• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 27/02/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 30/12/2000
BỘ THƯƠNG MẠI
Số: 123/TM-XNK
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 27 tháng 2 năm 1995

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Về bổ sung quy chế hàng hoá của vương quốc Campuchia

quá cảnh lãnh thổ Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1162/TM-XNK ngày 20/9/1994

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Thoả thuận sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Hiệp định quá cảnh hàng hoá giữa Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia ký ngày 3 tháng 4 năm 1994;

Căn cứ khoản 3, Điều 26, Chương V, Nghị định 33/CP ngày 19 tháng 4 năm 1994 của Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu;

Sau khi thống nhất ý kiến với Tổng cục Hải quan;

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Bổ sung Khoản 2.1, Điểm 2, Phần thứ nhất:

1 - Về cho phép quá cảnh hàng hoá:

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Campuchia, các trường hợp quá cảnh sau đây không cần giấy phép vận chuyển hàng hoá quá cảnh của phòng Giấy phép xuất nhập khẩu thuộc Bộ Thương mại:

1.1 - Quá cảnh hàng từ địa phương này của Campuchia sang địa phương khác của Campuchia qua các cặp cửa khẩu:

Bu Porang (Đaclak) - O Raing (Mundolkiri) trên đường số 14.

Lệ thanh (Gia lai) - An đông Pếch (Ratanakkiri) trên đường số 19.

1.2 - Quá cảnh theo đường sông Cửu Long (sông Tiền) - Sông Mê-kông.

Cả 2 trường hợp trên phải tuân theo quy định:

a - Phương tiện vận chuyển đi thẳng, đi đúng tuyến đường và đi liên tục, không dỡ hàng xuống, không bốc hàng lên, không chuyển tải. Người điều khiển phương tiện phải khai báo với Hải quan cửa khẩu hàng hoá vận chuyển trên phương tiện theo thông lệ quốc tế về hàng quá cảnh.

b - Hàng trên phương tiện phải được Hải quan Việt Nam niêm phong và áp tải trong suốt quá trình qua lãnh thổ Việt Nam.

Tổng cục Hải quan quy định cụ thể biện pháp giám sát, quản lý đối với hàng hoá, phương tiện vận tải hàng hoá của Campuchia quá cảnh Việt Nam.

2 - Về hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu:

Đối với các loại hàng thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, việc quá cảnh được quy định như sau:

1 - Không được phép quá cảnh những loại hàng mà luật lệ và tập quán quốc tế nghiêm cấm, cụ thể: các loại ma tuý, hoá chất độc, chất phóng xạ, các loại động vật hoang và động vật, thực vật quí hiếm.

2 - Quá cảnh vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật quân sự nhằm mực đích quốc phòng và an ninh quốc gia, phải có giấy phép của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

3 - Quá cảnh những hàng thuộc diện Việt Nam cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (nhưng Campuchia không cấm): Doanh nghiệp Campuchia nộp hồ sơ (theo quy định trong Qui chế về hàng hoá của Vương quốc Campuchia quá cảnh lãnh thổ Việt Nam), tại phòng Giấy phép xuất nhập khẩu (thuộc Bộ Thương mại) đóng ở thành phố Hồ Chí Minh (hoặc Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ). Phòng Giấy phép có trách nhiệm báo cáo Bộ Thương mại trước khi cấp giấy phép từng chuyến hàng quá cảnh.

4 - Quá cảnh gỗ thi hành theo hướng dẫn của Bộ Lâm nghiệp và Tổng cục Hải quan.

Điều 2 - Bổ sung Điểm 2, Phần thứ nhất (về phương tiện vận chuyển hàng quá cảnh):

1 - Phương tiện vận chuyển hàng quá cảnh và người áp tải cũng như việc sang mạn, chuyển phương tiện vận tải phải tuân thủ các quy định, luật pháp của Việt Nam và phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.

2 - Phương tiện vận tải hàng quá cảnh trong các trường hợp ghi tại Điểm 1, Điều 1 trên đây, chủ hàng phía Campuchia có thể sử dụng phương tiện của nước mình, hoặc thuê của nước thứ ba hoặc thuê của Việt Nam nhưng phải tuân theo luật pháp Việt Nam.

3 - Phương tiện vận tải hàng quá cảnh trong các trường hợp khác, chủ hàng phía Campuchia phải thuê phương tiện của Việt Nam và tuân theo luật pháp Việt Nam.

Điều 3 - Bổ sung Điểm 5, Phần thứ nhất (về cửa khẩu quá cảnh hàng):

1 - Quá cảnh đi thẳng theo sông Cửu Long (sông Tiền) - sông Mê Kông qua cặp cửa khẩu:

Vĩnh Xương - Thường Phước Ca Ôm Sam No - Cốc Rô Ca

(An Giang - Đồng Tháp) (Kăng Đan - Prây Veng)

2 - Quá cảnh đi thẳng theo đường bộ qua các cặp cửa khẩu:

2.1 - Đường 22 A - Đường số 1

Mộc Bài (Tây Ninh) Bavet (Svay rieng)

2.2 - Đường số 14 - Đường số 14

Bu Porang (Đaclak) O Raing (Mundolkkiri)

2.3 - Đường số 19 - Đường số 19

Lệ Thanh (Gia lai) An Đông Pếch (Ratanakkiri)

2.4 - Đường số 13 - Đường số 13

Bô Nuê (Sông bé) Xnul (Kratie)

Điều 4 - Các Vụ chức năng của Bộ Thương mại chịu trách nhiệm phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp thi hành Quyết định này.

Điều 5 - Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký./.

 

THÔNG BÁO CỦA BỘ THƯƠNG MẠI

Về việc đính chính lại điều 2 điểm 2 Quyết định số 123/TM/XNK, ngày 27/2/1995 của Bộ Trưởng Bộ Thương mại về bổ sung quy chế về hàng hoá của Vương quốc CampuChia quá cảnh lãnh thổ Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 01160/TM/XNK ngày 20/4/1994 của Bộ trưởng Bộ Thương mại  

Tại Điều 2 điểm 2 Quyết định trên đã nêu: "Phương tiện vận chuyển hàng quá cảnh trong các trường hợp ghi tại điểm 1 Điều 1 trên đây chủ hàng phía Campuchia có thể sử dụng phương tiện của nước mình, hoặc thuê của nước thứ ba hoặc thuê của Việt Nam nhưng phải tuân theo luật pháp Việt Nam" ngàu được đính chính là: "Phương tiện vận tải hàng quá cảnh trong các trường hợp ghi tại Điều 1 điểm 1.2 trên đây, chủ hàng phía Campuchia có thể sử dụng phương tiện của nước mình, thuê của Việt Nam hoặc thuê của nước thứ ba nhưng phải tuân theo luật pháp Việt Nam". Như vậy có nghĩa là chỉ có hàng quá cảnh theo đường sông Cửu Long (Sông Tiền) - Sông Mê kông, chủ hàng phía Campuchia mới có thể được sử dụng phương tiện vận tải của nước thứ ba.

Các quy định khác trong Quyết định nói trên vẫn được giữ nguyên./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Văn Triết

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.