CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An
____________________
Thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong những năm qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhìn chung đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn những hạn chế như: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý và đăng ký hộ tịch vẫn chưa được thực hiện thường xuyên; Nhận thức, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, người dân làm công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở một số nơi còn hạn chế; Ở một số địa phương vẫn còn tình trạng người chết không khai tử, khai tử không đúng hạn, hoặc lợi dụng việc khai tử để hưởng chế độ chính sách, nam nữ chung sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn, trẻ em sinh ra không được đăng ký khai sinh, hiện tượng tùy tiện trong việc thay đổi cải chính hộ tịch, đăng ký lại việc sinh và tình trạng sai sót khi cấp các giấy tờ hộ tịch cho công dân hoặc giải quyết đăng ký hộ tịch chưa đúng thẩm quyền; Sự phối hợp giữa các ngành có liên quan trong đăng ký hộ tịch chưa thật đồng bộ...
Nhằm tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Tư pháp:
a) Giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác hộ tịch và đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh;
b) Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về hộ tịch;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý hộ tịch theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo hướng dẫn nghiệp vụ nhằm phát hiện, khắc phục, sửa chữa kịp thời những sai sót, hạn chế trong hoạt động nghiệp vụ hộ tịch; thu hồi, xử lý và đề nghị xử lý những giấy tờ hộ tịch cấp trái quy định pháp luật; đồng thời kiên quyết xử lý mọi trường hợp làm trái quy định của nhà nước trong việc cấp, sao giấy tờ hộ tịch;
d) Xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về đăng ký và quản lý hộ tịch cho Lãnh đạo và công chức Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và công chức Tư pháp hộ tịch trên địa bàn toàn tỉnh;
đ) Chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về công tác hộ tịch đảm bảo đúng pháp luật, tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng, thuận lợi các yêu cầu đăng ký hộ tịch của công dân;
e) Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác mạng internet từ tỉnh xuống cơ sở nhằm tạo thuận lợi cho việc tra cứu các văn bản, lưu trữ dữ liệu hộ tịch, tài liệu để phục vụ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành rà soát thực trạng đội ngũ và có phương án kiện toàn đối với cán bộ, công chức tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo:
a) Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về hộ tịch.
b) Hướng dẫn các đơn vị trong ngành giáo dục thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận bản sao giấy tờ theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và việc cấp bản sao các giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch theo quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân.
4. Công an tỉnh:
Phối hợp với Sở Tư pháp và chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, thị xã phối hợp các Phòng Tư pháp thực hiện nghiêm túc việc sửa chữa, điều chỉnh các giấy tờ đã cấp cho cá nhân như Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu… có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con cho phù hợp với Giấy khai sinh của người đó theo đúng quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Nghệ An:
Phối hợp với Sở Tư pháp thường xuyên tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung của Chỉ thị này và các văn bản khác có liên quan.
6. Các Sở, ban, ngành có liên quan
Thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực và các văn bản hướng dẫn thi hành; không được yêu cầu cá nhân phải cung cấp bản chính giấy tờ hộ tịch trong các giao dịch hoặc yêu cầu cá nhân phải tiến hành thủ tục cải chính hộ tịch trong trường hợp có sự khác biệt giữa giấy tờ, hồ sơ của cá nhân với Giấy khai sinh;
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức, đoàn thể
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch; Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành để không ngừng nâng cao nhận thức và ý thức tự chấp hành pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch cho cán bộ, nhân dân.
8. UBND các huvện, thành phố, thị xã
a) Tiếp tục tuyên truyền những quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch cho cán bộ. công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã;
b) Thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính về đăng ký hộ tịch đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố;
c) Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hộ tịch ở địa phương, giải quyết các trường hợp đăng ký hộ tịch theo thẩm quyền.
Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, sai sót trong công tác đăng ký hộ tịch ở cấp xã, đặc biệt là việc đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký lại việc sinh, đăng ký nuôi con nuôi, đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, đăng ký khai tử quá hạn, đăng ký kết hôn và cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân;
d) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí nơi làm việc, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện để tiếp công dân và giải quyết các yêu cầu về hộ tịch. Đảm bảo kinh phí phục vụ cho công tác hộ tịch và công tác lưu trữ tài liệu, bảo quản sổ hộ tịch theo đúng quy định của pháp luật;
đ) Thực hiện việc xác minh, cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời, đúng pháp luật đối với các trường hợp liên quan đến công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài theo yêu cầu của Sở Tư pháp;
e) Thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã;
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh đề nghị báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để kịp thời xem xét, giải quyết./.