• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/2014
BỘ Y TẾ
Số: 17/2014/TT-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 2 tháng 6 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định việc cấp giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ và việc huấn luyện sơ cấp cứu chữ thập đ

_______________________

 

Căn cứ Luật Hoạt động chữ thập đỏ ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 03/2011/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hoạt động chữ thập đỏ;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh,

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định việc cấp giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ và việc huấn luyện sơ cấp cứu chữ thập đỏ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định:

1. Điều kiện hoạt động, thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ;

2. Khung chương trình, nội dung huấn luyện sơ cấp cứu và cấp giấy chứng nhận cho học viên sau huấn luyện.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sơ cấp cứu chữ thập đỏ là hoạt động sơ cấp cứu ban đầu đối với nạn nhân chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và các tai nạn, thảm họa khác do Hội chữ thập đỏ tổ chức thực hiện.

2. Tập huấn viên sơ cấp cứu chữ thập đỏ (sau đây viết tắt là tập huấn viên) là người truyền đạt kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu; giám sát, đánh giá kết quả huấn luyện cho hướng dẫn viên, tình nguyện viên sơ cấp cứu và người dân trong cộng đồng, đã được cấp giấy chứng nhận tập huấn viên theo quy định tại Thông tư này.

3. Hướng dẫn viên sơ cấp cứu chữ thập đỏ (sau đây viết tắt là hướng dẫn viên) là người hỗ trợ tập huấn viên trong huấn luyện cho tình nguyện viên sơ cấp cứu chữ thập đỏ và người dân trong cộng đồng, đã được cấp giấy chứng nhận hướng dẫn viên sơ cấp cứu chữ thập đỏ theo quy định tại Thông tư này.

4. Tình nguyện viên sơ cấp cứu chữ thập đỏ (sau đây viết tắt là tình nguyện viên) là người tự nguyện tham gia hoạt động chữ thập đỏ, được tập huấn kiến thức, kỹ năng về sơ cấp cứu.

5. Tình nguyện viên cấp I là tình nguyện viên đã được tập huấn các kỹ thuật sơ cấp cứu theo Danh mục quy định tại Bảng 1 Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Tình nguyện viên cấp II là tình nguyện viên cấp I được tập huấn thêm các kỹ thuật sơ cấp cứu theo Danh mục quy định tại Bảng 2 Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương II

ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG, THẨM QUYỀN, HỒ SƠ, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG

ĐỐI VỚI TRẠM, ĐIỂM SƠ CẤP CỨU CHỮ THẬP ĐỎ

Điều 3. Điều kiện hoạt động đối với trạm sơ cấp cứu chữ thập đỏ

1. Cơ sở vật chất:

a) Có địa điểm cố định, có phòng sơ cấp cứu diện tích tối thiểu là 10 m2;

b) Bảo đảm điều kiện về vệ sinh môi trường, quản lý chất thải, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật;

c) Có đủ điện, nước phục vụ sơ cấp cứu;

d) Có biển báo, biểu tượng, cờ chữ thập đỏ;

đ) Có số điện thoại liên lạc thường xuyên;

e) Có sổ ghi chép, phiếu sơ cấp cứu theo mẫu chung của Hội Chữ thập đỏ và sổ ghi chép được lưu trữ tại trạm sơ cấp cứu chữ thập đỏ.

2. Trang thiết bị sơ cấp cứu:

a) Bộ nẹp cố định gãy xương;

b) Bông, băng, băng ga rô, gạc, cồn sát trùng;

c) Túi cứu thương;

d) Tủ đựng dụng cụ sơ cấp cứu;

đ) Cáng cứu thương;

e) Xe cứu thương (nếu có).

3. Nhân lực: Có tối thiểu 03 tình nguyện viên cấp II làm việc tại trạm, trong đó có 01 tình nguyện viên chuyên trách làm việc toàn thời gian tại trạm.

4. Phạm vi hoạt động chuyên môn:

a) Được thực hiện các kỹ thuật sơ cấp cứu theo Danh mục quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Không được sử dụng thuốc trong sơ cấp cứu chữ thập đỏ.

5. Địa điểm đặt trạm sơ cấp cứu chữ thập đỏ:

Trạm sơ cấp cứu chữ thập đỏ phải được đặt tại địa điểm thuận tiện giao thông, nơi thường xuyên xảy ra tai nạn để kịp thời thực hiện các hoạt động sơ cấp cứu khi tai nạn xảy ra.

Điều 4. Điều kiện hoạt động đối với điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ

1. Cơ sở vật chất:

a) Có địa điểm cố định, có phòng sơ cấp cứu diện tích tối thiểu 6 m2;

b) Có biển báo, biểu tượng, cờ chữ thập đỏ;

c) Có số điện thoại liên lạc thường xuyên;

d) Có sổ ghi chép, phiếu sơ cấp cứu theo mẫu chung của Hội Chữ thập đỏ và sổ ghi chép được lưu trữ tại điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ.

2. Trang, thiết bị sơ cấp cứu:

a) Bộ nẹp cố định gãy xương;

b) Bông, băng, băng ga rô, cồn sát trùng, gạc;

c) Túi cứu thương;

d) Cáng cứu thương.

3. Nhân lực: Có tối thiểu 02 tình nguyện viên cấp I làm việc tại điểm.

4. Phạm vi hoạt động chuyên môn:

a) Được thực hiện các kỹ thuật sơ cấp cứu theo Danh mục quy định tại Bảng 1 Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Trường hợp điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ có tình nguyện viên cấp II thì được thực hiện các kỹ thuật sơ cấp cứu theo Danh mục quy định tại Bảng 1 và Bảng 2 của Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Không được sử dụng thuốc trong sơ cấp cứu chữ thập đỏ.

5. Địa điểm đặt điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ:

Điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ phải được đặt tại địa điểm phù hợp, có thể đặt tại nhà dân, tại nơi thường xuyên xảy ra tai nạn để kịp thời thực hiện nhanh chóng các hoạt động sơ cấp cứu.

Điều 5. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động

Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ thuộc địa bàn quản lý.

Điều 6. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo mẫu quy định tại Phụ lục số 2a ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Bản sao có chứng thực quyết định thành lập trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ.

3. Hợp đồng cho thuê địa điểm hoặc giấy cam kết đồng ý cho mượn của chủ địa điểm hoặc người quản lý nơi đặt trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ.

4. Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận chuyên môn của nhân sự làm việc tại trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ.

5. Quy chế hoạt động của trạm, điểm sơ cấp cứu.

6. Báo cáo nguồn tài chính để đảm bảo kinh phí hoạt động của trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ.

Điều 7. Thủ tục cấp, cấp lại giấy phép hoạt động

1. Giám đốc Sở Y tế ủy quyền cho phòng y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây viết tắt là phòng y tế) thẩm định hồ sơ cấp giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ.

2. Thủ tục cấp giấy phép hoạt động:

a) Trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Thông tư này đến phòng y tế;

b) Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, phòng y tế phải thành lập tổ thẩm định để tổ chức thẩm định và có biên bản thẩm định gửi Sở Y tế theo mẫu quy định tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, phòng y tế có văn bản hướng dẫn trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ hoàn thiện hồ sơ;

c) Tổ thẩm định do trưởng phòng y tế làm tổ trưởng, các thành viên bao gồm: đại diện lãnh đạo bệnh viện hoặc trung tâm y tế huyện và trưởng trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi đặt trạm, điểm sơ cấp cứu;

d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được biên bản thẩm định của phòng y tế, Giám đốc Sở Y tế phải cấp giấy phép hoạt động cho trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ theo mẫu quy định tại Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này, trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Khi thay đổi địa điểm, trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ phải bảo đảm các điều kiện hoạt động quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Thông tư này và báo cáo bằng văn bản về việc thay đổi địa điểm gửi phòng y tế để thẩm định các điều kiện hoạt động tại địa điểm mới. Sau khi thẩm định theo thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều này, phòng y tế gửi biên bản đến Sở Y tế để cấp lại giấy phép hoạt động theo địa điểm mới.

4. Trường hợp giấy phép hoạt động của trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ bị mất, rách, hỏng thì trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ có trách nhiệm gửi đơn đề nghị cấp lại đến Sở Y tế theo mẫu quy định tại Phụ lục số 2b ban hành kèm theo Thông tư này. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại của trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ, Sở Y tế có trách nhiệm cấp lại giấy phép hoạt động cho trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ.

Chương III

KHUNG CHƯƠNG TRÌNH, NỘI DUNG HUẤN LUYỆN SƠ CẤP CỨU

VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CHO HỌC VIÊN SAU HUẤN LUYỆN

Điều 8. Khung chương trình, nội dung huấn luyện sơ cấp cứu của cơ sở huấn luyện chữ thập đỏ

1. Huấn luyện sơ cấp cứu cho người dân tại cộng đồng và tình nguyện viên cấp I:

a) Nội dung huấn luyện: 10 kỹ thuật sơ cấp cứu quy định tại Bảng 1 Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Thời gian huấn luyện: 24 tiết;

c) Số lượng học viên trong 01 lớp huấn luyện không quá 30 người;

d) Số lượng tập huấn viên: tối thiểu là 02 tập huấn viên cho 01 lớp huấn luyện;

đ) Đơn vị tổ chức: Hội Chữ thập đỏ cấp huyện trở lên.

2. Huấn luyện sơ cấp cứu cho tình nguyện viên cấp II sau khi đã tham gia huấn luyện tình nguyện viên cấp I:

a) Nội dung huấn luyện: 14 kỹ thuật sơ cấp cứu quy định tại Bảng 2 Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Thời gian huấn luyện: 40 tiết;

c) Số lượng học viên trong 01 lớp huấn luyện không quá 30 người;

d) Số lượng tập huấn viên: tối thiểu là 02 tập huấn viên cho 01 lớp huấn luyện;

đ) Đơn vị tổ chức: Hội Chữ thập đỏ cấp huyện trở lên.

3. Huấn luyện sơ cấp cứu cho hướng dẫn viên sau khi đã tham gia chương trình huấn luyện tình nguyện viên cấp II:

a) Nội dung huấn luyện: nâng cao về kỹ thuật sơ cấp cứu trong phạm vi chuyên môn theo Danh mục quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này và phương pháp sư phạm, kỹ năng huấn luyện;

b) Thời gian huấn luyện: 40 tiết;

c) Số lượng học viên trong 01 lớp huấn luyện không quá 20 người;

d) Số lượng tập huấn viên: tối thiểu là 02 tập huấn viên cho 01 lớp huấn luyện;

đ) Đơn vị tổ chức: Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh trở lên.

4. Huấn luyện sơ cấp cứu cho tập huấn viên:

a) Nội dung huấn luyện: các kỹ thuật sơ cấp cứu theo Danh mục quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này; phương pháp sư phạm, kỹ năng huấn luyện; phương pháp và kỹ năng giám sát, đánh giá và quản lý học viên sau huấn luyện;

b) Thời gian huấn luyện: 168 tiết;

c) Số lượng học viên trong 01 lớp huấn luyện không quá 15 người;

d) Số lượng tập huấn viên: tối thiểu là 02 tập huấn viên và 01 hướng dẫn viên cho 01 lớp huấn luyện;

đ) Đơn vị tổ chức: do Hội Chữ thập đỏ cấp Trung ương tổ chức.

Điều 9. Phê duyệt chương trình huấn luyện sơ cấp cứu

1. Hồ sơ đề nghị phê duyệt chương trình huấn luyện sơ cấp cứu:

a) Công văn đề nghị phê duyệt chương trình huấn luyện;

b) Chương trình huấn luyện;

c) Các văn bản, tài liệu liên quan (nếu có).

2. Quy trình phê duyệt chương trình huấn luyện sơ cấp cứu:

a) Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này về Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế để tổ chức thẩm định;

b) Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế phải tổ chức thẩm định hồ sơ và có biên bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo hướng dẫn Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để hoàn thiện hồ sơ;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản thẩm định, Bộ trưởng Bộ Y tế ra quyết định phê duyệt chương trình huấn luyện, trường hợp không đủ điều kiện phê duyệt phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do;

d) Khi thay đổi chương trình huấn luyện sơ cấp cứu cho phù hợp với thực tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có trách nhiệm gửi hồ sơ thay đổi đến Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế để tổ chức thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt nội dung thay đổi theo trình tự quy định tại Điều này.

Điều 10. Cấp giấy chứng nhận cho học viên sau huấn luyện

1. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận: người đứng đầu cơ sở huấn luyện hoặc thủ trưởng đơn vị tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu chữ thập đỏ cấp giấy chứng nhận cho học viên hoàn thành chương trình huấn luyện.

2. Mẫu Giấy chứng nhận huấn luyện sơ cấp cứu chữ thập đỏ được cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục số 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Giấy chứng nhận huấn luyện sơ cấp cứu chữ thập đỏ hết giá trị sử dụng nếu người được cấp giấy chứng nhận không tham gia hoạt động sơ cấp cứu chữ thập đỏ tại các trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ trong thời gian 2 năm, kể từ ngày được cấp.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện Thông tư này trên phạm vi toàn quốc.

2. Sở Y tế, Phòng Y tế có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện Thông tư này trên phạm vi địa bàn quản lý.

3. Các cơ sở y tế có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ các trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ trong hoạt động sơ cấp cứu chữ thập đỏ.

4. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh kiện toàn các trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Thông tư này;

b) Phối hợp với Bộ Y tế tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện Thông tư này trên phạm vi toàn quốc;

c) Tổ chức huấn luyện, cấp giấy chứng nhận cho học viên sau huấn luyện;

d) Hằng năm tổ chức đào tạo lại, cập nhật kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho người dân trong cộng đồng, tình nguyện viên, hướng dẫn viên và tập huấn viên đang tham gia các hoạt động sơ cấp cứu chữ thập đỏ.

5. Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Sở Y tế, phòng Y tế tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện Thông tư này trên phạm vi địa bàn quản lý;

b) Tổ chức huấn luyện, cấp giấy chứng nhận cho học viên sau huấn luyện;

c) Hàng năm tổ chức đào tạo lại, cập nhật kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho người dân trong cộng đồng, tình nguyện viên, hướng dẫn viên đang tham gia các hoạt động sơ cấp cứu chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh, huyện.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2014.

Điều 13. Điều khoản chuyển tiếp

Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ đang hoạt động trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực phải bảo đảm các điều kiện hoạt động và làm thủ tục cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Thông tư này.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng Cục thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng Y tế ngành, Hội Chữ thập đỏ các cấp và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, các cơ quan, địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Xuyên

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.