• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/08/2013
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Số: 14/2013/TT-BTTTT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 21 tháng 6 năm 2013

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương

________________________________

 

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch Đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về quản và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về Quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị;

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông và Nghị định số 50/2011/NĐ-CP CP ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Viễn thông,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư hướng dẫn việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương đối với công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng, mạng ngoại vi.

Ngoài các nội dung nêu trên, căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn và trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành, quy hoạch này có thể có các nội dung khác liên quan đến hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập, phê duyệt, ban hành và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Địa phương là các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia là công trình viễn thông có tính chất, đặc điểm, quy mô phù hợp với tiêu chí xác định công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia được ban hành theo Quyết định số 45/2012/QĐ-TTg ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng là địa điểm lắp đặt các thiết bị đầu cuối viễn thông và các trang thiết bị có liên quan khác do doanh nghiệp viễn thông trực tiếp quản lý, khai thác để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng, bao gồm: điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ (sau đây gọi là điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng loại Đ1) và điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng không có người phục vụ (sau đây gọi là điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng loại Đ2).

4. Mạng ngoại vi là một phần của mạng viễn thông, bao gồm hệ thống cáp, hệ thống ăng ten và các hệ thống thiết bị viễn thông khác, nằm bên ngoài nhà, trạm viễn thông. 

5. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động bao gồm nhà, trạm viễn thông, cột ăng ten, cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm (cống, bể, hào và tuy nen kỹ thuật, v.v) được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có giấy phép viễn thông, giấy phép tần số thuê hoặc tự xây dựng để lắp đặt thiết bị viễn thông.

6. Trạm viễn thông là nhà hoặc công trình xây dựng tương tự khác được sử dụng để lắp đặt thiết bị mạng.

7. Cột ăng ten là cột được xây dựng để lắp đặt ăng ten thu, phát sóng vô tuyến điện (không bao gồm ăng ten máy thu thanh, thu hình của các hộ gia đình).

8. Cột ăng ten không cồng kềnh (sau đây gọi là cột ăng ten loại A1) là cột ăng ten được lắp đặt trong và trên các công trình xây dựng nhưng không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực, an toàn của công trình xây dựng, bao gồm:

a) Cột ăng ten tự đứng được lắp đặt trên các công trình xây dựng có chiều cao của cột (kể cả ăng ten, nhưng không bao gồm kim thu sét) không quá 20% chiều cao của công trình nhưng tối đa không quá 3 mét và có chiều rộng từ tâm của cột đến điểm ngoài cùng của cấu trúc cột ăng ten (kể cả cánh tay đòn của cột và ăng ten) dài không quá 0,5 mét (sau đây gọi là cột ăng ten loại A1a);

b) Cột ăng ten thân thiện với môi trường là cột ăng ten được thiết kế, lắp đặt ẩn trong kiến trúc của công trình đã xây dựng, mô phỏng lan can, mái hiên, mái vòm, bệ cửa, vỏ điều hòa, bồn nước, tháp đồng hồ, tác phẩm điêu khắc, v.v, hoặc được lắp đặt kín trên cột điện, đèn chiếu sáng hoặc dưới các hình thức ngụy trang phù hợp với môi trường xung quanh và có chiều cao, chiều rộng như quy định tại điểm a, khoản 8 Điều này (sau đây gọi là cột ăng ten loại A1b).

9. Cột ăng ten cồng kềnh (sau đây gọi là cột ăng ten loại A2), bao gồm:

a) Cột ăng ten được lắp đặt trên các công trình xây dựng không thuộc cột ăng ten loại A1 được quy định khoản 8 Điều này (sau đây gọi là cột ăng ten loại A2a);

b) Cột ăng ten được lắp đặt trên mặt đất (sau đây gọi là cột ăng ten loại A2b);

c) Cột ăng ten khác không thuộc cột ăng ten các loại A1a, A1b, A2a, A2b (sau đây gọi là cột ăng ten loại A2c).

10. Cột treo cáp là cột bằng thép, bê tông cốt thép hoặc vật liệu khác dùng để treo cáp tuân theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 33:2011/BTTTT về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông đối với cột treo cáp viễn thông riêng biệt (sau đây gọi là cột treo cáp loại C1), hoặc các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đối với cột treo cáp sử dụng chung với các ngành khác, như cột điện, cột đèn, v.v (sau đây gọi là cột treo cáp loại C2).

11. Công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm (bao gồm cống cáp, bể cáp, hào và tuy nen kỹ thuật, v.v) là công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng ngầm dưới mặt đất để lắp đặt cáp, tuân theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 33:2011/BTTTT về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông đối với công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm viễn thông riêng biệt (sau đây gọi là công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm loại N1), hoặc các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đối với công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm sử dụng chung với các ngành khác, như công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm điện lực, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, cung cấp năng lượng, v.v (sau đây gọi là công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm loại N2).

Điều 4. Mục tiêu chung

Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động nhằm bảo đảm cho việc phát triển và khai thác cơ sở hạ tầng viễn thông bền vững, hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn mạng lưới, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ cảnh quan môi trường, nhất là tại các đô thị.  

Điều 5. Yêu cầu chung

1. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương phải bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của các ngành khác tại địa phương và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.

2. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phải đáp ứng yêu cầu về sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, giữa các ngành đồng thời đáp ứng yêu cầu kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn.

3. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phải xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung và quy mô phát triển hạ tầng, đồng thời xác định giải pháp và thời gian thực hiện quy hoạch.

4. Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng và quản lý quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động: bản đồ số, cơ sở dữ liệu điện tử, v.v.

Chương II

QUY HOẠCH HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG

TẠI ĐỊA PHƯƠNG CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ

Điều 6. Quy hoạch công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia

1. Mục tiêu:

a) Xác định các yêu cầu cụ thể đối với việc bố trí và xây dựng các công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia nhằm bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin đối với hoạt động viễn thông trên địa bàn;

b) Xác định địa điểm hoặc tuyến hướng, quy mô các khu vực trên địa bàn được sử dụng để xây dựng; loại hình và thời điểm đưa vào sử dụng công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

2. Yêu cầu:

a) Đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ công trình: bảo đảm bố trí được hành lang bảo vệ, hệ thống kỹ thuật bảo vệ và lực lượng bảo vệ công trình;

b) Đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy: bảo đảm bố trí được hệ thống phòng cháy, chữa cháy và hệ thống đường nội bộ bảo đảm cho phương tiện, lực lượng phòng cháy, chữa cháy tiếp cận được công trình;

c) Đáp ứng yêu cầu về hành lang an toàn kỹ thuật theo quy định đối với các công trình có lắp đặt đài vô tuyến điện;

d) Nội dung quy hoạch công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia được bảo đảm bí mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Nội dung (theo Mẫu 1 – Phụ lục kèm theo):

a) Tên công trình;

b) Chức năng công trình (khu vực, liên tỉnh, toàn quốc, quốc tế, v.v theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định 25/2011/NĐ-CP);

c) Đơn vị quản lý, khai thác;

d) Địa điểm công trình; quy mô công trình hệ thống quản lý, điều khiển, định tuyến, chuyển mạch viễn thông và phát sóng tín hiệu phát thanh, truyền hình, bao gồm: diện tích thửa đất sử dụng; hình thức sử dụng đất (giao đất, thuê, v.v); diện tích đất xây dựng; diện tích sàn sử dụng; chiều cao công trình (không tính cột ăng ten lắp đặt trên công trình); chiều cao cột ăng ten lắp đặt trên công trình hoặc trong diện tích đất xây dựng của công trình (nếu có); hành lang bảo vệ (nếu có); hành lang an toàn kỹ thuật (nếu có);

đ) Địa bàn (phường, xã/quận, huyện) tuyến truyền dẫn đi qua; tổng chiều dài tuyến qua tỉnh, thành phố; loại công trình hạ tầng kỹ thuật được sử dụng để lắp đặt cáp viễn thông của công trình hệ thống truyền dẫn viễn thông: cột treo cáp viễn thông riêng biệt (C1), cột treo cáp khác (C2), công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm viễn thông riêng biệt (N1), công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm khác (N2);

e) Thời điểm đưa vào khai thác, sử dụng công trình.

Điều 7. Quy hoạch điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng

1. Mục tiêu:

a) Xác định các yêu cầu cụ thể đối với việc bố trí và xây dựng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng nhằm bảo đảm mỹ quan, an toàn, thuận tiện trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông tại nơi công cộng trên địa bàn;

b) Xác định địa điểm, quy mô các điểm trên địa bàn được dùng để triển khai và thời điểm đưa vào sử dụng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng.

2. Yêu cầu:

a) Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được ưu tiên xây dựng tại nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, trung tâm thương mại, các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nơi khó, hoặc không thể triển khai mạng truy nhập đến cá nhân, hộ gia đình và các địa điểm công cộng khác;

b) Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng phải được xây dựng ở vị trí dễ quan sát, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ, có thiết kế phù hợp với môi trường, cảnh quan xung quanh và bảo đảm mỹ quan đô thị.

3. Nội dung (theo Mẫu 2 – Phụ lục kèm theo):

a) Địa điểm của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng;

b) Loại điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng: có người phục vụ (Đ1), không có người phục vụ (Đ2);

c) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ;

d) Quy mô công trình: diện tích thửa đất sử dụng, hình thức sử dụng đất (giao đất, thuê đất, v.v), diện tích đất xây dựng, diện tích sàn sử dụng, chiều cao công trình;

đ) Thời điểm đưa vào khai thác, sử dụng điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng.

Điều 8. Quy hoạch cột ăng ten

1. Mục tiêu:

a) Xác định các yêu cầu cụ thể đối với việc bố trí và xây dựng các cột ăng ten nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động của mạng viễn thông và bảo vệ cảnh quan môi trường, đặc biệt trong các khu vực đô thị;

b) Từng bước hạn chế việc xây dựng các cột ăng ten cồng kềnh, đặc biệt là các cột ăng ten cao trên 50m, đồng thời triển khai kế hoạch chuyển đổi cột ăng ten cồng kềnh sang cột ăng ten không cồng kềnh trên địa bàn trong thời hạn của quy hoạch nhằm tiến đến một không gian đô thị và điểm dân cư nông thôn không có cột ăng ten cồng kềnh, hoặc hạn chế cột ăng ten cồng kềnh đến mức thấp nhất.

2. Yêu cầu:

a) Cột ăng ten phải bảo đảm an toàn, mỹ quan và tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, xây dựng công trình và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan;

b) Độ cao cột ăng ten được xây dựng phải đáp ứng yêu cầu an toàn hàng không theo quy định của pháp luật;

c) Hệ thống ăng ten lắp đặt trên cột ăng ten phải bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về tương thích điện từ, an toàn bức xạ vô tuyến điện;

d) Chỉ được lắp đặt loại cột ăng ten không cồng kềnh tại các khu vực có yêu cầu cao về bảo vệ cảnh quan môi trường như mặt các đường, phố chính, quảng trường trung tâm, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu danh lam thắng cảnh và các khu vực khác theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố;

đ) Hạn chế việc sử dụng chung quá nhiều ăng ten đối với các cột ăng ten lắp đặt trên các công trình xây dựng làm cho cột ăng ten trở nên quá cồng kềnh, gây mất an toàn và mỹ quan đô thị; 

e) Hạn chế xây dựng các cột ăng ten trên mặt đất có chiều cao từ 100 mét trở lên đối với tất cả các khu vực và từ 50 mét trở lên trong khu vực đô thị.

3. Nội dung (theo Mẫu 3 – Phụ lục kèm theo):

            a) Các khu vực, tuyến đường, phố chỉ được phép lắp đặt loại cột ăng ten không cồng kềnh (A1) trong thời hạn của quy hoạch, bao gồm: tên các khu vực, tuyến đường phố; thời điểm hoàn thành việc chuyển đổi cột ăng ten cồng kềnh loại A2a sang cột ăng ten không cồng kềnh loại A1;

b) Các khu vực, tuyến đường, phố trên địa bàn được lắp đặt cột ăng ten cồng kềnh trên mặt đất có chiều cao dưới 50m (A2b<50); được lắp đặt cột ăng ten cồng kềnh trên mặt đất có chiều cao dưới 100m (A2b<100); được lắp đặt cột ăng ten cồng kềnh trên mặt đất (A2b) trong thời hạn của quy hoạch, hoặc

Các khu vực, tuyến đường, phố trên địa bàn không được lắp đặt cột ăng ten cồng kềnh trên mặt đất (A2b); không được lắp đặt cột ăng ten cồng kềnh trên mặt đất có chiều cao từ 50m trở lên (A2b ≥ 50); không được lắp đặt cột ăng ten cồng kềnh trên mặt đất có chiều cao từ 100m trở lên (A2b ≥ 100) trong thời hạn của quy hoạch.

            Điều 9. Quy hoạch cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm

1. Mục tiêu:

a) Xác định các yêu cầu cụ thể đối với việc bố trí và xây dựng cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động của mạng viễn thông và bảo vệ cảnh quan môi trường, đặc biệt trong các khu vực đô thị;

b) Từng bước hạn chế việc treo cáp viễn thông; tăng cường sử dụng chung cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm; đồng thời triển khai kế hoạch ngầm hóa cáp trên địa bàn trong thời hạn của quy hoạch nhằm tiến đến một không gian đô thị và điểm dân cư nông thôn không có cáp treo, hoặc hạn chế cáp treo đến mức thấp nhất.

2. Yêu cầu:

a) Trên các tuyến có công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm còn khả năng để lắp đặt cáp viễn thông thì cáp viễn thông bắt buộc phải lắp đặt trong các công trình này;

b) Tại các khu vực không còn khả năng đi ngầm cáp trong các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm hoặc không còn khả năng xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm thì cáp viễn thông được phép lắp đặt trên cột điện, cột đèn. Trong trường hợp không có cột điện, cột đèn, hoặc cột điện, cột đèn không có khả năng lắp đặt cáp viễn thông thì được phép xây dựng cột treo cáp viễn thông riêng biệt;

c) Đối với các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, tuyến đường, phố mới xây dựng, cải tạo hoặc mở rộng phải lập, phê duyệt quy hoạch và triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm để đi cáp viễn thông;

d) Các doanh nghiệp phải đầu tư, xây dựng, sử dụng chung hệ thống cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, nếu tuyến, hướng của hệ thống cáp viễn thông giống nhau;

đ) Cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm phải bảo đảm an toàn, mỹ quan, tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, xây dựng công trình và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.

3. Nội dung (theo Mẫu 4 – Phụ lục kèm theo):

a) Tên quận, huyện;

b) Tên các khu vực, tuyến đường, phố phải xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, được xây dựng cột treo cáp viễn thông riêng biệt, hoặc được dùng cột treo cáp sử dụng chung với các ngành khác như cột điện, cột đèn, v.v để lắp đặt cáp viễn thông;

c) Loại công trình hạ tầng kỹ thuật được sử dụng để lắp đặt cáp viễn thông, bao gồm: công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm viễn thông riêng biệt (N1), công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm sử dụng chung với các ngành khác (N2), cột treo cáp viễn thông riêng biệt (C1), cột treo cáp sử dụng chung với các ngành khác (C2);

d) Quy mô công trình hạ tầng kỹ thuật được sử dụng để lắp đặt cáp viễn thông, bao gồm: loại, số lượng cáp viễn thông tối đa có thể lắp đặt vào công trình và chiều dài của công trình;

đ) Thời điểm hoàn thành việc ngầm hóa các tuyến cáp viễn thông trong thời hạn của quy hoạch.

Điều 10. Trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố

 Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố lập, phê duyệt, công bố quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của địa phương, bao gồm:

1. Điều tra, khảo sát, thu thập số liệu liên quan đến hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn của các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng; chủ mạng viễn thông dùng riêng; tổ chức, cá nhân có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và các tổ chức khác có liên quan đến việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động;

2. Điều tra, khảo sát, thu thập số liệu hạ tầng kỹ thuật của các ngành khác có liên quan (giao thông, điện lực, chiếu sáng công cộng, cung cấp năng lượng, cấp nước, thoát nước, v.v) trên địa bàn;

3. Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Giao thông, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan khác, phân tích và lập báo cáo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn;

4. Tổ chức báo cáo quy hoạch cấp cơ sở (Sở Thông tin và Truyền thông), chỉnh sửa và bổ sung báo cáo;

            5. Tổ chức báo cáo quy hoạch trước Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố;

6. Hoàn thiện báo cáo quy hoạch cuối cùng;

7. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt, công bố quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn, bao gồm:

a) Thuyết minh đồ án quy hoạch;

b) Sơ đồ, bản vẽ và phụ lục kèm theo;

c) Bản đồ quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn theo tỷ lệ 1/5.000÷1/25.000.

8. Sau khi quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương của tỉnh/thành phố được phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức công bố công khai, thông báo quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử của tỉnh (trừ các nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định) đồng thời gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông).

9. Trình tự, thủ tục, kinh phí thực hiện và các vấn đề có liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương của tỉnh, thành phố được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006, Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Chương III

QUY HOẠCH HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG

TẠI ĐỊA PHƯƠNG CỦA DOANH NGHIỆP VIỄN THÔNG

Điều 11. Quy hoạch công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia

1. Mục tiêu:

Xác định địa điểm hoặc tuyến hướng, quy mô, loại hình, thời điểm xây dựng, thời điểm đưa vào sử dụng công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia của doanh nghiệp trên địa bàn.

2. Yêu cầu:

Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này, địa điểm xây dựng công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia của doanh nghiệp phải bảo đảm an toàn, thuận lợi cho việc tổ chức, quản lý, khai thác mạng lưới.

3. Nội dung (theo Mẫu 5 – Phụ lục kèm theo):

a) Tên công trình;

b) Chức năng công trình (khu vực, liên tỉnh, toàn quốc, quốc tế, v.v theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định 25/2011/NĐ-CP);

c) Đơn vị quản lý, khai thác;

d) Địa điểm công trình; quy mô công trình hệ thống quản lý, điều khiển, định tuyến, chuyển mạch viễn thông và phát sóng tín hiệu phát thanh, truyền hình, bao gồm: diện tích thửa đất sử dụng, hình thức sử dụng đất (giao đất, thuê đất, v.v), diện tích đất xây dựng, diện tích sàn sử dụng, chiều cao công trình (không tính cột ăng ten lắp đặt trên công trình), chiều cao cột ăng ten lắp đặt trên công trình hoặc trong diện tích đất xây dựng của công trình (nếu có); hành lang bảo vệ (nếu có); hành lang an toàn kỹ thuật (nếu có);

đ) Địa bàn (phường, xã/quận, huyện) tuyến truyền dẫn đi qua; địa điểm có lắp đặt thiết bị truyền dẫn (trạm lặp, trạm tách/ghép kênh, trạm xen rẽ, v.v); tổng chiều dài tuyến; chiều dài tuyến qua từng địa bàn; loại công trình hạ tầng kỹ thuật được sử dụng để lắp đặt cáp viễn thông, bao gồm: công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm viễn thông riêng biệt (N1), công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm sử dụng chung với các ngành khác (N2), cột treo cáp viễn thông riêng biệt (C1), cột treo cáp sử dụng chung với các ngành khác (C2);

e) Thời điểm xây dựng; thời điểm hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng công trình.

Điều 12. Quy hoạch điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng

1. Mục tiêu:

Xác định các địa điểm, quy mô, loại hình các điểm trên địa bàn được dùng để triển khai và thời điểm đưa vào sử dụng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng.

2. Yêu cầu:

Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng của doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu sau:

  1. Các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không có người phục vụ của doanh nghiệp phải có thiết kế mẫu để áp dụng thống nhất trên địa bàn, đáp ứng các yêu cầu sau: có kích thước nhỏ, gọn; có logo hoặc nhãn hiệu để xác định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ;
  2. Các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ của doanh nghiệp phải có biển hiệu áp dụng thống nhất trên địa bàn để xác định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

3. Nội dung (theo Mẫu 6 – Phụ lục kèm theo):

a) Địa điểm của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng;

b) Loại điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng: có người phục vụ (Đ1), không có người phục vụ (Đ2);

c) Quy mô công trình: diện tích thửa đất sử dụng, hình thức sử dụng đất (giao đất, thuê đất, v.v), diện tích đất xây dựng, diện tích sàn sử dụng, chiều cao công trình;

d) Loại hình dịch vụ được cung cấp: thoại, fax, Internet, v.v;

đ) Thời điểm xây dựng; thời điểm đưa vào khai thác, sử dụng điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng.

Điều 13. Quy hoạch cột ăng ten

1. Mục tiêu:

Xác định vị trí chính xác, loại, quy mô, mức độ sử dụng chung của các cột ăng ten và thời điểm hoàn thành việc chuyển đổi cột ăng ten cồng kềnh được lắp đặt trên các công trình đã xây dựng sang cột ăng ten không cồng kềnh trong thời hạn của quy hoạch. 

2. Yêu cầu:

Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này, quy hoạch cột ăng ten của doanh nghiệp phải bảo đảm:

  1. Đáp ứng các yêu cầu về cấp phép xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan;
  2. Tăng cường phủ sóng trong nhà, đồng thời áp dụng các công nghệ, giải pháp kỹ thuật và băng tần phù hợp để giảm thiểu kích thước của các hệ thống ăng ten ngoài trời; đẩy mạnh việc sử dụng các loại hệ thống ăng ten thân thiện với môi trường, đặc biệt tại các đô thị.

3. Nội dung (theo Mẫu 7 – Phụ lục kèm theo):

a) Địa điểm lắp đặt: địa chỉ, tọa độ;

b) Cột ăng ten: loại cột ăng ten (A1a, A1b, A2a, A2b, A2c); quy mô cột ăng ten, bao gồm: chiều cao cột ăng ten, chiều cao công trình xây dựng để lắp đặt cột ăng ten (đối với loại A1, A2a) và diện tích đất sử dụng của nhà trạm và cột ăng ten (đối với loại A2b);

c) Hiện trạng sử dụng chung cột ăng ten: không dùng chung (KDC), hoặc dùng chung của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DC1), hoặc dùng chung với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác (DC2), hoặc kết hợp hai hình thức sử dụng chung nói trên (DC3);

d) Khả năng sử dụng chung cột ăng ten: không còn khả năng sử dụng chung (K), còn khả năng sử dụng chung (C)

đ) Thời điểm đưa vào khai thác, sử dụng cột ăng ten;

e) Thời điểm hoàn thành việc chuyển đổi từ cột ăng ten loại A2a sang cột ăng ten loại A1 trong thời hạn của quy hoạch.

Điều 14. Quy hoạch cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm

1. Mục tiêu:

Xác định loại công trình hạ tầng kỹ thuật trên các khu vực, tuyến đường, phố được sử dụng để lắp đặt cáp viễn thông; loại và số lượng cáp viễn thông tối đa sẽ được lắp đặt đối với mỗi loại công trình hạ tầng kỹ thuật trong thời hạn của quy hoạch và thời điểm hoàn thành việc ngầm hoá cáp viễn thông trong thời hạn của quy hoạch.

2. Yêu cầu:

Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này, quy hoạch công trình hạ tầng kỹ thuật để lắp đặt cáp viễn thông của doanh nghiệp phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về cấp phép xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Nội dung (theo Mẫu 8 – Phụ lục kèm theo):

a) Tên các khu vực, tuyến đường, phố;

b) Quy mô tuyến cáp được lắp đặt vào công trình: chiều dài tuyến công trình hạ tầng kỹ thuật; loại, số lượng cáp viễn thông tối đa sẽ được lắp đặt đối với mỗi loại công trình hạ tầng kỹ thuật trong thời hạn của quy hoạch;

c) Thời điểm đưa vào khai thác, sử dụng;

d) Thời điểm hoàn thành việc ngầm hoá cáp viễn thông trong thời hạn của quy hoạch.

Điều 15. Trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh, thành phố

1. Việc lập, phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của doanh nghiệp bao gồm các bước như sau:

a) Doanh nghiệp điều tra, khảo sát, thu thập số liệu liên quan đến hiện trạng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của mình và của các đơn vị có liên quan trên địa bàn;

b) Căn cứ quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh, thành phố đã được phê duyệt, hiện trạng và kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của mình, doanh nghiệp lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố;

c) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương của doanh nghiệp;

d) Sau khi quy hoạch của doanh nghiệp được phê duyệt, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức công bố công khai, thông báo quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp (trừ các nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định) đồng thời gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông).

2. Đồ án quy hoạch của doanh nghiệp bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt quy hoạch;

b) Thuyết minh đồ án quy hoạch, sơ đồ, bản vẽ và phụ lục kèm theo;

c) Bản đồ quy hoạch các hệ thống hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỷ lệ 1/5.000÷1/25.000;

d) Kế hoạch thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Bộ Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các nội dung của Thông tư này.

Điều 17. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố

1. Lập, phê duyệt, công bố quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của địa phương năm (05) năm một lần, định hướng mười (10) năm, có điều chỉnh, bổ sung hàng năm.

2. Xem xét, phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương của các doanh nghiệp viễn thông.

3. Đưa các nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có liên quan vào quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/2.000, 1/500 của địa phương.

4. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã phê duyệt.

5. Căn cứ vào quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã được phê duyệt, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hạ ngầm cáp viễn thông và kế hoạch chỉnh trang, sắp xếp lại hệ thống cột ăng ten trên cơ sở bảo đảm hiệu quả việc sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật, an toàn và cảnh quan môi trường tại địa phương.

6. Xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ để cập nhật hiện trạng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn

Điều 18. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan đến việc xây dựng và sử dụng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương

1. Cung cấp đầy đủ dữ liệu về hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn theo yêu cầu cho Sở Thông tin và Truyền thông để thực hiện công tác lập, phê duyệt, công bố và quản lý quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương.

2. Doanh nghiệp viễn thông lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương của doanh nghiệp năm (05) năm một lần, định hướng mười (10) năm, có điều chỉnh, bổ sung hàng năm và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét, phê duyệt.

3. Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh, thành phố và doanh nghiệp viễn thông tại địa phương sau khi được phê duyệt.

4. Căn cứ vào kế hoạch hạ ngầm cáp viễn thông và kế hoạch chỉnh trang, sắp xếp lại hệ thống cột ăng ten của tỉnh, thành phố, lập và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hạ ngầm cáp viễn thông và chỉnh trang, sắp xếp lại hệ thống cột ăng ten của mình tại địa phương.

5. Xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ để cập nhật hiện trạng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của đơn vị và định kỳ báo cáo theo yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông.

Điều 19. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2013.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Cục trưởng Cục Viễn thông, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan cần phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Bắc Son

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.