• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 04/11/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 20/12/2024
UBND TỈNH NGHỆ AN
Số: 28/2011/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nghệ An, ngày 25 tháng 10 năm 2011

CHỈ THỊ

V/v tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An

__________________________

Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tai nạn giao thông trong 8 năm qua (2003 - 2010) liên tục giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông xảy ra phổ biến ở nhiều nơi, nhất là người điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ; sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định; xe khách phóng nhanh vượt ẩu, dừng đỗ sai quy định; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, hành lang gây ùn tắc giao thông...; tai nạn giao thông trong 9 tháng đầu năm 2011 tăng cả ba tiêu chí so với cùng kỳ năm trước. Tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là sự chỉ đạo, điều hành của một số ngành, địa phương chưa đồng bộ, chưa quyết liệt; công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này hiệu quả chưa cao; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông nhìn chung còn yếu, kém, lỗi cố ý vi phạm xảy ra nhiều; mật độ người và phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập nhưng chưa có giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng trên, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 và triển khai Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP ngày 24/8/2011, Công văn số 1702/TTg-KTN của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. UBND tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp.

a) Chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia; ban hành quy định cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; xử lý nghiêm người vi phạm không phân biệt là cán bộ hay nhân viên;

b) Gắn tiêu chí thi đua khen thưởng với việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong từng cơ quan, đơn vị; tuỳ theo mức độ vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên để có biện pháp xử lý theo quy định, nếu cố ý tái phạm thì tổ chức kiểm điểm và thông báo về nơi cư trú của người vi phạm. Người bị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông không được xem xét khen thưởng trong năm.

c) Người đứng đầu, người chịu trách nhiệm về lĩnh vực an toàn giao thông của cơ quan, đơn vị, địa phương nếu để địa bàn, phạm vi quản lý gia tăng tai nạn giao thông thì không xem xét đề xuất khen thưởng trong năm đó. Địa phương nào để tai nạn giao thông tăng (số vụ, số người chết) phải tổ chức kiểm điểm trước HĐND cùng cấp và Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông:

a) Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh tham mưu kiện toàn Ban An toàn giao thông tỉnh theo hướng nâng cao trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông;

b) Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện “Năm an toàn giao thông 2012” gắn với các nội dung Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông;

c) UBND các huyện, thành, thị, các Sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội:

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phân công cụ thể và quy định trách nhiệm cá nhân rõ ràng; từng ngành, từng địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện bằng những chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, phù hợp với phạm vi trách nhiệm và địa bàn quản lý.

- Kiện toàn Ban An toàn giao thông các huyện, thành, thị (cấp huyện) do Chủ tịch UBND cấp huyện làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND làm Phó ban Thường trực, Trưởng Công an huyện làm Phó ban, các thành viên là trưởng các phòng ban, ngành liên quan (hoàn thành trước ngày 15/11/2011); chỉ đạo các lực lượng, phương tiện tham gia nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông;

- Giao trách nhiệm giám sát việc vi phạm trật tự an toàn giao thông cho các tổ dân cư, khối, xóm, thôn, bản; phường, xã, thị trấn;

d) Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định một số biện pháp mạnh về tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm nhằm ngăn chặn và kiềm chế  gia tăng tai nạn giao thông trên địa bàn Nghệ An.

e) Rà soát lại quy định của các cấp, các ngành trên các lĩnh vực có liên quan đến an toàn giao thông, như: quy hoạch cấp phép, xây dựng, quản lý cấp đất đai, quản lý vận tải, quản lý giao thông, xử lý vi phạm… để chỉnh sửa, bổ sung đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

3. Công tác tuyên truyền hướng dẫn pháp luật

a) Ban an toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh các đợt tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, ra quân phát động hưởng ứng về chấp hành luật giao thông với nhiều hình thức phong phú, đến tận phường, xã, khối, xóm gắn với các chế tài xử phạt với từng hành vi cụ thể, nhất là tuyên truyền về văn hoá giao thông, tác hại của lạm dụng rượu, bia, nguy cơ và hậu quả tai nạn giao thông do nguyên nhân từ rượu, bia; bắt buộc đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ... Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, pa nô, áp phích, tranh cổ động...

b) Tiểu ban tuyên truyền pháp luật giao thông - Sở Tư pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức quán triệt các quy định của pháp luật về vi phạm an toàn giao thông, phòng chống uống rượu, bia, hậu quả và các quy định xử lý vi phạm uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; an toàn giao thông cho các bến đò, quy tắc giao thông đường thuỷ nội địa; an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt và tại các đường ngang dân sinh; tuyên truyền hậu quả tai nạn do vi phạm tốc độ, chở quá số người quy định... 

c) Sở Thông tin - Truyền thông, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng theo từng nội dung, chuyên mục quy định cụ thể, sâu rộng, phù hợp với từng đối tượng thông qua các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể, từ phường, xã, thôn, bản; chỉ đạo các báo địa phương đồng loạt đưa tin tuyên truyền, sử dụng hệ thống truyền thanh ở xã, phường, khối xóm vào công tác tuyên truyền, nhất là tác hại của lạm dụng rượu, bia đối với sức khoẻ và an toàn xã hội; nguy cơ và hậu quả tai nạn giao thông do lái xe uống rượu, bia; về đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy... Gắn hành vi vi phạm với các chế tài xử phạt cụ thể để phục vụ giáo dục, răn đe;

d) Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, chú trọng về chất lượng giảng dạy và việc rèn luyện về ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong từng nhà trường, cấp học.

- Chỉ đạo các trường học phối hợp với các gia đình, địa phương, các tổ chức đoàn thể giáo dục học sinh chấp hành nghiêm Luật giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe…; tổ chức ký và lưu giữ bản cam kết giữa học sinh, nhà trường và gia đình, đồng thời gửi 01 bản về khối, xóm, thôn, bản; việc ký cam kết phải xong trước ngày 31/12/2011.

- Phải gắn việc chấp hành luật giao thông để xem xét, đánh giá tiêu chuẩn xếp loại hàng năm đối với giáo viên và phân loại hạnh kiểm đối với học sinh, sinh viên. Hiệu trưởng các trường phải xử lý nghiêm học sinh, sinh viên vi phạm khi có thông báo của ngành Công an; hàng tuần tổ chức kiểm điểm phê bình học sinh vi phạm trong giờ chào cờ; hàng tháng thông báo về gia đình và khối xóm nơi cư trú. Sở Giáo dục & Đào tạo tổng hợp báo cáo tình hình xử lý vi phạm về Ban An toàn giao thông tỉnh.       

e) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với ngành liên quan xây dựng và phổ biến rộng rãi các tiêu chí về “Văn hóa giao thông”; thực hiện việc quy định quản lý việc quảng cáo rượu, bia trên các phương tiện quảng cáo, yêu cầu khi quảng cáo rượu, bia phải gắn kèm nội dung cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và nguy cơ xảy ra tai nạn nếu điều khiển phương tiện giao thông.

g) Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo đưa tiêu chí xây dựng văn hoá giao thông vào nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư"; tăng cường giám sát các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ cơ sở (khối, xóm, thôn, bản).

h) UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo lấy Tổ dân cư, các tổ chức đoàn thể làm nơi thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nhắc nhở người vi phạm như: Điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông, chống người thi hành công vụ… Đối với các trường hợp tái phạm thì tổ chức kiểm điểm và yêu cầu gia đình ký cam kết không tái phạm. Gia đình nào có người vi phạm sau khi đã nhắc nhở mà vẫn tái phạm thì gia đình đó không được xếp loại gia đình văn hóa.

4. Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm

a) Công an tỉnh:

- Xây dựng triển khai thực hiện Kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tuần tra kiểm soát về Chủ tịch UBND tỉnh biết để chỉ đạo; thường xuyên huy động lực lượng Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các chốt, các tuyến trọng điểm, nhất là các dịp cao điểm, ngày lễ, thứ 7, chủ nhật...; khi tình hình trật tự giao thông diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tăng cao phải áp dụng mọi biện pháp và huy động ngay mọi lực lượng, đặc biệt là các lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an cấp huyện, cấp xã để phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông;

- Thành lập tổ tuần tra, kiểm soát gồm nhiều lực lượng công khai và hóa trang mật phục thường xuyên tuần tra lưu động phối hợp với các tổ công tác bố trí tại các địa bàn trọng điểm của Công an tỉnh và Công an cấp huyện, cấp xã tập trung xử lý các hành vi không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, vi phạm nồng độ cồn… nhất là tại các địa bàn trọng điểm.

- Áp dụng mức xử phạt theo tình tiết tăng nặng đối với lái xe vi phạm về tốc độ, tránh, vượt sai quy định, đón trả khách không đúng nơi quy định, chở quá số người cho phép. Tạm giữ phương tiện do người chưa đủ tuổi điều khiển; tịch thu phương tiện đua xe trái phép theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ.

- Phân công, phân cấp rõ trách nhiệm tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của các lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an cấp huyện, cấp xã theo từng tuyến đường, khép kín địa bàn, thời gian. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng. Xử lý nghiêm đối với cán bộ, chiến sỹ có các hành vi tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ.

- Phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải áp dụng biện pháp bắt buộc học, thi lại Luật giao thông đường bộ đối với một số hành vi vi phạm theo quy định. Thông báo về các cơ quan, trường học, phường, xã, tổ dân phố các trường hợp bị xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông để nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm tuỳ theo mức độ vi phạm.

b) Sở Giao thông Vận tải: Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý xe tải chở quá tải trọng cầu đường, chở vật liệu xây dựng làm rơi vãi trên đường; xe khách dừng, đỗ xe đón trả khách không đúng nơi quy định, xe dù, bến cóc; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị thi công công trình trên đường bộ đang khai thác không thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; xe quá niên hạn sử dụng, xe ô tô vận tải khách không có giấy phép, xử lý các doanh nghiệp vận tải thường xuyên có lái xe vi phạm…

5. Công tác đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, giải toả hành lang, đào tạo, cấp giấy phép lái xe.

a) Sở Giao thông - Vận tải, Khu quản lý đường bộ IV chỉ đạo:

- Thực hiện ngay việc rà soát, điều chỉnh hợp lý hệ thống báo hiệu đường bộ (đặc biệt là các biển báo liên quan đến tốc độ chạy xe trên đường).

- Quy hoạch phát triển về hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông chú ý phát triển mạng lưới giao thông công cộng, đường vành đai, bảo đảm độ rộng nền mặt đường, êm thuận để tiến tới phân làn, phân luồng hạn chế mô tô, xe máy lưu hành ở một số tuyến trọng điểm.

- Chỉ đạo, đôn đốc việc di dời và xây dựng, triển khai hoạt động bến xe Vinh đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả;

- Phối hợp với UBND các huyện, thành, thị xử lý dứt điểm các trường hợp đã nhận tiền đền bù nhưng không chịu di dời xong trước tháng 12/2011. Chỉ đạo khẩn trương việc xử lý các “điểm đen” nơi thường xẩy ra tai nạn giao thông đã được xác định, nhất là trên các tuyến giao thông trọng điểm.

- Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, vá ổ gà, xử lý mặt đường êm thuận; tăng cường kiểm tra, phát hiện, bổ sung đầy đủ thiết bị phụ trợ, khắc phục kịp thời các yếu tố không bảo đảm an toàn về kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an  toàn giao thông trên các đoạn đường vừa thi công vừa khai thác.

b) UBND các huyện, thành, thị cưỡng chế giải toả ngay các trường hợp vi phạm hành lang giao thông; di dời chợ họp ven các tuyến giao thông xong trong quý II năm 2012; khi cấp đất dọc hai bên các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh phải có xác nhận chỉ giới hành lang giao thông của cơ quan quản lý công trình giao thông; thường xuyên duy tu, sữa chữa, xử lý ổ gà... đảm bảo mặt đường êm thuận;

- Đối với các địa phương có tuyến đường sắt đi qua phải có giải pháp ngăn chặn ngay việc phát sinh và xóa bỏ đường ngang trái phép; bổ sung các thiết bị cảnh báo, người cảnh giới tại các điểm giao cắt có nguy cơ xẩy ra tai nạn giao thông cao.

- Đình chỉ ngay các bến đò, các phương tiện chở khách ngang sông không đảm bảo an toàn, vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, không đủ dụng cụ cứu sinh, người điều khiển phương tiện thủy không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để xẩy ra tai nạn giao thông đường thuỷ trên địa bàn quản lý do bến đò hoặc phương tiện không đủ các điều kiện an toàn, chở quá số người quy định, đò ngang không đủ phao cứu sinh.

c) Các sở, ngành, đơn vị tư vấn khi lập, triển khai quy hoạch xây dựng các dự án có liên quan đến giao thông thì phải tổ chức thẩm định kỹ các yếu tố đảm bảo an toàn giao thông. Phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại các điểm nút giao cắt thuộc địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn, vùng nông thôn còn bất cập đảm bảo tầm nhìn, mở rộng một số nút giao thông để chống ùn tắc đảm bảo an toàn;

d) Sở Giao thông - Vận tải tăng cường công tác quản lý vận tải, kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, Trạm kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ,  xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; hỗ trợ kịp thời thiết bị cứu sinh, đào tạo cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện thuỷ; phối hợp với Công an kiểm tra, đình chỉ các bến đò ngang, dọc không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật theo quy định.

6. Tổ chức giao thông.

a) Các cấp, các ngành chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình giao thông lập kế hoạch tổ chức giao thông như: phân làn, phân luồng, phân tuyến… để tránh ùn tắc và tai nạn giao thông, nhất là khi có sự cố xẩy ra, mưa, lũ hoặc các ngày lễ, tết lưu lượng người tham gia giao thông tăng cao. Huy động các lực lượng điều tiết đảm bảo an toàn giao thông tại các nút, các khu vực trọng điểm, không để ùn tắc giao thông;

b) Sở Xây dựng khẩn trương thực hiện việc phê duyệt quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, các điểm dừng, đỗ xe trên địa bàn thành phố, thị xã.

c) Công ty Cổ phần Bến xe Vinh khẩn trương xây dựng và di dời bến xe. Yêu cầu việc bàn giao mặt bằng xây dựng Bến xe mới xong trước ngày 30/10/2011, các trường hợp nhận đền bù nhưng chậm bàn giao phải tổ chức cưỡng chế, xử lý nghiêm minh để răn đe.

d) UBND thành phố Vinh thực hiện việc thí điểm phân làn, phân luồng cho các loại phương tiện trên tuyến đường VI. Lê Nin để rút kinh nghiệm; rà soát việc hạn chế các loại phương tiện giao thông hoạt động trên một số tuyến đường thuộc địa bàn thành phố Vinh  trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung phù hợp tránh ùn tắc, tai nạn giao thông. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức khảo sát, quy hoạch các điểm dừng, đỗ xe trên địa bàn thành phố Vinh.

e) Công an tỉnh chỉ đạo lập dự án lắp đặt thí điểm trung tâm điều khiển giao thông và hệ thống Camera tự động tại địa bàn thành phố Vinh để xử phạt qua hình ảnh.

g) Rà soát lại các điểm nút giao cắt thuộc địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn, vùng nông thôn còn bất cập; các cụm đèn tín hiệu giao thông kém chất lượng để đề ra giải pháp xử lý khắc phục.

7. Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh.

a) Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền về các nội dung của Chỉ thị này; tổ chức in ấn, phát hành các loại tài liệu tuyên truyền các Nghị quyết của Chính phủ và các biện pháp cấp bách của UBND tỉnh về kiềm chế tai nạn giao thông đến từng hộ gia đình, khu dân cư.

b) Các thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh kiểm tra, đôn đốc các địa phương đơn vị thực hiện Chỉ thị này và chịu trách nhiệm cá nhân theo địa bàn đảm nhiệm, hàng tháng báo cáo kết quả kiểm tra về UBND tỉnh theo quy định.

8. Đề nghị các cấp uỷ Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác chỉ đạo các lực lượng phối hợp với các cấp, các ngành huy động các lực lượng, phương tiện, biện pháp vào thực hiện nhiệm vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan doanh nghiệp đóng trên địa bàn xây dựng Kế hoạch cụ thể, chi tiết và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, gửi Kế hoạch của đơn vị, địa phương mình về UBND tỉnh (Ban An toàn giao thông tỉnh - Sở Giao thông - Vận tải) trước ngày 04/11/2011. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về UBND tỉnh để tiếp tục chỉ đạo./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hồ Đức Phớc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.