QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH NAM ĐỊNH
V/v ban hành " Một số cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư
phát triển khu công nghiệp phía Tây thành phố Nam Định"
____________
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND, UBND được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994.
- Căn cứ thông báo số 62/TB-UB ngày 26/11/2001 thông báo ý kiến kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về " Một số cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển khu công nghiệp phía Tây thành phố Nam Định"
- Xét đề nghị của Ban chỉ đạo hình thành khu công nghiệp tỉnh Nam Định tại tờ trình số: 1580/KH-CN ngày 28/11/2001.
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản " Một số cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển khu công nghiệp phía Tây thành phố Nam Định"
Điều 2: - Giao Ban chỉ đạo hình thành khu công nghiệp, Ban quản lý xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và các cơ quan liên quan tổ chức phổ biến rộng rãi cơ chế chính sách này tới các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, đồng thời tạo mọi điều kiện để thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp phía Tây thành phố Nam Định.
- Giao Sở Kế hoạch Đầu tư tập hợp các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện trình UBND tỉnh xem xét để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4: Chánh văn phòng HĐND và UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan: Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Công nghiệp, Sở Xây dựng, Sở Điạ chính, Sở Tài chính Vật giá, Sở Giao thông Vận tải, Sở Khoa học công nghệ và Môi trường, Báo Nam Định, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cục thuế, Kho bạc nhà nước, Bưu điện, Điện lực tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố, các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định này./.
MỘT SỐ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH
KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
KHU CÔNG NGHIỆP PHÍA TÂY THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH
(Ban hành kèm theo quyết định số: 2816/2001/QĐ-UB ngày 29/11/2001
của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định)
---
Phần 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Đối tượng đầu tư vào khu công nghiệp phía Tây thành phố Nam Định gồm có:
1.1: - Tất cả các doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài tỉnh, thuộc mọi thành phần kinh tế đang hoạt động hoặc thành lập mới, có nhu cầu mặt bằng để phát triển sản xuất, đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 2 dưới đây.
1.2: - Các doanh nghiệp đang hoạt động nhưng có nhu cầu di chuyển hoặc ở trong diện phải di chuyển ra khỏi nội thành thành phố Nam Định để bảo đảm môi trường sinh thái và chỉnh trang đô thị.
1.3: - Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, các doanh nghiệp liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và nước ngoài.
Điều 2: Điều kiện đối với doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp
2.1- Các điều kiện về ngành nghề và lĩnh vực đầu tư :
- Doanh nghiệp di chuyển như quy định ở điểm 1.2- Điều 1 nêu trên
- Công nghiệp nhẹ, dệt, may, da giày, cơ khí chế tạo ...thu hút nhiều lao động
- Công nghiệp công nghệ cao, tin học, điện tử..
- Công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến nông, thuỷ, hải sản...
2.2- Các điều kiện về công nghệ và vệ sinh môi trường:
- Các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, trước khi tiến hành đầu tư đều phải đăng ký đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, có báo cáo đánh giá tác động môi trường, được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.
- Công nghệ thiết bị đầu tư mới trong khu công nghiệp phải bảo đảm tiêu chuẩn tiên tiến. Khuyến khích đầu tư công nghệ cao, sản xuất sản phẩm có hàm lượng tri thức cao. Không ảnh huởng đến môi trường sinh thái.
- Thực hiện tốt quy định của Luật Khoa học công nghệ và Luật Môi trường
Điều 3: Không chấp nhận các dự án đầu tư sản xuất điện nguyên tử, các chất phóng xạ, vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất vôi, xi măng lò đứng, hoá chất độc hại, kho hoá chất độc, thuốc trừ sâu, chế biến phân hữu cơ, sơ chế lông,da động vật và các loại hình sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trong đất đai, không khí và nguồn nước.
Điều 4: Chuẩn bị mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuât khu công nghiệp:
4.1- Chuẩn bị mặt bằng:
Tỉnh chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, đền bù; các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp phải trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng và tự san lấp diện tích đất được thuê để tạo mặt bằng, xây dựng nhà xưởng, triển khai thực hiện dự án đầu tư. Những doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp trong các năm 2001-2003 được tỉnh hỗ trợ kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng với trị giá 15.000đ (mười năm nghìn đồng) cho 01 m2 (một mét vuông) diện tích đất được thuê và hỗ trợ kinh phí san lấp với trị giá 20.000đ (hai mươi nghìn đồng) cho 01 m2 diện tích đất san lấp trên mặt bằng đất được thuê. Các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp từ sau năm 2003 được tỉnh hỗ trợ kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng với trị giá 10.000 đ (mười nghìn đồng) cho 01 m2 (một mét vuông) diện tích san lấp trên mặt bằng được thuê đất. Các khoản kinh phí hỗ trợ nói trên sẽ được tỉnh cấp trong nguồn thuế giá trị gia tăng (VAT) do doanh nghiệp thực nộp theo luật định trong các năm kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu phải nộp thuế VAT cho đến khi đủ mức hỗ trợ theo quy định trên đây. Trường hợp doanh nghiệp không phải nộp thuế VAT thì tỉnh sẽ dùng ngân sách tỉnh trả kinh phí hỗ trợ trong 3 năm, kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động.
4.2 - Tỉnh đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng chủ yếu ở của khu công nghiệp gồm: Đường giao thông, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống xử lý nước thải trung tâm, hệ thống thoát nước, cây xanh, công trình công cộng ngoài hàng rào doanh nghiệp.
4.3- Căn cứ vào các công trình hạ tầng kỹ thuật trung của khu công nghiệp và yêu cầu sản xuất kinh doanh của mình, các doanh nghiệp tự xây dựng các công trình hạ tầng bên trong hàng rào doanh nghiệp.
4.4- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp được xây dựng theo quy hoạch, bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ cho toàn khu công nghiệp. Trong quá trình xây dựng, vận hành, không gây ảnh hưởng xấu lẫn nhau về môi trường, năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.
Điều 5: Doanh nghiệp đã được giao đất trong khu công nghiệp quá 12 tháng, không triển khai dự án đầu tư thì bị thu hồi đất. Trường hợp sau khi đầu tư vào khu công nghiệp, doanh nghiệp không có nhu cầu sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp hoặc bị phá sản thì báo cáo UBND tỉnh cho phép chuyển nhượng lại nhà xưởng, tài sản trên đất cho doanh nghiệp khác có dự án đầu tư đủ điều kiện theo quy chế của khu công nghiệp. Doanh nghiệp mới cũng được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định này.
Điều 6: Các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp được hưởng ưu đãi của quy định này, đồng thời được hưởng các ưu đãi khác của nhà nước theo quy định hiện hành.
Phần II:
MỘT SỐ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ÁP DỤNG
ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO KHU CÔNG NGHIỆP
Chương 1:
CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI VỀ SỬ DỤNG ĐẤT VÀ
HẠ TẦNG KHU CÔNG NGHIỆP
Điều 7: Doanh nghiệp đầu tư tại khu công nghiệp được thuê đất trực tiếp với tỉnh, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thời hạn thuê đất tối đa để thực hiện dự án đầu tư là 50 năm.
Sau thời hạn thuê đất tối đa, việc có cho thuê đất tiếp hay không do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước xem xét, quyết định.
Điều 8: Các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp trong các năm từ năm 2001-2003 được miễn nộp tiền thuê đất trong suốt thời gian hoạt động của dự án đầu tư. Sau năm 2003, các dự án có mức đầu tư từ 30 tỷ đồng trở lên, sử dụng công nghệ cao vào khu công nghiệp được miễn nộp tiền thuê đất 15 năm và giảm 80% trong 10 năm tiếp theo. Các doanh nghiệp khác vào khu công nghiệp được miễn nộp tiền thuê đất 10 năm và giảm 50% trong 10 năm tiếp theo.
Sau thời gian được miễn giảm tiền thuê đất, doanh nghiệp được khuyến khích:
- Giảm 30% tiền thuê đất hàng năm, nếu nộp ngay một lần toàn bộ tiền thuê đất của 5 năm liền.
- Giảm 50% tiền thuê đất hàng năm, nếu nộp ngay tiền thuê đất của 10 năm liền.
- Giảm 60% tiền thuê đất hàng năm, nếu nộp ngay tiền thuê đất của 15 năm liền.
- Các doanh nhgiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài được áp dụng giá thuê đất 0,06 USD/m2/năm
Điều 9: Các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong thành phố Nam Định, khi di dời toàn bộ vào khu công nghiệp theo quyết định của UBND tỉnh để bảo đảm vệ sinh môi trường và quy hoạch đô thị, được hưởng các ưu đãi sau:
9.1- Đối với các doanh nghiệp đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được hưởng toàn bộ tiền chuyển nhượng tài sản trên đất và tiền chuyển quyền sử dụng đất, đồng thời được miễn nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất.
Nếu mặt bằng cũ của doanh nghiệp di dời là đất thuê của nhà nước thì được ưu tiên thuê lại để sử dụng đúng quy hoạch của tỉnh và mục tiêu của doanh nghiệp.
9.2- Được miễn nộp tiền thuê đất trong mười lăm năm kể từ khi bắt đầu thuê đất khu công nghiệp và được giảm 80% trong năm năm tiếp theo.
Điều 10:
10.1- Các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp trong các năm từ 2001 đến 2003 được miễn phí sử dụng hạ tầng 10 năm và giảm 50% trong 10 năm tiếp theo. Các doanh nghiệp vào khu công nghiệp sau 2003 được miễn phí sử dụng hạ tầng trong 5 năm và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo.
10.2- Đối với các doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Năm (5) doanh nghiệp đầu tiên vào khu công nghiệp được miễn phí sử dụng hạ tầng trong 10 năm và được giảm 50% trong 10 năm tiếp theo; từ doanh nghiệp thứ sáu (6) vào khu công nghiệp được miễn phí sử dụng hạ tầng trong 5 năm đầu và được giảm 50% trong 5 năm tiếp theo.
Chương 2
CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI VỀ TÀI CHÍNH - THUẾ
Điều 11: Đối với các doanh nghiệp hoạt động theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước:
11.1- Các dự án đầu tư vào ngành nghề thuộc danh mục A, Nghị định 51/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của CHính phủ, đợc tỉnh hỗ trợ 20% giá trị thực nộp của thuế thu nhập doanh nghiệp.
11.2- Thời hạn miễn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: các doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 7 năm kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu có thu nhập chịu thuế.
11.3- Doanh nghiệp đầu tư tại khu công nghiệp được thế chấp tài sản gắn liền với đất, giá trị quyền sử dụng đất và các tài sản khác để đảm bảo vay vốn tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Điều 12: Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:
12.1- Được hưởng mức thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất áp dụng cho các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư trong vùng khó khăn là 10%, áp dụng đối với các ngành nghề quy định được ưu đãi của Chính phủ.
12.2- Thời hạn miễn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng :
- Miễn 4 năm, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp đạt một trong hai điều kiện: có tỷ lệ xuất khẩu đạt từ 30 - 50%, hoặc có mức sử dụng lao động từ 50 - 100 người.
- Miễn 5 năm, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp đạt một trong hai điều kiện: có tỷ lệ xuất khẩu đạt từ 50 - 80%, hoặc có mức sử dụng lao động từ 101 - 200 người.
- Miễn 6 năm, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp đạt một trong hai điều kiện: có tỷ lệ xuất khẩu đạt từ 80 - 100%, hoặc có mức sử dụng lao động từ 201 - 300 người.
- Miễn 8 năm, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp đạt một trong hai điều kiện: có tỷ lệ xuất khẩu đạt 100%, hoặc có mức sử dụng lao động trên 300 người.
12.3- Được hưởng mức thuế xuất 3% khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
12.4- Nếu dùng lợi nhuận để tái đầu tư, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp 100% đối với khoản thu nhập đem tái đầu tư trong trường hợp:
- Doanh nghiệp đã góp đủ vốn pháp định ghi trong giấy phép đầu tư.
- Vốn tái đầu tư được sử dụng từ 3 năm trở lên.
Điều 13: Đối với doanh nghiệp trong tỉnh, khi có dự án đầu tư vào khu công nghiệp, có tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí chuẩn bị đầu tư (bao gồm kinh phí lập dự án, thiết kế dự toán). Mức hỗ trợ tối đa đến 200 triệu đồng.
Chương 3
CHÍNH SÁCH VỀ LAO ĐỘNG, ĐÀO TẠO LAO ĐỘNG
Điều 14: Ưu đãi và nghĩa vụ của doanh nghiệp về tuyển dụng lao động và đào tạo lao động.
14.1- Doanh nghiệp trong nước vào khu công nghiệp được ưu tiên tiếp nhận số lao động đã qua đào tạo tại các trường chuyên nghiệp, dạy nghề. Công nhân vào làm việc trong doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp cần đào tạo để thực hiện công nghệ mới (có hợp đồng, chứng chỉ đào tạo và dự án được duyệt) được hỗ trợ một lần kinh phí đào tạo 500.000 đồng (năm trăm ngàn đồng/người)
14.2- Đối với những hộ gia đình có đất giao lại cho tỉnh lập khu công nghiệp thì cứ 1.000 m2 (một nghìn mét vuông) đất phải thu hồi được tỉnh cấp 1.000.000 đồng (một triệu đồng) để hỗ trợ đào tạo chuyển từ lao động làm nông nghiệp sang làm ngành nghề khác.
14.3- Doanh nghiệp vào khu công nghiệp có nghĩa vụ ưu tiên tiếp nhận lao động là con em trong các hộ gia đình có đất chuyển giao cho tỉnh lập khu công nghiệp, với điều kiện số lao động này đáp ứng đủ tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp.
Chương 4
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHÁC
Điều 15: Thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh.
15.1- Doanh nghiệp thành lập mới, đầu tư vào khu công nghiệp (thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh quyết định đầu tư), được miễn phí thành lập doanh nghiệp và miễn phí đăng ký kinh doanh.
15.2- Sở Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục và là đầu mối tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép đầu tư và hồ sơ thành lập doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, sau khi có đủ hồ sơ hợp lệ, thời gian cấp đăng ký kinh doanh không quá 7 ngày làm việc, thời gian cấp giấy phép đầu tư không quá 10 ngày làm việc. (Không tính thời gian nhà đầu tư sửa dổi, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp đăng ký kinh doanh hoặc xin cấp giấy phép đầu tư).
Điều 16: Các ưu đãi khác đối với doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp:
16.1- Được Ban quản lý xây dựng hạ tầng khu công nghiệp cung cấp miễn phí các thông tin về cơ chế, chính sách và các vấn đề có liên quan khi lập dự án đầu tư vào khu công nghiệp.
16.2- Doanh nghiệp trong khu công nghiệp được giảm 50% phí quảng cáo trên Báo Nam Định và Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Nam Định trong thời gian 1 năm (hoặc không quá 20 lần trên mỗi loại phương tiện thông tin), tính từ lần quảng cáo đầu tiên. Diện tích quảng cáo trên mặt báo không quá 1/4 trang, thời lượng mỗi lần quảng cáo trên Đái phát thanh - truiyền hình tỉnh không quá 2 phút.
Điều 17: Vận động đầu tư và khen thưởng.
17.1- UBND tỉnh Nam Định khuyến khích vận động đầu tư vào khu công nghiệp. Sở Kế hoạch Đầu tư và các Sở, Ban, ngành, UBND các cấp phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trung ương, các cơ quan ngoại giao, thương mại, khoa học - công nghệ trong và ngoài nước, các Hiệp hội, các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, chủ động tuyên truyền, vận động để thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngân sách tỉnh sẽ dành một nguồn kinh phí để hỗ trợ công tác vận động đầu tư vào khu công nghiệp.
17.2- Các cá nhân, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các đơn vị có thành tích xuất sắc trong hoạt động vận động và đầu tư tại Nam Định sẽ được UBND tỉnh khen thưởng theo quy định của Nhà nước và quy định của UBND tỉnh.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18: Ban quản lý dự án hạ tầng khu công nghiệp là đầu mối tiếp nhận và hướng dẫn các doanh nghiệp về thủ tục để đầu tư vào khu công nghiệp theo quy định hiện hành.
Điều 19: Ban quản lý dự án hạ tầng khu công nghiệp phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư và các cơ quan liên quan để xây dựng và công bố công khai, rộng rãi quy chế hoạt động của khu công nghiệp để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thuộc mọi thành phần kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài biết và thực hiện.
Điều 20:
20.1- Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân lợi dụng vận động đầu tư để gây phiền hà cho doanh nghiệp. Không được huy động tiền của các doanh nghiệp trái với quy định của Nhà nước.
20.2- UBND tỉnh bảo đảm thực hiện việc thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước; khi kết thúc việc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp phải có kết luận bằng văn bản về nội dung đã thanh tra, kiểm tra. Những cán bộ thanh tra, kiểm tra vi phạm pháp luật, gây tổn thất cho doanh nghiệp phải bồi thường cho doanh nghiệp và bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
Điều 21: Các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp phải thực hiện đúng nội dung dự án đầu tư được duyệt, cam kết sử dụng đất và quy chế khu công nghiệp./.