• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/12/2014
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nghệ An, ngày 15 tháng 10 năm 2014

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô

 và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

______________

 

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải bằng xe ô tô; giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền, các tổ chức có liên quan trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (sau đây gọi chung là đơn vị kinh doanh vận tải) và kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (sau đây gọi chung là đơn vị kinh doanh dịch vụ) trên lãnh thổ Việt Nam.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1

KÊ KHAI GIÁ CƯỚC, NIÊM YẾT GIÁ

 CƯỚC VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ

Điều 3. Kê khai giá cước vận tải bằng xe ô tô

1. Kê khai giá cước vận tải bằng xe ô tô (bao gồm kê khai lần đầu và kê khai lại) là việc đơn vị kinh doanh vận tải lập văn bản kê khai giá và gửi thông báo mức giá cước cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này khi định giá, điều chỉnh giá.

2. Danh mục dịch vụ thực hiện kê khai giá cước vận tải

a) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định;

b) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định;

c) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;

d) Ngoài danh mục dịch vụ kê khai giá cước quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản này, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, trong trường hợp cần thiết, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) bổ sung dịch vụ kinh doanh vận tải (kinh doanh vận tải bằng hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô) thực hiện kê khai giá tại địa phương.

3. Đối tượng thực hiện kê khai giá

a) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo danh sách các đơn vị thực hiện kê khai giá trên địa bàn địa phương.

b) Định kỳ vào ngày 01 tháng 7 hàng năm hoặc theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh danh sách các đơn vị thực hiện kê khai giá. Danh sách được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tài chính và Sở Giao thông vận tải.

c) Đơn vị thuộc diện kê khai giá gửi văn bản kê khai giá đến cơ quan chủ trì tiếp nhận văn bản kê khai giá quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Cơ quan tiếp nhận văn bản kê khai giá

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công cho một trong các cơ quan: Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan chủ trì tiếp nhận văn bản kê khai giá của các đơn vị trên địa bàn tỉnh, đơn vị có trụ sở hoặc chi nhánh hạch toán độc lập trên địa bàn tỉnh.

b) Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải có trụ sở (hoặc trụ sở Chi nhánh) đặt tại hai đầu tuyến đã thực hiện kê khai giá tại một đầu tuyến (tỉnh) theo quy định thì không phải thực hiện kê khai giá nhưng phải gửi cho cơ quan chủ trì tiếp nhận văn bản kê khai giá đầu tuyến còn lại 01 bản phô tô văn bản đã hoàn thành thủ tục kê khai giá của địa phương nơi thực hiện kê khai giá có dấu công văn đến theo quy định.

5. Thời điểm kê khai giá

a) Đơn vị thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền ít nhất 05 (năm) ngày làm việc trước khi thực hiện theo giá kê khai.

b) Kê khai giá lần đầu được thực hiện khi đơn vị bắt đầu tham gia kinh doanh hoặc lần đầu thực hiện kê khai giá theo quy định tại Thông tư này.

c) Kê khai lại giá được thực hiện khi đơn vị điều chỉnh tăng, giảm vượt mức 3% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó do các yếu tố hình thành giá thay đổi. Trường hợp tổng điều chỉnh tăng, giảm giá trong phạm vi 3% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, đơn vị không phải thực hiện kê khai lại, nhưng phải gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh cho cơ quan tiếp nhận văn bản kê khai giá trước khi áp dụng giá mới.

Ví dụ: Ngày 01/6/2013, Doanh nghiệp A đã thực hiện kê khai giá với Sở Tài chính. Đến ngày 01/01/2014, doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá 2%, doanh nghiệp không phải thực hiện kê khai lại giá với Sở Tài chính, nhưng phải gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh cho Sở Tài chính trước khi áp dụng giá mới. Đến ngày 01/6/2014, doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh tăng giá 2,5% so với lần điều chỉnh ngày 01/01/2014; tổng hai lần điều chỉnh là 4,55% (102%*(1+2,5%)) so với mức giá đã kê khai trước liền kề (ngày 1/6/2013), do vậy lần điều chỉnh này doanh nghiệp phải thực hiện kê khai lại giá với Sở Tài chính.

6. Nội dung kê khai giá

a) Vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định: kê khai giá cước trên các tuyến vận tải hành khách cố định của đơn vị (đồng/hành khách hoặc đồng/vé); giá cước vận chuyển hành lý theo xe khách vượt quá quy định (đồng/kg).

b) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định: kê khai giá cước (đồng/lượt hành khách), kê khai giá cước vé tháng áp dụng cho các đối tượng (đồng/vé/tháng) trên các tuyến vận tải xe buýt của đơn vị.

c) Vận tải hành khách bằng xe taxi: kê khai theo hình thức tính giá cước của đơn vị. Cụ thể: giá cước ki lô mét đầu (hoặc giá mở cửa), giá cước của từng cự ly hay ki lô mét tiếp theo; giá cước theo chuyến; giá cước thời gian chờ đợi.

d) Dịch vụ vận tải khác theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu có), bao gồm:

- Vận tải hành khách theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô kê khai theo hình thức tính giá cước của đơn vị. Cụ thể: giá cước theo ngày xe (đồng/ngày), theo giá cước ki lô mét lăn bánh (đồng/km), giá cước thời gian chờ đợi (nếu có) hoặc đơn vị tính cước khác phù hợp với loại hình vận tải.

- Vận tải hàng hóa bằng xe ô tô kê khai theo hình thức tính giá cước của đơn vị. Cụ thể: kê khai giá cước bình quân (đồng/T.km), giá cước vận chuyển container (đồng/cont20’.km; đồng/cont40’.km; đồng/cont20’; đồng/cont40’), giá cước trên một số tuyến vận chuyển chủ yếu của đơn vị theo loại hàng và cự ly vận chuyển (đồng/tấn) hoặc đơn vị tính cước khác phù hợp với loại hình vận tải.

7. Cách thức thực hiện kê khai giá, quy trình tiếp nhận và rà soát văn bản kê khai giá

a) Cách thức thực hiện kê khai giá

Đơn vị thực hiện kê khai giá bằng việc lập văn bản kê khai giá và gửi cho cơ quan chủ trì tiếp nhận 02 văn bản kê khai giá (kèm 01 phong bì có dán tem, ghi rõ tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân, họ tên và số điện thoại của người trực tiếp có trách nhiệm của đơn vị) theo một trong các hình thức: gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường công văn hoặc gửi qua thư điện tử kèm chữ ký điện tử hoặc kèm bản scan văn bản kê khai giá có chữ ký và dấu đỏ theo địa chỉ đã được cơ quan tiếp nhận văn bản thông báo và gọi điện thoại thông báo cho cơ quan tiếp nhận văn bản, đồng thời gửi qua đường công văn văn bản kê khai giá đến cơ quan tiếp nhận.

b) Văn bản kê khai giá thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1 (gồm Phụ lục số 1a và Phụ lục số 1b) của Thông tư này. Trường hợp đơn vị đã ban hành biểu giá cụ thể của đơn vị thì gửi kèm biểu giá nói trên cùng với văn bản kê khai giá. Trường hợp đơn vị có chính sách ưu đãi, giảm giá hay chiết khấu đối với các đối tượng khách hàng thì ghi rõ tên đối tượng khách hàng và mức ưu đãi, giảm giá hay chiết khấu trong văn bản kê khai giá.

c) Quy trình tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá

Thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 4. Niêm yết giá cước vận tải bằng xe ô tô

1. Niêm yết giá cước (giá vé) vận tải bằng xe ô tô là việc đơn vị thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá cước (giá vé) bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng hoặc bằng hình thức phù hợp tại quầy bán vé, ở trong xe và bên ngoài xe để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng. Ngoài việc công khai giá bằng hình thức niêm yết giá, đơn vị phải công khai thông tin giá bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật.

2. Tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện niêm yết giá theo quy định. Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải ký hợp đồng ủy thác cho đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe (hoặc đại lý bán vé) bán vé cho hành khách đi xe của đơn vị mình thì đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe (hoặc đại lý bán vé) phải thực hiện niêm yết giá vé tại bến xe (hoặc đại lý bán vé) và niêm yết tại quầy bán vé của tuyến do bến xe (hoặc đại lý bán vé) nhận ủy thác.

3. Trong các hình thức niêm yết giá cước quy định tại khoản 1 Điều này, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hành khách bằng xe buýt phải thực hiện hình thức niêm yết giá theo mẫu quy định tại Phụ lục số 2 của Thông tư này, cụ thể như sau:

a) Đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định: niêm yết tại quầy bán vé, ở trong xe và bên ngoài xe nơi hành khách dễ quan sát.

b) Đối với vận tải hành khách bằng xe taxi: niêm yết ở mặt ngoài cánh cửa xe và ở trong xe, phía dưới vị trí gắn đồng hồ tính tiền.

c) Đối với vận tải hành khách bằng xe buýt: niêm yết ở mặt ngoài thành xe phía bên trái gần cánh cửa trước và bên trong xe nơi hành khách dễ quan sát.

4. Giá cước niêm yết

a) Đối với giá cước do đơn vị kinh doanh vận tải quy định: các đơn vị thuộc đối tượng kê khai giá thì niêm yết theo mức giá đã kê khai; các đơn vị không thuộc đối tượng kê khai giá thì thực hiện niêm yết giá theo mức giá do đơn vị kinh doanh vận tải quy định bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

b) Đối với giá cước vận tải bằng xe ô tô do Nhà nước quy định, đơn vị kinh doanh vận tải niêm yết đúng mức giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định.

c) Các đơn vị kinh doanh vận tải không được thu cao hơn giá cước niêm yết.

Mục 2

 GIÁ DỊCH VỤ HỖ TRỢ VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ

Điều 5. Danh mục dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

1. Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ bao gồm: dịch vụ tại bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, đại lý vận tải, đại lý bán vé, dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho hàng, dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ.

2. Quy định cụ thể về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 6. Giá dịch vụ tại bến xe ô tô

1. Dịch vụ tại bến xe ô tô

a) Dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô;

b) Dịch vụ cho thuê nơi đỗ xe ô tô qua đêm;

c) Dịch vụ cho thuê mặt bằng kinh doanh trong bến xe;

d) Dịch vụ khác tại bến xe.

2. Dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô

a) Thẩm quyền quy định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào loại bến xe ô tô để quy định khung giá hoặc mức giá cụ thể đối với dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô trên địa bàn.

b) Đơn vị tính giá dịch vụ là đồng/chuyến-xe hoặc đồng/tháng-xe hoặc đồng/lượt xe. Mức giá dịch vụ có phân biệt theo số ghế thiết kế của xe, theo hình thức kinh doanh (xe chạy tuyến cố định có tính đến cự ly tuyến vận chuyển, xe buýt, xe trung chuyển hành khách, xe vận chuyển hàng hoá, xe taxi ra, vào bến xe để đón trả hành khách hoặc bốc, dỡ hàng hoá…).

c) Nguyên tắc, căn cứ xác định giá dịch vụ: căn cứ phương pháp tính giá chung do Bộ Tài chính ban hành và quy định của pháp luật chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ.

d) Trình tự, thủ tục lập phương án giá, thẩm định và ban hành giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô: Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe trên cơ sở phương án giá do doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, khai thác bến xe lập theo quy định tại Phụ lục số 3 (gồm Phụ lục số 3a và Phụ lục số 3b) của Thông tư này. Thời hạn thẩm định phương án giá và thời hạn quyết định giá, điều chỉnh giá thực hiện theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá và các văn bản pháp luật có liên quan.

3. Dịch vụ cho thuê nơi đỗ xe ô tô qua đêm: trường hợp nơi đỗ xe ô tô qua đêm do tổ chức, cá nhân đầu tư hoặc do Nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán thu hồi vốn đầu tư thực hiện theo quy định pháp luật về giá.

Điều 7. Giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

Giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (trừ dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 6 của Thông tư này và các dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh Phí và lệ phí) thực hiện như sau:

1. Đơn vị kinh doanh dịch vụ quy định giá dịch vụ bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường địa phương và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Thực hiện niêm yết giá dịch vụ theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này.

2. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, trong trường hợp cần thiết, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc bổ sung danh mục dịch vụ hỗ trợ vận tải vào danh mục dịch vụ phải thực hiện kê khai giá tại địa bàn địa phương. Việc thực hiện kê khai giá thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 và khoản 7 Điều 3 của Thông tư này.

3. Đối với dịch vụ đại lý bán vé: doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh khai thác bến xe khi thực hiện dịch vụ bán vé cho các đơn vị kinh doanh vận tải được hưởng hoa hồng bán vé theo số lượng vé, phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 8. Niêm yết giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

1. Đối tượng thực hiện niêm yết giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ là tất cả các đơn vị kinh doanh dịch vụ phải thực hiện niêm yết giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do đơn vị cung cấp.

2. Hình thức niêm yết giá dịch vụ: đơn vị kinh doanh dịch vụ thực hiện thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc các hình thức khác phù hợp tại quầy bán vé, nơi giao dịch, đảm bảo thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng. Ngoài công khai giá bằng hình thức niêm yết giá, đơn vị phải công khai thông tin giá cước dịch vụ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức

1. Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Thực hiện và chịu trách nhiệm về quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

b) Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô, giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

c) Định kỳ vào tháng 01 hàng năm hoặc trường hợp đột xuất khi có biến động về giá cước vận tải và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ tại địa phương hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Sở Tài chính tổng hợp mức giá kê khai của các đơn vị thuộc địa phương quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải.

2. Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

a) Chấp hành quy định về giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ tại Thông tư này, quy định của pháp luật về quản lý giá và quy định khác của pháp luật có liên quan.

b) Thực hiện kê khai giá cước vận tải, giá dịch vụ; niêm yết giá theo quy định tại Thông tư này. Chịu trách nhiệm giải trình hoặc kê khai lại giá theo yêu cầu của cơ quan chủ trì tiếp nhận văn bản kê khai giá.

c) Thực hiện cung cấp dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải theo mức giá đã kê khai theo quy định của pháp luật, công bố công khai thông tin về giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và sự phù hợp đối với các mức giá đã kê khai.

d) Cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin có liên quan đến mức giá đã kê khai, niêm yết và mức giá thực hiện cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.

Điều 10. Kiểm tra tình hình thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước vận tải và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

1. Việc kiểm tra chấp hành các quy định về thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước vận tải và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thực hiện theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Các đơn vị không chấp hành việc kê khai giá, niêm yết giá hoặc có hành vi vi phạm quy định về lập phương án giá, kê khai giá, niêm yết giá, thu cước sai quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Thẩm quyền xử phạt, trình tự, thủ tục xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 11. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2014 và thay thế Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải đường bộ và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

2. Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải), trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định của pháp luật về quản lý giá và tình hình thực tế tại địa phương chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Giao thông vận tải
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Văn Hiếu

Nguyễn Hồng Trường

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.