• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 22/11/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2019
CHÍNH PHỦ
Số: 158/2007/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nghệ An, ngày 27 tháng 10 năm 2007

NGHỊ ĐỊNH

Quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức

________________________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Điều 43 Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 28 tháng 04 năm 2000; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 04 năm 2003;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định các vị trí công tác trong các lĩnh vực, ngành, nghề phải định kỳ chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước có liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau:

a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các tổ chức hành chính trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

b) Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Kiểm toán Nhà nước; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp; Tòa án quân sự, Viện kiểm sát quân sự các cấp;

c) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

d) Các cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội từ cấp  xã trở lên;

đ) Các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

e) Các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, công ty nhà nước (sau đây gọi chung là doanh nghiệp nhà nước);

g) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang;

h) Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước.

2. Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. "Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác" là việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định điều động, bố trí, phân công lại vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức có thời hạn công tác đủ 36 tháng tại các vị trí trong các lĩnh vực, ngành, nghề quy định tại Điều 8 Nghị định này.

2. ''Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý'' là người được bầu cử hoặc được người có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ có thời hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và được hưởng phụ cấp lãnh đạo.

Điều 4. Nguyên tắc và những hành vi bị cấm trong việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác

1. Nguyên tắc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác:

a) Việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Nghị định này là quy định bắt buộc, thường xuyên, áp dụng đối với tất cả các cán bộ, công chức, viên chức được bố trí vào các vị trí công tác thuộc các lĩnh vực, ngành, nghề quy định tại Điều 8 Nghị định này;

b) Phải khách quan, công tâm, khoa học và hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ; chống biểu hiện bè phái, chủ nghĩa cá nhân; không gây mất đoàn kết và không làm xáo trộn sự ổn định trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

c) Phải đúng nguyên tắc hoán vị, không ảnh hưởng đến tăng, giảm biên chế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị;
d) Phải được tiến hành theo kế hoạch, được công bố công khai trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2. Những hành vi bị cấm trong việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác:

a) Không thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trái với chuyên môn, nghiệp vụ đang làm hoặc đang phụ trách;

b) Nghiêm cấm việc lợi dụng các quy định về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì mục đích vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 5. Nội dung và hình thức thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác

1. Nội dung định kỳ chuyển đổi vị trí công tác: 

a) Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác từ bộ phận này sang bộ phận khác cùng chuyên môn, nghiệp vụ trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý;

b) Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của cơ quan, tổ chức và đơn vị quy định tại khoản 1 Điều 2 nghị định này.

2. Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác chỉ được thực hiện bằng việc ban hành quyết định điều động, bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 6. Những trường hợp chưa thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác    

1. Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật.

2. Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị khởi tố, điều tra hoặc có liên quan đến công việc đang bị thanh tra, kiểm tra.

3. Cán bộ, công chức, viên chức đang điều trị bệnh hiểm nghèo theo quy định của Bộ Y tế, đi học dài hạn hoặc được cử đi biệt phái.

4. Cán bộ, công chức, viên chức nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trường hợp phải nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi (do vợ mất hoặc trường hợp khách quan khác) thì cán bộ, công chức, viên chức nam cũng được áp dụng như cán bộ, công chức nữ quy định tại khoản này.

Chương II

THỜI HẠN VÀ DANH MỤC VỊ TRÍ CÔNG TÁC ĐỊNH KỲ CHUYỂN ĐỔI

Điều 7. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác

Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là 03 năm (đủ 36 tháng) đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Điều 8. Danh mục các vị trí công tác trong các lĩnh vực, ngành, nghề phải định kỳ chuyển đổi

Những vị trí công tác phải thực hiện định kỳ chuyển đổi trong các lĩnh vực, ngành, nghề sau đây:

1. Hoạt động quản lý tài chính, ngân sách, tài sản của Nhà nước;

2. Quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa;

3. Hoạt động hải quan, thuế, kho bạc, dự trữ quốc gia; quản lý và thực hiện nghiệp vụ kế toán, kiểm toán;

4. Quản lý công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quản lý chứng khoán, thị trường chứng khoán;

5. Hoạt động thẩm định, định giá trong đấu giá, hoạt động mua và bán nợ;

6. Cấp phép hoạt động ngân hàng, hoạt động ngoại hối; thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng; quản lý và thực hiện nghiệp vụ tín dụng tại các tổ chức tín dụng nhà nước; thẩm định và cho vay tín dụng;

7. Quản lý việc bán, khoán, cho thuê đất, tài sản trên đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà;

8. Hoạt động quản lý, điều hành công tác kế hoạch và đầu tư trong các cơ quan nhà nước và trong các doanh nghiệp nhà nước;

9. Quản lý hoạt động đối ngoại, lãnh sự;

10. Hoạt động quản lý và cấp phát các loại: giấy đăng ký, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, giấy chứng nhận, giấy phép, cấp phiếu lý lịch tư pháp; công chứng viên, chấp hành viên thi hành án dân sự;

11. Quản lý xây dựng cơ bản, giải tỏa, áp giá đền bù trong giải phóng mặt bằng và quản lý dự án;

12. Quản lý, cấp phát các loại văn bằng, chứng chỉ;

13. Quản lý, cấp phát đăng ký các loại phương tiện, bằng lái xe;

14. Quản lý, đăng kiểm các loại phương tiện vận tải;

15. Hoạt động quản lý thị trường, kiểm lâm;

16. Các hoạt động thanh tra;

17. Cán bộ, công chức, viên chức làm công tác phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức và đơn vị quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này;

18. Cảnh sát giao thông; cảnh sát tư pháp; cảnh sát quản lý trại giam; cảnh sát hộ khẩu; cảnh sát điều tra; cảnh sát kinh tế; cảnh sát khu vực; cảnh sát trật tự hành chính; cảnh sát đăng ký, quản lý vũ khí, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và con dấu; cảnh sát đăng ký và quản lý hộ khẩu; cảnh sát hướng dẫn và kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy; cảnh sát làm công tác hậu cần; an ninh kinh tế, an ninh điều tra, quản lý xuất cảnh, nhập cảnh và cán bộ làm công tác trinh sát trong các cơ quan điều tra thuộc lực lượng Công an nhân dân;

19. Cán bộ, nhân viên làm công tác hậu cần, kỹ thuật, đầu tư, kinh tế trong Quân đội nhân dân;

20. Công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp; hoạt động công tố của viện kiểm sát nhân dân, viện kiểm sát quân sự các cấp; hoạt động xét xử của tòa án nhân dân, tòa án quân sự các cấp;

21. Công tác tuyển dụng, đào tạo, thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, viên chức; công tác nhân sự và quản lý nhân lực.

Điều 9. Quy định chi tiết danh mục

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định này ban hành văn bản quy định cụ thể danh mục các vị trí công tác phải thực hiện định kỳ chuyển đổi trong các lĩnh vực, ngành, nghề quy định tại Điều 8 Nghị định này thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan và gửi đến Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chương III

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN VIỆC ĐỊNH KỲ CHUYỂN ĐỔI VỊ TRÍ CÔNG TÁC

Điều 10. Thời điểm ban hành quyết định chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ và tiến hành bàn giao công việc

1. Việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng chuyển đổi được thực hiện bằng hình thức quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này và thông báo công khai cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng chuyển đổi biết trước 30 ngày khi bắt đầu chuyển đổi vị trí công tác.

2. Cấp được giao thẩm quyền quyết định chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ có trách nhiệm tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức bàn giao công việc cho cán bộ, công chức, viên chức khác trong thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày làm việc trước khi bắt đầu được chuyển đổi vị trí công tác.

Điều 11. Trường hợp đặc biệt

1. Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ do cơ quan có thẩm quyền quản lý cấp trên trực tiếp quyết định.

2. Không thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ đối với cán bộ, công chức, viên chức có thời gian công tác còn lại dưới 18 tháng trước khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Điều 12. Trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này có trách nhiệm thực hiện quy định tại Điều 9 Nghị định này; đồng thời quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc; đảm bảo công khai các quy định và kế hoạch thực hiện với tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

2. Hàng năm, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ trong hệ thống các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.  

Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị

1. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được phân cấp quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chịu trách nhiệm thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Nghị định này.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra, thanh tra và báo cáo cấp trên trực tiếp việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo thẩm quyền quản lý được phân cấp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 14. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác

Cán bộ, công chức, viên chức phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc của người có thẩm quyền.

Điều 15. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo tình hình và kết quả thực hiện hàng năm về việc thực hiện Nghị định này đến Bộ Nội vụ trước ngày 01 tháng 12 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 16. Xử lý vi phạm

Trường hợp vi phạm các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Hiệu lực, hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ đăng Công báo.

2. Cán bộ, công chức, viên chức công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này đã có thời gian công tác trên 36 tháng tại vị trí công tác trong lĩnh vực, ngành, nghề quy định tại Điều 8 Nghị định này thì việc định kỳ chuyển đổi được tiến hành bắt đầu từ ngày 01 tháng 4 năm 2008.

3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện và vào tháng 12 hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Nghị định này.

4. Cơ quan có thẩm quyền của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Nghị định này đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Điều 18. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức và viên chức chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.