• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 16/08/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 16/08/2008
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ NỘI VỤ
Số: 21/2004/TTLT/BGD-BNV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Thọ, ngày 23 tháng 7 năm 2004

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức

 của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở địa phương

Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

Liên bộ Giáo dục và đào tạo - Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở địa phương như sau:

I. SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

1. Vị trí và chức năng

Sở Giáo dục và đào tạo là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân tỉnh) tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo (trừ đào tạo nghề) trong phạm vi địa phương; về các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Sở Giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Sở Giáo dục và đào tạo chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Giáo dục và đào tạo.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn

2.1. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị về quản lý lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý của địa phương và phân cấp của Bộ Giáo dục và đào tạo; chịu trách nhiệm về nội dung các văn bản đã trình.

2.2. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh chương trình, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, dự án phát triển giáo dục và đào tạo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2.3. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định việc phân công, phân cấp hoặc ủy quyền quản lý giáo dục, đào tạo cho Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) và các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật.

2.4. Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo ở địa phương; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về giáo dục và đào tạo.

2.5. Về quản lý trường học

2.5.1. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quy hoạch mạng lưới các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, trường bổ túc văn hóa, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và các trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh.

2.5.2. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh mức thu học phí cụ thể trên địa bàn tỉnh để Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm kiểm tra việc thu chi học phí trên địa bàn.

2.5.3. Chịu trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra và phát huy quyền tự chủ hoạt động của các trường: trường cao đẳng sư phạm, trường trung học chuyên nghiệp khối sư phạm, trường trung học phổ thông, trường bổ túc văn hóa, trường phổ thông dân tộc nội trú, trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh, trường cán bộ quản lý giáo dục tỉnh (nếu có), trung tâm giáo dục kỹ thuật - hướng nghiệp, trường, lớp, cơ sở bồi dưỡng, đào tạo tại chức, trường, lớp dành cho người tàn tật, trường, cơ sở thực hành sư phạm và các trường học khác theo quy định của pháp luật và theo ủy quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

2.5.4. Trỉnh Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các quy định về thành lập, sáp nhập, chia tách, đình chỉ hoạt động, giải thể các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non; chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra Uỷ ban nhân dân huyện, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực thuộc huyện (sau đây gọi chung là xã) triển khai thực hiện sau khi được ban hành.

2.5.5. Thẩm định và chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định các đề án, hồ sơ thành lập, sáp nhập, chia tách, đình chỉ hoạt động, giải thể các trường trung học phổ thông trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

2.5.6. Quản lý, chỉ đạo công tác tuyển sinh, thi cử, xét duyệt, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy chế của Bộ Giáo dục và đào tạo; cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

2.5.7. Quản lý, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện mục tiêu, chương trình nội dung kế hoạch và các hoạt động giáo dục đối với các trường, các cơ sở giáo dục đào tạo được Uỷ ban nhân dân tỉnh phân cấp ủy quyền cho Sở quản lý theo điều lệ, quy chế, tiêu chuẩn, định mức và các quy định của Nhà nước, của Bộ Giáo dục và đào tạo.

2.6. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Uỷ ban nhân dân tỉnh việc cấp phép hoạt động của các tổ chức dịch vụ du học tự túc trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra hoạt động của tổ chức này theo quy định của pháp luật và phân công của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.

2.7. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành giáo dục và đào tạo ở địa phương theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

2.8. Chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị sự nghiệp giáo dục trực thuộc lập kế hoạch biên chế; tổng hợp và lập kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục toàn tỉnh theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quản lý biên chế.

2.9. Tổ chức lập dự toán ngân sách giáo dục hàng năm của tỉnh gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư, lập dự toán chi các chương trình, mục tiêu quốc gia theo quy định của pháp luật. Sau khi được Uỷ ban dân nhân tỉnh giao dự toán ngân sách, phối hợp với Sở Tài chính phân bổ và giao dự toán chi ngân sách, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.

2.10. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh về chương trình, biện pháp và tổ chức thực hiện cải cách hành chính nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn; giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện xã hội hóa hoạt động giáo dục và đào tạo ở địa phương; hướng dẫn, kiểm tra cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở địa phương theo quy định của pháp luật.

2.11. Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện về chuyên môn, nghiệp vụ đối với Phòng Giáo dục và đào tạo, các trường, các cơ sở giáo dục và đào tạo trực thuộc các Sở, ngành khác.

2.12. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và Uỷ ban nhân dân huyện và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn.

2.13. Tổ chức ứng dụng các kinh nghiệm, thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến trong giáo dục, tổng kết kinh nghiệm, sáng kiến của địa phương; quản lý, chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ trong các trường, các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở quản lý.

2.14. Hướng dẫn, chỉ đạo phong trào thi đua, xây dựng và nhân điển hình tiên tiến về giáo dục trên địa bàn tỉnh.

2.15. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các quy định về bảo quản, sử dụng tài sản và cơ sở vật chất trường học, công tác phát hành sách giáo khoa, ấn phẩm giáo dục, thiết bị, thí nghiệm và các phương tiện giáo dục khác; chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy định đó sau khi đã ban hành.

2.16. Thực hiện hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật và phân công của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

2.17. Thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Sở theo quy định của pháp luật.

2.18. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao với Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Giáo dục và đào tạo.

2.19. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật và phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục thuộc địa phương quản lý.

2.20. Quản lý tài chính, tài sản được giao và thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

2.21. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.

3. Tổ chức và biên chế

3.1. Lãnh đạo Sở

Sở Giáo dục và đào tạo có Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc. Đối với các tỉnh có trên 40.000 cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo thì có không quá 4 Phó Giám đốc.

Giám đốc Sở chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở; Phó Giám đốc chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

Việc bổ nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Giáo dục và đào tạo quy định và theo các quy định của Nhà nước về quản lý cán bộ.

Việc khen thưởng, miễn nhiệm, kỷ luật Giám đốc, Phó Giám đốc Sở thực hiện theo quy định của pháp luật.

3.2. Cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và đào tạo:

a. Văn phòng.

b. Thanh tra.

c. Các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ.

d. Các đơn vị sự nghiệp.

Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ được thành lập theo nguyên tắc bảo đảm bao quát đầy đủ các lĩnh vực, cấp bậc, bậc học, ngành học thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở, có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, không chồng chéo, phù hợp với đặc điểm quản lý và khối lượng công việc thực tế ở địa phương, nâng cao hiệu quả và phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính.

Căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm cụ thể của từng địa phương, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể tên gọi số phòng chuyên môn, nghiệp vụ nhưng không vượt quá 08 phòng (đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có dân số trên 2 triệu người) và không quá 07 phòng đối với các tỉnh còn lại.

Các đơn vị sự nghiệp của Sở do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.

Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Sở.

3.3. Biên chế của Sở Giáo dục và đào tạo:

Căn cứ vào khối lượng, tính chất và đặc điểm cụ thể công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định biên chế của Sở Giáo dục và đào tạo theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo và Giám đốc Sở Nội vụ.

Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của Sở phải phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức của nhà nước theo quy định của pháp luật.

II. PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

1. Vị trí, chức năng

Phòng Giáo dục và đào tạo là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo (trừ đào tạo nghề) tại địa phương; về các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của phòng theo quy định của pháp luật; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo ủy quyền của Uỷ ban nhân dân huyện.

Phòng Giáo dục và đào tạo chịu sự chỉ đạo quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Uỷ ban nhân dân huyện; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Giáo dục và đào tạo.

2. Nhiệm vụ quyền hạn

2.1. Trình Uỷ ban nhân dân huyện các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, pháp luật, các quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở Giáo dục và đào tạo về hoạt động giáo dục trên địa bàn và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện sau khi được ban hành.

2.2. Trình Uỷ ban nhân dân huyện quyết định kế hoạch 5 năm, hàng năm và chương trình cải cách hành chính nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2.3. Về quản lý giáo dục phổ thông, mầm non

2.3.1. Trình Uỷ ban nhân dân huyện về quy hoạch mạng lưới các trường trung học cơ sở, trường tiểu học, trường mầm non, trường mẫu giáo và cơ sở giáo dục mầm non trong huyện.

2.3.2. Thẩm định và chịu trách nhiệm nội dung thẩm định các đề án, hồ sơ thành lập, sáp nhập, chia tách, đình chỉ hoạt động giải thể các trường trung học cơ sở, trường tiểu học, trường mầm non, trường mẫu giáo và cơ sở giáo dục mầm non trong huyện trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện quyết định.

2.3.3. Hướng dẫn kiểm tra Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục trên địa bàn xã; việc thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể, đình chỉ hoạt động các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện theo quy định của pháp luật.

2.3.4. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục trên địa bàn huyện theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh và phân công của Uỷ ban nhân dân huyện; chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về tiêu chuẩn giáo viên, quy chế thi cử, cấp phát văn bằng chứng chỉ theo quy định của pháp luật.

2.4. Hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc phạm vi quản lý của huyện xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm. Tổng hợp kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục hàng năm để Uỷ ban nhân dân huyện trình cấp có thẩm quyền quyết định; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục thuộc địa phương quản lý.

2.5. Tổ chức lập dự toán ngân sách giáo dục, dự toán chi các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm về giáo dục của huyện gửi cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân huyện theo quy định của pháp luật. Sau khi được giao dự toán ngân sách, phối hợp với cơ quan đó phân bổ ngân sách giáo dục, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.

2.6. Tổ chức thực hiện công tác phổ cập giáo dục và tổ chức thực hiện xã hội hóa các hoạt động giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện và Sở Giáo dục và đào tạo.

2.7. Tổ chức ứng dụng các kinh nghiệm, thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong giáo dục, tổng kết kinh nghiệm, sáng kiến của địa phương; hướng dẫn, chỉ đạo phong trào thi đua của ngành, xây dựng và nhân điển hình tiên tiến về giáo dục trên địa bàn huyện.

2.8. Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra và thanh tra việc thi hành pháp luật về lĩnh vực giáo dục và đào tạo; giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2.9. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao với Uỷ ban nhân dân huyện và Sở Giáo dục và đào tạo.

2.10. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức và tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Uỷ ban nhân dân huyện;

2.11. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện giao.

3. Tổ chức và biên chế

Phòng Giáo dục và đào tạo có 1 Trưởng phòng và không quá 2 Phó Trưởng phòng. Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân huyện và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của phòng.

Phó Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công. Việc bổ nhiệm Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện quyết định theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định và theo các quy định của Nhà nước về quản lý cán bộ.

Việc khen thưởng, miễn nhiệm, kỷ luật Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng giáo dục và đào tạo thực hiện theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào khối lượng công việc và đặc điểm cụ thể của địa phương, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo xây dựng phương án trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định cụ thể về biên chế của Phòng Giáo dục và đào tạo huyện trong tổng biên chế hành chính huyện; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện quyết định nhiệm vụ cụ thể của Phòng Giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 41/TTLB ngày 14/8/1991 của Liên Bộ Giáo dục và đào tạo và Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ).

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc các tỉnh cần phản ánh kịp thời về Bộ Giáo dục và đào tạo và Bộ Nội vụ nghiên cứu giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ trưởng Bộ Nội vụ

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Minh Hiển

Đỗ Quang Trung

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.