• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 19/05/2024
CHÍNH PHỦ
Số: 33/2024/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Thọ, ngày 27 tháng 3 năm 2024

NGHỊ ĐỊNH 

Quy định việc thực hiện Công ước Cấm phát triển, sản xuất,

tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học

_____________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;

Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Điều ước quốc tế ngày 09 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 167 HĐ/CTN ngày 24 tháng 8 năm 1998 của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc thực hiện Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

 

Chương I

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG VỀ VIỆC THỰC HIỆN

CÔNG ƯỚC CẤM VŨ KHÍ HOÁ HỌC

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc thực hiện Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học (sau đây gọi tắt là Công ước Cấm vũ khí hóa học) trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm:

1. Các quy định chung về việc thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học.

2. Sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, chế biến, sử dụng, tàng trữ hoá chất Bảng; sản xuất hoá chất DOC, DOC-PSF.

3. Báo cáo hoá chất Bảng, hoá chất DOC, DOC-PSF.

4. Các quy định về thanh sát và thanh tra, kiểm tra.

5. Quản lý nhà nước về hoá chất Bảng, hoá chất DOC, DOC-PSF.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoặc liên quan đến các hoạt động thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Áp dụng pháp luật

1. Các hoạt động thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học được áp dụng theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Các hành vi bị cấm và các mục đích không bị cấm áp dụng theo khoản 1 Điều 1 và khoản 9 Điều 2 Công ước Cấm vũ khí hóa học.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vũ khí hoá học được định nghĩa theo Công ước Cấm vũ khí hoá học bao gồm các loại sau đây, riêng biệt hoặc trong tổ hợp:

a) Các hóa chất độc và tiền chất của chúng, trừ trường hợp được sử dụng cho những mục đích không bị cấm theo Công ước Cấm vũ khí hóa học với số lượng và chủng loại phù hợp với các mục đích đó;

b) Đạn dược và thiết bị được thiết kế chuyên biệt để gây tử vong hoặc gây tác hại khác thông qua độc tính của các hoá chất độc nêu tại điểm a khoản này. Độc tính của các hóa chất có thể phát sinh khi sử dụng các loại đạn dược và/hoặc thiết bị này;

c) Bất kỳ loại trang thiết bị nào được thiết kế chuyên dụng, trực tiếp liên quan đến sử dụng các loại đạn dược và/hoặc thiết bị nêu tại điểm b khoản này.

2. Hóa chất độc được định nghĩa theo Công ước Cấm vũ khí hóa học là bất kỳ hóa chất nào, thông qua phản ứng hóa học của hóa chất đó lên quá trình sống, có thể gây tử vong, tê liệt tạm thời hoặc tác hại lâu dài đối với con người và động vật. Khái niệm này được áp dụng cho tất cả các loại hóa chất có đặc tính nêu trên, không phân biệt nguồn gốc, phương pháp sản xuất và cơ sở sản xuất, kể cả quân sự hoặc phi quân sự.

3. Tiền chất được định nghĩa theo Công ước Cấm vũ khí hóa học là bất kỳ hoá chất nào tham gia ở bất cứ công đoạn nào và bằng bất kỳ phương pháp nào trong việc tạo ra một hóa chất độc. Tiền chất bao gồm bất kỳ thành phần chủ yếu nào của hệ hoá chất nhị nguyên tố hoặc đa nguyên tố.

4. Hóa chất Bảng là hóa chất độc và tiền chất bị kiểm soát theo quy định của Công ước Cấm vũ khí hóa học và được phân theo thứ tự 1, 2, 3 theo tiêu chí quy định tại phụ lục Hóa chất của Công ước Cấm vũ khí hóa học. Hóa chất Bảng bao gồm chất thuộc Danh mục và hỗn hợp chất chứa chất thuộc Danh mục.

5. Chất chống bạo loạn được định nghĩa theo Công ước Cấm vũ khí hóa học là bất kỳ hoá chất nào không phải hoá chất Bảng nhưng có thể nhanh chóng gây ra tác động kích thích trên con người hoặc làm mất khả năng của cơ thể, các tác động này sẽ biến mất trong thời gian ngắn sau khi ngừng tiếp xúc với hóa chất.

6. Hóa chất hữu cơ riêng biệt (hóa chất DOC) được định nghĩa theo Công ước Cấm vũ khí hóa học bao gồm tất cả các hợp chất có chứa cacbon, ngoại trừ các ôxit, sunfua của các hợp chất này và các cacbonat kim loại, được phân biệt bởi tên, công thức cấu tạo (nếu có) hoặc số đăng ký CAS (nếu có) của hóa chất đó. Hóa chất DOC-PSF được định nghĩa theo Công ước Cấm vũ khí hoá học là hóa chất hữu cơ riêng biệt có chứa một trong các nguyên tố như phốt pho, lưu huỳnh hoặc flo.

7. Sản xuất hóa chất được định nghĩa theo Công ước Cấm vũ khí hóa học là hoạt động điều chế một hóa chất thông qua phản ứng hóa học.

8. Kinh doanh hóa chất bao gồm hoạt động buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất để cung ứng hóa chất trên thị trường nhằm mục đích sinh lời.

9. Chế biến hóa chất được định nghĩa theo Công ước Cấm vũ khí hoá học là việc thực hiện các quá trình vật lý như pha chế, chưng cất, chiết xuất, tinh lọc mà ở đó hóa chất không bị biến đổi thành hóa chất khác.

10. Sử dụng hóa chất được định nghĩa theo Công ước Cấm vũ khí hóa học là việc chuyển hóa một hóa chất thành một hóa chất khác thông qua phản ứng hóa học.

11. Tàng trữ hóa chất Bảng được định nghĩa theo Công ước Cấm vũ khí hóa học là việc lưu giữ, bảo quản hóa chất Bảng chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hết trong kho chứa, thùng chứa, bồn chứa chuyên dụng tại cơ sở hóa chất.

12. Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (sau đây gọi tắt là Tổ chức Công ước) là tổ chức do các Quốc gia thành viên Công ước thành lập nhằm đạt được mục tiêu và quản lý các đối tượng của Công ước Cấm vũ khí hóa học, đảm bảo việc thực hiện các điều khoản, kể cả các điều khoản về kiểm chứng quốc tế đối với việc tuân thủ Công ước Cấm vũ khí hóa học và tạo ra diễn đàn tham khảo, hợp tác giữa các Quốc gia thành viên.

13. Quốc gia thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa học là quốc gia đã ký và phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước Cấm vũ khí hóa học và chính thức trở thành thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa học sau ngày thứ 30 kể từ ngày nộp lưu chiểu phê chuẩn hoặc thông báo về việc gia nhập Công ước Cấm vũ khí hóa học cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.

14. Cơ sở hóa chất được định nghĩa theo Công ước Cấm vũ khí hóa học là nơi diễn ra một hay nhiều hoạt động sản xuất, chế biến, sử dụng và tàng trữ hóa chất chịu sự kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học. Cơ sở hóa chất có thể là một địa điểm gồm một hay nhiều nhà máy, hoặc một bộ phận sản xuất độc lập.

Bộ phận sản xuất là tổ hợp của các chủng loại thiết bị bao gồm cả thùng chứa đã có hoặc tự tạo cần thiết cho quá trình sản xuất, chế biến và sử dụng hóa chất.

Cơ sở hóa chất được phân thành cơ sở hóa chất Bảng 1, 2, 3 và cơ sở hóa chất DOC, DOC-PSF, trong đó:

a) Cơ sở hóa chất Bảng 1 là nơi diễn ra một hay nhiều hoạt động sản xuất, chế biến, sử dụng hoặc tàng trữ hóa chất Bảng 1. Cơ sở hóa chất Bảng 1 được phân thành cơ sở quy mô đơn lẻ và cơ sở khác, trong đó:

Cơ sở quy mô đơn lẻ là cơ sở sản xuất hóa chất Bảng 1 cho các mục đích: Nghiên cứu, y tế, dược phẩm hoặc quốc phòng, an ninh. Tại cơ sở quy mô đơn lẻ, việc sản xuất được thực hiện trong các thiết bị phản ứng không cấu thành sản xuất liên tục. Dung tích của các thiết bị phản ứng không vượt quá 100 lít và tổng dung tích của các thiết bị phản ứng có dung tích trên 5 lít không vượt quá 500 lít.

Cơ sở khác là cơ sở hóa chất Bảng 1 nhưng khác với cơ sở quy mô đơn lẻ, bao gồm: Cơ sở sản xuất hóa chất Bảng 1 cho mục đích quốc phòng, an ninh với tổng sản lượng không vượt quá 10 kg/năm; cơ sở sản xuất các hóa chất Bảng 1 cho mục đích nghiên cứu, y tế hoặc dược phẩm với sản lượng trên 100 gam/năm đối với một hóa chất nhưng tổng sản lượng không vượt quá 10 kg/năm; phòng thí nghiệm điều chế tổng hợp hóa chất Bảng 1 cho mục đích nghiên cứu, y tế, dược phẩm với tổng sản lượng từ 100 gam/năm trở lên;

b) Cơ sở hóa chất Bảng 2 là nơi diễn ra một hay nhiều hoạt động sản xuất, chế biến hoặc sử dụng hóa chất Bảng 2;

c) Cơ sở hóa chất Bảng 3 là nơi diễn ra hoạt động sản xuất hóa chất Bảng 3;

d) Cơ sở hóa chất DOC, DOC-PSF là nơi diễn ra hoạt động sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF.

15. Sản lượng được định nghĩa theo Công ước Cấm vũ khí hóa học là khối lượng sản phẩm thực tế đã sản xuất, chế biến, sử dụng hoặc dự kiến sản xuất, chế biến, sử dụng một hóa chất cụ thể trong năm nào đó của một cơ sở hóa chất. Sản lượng hóa chất có thể bằng hoặc vượt công suất sản xuất hóa chất đó của cơ sở.

16. Kiểm chứng số liệu xuất khẩu, nhập khẩu là việc Tổ chức Công ước hoặc Cơ quan Quốc gia Việt Nam kiểm tra, xem xét, đối chiếu số liệu xuất khẩu, nhập khẩu các hóa chất Bảng của các tổ chức, cá nhân được cấp phép nhằm mục đích tái xác nhận sự phù hợp của các số liệu đã báo cáo hoặc phát hiện các sai sót phải điều chỉnh để bảo đảm sự minh bạch, chính xác và trung thực của việc báo cáo.

17. Thanh sát quốc tế được định nghĩa theo Công ước Cấm vũ khí hóa học là cuộc kiểm tra tại chỗ do Tổ chức Công ước tiến hành tại một cơ sở hóa chất thuộc diện bị thanh sát đã được Quốc gia thành viên báo cáo với Tổ chức Công ước nhằm xác nhận sự phù hợp của thông tin đã báo cáo và chứng nhận việc tuân thủ các quy định của Công ước Cấm vũ khí hóa học tại cơ sở nêu trên.

a) Thanh sát ban đầu là cuộc thanh sát đầu tiên của Tổ chức Công ước đối với một cơ sở hóa chất bất kỳ thuộc diện bị thanh sát;

b) Thanh sát lại là cuộc thanh sát sau cuộc thanh sát ban đầu đối với một cơ sở hóa chất Bảng 3 hoặc cơ sở DOC, DOC-PSF do Tổ chức Công ước tiến hành để tái kiểm tra sự phù hợp của báo cáo mà quốc gia thành viên đã nộp cho Tổ chức Công ước;

c) Thanh sát có hệ thống là cuộc thanh sát sau cuộc thanh sát ban đầu được tiến hành định kỳ tại một cơ sở hóa chất Bảng 1 hoặc Bảng 2 theo một thoả thuận riêng về cơ sở đó (thoả thuận cơ sở) nhằm mục đích kiểm tra và tái xác nhận sự phù hợp của báo cáo mà Quốc gia thành viên đã đệ trình với Tổ chức Công ước;

d) Thanh sát đột xuất là cuộc thanh sát đối với một cơ sở hóa chất bất kỳ nằm trên lãnh thổ hoặc bất cứ nơi nào thuộc quyền tài phán của một Quốc gia thành viên vào bất kỳ thời điểm nào nhằm mục đích làm sáng tỏ các cáo buộc về việc không tuân thủ Công ước Cấm vũ khí hóa học tại cơ sở hoá chất nêu trên. Thanh sát đột xuất được tiến hành trên cơ sở yêu cầu của một Quốc gia thành viên khác và được Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Công ước xem xét, quyết định theo trình tự quy định tại Điều IX và phần X Thanh sát đột xuất theo điều IX của Công ước Cấm vũ khí hóa học;

đ) Thoả thuận cơ sở là thoả thuận được ký kết giữa Quốc gia thành viên với Tổ chức Công ước liên quan đến việc thanh sát một cơ sở hóa chất cụ thể thuộc diện bị thanh sát. Thoả thuận cơ sở được dự thảo trong thời gian diễn ra cuộc thanh sát ban đầu và thường được lập đối với các cơ sở hóa chất Bảng 1 và 2.

e) Đội hộ tống là nhóm chuyên gia do Cơ quan Quốc gia Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập để phối hợp làm việc với Đoàn thanh sát quốc tế của Tổ chức Công ước trong quá trình Đoàn thanh sát quốc tế tiến hành hoạt động thanh sát tại Việt Nam.

18. Bản sao là bản chụp từ bản chính hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong bản gốc.

Đối với hồ sơ nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính, bản sao là bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu. Đối với hồ sơ nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến thì bản sao là bản scan từ bản gốc hoặc bản điện tử hợp lệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

19. CAS là mã số định danh duy nhất cho các nguyên tố hóa học, các hợp chất hóa học, các polyme, các chuỗi sinh học, các hỗn hợp và các hợp kim.

20. Danh mục thiết bị thanh sát được định nghĩa theo Công ước Cấm vũ khí hoá học là những thiết bị và dụng cụ cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Đoàn thanh sát đã được Tổ chức Công ước xác nhận.

Điều 5. Danh mục hóa chất Bảng

1. Ban hành Danh mục các hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2 và hóa chất Bảng 3 tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.

2. Bổ sung trường hợp ngoại trừ đối với một số hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp tại Phụ lục II kèm theo Nghị định số 82/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất như sau:

 

STT

Tên

tiếng Việt

Tên tiếng Anh

Mã HS

Mã CAS

Công thức

hóa học

55

Asen và hợp chất của asen, ngoại trừ:

Arsenic and arsenic compounds. Exemption:

2812.10

---

---

Arsenic trichloride

Arsenic trichloride

2812.10

7784-34-1

AsCl3

79

Xyanua và hợp chất xyanua, ngoại trừ:

Cyanide and cyanide compound. Exemption:

2811.19

---

---

Cyanogen chloride

Cyanogen chloride

2853.10

506-77-4

CClN

Hydrogen cyanide

Hydrogen cyanide

2811.12

74-90-8

HCN

 

3. Bãi bỏ một số hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp tại Phụ lục I kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 82/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất như sau: 

 

STT

Tên tiếng Việt

Tên tiếng Anh

Mã HS

Mã CAS

Công thức

hóa học

263

Dimetyl photphit

Dimethyl phosphite

29209090

868-85-9

C2H7O3P

333

Fonofos (O-Etyl S-pheny letyl photphonodithioat) onofos

Fonofos (O-Ethyl S-phenylethylphosphonodithioate)

29309090

944-22-9

C10H15OS2P

489

Metyl dietanol amin

Methyldiethanol amine

29221990

105-59-9

C5H13ON

618

Pinacolyl alcohol: 3,3-Dimetyl butan-2-ol

Pinacolyl alcohol: 3,3-Dimetylbutan-2-ol

29051900

464-07-3

C6H14O

720

Triethy photphit

Triethy phosphite

29209090

122-52-1

C6H15O3P

 

 

4. Bãi bỏ một số hóa chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo tại Phụ lục V kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 82/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất như sau: 

 

STT

Tên tiếng Việt

Tên tiếng Anh

Mã HS

Mã CAS

Công thức

hóa học

137

Bis(2-clo etyl) sunphit

Bis(2-chloro ethyl) sulphide

29309090

505-60-2

C4H8Cl2S

198

Cacbon diclorua

Carbonic dichloride (phosgene)

28112990

75-44-5

CCl2O

242

Clopicrin: Triclo nitro metan

Chloropicrin: Trichloro nitro metan

29049000

76-06-2

CCl3NO2

291

Cyanogen clorit

Cyanogen chloride

28530000

506-77-4

CClN

374

Dietyl photphit

Diethyl phosphite

29209090

762-04-9

C4H11O3P

527

Fonofos

Fonofos

29309090

944-22-9

C10H15OS2P

656

Lưu huỳnh clorua

Sulfur monochloride

28121000

10025-67-9

Cl2S2

658

Lưu huỳnh diclorit

Sulfur dichloride

28121000

10545-99-0

SCl2

762

N,n-dietyl amino etanol

N,n-diethyl amino etanol

29221990

100-37-8

C6H15ON

767

N,n-dimetyl amino etanol và các muối proton hóa chất tương ứng

N,n-Dimetyl amino ethanol

29221990

108-01-0

C4H11ON

815

N-etyl diethanol amin

N-Ethyl diethanol amine

29221990

139-87-7

C6H15O2N

918

PFIB: 1,1,3,3,3-Pentaflo-2-(triflo metyl)-1-propen

1-Propene,1,1,3,3,3-pentafluoro-2-(trifluoromethyl)-

29033990

382-21-8

C4F8

935

Phosphorus triclorit

Phosphorus trichloride

28121000

7719-12-2

PCl3

937

Photpho pentaclorua

Phosphorus penta chloride

28121000

10026-13-8

PCl5

1090

Trietyl photphit

Triethy phosphite

29209090

122-52-1

C6H15O3P

1103

Trimetyl photphit

Trimethyl phosphite

29209090

121-45-9

C3H9O3P

 

5. Hóa chất Bảng 1 thuộc Danh mục Hóa chất cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư.

Điều 6. Cơ quan quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học

Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) được chỉ định là Cơ quan quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước Cấm vũ khí hoá học, đầu mối liên hệ giữa Việt Nam với Tổ chức Công ước và với các Quốc gia thành viên khác theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Công ước.

Điều 7. Phòng, chống phổ biến vũ khí hoá học

Các nội dung về phòng, chống phổ biến vũ khí hóa học được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và văn bản pháp luật khác có liên quan.

 

Chương II

SẢN XUẤT, KINH DOANH , XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU,

CHẾ BIẾN, SỬ DỤNG, TÀNG TRỮ HÓA CHẤT BẢNG;

SẢN XUẤT HÓA CHẤT DOC, DOC-PSF

 

Mục 1

 YÊU CẦU VỀ AN TOÀN TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH

HÓA CHẤT BẢNG; SẢN XUẤT HÓA CHẤT DOC, DOC-PSF;

THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HÓA CHẤT

 

Điều 8. Yêu cầu về an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng; sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF

1. Cơ sở sản xuất hóa chất Bảng, hóa chất DOC, DOC-PSF phải đáp ứng các yêu cầu trong sản xuất theo quy định tại Điều 12 Luật Hóa chất và Điều 4, khoản 1 và 2 Điều 5, khoản 1 và 2 Điều 6 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất (sau đây gọi tắt là Nghị định số 113/2017/NĐ-CP).

2. Cơ sở kinh doanh hóa chất Bảng phải đáp ứng các yêu cầu trong kinh doanh theo quy định tại Điều 12 Luật Hóa chất và Điều 4; khoản 2 Điều 5; khoản 1 và 2 Điều 6 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.

Điều 9. Thực hiện các quy định về quản lý hóa chất

1. Kế hoạch, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến, sử dụng và tàng trữ hóa chất Bảng; sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF phải tuân thủ các quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại Điều 36, 37, 39 và 42 Luật Hóa chất; Điều 20 và 21 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 82/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất (sau đây gọi tắt là Nghị định số 82/2022/NĐ-CP).

2. Phân loại, ghi nhãn và Phiếu an toàn hóa chất

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất Bảng; sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF có trách nhiệm phân loại, ghi nhãn, lập Phiếu an toàn hóa chất đối với hóa chất Bảng, hóa chất DOC, DOC-PSF trước khi đưa vào sử dụng, lưu thông trên thị trường theo quy định tại Điều 27, 28 và 29 Luật Hóa chất; Điều 23 và 24 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 82/2022/NĐ-CP.

3. Phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc

Tổ chức, cá nhân mua bán hóa chất Bảng, hóa chất DOC, DOC-PSF có trách nhiệm lập Phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc theo Điều 23 Luật Hóa chất nếu các hóa chất có một trong những đặc tính nguy hiểm quy định từ điểm đ đến điểm n khoản 4 Điều 4 Luật Hóa chất.

4. Huấn luyện an toàn hóa chất

Tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất Bảng, hóa chất DOC, DOC-PSF, kinh doanh, xuất nhập khẩu, chế biến, sử dụng và tàng trữ hóa chất Bảng phải tuân thủ các quy định về huấn luyện an toàn hóa chất tại các Điều 31, 32, 33 và 34 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 82/2022/NĐ-CP.

5. San chiết, đóng gói hóa chất Bảng

Yêu cầu đối với việc san chiết, đóng gói hóa chất Bảng thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.

6. Cung cấp thông tin và lưu trữ thông tin hóa chất

Tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất Bảng, hóa chất DOC, DOC-PSF, kinh doanh, xuất nhập khẩu, chế biến, sử dụng và tàng trữ hóa chất Bảng có trách nhiệm cung cấp thông tin và lưu trữ thông tin về hóa chất theo quy định tại Điều 49, Điều 53 Luật Hóa chất.

7. Vận chuyển hóa chất Bảng, hóa chất DOC, DOC-PSF

Tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất Bảng, hóa chất DOC, DOC-PSF phải tuân thủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm của pháp luật về đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không dân dụng, hàng hải, các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và các quy định khác của pháp luật.

 

Mục 2

SẢN XUẤT, KINH DOANH HÓA CHẤT BẢNG;

SẢN XUẤT HÓA CHẤT DOC, DOC-PSF

Điều 10. Điều kiện cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng

1. Điều kiện sản xuất

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Cơ sở vật chất - kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu trong sản xuất theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này;

c) Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất Bảng phải có trình độ từ đại học trở lên chuyên ngành hóa chất;

d) Các đối tượng thuộc quy định tại Điều 32 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP phải được huấn luyện an toàn hóa chất.

2. Điều kiện kinh doanh

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Cơ sở vật chất - kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu trong kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này;

c) Có kho chứa hoặc có hợp đồng thuê kho chứa hóa chất hoặc sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất đáp ứng được các điều kiện về bảo quản an toàn hóa chất và an toàn phòng, chống cháy nổ;

d) Người phụ trách về an toàn hóa chất của cơ sở kinh doanh hóa chất Bảng phải có trình độ trung cấp trở lên chuyên ngành hóa chất;

đ) Các đối tượng thuộc quy định tại Điều 32 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP phải được huấn luyện an toàn hóa chất.

3. Cơ sở sản xuất hóa chất Bảng 1 ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải đáp ứng điều kiện sau đây:

a) Chỉ được sản xuất hóa chất Bảng 1 cho một hoặc một số mục đích đặc biệt được quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đầu tư, bao gồm phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh;

b) Quy mô sản xuất tại cơ sở quy mô đơn lẻ, dung tích của các thiết bị phản ứng không vượt quá 100 lít và tổng dung tích của các thiết bị phản ứng có dung tích trên 5 lít không vượt quá 500 lít. Quy mô sản xuất tại các cơ sở khác, tổng sản lượng không vượt quá 10 kg/năm đối với mục đích bảo vệ; sản lượng không vượt quá 100 gam/năm đối với một hoá chất nhưng tổng sản lượng không vượt quá 10 kg/năm đối với mục đích nghiên cứu, y tế, dược phẩm; tổng sản lượng không vượt quá 100 gam/năm đối với các phòng thí nghiệm.

4. Cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 và 2 Điều này phải đáp ứng điều kiện: Chỉ được sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 cho các mục đích không bị cấm quy định tại Điều 3 Nghị định này.

Điều 11. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng 1

1. Bộ Công Thương là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, đánh giá điều kiện thực tế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng 1.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng 1

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng được quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản thuyết minh về điều kiện sản xuất được quy định tại Mẫu số 05 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này. Trong đó, nêu rõ quy mô sản xuất tại cơ sở quy mô đơn lẻ, dung tích của các thiết bị phản ứng không vượt quá 100 lít và tổng dung tích của các thiết bị phản ứng có dung tích trên 5 lít không vượt quá 500 lít. Quy mô sản xuất tại các cơ sở khác, tổng sản lượng không vượt quá 10 kg/năm đối với mục đích bảo vệ; sản lượng không vượt quá 100 gam/năm đối với một hoá chất nhưng tổng sản lượng không vượt quá 10 kg/năm đối với mục đích nghiên cứu, y tế, dược phẩm; tổng sản lượng không vượt quá 100 gam/năm đối với các phòng thí nghiệm. Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất xây dựng nhà xưởng, kho chứa hoặc hợp đồng thuê nhà xưởng, kho chứa;

c) Bản sao Bằng đại học trở lên chuyên ngành hóa chất của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất;

d) Bản sao Quyết định công nhận kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 82/2022/NĐ-CP;

đ) Bản sao Quyết định phê duyệt hoặc văn bản xác nhận các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành;

e) Bản sao Văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đối với từng cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

Bản sao Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với từng cơ sở sản xuất không thuộc đối tượng bắt buộc phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;

g) Bản cam kết sản xuất hóa chất Bảng 1 cho một hoặc một số mục đích đặc biệt được quy định tại khoản 2, Điều 6 Luật Đầu tư, bao gồm phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh.

3. Trình tự, thủ tục thẩm định, cấp Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng 1

a) Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép lập 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Bộ Công Thương;

b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương thông báo để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không tính vào thời gian cấp phép quy định tại điểm c khoản này;

c) Trong thời hạn 16 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Công Thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định hồ sơ, kiểm tra điều kiện thực tế. Trường hợp đáp ứng điều kiện sản xuất, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ cấp giấy phép sản xuất hoá chất Bảng 1 theo Mẫu số 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Bộ Công Thương có văn bản trả lời không cấp Giấy phép, nêu rõ lý do;

d) Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị cấp Giấy phép. Thời gian lấy ý kiến đối đa 05 ngày làm việc, không kể thời gian gửi và nhận văn bản và không tính vào thời gian cấp phép quy định tại Điều này. Quá thời hạn trên, nếu Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành không có ý kiến góp ý bằng văn bản thì được coi là đồng ý với đề nghị cấp phép của tổ chức, cá nhân.

4. Hồ sơ, thủ tục cấp lại Giấy phép

a) Trường hợp Giấy phép bị mất, sai sót, hư hỏng hoặc có thay đổi về thông tin của tổ chức, cá nhân, tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép và gửi Bộ Công Thương qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;

b) Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép bao gồm: Văn bản đề nghị cấp lại Giấy phép theo mẫu quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; bản chính Giấy phép đã được cấp trong trường hợp Giấy phép bị sai sót hoặc có thay đổi về thông tin đăng ký thành lập của tổ chức, cá nhân; phần bản chính còn lại có thể nhận dạng được của Giấy phép trong trường hợp Giấy phép bị hư hỏng (nếu có);

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương kiểm tra và trình Thủ tướng Chính phủ cấp lại Giấy phép cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định không cấp lại Giấy phép, Bộ Công Thương có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

5. Hồ sơ, thủ tục điều chỉnh Giấy phép

a) Trường hợp có thay đổi về địa điểm sản xuất hóa chất; loại hình, quy mô, chủng loại hóa chất sản xuất, tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy phép và gửi Bộ Công Thương qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;

b) Hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy phép bao gồm: Văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy phép theo mẫu quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; bản chính Giấy phép đã được cấp; giấy tờ, tài liệu chứng minh việc đáp ứng được điều kiện sản xuất đối với các nội dung điều chỉnh;

c) Thủ tục điều chỉnh Giấy phép thực hiện như cấp mới Giấy phép.

Điều 12. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, miễn trừ Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3

1. Bộ Công Thương là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, đánh giá điều kiện thực tế, cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng được quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản thuyết minh về điều kiện sản xuất được quy định tại Mẫu số 05 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này. Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất xây dựng nhà xưởng, kho chứa hoặc Hợp đồng thuê nhà xưởng, kho chứa;

c) Bản sao Bằng đại học trở lên chuyên ngành hóa chất của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất đối với cơ sở sản xuất hóa chất Bảng;

d) Bản sao Quyết định công nhận kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 82/2022/NĐ-CP;

đ) Bản sao Quyết định phê duyệt hoặc văn bản xác nhận các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành;

e) Bản sao Văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đối với từng cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

Bản sao Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với từng cơ sở sản xuất không thuộc đối tượng bắt buộc phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;

g) Bản cam kết sản xuất hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 cho các mục đích không bị cấm quy định tại Điều 3 Nghị định này.

3. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh hóa chất Bảng được quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản kê khai các điểm kinh doanh;

c) Bản sao Quyết định phê duyệt hoặc văn bản xác nhận các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành;

d) Bản sao văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đối với từng kho chứa hóa chất thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

Bản sao Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với từng kho chứa hóa chất không thuộc đối tượng bắt buộc phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;

đ) Bản thuyết minh về điều kiện kinh doanh được quy định tại Mẫu số 05 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất xây dựng kho chứa hoặc Hợp đồng thuê kho đối với trường hợp thuê kho lưu trữ hoặc Hợp đồng hay thỏa thuận mua bán hóa chất trong trường hợp sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất;

e) Bản kê khai thiết bị kỹ thuật, trang thiết bị phòng hộ lao động và an toàn của từng điểm kinh doanh hóa chất;

g) Bản sao Bằng trung cấp trở lên chuyên ngành hóa chất của người phụ trách về an toàn hóa chất;

h) Bản sao Quyết định công nhận kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 82/2022/NĐ-CP;

i) Bản cam kết kinh doanh hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 cho các mục đích không bị cấm quy định tại Điều 3 Nghị định này.

4. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất và kinh doanh hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép sản xuất và kinh doanh hóa chất Bảng được quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản kê khai các cơ sở sản xuất, điểm kinh doanh hóa chất;

c) Bản sao quyết định phê duyệt hoặc văn bản xác nhận các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành đối với từng cơ sở sản xuất, kho chứa hóa chất;

d) Bản sao văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đối với từng cơ sở sản xuất, kho chứa hóa chất thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

Bản sao Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với từng cơ sở sản xuất, kho chứa hóa chất không thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;

đ) Bản thuyết minh về điều kiện sản xuất và kinh doanh được quy định tại Mẫu số 05 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất xây dựng cơ sở sản xuất, kho chứa hóa chất hoặc Hợp đồng thuê nhà xưởng, kho chứa, Hợp đồng hay thỏa thuận mua bán hóa chất trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất;

e) Bản kê khai thiết bị kỹ thuật, trang thiết bị phòng hộ lao động và an toàn của từng cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất;

g) Bản sao Bằng đại học trở lên chuyên ngành hóa chất của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất của cơ sở sản xuất; Bản sao Bằng trung cấp trở lên chuyên ngành hóa chất của người phụ trách về an toàn hóa chất;

h) Bản sao quyết định công nhận kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 82/2022/NĐ-CP;

i) Bản cam kết sản xuất và kinh doanh hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 cho các mục đích không bị cấm quy định tại Điều 3 Nghị định này.

5. Trình tự, thủ tục thẩm định, cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3

a) Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép lập 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Bộ Công Thương;

b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, trong vòng 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương thông báo để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không tính vào thời gian cấp phép quy định tại điểm c khoản này;

c) Trong thời hạn 16 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này, Bộ Công Thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định hồ sơ, kiểm tra điều kiện thực tế và cấp Giấy phép cho tổ chức, cá nhân theo mẫu tại Phụ lục II của Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy phép, Bộ Công Thương có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;

d) Trường hợp sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 cho các mục đích chuyên ngành (y tế, dược phẩm, nông nghiệp, an ninh, quốc phòng), khi cần thiết, Bộ Công Thương lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành trước khi cấp phép. Thời gian lấy ý kiến đối đa 05 ngày làm việc, không kể thời gian gửi và nhận văn bản và không tính vào thời gian cấp phép quy định tại Điều này. Quá thời hạn trên, nếu Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành không có ý kiến góp ý bằng văn bản thì được coi là đồng ý với đề nghị cấp phép của tổ chức, cá nhân;

đ) Sau khi cấp phép, Bộ Công Thương gửi 01 bản Giấy phép về Sở Công Thương nơi tổ chức, cá nhân đặt trụ sở chính để phối hợp theo dõi, quản lý.

6. Miễn trừ cấp Giấy phép kinh doanh đối với hóa chất Bảng 2 và hóa chất Bảng 3 có nồng độ dưới 1%.

7. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3

a) Trường hợp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 bị mất, sai sót, hư hỏng hoặc có thay đổi về thông tin đăng ký thành lập của tổ chức, cá nhân, tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép và gửi Bộ Công Thương qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;

b) Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép bao gồm: Văn bản đề nghị cấp lại Giấy phép; bản chính Giấy phép đã được cấp trong trường hợp Giấy phép bị sai sót hoặc có thay đổi về thông tin của tổ chức, cá nhân; phần bản chính còn lại có thể nhận dạng được của Giấy phép trong trường hợp Giấy phép bị hư hỏng (nếu có);

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương kiểm tra, cấp lại Giấy phép cho tổ chức, cá nhân đồng thời gửi 01 bản cho Sở Công Thương nơi tổ chức, cá nhân đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trường hợp không cấp lại Giấy phép, Bộ Công Thương có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

8. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp điều chỉnh Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3

a) Trường hợp có thay đổi địa điểm cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất; loại hình, quy mô, chủng loại hóa chất, tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy phép và gửi Bộ Công Thương nhận qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;

b) Hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy phép: Văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy phép; bản chính Giấy phép đã được cấp; giấy tờ, tài liệu chứng minh việc đáp ứng được điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với các nội dung điều chỉnh;

c) Trình tự, thủ tục điều chỉnh Giấy phép như cấp mới Giấy phép.

Điều 13. Đánh giá điều kiện thực tế cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng để cấp phép

1. Đánh giá điều kiện thực tế cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng bao gồm quan sát hiện trường cơ sở về đảm bảo các yêu cầu liên quan đến an toàn hóa chất; xem xét và tra cứu tài liệu, hồ sơ và các hoạt động khác có liên quan.

2. Nội dung đánh giá điều kiện thực tế sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng được quy định tại Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này. Trong quá trình đánh giá điều kiện thực tế sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng, đoàn đánh giá ghi biên bản đánh giá được quy định tại Mẫu số 07 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Bộ Công Thương thành lập đoàn đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng. Đoàn đánh giá có ít nhất 03 thành viên bao gồm 02 thành viên của Bộ Công Thương (trong đó 01 thành viên là Trưởng đoàn), 01 thành viên là đại diện của Sở Công Thương nơi có trụ sở chính hoặc nơi có kho chứa hóa chất của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng. 

Điều 14. Thu hồi Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng

1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng là cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy phép.

2. Việc thu hồi Giấy phép được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật Hoá chất và các văn bản hướng dẫn.

Điều 15. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng

1. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng và đáp ứng các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy và môi trường.

2. Duy trì các điều kiện về sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh và các quy định về quản lý hóa chất quy định tại Điều 8, 9 và 10 Nghị định này sau khi được cấp phép.

3. Phải lập sổ theo dõi riêng việc mua bán hóa chất Bảng. Sổ theo dõi có các nội dung: Tên hóa chất Bảng, hàm lượng, khối lượng xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, tồn kho; tên khách hàng gồm các thông tin như địa chỉ trụ sở chính, địa chỉ kinh doanh, số điện thoại, mục đích mua bán hóa chất Bảng.

4. Thực hiện các quy định về báo cáo tại Điều 23, 24 và 25 Nghị định này; thực hiện các quy định về thanh sát, thanh tra, kiểm tra tại Chương IV Nghị định này.

5. Lưu giữ Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng tại cơ sở sản xuất, kinh doanh làm căn cứ để tổ chức, cá nhân thực hiện công tác kiểm soát an toàn tại cơ sở hóa chất và xuất trình các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.

6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với trường hợp hóa chất Bảng bị mất, thất lạc trên đường vận chuyển; mất, thất lạc tại cơ sở.

Điều 16. Yêu cầu đối với cơ sở sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF

1. Đảm bảo các yêu cầu trong sản xuất và các quy định về quản lý hóa chất theo quy định tại Điều 8 và 9 Nghị định này.

2. Thực hiện báo cáo theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.

3. Các cơ sở sản xuất hóa chất DOC có sản lượng trên 200 tấn/năm, DOC-PSF có sản lượng trên 30 tấn/năm phải thực hiện các quy định về thanh sát, thanh tra, kiểm tra tại Chương IV Nghị định này.

 

Mục 3

NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU HÓA CHẤT BẢNG

Điều 17. Yêu cầu chung về nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng

1. Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2 từ các Quốc gia thành viên của Công ước Cấm vũ khí hóa học. Trường hợp việc xuất khẩu hóa chất Bảng 3 được thực hiện với tổ chức, cá nhân của quốc gia không phải là thành viên của Công ước thì phải có Giấy chứng nhận sử dụng cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia này.

2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp. Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng là điều kiện để thông quan khi nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng.

3. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép nhập khẩu hóa chất Bảng để kinh doanh sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh hóa chất Bảng.

4. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng thực hiện các quy định về báo cáo tại Điều 23, 24 và 25 Nghị định này; thực hiện các quy định về thanh tra, kiểm tra tại Điều 34 và 35 Nghị định này.

5. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất Bảng để sử dụng trong quá trình sản xuất phải thực hiện các yêu cầu quy định tại Điều 21 và 22 Nghị định này.

6. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy phép nhập khẩu hóa chất Bảng không phải thực hiện các quy định về khai báo hóa chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo theo quy định của Luật Hóa chất và Nghị định số 113/2014/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 82/2022/NĐ-CP.

Điều 18. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, gia hạn Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 1

1. Bộ Công Thương là cơ quan tiếp nhận hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, gia hạn Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;

c) Bản sao một trong các tài liệu sau: hợp đồng, thoả thuận mua bán, hóa đơn, vận đơn ghi rõ tên, số lượng hóa chất Bảng, thời gian dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu và quốc gia dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu;

d) Phiếu an toàn hóa chất (bằng tiếng Việt).

3. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng 1

a) Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép lập 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Bộ Công Thương;

b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương thông báo để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không tính vào thời gian cấp phép quy định tại điểm c khoản này;

c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Công Thương kiểm tra và trình Thủ tướng Chính phủ cấp Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng 1. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không cấp Giấy phép, Bộ Công Thương có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;

d) Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng 1 quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và có thời hạn 06 tháng kể từ ngày cấp;

đ) Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ cấp phép. Thời gian lấy ý kiến đối đa 05 ngày làm việc, không kể thời gian gửi và nhận văn bản và không tính vào thời gian cấp phép quy định tại Điều này. Quá thời hạn trên, nếu Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành không có ý kiến góp ý bằng văn bản thì được coi là đồng ý với đề nghị cấp phép của tổ chức, cá nhân.

4. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy phép

a) Trường hợp Giấy phép bị mất, sai sót, hư hỏng hoặc có thay đổi về thông tin đăng ký thành lập của tổ chức, cá nhân, tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép và gửi Bộ Công Thương qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;

b) Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép bao gồm: Văn bản đề nghị cấp lại Giấy phép; bản chính Giấy phép đã được cấp trong trường hợp Giấy phép bị sai sót hoặc có thay đổi về thông tin của tổ chức, cá nhân; phần bản chính còn lại có thể nhận dạng được của Giấy phép trong trường hợp Giấy phép bị hư hỏng (nếu có);

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương kiểm tra trình Thủ tướng Chính phủ cấp lại Giấy phép cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không cấp lại Giấy phép, Bộ Công Thương có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;

d) Thời hạn của Giấy phép cấp lại bằng thời hạn còn lại của Giấy phép đã cấp.

5. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp điều chỉnh Giấy phép

a) Trường hợp thay đổi nội dung hợp đồng, thỏa thuận mua bán, đơn đặt hàng, bản ghi nhớ hoặc hóa đơn, tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy phép và gửi Bộ Công Thương qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;

b) Hồ sơ đề nghị cấp điều chỉnh Giấy phép bao gồm: Văn bản đề nghị cấp điều chỉnh Giấy phép; giấy tờ, tài liệu xác nhận đối với các nội dung điều chỉnh;

c) Thủ tục điều chỉnh Giấy phép thực hiện như cấp mới Giấy phép.

6. Hồ sơ, thủ tục gia hạn Giấy phép

a) Giấy phép được gia hạn trong trường hợp hết thời hạn ghi trong Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại khoản 3 Điều này nhưng việc xuất khẩu, nhập khẩu chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa xong. Giấy phép chỉ được gia hạn 01 lần;

b) Trước khi Giấy phép hết hạn tối thiểu 10 ngày làm việc, tổ chức, cá nhân có nhu cầu gia hạn Giấy phép phải lập 01 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép gửi Bộ Công Thương qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;

c) Hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép bao gồm: Văn bản đề nghị gia hạn Giấy phép; bản sao Giấy phép đã được cấp;

d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương kiểm tra, trình Thủ tướng Chính phủ gia hạn Giấy phép cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không gia hạn Giấy phép, Bộ Công Thương có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;

đ) Giấy phép được gia hạn không quá 06 tháng kể từ ngày cấp phép gia hạn.

Điều 19. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, gia hạn và miễn trừ Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 2, hoá chất Bảng 3

1. Bộ Công Thương là cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, gia hạn Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;

c) Bản sao một trong các tài liệu sau: hợp đồng, thoả thuận mua bán, hóa đơn, vận đơn ghi rõ tên, số lượng hóa chất Bảng, thời gian dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu và quốc gia dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu;

d) Phiếu an toàn hóa chất (bằng tiếng Việt);

đ) Bản sao Giấy chứng nhận sử dụng cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu không phải là Quốc gia thành viên của Công ước Cấm vũ khí hóa học (trường hợp xuất khẩu hóa chất Bảng 3 với quốc gia không phải thành viên của Công ước Cấm vũ khí hóa học).

3. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3

a) Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép lập 01 bộ hồ sơ quy định khoản 2 Điều này gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Bộ Công Thương;

b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương thông báo để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không tính vào thời gian cấp phép quy định tại điểm c khoản này;

c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Công Thương kiểm tra và cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3. Trường hợp không cấp Giấy phép, Bộ Công Thương có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;

d) Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và có thời hạn 06 tháng kể từ ngày cấp;

đ) Trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 cho các mục đích chuyên ngành (y tế, dược phẩm, nông nghiệp, an ninh, quốc phòng), khi cần thiết, Bộ Công Thương lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành trước khi cấp phép. Thời gian lấy ý kiến đối đa 05 ngày làm việc, không kể thời gian gửi và nhận văn bản và không tính vào thời gian cấp phép quy định tại Điều này. Quá thời hạn trên, nếu Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành không có ý kiến góp ý bằng văn bản thì được coi là đồng ý với đề nghị cấp phép của tổ chức, cá nhân.

4. Miễn trừ cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đối với hóa chất Bảng 2 và hóa chất Bảng 3 có nồng độ dưới 1%.

5.  Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy phép

a) Trường hợp Giấy phép bị mất, sai sót, hư hỏng hoặc có thay đổi về thông tin đăng ký thành lập của tổ chức, cá nhân, tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép và gửi Bộ Công Thương qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;

b) Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép bao gồm: Văn bản đề nghị cấp lại Giấy phép; bản chính Giấy phép đã được cấp trong trường hợp Giấy phép bị sai sót hoặc có thay đổi về thông tin của tổ chức, cá nhân; phần bản chính còn lại có thể nhận dạng được của Giấy phép trong trường hợp Giấy phép bị hư hỏng;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương kiểm tra, cấp lại Giấy phép cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp không cấp lại Giấy phép, Bộ Công Thương có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;

d) Thời hạn của Giấy phép cấp lại bằng thời hạn còn lại của Giấy phép đã cấp.

6. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp điều chỉnh Giấy phép

a) Trường hợp thay đổi nội dung hợp đồng, thỏa thuận mua bán, đơn đặt hàng, bản ghi nhớ hoặc hóa đơn, tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy phép và gửi Bộ Công Thương qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;

b) Hồ sơ đề nghị cấp điều chỉnh Giấy phép bao gồm: Văn bản đề nghị cấp điều chỉnh Giấy phép; giấy tờ, tài liệu xác nhận đối với các nội dung điều chỉnh;

c) Thời hạn Giấy phép cấp điều chỉnh thực hiện như cấp mới Giấy phép.

7. Hồ sơ, thủ tục gia hạn Giấy phép

a) Giấy phép được gia hạn trong trường hợp hết thời hạn ghi trong Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại khoản 3 Điều này nhưng việc xuất khẩu, nhập khẩu chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa xong. Giấy phép chỉ được gia hạn 01 lần;

b) Trước khi Giấy phép hết hạn tối thiểu 05 ngày làm việc, tổ chức, cá nhân có nhu cầu gia hạn Giấy phép phải lập 01 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép gửi Bộ Công Thương qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;

c) Hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép bao gồm: Văn bản đề nghị gia hạn Giấy phép; bản sao Giấy phép đã được cấp;

d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương kiểm tra, gia hạn Giấy phép cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp không gia hạn Giấy phép, Bộ Công Thương có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;

đ) Giấy phép được gia hạn không quá 06 tháng kể từ ngày cấp phép gia hạn.

8. Việc tiếp nhận hồ sơ, cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, gia hạn Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

9. Tại thời điểm thực hiện thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3, tổ chức, cá nhân không phải xuất trình Giấy phép kinh doanh hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 cho cơ quan hải quan.

Điều 20. Thu hồi Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng

1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng là cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép.

2. Việc thu hồi Giấy phép được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật Hoá chất và các văn bản hướng dẫn.

 

Mục 4

CHẾ BIẾN, SỬ DỤNG, TÀNG TRỮ HÓA CHẤT BẢNG

Điều 21. Yêu cầu chế biến, sử dụng, tàng trữ hóa chất Bảng

1. Tổ chức, cá nhân chế biến, sử dụng, tàng trữ hóa chất Bảng để sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác phải tuân thủ các quy định tại Chương V Luật Hóa chất và thực hiện quy định tại Điều 8 Nghị định này.

2. Tổ chức, cá nhân chế biến, sử dụng, tàng trữ hóa chất Bảng 1 thực hiện quy định về báo cáo tại Điều 23 Nghị định này. Tổ chức, cá nhân chế biến, sử dụng hóa chất Bảng 2 thực hiện quy định về báo cáo tại Điều 24 Nghị định này.

3. Tổ chức, cá nhân chế biến, sử dụng, tàng trữ hóa chất Bảng thực hiện các quy định về thanh sát tại Chương IV Nghị định này.

Điều 22. Hồ sơ theo dõi tình hình chế biến, sử dụng hóa chất Bảng

1. Cơ sở chế biến, sử dụng hóa chất Bảng phải lập hồ sơ theo dõi việc chế biến, sử dụng hóa chất Bảng, gồm:

a) Sổ theo dõi chế biến, sử dụng hóa chất Bảng;

b) Phiếu an toàn hóa chất theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 82/2022/NĐ-CP.

2. Nội dung ghi chép trong Sổ theo dõi chế biến, sử dụng hóa chất Bảng phải cập nhật đầy đủ các thông tin gồm: Tên khoa học, tên thương mại, công thức hóa học của hóa chất; số lượng hóa chất chế biến hoặc sử dụng, thông tin liên quan đến sự cố hóa chất, an toàn hóa chất (nếu có); những đặc tính, tác động phát sinh mới gây nguy hiểm của hóa chất (nếu có).

3. Sổ theo dõi chế biến, sử dụng hóa chất Bảng và Phiếu an toàn hóa chất được lưu giữ tại cơ sở chế biến, sử dụng hóa chất Bảng trong thời gian 03 năm kể từ ngày kết thúc chế biến, sử dụng hóa chất đó.

 

Chương III

BÁO CÁO HÓA CHẤT BẢNG, HÓA CHẤT DOC, DOC – PSF

 

Điều 23. Báo cáo đối với hóa chất Bảng 1

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, chế biến, sử dụng, tàng trữ hóa chất Bảng 1 phải thực hiện báo cáo với Cục Hóa chất theo Mẫu số 08 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Thời gian báo cáo cụ thể như sau:

a) Chậm nhất 210 ngày trước khi cơ sở đi vào hoạt động (theo Mẫu số 08a Phụ lục II) hoặc trước khi thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi hoạt động hiện có (theo Mẫu số 08b Phụ lục II);

b) Chậm nhất 45 ngày trước khi thực hiện việc xuất khẩu hoặc nhập khẩu (theo Mẫu số 08c Phụ lục II);

c) Trước ngày 15 tháng 02 hàng năm nộp báo cáo về các hoạt động có trong năm trước và các hoạt động dự kiến cho năm tiếp theo (theo Mẫu số 08d Phụ lục II). Báo cáo hằng năm được thực hiện thông qua Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia.

Điều 24. Báo cáo đối với hóa chất Bảng 2

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, chế biến, sử dụng hóa chất Bảng 2 với sản lượng 01 kg/năm đối với một hóa chất Bảng 2A*; 100 kg/năm đối với một hóa chất Bảng 2A; 01 tấn/năm đối với một hóa chất Bảng 2B hoặc với nồng độ từ 1% trở lên đối với hóa chất Bảng 2A* và 2A; nồng độ từ 30% trở lên đối với hóa chất Bảng 2B phải báo cáo với Cục Hóa chất theo Mẫu số 09 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Thời gian báo cáo cụ thể như sau:

a) Chậm nhất 60 ngày trước khi cơ sở đi vào hoạt động (theo Mẫu số 09a Phụ lục II);

b) Chậm nhất 30 ngày trước khi thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi hoạt động hiện có (theo Mẫu số 09b Phụ lục II);

c) Trước ngày 15 tháng 02 hàng năm, nộp báo cáo về các hoạt động có trong năm trước và các hoạt động dự kiến trong năm tiếp theo (theo Mẫu số 09c Phụ lục II). Báo cáo hằng năm được thực hiện thông qua Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia.

Điều 25. Báo cáo đối với hóa chất Bảng 3

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hóa chất Bảng 3 với nồng độ từ 30% trở lên phải báo cáo với Cục Hóa chất theo Mẫu số 10 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Thời gian báo cáo cụ thể như sau:

a) Chậm nhất 60 ngày trước khi cơ sở đi vào hoạt động (theo Mẫu số 10a Phụ lục II);

b) Chậm nhất 30 ngày trước khi thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi hoạt động hiện có (theo Mẫu số 10b Phụ lục II);

c) Trước ngày 15 tháng 02 hàng năm, nộp báo cáo về các hoạt động có trong năm trước và các hoạt động dự kiến trong năm tiếp theo (theo Mẫu số 10c Phụ lục II). Báo cáo hằng năm được thực hiện thông qua Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia.

Điều 26. Báo cáo đối với hóa chất DOC, DOC-PSF

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất DOC với sản lượng từ 200 tấn/năm trở lên và sản xuất hóa chất DOC-PSF với sản lượng từ 30 tấn/năm trở lên phải báo cáo với Cục Hóa chất quy định tại Mẫu số 11 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Thời gian báo cáo cụ thể như sau:

a) Chậm nhất 60 ngày trước khi cơ sở đi vào hoạt động (theo Mẫu số 11a Phụ lục II);

b) Chậm nhất 30 ngày trước khi thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi hoạt động hiện có (theo Mẫu số 11b Phụ lục II);

c) Trước ngày 15 tháng 02 hàng năm, nộp báo cáo về các hoạt động có trong năm trước và các hoạt động dự kiến trong năm tiếp theo (theo Mẫu số 11c Phụ lục II). Báo cáo hằng năm được thực hiện thông qua Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia.

 

Chương IV

CÁC QUY ĐỊNH VỀ THANH SÁT VÀ THANH TRA, KIỂM TRA

 

Mục 1

THANH SÁT QUỐC TẾ

Điều 27. Đối tượng thanh sát

1. Các cơ sở hóa chất Bảng 1 là đối tượng thanh sát ban đầu và thanh sát có hệ thống của Tổ chức Công ước.

2. Các cơ sở hóa chất Bảng 2 là đối tượng thanh sát ban đầu và thanh sát có hệ thống của Tổ chức Công ước nếu có sản lượng bằng hoặc vượt ngưỡng sau:

a) 10 kg/năm đối với một hóa chất Bảng 2A*;

b) 01 tấn/năm đối với một hóa chất Bảng 2A;

c) 10 tấn/năm đối với một hóa chất Bảng 2B.

3. Các cơ sở hóa chất Bảng 3 có sản lượng từ 200 tấn/năm trở lên là đối tượng thanh sát ban đầu và thanh sát lại của Tổ chức Công ước.

4. Các cơ sở sản xuất hóa chất DOC với sản lượng trên 200 tấn/năm và sản xuất hóa chất DOC-PSF với sản lượng trên 30 tấn/năm là đối tượng thanh sát ban đầu và thanh sát lại của Tổ chức Công ước.

5. Tổ chức Công ước có thể tiến hành thanh sát đột xuất tại bất kỳ cơ sở hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 và cơ sở hóa chất DOC, DOC-PSF khi có cáo buộc về việc vi phạm Công ước Cấm vũ khí hóa học.

Điều 28. Trách nhiệm của cơ sở bị thanh sát

1. Chấp hành đầy đủ các quy định về thanh sát của Tổ chức Công ước; tuân thủ hướng dẫn của Đội hộ tống trong quá trình tiến hành thanh sát tại cơ sở; hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn thanh sát quốc tế của Tổ chức Công ước hoàn thành nhiệm vụ quy định trong lệnh thanh sát.

2. Bố trí phòng làm việc, tủ tài liệu có khóa, điện thoại cố định nối mạng quốc tế, máy fax và máy hủy tài liệu cho Đoàn thanh sát quốc tế.

3. Bố trí cán bộ có thẩm quyền và am hiểu về hoạt động của cơ sở hóa chất Bảng như: Quản lý, kỹ thuật công nghệ, kinh doanh, tài chính, môi trường, an toàn lao động để làm việc với Đoàn thanh sát quốc tế.

4. Chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, tài liệu, sơ đồ, bản vẽ, sổ sách cần thiết để làm việc với Đoàn thanh sát quốc tế.

5. Hỗ trợ Đoàn thanh sát quốc tế lấy mẫu khi được yêu cầu.

6. Các chi phí sử dụng được Ban Thư ký của Tổ chức Công ước hoàn trả cho cơ sở khi phía cơ sở yêu cầu theo mẫu của Tổ chức Công ước.

Điều 29. Yêu cầu thanh sát

1. Đối với cơ sở hóa chất Bảng 1

a) Kiểm tra các hoạt động tại cơ sở theo yêu cầu tại Phần I - Phụ lục Kiểm chứng của Công ước Cấm vũ khí hóa học;

b) Kiểm tra việc thực hiện quy định về báo cáo hóa chất Bảng 1;

c) Đánh giá khả năng gây rủi ro của các hoạt động hóa chất tại cơ sở.

2. Đối với hóa chất Bảng 2

a) Kiểm tra các hoạt động tại cơ sở theo yêu cầu tại Phần VI - Phụ lục Kiểm chứng của Công ước Cấm vũ khí hóa học;

b) Kiểm tra việc thực hiện quy định về báo cáo hóa chất Bảng 2;

c) Đánh giá khả năng gây rủi ro của các hoạt động hóa chất tại cơ sở.

3. Đối với hóa chất Bảng 3 và hóa chất DOC, DOC-PSF

a) Kiểm tra các hoạt động tại cơ sở theo yêu cầu tại Phần VII - Phụ lục Kiểm chứng của Công ước Cấm vũ khí hóa học;

b) Kiểm tra các hóa chất Bảng được sản xuất tại cơ sở theo yêu cầu tại phần X - Phụ lục Kiểm chứng của Công ước Cấm vũ khí hóa học.

Điều 30. Trách nhiệm của Cơ quan Quốc gia Việt Nam và Đội hộ tống trong việc tiếp đón và làm việc với Đoàn thanh sát quốc tế của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học

1. Cơ quan Quốc gia Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Đội hộ tống để tiếp đón và làm việc với Đoàn thanh sát quốc tế của Tổ chức Công ước. Thành viên Đội hộ tống gồm đại diện các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Đoàn thanh sát đến làm việc.

2. Đội hộ tống thay mặt Cơ quan quốc gia thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Thực hiện quyền kiểm tra theo khoản 29 mục c Phần II - Phụ lục Kiểm chứng của Công ước Cấm vũ khí hóa học để đảm bảo sự phù hợp của số thiết bị do Đoàn thanh sát quốc tế mang vào Việt Nam;

b) Tạo điều kiện để Đoàn thanh sát quốc tế hoàn thành nhiệm vụ theo đúng nội dung tại quyết định thanh sát của Tổ chức Công ước;

c) Phối hợp với cơ sở bị thanh sát và các đơn vị chức năng, chuyên môn liên quan thực hiện mọi biện pháp bảo vệ cơ sở, thông tin và số liệu không liên quan đến mục đích và nội dung thanh sát.

3. Đối với các cơ sở hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2: Trong thời gian tiến hành cuộc thanh sát ban đầu, Cơ quan Quốc gia Việt Nam, Đội hộ tống cùng đại diện cơ sở tổ chức đàm phán với Đoàn thanh sát quốc tế để thống nhất nội dung của thỏa thuận cơ sở trong đó quy định các chi tiết cho việc thanh sát có hệ thống tại cơ sở kể từ sau cuộc thanh sát ban đầu.

4. Cơ quan Quốc gia Việt Nam, Đội hộ tống phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong quan hệ, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Điều 31. Thời gian thanh sát

1. Đối với cơ sở hóa chất Bảng 1

a) Thời gian thông báo quyết định thanh sát không dưới 24 giờ trước khi tới địa điểm nhập cảnh;

b) Thời gian tiến hành thanh sát tại cơ sở phụ thuộc vào nguy cơ rủi ro đối với các mục tiêu và mục đích của Công ước Cấm vũ khí hóa học.

2. Đối với cơ sở hóa chất Bảng 2

a) Thời gian thông báo quyết định thanh sát không dưới 48 giờ trước khi tới địa điểm bị thanh sát;

b) Thời gian tiến hành thanh sát tại cơ sở là 96 giờ, có thể kéo dài trên cơ sở thỏa thuận riêng cụ thể.

3. Đối với cơ sở hóa chất Bảng 3, hóa chất DOC, DOC-PSF

a) Thời gian thông báo quyết định thanh sát không dưới 120 giờ trước khi tới địa điểm bị thanh sát;

b) Thời gian tiến hành thanh sát tại cơ sở là 24 giờ, có thể kéo dài trên cơ sở thỏa thuận riêng cụ thể.

Điều 32. Quy trình thanh sát

1. Phương pháp tiến hành thanh sát

a) Thanh sát bằng trực quan thiết bị sản xuất, phòng điều khiển, phòng thí nghiệm, kho chứa nguyên liệu và khu vực xử lý chất thải;

b) Kiểm tra hồ sơ, tài liệu;

c) Thảo luận và phỏng vấn;

d) Lấy mẫu và phân tích nếu cần.

2. Trình tự thanh sát

a) Nghe đại diện cơ sở giới thiệu về cơ sở, gồm các nội dung: Hoạt động của cơ sở; sơ đồ mặt bằng của nhà máy, phân xưởng là đối tượng thanh sát; phản ứng hóa học; quy trình công nghệ; cân bằng vật chất, nguyên liệu của sản xuất; xử lý chất thải; các biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe;

b) Thăm các hạng mục nằm trong phạm vi cơ sở;

c) Thống nhất kế hoạch và nội dung thanh sát;

d) Kiểm tra khu vực vận hành sản xuất; kiểm tra các hồ sơ về cung ứng nguyên liệu, sản phẩm và sản xuất; kiểm tra kho hàng, khu vực xử lý chất thải, khu vực lưu giữ các hóa chất không đạt chỉ tiêu kỹ thuật; tham quan phòng thí nghiệm (nếu có); kiểm tra tài liệu.

Kiểm tra tài liệu bao gồm những hạng mục: Tài liệu quy trình công nghệ (sơ đồ tiến trình công nghệ, công suất, sơ đồ công ty, bản đồ nhà máy); nhật ký vận hành nhà máy, hồ sơ các mẻ; hồ sơ kiểm tra chất lượng, kể cả các số liệu phân tích; hồ sơ về kho hàng và vận chuyển (cả bên trong lẫn bên ngoài); các tài liệu về đảm bảo sức khỏe, an toàn và môi trường, gồm Phiếu an toàn hóa chất (MSDS) của các hóa chất, quy trình vận hành chuẩn (SOP), quy định an toàn riêng của cơ sở, quy định về giới hạn tiếp xúc với các hóa chất có trong cơ sở, cảnh báo nguy hại có thể có;

đ) Trong vòng 24 giờ sau khi kết thúc thanh sát, Đoàn thanh sát quốc tế cùng đại diện của cơ sở và Cơ quan Quốc gia Việt Nam xem xét lại kết quả thanh sát ban đầu do Đoàn thanh sát quốc tế đưa ra và làm rõ các nội dung còn nghi ngờ (nếu có). Kết quả ban đầu được thể hiện trong dự thảo Báo cáo sơ bộ về cuộc thanh sát được ký giữa đại diện của cơ sở và Cơ quan Quốc gia Việt Nam với Trưởng Đoàn thanh sát quốc tế.

3. Đối với cơ sở hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2

a) Trong thời gian tiến hành cuộc thanh sát ban đầu sẽ diễn ra các cuộc đàm phán giữa Đoàn thanh sát quốc tế và Cơ quan Quốc gia Việt Nam thống nhất về nội dung dự thảo thỏa thuận liên quan đến việc thanh sát tại các cơ sở để trình Tổ chức Công ước và Chính phủ Việt Nam ký kết;

b) Việc thanh sát lại cơ sở hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2 thực hiện như thanh sát đối với cơ sở hóa chất Bảng 3 và cơ sở hóa chất DOC, DOC-PSF quy định tại điểm b khoản 17 Điều 4 Nghị định này.

4. Thanh sát đột xuất

a) Thanh sát đột xuất nhằm làm sáng tỏ cáo buộc của một quốc gia thành viên về việc vi phạm quy định Công ước Cấm vũ khí hóa học tại một cơ sở hóa chất thuộc diện kiểm soát của một quốc gia thành viên khác;

b) Thời gian thông báo quyết định thanh sát đột xuất: Không dưới 12 giờ trước khi tới địa điểm nhập cảnh. Thời gian tiến hành thanh sát tại cơ sở không quá 84 giờ, trừ khi được kéo dài theo thỏa thuận với quốc gia bị thanh sát.

Điều 33. Ưu đãi và miễn trừ

1. Trong thời gian thực hiện việc thanh sát tại Việt Nam, thành viên của Đoàn thanh sát quốc tế được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao theo quy định về các đặc quyền ưu đãi và miễn trừ của Liên hợp quốc năm 1946.

2. Mẫu vật, thiết bị thuộc danh mục thiết bị được Hội nghị các Quốc gia thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa học phê chuẩn do Đoàn thanh sát quốc tế mang vào Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ thanh sát thì được miễn báo cáo và kiểm tra hải quan; được miễn thuế nhập khẩu, xuất khẩu.

 

Mục 2

THANH TRA, KIỂM TRA

 

Điều 34. Thanh tra

1. Thanh tra các hoạt động liên quan đến việc thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Thanh tra đột xuất dựa trên những căn cứ sau đây:

a) Thông qua công tác quản lý của mình, cơ quan có thẩm quyền phát hiện các thông tin, tài liệu có dấu hiệu vi phạm các quy định của Công ước Cấm vũ khí hóa học, quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan;

b) Có tin báo, tố giác về các hoạt động vi phạm.

Điều 35. Kiểm tra

1. Định kỳ hàng năm, Cơ quan Quốc gia Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện kiểm tra đối với các cơ sở hóa chất Bảng và hóa chất DOC, DOC-PSF.

2. Đối tượng được kiểm tra gồm các cơ sở hóa chất Bảng và hóa chất DOC, DOC - PSF được quy định tại Điều 27 Nghị định này.

3. Kiểm tra nhằm các mục đích sau đây:

a) Các đối tượng được kiểm tra tuân thủ đầy đủ các quy định của Phụ lục Kiểm chứng của Công ước Cấm vũ khí hóa học;

b) Nâng cao năng lực chuyên môn cho các đối tượng được kiểm tra, chuẩn bị đón tiếp các Đoàn thanh sát quốc tế của Tổ chức Công ước;

c) Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Công ước Cấm vũ khí hóa học đến các đối tượng được kiểm tra. 

 

Chương V

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ

THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC CẤM VŨ KHÍ HOÁ HỌC

Điều 36. Trách nhiệm của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ

1. Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Công Thương là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Công Thương thực hiện các nội dung sau:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học;

b) Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, gia hạn, thu hồi theo thẩm quyền Giấy phép sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3; tiếp nhận hồ sơ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng 1;

c) Quản lý việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, chế biến, sử dụng, tàng trữ hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học;

d) Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, chế biến, sử dụng, tàng trữ hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học; 

đ) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Công ước Cấm vũ khí hóa học và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;

e) Chủ trì thực hiện hợp tác quốc tế trong khuôn khổ của Công ước Cấm vũ khí hóa học.

3. Bộ Quốc phòng quản lý đạn dược, thiết bị tại điểm b và c khoản 1 Điều 4 Nghị định này; thực hiện việc quản lý, thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến Công ước Cấm vũ khí hóa học trong các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

4. Bộ Công an quản lý chất chống bạo loạn tại khoản 5 Điều 4 Nghị định này; thực hiện việc quản lý, thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến Công ước Cấm vũ khí hóa học trong các đơn vị thuộc Bộ Công an.

5. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp trong việc cấp thị thực nhập cảnh cho thanh sát viên và trợ lý thanh sát của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học phù hợp các quy định của pháp luật Việt Nam.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với thiết bị phát sóng vô tuyến điện của Tổ chức Công ước thuộc Danh mục thiết bị thanh sát với các yêu cầu về vận hành và thông số kỹ thuật được phê duyệt bởi Hội nghị các Quốc gia thành viên, để đảm bảo thông tin liên lạc nội bộ trong thời gian Tổ chức Công ước tiến hành hoạt động thanh sát tại Việt Nam.

Điều 37. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Phối hợp với Cơ quan Quốc gia Việt Nam tiếp đón Đoàn thanh sát quốc tế đối với các cơ sở hóa chất Bảng và hóa chất DOC, DOC - PSF.

2. Phối hợp với Bộ Công Thương trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về hoạt động hóa chất Bảng, hóa chất DOC, DOC - PSF đối với các đơn vị được cấp phép tại địa phương theo quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý. 

3. Phối hợp với Bộ Công Thương tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý hóa chất Bảng, hóa chất DOC, DOC - PSF tại địa phương theo quy định của pháp luật.

4. Tiếp nhận báo cáo định kỳ của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng, tồn trữ hóa chất Bảng và sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF tại địa phương.

 

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 38. Quy định chuyển tiếp

1. Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành tiếp tục được sử dụng cho đến khi hết hạn ghi trong Giấy phép.

2. Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp đối với 03 hóa chất: Arsenic trichloride, Cyanogen chloride, Hydrogen cyanide được cấp trước khi Nghị định này có hiệu lực, được tiếp tục sử dụng trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện đối với các hóa chất được bãi bỏ theo khoản 3 Điều 5 Nghị định này, được cấp trước khi Nghị định này có hiệu lực, được tiếp tục sử dụng trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

4. Thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu đối với các hóa chất phải khai báo được bãi bỏ theo khoản 4 Điều 5 Nghị định này, được thực hiện trước khi Nghị định này có hiệu lực, tiếp tục có giá trị cho đến khi thực hiện xong thủ tục nhập khẩu.

5. Cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng rà soát để hoàn thiện điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng quy định tại Nghị định này và phải đăng ký cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

6. Các quy định về báo cáo hoá chất Bảng, hóa chất DOC, DOC - PSF quy định tại mục c, khoản 2 các Điều 23, 24, 25, 26 Nghị định này thông qua Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia được áp dụng kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2025.

Điều 39. Điều khoản tham chiếu

Trong trường hợp các văn bản được viện dẫn trong Nghị định này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì áp dụng theo văn bản mới.

Điều 40. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 5 năm 2024.

2. Nghị định này thay thế các văn bản quy phạm pháp luật; điểm, khoản, điều của các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

a) Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;

b) Điều 9, điểm a khoản 2 Điều 47 Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;

c) Điều 12 và 13 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;

d) Điều 6 và 7 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

3. Bãi bỏ Quyết định số 76/2002/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí hoá học và phá huỷ các loại vũ khí này (Công ước Cấm vũ khí hoá học).

Điều 41. Tổ chức thực hiện

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Trần Lưu Quang

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.