• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 04/01/2005
CHÍNH PHỦ
Số: 206/2004/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Thọ, ngày 14 tháng 12 năm 2004

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Quy định quản lý lao động, tiền lương và thu nhập

trong các công ty nhà nước

 

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

 

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi áp dụng các quy định quản lý lao động, tiền lương và thu nhập tại Nghị định này, bao gồm:

1. Công ty nhà nước:

Tổng công ty nhà nước;

Công ty nhà nước độc lập.

2. Công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập.

Các Tổng công ty, công ty nêu trên được gọi tắt là công ty.

Điều 2. Đối tượng áp dụng, bao gồm người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng (không kể Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng).

Điều 3. Quản lý lao động

1. Căn cứ vào khối lượng, chất lượng, yêu cầu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, hàng năm công ty xác định kế hoạch sử dụng lao động và đăng ký với đại diện chủ sở hữu trước khi thực hiện;

2. Trên cơ sở kế hoạch sử dụng lao động đã đăng ký, công ty trực tiếp tuyển dụng theo quy chế tuyển dụng lao động của công ty và ký kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động;

3. Hàng năm công ty có trách nhiệm đánh giá kế hoạch sử dụng lao động và giải quyết chế độ đối với lao động không có việc làm theo quy định của pháp luật lao động.

Điều 4. Công ty được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm không quá 2 lần so với mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định để làm cơ sở tính đơn giá tiền lương. Khi áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm này công ty phải bảo đảm đủ các điều kiện:

1. Nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

2. Mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân;

3. Lợi nhuận kế hoạch không thấp hơn so với lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

Điều 5. Việc xây dựng đơn giá tiền lương và quản lý tiền lương của các công ty phải bảo đảm các quy định sau đây:

1. Đơn giá tiền lương được xây dựng trên cơ sở định mức lao động tiên tiến và thông số tiền lương phù hợp với các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này.

2. Đơn giá tiền lương phải đăng ký với đại diện chủ sở hữu trước khi thực hiện.

Đối với công ty hạng đặc biệt và công ty thực hiện hoạt động công ích có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân thì đơn giá tiền lương do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Quỹ tiền lương thực hiện được xác định theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động, lợi nhuận thực hiện và trả lương cho người lao động theo quy chế trả lương của công ty.

Điều 6. Chế độ tiền thưởng

1. Quỹ thưởng từ quỹ khen thưởng của công ty được xác định theo quy định tại Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác;

2. Tiền thưởng đối với người lao động được thực hiện theo quy chế thưởng của công ty.

Điều 7. Tổng giám đốc, Giám đốc công ty có trách nhiệm:

1. Quý I hàng năm, xây dựng kế hoạch lợi nhuận; kế hoạch sử dụng lao động; đơn giá tiền lương và đăng ký với đại diện chủ sở hữu. Đồng thời gửi cho cơ quan thuế tại địa phương đơn giá tiền lương để làm căn cứ tính thuế;

2. Xác định quỹ tiền lương thực hiện, quỹ tiền thưởng của công ty;

3. Xây dựng định mức lao động; tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân; tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức, nhân viên; quy chế nâng ngạch, nâng bậc lương; quy chế trả lương, quy chế thưởng theo quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, công bằng, minh bạch, khuyến khích những người có tài năng, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, có năng suất lao động cao đóng góp nhiều cho công ty;

4. Củng cố tổ chức bộ máy và tăng cường đủ số lượng, chất lượng viên chức làm công tác lao động, tiền lương của công ty theo quy định của đại diện chủ sở hữu;

5. Quý I hàng năm, báo cáo đại diện chủ sở hữu và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương kết quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, lao động, tiền lương, tiền thưởng năm trước năm kế hoạch của công ty.

Điều 8. Đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm:

1. Hội đồng quản trị công ty:

a) Thông qua kế hoạch lợi nhuận; kế hoạch sử dụng lao động; định mức lao động; đơn giá tiền lương; tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân; tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức, nhân viên; quy chế nâng ngạch, nâng bậc lương, quỹ tiền lương, tiền thưởng và quy chế trả lương, quy chế thưởng của công ty;

b) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Nghị định này;

c) Báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính về đơn giá tiền lương đối với công ty hạng đặc biệt và công ty thực hiện hoạt động công ích có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân;

d) Quyết định tổ chức bộ máy, biên chế viên chức làm công tác lao động, tiền lương của công ty;

đ) Quý I hàng năm, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Bộ quản lý ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, lao động, tiền lương, tiền thưởng năm trước năm kế hoạch của công ty.

2. Các Bộ quản lý ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Tiếp nhận đăng ký kế hoạch lợi nhuận; kế hoạch sử dụng lao động; đơn giá tiền lương; quy chế trả lương, quy chế thưởng và báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, lao động, tiền lương, tiền thưởng năm trước năm kế hoạch của công ty thuộc quyền quản lý;

b) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Nghị định này;

c) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính thẩm định đơn giá tiền lương đối với công ty hạng đặc biệt và công ty thực hiện hoạt động công ích có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân;

d) Quý I hàng năm, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận, lao động, tiền lương, tiền thưởng năm trước năm kế hoạch của các công ty thuộc quyền quản lý.

Điều 9. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn phương pháp xây dựng định mức lao động; tiêu chuẩn cấp bậc kĩ thuật công nhân; tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức, nhân viên; năng suất lao động; tiền lương bình quân; đơn giá tiền lương và quy chế trả lương, quy chế thưởng của công ty;

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định đơn giá tiền lương đối với các công ty hạng đặc biệt và công ty thực hiện hoạt động công ích có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Điều 10. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 28/CP ngày 28 tháng 3 năm 1997 và Nghị định số 03/2001/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ về đổi mới quản lý tiền lương và thu nhập trong các doanh nghiệp nhà nước.

Các quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2005.

Điều 11. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.