• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 20/07/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2018
BỘ CÔNG AN
Số: 30/2012/TT-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 29 tháng 5 năm 2012

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ

và công cụ hỗ trợ và Nghị định quy định chi tiết thi hành

một số điều của Pháp lệnh

_______________

 

Căn cứ Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

Căn cứ Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sau đây viết gọn là Pháp lệnh) và Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh này (sau đây viết gọn là Nghị định) gồm: Cấp Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vận chuyển vật liệu nổ quân dụng, mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp đặc biệt; cấp Giấy chứng nhận sử dụng vũ khí; bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ; quản lý, sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ.

2. Việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết gọn là tổ chức, cá nhân).

Điều 3. Thủ tục cấp Giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp đặc biệt

1. Hồ sơ cấp Giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam quy định tại Điểm a, b, Khoản 1 và Điểm a, c, Khoản 2, Điều 5 Nghị định gồm:

a) Văn bản đề nghị cho phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào hoặc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền;

b) Giấy giới thiệu của người đến liên hệ;

c) Văn bản đồng ý của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp tổ chức, cá nhân mang nhiều hơn số lượng vũ khí quy định tại Khoản 1, Điều 6 Nghị định.

2. Hồ sơ cấp Giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam quy định tại Điểm c, Khoản 1 và Điểm b, Khoản 2, Điều 5 Nghị định gồm:

a) Các giấy tờ quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều này;

b) Bản sao quyết định hoặc kế hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra để luyện tập, thi đấu thể thao, triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm.

3. Hồ sơ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều này lập thành 01 bộ và nộp tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Người có tên trong giấy giới thiệu phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ.

Văn bản đề nghị cho phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào hoặc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền phải nêu rõ lý do, thời hạn mang vào hoặc mang ra; họ và tên, số, ngày cấp Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người mang vũ khí, công cụ hỗ trợ; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu vũ khí, công cụ hỗ trợ; cơ số đạn, phụ kiện kèm theo (nếu có) và phương tiện vận chuyển (trường hợp vận chuyển với số lượng lớn); cửa khẩu mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào hoặc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy phép theo quy định; trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Điều 4. Tiêu chuẩn của người được giao bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân

1. Người được giao bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có phẩm chất đạo đức tốt;

b) Có đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao được cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên chứng nhận;

c) Có chứng chỉ chuyên môn về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy;

d) Nắm vững nội quy, chế độ quản lý, bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật chủ trì, phối hợp với Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội quy định cụ thể thẩm quyền, nội dung, chương trình đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.

Điều 5. Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ dự phòng hoặc chưa có nhu cầu trang bị, sử dụng phải đưa vào bảo quản tại kho hoặc nơi cất giữ và phải sắp xếp, cất giữ, bảo quản, bảo dưỡng theo đúng quy định.

2. Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để trong kho và nơi cất giữ được quy định như sau:

a) Các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để trong kho phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Người được giao quản lý kho, nơi cất giữ phải chấp hành nghiêm các nguyên tắc bảo quản, xuất kho, nhập kho. Kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải bảo đảm tiêu chuẩn TCVN-AN 017:2012 ban hành kèm theo Thông tư số 13/2012/TT-BCA ngày 20/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an.

b) Thủ kho và cán bộ được giao quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải thường xuyên tiến hành kiểm tra và có biện pháp phòng, chống han gỉ, mối mọt, ẩm mốc, mất mát, cháy nổ, thực hiện vệ sinh trong và ngoài kho, lau chùi sạch sẽ.

3. Sau khi mang súng ra sử dụng, tập luyện, phải lau khô toàn bộ súng và các bộ phận tiếp xúc với khí thuốc; lau dầu cho những bộ phận chuyển động. Chậm nhất hai giờ sau khi bắn phải lau chùi sạch sẽ, nếu chưa lau chùi được phải thông đẫm dầu vào nòng súng và các bộ phận có tiếp xúc trực tiếp với khí thuốc, sau đó dùng nước xà phòng hoặc nước kiềm để rửa.

4. Sau khi mang công cụ hỗ trợ ra sử dụng, người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ phải tiến hành lau chùi sạch sẽ, kiểm tra các bộ phận của công cụ hỗ trợ theo đúng quy trình của nhà sản xuất. Đối với các công cụ hỗ trợ có sử dụng nguồn điện phải bảo đảm nguồn điện được cung cấp đầy đủ, bảo đảm phục vụ công tác chiến đấu và bảo vệ. Đối với các loại công cụ hỗ trợ có sử dụng khí, hơi cay, phải bảo đảm lượng khí do nhà sản xuất đề ra, nếu hết hạn hoặc không bảo đảm chất lượng phải báo cáo để tiến hành thanh lý, tiêu hủy.

5. Hằng năm, cán bộ làm công tác quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ phối hợp với cán bộ làm công tác quản lý kho, nơi cất giữ tiến hành kiểm tra, đề xuất chuyển loại vũ khí, công cụ hỗ trợ. Sau khi kiểm tra, đánh giá chất lượng, nếu vũ khí, công cụ hỗ trợ bị hư hỏng, hết hạn sử dụng thì đề xuất thanh lý, tiêu hủy theo quy định.

Chương II

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ

Điều 6. Loại vũ khí quân dụng trang bị cho lực lượng Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu, An ninh hàng không

1. Các loại vũ khí quân dụng quy định tại Khoản 1, Điều 8 Nghị định.

2. Trường hợp cần thiết phải trang bị vũ khí quân dụng khác ngoài các loại vũ khí quy định tại Khoản 1, Điều 8 Nghị định thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, trong đó nêu rõ sự cần thiết phải trang bị, nhu cầu, mục đích sử dụng. Căn cứ vào ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, cơ quan có nhu cầu trang bị có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 7. Cấp và thu hồi Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng

1. Việc cấp và thu hồi Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng thực hiện theo quy định tại Điều 16 Pháp lệnh.

2. Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng chỉ cấp cho súng cầm tay hạng nhỏ và vũ khí hạng nhẹ quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 2, Điều 3 Pháp lệnh. Các loại vũ khí quân dụng khác thực hiện theo quy định của Pháp lệnh, Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Điều 8. Cấp Giấy chứng nhận sử dụng vũ khí

1. Đối tượng được cấp Giấy chứng nhận sử dụng vũ khí theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 Pháp lệnh phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau đây:

a) Là công dân Việt Nam;

b) Đủ 18 tuổi trở lên;

c) Có lý lịch rõ ràng, không có tiền án, tiền sự;

d) Bảo đảm các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh;

đ) Đang làm việc tại cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng được trang bị vũ khí;

e) Đã được đào tạo, tập huấn chuyên môn về quản lý, sử dụng vũ khí.

2. Thủ trưởng các đơn vị Công an quy định tại Điều 9 Thông tư này có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sử dụng vũ khí.

3. Hằng năm, khi có nhu cầu về đào tạo, huấn luyện sử dụng vũ khí, cơ quan, tổ chức có nhu cầu phải liên hệ với cơ quan Công an quy định tại Điều 9 Thông tư này để xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện.

4. Cán bộ, chiến sĩ Công an đã qua đào tạo tại Học viện An ninh, Cảnh sát, các trường Công an nhân dân không phải cấp Giấy chứng nhận sử dụng vũ khí. Trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an được tuyển dụng từ ngành ngoài thì thực hiện như đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều này.

5. Giấy chứng nhận sử dụng vũ khí chỉ cấp cho các đối tượng được giao quản lý, sử dụng vũ khí đã qua đào tạo, huấn luyện. Giấy chứng nhận sử dụng vũ khí không thay thế Giấy phép sử dụng vũ khí.

Điều 9. Cơ quan đào tạo, huấn luyện sử dụng vũ khí

Các đơn vị Công an sau đây được phép đào tạo, huấn luyện sử dụng vũ khí:

1. Các học viện, trường Công an nhân dân, Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ;

2. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội;

3. Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

4. Cục quản lý trang bị kỹ thuật và trang cấp thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật.

Điều 10. Nội dung, chương trình, thời gian đào tạo, huấn luyện sử dụng vũ khí

1. Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật chủ trì, phối hợp với Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội biên soạn nội dung, chương trình đào tạo, huấn luyện sử dụng vũ khí. Nội dung đào tạo, huấn luyện gồm:

a) Quy định của pháp luật về công tác quản lý vũ khí;

b) Cách nhận biết, cấu tạo và tính năng, tác dụng của loại vũ khí được trang bị;

c) Các kỹ năng, kỹ thuật sử dụng vũ khí.

2. Các cơ quan, đơn vị có nhu cầu đào tạo, huấn luyện sử dụng vũ khí chịu trách nhiệm về kinh phí huấn luyện, đào tạo.

Điều 11. Trang bị vũ khí thô sơ đối với Công an nhân dân

1. Công an nhân dân được trang bị các loại vũ khí thô sơ theo quy định tại Khoản 4, Điều 3 Pháp lệnh.

2. Đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ trong Công an nhân dân bao gồm:

a) Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động;

b) Cục nghiệp vụ thuộc các Tổng cục; đơn vị trực thuộc Bộ;

c) Các học viện, trường Công an nhân dân, Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ làm công tác đào tạo, huấn luyện;

d) Các Phòng nghiệp vụ trực tiếp chiến đấu thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;

đ) Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

e) Công an xã, phường, thị trấn;

3. Việc trang bị vũ khí thô sơ phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị để trang bị số lượng, chủng loại vũ khí thô sơ cho phù hợp.

4. Thủ trưởng các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Giám đốc các học viện, Hiệu trưởng trường Công an nhân dân và Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy căn cứ yêu cầu công tác, hàng năm xây dựng kế hoạch trang bị vũ khí thô sơ gửi Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật để báo cáo lãnh đạo Bộ quyết định.

Điều 12. Quản lý, sử dụng vũ khí thô sơ

1. Đối với vũ khí thô sơ được trang bị cho các đối tượng quy định tại Điều 13 Nghị định (trừ các đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, các bảo tàng, hãng phim, đơn vị biểu diễn nghệ thuật), sau khi được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy phép mua vũ khí thô sơ, phải mang vũ khí thô sơ kèm theo hóa đơn hoặc phiếu xuất kho đến cơ quan Công an đã cấp Giấy phép mua để đăng ký. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Công an cấp Giấy xác nhận đăng ký.

2. Đối với vũ khí thô sơ là hiện vật trong bảo tàng, là đạo cụ làm phim, biểu diễn nghệ thuật, đồ gia bảo hoặc được gia truyền theo phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc phải khai báo với Công an xã, phường, thị trấn nơi cơ quan, đơn vị đặt trụ sở hoặc nơi cư trú để được cấp Giấy xác nhận việc khai báo. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân;

b) Bản kê khai vũ khí thô sơ;

c) Giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của vũ khí thô sơ (nếu có);

d) Giấy giới thiệu của người đến liên hệ (đối với tổ chức).

Người đến liên hệ phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Công an xã, phường, thị trấn phải cấp Giấy xác nhận việc khai báo.

3. Trong khi thi hành nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng vũ khí thô sơ phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc sử dụng vũ khí thô sơ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng vệ chính đáng và tuân theo các nguyên tắc sau:

a) Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm để quyết định việc sử dụng vũ khí thô sơ;

b) Chỉ sử dụng vũ khí thô sơ khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo bằng mệnh lệnh qua lời nói nhưng đối tượng không tuân theo;

c) Không sử dụng vũ khí thô sơ đối với đối tượng là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những đối tượng này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành nhiệm vụ hoặc người khác;

d) Trong mọi trường hợp sử dụng vũ khí thô sơ, người sử dụng vũ khí thô sơ cần hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí thô sơ gây ra.

4. Người được giao vũ khí thô sơ (trừ vũ khí thô sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều này) được sử dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Các trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 22 Pháp lệnh;

b) Ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người khác;

c) Bắt giữ người theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Trách nhiệm của các cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí thô sơ

1. Phải duy trì đầy đủ các điều kiện về an ninh, trật tự trong suốt quá trình hoạt động.

2. Thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình, kết quả việc thực hiện các điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật.

3. Cơ sở, doanh nghiệp có chức năng sửa chữa vũ khí thô sơ chỉ được phép sửa chữa vũ khí thô sơ theo Giấy phép sửa chữa do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp cho các đối tượng được phép trang bị.

4. Cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí thô sơ chỉ được bán vũ khí thô sơ theo Giấy phép mua do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp.

5. Các cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất khi mua lại vũ khí thô sơ của nhau thì bên mua phải có văn bản đồng ý của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Chương III

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ QUÂN DỤNG

Điều 14. Thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ quân dụng

1. Hồ sơ cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ quân dụng bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ quân dụng;

b) Bản sao quyết định cho phép vận chuyển vật liệu nổ hoặc mệnh lệnh hành quân của người có thẩm quyền;

c) Giấy giới thiệu của người đến liên hệ.

Người có tên trong giấy giới thiệu có trách nhiệm xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ.

2. Hồ sơ nêu trên lập thành 01 bộ và nộp tại cơ quan Công an quy định tại Điều 15 Thông tư này. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Công an làm thủ tục cấp Giấy phép theo quy định.

Điều 15. Thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ quân dụng

1. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ quân dụng cho các đơn vị thuộc Bộ Công an.

2. Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ quân dụng cho các đơn vị tại địa phương.

Chương IV

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Điều 16. Điều kiện cơ sở, doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh công cụ hỗ trợ

1. Đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 26 Nghị định.

2. Phù hợp với quy hoạch về cơ sở, doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh công cụ hỗ trợ theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Việc quy hoạch phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Việc nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh công cụ hỗ trợ là một trong những ngành, nghề hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật;

b) Ngoài các cơ sở, doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh công công cụ hỗ trợ thuộc Bộ Công an đã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, các thành phố trực thuộc Trung ương không được phép thành lập quá hai cơ sở, doanh nghiệp;

c) Trên phạm vi cả nước, các cơ sở, doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh công cụ hỗ trợ hiện có và thành lập mới không quá 20 cơ sở, doanh nghiệp.

Điều 17. Trang bị công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân

1. Công an nhân dân được trang bị các loại công cụ hỗ trợ quy định tại Khoản 9, Điều 3 Pháp lệnh.

2. Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ quy định tại Khoản 2, Điều 11 Thông tư này.

3. Việc trang bị công cụ hỗ trợ phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị để trang bị số lượng, chủng loại công cụ hỗ trợ cho phù hợp.

Điều 18. Quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ

1. Đối với các loại công cụ hỗ trợ không phải cấp Giấy phép sử dụng theo quy định tại Khoản 1, Điều 21 Nghị định thì sau khi mua phải mang công cụ hỗ trợ kèm theo hóa đơn hoặc phiếu xuất kho đến cơ quan Công an đã cấp Giấy phép mua để đăng ký. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Công an cấp Giấy xác nhận đăng ký.

2. Việc sử dụng công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4, Điều 12 Thông tư này.

Điều 19. Trách nhiệm của các cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa công cụ hỗ trợ

1. Phải thực hiện các quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 13 Thông tư này.

2. Các cơ sở, doanh nghiệp có chức năng sửa chữa công cụ hỗ trợ chỉ được phép sửa chữa công cụ hỗ trợ theo Giấy phép sửa chữa do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp.

3. Cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh công cụ hỗ trợ chỉ bán công cụ hỗ trợ theo Giấy phép mua do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp.

4. Các cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh công cụ hỗ trợ, khi mua lại của nhau để kinh doanh, bên mua phải lập hồ sơ đề nghị Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy phép mua. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép mua; trong đó, nêu rõ số lượng, chủng loại công cụ hỗ trợ; tên, địa chỉ cơ sở, doanh nghiệp bán lại;

b) Giấy giới thiệu của người đến liên hệ.

Người đến liên hệ phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy phép mua theo quy định.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Điều 20. Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an

1. Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền;

b) Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tổ chức tập huấn, huấn luyện, đào tạo cho các đơn vị trong và ngoài ngành Công an về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

c) Cấp, thu hồi các loại giấy phép trang bị, sử dụng, mua, mang, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Giấy chứng nhận sử dụng vũ khí cho các đối tượng thuộc các cơ quan ở Trung ương theo thẩm quyền;

d) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm các đơn vị được phép trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong và ngoài ngành Công an thuộc thẩm quyền quản lý;

đ) Quản lý các cơ sở nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

e) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

g) Tổ chức thống kê, tổng hợp tình hình quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền;

h) Thực hiện hợp tác quốc tế về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật có trách nhiệm:

a) Xây dựng danh mục trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho từng lực lượng trong Công an nhân dân;

b) Trang bị, cấp phát vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong lực lượng Công an;

c) Mua sắm, nhập khẩu, xuất khẩu các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong lực lượng Công an theo quy định;

d) Nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ để trang vị cho các đơn vị trong Công an nhân dân;

đ) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có thẩm quyền tập huấn, đào tạo, biên soạn giáo trình, nội dung chương trình về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

3. Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội và các đơn vị liên quan phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

b) Chủ trì, phối hợp với lực lượng An ninh và các cơ quan có liên quan trong công tác phòng, chống các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ qua biên giới.

4. Các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ, các học viện, trường Công an nhân dân căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.

Điều 21. Trách nhiệm của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Tham mưu với Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền.

2. Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

3. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, đào tạo cho các đơn vị trong và ngoài ngành Công an về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền.

4. Cấp, thu hồi các loại giấy phép trang bị, sử dụng, mua, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Giấy chứng nhận sử dụng vũ khí cho các đối tượng thuộc thẩm quyền.

5. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các cơ quan, đơn vị được phép trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong và ngoài ngành Công an theo quy định.

6. Thống kê, tổng hợp, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền.

Điều 22. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp số liệu phục vụ công tác thống kê nhà nước cho Bộ Công an và thực hiện các nhiệm vụ khác thuộc nội dung quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2012 và thay thế Thông tư số 05/TT-BNV(C13) ngày 28/9/1996 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) hướng dẫn thực hiện một số vấn đề trong Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Điều 24. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Các Tổng cục trưởng, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc các học viện, hiệu trưởng các trường Công an nhân dân, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc nảy sinh, các tổ chức, cá nhân và Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật, an toàn xã hội) để kịp thời hướng dẫn./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Thượng tướng Trần Đại Quang

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.