Quyết địnhQUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Đăng kiểm Việt Nam
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 22/CP, ngày 22 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Cục Đăng kiểm Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành về đăng kiểm an toàn kỹ thuật và chứng nhận chất lượng hàng hoá các loại phương tiện và thiết bị giao thông vận tải đường biển, đường bộ, đường sắt, đương thuỷ nội địa, giàn khoan biển, công trình nổi, phương tiện nổi và một số thiết bị liên quan đến an toàn trong ngành giao thông vận tải.
Cục Đăng kiểm Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tài khoản, có trụ sở tại thành phố Hà Nội.
Cục Đăng kiểm Việt Nam có tên giao dịch quốc tế là Việt Nam Register, viết tắt là VR.
Điều 2. Cục Đăng kiểm Việt Nam có các nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu sau đây:
1. Xây dựng, tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, chính sách, chế độ, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật về đăng kiểm an toàn kỹ thuật và chứng nhận chất lượng hàng hoá các loại phương tiện và thiết bị về giao thông vận tải đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, giàn khoan biển, công trình nổi, phương tiện nổi, và một số thiết bị liên quan đến an toàn trong ngành giao thông vận tải trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo thẩm quyền hoặc để Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, và tổ chức chỉ đạo thực hiện các vấn đề nói trên sau khi được Bộ Giao thông vận tải hoặc cấp có thẩm quyền ban hành.
2. Tổ chức thực hiện việc đăng kiểm an toàn kỹ thuật sau đây:
a) Đăng kiểm tầu biển tại Việt Nam theo nội dung quy định tại Quyết định số 203/TTg ngày 28 tháng 12 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ về đăng kiểm tầu biển tại Việt Nam.
b) Phương tiện và thiết bị giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, thiết bị nâng hàng từ 1 tấn trở lên theo quy định của Chính phủ và phân công của Bộ Giao thông vận tải.
c) Dàn khoan biển và thiết bị dàn khoan biển.
d) Công trình nổi và phương tiện nổi.
e) Nồi hơi và thiết bị chịu áp lực sử dụng trên phương tiện giao thông vận tải.
f) Các loại Công ten nơ được sử dụng trong ngành giao thông vận tải.
3. Thực hiện một số nhiệm vụ sau đây theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ Giao thông vận tải:
a) Thẩm định hoặc tham gia thẩm định các dự án thiết kế kỹ thuật để chế tạo, lặp ráp, cải tạo các phương tiện vận tải, dàn khoan biển và các hệ thống, thiết bị có liên quan.
b) Kiểm tra kỹ thuật việc chế tạo, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, trong việc sử dụng, xuất nhập khẩu các loại phương tiện và thiết bị vận tải, dàn khoan biển.
c) Cấp thu hồi các giấy chứng nhận: đăng kiểm viên, chất lượng hàng hoá, an toàn kỹ thuật, cấp kỹ thuật các phương tiện vận tải thuộc trách nhiệm của Cục và theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho các hệ thống quản lý an toàn kỹ thuật của các doanh nghiệp có sản phẩm thuộc phạm vi kiểm tra kỹ thuật của Cục theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế có liên quan (ISM code) mà Việt Nam tham gia.
4. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành luật pháp, chính sách về công tác đăng kiểm an toàn kỹ thuật, chất lượng hàng hoá phương tiện giao thông vận tải, và tham gia việc giám định về mặt kỹ thuật các sự cố, tai nạn do phương tiện vận tải gây ra.
5. Tổ chức ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác đăng kiểm và việc hợp tác quốc tế về lĩnh vực đăng kiểm.
6. Tổ chức thu các loại phí, lệ phí đăng kiểm theo quy định.
7. Quản lý tổ chức, biên chế, tài sản của cục theo đúng quy định của Nhà nước. Tổ chức việc đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về đăng kiểm cho cán bộ, viên chức thuộc Cục Đăng kiểm quản lý.
Điều 3. Tổ chức bộ máy Cục Đăng kiểm Việt Nam gồm có:
1. Cục trưởng và các Phó Cục trưởng giúp việc Cục trưởng. Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về toàn bộ hoạt động của Cục. Các Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về nhiệm vụ được phân công.
Cục trưởng, các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm, miễn nhiệm.
2. Các tổ chức chuyên môn giúp việc Cục trưởng gồm có Văn phòng Cục và các Phòng, Ban chuyên môn nghiệp vụ, các chi Cục và cơ sở đăng kiểm chuyên ngành theo khu vực do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định.
Điều 4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào chức năng nhiệm vụ quản lý công tác đăng kiểm của Bộ và Quyết định này quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cở quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.