• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 17/08/2000
UBND TỈNH NGHỆ AN
Số: 42/2000/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nghệ An, ngày 17 tháng 8 năm 2000

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH NGHỆ AN

Về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2001.

________________________

Thực hiện Chỉ thị 13/2000/CT-TTg ngày 17/7/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2001, phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế yếu kém trong năm 2000, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Giám đốc các doanh nghiệp tiến hành triển khai xây dựng kế hoạch năm 2001 với yêu cầu và nội dung chủ yếu sau:

I. Về tư tưởng chỉ đạo:

Phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2000, đảm bảo nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững tạo điều kiện thực hiện mục tiêu phát triển cao hơn trong những năm sau. Phải quán triệt và thấu suốt đường lối đổi mới của Đảng và các Nghị quyết Hội nghị của Ban chấp hành TW Đảng khóa VIII, các chương trình hành động của Tỉnh ủy Nghệ An, phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, lao động sáng tạo, thi đua làm giàu chính đáng, thúc đẩy tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với khả năng và tình hình mới, tạo đà cho sự phát triển bền vững, xử lý tốt các vấn đề xã hội bức xúc, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

a) Chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp toàn diện và kinh tế nông thôn theo hướng an toàn về lương thực, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông sản, hải sản và hàng hóa xuất nhập. Ưu tiên đầu tư cho thủy lợi, phòng chống thiên tai, áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống vào sản xuất.... để chủ động đối phó các diễn biến xấu của thời tiết.

Tích cực chăm lo giải quyết tiêu thụ nông sản thực phẩm cho nông dân, tìm kiếm mở rộng và ổn định thị trường cho sản phẩm nông lâm thủy sản địa phương.

b) Tập trung giải quyết khó khăn trong sản xuất công nghiệp địa phương nhằm phát huy tối đa năng lực hiện có. Đẩy mạnh tổ chức lại các doanh nghiệp Nhà nước theo hướng xúc tiến mạnh cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê và giao cho tập thể lao động của các doanh nghiệp Nhà nước loại nhỏ để tạo vốn đầu tư, nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Tập trung vốn đầu tư chiều sâu cho một số doanh nghiệp Nhà nước trọng điểm, đổi mới thiết bị công nghệ, tăng chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh.

c) Ban hành các cơ chế chính sách hợp lý nhằm kích cầu trong tiêu dùng hàng hóa của địa phương, thiết thực thúc đẩy sản xuất, giải quyết các ách tắc để tạo thế phát triển. Chăm lo phát triển thị trường trong tỉnh, chú trọng thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vận dụng linh hoạt cơ chế bảo hộ cho một số sản phẩm sản xuất trong tỉnh, như bán hàng trả chậm, đầu tư ứng trước, hạ giá hàng tồn đọng, sử dụng hàng hóa địa phương trong đầu tư xây dựng (vật liệu xây dựng), hỗ trợ lãi suất,lập quỹ hỗ trợ xuất khẩu...

d) Sử dụng có hiệu quả tài chính địa phương, chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt thu ngân sách, không để thất thu và tồn đọng thuế. Kiểm soát chi ngân sách các cấp chặt chẽ theo dự toán được duyệt, đáp ứng nhu cầu chi tối thiểu. Thực hành tiết kiệm trong sản xuất, tiêu dùng và các lĩnh vực, chấp hành nghiêm các quy định của Chính phủ. Tăng cường quản lý công tác đầu tư sử dụng các nguồn vốn Nhà nước thực sự có hiệu quả, thực hiện kích cầu trong đầu tư phát triển. Đầu tư của ngân sách Nhà nước tiếp tục tập trung cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Xóa bỏ dần các hình thức bao cấp qua ngân sách Nhà nước, mở rộng các hình thức xã hội hóa. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống ngân hàng, tín dụng.

Tích cực giải quyết tình trạng nợ tồn đọng để lành mạnh hóa tài chính, ngân hàng, quỹ tín dụng và hoạt động của các doanh nghiệp.

e) Tăng cường hoạt động khoa học công nghệ và môi trường theo hướng tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ kể cả công nghệ quản lý, tăng năng suất cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp để cạnh tranh được với hàng ngoại và đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu.

h) Chăm lo giải quyết tốt các vấn đề về văn hóa xã hội bức xúc, thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia, nhất là chương trình xóa đói giảm nghèo trọng tâm là chương trình hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, giải quyết việc làm. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW2 về giáo dục và khoa học công nghệ, thực hiện tốt Luật giáo dục. Tiếp tục thực hiện rộng rãi chính sách xã hội hóa để xóa trường lớp tạm trong giáo dục. Chăm lo công tác y tế, văn hóa thông tin, xây dựng nếp sống văn minh...

i) Tăng cường đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội, nhất là an ninh vùng biên giới, vùng biển; kiểm soát ngăn chặn và đẩy lùi buôn bán vũ khí và ma túy. Phát động toàn dân chống và bài trừ hiểm hoạ ma túy và buôn lậu. Tích cực chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý giải quyết tốt các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và tranh chấp đất đai. Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết về cải cách hành chính trước mắt tập trung vào các khâu: Đầu tư và xây dựng, cấp phát vốn ngân sách, cấp quyền sử dụng đất, thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, đăng ký hộ khẩu.

Gắn chỉnh đốn đảng với cải cách hành chính và kiện toàn sắp xếp bộ máy theo tinh thần Nghị quyết TW7, nâng cao hiệu lực chấp hành pháp luật, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội.

II. Mục tiêu chủ yếu và nhiệm vụ cụ thể của kế hoạch năm 2001.

1. Mục tiêu chủ yếu.

Phát triển kinh tế với tốc độ cao hơn năm 2000, huy động tốt nguồn lực trong tỉnh để phát triển, mở đầu thuận lợi cho kế hoạch 5 năm 2001-2005, gắn với mục tiêu phát triển là thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp về đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ... nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong công nghiệp, tăng giá trị trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp; giải quyết các vấn đề bức xúc về xã hội: việc làm, xóa đói giảm nghèo, chống tệ nạn xã hội đặc biệt là tệ nạn ma túy.

2. Một số chỉ tiêu phấn đấu năm 2001 so với năm 2000:

a) Phát triển kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP): 9-10% (BQ cả nước 7-7,5%).

Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng: 4-5%.

Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng: 16-18%.

Trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng: 18-20%.

Giá trị các ngành dịch vụ tăng: 10-12%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng: 25%.

Tổng thu ngân sách Nhà nước nội tỉnh tăng: 8-10%.

Sản lượng lương thực quy thóc (88-90 vạn tấn) tăng 3-4%.

Cơ cấu kinh tế:

Nông lâm ngư nghiệp chiếm 41,5%.

Công nghiệp và xây dựng chiếm 19,0%.

Các ngành dịch vụ chiếm 39,5%.

b) Các mục tiêu xã hội:

Mức giảm tỷ lệ sinh: 0,7 - 1%

Tỷ lệ hộ nghèo đói: dưới 14%

Tạo việc làm mới cho lao động tập trung: 5000-6000 người.

III. Tiến độ xây dựng kế hoạch và phân công thực hiện.

1. Về tiến độ:

Trong tháng 8 năm 2000, Sở Kế hoạch - đầu tư hướng dẫn khung kế hoạch 2001 cho các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò.

Chậm nhất là ngày 30/8/2000, Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá tham mưu cho UBND tỉnh lập và trình báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2001 lần 1 cho Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Chậm nhất ngày 15/9/2000 các Sở, ban, ngành và UBND các huyện (thành phố, thị xã) báo cáo bằng văn bản (theo mẫu quy định) kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách 2001 cho Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá để tổng hợp trình UBND tỉnh để bảo vệ kế hoạch trước các Bộ ngành TW.

Từ cuối tháng 9 trở đi, Sở Kế hoạch - đầu tư phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá. Cục thuế Nhà nước và các cơ quan tổng hợp làm việc với các Sở, UBND huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và một số đơn vị trọng điểm về kế hoạch năm 2001. Đồng thời dự kiến phương án phân bổ chỉ tiêu kế hoạch và ngân sách trình UBND tỉnh để báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh quyết định.

2. Về phân công thực hiện.

a) Giao cho Sở Kế hoạch - đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá, Cục thuế Nhà nước, Chi nhánh quỹ hỗ trợ phát triển hướng dẫn các ngành, địa phương và doanh nghiệp tính toán bố trí kế hoạch đạt yêu cầu, đảm bảo cân đối tích cực, vững chắc và tổng hợp toàn diện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2001 trình UBND tỉnh để báo cáo Tỉnh ủy xem xét, kịp báo cáo Chính phủ và trình HĐND tỉnh.

b) Giao Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, (thành phố, thị xã) phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá, Cục thuế Nhà nước tổ chức chỉ đạo triển khai xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách của đơn vị mình theo đúng các nội dung đã nêu trong chỉ thị này, đồng thời quan tâm chỉ đạo UBND các xã (phường, thị trấn), các doanh nghiệp Nhà nước, các thành phần kinh tế thuộc ngành và địa phương hoàn thành việc xây dựng kế hoạch năm 2001 đảm bảo tiến độ thời gian và có chất lượng.

Việc tổ chức xây dựng và tổng hợp kế hoạch năm 2001 hết sức khẩn trương song đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng. UBND tỉnh yêu cầu các Giám đốc Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Giám đốc các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh các nội dung đã nêu trong chỉ thị này, tổ chức chỉ đạo triển khai việc xây dựng và tổng hợp kế hoạch năm 2001 có chất lượng và đúng tiến độ./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Doãn Hợp

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.