• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/08/1987
  • Ngày hết hiệu lực: 27/11/1997
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 121-HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nghệ An, ngày 15 tháng 8 năm 1987

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ BƯU CHÍNH VÀ VIỄN THÔNG

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Ban hành kèm theo Nghị định này bản Điều lệ Bưu chính và viễn thông.

Điều lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày công bố.

Điều 2.- Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

ĐIỀU LỆ

BƯU CHÍNH VÀ VIỄN THÔNG

(Ban hành kèm theo Nghị định số 121-HĐBT ngày 15-8-1987

của Hội đồng Bộ trưởng).

 

LỜI MỞ ĐẦU

Bưu chính và viễn thông là một bộ phận trong kết cấu hạ tầng của nền kinh tế xã hội. Để không ngừng tăng cường quản lý của Nhà nước đối với công tác bưu chính và viễn thông, tạo điều kiện cho ngành Bưu điện hoàn thành tốt chức năng quản lý và kinh doanh các nghiệp vụ bưu chính và viễn thông đồng thời bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng bưu điện. Điều lệ này quy định nội dung quản lý nghiệp vụ bưu chính và viễn thông.

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Mạng lưới bưu chính và viễn thông quốc gia là mạng lưới thông tin liên lạc tập trung thống nhất trong cả nước, do Nhà nước độc quyền tổ chức và giao cho ngành Bưu điện quản lý, khai thác để phục vụ nhu cầu truyền tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp, các lực lượng vũ trang, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân (dưới đây gọi tắt là người sử dụng bưu điện) theo phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa và chế độ hạch toán kinh tế.

Điều 2.- Ngành Bưu điện có nhiệm vụ:

a) Tổ chức kinh doanh các nghiệp vụ bưu chính, viễn thông ở trong nước và với nước ngoài.

b) Quản lý Nhà nước các mạng lưới bưu chính và viễn thông chuyên dùng theo quy định của Điều lệ này,

c) Ban hành các thể lệ, quy chế quản lý nghiệp vụ bưu chính, viễn thông trong nước; thực hiện các công ước, hiệp định, thể lệ bưu chính, viễn thông quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia hoặc thừa nhận.

Điều 3

1. Bí mật và an toàn thư tín, điện báo, điện thoại được bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trừ những trường hợp đặc biệt do Nhà nước quy định, cấm các cơ quan, tổ chức và cá nhân chiếm đoạt, huỷ bỏ, bóc xem, tráo đổi nội dung bưu phẩm, bưu kiện, phiếu chuyển tiền, điện báo của người khác; thu hoặc nghe trộm điện báo, điện thoại; tiết lộ tên, địa chỉ người sử dụng bưu điện.

Bưu phẩm, bưu kiện, điện báo, điện thoại không được chứa đựng vật phẩm, tin tức vi phạm pháp luật của Nhà nước hoặc đạo đức xã hội chủ nghĩa.

2. Mạng lưới bưu chính, viễn thông quốc gia và các cơ sở bưu điện phải được bảo vệ, không ai được xâm phạm.

Điều 4.- Mạng lưới bưu chính, viễn thông quốc gia phải hoạt động liên tục suốt ngày đêm với chất lượng tốt, kể cả ngày lễ và ngày nghỉ.

Các ngành Điện lực, Giao thông vận tải, Hải quan và các ngành có liên quan khác có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để mạng lưới bưu chính, viễn thông quốc gia hoạt động liên tục.

Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quy định và công bố việc mở, đóng các cơ sở bưu điện, các nghiệp vụ bưu chính, viễn thông. Căn cứ vào quy định này, các cơ sở bưu điện phải niêm yết giờ mở cửa để giao dịch với người sử dụng bưu điện.

CHƯƠNG II

CÁC NGHIỆP VỤ BƯU CHÍNH VÀ VIỄN THÔNG

MỤC I. CÁC NGHIỆP VỤ BƯU CHÍNH

TIẾT 1. BƯU PHẨM, BƯU KIỆN

Điều 5.- Từ lúc bưu điện nhận vào đến lúc trả cho người có quyền nhận bưu phẩm, bưu kiện thuộc quyền sở hữu của người gửi và được bảo vệ, xử lý như đối với tài sản xã hội chủ nghĩa, trừ những trường hợp bị giữ lại theo quy định của pháp luật.

Điều 6

1. Cấm gửi trong bưu phẩm, bưu kiện:

a) Giử đi trong nước vật phẩm, hàng hoá Nhà nước cấm lưu thông; vật hoặc chất gây nguy hiểm hoặc làm mất vệ sinh.

b) Gửi đi nước ngoài và từ nước ngoài đến Việt Nam vật phẩm, hàng hoá mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc nước nhận cấm xuất nhập khẩu; vật hoặc chất gây nguy hiểm hoặc làm mất vệ sinh.

2. Được gửi có điều kiện trong bưu phẩm, bưu kiện vật phẩm, hàng hoá bị hạn chế về số lượng, khối lượng hoặc phải có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

3. Các cơ sở bưu điện có nhiệm vụ niêm yết danh mục những vật phẩm, hàng hoá cấm gửi và gửi có điều kiện tại nơi giao dịch, hướng dẫn người sử dụng bưu điện thực hiện đúng thể lệ về gói bọc, kích thước, khối lượng, cách ghi địa chỉ và cước phí đối với từng loại bưu phẩm, bưu kiện.

Điều 7.- Mọi bưu phẩm đựng vật phẩm, hàng hoá và bưu kiện xuất nhập khẩu phải qua thủ tục hải quan và các thủ tục khác theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng.

Ngành Hải quan và các ngành khác có liên quan phải cùng với ngành Bưu điện tổ chức làm thủ tục xuất, nhập khẩu bưu phẩm, bưu kiện thuận tiện, bảo đảm thời gian hoạt động của bưu điện.

Điều 8

1. Bưu phẩm, bưu kiện được trả trực tiếp tại địa chỉ người nhận hoặc tại cơ sở bưu điện.

2. Bưu phẩm, bưu kiện gửi các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và bưu phẩm thường giử cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang được trả cho nhân viên do cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang uỷ quyền nhận.

Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện cùng với các Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ quyết định chi tiết việc trả bưu phẩm, bưu kiện trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang.

Điều 9.- Bưu phẩm, bưu kiện bị mất địa chỉ trong quá trình vận chuyển hoặc địa chỉ không đầy đủ thì sau khi tìm nọi biện pháp kể cả niêm yết tại nơi giao dịch mà bưu điện không trả được cho người nhận hoặc người có quyền nhận và cũng không trả lại được cho người gửi thì sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày gửi được coi là vô thừa nhận.

Những bưu phẩm, bưu kiện bị mất hết địa chỉ và bưu phẩm, bưu kiện bị hư hỏng nội dung thì không áp dụng thời hạn nói trên.

Điều 10.

1. cấp tỉnh và đơn vị hành chính tương đương thành lập Hội đồng xử lý bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận gồm đại diện các ngành Bưu điện, Tài chính, Thương nghiệp, Hải quan (đối với bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận ngoài nước) và có thể thêm các ngành có liên quan khác nếu thấy cần thiết do đại diện ngành Bưu điện làm Chủ tịch. Hội đồng có nhiệm vụ mở, kiểm kê và xử lý toàn bộ nội dung bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận.

Riêng thư vô thừa nhận giao cho ngành Bưu điện xử lý.

2. Nội dung xử lý bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận quy định như sau:

a) Những ấn phẩm, giấy tờ hoặc vật phẩm cần để nghiên cứu hoặc lưu trữ được giao cho các cơ quan, tổ chức có liên quan.

b) Những giấy tờ khác được lưu giữ tại bưu điện trong một thời gian nhất định, sau đó được tiêu huỷ.

c) Hàng hoá được định giá và bán cho cơ quan thương nghiệp. Số tiền bán được gửi vào tài khoản tạm gửi của bưu điện tại Ngân hàng sau khi khấu trừ những chi phí lưu thông hợp lý. Trong thời gian 6 tháng kể từ ngày gửi vào tài khoản nếu có chứng cứ đầy đủ, người có quyền nhận bưu phẩm, bưu kiện được nhận lại số tiền đã bán hàng. Quá thời hạn trên, tiền bán hàng được nộp vào ngân sách Nhà nước.

d) Những vật phẩm, hàng hoá bị hư hỏng hoàn toàn được phép tiêu huỷ.

3. Việc mở và xử lý bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận của Hội đồng xử lý phải được lập thành biên bản.

TIẾT 2. NGÂN VỤ

Điều 11.- Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quy định các nghiệp vụ ngân vụ sau khi có sự thoả thuận với thủ trưởng các ngành liên quan và cùng với Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc mở tài khoản thanh toán, mức lãi suất tiền gửi, chế độ nộp tiền vào tài khoản và chế độ cấp tiền mặt cho các cơ sở bưu điện để bảo đảm việc trả tiền được nhanh chóng và thuận lợi.

Điều 12.- Từ lúc bưu điện nhận vào đến lúc trả cho người có quyền nhận, số tiền gửi thuộc quyền sở hữu của người gửi và được bảo vệ, xử lý như đối với tài sản xã hội chủ nghĩa, trừ những trường hợp bị giữ lại theo quy định của pháp luật.

Điều 13.- Tiền được trả trực tiếp tại địa chỉ người nhận hoặc tại cơ sở bưu điện.

Tiền gửi cho cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang được trả cho nhân viên do cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang uỷ quyền nhận.

Điều 14.- Phiếu chuyển tiền có địa chỉ không đầy đủ thì sau khi tìm mọi biện pháp, kể cả niên yết tại nơi giao dịch mà bưu điện không trả được tiền cho người nhận hoặc người có quyền nhận và cũng không trả lại được cho người giử thì sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày giử được coi là vô thừa nhận. Số tiền vô thừa nhận được giử vào tài khoản tạm gửi của bưu điện tại Ngân hàng. Trong thời gian 6 tháng kể từ ngày gửi vào tài khoản, nếu có chứng cứ đầy đủ, người có quyền nhận được nhận lại số tiền đã gửi. Quá thời hạn trên, số tiền vô thừa nhận được nộp vào ngân sách Nhà nước.

TIẾT 3. TEM BƯU CHÍNH

Điều 15.- Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện tổ chức và chỉ đạo việc vẽ, in, phát hành và quản lý tem bưu chính để bán cho người gửi bưu phẩm trả cước phí và để phục vụ nhu cầu chơi tem.

Ngành Bưu điện tổ chức việc kinh doanh tem chơi ở trong nước và với nước ngoài; tổ chức và quản lý các đại lý bán tem bưu chính.

Điều 16

1. Tem bưu chính chỉ có giá trị sử dụng sau khi đã được Tổng cục Bưu điện thông báo phát hành.

2. Giá bán tem bưu chính để trả cước phí bưu phẩm là giá in trên con tem.

Trường hợp cần thu thêm tiền để ủng hộ một quỹ xã hội vì lý do nhân đạo, phải được phép của Hội đồng Bộ trưởng và phải phát hành loại tem bưu chính có in thêm số tiền phụ thu.

3. Giá bán tem bưu chính dùng làm tem chơi do Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quy định.

Điều 17.- Nếu phát hiện những trường hợp sản xuất, lưu hành sử dụng tem bưu chính giả, cơ sở bưu điện có nhiệm vụ giữ lại tang vật và giao cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra và xử lý.

Những bưu phẩm gửi đi dán tem bưu chính đã dùng rồi thì bưu điện trả lại và phạt người gửi một số tiền bằng 10 lần số tiền in trên những con tem đã dùng rồi.

MỤC II. VẬN CHUYỂN BƯU PHẨM, BƯU KIỆN, BÁO CHÍ

Điều 18

1. Ngành vận tải có trách nhiệm ưu tiên vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện, báo chí (dưới đây gọi tắt là vận chuyển thư báo) đúng khối lượng, thời gian, hành trình theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và hợp đồng kinh tế với ngành Bưu điện.

Cước vận chuyển thư báo được tính ở mức cước hàng hoá hạ nhất.

2. Ngành Bưu điện được tổ chức lực lượng vận tải chuyên dùng để vận chuyển thư báo trên các đường không có các phương tiện vận tải công cộng, hoặc có nhưng không đáp ứng được yêu cầu và để dự phòng những trường hợp đột xuất.

Phương tiện vận chuyển thư báo chuyên dùng của ngành Bưu điện được sơn mầu thống nhất và in phù hiệu bưu điện.

Điều 19.- 1. Trên các phương tiện vận tải công cộng, các túi gói thư báo được để trong toa riêng, buồng riêng. Trong trường hợp chưa có toa, buồng riêng, cơ quan quản lý vận tải phải bố trí chỗ để thư báo an toàn, cách biệt với hành khách và hàng hoá.

2. Ngành đường sắt đảm nhiệm việc đóng mới và sửa chữa các toa xe chuyên dùng chở thư báo (Toa bưu chính) theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và hợp đồng kinh tế ngành Bưu điện.

3. Toa xe, ô-tô, tầu, thuyền vận chuyển thư báo phải có biển hoặc cờ báo hiệu riêng.

Điều 20.- Các chủ phương tiện vận tải hành khách hoặc hàng hoá xuất phát từ Việt Nam hoặc quá cảnh Việt Nam đến các nước có quan hệ bưu chính với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải vận chuyển thư báo của bưu điện Việt Nam theo chỉ định của cơ quan quản lý vận tải.

Điều 21.- Các cơ quan quản lý vận tải và chủ phương tiện vận tải có trách nhiệm bảo đảm an toàn các túi gói thư báo trong quá trình vận chuyển.

Trường hợp phương tiện vận chuyển thư báo bị tai nạn hoặc hư hỏng trên đường, chủ phương tiện vận tải có nhiệm vụ tổ chức việc bảo vệ và lưu thoát nhanh các túi gói thư báo. Uỷ ban Nhân dân sở tại phải tạo điều kiện để bảo vệ các túi gói thư báo đó.

Điều 22.- Phương tiện vận chuyển thư báo được:

a) Đi, đến chỗ tại các cơ sở bưu điện để giao nhận các túi gói thư báo.

b) Ưu tiên qua phà hoặc những đoạn đường có trở ngại về giao thông.

c) Kiểm soát trước, nếu có trường hợp kiểm soát các phương tiện vận tải trên đường.

Điều 23.- Nhân viên bưu điện chuyển công văn hoả tốc được quyền mua vé đi ngay trong chuyến gần nhất trên bất kỳ phương tiện vận tải hành khách công cộng nào.

Điều 24.- Để bảo đảm nhanh chóng, bí mật và an toàn bưu phẩm, bưu kiện, nghiêm cấm việc mở để khám xét các túi gói thư báo trên đường vận chuyển, trừ trường hợp đặc biệt khẩn cấp về an ninh quốc gia do Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quy định riêng.

Cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân mang thư ra nước ngoài và mang thư từ nước ngoài vào Việt Nam, trừ các quy định tại điều 40 Điều lệ này.

MỤC III. CÁC NGHIỆP VỤ VIỄN THÔNG

Điều 25.- Việc sử dụng điện báo, điện thoại quy định như sau:

a) Cấp uỷ Đảng và Uỷ ban Nhân dân xã, phường, các cơ quan tổ chức từ cấp huyện tương đương trở lên, các cơ quan Đại sứ, lãnh sự, đại diện Chính phủ nước ngoài và đại diện các tổ chức quốc tế, được hưởng quy chế ngoại giao tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được dùng điện báo, điện thoại công.

b) Cá nhân và các tổ chức tập thể được dùng điện báo, điện thoại tư.

c) Việc liên lạc điện báo, điện thoại với nước ngoài được áp dụng theo các công ước và thể lệ điện báo, điện thoại quốc tế.

Điều 26.- 1. Chỉ có những đối tượng được dùng điện báo công mới được dùng điện báo mật.

2. Điện báo công có nội dung bí mật Nhà nước phải viết bằng tiếng mật.

Điều 27.- 1. Điện báo được gửi tại các cơ sở bưu điện có mở nghiệp vụ điện báo. Riêng cơ quan, tổ chức có thể giử điện báo công bằng máy điện thoại, máy điện báo thuê riêng (Telex).

2. Điện báo được phát trực tiếp tại địa chỉ người nhận trong khu vực phát điện báo. Điện báo gửi cho cơ quan, tổ chức có thể được phát qua máy điện thoại, telex.

Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quy định khu vực phát điện báo, các thể thức giử và phát điện báo.

3. Điện báo gửi cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang được phát cho nhân viên do cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang uỷ quyền nhận.

Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện cùng với các Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ quy định chi tiết việc phát điện báo trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang.

Điều 28.- Điện báo không phát được cho người nhận, bưu điện phải báo cho người gửi biết lý do và giữ trong thời hạn 42 ngày kể từ ngày gửi.

Điều 29.-

1. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có máy điện thoại, telex được sử dụng máy của mình để liên lạc với một máy bất kỳ ở trong nước hay ở ngoài nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện.

2. Ngành Bưu điện có nhiệm vụ phục vụ suốt ngày đêm đối với mọi cuộc điện thoại, telex, kể cả ngày lễ và ngày nghỉ.

Sau khi nhận đăng ký nói chuyện điện thoại đường dài, telex, nếu thời gian chờ đợi theo quy định đã hết mà chưa phục vụ được, bưu điện phải báo cho người đăng ký biết lý do.

Điều 30.- Trong trường hợp phải phục vụ ngay các cuộc điện thoại, telex về thiên tai, địch hoạ, cứu thương, cứu hoả, dịch tễ hoặc những trường hợp đặc biệt khẩn cấp khác, bưu điện được tạm dừng các cuộc đang phục vụ để tiếp thông cho các cuộc ưu tiên trên, nhưng phải báo trước cho người đang sử dụng biết.

Tổng cục Tổng cục Bưu điện quy định những trường hợp ưu tiên được phục vụ ngay và thể thức tạm dừng các cuộc điện thoại, telex.

MỤC IV. QUẢN LÝ TẦN SỐ VÀ MÁY PHÁT VÔ TUYẾN ĐIỆN

Điều 31.- Tần số vô tuyến điện là tài nguyên của quốc gia phải được khai thác và sử dụng hợp lý.

Việc phân bổ tần số trong cả nước và quy định những biện pháp chống gây nhiễu giữa các mạng lưới viễn thông do Uỷ ban chuyên trách của Nhà nước phụ trách. Uỷ ban này gồm đại diện các ngành có liên quan do ngành Bưu điện làm thường trực.

Điều 32.- 1. Các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài đóng tại Việt Nam (trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ có quy định riêng) muốn lắp đặt sử dụng, dự trữ các loại máy phát vô tuyến điện và sử dụng tần số vô tuyến điện thuộc các nghiệp vụ cố định, lưu động, phát thanh, truyền hình, hàng không, hàng hải, đạo hàng, định vị, phát chuẩn và các cơ quan, tổ chức, tư nhân sử dụng các máy dùng trong các lĩnh vực khác có đèn công suất cao tần phải xin phép ngành Bưu điện và chỉ được lắp đặt, sử dụng, dự trữ khi có giấy phép.

Khi cần thay đổi băng tần số, công suất hoặc di chuyển, thanh lý các thiết bị kể trên, phải xin phép ngành Bưu điện.

2. Chỉ những cơ quan, tổ chức được ngành Bưu điện cấp giấy phép mới được sản xuất, sửa chữa các loại máy phát vô tuyến điện.

Việc mua, bán, xuất, nhập khẩu các loại máy phát vô tuyến điện và các loại đèn công suất dùng cho máy phát vô tuyến điện do ngành Bưu điện quản lý và cung ứng.

Điều 33.- Nghiệp vụ vô tuyến điện nghiệp dư được quy định trong một văn bản riêng của Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 34. - Nghiêm cấm:

a) Sử dụng máy phát vô tuyến điện không có giấy phép hoặc không đúng quy định trong giấy phép.

b) Gây nhiễu hoặc sử dụng sai mục đích các tần số cấp cứu quốc tế thuộc các nghiệp vụ hàng không, hàng hải.

c) Tư nhân sử dụng, sửa chữa, tàng trữ, mua bán, vận chuyển các loại máy phát vô tuyến điện và đèn công suất dùng cho máy phát vô tuyến điện.

Điều 35.- Các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, phái đoàn nước ngoài tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam muốn xuất, nhập khẩu các loại máy phát vô tuyến điện đèn công suất dùng cho máy phát vô tuyến điện và các thiết bị viễn thông khác phải được phép của bưu điện Việt Nam trước khi làm các thủ tục khác và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát về kỹ thuật của bưu điện Việt Nam.

Điều 36.- Các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài đóng tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được cấp giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện, khi hết hạn sử dụng hoặc muốn ngừng sử dụng từ 30 ngày trở lên phải báo cho cơ sở bưu điện đã cấp giấy phép. Nếu muốn sử dụng tiếp phải làm thủ tục đăng ký lại hoặc xin gia hạn.

Điều 37.- Các loại máy phát vô tuyến điện đặt trên các tầu biển, máy bay nước ngoài phải ngừng hoạt động khi tầu biển đến phao số không (0), máy bay đậu xuống sân bay của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mọi liên lạc viễn thông với bất cứ nơi nào đều phải qua hệ thống viễn thông của bưu điện Việt Nam.

Điều 38.- Các tầu biển, máy bay Việt Nam và nước ngoài ra, vào, trú đậu trên các cảng, sân bay hoặc đi qua không phận, hải phận của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tuân theo pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các công ước, thể lệ truyền tin vô tuyến điện quốc tế.

Tầu biển, máy nay ra, vào, trú đậu tại các cảng, sân bay của Việt Nam phải chịu sự kiểm tra của bưu điện Việt Nam về tần số, giấy phép sử dụng đài vô tuyến điện và chứng chỉ vô tuyến điện viên. Khi tầu biển rời cảng, máy bay rời sân bay, phải có chứng nhận an toàn thiết bị vô tuyến điện của bưu điện Việt Nam.

Tầu biển, máy bay đi qua hải phận, không phận của Việt Nam phải chịu sự giám sát về việc sử dụng tần số của bưu điện Việt Nam.

MỤC V. THUÊ KÊNH VÀ CÁC THIẾT BỊ VIỄN THÔNG

Điều 39.- Việc cho thuê kênh và các loại tổng đài, máy điện báo, điện thoại, thu phát vô tuyến điện, đường dây, cáp và các thiết bị viễn thông khác quy định như sau:

a) Chỉ có ngành Bưu điện được phép cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuê kênh và các loại thiết bị viễn thông.

b) Việc cho thuê kênh và các loại thiết bị viễn thông phải thông qua hợp đồng kinh tế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quy định các thể thức cho thuê kênh và các loại thiết bị viễn thông.

CHƯƠNG III

MẠNG LƯỚI BƯU CHÍNH VÀ VIỄN THÔNG CHUYÊN DÙNG

Điều 40.- Các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức mạng lưới bưu chính từ Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ được tổ chức mạng lưới bưu chính chuyên dùng trong nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài được vận chuyển túi thư ngoại giao theo các công ước và hiệp định quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia hoặc thừa nhận.

Điều 41.- Ngoài Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ được thiết lập mạng lưới viễn thông chuyên dùng trong nước và Bộ Ngoại giao được thiết lập mạng lưới viễn thông chuyên dùng để liên lạc với các cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, các ngành, cơ quan, tổ chức khác muốn thiết lập mạng lưới viễn thông chuyên dùng để điều độ, chỉ huy sản xuất kinh doanh trong ngành phải xin phép ngành Bưu điện.

Điều 42.- Các ngành, cơ quan, tổ chức được xây dựng mạng lưới viễn thông chuyên dùng phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

1. Không được sử dụng mạng lưới viễn thông chuyên dùng của mình để phục vụ ngành, cơ quan, tổ chức khác hoặc cá nhân dù có mục đích kinh doanh hay không .

2. Chấp hành đúng các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ và sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát của ngành Bưu điện.

3. Muốn đấu nối với mạng lưới viễn thông quốc gia, phải được phép của ngành Bưu điện và phải thực hiện các quy định của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện.

4. Cán bộ, công nhân kỹ huật, nhân viên nghiệp vụ của mạng lưới viễn thông chuyên dùng phải có đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất và được đào tạo bồi dưỡng tiêu chuẩn chuyên môn của từng chức danh công nhân, viên chức. Riêng vô tuyến điện viên làm việc trên các máy bay, tầu biển phải có chứng chỉ Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện cấp.

Điều 43.- Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện cùng với các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ. Bộ Ngoại giao quy định phạm vi sử dụng mạng lưới bưu chính, viễn thông chuyên dùng của Bộ, việc đấu nối với mạng lưới bưu chính viễn thông quốc gia; cùng với Bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp quy định việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân kỹ thuật, nghiệp vụ của các mạng lưới viễn thông chuyên dùng.

Điều 44.- Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch Nhà nước, ngành Bưu điện thống nhất quản lý, cung ứng các loại vật tư viễn thông chuyên dùng cho các mạng lưới viễn thông theo danh mục được Hội đồng Bộ trưởng giao.

CHƯƠNG IV

XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG

Điều 45.-

1. Việc xây dựng các công trình bưu chính viễn thông (kể cả các công trình thuộc mạng lưới quốc gia và các mạng lưới chuyên dùng) quy định như sau:

a) Cơ quan chủ công trình được quyền sử dụng không gian, mặt đất, mặt nước, lòng đất cả đáy biển và đáy sông vào việc xây dựng các công trình bưu chính, viễn thông sau khi được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

b) Các công trình bưu chính viễn thông phải được thiết kế xây dựng, lắp đặt theo đúng các quy trình quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật do Nhà nước hoặc Tổng cục trưởng tổng cục Bưu điện ban hành.

Ngành Bưu điện có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện và được quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ việc xây dựng, lắp đặt nếu vi phạm các quy định kỹ thuật kể trên.

c) Các cơ quan, tổ chức và cá nhân khi xây dựng hoặc xửa chữa công trình của mình không được làm ảnh hưởng tới các công trình bưu chính viễn thông đã xây dựng, không được gây nhiễu đến các thiết bị, mạng lưới viễn thông.

Tổng cục trưởng tổng cục Bưu điện cùng với Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và thủ trưởng các ngành có liên quan quy định việc chống nhiễu để không làm ảnh hưởng đến hoạt động của thiết bị và mạng lưới viễn thông.

2. Trong trường hợp đặc biệt, nếu cần phải đình chỉ việc xây dựng, sửa chữa hoặc phải dịch chuyển các công trình khác, cơ quan chủ công trình hai bên căn cứ vào pháp luật của Nhà nước để thương lượng giải quyết. Nếu không giải quyết được thì báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên để xem xét và quyết định.

Mọi phí tổn do bên gây ra thiệt hại trả.

Điều 46. - Ngành Bưu điện đặt các cơ sở bưu điện tại các nhà ga, sân bay, bến xe, bến cảng, khu dân cư và các đầu mối giao thông khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng bưu điện và giao nhận các túi gói thư báo trong nước và với nước ngoài.

Vị trí xây dựng các cơ sở bưu điện và các công trình có liên quan ở những nơi kể trên phải bảo đảm thuận tiện cho việc phục vụ của bưu điện và kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Việc thiết kế và xây dựng các cơ sở bưu điện tại các đầu mối giao thông nói trên do chủ công trình nơi đó phụ trách có sự tham gia của ngành Bưu điện. Kinh phí xây dựng và trang bị do ngành Bưu điện trả.

Điều 47.- Ngành Bưu điện được xây dựng các cơ sở bưu điện, các hệ thống đường dây, cáp nổi hoặc chìm đặt trong nhà và ngoài đường, các hệ thống anten, các buồng điện thoại công cộng, các thùng thư bưu chính và các công trình khác thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông tại các đô thị, khu nhà ở khu công nghiệp, các cầu lớn các công trình công cộng dân dụng và ở những nơi khác cần thiết cho việc phục vụ của bưu điện

Ngành bưu điện có nhiệm vụ lấy ý kiến của các ngành có liên quan tham gia góp ý kiến vào việc thiết kế quy hoạch và thiết kế xây dựng ở những nơi kể trên để việc xây dựng các công trình bưu chính, viễn thông được hợp lý và tiết kiệm đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc, phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng.

CHƯƠNG V

THANH TOÁN CƯỚC PHÍ BƯU CHÍNH VÀ VIỄN THÔNG

Điều 48. -

1. Mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân sử dụng bưu điện đều phải trả cước phí.

Cước phú bưu chính và viễn thông có thể trả ngay hoặc ghi nợ.

2. Cước phí bưu chính và viễn thông áp dụng thống nhất trong cả nước, do Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện tổ chức thực hiện. Các cơ sở bưu điện phải niêm yết cước phí bưu chính và viễn thông ở nơi giao dịch.

Điều 49.- Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quy định thể thức trả cước bằng tiền hoặc bằng tem bưu chính và quy định những trường hợp đặc biệt được miễn giảm cước phí.

Điều 50.- Nếu do lỗi của bưu điện gây nên mất, hư hỏng, chậm trễ bưu phẩm ghi số, bưu kiện, bưu phẩm, bưu kiện khai giá, phiếu chuyển tiền, điện báo, điện thoại hoặc để kênh và các loại thiết bị viễn thông cho thuê bị hư hỏng không hoạt động được thì cơ sỏ bưu điện phạm lỗi không được thu cước hoặc phải hoàn lại cước đã thu và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Điều lệ này.

Điều 51.- Các cơ sở bưu điện được thực hiện phương thức "Nhờ thu không chờ chấp nhận" trong việc thanh toán các khoản cước phí nợ bưu điện với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có tài khoản ở Ngân hàng. Sau khi thanh toán, nếu có những khiếu nại về cước phí, cơ sở bưu điện thu cước phải cùng với chủ nợ xác nhận và giải quyết theo các hợp đồng kinh tế và bản kê nợ của bưu điện.

CHƯƠNG VI

KHIẾU NẠI VÀ BỒI THƯỜNG BƯU CHÍNH VÀ VIỄN THÔNG

MỤC I. KHIẾU NẠI

Điều 52.- Người sử dụng bưu điện có quyền khiếu nại bằng lời hoặc thư về những sai sót trong việc phục vụ các nghiệp vụ bưu chính và viễn thông tại bất kỳ cơ sở bưu điện nào và phải chịu trách nhiệm về nội dung khiếu nại của mình. Khi khiếu nại, phải cung cấp cho bưu điện những giấy tờ, chứng cứ có liên quan đến việc khiếu nại.

Trong trường hợp cơ sở bưu điện đã giải quyết những người khiếu nại thấy chưa thoả đáng thì có thể khiếu nại tiếp tới cơ quan quản lý bưu điện cấp trên của cơ sở bưu điện ấy.

Điều 53.- Thời hạn khiếu nại như sau:

a) Đối với các nghiệp vụ bưu chính trong nước, thời hạn khiếu nại là 12 tháng kể từ ngày gửi.

b) Đối với các nghiệp vụ viễn thông trong nước, thời hạn khiếu nại là 3 tháng kể từ ngày gửi hoặc ngày bưu điện phục vụ.

c) Đối với các nghiệp vụ bưu chính, viễn thông quốc tế, thực hiện theo các thể lệ bưu chính, viễn thông quốc tế.

d) Đối với cước phí, thời hạn khiếu nại là 1 tháng kể từ ngày người sử dụng thanh toán cước phí với bưu điện:

Trừ những trường hợp đặc biệt do Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quy định, mọi khiếu nại đều không được giải quyết sau khi hết hạn.

Điều 54. -

1. Cơ sở bưu điện nhận khiếu nại bằng thư phải báo nhận bằng giấy tới người khiếu nại trong thời hạn 48 giờ kể từ khi nhận khiếu nại.

2. Các khiếu nại phải được điều tra, kết luận và giải quyết xong chậm nhất không quá 3 tháng kể từ ngày nhận khiếu nại đối với các nghiệp vụ bưu chính, viễn thông trong nước và 6 tháng đối với các nghiệp vụ bưu chính, viễn thông quốc tế.

Trong mọi trường hợp, bưu điện phải báo cáo kết quả điều tra và cách giải quyết đến người khiếu nại.

MỤC II

BỒI THƯỜNG

Điều 55.- Trong mọi trường hợp, bưu điện không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nhiệm vụ của mình làm mất hoặc hư hỏng bưu phẩm ghi số, bưu kiện, bưu phẩm bưu kiện khai giá (dưới đây gọi chung là bưu phẩm bưu kiện) thì bưu điện phải bồi thường thiệt hại.

Cơ sở bưu điện phạm lỗi phải trích quỹ xí nghiệp của mình để bồi thường người sử dụng bưu điện và có trách nhiệm tìm ra nhân viên phạm lỗi. Người phạm lỗi bị xử phạt theo quy định tại điều 64 của Điều lệ này.

Điều 56. - Trong mọi trường hợp bồi thường thiệt hại, ngành Bưu điện chỉ bồi thường bằng tiền Việt Nam .

Điều 57.- Ngành bưu điện không bồi thường thiệt hại trong những trường hợp sau đây:

a) Vì thiên tai, địch hoạ hoặc những tình huống bất ngờ khác vượt quá khả năng khắc phục của bưu điện. Trong những trường hợp này, phải có xác nhận của Uỷ ban Nhân dân nơi xảy ra thiệt hại.

b) Bị hư hỏng hoặc trả nhầm do thiếu sót của người sử dụng bưu điện.

c) Người nhận không yêu cầu gì khi nhận bưu phẩm bưu kiện.

d) Bưu phẩm bưu kiện bị cơ quan có thẩm quyền tịch thu hoặc tiêu huỷ.

Ngoài ra, bưu điện không bồi thường những thiệt hại về tinh thần hoặc thiệt hại gián tiếp khác.

Điều 58.- Số tiền bồi thường bưu phẩm bưu kiện được trả cho người gửi, nhưng nếu người gửi yêu cầu thì được trả cho người nhận.

Riêng bưu phẩm bưu kiện bị hư hỏng hoặc mất một phần, nếu được người nhận thoả thuận, bưu điện vẫn trả phần còn lại và bồi thường thiệt hại phần hư hỏng, mất mát cho người nhận.

Điều 59.- 1. Đới với bưu phẩm ghi số, bưu kiện trong nước, bưu điện bồi thường thiệt hại theo loại bưu phẩm và nấc khối lượng. Mức bồi thường từng loại, từng nấc do Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quy định.

2. Đối với bưu phẩm bưu kiện khai giá trong nước, bưu điện bồi thường theo giá đã khai.

3. Ngoài việc bồi thường thiệt hại đối với bưu phẩm, bưu kiện, bưu điện phải bồi thường cả tiền thuế đã nộp (nếu có).

Điều 60.- Đối với bưu phẩm bưu kiện từ Việt Nam giử đi nước ngoài và nước ngoài đến Việt Nam, bưu điện bồi thường thiệt hại theo quy định trong thể lệ bưu chính quốc tế.

Ngoài ra, bưu điện phải bồi thường cả tiền thuế đã nộp tại Việt Nam (nếu có)

Điều 61.- Sau khi đã bồi thường, nếu bưu điện xác minh bưu phẩm bưu kiện đã trả hợp lệ hoặc bị hư hỏng, trả nhầm do thiếu sót của người gửi thì người đã nhận bồi thường phải trả lại số tiền đã nhận cho bưu điện.

CHƯƠNG VII

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT

MỤC I. KHEN THƯỞNG

Điều 62.- Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Điều lệ này và có công giúp đỡ ngành Bưu điện phát hiện các vụ vi phạm thì tuỳ theo mức độ, được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.

MỤC II. XỬ PHẠT

Điều 63.- Người sử dụng bưu điện và các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm Điều lệ này thì tuỳ theo mức độ nhẹ hay nặng mà bị xử phạt như sau:

a) Nếu giữa cơ sở bưu điện và người sử dụng bưu điện có ký kết hợp đồng kinh tế mà một bên hoặc hai bên vi phạm thì cơ quan Trọng tài kinh tế có thẩm quyền xét xử theo quy định về hợp đồng kinh tế.

b) Người sử dụng bưu điện và cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm trong những trường hợp khác thì người vi phạm bị xử phạt hành chính và phải bồi thường thiệt hại.

Số tiền phạt được nộp vào khoản thu ngoài thu cước phí của ngành Bưu điện sau khi trích từ 5 đến 10% để khen thưởng cho người hoặc đơn vị có công phát hiện vi phạm.

Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện cùng với các Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính quy định thẩm quyền xử phạt, thủ tục phạt và những biện pháp thực hiện.

c) Nếu vi phạm nghiêm trọng thì bị truy tố trước Toà án và bị xét xử theo pháp luật của Nhà nước.

Điều 64.- Cán bộ, nhân viên bưu điện lợi dụng chức vụ hoặc trong khi thi hành nhiệm vụ mà vi phạm Điều lệ này thì tuỳ theo mức độ lỗi nhẹ hay nặng mà bị xử phạt theo một hoặc nhiều hình thức sau đây:

- Không xét khen thưởng định kỳ 6 tháng, hàng năm; bị kéo dài thời hạn xét nâng bậc lương.

- Khiển trách.

- Cảnh cáo.

- Hạ bậc lương, hạ chức vụ, cách chức.

- Buộc thôi việc.

- Bồi thường thiệt hại (nếu vi phạm làm thiệt hại tài sản của Nhà nước hoặc của công dân).

- Truy tố trước Toà án.

CHƯƠNG VIII

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 65.- Điều lệ này có hiệu lực bắt buộc thi hành với cơ quan, tổ chức, cán bộ, nhân viên ngành Bưu điện; các cơ quan, tổ chức, cá nhân (kể cả cơ quan, tổ chức, cá nhân là người nước ngoài).

Điều 66.- Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện chịu trách nhiệm theo dõi và kiểm tra việc thi hành Điều lệ này.

 

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.