế huyện hoặc Trung tâm Y tế dự phòng huyện đối với các huyện không có Trung tâm Y tế huyện (sau đây gọi tắt là đơn vị đầu mối về y tế dự phòng huyện);

đ) Trạm Y tế xã.

Điều 23. Quy định về báo cáo giám sát phát hiện HIV

1. Tuyến xã:

a) Đơn vị gửi báo cáo: Trạm Y tế xã, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn;

b) Thời gian gửi báo cáo: từ ngày 01 đến ngày 05 hằng tháng;

c) Nội dung báo cáo: theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Đơn vị nhận báo cáo: đơn vị đầu mối về y tế dự phòng huyện.

2. Tuyến huyện:

a) Đơn vị gửi báo cáo:

- Bệnh viện (đối với huyện có bệnh viện huyện độc lập);

- Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS;

- Phòng tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện.

b) Thời gian gửi báo cáo: từ ngày 01 đến ngày 05 hằng tháng;

c) Nội dung báo cáo: theo các mẫu quy định tại Phụ lục 1 và 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Đơn vị nhận báo cáo: đơn vị đầu mối về y tế dự phòng huyện.

3. Tuyến tỉnh:

a) Đơn vị gửi báo cáo:

- Đơn vị đầu mối về y tế dự phòng huyện;

- Các cơ sở y tế nhà nước tuyến tỉnh;

- Các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn tỉnh;

- Đơn vị y tế ngành đóng trên địa bàn tỉnh.

b) Thời gian gửi báo cáo: từ ngày 06 đến ngày 10 hằng tháng;

c) Nội dung báo cáo: theo các mẫu quy định tại Phụ lục 1 và 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Đơn vị nhận báo cáo: đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

4. Đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thực hiện báo cáo bằng hệ thống báo cáo trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế từ ngày 10 đến ngày 15 hằng tháng. Đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh chịu trách nhiệm lưu trữ, bảo quản các báo cáo do các đơn vị khác gửi đến.

5. Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thực hiện báo cáo bằng hệ thống báo cáo trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế từ ngày 10 đến ngày 15 hằng tháng. Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên chịu trách nhiệm lưu trữ, bảo quản các báo cáo do các đơn vị khác gửi đến.

Điều 24. Quy trình phản hồi danh sách người nhiễm HIV

1. Đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thực hiện việc phản hồi số liệu HIV/AIDS như sau:

a) Căn cứ danh sách người nhiễm HIV được tổng hợp qua hệ thống báo cáo trực tuyến lập:

- Danh sách người nhiễm HIV mới phát hiện của từng huyện và gửi cho người đứng đầu đơn vị đầu mối về y tế dự phòng huyện;

- Danh sách người nhiễm HIV mới phát hiện không thuộc địa bàn tỉnh và gửi cho người đứng đầu cơ quan đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh nơi người nhiễm HIV cư trú.

b) Thời gian phản hồi: chậm nhất là ngày 15 của tháng tiếp sau tháng báo cáo.

2. Đơn vị đầu mối về y tế dự phòng huyện thực hiện việc phản hồi số liệu HIV/AIDS như sau:

a) Căn cứ danh sách người nhiễm HIV do đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh phản hồi tiến hành phân loại và lập danh sách người nhiễm HIV mới phát hiện của từng xã và gửi cho Trạm trưởng Trạm Y tế xã;

b) Thời gian phản hồi: 5 ngày sau khi nhận thông báo đề nghị rà soát của đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

3. Trạm trưởng Trạm Y tế xã tiến hành:

a) Đối chiếu tên, năm sinh, nơi cư trú của người nhiễm HIV có tên trong danh sách với thực tế nhân khẩu tại địa bàn;

b) Hiệu chỉnh danh sách đối với những trường hợp phát hiện có sai sót về năm sinh, nơi cư trú hoặc người nhiễm HIV không có thực trên địa bàn và gửi danh sách này cho đơn vị đầu mối về y tế dự phòng huyện;

c) Thời gian phản hồi: 10 ngày kể từ khi nhận thông báo đề nghị rà soát của đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS huyện.

4. Phản hồi số liệu sau khi đã được tuyến xã rà soát về các đơn vị đầu mối tuyến trên:

a) Sau khi tiếp nhận danh sách hiệu chỉnh của trạm y tế xã, trong thời gian 10 ngày làm việc, đơn vị đầu mối về y tế dự phòng huyện gửi báo cáo tổng hợp về đơn vị đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh;

b) Đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tổng hợp các danh sách hiệu chỉnh và thực hiện cập nhật bổ sung trên hệ thống báo cáo trực tuyến.

Điều 25. Quy định về báo cáo giám sát phát hiện các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

1. Tuyến xã:

a) Đơn vị gửi báo cáo: Trạm Y tế xã, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn;

b) Thời gian gửi báo cáo: từ ngày 01 đến ngày 05 của tháng 07 và tháng 01 hằng năm;

c) Nội dung báo cáo: báo cáo số người bệnh khám và điều trị các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục của 6 tháng trước theo các mẫu quy định tại Phụ lục 3, 4 và 5 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Đơn vị nhận báo cáo: đơn vị đầu mối về y tế dự phòng huyện.

2. Tuyến huyện:

a) Đơn vị gửi báo cáo:

- Bệnh viện (đối với huyện có bệnh viện huyện độc lập).

b) Thời gian gửi báo cáo: từ ngày 06 đến ngày 10 của tháng 07 và tháng 01 hằng năm;

c) Nội dung báo cáo: báo cáo số người bệnh khám và điều trị các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục của 6 tháng trước theo các mẫu quy định tại Phụ lục 3, 4 và 5 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Đơn vị nhận báo cáo: đơn vị đầu mối về y tế dự phòng huyện.

3. Tuyến tỉnh:

a) Đơn vị gửi báo cáo:

- Đơn vị đầu mối về y tế dự phòng huyện;

- Các cơ sở y tế nhà nước tuyến tỉnh;

- Đơn vị y tế ngành đóng trên địa bàn tỉnh.

b) Thời gian gửi báo cáo: từ ngày 11 đến ngày 15 của tháng 07 và tháng 01 hằng năm;

c) Nội dung báo cáo: báo cáo số người bệnh khám và điều trị các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục của 6 tháng trước theo các mẫu quy định tại Phụ lục 3, 4 và 5 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Đơn vị nhận báo cáo: đơn vị đầu mối về da liễu tỉnh.

4. Đơn vị đầu mối về da liễu tỉnh tổng hợp và gửi báo cáo số người bệnh khám và điều trị các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục của 6 tháng trước (bao gồm cả các trường hợp do đơn vị thực hiện) về Bệnh viện Da liễu trung ương trong khoảng thời gian từ ngày 16 đến ngày 20 của tháng 07 và tháng 01 hằng năm theo các mẫu quy định tại Phụ lục 3, 4 và 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tổng hợp và gửi báo cáo số người bệnh khám và điều trị các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục của 6 tháng trước về Bệnh viện Da liễu trung ương trong khoảng thời gian từ ngày 01 đến ngày 05 của tháng 07 và tháng 01 hằng năm theo các mẫu quy định tại Phụ lục 3, 4 và 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Bệnh viện Da liễu trung ương tổng hợp số người bệnh khám và điều trị các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục của các tỉnh trong phạm vi toàn quốc, danh sách các trường hợp được xét nghiệm HIV đã thực hiện tại Bệnh viện và gửi về Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến ngày 25 của tháng 7 và tháng 01 hằng năm.

Điều 26. Quy định báo cáo trong giám sát trọng điểm HIV, giám sát trọng điểm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi

1. Chậm nhất vào ngày 15 tháng 10 hằng năm, đơn vị đầu mối về da liễu tỉnh phải gửi báo cáo giám trọng điểm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục cho đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh và Bệnh viện Da liễu trung ương theo các mẫu quy định tại Phụ lục 8, 9, 10, 11, 12 và 13 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Chậm nhất ngày 31 tháng 10 hằng năm, đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh phải gửi báo cáo kết quả giám sát trọng điểm HIV và giám sát trọng điểm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục về Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện khu vực bằng hệ thống báo cáo trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Riêng báo cáo giám sát trọng điểm HIV đối với nhóm đối tượng là thanh niên khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự được báo cáo chậm nhất vào 31 tháng 12 hằng năm. Đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh chịu trách nhiệm lưu trữ, bảo quản các báo cáo do các đơn vị khác gửi đến.

3. Chậm nhất ngày 31 tháng 10 hằng năm, đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh phải gửi báo cáo và số liệu thô đã nhập vào phần mềm nhập liệu giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi về Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện khu vực.

4. Chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 hằng năm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương gửi báo cáo tổng hợp kết quả giám sát trọng điểm HIV, báo cáo tổng hợp kết quả giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi, Bệnh viện Da liễu trung ương gửi báo cáo tổng hợp kết quả giám sát trọng điểm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục về Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Mục 6. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 27. Trách nhiệm của Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế

1. Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động và tổng hợp số liệu giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục trên phạm vi toàn quốc.

2. Đề xuất các tỉnh triển khai giám sát trọng điểm HIV và các tỉnh thực hiện giám sát trọng điểm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi trình lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt.

3. Hằng năm, chủ trì và phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Da liễu trung ương, các Viện khu vực xét duyệt kế hoạch giám sát trọng điểm cho các tỉnh.

4. Chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Da liễu trung ương và các Viện khu vực xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn về giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục cho các đơn vị, địa phương.

5. Cập nhật, hoàn chỉnh và từng bước mở rộng phạm vi sử dụng phần mềm giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục; xây dựng quy định về phân quyền tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về giám sát HIV/AIDS và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

6. Hằng năm, chủ trì, phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá và triển khai công tác giám sát trọng điểm HIV và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi.

Điều 28. Trách nhiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương

1. Tham mưu cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS phê duyệt kế hoạch giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hằng năm.

Phối hợp với các Viện khu vực hướng dẫn các tỉnh lập kế hoạch triển khai thực hiện hằng năm.

2. Tham mưu cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật liên quan đến giám sát dịch tễ học HIV/AIDS trên phạm vi toàn quốc.

3. Kiểm tra, giám sát và đánh giá hoạt động giám sát dịch tễ học HIV/AIDS tại các tỉnh thuộc khu vực Viện phụ trách.

4. Tổng hợp, phân tích, báo cáo số liệu kết quả giám sát dịch tễ học HIV/AIDS trong cả nước về Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

5. Tổng hợp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục các bất cập liên quan đến giám sát dịch tễ học HIV/AIDS phát sinh trong quá trình triển khai các quy định của Thông tư này.

6. Phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các Viện khu vực:

a) Xây dựng các tài liệu và tổ chức tập huấn về giám sát dịch tễ HIV/AIDS;

b) Tiến hành các nghiên cứu, đánh giá về chất lượng sinh phẩm sử dụng để xét nghiệm phát hiện HIV;

c) Tiến hành các nghiên cứu thử nghiệm các phương pháp giám sát HIV/AIDS mới.

7. Hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh trong khu vực được giao phụ trách xây dựng kế hoạch giám sát trọng điểm HIV hằng năm theo hướng dẫn tại Phụ lục 16 ban hành kèm theo Thông tư này.

8. Hằng năm, phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị đánh giá và triển khai công tác giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

Điều 29. Trách nhiệm của Bệnh viện Da liễu trung ương

1. Tham mưu cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS phê duyệt kế hoạch giám sát trọng điểm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hằng năm của các tỉnh.

Tham mưu cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật liên quan đến giám sát các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Kiểm tra, giám sát và đánh giá hoạt động giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục trong phạm vi toàn quốc.

2. Tổng hợp, phân tích, báo cáo số liệu kết quả giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục về Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

3. Tổng hợp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục các bất cập liên quan đến giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phát sinh trong quá trình triển khai các quy định của Thông tư này trong phạm vi toàn quốc.

4. Phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các đơn vị liên quan:

a) Xây dựng các tài liệu và tổ chức tập huấn về giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục;

b) Xây dựng, cập nhật phầm mềm giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục;

c) Xây dựng kế hoạch mở rộng phạm vi giám sát trọng điểm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

5. Hỗ trợ kỹ thuật về giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục cho các tỉnh trong phạm vi toàn quốc.

6. Hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát trọng điểm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hằng năm theo hướng dẫn tại Phụ lục 16 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 30. Trách nhiệm của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên

1. Phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để tham mưu cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS phê duyệt kế hoạch giám sát trọng điểm của các tỉnh trong khu vực được giao phụ trách.

2. Kiểm tra, theo dõi và đánh giá hoạt động giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, theo dõi và đánh giá hoạt động giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục tại các tỉnh trong khu vực được giao phụ trách.

3. Tổng hợp, phân tích, báo cáo số liệu kết quả giám sát dịch tễ học HIV/AIDS của các tỉnh trong khu vực được giao phụ trách về Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế.

4. Tổng hợp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục các bất cập liên quan đến giám sát dịch tễ học HIV/AIDS phát sinh trong quá trình triển khai các quy định của Thông tư này.

5. Tham gia tổ chức, tập huấn cho các tỉnh về công tác giám sát dịch tễ HIV/AIDS.

6. Hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh trong khu vực được giao phụ trách xây dựng kế hoạch giám sát trọng điểm hằng năm theo hướng dẫn xây dựng kế hoạch quy định tại Phụ lục 16 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 31. Trách nhiệm của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát công tác giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục trên địa bàn tỉnh.

2. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục các bất cập liên quan đến giám sát dịch tễ học HIV/AIDS, giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phát sinh trong quá trình triển khai các quy định của Thông tư này và phần mềm giám sát dịch tễ học HIV/AIDS trong phạm vi tỉnh.

3. Giao cho đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh chịu trách nhiệm triển khai công tác giám sát phát hiện HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

4. Giao cho đơn vị đầu mối về da liễu của tỉnh chịu trách nhiệm triển khai công tác giám sát phát hiện các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục trên địa bàn tỉnh.

5. Chỉ đạo đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh chủ trì và phối hợp với đơn vị đầu mối về da liễu của tỉnh (đối với các tỉnh triển khai giám sát trọng điểm các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục) lập kế hoạch theo hướng dẫn tại Phụ lục 16 ban hành kèm theo Thông tư này trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện các quy trình thực hiện giám sát theo quy định tại Điều 19 và 20 Thông tư này.

6. Phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan hỗ trợ và tổ chức giám sát việc triển khai giám sát HIV/AIDS và giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (đối với các tỉnh triển khai giám sát trọng điểm HIV và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục).

7. Chỉ đạo các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân trên địa bàn tỉnh có thực hiện việc tư vấn, xét nghiệm HIV, điều trị cho người bệnh AIDS thực hiện đúng chế độ báo cáo quy định tại Mục 5 Thông tư này.

8. Tổ chức tổng kết đánh giá tình hình dịch HIV/AIDS của tỉnh hằng năm và xác định giai đoạn của dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Mục 7

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 32. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong văn bản này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung.

Điều 33. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 7 năm 2012.

Bãi bỏ Quyết định số 1418/2000/QĐ-BYT ngày 04/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Thường quy giám sát HIV/AIDS ở Việt Nam” và Quyết định số 2691/2002/QĐ-BYT ngày 19/7/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Thường quy giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục ở Việt Nam”

Điều 34. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan y tế các Bộ, ngành chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Y tế để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thanh Long

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.