QUYẾT ĐỊNH
Về việc đầu tư, nâng cấp chất lượng tuyển sinh, đào tạo trường PTTH Dân tộc nội trú Nghệ An.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
- Căn cứ Nghị quyết số 55/2001/NQ-HĐND ngày 28-3-2001 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV, kỳ họp thứ 4 về quy hoạch mạng lưới trường lớp, quy mô phát triển giáo dục và đào tạo phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa;
- Xét đề nghị của ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tại Tờ trình số 299/TTr-SGD&ĐT ngày 03-7-2001.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Phê duyệt đề án đầu tư nâng cao chất lượng tuyển sinh đào tạo Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh kèm theo Tờ trình số 650/TTr-SGD&ĐT ngày 16-6-2001 của Sở Giáo dục và Đào tạo; được UBND tỉnh thông qua ngày 22-6-2001, với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Nhiệm vụ và quy mô của trường giai đoạn 2001-2005 và các giai đoạn tiếp theo:
- Đào tạo học sinh THPT Dân tộc nội trú cho các dân tộc khó khăn nhất, vùng khó khăn nhất, quy mô 200 em học sinh, với 6 lớp (mỗi khối 2 lớp) và 1 lớp dự bị THPT.
- Đào tạo học sinh THPT chuyên vùng miền núi và dân tộc, quy mô 400 đến 450 em học sinh và 12 lớp (mỗi khối 4 lớp).
2. Đối tượng học sinh được tuyển chọn:
- Học sinh THPT DTNT: Chọn những học sinh có năng lực học tập tốt hơn trong số học sinh dân tộc thiểu số, ưu tiên tuyển sinh đối với các dân tộc Ơ Đu, Đan Lai, Khơ Mú, Hơ Mông và các học sinh dân tộc khác thì ở các xã nghèo, xa xôi, hẻo lánh, biên giới.
- Học sinh THPT chuyên: Chọn trong số học sinh có hộ khẩu ở miền núi và học sinh THCS ở các huyện miền núi và các xã miền núi của huyện miền xuôi, học tập đạt loại khá trở lên và đạt điểm chuẩn trong kỳ thi tuyển hệ chuyên của trường.
3. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên
- Cán bộ quản lý: Hiệu trưởng và 2 đến 3 Phó hiệu trưởng..
- Tỷ lệ giáo viên đứng lớp (kể cả DTNT và lớp chuyên) là 3,1 giáo viên/lớp. Giáo viên của trường được chọn trong số giáo viên giỏi của tỉnh hoặc sinh viên tốt nghiệp các trường ĐHSP loại khá, giỏi.
- Số giáo viên giảng dạy không đáp ứng yêu cầu của nhà trường được bố trí công tác khác; hoặc chuyển đi nơi khác.
- Cán bộ hành chính phục vụ: 10 người, bố trí đủ cho các bộ phận: Văn thư, kế toán, thủ quỹ, thư viện, y tế, quản sinh, cán bộ thí nghiệm. Chuyển dần bộ phận cấp dưỡng sang hợp đồng.
4. Chính sách đối với giáo viên, học sinh:
- Cho giáo viên được hưởng 70% phụ cấp đứng lớp thay cho 40% quy định hiện nay.
- Giảm định mức giờ dạy của giáo viên xuống 12 tiết/tuần thay cho 18 tiết/tuần hiện nay, để tăng thời gian cho giáo viên nghiên cứu, soạn bài, đi thực tế, nhằm nâng cao chất lượng giờ dạy.
- Nâng mức học bổng cho học sinh THPT DTNT của trường lên 180.000đ/tháng và hưởng 11 tháng trong 1 năm học. Mức học bổng cho học sinh THPT chuyên của trường là 140.000đ/tháng và hưởng 10 tháng trong 1 năm học, học phí và tiền đóng góp xây dựng trường thực hiện theo quyết định số 44/QĐ-UB ngày 11-6-2001 của UBND tỉnh.
5. Cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường:
- Đồng ý cho trường được lập dự án đầu tư xây dựng tiếp 1 nhà học 18 phòng, trong đó có 12 phòng học cho khối chuyên, 3 phòng học nghề, 3 phòng thí nghiệm, 1 nhà ký túc xá với 200 giường.
- Mở rộng khuôn viên phía kênh mương và phía nam của Trường.
Điều 2: Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư và các ban, ngành có liên quan tổ chức thực hiện quyết định này.
Các quyết định của UBND tỉnh trước đây về những vấn đề trên trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Các ông: Chánh văn phòng HĐND - UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành có liên quan; Hiệu trưởng trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.